Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 927/QĐ-UBND-HC

Đồng Tháp, ngày 05 tháng 08 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ TUYỂN CHỌN ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ THẠC SĨ, TIẾN SĨ Ở NƯỚC NGOÀI CỦA TỈNH ĐỒNG THÁP GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Quyết định số 907/QĐ-UBND.HC ngày 06 tháng 10 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2011 - 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tuyển chọn đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài của tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2016 - 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 913/QĐ-UBND.HC ngày 16 tháng 10 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về việc ban hành Quy chế tuyển chọn đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài của tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2012 - 2015.

Điều 3. Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT/TU, TT/HĐND Tỉnh;
- CT và các PCT.UBND Tỉnh;
- Các ban Đảng Tỉnh;
- Mặt trận và các đoàn thể Tỉnh;
- VP Đoàn ĐBQH Tỉnh , VP HĐND Tỉnh;
- Báo Đồng Tháp, Công báo tỉnh;
- Lưu: VP, NC/KGVX. Thg (03 bản).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CH
TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đoàn Tấn Bửu

 

QUY CHẾ

TUYỂN CHỌN ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ THẠC SĨ, TIẾN SĨ Ở NƯỚC NGOÀI CỦA TỈNH ĐỒNG THÁP GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 927/QĐ-UBND-HC ngày 05/8/2016 của y ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định việc tuyển chọn đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài (gọi chung là sau đại học).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

2. Sinh viên có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Đồng Tháp, tốt nghiệp đại học chính quy hoặc thạc sĩ có chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu của tỉnh.

3. Người lao động thuộc các thành phần kinh tế đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Điều 3. Nguyên tắc tuyển chọn

Tuyển chọn đối tượng đào tạo sau đại học ở nước ngoài phải căn cứ theo tiêu chuẩn quy định và quy hoạch cán bộ, kế hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị và địa phương nhằm phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Chương II

CÁC NHÓM NGÀNH ĐÀO TẠO SAU ĐẠI HỌC Ở NƯỚC NGOÀI

Điều 4. Các nhóm ngành đào tạo sau đại học ở nước ngoài

1. Nông nghiệp chất lượng cao, công nghệ sinh học, chăn nuôi thú y, thủy sản, chế biến, khoa học trồng trọt.

2. Quản lý du lịch.

3. Quản lý nguồn nhân lực.

4. Tiếp thị và truyền thông

5. Công nghiệp hỗ trợ.

6. Công nghiệp cơ khí phục vụ cho ngành nông nghiệp.

7. Quản trị doanh nghiệp.

8. Luật thương mại.

Chương III

TIÊU CHUẨN CỦA ĐỐI TƯỢNG ĐÀO TẠO SAU ĐẠI HỌC Ở NƯỚC NGOÀI

Điều 5. Tiêu chuẩn chung

1. Trung thành với Tổ quốc, có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt, nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

2. Đối với sinh viên mới tốt nghiệp đại học: phải có thành tích tốt và hạnh kiểm tốt trong quá trình học tập, có đạo đức, tác phong tốt trong 03 năm liên tục, được nhà trường xác nhận.

3. Đối với cán bộ, công chức, viên chức: phải hoàn thành tốt nhiệm vụ trong công tác và nghiên cứu khoa học, có thời gian công tác từ 03 năm trở lên, được cơ quan xác nhận.

4. Đối với người lao động thuộc các thành phần kinh tế: phải được sự đồng ý của thủ trưởng đơn vị và có xác nhận lý lịch của chính quyền địa phương.

- Có lý lịch rõ ràng.

- Có sức khỏe tốt.

- Có đủ tiêu chuẩn đi nước ngoài theo quy định.

Điều 6. Tiêu chuẩn cụ thể

1. Là công dân Việt Nam, có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Đồng Tháp hoặc tỉnh khác nhưng có nguyện vọng phục vụ lâu dài cho tỉnh Đồng Tháp.

2. Về độ tuổi:

- Đào tạo thạc sĩ: từ 30 tuổi trở xuống đối với sinh viên; nếu là cán bộ, công chức, viên chức thì không quá 35 tuổi.

- Đào tạo tiến sĩ: từ 35 tuổi trở xuống đối với sinh viên; nếu là cán bộ, công chức, viên chức thì không quá 45 tuổi.

3. Về học lực:

- Tốt nghiệp đại học chính quy loại khá trở lên và điểm trúng tuyển đại học bằng điểm sàn đại học của năm trúng tuyển đại học (do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố năm tuyển sinh) + 03 điểm.

4. Về ngoại ngữ: ứng viên có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ IELTS đạt từ 6.0 trở lên hoặc các chứng chỉ TOEIC, TOEFL... có điểm tương đương (không cử đi đào tạo ngoại ngữ trong nước) và đáp ứng theo yêu cầu sát hạch của trường đào tạo nước ngoài.

5. Quy định tại khoản 2 và 3 Điều này không áp dụng đối với các đối tượng là cá nhân thuộc các thành phần kinh tế.

Điều 7. Đối tượng ưu tiên

1. Cán bộ, công chức, viên chức có thành tích được cấp bằng khen hoặc công nhận chiến sĩ thi đua từ cấp tỉnh trở lên.

2. Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động; con, em gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng; con, em gia đình cán bộ, công chức, viên chức có thành tích, cống hiến trong xây dựng, phát triển tỉnh Đồng Tháp.

Chương IV

QUY TRÌNH XÉT TUYỂN CÁN BỘ NGUỒN VÀ CỬ ĐI HỌC Ở NƯỚC NGOÀI

Điều 8. Quy trình xét tuyển và bồi dưỡng cán bộ nguồn

1. Hội đồng Giáo dục và Phát triển nhân lực tỉnh (gọi tắt Hội đồng) sẽ tổ chức kiểm tra hồ sơ của các đối tượng đủ tiêu chuẩn theo Quy chế này (gọi là các ứng viên).

2. Hội đồng sẽ đưa vào danh sách các ứng viên đề xúc tiến hồ sơ cử đi học ở nước ngoài theo quy định.

Điều 9. Cử đi đào tạo sau đại học

1. Các Ứng viên đạt yêu cầu, được cơ sở đào tạo ở nước ngoài đồng ý tiếp nhận thì sẽ được Hội đồng xem xét đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh cử đi đào tạo sau đại học ở nước ngoài theo quy định.

2. Hội đồng sẽ tư vấn về ngành nghề đào tạo, các cơ sở đào tạo có uy tín, chất lượng ở nước ngoài và làm các thủ tục có liên quan cho các đối tượng có nhu cầu đi học nước ngoài thuộc diện tự lực kinh phí hoặc tổ chức, doanh nghiệp đài thọ.

Chương V

QUYỀN LỢI, NGHĨA VỤ VÀ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐƯỢC ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ SAU ĐẠI HỌC Ở NƯỚC NGOÀI

Điều 10. Quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học sau đại học ở nước ngoài

1. Trong thời gian đào tạo:

a) Được hưởng 100% lương đang hưởng, không kể các khoản phụ cấp (nếu là cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh).

b) Thời gian học tập ở nước ngoài được tính thâm niên để nâng bậc lương, khen thưởng theo quy định.

c) Được trợ cấp kinh phí đào tạo theo quy định.

2. Sau khi tốt nghiệp:

a) Được bố trí, sử dụng đúng ngành, nghề đào tạo và được tạo các điều kiện cần thiết để phát huy năng lực, sở trường phù hợp với điều kiện của tỉnh và của từng cơ quan, đơn vị.

b) Được ưu tiên tuyển chọn đào tạo, bồi dưỡng trình độ cao hơn và được cử tham dự các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ.

c) Được ưu tiên tuyển chọn bổ sung quy hoạch cán bộ, bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý.

d) Được tạo điều kiện thuận lợi trong công tác nghiên cứu khoa học, tham dự các hội nghị, hội thảo khoa học phù hợp với ngành nghề đào tạo và công việc đảm nhận.

đ) Được tham gia góp ý hoặc tư vấn, phản biện các văn bản, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án quan trọng của tỉnh hoặc của trung ương.

e) Được giao chủ trì nghiên cứu các đề tài khoa học cấp tỉnh; chủ trì biên soạn hoặc tổ chức thực hiện các chương trình, dự án, đề án quan trọng của tỉnh.

g) Được giảng dạy hoặc tham gia giảng dạy tại các cơ sở đào tạo theo quy định của pháp luật, phù hợp với yêu cầu công việc và nội quy cơ quan, đơn vị.

3. Đối với các đối tượng là cá nhân thuộc các thành phần kinh tế do doanh nghiệp quyết định.

Điều 11. Nghĩa vụ

1. Trong thời gian đào tạo:

a) Trong quá trình học tập ở nước ngoài, học viên phải thực hiện các quy định của Nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức đi học tập, công tác ở nước ngoài.

b) Đối với ứng viên tốt nghiệp đại học, thạc sĩ được cử đi học ở nước ngoài phải làm “Cam kết” với Thường trực Hội đồng.

c) Phải tham gia sinh hoạt Đảng, Đoàn tại nước ngoài theo quy định (nếu là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoặc Đoàn viên TNCS HCM).

d) Chấp hành nghiêm pháp luật của nước sở tại và các quy định của nhà trường mà học viên đang theo học.

đ) Thường xuyên giữ liên lạc với Thường trực Hội đồng; báo cáo kịp thời các vấn đề phát sinh để có hướng xử lý thích hợp.

e) Sau mỗi học kỳ và kết thúc năm học, phải gửi kết quả học tập và nghiên cứu về Thường trực Hội đồng.

f) Thực hiện đúng quy định được nêu tại Khoản 2, Điều 3 của Thông tư số 10/2014/TT-BGDĐT ngày 11 tháng 4 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế quản lý công dân Việt Nam học tập ở nước ngoài.

2. Sau khi tốt nghiệp:

a) Trở về nước đúng thời gian quy định.

b) Chấp hành quyết định phân công của cơ quan có thẩm quyền và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị nơi công tác, nơi làm việc và các quy định khác của pháp luật.

c) Sau khi tốt nghiệp, học viên phải thực hiện cam kết theo quy định và làm việc tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của tỉnh ít nhất là 10 năm.

Điều 12. Quản lý người được đào tạo trình độ sau đại học ở nước ngoài

1. Thông qua các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, Hội đồng sẽ theo dõi tình hình học tập, sinh hoạt, đời sống để tạo điều kiện cho học viên đạt kết quả học tập tốt nhất.

2. Đảm bảo các quy định của Đảng và Nhà nước về quản lý, sử dụng cán bộ.

Điều 13. Chế độ hỗ trợ chi phí đào tạo

1. Các khoản chi phí đào tạo:

Đối tượng đi học sau đại học ở nước ngoài sẽ được hỗ trợ kinh phí để bảo đảm chi phí cho toàn khóa học, cụ thể như sau:

- Học phí cho các cơ sở đào tạo ở nước ngoài;

- Sinh hoạt phí của lưu học sinh;

- Vé máy bay (hoặc vé tàu) cho lưu học sinh;

- Bảo hiểm y tế;

- Lệ phí Vi sa;

- Phí đi đường.

Hằng năm ngân sách tỉnh sẽ cấp kinh phí cho các đối tượng đi học nước ngoài thông qua Sở Giáo dục và Đào tạo; các ứng viên thực hiện thủ tục thanh toán kinh phí mỗi năm một lần theo quy định tại Mục I, Phần II của Thông tư liên tịch số 144/2007/TTLT-BTC-BGDĐT-BNG và theo quy định tại Mục 3, Điều 1 của Thông tư liên tịch số 206/2010/TTLT-BTC-BGDĐT-BNG ngày 15/12/2010 của Bộ Tài chính.

2. Chế độ hỗ trợ chi phí đào tạo:

a) Hỗ trợ 100% chi phí đào tạo cho các ngành, nhóm ngành Nông nghiệp chất lượng cao, công nghệ sinh học, chăn nuôi thú y, thủy sản, chế biến, khoa học trồng trọt.

b) Hỗ trợ 90% chi phí đào tạo cho các ngành, nhóm ngành Quản lý du lịch, Quản lý nguồn nhân lực, Tiếp thị và truyền thông, Công nghiệp hỗ trợ, Công nghiệp cơ khí phục vụ cho ngành nông nghiệp.

c) Hỗ trợ 80% chi phí đào tạo cho các ngành, nhóm ngành Quản trị doanh nghiệp, Luật thương mại.

d) Các trường hợp đặc biệt khác do Hội đồng quyết định.

Điều 14. Các trường hợp phải đền bù và cách tính chi phí đền bù

1. Các trường hợp phải đền bù chi phí đào tạo

a) Những người có kết quả học tập loại yếu, kém phải chấm dứt việc học tập trước thời hạn quy định.

b) Tự ý bỏ học hoặc bị kỷ luật buộc thôi học (trong thời gian học tập).

c) Trở về nước không đúng thời gian quy định; không chấp hành sự phân công của tổ chức sau khi tốt nghiệp.

d) Tự ý bỏ việc hoặc bị kỷ luật buộc thôi việc.

đ) Xin nghỉ việc hoặc xin chuyển sang các doanh nghiệp, ra khỏi tỉnh khi chưa hết thời hạn bắt buộc công tác, làm việc.

2. Cách tính đền bù chi phí đào tạo

a) Chi phí đền bù bao gồm các khoản quy định tại Khoản 1, Điều 13.

b) Các trường hợp quy định tại Điểm a, b, c, d, Điều 14 phải đền bù 100% chi phí đào tạo.

c) Trường hợp quy định tại Điểm đ, Điều 14 áp dụng theo công thức quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 26 Thông tư số 03/2011/TT-BNV ngày 25/01/2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số Điều của Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05/3/2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức:

Trong đó:

- S là chi phí đền bù;

- F là tổng chi phí của khóa học;

- T1 là thời gian yêu cầu phải phục vụ sau khi đã hoàn thành khóa học được tính bằng số tháng làm tròn;

- T2 là thời gian đã phục vụ sau đào tạo được tính bằng số tháng làm tròn.

d) Chi phí đền bù phải nộp trả ngân sách tỉnh trong vòng 06 tháng sau khi có quyết định đền bù.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Thường trực Hội đồng có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, Thường trực Hội đồng kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung Quy chế cho phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh./.