Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1815/BGTVT-KCHT
V/v: Tiếp tục thực hiện Quy chế phối hợp đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt.

Hà Nội, ngày 09 tháng 02 năm 2015

 

Kính gửi:

- UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua;
- Tổng cục Đường bộ Việt Nam;
- Cục Đường sắt Việt Nam;
- Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Ngày 10 tháng 01 năm 2015, tại tp. Đà Nẵng, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức Hội nghị sơ kết 01 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt (sau đây gọi tắt là Quy chế phối hợp).

Hội nghị thống nhất đánh giá các vụ tai nạn giao thông đường sắt thường hay xảy ra tại các giao cắt cùng mức giữa đường bộ và đường sắt. Do đó, Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua sẽ ưu tiên mọi nguồn lực để giảm dần số lượng các giao cắt cùng mức giữa đường bộ và đường sắt, hạn chế tối đa việc mở lối đi mới qua đường sắt. Nhằm đảm bảo triển khai thực hiện Quy chế phối hợp kể trên đạt được những kết quả tốt hơn, Bộ Giao thông vận tải có ý kiến như sau:

1. Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Lâm Đồng, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, tp. Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương:

- Ủy ban nhân dân các cấp không được cấp đất dọc đường sắt nằm trong hành lang an toàn giao thông đường sắt; việc cấp đất, cho thuê đất dọc theo hành lang an toàn giao thông đường sắt chỉ được thực hiện khi đi liền với giải pháp xây dựng hệ thống đường gom và đường ngang qua đường sắt, đảm bảo an toàn, thông suốt.

- Sở Giao thông vận tải, cơ quan quản lý đường bộ địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời biển báo hiệu đường bộ, vạch dừng, gờ giảm tốc trên phần đường bộ do địa phương quản lý tại các đường ngang;

- Chủ trì, phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục tổ chức giải tỏa tầm nhìn cho cả hai phía đường bộ và đường sắt tại các đường ngang, đường dân sinh cắt qua đường sắt;

- Chủ trì, phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục thực hiện đóng các lối đi dân sinh; thu hẹp lối đi dân sinh để hạn chế các phương tiện cơ giới đường bộ qua lại (ô tô, mô tô 3 bánh);

- Tiếp tục tổ chức cảnh giới hoặc chốt gác tại các lối đi dân sinh tiềm ẩn xảy ra tai nạn giao thông.

2. Tổng cục Đường bộ Việt Nam:

 Rà soát, bổ sung, điều chỉnh kịp thời biển báo hiệu đường bộ, vạch dừng, gờ giảm tốc trên các quốc lộ tại các đường ngang theo đề nghị của các địa phương;

- Tiếp tục chỉ đạo trong việc mở rộng đường bộ và nâng cao độ mặt đường quốc lộ tại khu vực đường ngang đảm bảo yêu cầu quy định của Thông tư số 33/2012/TT-BGTVT ngày 15 tháng 8 năm 2012 cùa Bộ Giao thông vận tải;

- Chỉ đạo các Cục quản lý đường bộ cử lực lượng chức năng tham gia hỗ trợ để điều tiết và hướng dẫn giao thông khi cần thiết.

3. Cục Đường sắt Việt Nam:

- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Cảnh sát giao thông trong việc thực hiện Quy chế phối hợp nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường sắt;

- Chỉ đạo Thanh tra Đường sắt phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông, chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý kịp thời, triệt để không để phát sinh các vi phạm.

4. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam:

- Xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai Quyết định số 994/QĐ-TTg ; xác định trách nhiệm cụ thể: ngành đường sắt, tỉnh, chính quyền địa phương, hệ thống chính trị xã hội; thứ tự ưu tiên xử lý để giải quyết vấn đề hành lang đường sắt, đường ngang, lối đi dân sinh;

- Tiếp tục tổ chức rà soát, bổ sung biển báo “ CHÚ Ý TÀU HỎA” tại các lối đi dân sinh tiềm ẩn xảy ra tai nạn giao thông;

- Hướng dẫn nghiệp vụ về an toàn giao thông đường sắt cho người được địa phương cử ra làm nhiệm vụ cảnh giới hoặc chốt gác, lắp máy điện thoại, cung cấp giờ tàu tại các điểm do địa phương tổ chức cảnh giới, chốt gác theo đúng các quy định tại Thông tư số 08/2014/TT-BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2014 của Bộ Giao thông vận tải;

- Là đầu mối theo dõi tình hình thực hiện, định kỳ 6 tháng/ lần báo cáo Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua.

5. Giao Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, đôn đốc việc xử lý đường ngang, lối đi dân sinh tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt tiềm ẩn tai xảy nạn giao thông trên mạng đường sắt quốc gia.

Đề nghị các cơ quan, đơn vị khẩn trương thực hiện nhiệm vụ được giao./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Chủ tịch UBATGTQG (báo cáo);
- Các Thứ trưởng Bộ GTVT;
- Văn phòng UBATGTQG;
- Ban ATGT các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua;
- Các sở GTVT có đường sắt đi qua;
- Vụ ATGT;
- Lưu: VT, KCHT(3).

BỘ TRƯỞNG
PHÓ CHỦ TỊCH TT ỦY BAN ATGTQG




Đinh La Thăng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1815/BGTVT-KCHT năm 2015 tiếp tục thực hiện Quy chế phối hợp đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt do Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 1815/BGTVT-KCHT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 09/02/2015
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Đinh La Thăng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản