Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
QUỐC HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Luật số: /2018/QH14 |
|
DỰ THẢO |
|
LUẬT
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ, LUẬT GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA, BỘ LUẬT HÀNG HẢI VIỆT NAM VÀ LUẬT ĐƯỜNG SẮT
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Bộ luật Hàng hải Việt Nam và Luật Đường sắt.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Giao thông đường bộ
1. Sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 3 như sau:
“3. Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gồm công trình đường bộ, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trung tâm sát hạch lái xe, trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đường bộ, hệ thống quản lý giao thông và các công trình phụ trợ khác của đường bộ phục vụ giao thông và hành lang an toàn đường bộ.”
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 như sau:
“ Điều 6. Quy hoạch về giao thông vận tải đường bộ
1. Quy hoạch về giao thông vận tải đường bộ gồm quy hoạch mạng lưới đường bộ và quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
2. Quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia là quy hoạch ngành quốc gia bao gồm hệ thống đường quốc lộ và hệ thống đường cao tốc. Quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia xác định phương hướng phát triển, phân bố và kết nối hệ thống giao thông vận tải đường bộ, kết nối với các phương thức vận tải khác và xác định nguồn lực thực hiện.
3. Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ quốc gia là quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, xác định quan điểm, mục tiêu, quy mô phát triển của mạng lưới đường bộ quốc gia; phương án phát triển trên phạm vi cả nước; định hướng bố trí sử dụng đất, các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn sinh thái; xác định danh mục dự án xây dựng công trình đường bộ quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư và thứ tự ưu tiên thực hiện; giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch.
Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ quốc gia bao gồm quy hoạch công trình đường bộ quốc gia; quy hoạch các công trình kết cấu hạ tầng khác phục vụ giao thông vận tải trên mạng lưới đường bộ quốc gia gồm bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trung tâm sát hạch lái xe, trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đường bộ, hệ thống quản lý giao thông và các công trình phụ trợ khác của đường bộ phục vụ giao thông đường bộ.
4. Quy hoạch về hệ thống đường bộ địa phương gồm đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị và các công trình kết cấu hạ tầng khác phục vụ giao thông đường bộ địa phương nằm trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.
5. Việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố quy hoạch và các nội dung khác liên quan đến quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia thực hiện theo Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14.
Việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố quy hoạch và các nội dung khác liên quan đến quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ quốc gia thực hiện theo quy định của Chính phủ và các quy định của pháp luật có liên quan.
3. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 42 như sau:
“ 1. Quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được xác định tại quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định và quản lý quỹ đất dành cho dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy hoạch đã được phê duyệt.”
4. Sửa đổi Khoản 2 Điều 46 như sau:
“2. Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia, quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tuân thủ trình tự quản lý đầu tư xây dựng và các quy định khác của pháp luật; bảo đảm quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật, cảnh quan, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học.”
5. Sửa đổi Khoản 3 Điều 64 như sau:
“3. Hoạt động vận tải đường bộ phải phù hợp với quy hoạch về giao thông vận tải đường bộ và mạng lưới tuyến vận tải.”
Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa số 23/2004/QH11 được sửa đổi, bổ sung lần 1 năm 2014
1. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 3 như sau:
“3. Hoạt động giao thông đường thủy nội địa gồm hoạt động của người, phương tiện tham gia giao thông vận tải trên đường thủy nội địa; hoạt động quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, đầu tư xây dựng, khai thác, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; hoạt động tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ giao thông đường thủy nội địa và quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa.”.
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 10 như sau:
“Điều 10. Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa
1. Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa phải căn cứ vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh và phải phù hợp với quy hoạch quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia có liên quan.
Các ngành, địa phương khi lập quy hoạch, dự án xây dựng công trình có liên quan đến giao thông đường thủy nội địa, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về giao thông đường thủy nội địa, trừ các công trình phòng, chống thiên tai, bảo vệ đê.
2. Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng nội dung phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa địa phương phải phù hợp với quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa và quy hoạch vùng.
4. Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa. Bộ Giao thông vận tải công bố quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.”
3. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 13 như sau:
“3. Việc xây dựng cảng, bến thủy nội địa phải phù hợp với quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa và tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan.
Tổ chức, cá nhân có nhu cầu xây dựng cảng, bến thủy nội địa phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về giao thông đường thủy nội địa”.
4. Sửa đổi khoản 4 Điều 99 như sau:
“4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông đối với tàu cá và hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản trên đường thủy nội địa.”
5. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 100 như sau:
“2.Tổ chức thực hiện quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thuộc phạm vi trách nhiệm của địa phương.”
Điều 3. Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam
1. Sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 7 như sau:
“2. Ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải thông qua chính sách ưu tiên trong quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành và thu hút nguồn vốn đầu tư xây dựng, khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải”.
2. Sửa đổi, bổ sung Khoản 12 Điều 12 như sau:
“12. Xây dựng và khai thác trái phép các công trình cảng biển, công trình khác trong phạm vi quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành đã được phê duyệt, trong luồng hàng hải và phạm vi bảo vệ công trình hàng hải”.
3. Sửa đổi, bổ sung Điều 44 như sau:
“Điều 44. Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tàu thủy
1. Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tàu thủy phải căn cứ vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; quy hoạch phát triển công nghiệp phụ trợ và xu thế phát triển hàng hải thế giới.
2. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm:
a) Xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; nội dung đào tạo, dạy nghề phục vụ ngành công nghiệp tàu thủy;
b) Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đóng mới và sửa chữa tàu biển;
c) Việc đầu tư xây dựng cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu biển phải phù hợp với quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tàu thủy, quy định của pháp luật về đấu thầu, xây dựng, đầu tư và các pháp luật có liên quan;
d) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm dành quỹ đất thích hợp tại địa phương phục vụ phát triển công nghiệp tàu thủy theo quy hoạch”.
4. Sửa đổi Điều 46 như sau:
“Điều 46. Quy hoạch cơ sở phá dỡ tàu biển
1. Quy hoạch cơ sở phá dỡ tàu biển phải căn cứ vào điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có và bảo vệ môi trường;
2. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở phá dỡ tàu biển.
3. Việc đầu tư xây dựng cơ sở phá dỡ tàu biển phải phù hợp với quy hoạch và phải bảo đảm an toàn, phòng chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường”.
5. Sửa đổi Khoản 1 Điều 48 như sau:
“1. Cơ sở phá dỡ tàu biển là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm được xây dựng và hoạt động phù hợp với quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành đã được phê duyệt”.
6. Sửa đổi Điều 81 như sau:
“Điều 81. Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển
1. Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển phải căn cứ vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; nhu cầu và nguồn lực; quy hoạch phát triển giao thông vận tải, các ngành khác, địa phương và xu thế phát triển hàng hải thế giới.
2. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển.
3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành bao gồm: quy hoạch chi tiết cảng biển, quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn, quy hoạch phát triển hệ thống thông tin duyên hải, quy hoạch phát triển vận tải biển, quy hoạch các khu neo đậu tránh trú bão, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tàu thủy, quy hoạch cơ sở phá dỡ tàu thuyền”.
7. Sửa đổi, bổ sung Điều 82 như sau:
“Điều 82. Trách nhiệm lập và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển
1. Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải:
a) Tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, kiến nghị điều chỉnh quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt;
b) Công bố công khai và tổ chức hướng dẫn, kiểm tra thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt.
2. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
a) Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tổ chức quản lý quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển theo quy định của Bộ luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
b) Bảo đảm quỹ đất, vùng nước để xây dựng phát triển hệ thống cảng biển theo quy hoạch đã được phê duyệt”.
8. Sửa đổi, bổ sung Điểm đ khoản 1 Điều 126 như sau:
“đ. Đối với công trình hàng hải phần trên không, phần dưới mặt đất, phạm vi bảo vệ được xác định cụ thể đối với từng công trình trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, quy chuẩn kỹ thuật và quy định có liên quan của pháp luật”.
Điều 4. Sửa đổi, bố sung một số Điều của Luật Đường sắt
1. Sửa đổi, bổ sung Điều 7 như sau:
“Điều 7. Quy hoạch mạng lưới đường sắt
1. Quy hoạch mạng lưới đường sắt là cơ sở định hướng đầu tư, phát triển, khai thác mạng lưới đường sắt.
2. Quy hoạch mạng lưới đường sắt bao gồm các nội dung về kết cấu hạ tầng đường sắt và cơ sở công nghiệp đường sắt.
3. Yêu cầu đối với quy hoạch mạng lưới đường sắt:
a) Bảo đảm kết nối liên vùng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và hội nhập quốc tế;
b) Gắn kết giữa phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt với phát triển phương tiện, dịch vụ vận tải và công nghiệp đường sắt theo hướng tiên tiến, hiện đại, an toàn;
c) Bảo đảm kết nối phương thức vận tải đường sắt với các phương thức vận tải khác để tạo nên hệ thống giao thông vận tải đồng bộ, bền vững, an toàn, hiệu quả và ít tác động tiêu cực tới môi trường;
d) Nghiên cứu nội dung về phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt khi lập quy hoạch đô thị đặc biệt, đô thị loại I, cảng hàng không quốc tế đầu mối, cảng biển đặc biệt và cảng biển loại I.
4. Tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt:
a) Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch tuyến đường sắt quốc gia, ga đường sắt quốc gia trong đô thị loại III trở lên, ga đầu mối đường sắt quốc gia, ga liên vận quốc tế;
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập quy hoạch tỉnh trong đó có nội dung phát triển đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.”
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 27 như sau:
“1. Phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường sắt và chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam theo từng thời kỳ.”
3. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 29 như sau:
“2. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp đường sắt phải phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường sắt và đồng bộ với công nghệ được chuyển giao.”
4. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 70 như sau:
“1. Phát triển đường sắt đô thị phải phù hợp với quy hoạch đô thị, quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng và tạo động lực cho quá trình phát triển đô thị.”
Điều 5. Hiệu lực thi hành
1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày ..... tháng ...... năm ......
2. Chính phủ, các cơ quan, đơn vị trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình hướng dẫn thi hành Luật này.
Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá ......... kỳ họp thứ ............ thông qua ngày .......... tháng .......... năm ..................
| CHỦ TỊCH QUỐC HỘI |
- 1Công điện 02/CĐ-BGTVT năm 2018 về tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông và nâng cao chất lượng bảo trì công trình đường bộ đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT đã đưa vào khai thác do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 2Công văn 1024/VPCP-CN năm 2018 về điều chỉnh kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt theo Quyết định 994/QĐ-TTg do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Thông báo 10/TB-BGTVT năm 2018 về kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông tại Hội nghị về thực hiện Quy chế phối hợp giữa Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 1Hiến pháp 2013
- 2Luật Quy hoạch 2017
- 3Công điện 02/CĐ-BGTVT năm 2018 về tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông và nâng cao chất lượng bảo trì công trình đường bộ đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT đã đưa vào khai thác do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 4Công văn 1024/VPCP-CN năm 2018 về điều chỉnh kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt theo Quyết định 994/QĐ-TTg do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 5Thông báo 10/TB-BGTVT năm 2018 về kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông tại Hội nghị về thực hiện Quy chế phối hợp giữa Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt do Bộ Giao thông vận tải ban hành
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Bộ luật Hàng hải Việt Nam và Luật Đường sắt sửa đổi
- Số hiệu: Đang cập nhật
- Loại văn bản: Luật
- Ngày ban hành: Đang cập nhật
- Nơi ban hành: Đang cập nhật
- Người ký: Đang cập nhật
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra