Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 867/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 29 tháng 12 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TỔNG THỂ GIÃN DÂN CÁC LÀNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TRONG NỘI THÀNH THÀNH PHỐ KON TUM, GÁN VỚI TÁI ĐỊNH CANH, TÁI ĐỊNH CƯ KHI THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ KON TUM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013; Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: Số 45/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 quy định thu tiền sử dụng đất; số 47/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai, số 40/2020/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công; số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;

Căn cứ Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng;

Căn cứ Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025;

Căn cứ Thông báo số 129-TB/TU ngày 01 tháng 3 năm 2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thông báo kết luận họp của Thường trực Tỉnh ủy và Công văn số 546-CV/TU ngày 06 tháng 6 năm 2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc Chủ trương thực hiện Đề án tổng thể giãn dân các làng đồng bào dân tộc thiểu số trong nội thành thành phố Kon Tum;

Căn cứ các Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh: Số 53/2014/QĐ-UBND ngày 19 tháng 9 năm 2014 về việc ban hành Quy định cụ thể một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum; số 30/2018/QĐ-UBND ngày 30 tháng 10 năm 2018 về sửa đổi, bổ sung Điều 9 của quy định một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 53/2014/QĐ-UBND ngày 19 tháng 9 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh; số 31/2021/QĐ-UBND ngày 30 tháng 9 năm 2021 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định cụ thể một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum ban hành kèm theo Quyết định số 53/2014/QĐ-UBND ngày 19 tháng 9 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh; số 17/2016/QĐ-UBND ngày 13 tháng 5 năm 2016 về việc phê duyệt danh mục nghề đào tạo, mức chi phí đào tạo cho từng nghề, mức hỗ trợ đối với từng nhóm đối tượng tham gia học chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn tỉnh Kon Tum; số 882/QĐ-UBND ngày 15 tháng 8 năm 2016 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng đến năm 2025; số 261/QĐ-UBND ngày 12 tháng 5 năm 2022 về Phê duyệt quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 của thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum;

Theo đề nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum tại Tờ trình số 300/TTr-UBND ngày 16 tháng 8 năm 2022 và ý kiến của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 109/TTr-SKHĐT ngày 02 tháng 11 năm 2022 về việc phê duyệt Đề án tổng thể giãn dân các làng đồng bào dân tộc thiểu số trong nội thành thành phố Kon Tum gắn với tái định canh, tái định cư khi thực hiện các dự án trên địa bàn thành phố Kon Tum.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Đề án tổng thể giãn dân các làng đồng bào dân tộc thiểu số trong nội thành thành phố Kon Tum, gắn với tái định canh, tái định cư khi thực hiện các dự án trên địa bàn thành phố Kon Tum” với các nội dung chủ yếu sau:

I. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Phạm vi của Đề án: Trên địa bàn thành phố Kon Tum (có tính đến yếu tố vùng, liên vùng).

2. Đối tượng của Đề án: Khoảng 1.410 hộ người đồng bào dân tộc thiểu số, được phân thành hai nhóm, gồm:

a) Nhóm I: Khoảng 114 hộ người đồng bào dân tộc thiểu số nghèo chưa có đất ở, chưa có nhà ở hoặc nhà ở bị dột nát, hư hỏng; làm nghề nông, lâm, ngư nghiệp nhưng không có hoặc thiếu trên 50% đất sản xuất; có khó khăn về nước sinh hoạt.

b) Nhóm II: Khoảng 1.296 hộ người đồng bào dân tộc thiểu số chịu tác động do triển khai các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

 (Chi tiết các đối tượng của Đề án tại Phụ lục số 1 kèm theo)

3. Thời gian thực hiện Đề án: Từ năm 2022 đến năm 2030.

II. QUAN ĐIỂM, NGUYÊN TÁC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Rà soát, đánh giá toàn diện mức độ tác động của các công trình, dự án nhằm xác định đầy đủ và chính xác các đối tượng bị tác động. Khảo sát, điều tra xã hội học nhằm nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của đối tượng thụ hưởng và các đối tượng khác có liên quan. Làm rõ tính khả thi các địa điểm dự kiến bố trí tái định canh, tái định cư; chỉ thực hiện giãn dân khi đảm bảo đủ đất ở, đất sản xuất.

2. Tổ chức rà soát, thực hiện các cơ chế, chính sách về tái định canh, tái định cư đảm bảo công khai, minh bạch, bình đẳng và công bằng giữa các đối tượng thụ hưởng. Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật và điều kiện thực tiễn của địa phương.

3. Tạo sự đồng thuận, ủng hộ của người dân cư trú nơi chuyển đến. Đảm bảo dân cư nơi đi có phong tục, tập quán sinh sống, sản xuất phù hợp với dân cư nơi chuyển đến, nhất là các hình thức xen ghép; ưu tiên sắp xếp dân cư chuyển đi có cùng dân tộc, có quan hệ dòng họ với dân cư cư trú nơi chuyển đến.

4. Ưu tiên thực hiện đối với quỹ đất do nhà nước quản lý để bố trí, sắp xếp cho các khu tái định canh, tái định cư. Có giải pháp thu hồi đối với đất chưa sử dụng, đất sử dụng không hiệu quả hoặc đất cho thuê nhưng đến hạn phải bàn giao; đẩy mạnh việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo các quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền kết hợp với các giải pháp đồng bộ, phù hợp nhằm ngăn chặn tình trạng các đối tượng thụ hưởng chuyển nhượng đất ở, đất sản xuất sau khi được cấp đất tái định canh, tái định cư.

5. Bố trí ổn định dân cư theo các quy định đạt chuẩn của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, đảm bảo xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân chặt chẽ, hiệu quả. Thành lập, xây dựng các mới đạt chuẩn nông thôn mới theo Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 18 tháng 02 năm 2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với việc xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở phù hợp với phong tập, tập quán của từng cộng đồng dân tộc trên địa bàn.

III. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu tổng quát

Thực hiện hỗ trợ tái định canh, tái định cư đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, đất ở và bị ảnh hưởng từ các công trình, dự án và chỉnh trang đô thị. Bố trí ổn định dân cư gắn kết chặt chẽ với công tác quy hoạch và đầu tư hình thành cơ sở hạ tầng thiết yếu, nông thôn mới và chỉnh trang đô thị. Sớm ổn định đời sống, sản xuất, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; đảm bảo người dân có điều kiện và mức sống từ bằng đến cao hơn so với điều kiện sống tại nơi trước khi di chuyển. Góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Từ nay đến năm 2025, cơ bản hoàn thành thực hiện việc sắp xếp bố trí tái định cư, tái định canh cho khoảng 850 hộ (Trong đó, có 64 hộ thuộc Nhóm I và 786 hộ thuộc Nhóm II). Đồng thời, cơ bản hoàn thành việc đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu theo thứ tự ưu tiên về giao thông, cấp nước sinh hoạt, điện sinh hoạt và cơ sở hạ tầng thiết yếu khác theo quy định.

b) Giai đoạn 2026-2030, sắp xếp bố trí tái định cư, tái định canh cho khoảng 560 hộ (Trong đó, có khoảng 50 hộ thuộc Nhóm I và khoảng 510 hộ thuộc Nhóm II).

IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CỦA ĐỀ ÁN

1. Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng

Rà soát, cập nhật các cơ chế, chính sách theo quy định của pháp luật hiện hành làm cơ sở áp dụng hoặc vận dụng để tổ chức triển khai thực hiện hỗ trợ các đối tượng thụ hưởng về đất, nhà ở và các khoản hỗ trợ cần thiết khác theo đúng quy định hiện hành, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Dự kiến hỗ trợ các nội dung như sau:

a) Nhóm I: Hỗ trợ đất ở mỗi hộ đạt khoảng từ 120 - 250m2/hộ; nhà ở cấp IV theo phong tục tập quán của địa phương, đảm bảo 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng), diện tích mỗi căn từ 40 m2 đến 100m2, giá trị từ 80 - 200 triệu đồng; hỗ trợ đất sản xuất; chuyển đổi nghề; nước sinh hoạt.

b) Nhóm II: Thực hiện giao đất ở có thu tiền sử dụng đất, giao đất sản xuất có thu tiền sử dụng đất theo đúng quy định Luật Đất đai hiện hành và các quy định pháp luật liên quan; hỗ trợ di chuyển, tái định cư, hỗ trợ ổn định đời sống và ổn định sản xuất; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và các khoản hỗ trợ khác theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

 (Chi tiết các chính sách hỗ trợ tại Phụ lục số 2 kèm theo)

2. Thông tin tuyên truyền

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức phù hợp đến đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, mục đích và sự cần thiết của Đề án, vai trò của từng chủ thể, nhất là các đối tượng chính của Đề án biết, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng của cộng đồng về Chủ trương, chính sách triển khai thực hiện của Đề án, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

3. Quy hoạch, kế hoạch

a) Tổ chức điều tra, khảo sát 07 địa điểm nơi đến (Phường Thống Nhất và 06 xã Đăk Blà, Hòa Bình, Chư Hreng, Ia Chim, Ngọc Bay và Kroong) nhằm làm rõ thực trạng các đặc điểm về đất (diện tích, tính chất, nguồn gốc, hiện trạng và tài sản trên đất), một số đặc trưng về kinh tế - xã hội trên địa bàn, tập quán sinh hoạt, canh tác và cơ sở hạ tầng thiết yếu; tính khả thi về đất phục vụ cho công tác sắp xếp ổn định dân cư. Phấn đấu diện tích bố trí đất ở, đất sản xuất cho từng hộ gia đình đảm bảo đạt hạn mức tối thiểu theo quy định của pháp luật và của tỉnh trên cơ sở khả năng thực tế; đảm bảo bố trí đất sản xuất có cự ly gần tương đối với nơi cư trú của từng hộ để thuận tiện trong sinh hoạt, sản xuất (Quy hoạch các điểm tái định canh, tái định cư tại Phụ lục số 3 kèm theo)

b) Rà soát nội dung bố trí ổn định dân cư phù hợp với các quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch, đất đai, xây dựng và các quy hoạch có liên quan. Lập quy hoạch khu tái định canh, định cư, phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng và các yêu cầu khác theo quy định của pháp luật. Tổ chức xây dựng, trình ban hành các quy hoạch chi tiết; xây dựng quy hoạch trên cơ sở xác định cụ thể phương án tái định canh, tái định cư cho từng địa bàn. Tổ chức thực hiện quy hoạch bố trí tái định canh, tái định cư theo hình thức tập trung tại 04 xã (Đăk Blà, Hòa Bình, Ia Chim và Kroong); quy hoạch tái định cư theo hình thức xen ghép thông qua lồng ghép các dự án khác tại Phường Thống Nhất và xã Chư Hreng; quy hoạch tái định canh tại xã Ngok Bay.

c) Lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các dự án đầu tư bố trí ổn định dân cư theo yêu cầu của từng địa bàn theo thứ tự ưu tiên, theo từng nguồn vốn đầu tư (nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác, nguồn vốn huy động, …) , nhằm sớm đưa người dân đến sinh sống, sản xuất theo kế hoạch.

4. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu

- Tổ chức đánh giá, rà soát, xây dựng danh mục các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu trên từng địa bàn theo quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư, đầu tư công, xây dựng và các quy định khác có liên quan, theo đúng tính chất nguồn vốn đầu tư.

- Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững theo thứ tự ưu tiên dựa trên nhu cầu giải quyết những vấn đề bức thiết nhất của từng xã theo dự án được duyệt, bao gồm các hạng mục: Bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có); san lấp mặt bằng; khai hoang đất sản xuất (đối với khai hoang tập trung); đường giao thông (nội vùng dự án và đường nối điểm dân cư mới đến tuyến giao thông gần nhất); điện sinh hoạt; nước sinh hoạt; trường học (bậc mầm non và tiểu học); cơ sở y tế; văn hóa cơ sở và công trình thiết yếu khác. Chú trọng đầu tư các làng mới tại 03 xã (Đăk Blà, Hòa Bình và Kroong).

- Dự kiến đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu tại từng điểm tái định canh, tái định cư như sau:

a) Điểm tái định cư tại xã Đăk Blà: San nền và xây dựng đường giao thông nội bộ; đầu tư hệ thống cấp điện; hệ thống thoát nước; hệ thống cấp nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.

b) Điểm tái định cư tại xã Hòa Bình: San ủi mặt bằng; đầu tư, cải tạo hệ thống đường giao thông; hệ thống điện; nước sinh hoạt; trường học; nhà văn hóa.

c) Điểm tái định cư tại xã Phường Thống Nhất và xã Chư Hreng: Cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn chỉnh theo dự án khác.

d) Điểm tái định canh, tái định cư tại xã Ia Chim: Đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông; hệ thống điện; nước sinh hoạt; trường học; nhà rông văn hoá; khu vui chơi thể thao; chợ.

đ) Điểm tái định canh tại Ngok Bay: Sử dụng hạ tầng theo hiện trạng.

e) Điểm tái định cư, tái định canh tại Kroong: Đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông; hệ thống điện; nước sinh hoạt; trường học mầm non; nhà rông văn hoá; khu vui chơi thể thao.

6. Bố trí đất ở, đất sản xuất

Căn cứ quy định của pháp luật về đất đai và các quy định của pháp luật có liên quan, có biện pháp giao đất ở, đất sản xuất cho đối tượng thụ hưởng. Thực hiện việc miễn, giảm hoặc thu tiền sử dụng đất theo đúng quy định, cụ thể:

a) Từ năm 2022 đến năm 2025

Dự kiến bố trí đất ở cho khoảng 846 hộ tại phường Thống Nhất và 03 xã (Đăk Blà, Chư Hreng, Hòa Bình); dự kiến bố trí đất sản xuất cho 637 hộ tại 03 xã (Đăk Blà, Hòa Bình và Ia Chim).

(Bố trí đất ở, đất sản xuất từ năm 2022-2025 tại Phụ lục số 4 kèm theo)

b) Từ năm 2026 đến năm 2030

Dự kiến bố trí đất ở cho khoảng 560 hộ tại 03 xã (Đăk Blà, Ia Chim, Kroong); dự kiến bố trí đất sản xuất cho khoảng 300 hộ dân tại tại 04 xã (Đăk Blà, Ia Chim, Kroong và Ngok Bay).

 (Bố trí đất ở từ 2026-2030 tại Phụ lục số 5 kèm theo)

7. Huy động, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư

Thực hiện đồng bộ các giải pháp về huy động vốn nhằm tranh thủ huy động đầy đủ, kịp thời mọi nguồn vốn (Ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh, ngân sách thành phố, huy động khác) và các phương thức lồng ghép giữa các nguồn vốn thông qua việc thực hiện các chương trình, dự án.

V. DỰ KIẾN TỔNG MỨC ĐẦU TƯ, CƠ CẤU NGUỒN VỐN VÀ PHÂN KỲ ĐẦU TƯ

1. Dự kiến tổng mức đầu tư thực hiện Đề án khoảng 760,044 tỷ đồng.

Trong đó:

- Chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư: 286,526 tỷ đồng

- Chi phí thuộc cấu phần xây dựng: 417,842 tỷ đồng

- Chi phí hỗ trợ ban đầu: 45,027 tỷ đồng

- Chi phí dự phòng: 10,649 tỷ đồng

(Phụ lục 6a về dự kiến chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chi tiết đến xã, phường; Phụ lục 6b về dự kiến chi phí thuộc cấu phần xây dựng chi tiết đến xã, phường; Phụ lục 6c về dự kiến chi phí hỗ trợ ban đầu theo giai đoạn)

2. Cơ cấu nguồn vốn

- Đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ: Khoảng 136,808 tỷ đồng

- Ngân sách địa phương và huy động khác: Khoảng 623,236 tỷ đồng

3. Phân kỳ đầu tư

- Giai đoạn 2022-2025: Khoảng 337,797 tỷ đồng

- Giai đoạn 2026-2030: Khoảng 422,247 tỷ đồng

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum

a) Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án theo quy định; tổ chức điều tra, đánh giá địa điểm nơi dự kiến nơi đến; rà soát, cập nhật quy hoạch, kế hoạch; lập, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền các dự án quy hoạch, dự án đầu tư, phương án bồi thường và tổ chức thực hiện theo đúng quy định; rà soát, cập nhật báo cáo cấp thẩm quyền các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng.

b) Xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan để theo dõi, báo cáo cấp thẩm quyền. Thực hiện chế độ báo cáo kết quả thực hiện Đề án định kỳ 06 tháng và hằng năm và theo yêu cầu, gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

d) Thành lập tổ chức liên ngành cấp thành phố hoặc giao nhiệm vụ cho tổ chức sẵn có của thành phố; phân công, phân nhiệm cụ thể đến từng cá nhân, tổ chức trong tổ chức thực hiện và giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện. Chỉ đạo các phòng, ban và chính quyền các cấp phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể, quần chúng tích cực tham gia thực hiện Đề án; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát.

c) Chủ động bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương, kết hợp lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án và nguồn vốn hợp pháp khác trên địa bàn để triển khai thực hiện Đề án. Đồng thời, huy động, sử dụng các nguồn vốn hợp pháp khác (nguồn xã hội hóa, các khoản huy động đóng góp...) để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ dân tái định cư. Nghiên cứu định mức hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho các nhóm đối tượng phù hợp với điều kiện thực tế và đúng theo quy định; có giải pháp phù hợp để ngăn chặn tình trạng người dân chuyển nhượng đất ở, đất sản xuất sau khi được cấp đất tái định canh, định cư.

đ) Nghiên cứu xây dựng phương án khai thác quỹ đất gắn với tái định cư tại chỗ ở những nơi có điều kiện để tạo vốn đầu tư thực hiện Đề án. Thành lập, xây dựng các làng mới đạt chuẩn thôn nông thôn mới theo Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 18-02-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với việc xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”.

e) Tuân thủ đầy đủ hệ thống các quan điểm, nguyên tắc của Đề án trong triển khai Đề án; tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nội dung, hoạt động và giải pháp chính của Đề án; tiếp tục rà soát đánh giá mức độ tác động của các công trình, dự án (đã, đang triển khai và dự kiến thu hút đầu tư) trên địa bàn thành phố Kon Tum để xác định đầy đủ các đối tượng bị ảnh hưởng khi thực hiện Đề án. Sắp xếp, bố trí tái định canh, tái định cư đối các hộ đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với đặc điểm văn hóa, phong tục tập quán của từng thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số.

2. Ban Dân tộc

Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum và các đơn vị liên quan, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện các nội dung của các Dự án, Tiểu dự án có liên quan theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan cân đối nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu trong kế hoạch trung hạn và hàng năm, tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí thực hiện Đề án theo quy định của pháp luật về đầu tư công và phù hợp với khả năng cân đối ngân sách tỉnh.

4. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị có liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét bố trí kế hoạch vốn trung hạn và hàng năm cho Đề án theo khả năng cân đối của ngân sách tỉnh; phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố và các đơn vị có liên quan hướng dẫn quản lý, thanh quyết toán vốn đầu tư thực hiện đề án theo quy định.

5. Sở Xây dựng

Phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum rà soát và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung, điều chỉnh quy hoạch xây dựng đảm bảo cho việc triển khai thực hiện Đề án. Hỗ trợ thành phố trong việc xây dựng các thiết kế mẫu, cập nhật các quy hoạch liên quan đến khu tái định cư trong Đề án.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường

Phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum trong việc lập điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 đảm bảo thực hiện các nội dung của Đề án.

7. Các sở, ngành có liên quan

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án và nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có) để tổ chức triển khai các hoạt động, nhiệm vụ của Đề án.

Điều 2. Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum; Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh (p/h);
- VP UBND tỉnh: CVP, các PCVP;
+ Phòng Hạ tầng - Kỹ thuật;
+ Phòng Kinh tế - Tổng hợp;
- Lưu: VT, NNTN.NVH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Tháp

 

PHỤ LỤC SỐ 1

ĐỐI TƯỢNG THỤ HƯỞNG THEO ĐỀ ÁN
(Kèm theo Quyết định số: 867/QĐ-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

TT

Địa bàn

Đối tượng thụ hưởng (hộ)

Tổng số

Trong đó

Nhóm I

Nhóm II

 

Tổng cộng

1.410

114

1.296

I

Từ 2022 - 2025

850

64

786

1

Đăk Blà

181

28

153

2

Thống Nhất

88

4

84

3

Quang Trung

348

0

348

4

Đăk Rơ Wa

45

15

30

5

Trường Chinh

60

11

49

6

Thắng Lợi

122

4

118

7

Lê Lợi

6

2

4

II

Từ 2026 - 2030

Gồm 14 xã, phường còn lại trên địa bàn thành phố Kon Tum và địa bàn các xã, phường thuộc nơi đi đã thực hiện trong Giai đoạn I (nếu có đối tượng phát sinh).

560

50

510

 

PHỤ LỤC SỐ 2

CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ TRỰC TIẾP THEO ĐỀ ÁN
(Kèm theo Quyết định số: 867/QĐ-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

TT

Nội dung hỗ trợ

Nhóm I

Nhóm II

Bị ảnh hưởng bởi dự án

Bị ảnh hưởng bởi chỉnh trang

1

Đất ở

X

X

X

2

Đất sản xuất

X

X

 

3

Chuyển đổi nghề (đào tạo nghề)

X

X

X

4

Nước sinh hoạt phân tán

X

 

 

5

Xây dựng nhà ở

X

 

 

6

Chi phí di chuyển

 

X

X

7

Hỗ trợ ổn định đời sống, ổn định sản xuất

 

X

 

8

Hỗ trợ khác

 

 

 

-

Tiền thuê nhà

 

X

X

 

PHỤ LỤC SỐ 3

QUY HOẠCH ĐIỂM TÁI ĐỊNH CƯ, TÁI ĐỊNH CANH THEO ĐỀ ÁN
(Kèm theo Quyết định số: 867/QĐ-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

TT

Địa bàn (xã, phường)

Quy hoạch tái định cư

Quy hoạch tái định canh

Diện tích khu đất (ha)

Diện tích quy hoạch đất ở (ha)

Diện tích quy hoạch đất sản xuất (ha)

Diện tích quy hoạch đất xây dựng các công trình HTKT và đất khác (ha)

Diện tích đất ở dự kiến giao (ha)

Diện tích đất sản xuất dự kiến giao (ha)

Ghi chú

1

Xã Đăk Blà

X

X

83,46

21,55

52,19

9,72

21,55

52,19

 

2

Xã Hòa Bình

X

X

48,22

16,19

21,15

10,88

1,25

21,15

 

3

Phường Thống Nhất

X

-

69,44

37,63

0

31,81

0,94

0

 

4

Xã Chư Hreng

X

-

21,4

7,7

0

13,7

0,45

0

 

5

Xã Ia Chim

X

X

207,7

45,46

143,55

18,69

2,5

143,55

 

6

Xã Ngok Bay

-

X

55

0

55

0

0

55

 

7

Xã Kroong

X

X

74,9

6

65,63

3,27

6

65,63

 

Tổng cộng:

560,12

134,53

337,52

88,07

32,69

337,52

 

 

PHỤ LỤC SỐ 4

BỐ TRÍ ĐẤT Ở, ĐẤT SẢN XUẤT GIAI ĐOẠN 2022-2025 THEO ĐỀ ÁN
(Kèm theo Quyết định số: 867/QĐ-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

TT

Nơi đến (Xã, phường)

Tổng số

Nơi đi (xã, phường)

Số hộ

Diện tích đất bố trí (ha)

Xã Đăk Blà

Phường Thống Nhất

Phường Quang Trung

Xã Đăk Rơ Wa

Phường Trường Chinh

Phường Thắng Lợi

Phường Lê Lợi

Số hộ

Nhu cầu đất (ha)

Số hộ

Nhu cầu đất (ha)

Số hộ

Nhu cầu đất (ha)

Số hộ

Nhu cầu đất (ha)

Số hộ

Nhu cầu đất (ha)

Số hộ

Nhu cầu đất (ha)

Số hộ

Nhu cầu đất (ha)

I

Đất ở

846

18,75

181

4,05

88

1,59

348

7,95

45

1,01

60

1,35

122

2,75

2

0,05

1

Đăk Blà

717

16,11

181

4,05

29

0,65

280

6,3

45

1,01

60

1,35

122

2,75

 

 

2

Thống Nhất

59

0,94

 

-

59

0,94

 

-

 

-

 

-

 

-

 

-

3

Chư Hreng

20

0,45

 

-

 

-

20

0,45

 

-

 

-

 

-

 

-

4

Hòa Bình

50

1,25

 

-

 

-

48

1,2

 

-

 

-

 

-

2

0,05

II

Đất sản xuất

637

190,2

140

43,79

29

7,24

273

92,54

35

8,55

52

13,29

102

23,57

6

1,2

1

Đăk Blà

140

42,46

140

42,46

 

-

 

-

 

-

 

-

 

-

 

-

2

Hòa Bình

81

21,15

 

1,33

29

7,24

 

-

 

-

52

12,58

 

-

 

-

3

Ia Chim

416

126,6

 

-

 

-

273

92,54

35

8,55

 

0,71

102

23,57

6

1,2

 

PHỤ LỤC SỐ 5

BỐ TRÍ ĐẤT Ở, ĐẤT SẢN XUẤT GIAI ĐOẠN 2026-2030 THEO ĐỀ ÁN
(Kèm theo Quyết định số: 867/QĐ-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

TT

Nơi đến (xã, phường)

Tổng số

2022-2025

2026-2030

Diện tích (ha)

Số hộ

Diện tích (ha)

Số hộ

Diện tích (ha)

Số hộ

I

Đất ở

76,62

1.406

18,75

846

13,94

560

1

Đăk Blà

21,55

937

16,11

717

5,44

220

2

Thống Nhất

37,63

59

0,94

59

-

-

3

Chư Hreng

7,69

20

0,45

20

-

-

4

Hòa Bình

1,25

50

1,25

50

-

-

5

Ia Chim

2,50

100

-

-

2,50

100

6

Kroong

6,00

240

-

-

6,00

240

II

Đất sản xuất

337,52

-

190,18

637

147,34

300

1

Đăk Blà

52,19

-

42,46

140

9,73

20

2

Hòa Bình

21,15

-

21,15

81

-

-

3

Ia Chim

143,55

-

126,57

416

16,98

35

4

Ngok Bay

55,00

-

-

-

55,00

112

5

Kroong

65,63

-

-

-

65,63

133

 

PHỤ LỤC 6A

DỰ KIẾN CHI PHÍ BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ VÀ TÁI ĐỊNH CƯ CHI TIẾT ĐẾN XÃ, PHƯỜNG THEO ĐỀ ÁN
(Kèm theo Quyết định số: 867/QĐ-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

TT

Địa bàn (xã, phường)

Giá trị (tỷ đồng)

 

Tổng cộng

286,526

1

Đăk Blà

34,726

2

Ngok Bay

4,026

3

Kroong

5,483

4

Quang Trung

45,435

5

Thống Nhất

66,959

6

Thắng Lợi

73,79

7

Trường Chinh

56,107

 

PHỤ LỤC 6B

DỰ KIẾN CHI PHÍ THUỘC CẤU PHẦN XÂY DỰNG CHI TIẾT ĐẾN XÃ, PHƯỜNG THEO ĐỀ ÁN
(Kèm theo Quyết định số: 867/QĐ-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

TT

Địa bàn (xã, phường)

Giá trị (tỷ đồng)

 

Tổng cộng

417,842

1

Đăk Blà

70,046

2

Hòa Bình

6,683

4

Kroong

25,849

5

Quang Trung

53,602

6

Thống Nhất

137,796

7

Thắng Lợi

85,883

8

Trường Chinh

37,983

 

PHỤ LỤC 6C

DỰ KIẾN CHI PHÍ HỖ TRỢ BAN ĐẦU THEO GIAI ĐOẠN THEO ĐỀ ÁN
(Kèm theo Quyết định số: 867/QĐ-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

ĐVT: Tỷ đồng

TT

Giai đoạn

Tổng số

Nhóm I

Nhóm II

 

Cộng

45,027

10,146

34,881

1

Giai đoạn I (từ 2022 đến năm 2025)

22,842

3,648

19,194

2

Giai đoạn II (từ năm 2026 đến năm 2030)

22,185

6,498

15,687

 

ĐỀ ÁN

TỔNG THỂ GIÃN DÂN CÁC LÀNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TRONG NỘI THÀNH THÀNH PHỐ KON TUM GẮN VỚI TÁI ĐỊNH CANH, TÁI ĐỊNH CƯ KHI THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ

 

1. Cơ quan lập và thục hiện: Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum.

2. Đơn vị tư vấn lập Đề án: Công ty TNHH Tư vấn - Đầu tư số 9 Kon Tum.

3. Thời gian thực hiện: Từ năm 2022

4. Phạm vi thực hiện: Trên địa bàn thành phố Kon Tum.

 

MỤC LỤC

PHẦN MỞ ĐẦU

I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI LẬP ĐỀ ÁN

II. NHỮNG CĂN CỨ LẬP ĐỀ ÁN

III. MỤC TIÊU VÀ YÊU CẦU

1. Mục tiêu

2. Yêu cầu

IV. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, THỜI GIAN THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Đối tượng:

2. Phạm vi:

3. Thời gian thực hiện:

V. NỘI DUNG ĐỀ ÁN:

PHẦN THỨ NHẤT

ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - KINH TẾ - XÃ HỘI

VÀ MÔI TRƯỜNG VÙNG ĐỀ ÁN

I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ, XÃ HỘI VÀ MÔI TRƯỜNG VÙNG ĐỀ ÁN:

1. Đặc điểm tự nhiên và ảnh hưởng của thiên tai:

2. Thực trạng kinh tế - xã hội - môi trường:

3. Khái quát về các dự án đang triển khai và dự kiến triển khai trên địa bàn thành phố Kon Tum.

II. HIỆN TRẠNG VÀ DỰ KIẾN NHU CẦU ĐỊNH CANH, ĐỊNH CƯ CỦA CÁC LÀNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ THUỘC VÙNG ĐỀ ÁN

1. Kết quả rà soát đợt 1:

2. Các xã, phường còn lại trên địa bàn thành phố Kon Tum:

III. HIỆN TRẠNG SỬ DỤNG ĐẤT TẠI KHU BỐ TRÍ TÁI ĐỊNH CƯ, TÁI ĐỊNH CANH

1. Địa điểm bố trí tái định canh, tái định cư tại xã Đăk Blà.

2. Địa điểm bố trí tái định canh, tái định cư tại xã Hòa Bình.

3. Địa điểm bố trí tái định cư tại phường Thống Nhất

4. Điểm bố trí tái định cư tại Xã Chư Hreng

5. Điểm bố trí tái định canh, tái định cư tại xã Ia Chim

6. Điểm bố trí tái định canh tại xã Ngok Bay:

7. Điểm bố trí đất tái định canh, tái định cư tại xã Kroong:

PHẦN THỨ HAI

MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CỦA ĐỀ ÁN

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát:

2. Mục tiêu cụ thể:

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CỦA ĐỀ ÁN:

1. Sắp xếp ổn định dân cư tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số nội thành và địa bàn triển khai thực hiện các dự án

2. Quy hoạch, lồng ghép điểm tái định cư, tái định canh (nơi đến):

3. Đánh giá sự phù hợp của địa điểm bố trí tái định canh, định cư với quy hoạch xây dựng:

4. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ tại điểm tái định canh, tái định cư:

5. Thực hiện tái định cư, tái định canh:

5.1. Giai đoạn 1 từ 2022-2025:

5.2. Giai đoạn 2 từ 2026-2030:

a) Dự kiến bố trí định canh, định cư tại xã Đăk Blà: Bố trí đất ở cho khoảng 220 hộ, đất sản xuất cho khoảng 20 hộ

b) Dự kiến bố trí định canh tại xã Ia Chim: Bố trí đất ở cho khoảng 100 hộ, đất sản xuất cho khoảng 35 hộ

c) Quy hoạch khu tái định canh tại xã Ngok Bay: Bố trí đất sản xuất cho khoảng 112 hộ.

5.3. Yêu cầu khi thực hiện việc giãn dân tại nơi đến:

2. Chi phí đầu tư khi thực hiện chỉnh trang tại các làng nội thành:

3. Phân kỳ vốn đầu tư:

4. Cơ cấu nguồn vốn đầu tư:

IV. THỜI GIAN, TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Thời gian thực hiện Đề án:

Chia thành 02 giai đoạn: từ 2022 - 2025 và 2026 - 2030.

2. Tiến độ thực hiện Đề án:

PHẦN THỨ BA

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum:

2. Ban Dân tộc

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

4. Sở Tài chính

5. Sở Xây dựng

6. Sở Tài nguyên và Môi trường

7. Các Sở, Ngành có liên quan

 

ĐỀ ÁN

TỔNG THỂ GIÃN DÂN CÁC LÀNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TRONG NỘI THÀNH THÀNH PHỐ KON TUM GẮN VỚI TÁI ĐỊNH CANH, TÁI ĐỊNH CƯ KHI THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 867/QĐ-UBND, ngày 29 tháng 12 năm 2022 của UBND tỉnh)

PHẦN MỞ ĐẦU

I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI LẬP ĐỀ ÁN

Thành phố Kon Tum là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh Kon Tum, nằm ở phía Nam tỉnh, có diện tích tự nhiên 43.289,74ha, dân số trung bình năm 2020 khoảng 171.576 người. Thành phố Kon Tum có 21 đơn vị hành chính (10 phường và 11 xã) và có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong quá trình hội nhập, phát triển của tỉnh và của khu vực Tây nguyên; thành phố Kon Tum đang tập trung đầu tư phát triển để trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh.

Tại Nghị quyết số 06-NQ/ĐH ngày 30 tháng 9 năm 2020 Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định tập trung huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại. Phấn đấu xây dựng thành phố Kon Tum sớm đạt tiêu chuẩn đô thị loại II.

Thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum đã triển khai thực hiện nhiều dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội, chỉnh trang hạ tầng khung đô thị, xây dựng hệ thống đường giao thông, cấp thoát nước, hệ thống cây xanh, vườn hoa, xử lý rác thải... Việc triển khai đầu tư các công trình, dự án đã tác động sâu rộng đến đời sống kinh tế xã hội của người dân trên địa bàn thành phố Kon Tum trong đó có các làng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thành phố Kon Tum hiện có 60 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số, với 51.579 khẩu, chiếm 30,17% dân số toàn thành phố, tập trung chủ yếu ở 5 phường và 11 xã (13 làng nội thành và 47 làng ngoại thành). Những năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ từ các chương trình, dự án, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã làm thay đổi căn bản đời sống kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kết cấu hạ tầng từng bước được hoàn thiện; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Tuy nhiên, do tồn tại của lịch sử, cùng với quá trình phát triển không gian đô thị, tăng dân số..., diện tích đất ở, đất sản xuất dần bị thu hẹp dẫn đến tình trạng một bộ phận hộ gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số thiếu hoặc không có đất ở, đất sản xuất, sinh sống trong quần thể chật chội, ô nhiễm môi trường và không theo quy hoạch. Các làng đồng bào dân tộc thiểu số phân bổ chủ yếu nằm dọc sông Đăk Bla, thường xuyên bị ngập lụt và có nguy cơ cao về sạt lở đất trong mùa mưa lũ, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất. Hơn nữa, các làng đồng bào dân tộc thiểu số vùng nội thành thuộc khu vực I, II là vùng không thuộc diện được hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu Quốc gia, do đó nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho các hộ rất hạn chế nên đời sống kinh tế, xã hội vẫn còn những khó khăn nhất định. Hiện nay, đa số các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nêu trên có điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp so với mặt bằng chung của thành phố. Đây là vấn đề gây nên nhiều bức xúc cần được Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền quan tâm giải quyết, giúp cho dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số nội thành nhanh chóng ổn định cuộc sống và có những đóng góp nhất định vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của thành phố.

Xuất phát từ thực trạng trên, cần phải có những kế hoạch, giải pháp để ổn định cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng; tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án và thực hiện chỉnh trang đô thị trên địa bàn thành phố Kon Tum nhằm phấn đấu xây dựng thành phố Kon Tum sớm đạt tiêu chuẩn đô thị loại II, là một trong hai vùng kinh tế động lực của Tỉnh. Vì vậy việc triển khai lập “Đề án tổng thể giãn dân các làng đồng bào dân tộc thiểu số trong nội thành thành phố Kon Tum gắn với tái định canh, tái định cư khi thực hiện các dự án trên địa bàn” là hết sức cần thiết.

II. NHỮNG CĂN CỨ LẬP ĐỀ ÁN.

- Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;

- Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

- Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;

- Tiêu chuẩn quốc gia Quy hoạch xây dựng nông thôn số 4454:2012;

- Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Sau đây viết tắt là Quyết định số 1719/QĐ-TTg).

- Nghị định 45/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về quy định thu tiền sử dụng đất;

- Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công;

- Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.

- Quyết định 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ Về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020.

- Quyết định số 24/2021/QĐ-TTg ngày 16 tháng 07 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm và quy trình xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025.

- Thông tư số 04/2021/TT-BNV ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố; Thông tư số 14/2018/TT-BNV ngày 03/12/2018 của Bộ Nội vụ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2021/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

- Quyết định số 1058/QĐ-UBND ngày 30 tháng 10 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum Phê duyệt Điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án khai thác quỹ đất phát triển kết cấu hạ tầng Đường bao khu dân cư phía Bắc thành phố Kon Tum (đoạn từ đường Trần Phú đến cầu treo Kon Klor);

- Quyết định số 53/2014/QĐ-UBND ngày 19 tháng 9 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc ban hành quy định cụ thể một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

- Quyết định số 30/2018/QĐ-UBND ngày 30 tháng 10 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về sửa đổi, bổ sung Điều 9 của quy định một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh kèm theo Quyết Quyết định số 53/2014/QĐ-UBND ngày 19 tháng 9 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum;

- Quyết định số 31/2021/QĐ-UBND ngày 30/9/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định cụ thể một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum ban hành kèm theo Quyết định số 53/2014/QĐ-UBND ngày 19 tháng 9 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum

- Quyết định số 34/2018/QĐ-UBND ngày 11 tháng 12 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum Quy định mức bình quân diện tích đất sản xuất cho mỗi hộ gia đình để làm cơ sở xác định hộ gia đình thiếu đất sản xuất trên địa bàn tỉnh.

- Quyết định số 26/2021/QĐ-UBND ngày 02 tháng 8 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum Ban hành quy định điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất theo từng loại đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

- Nghị quyết số 06-NQ/ĐH ngày 30 tháng 9 năm 2020 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020-2025;

- Kết luận số 02-KL/TU ngày 02-12-2020 của Tỉnh ủy Kon Tum Kết luận Hội nghị lần thứ hai Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025;

- Nghị quyết số 56/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025;

-Thông báo số 129-TB/TU ngày 01 tháng 3 năm 2021 của Tỉnh ủy về Thông báo kết luận họp Thường trực Tỉnh ủy; Văn bản số 14-KL/TU ngày 11 tháng 3 năm 2021 của Tỉnh ủy Kon Tum Kết luận tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2020;

- Công văn số 546-CV/TU ngày 06/6/2022 về Chủ trương thực hiện Đề án tổng thể giãn dân các làng đồng bào dân tộc thiểu số trong nội thành thành phố Kon Tum, gắn với tái định canh, tái định cư khi thực hiện các dự án trên địa bàn thành phố;

- Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các Bộ ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh liên quan; các văn bản quy định hiện hành và yêu cầu thực tế công tác lập Đề án.

III. MỤC TIÊU VÀ YÊU CẦU

1. Mục tiêu

- Thực hiện tái định cư, tái định canh đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhằm thực hiện các Chính sách của Nhà nước để tạo điều kiện cho hộ có nơi ở ổn định, có đủ điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, xóa đói, giảm nghèo; Vùng thực hiện Đề án được đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

- Kịp thời bố trí đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân có đất trong diện thu hồi khi thực hiện các chương trình, dự án, chỉnh trang đô thị; tạo điều kiện cho các hộ dân tái định cư, tái định canh để sớm ổn định đời sống, phát triển kinh tế.

- Thực hiện chỉnh trang và phát triển không gian đô thị, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn thành phố Kon Tum nhằm phấn đấu xây dựng thành phố Kon Tum sớm đạt tiêu chuẩn đô thị loại II và là vùng kinh tế động lực của tỉnh(1).

2. Yêu cầu

- Phù hợp với Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và vùng Tây Nguyên đến năm 2025, tính đến năm 2030;

- Đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với định hướng phát triển của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI.

- Đảm bảo tính khoa học, liên tục và kế thừa.

- Đảm bảo tính ổn định và phát triển bền vững, đảm bảo các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ.

- Tổ chức thực hiện tái định canh, tái định cư đảm bảo công khai, minh bạch, bình đẳng và công bằng khi thực hiện các chính sách giữa các đối tượng thụ hưởng.

- Tạo sự đồng thuận và hưởng ứng của cộng đồng, vì lợi ích chung của cộng đồng.

- Sắp xếp, bố trí tái định canh, tái định cư phải phù hợp với đặc điểm văn hóa, phong tục tập quán của đối tượng hộ đồng bào dân tộc thiểu số được bố trí, sắp xếp.

- Thành lập, xây dựng các làng mới đạt chuẩn thôn nông thôn mới theo Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 18-02-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với việc xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”.

IV. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, THỜI GIAN THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Đối tượng:

Hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố (khoảng 1.410 hộ, trong đó: khoảng 114 hộ DTTS nghèo và 1.296 hộ bị ảnh hưởng do triển khai các dự án và chỉnh trang đô thị) theo 02 nhóm đối tượng sau:

- Nhóm 1: Hộ dân tộc thiểu số nghèo trên địa bàn thành phố chưa có đất ở; chưa có nhà ở hoặc nhà ở bị dột nát, hư hỏng; làm nghề nông, lâm, ngư nghiệp nhưng không có hoặc thiếu trên 50% đất sản xuất theo định mức quy định của địa phương; có khó khăn về nước sinh hoạt (Theo quy định tại Dự án 1 ban hành kèm theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg).

- Nhóm 2: Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng khi triển khai các dự án đầu tư và các dự án thu hút đầu tư trên địa bàn thành phố Kon Tum được cập nhật phù hợp với thực tế hằng năm, theo từng dự án cụ thể.

2. Phạm vi:

Trên địa bàn thành phố Kon Tum (có tính đến yếu tố vùng, liên vùng).

3. Thời gian thực hiện:

Chia thành 02 giai đoạn: 2022 - 2025 và 2026 - 2030.

V. NỘI DUNG ĐỀ ÁN:

Nội dung đề án gồm ba phần chính: (i) Phần thứ nhất: Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và môi trường Đề án; (ii) Phần thứ hai: Nội dung chủ yếu của Đề án; (iii) Phần thứ ba: Tổ chức thực hiện.

 

PHẦN THỨ NHẤT

ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ MÔI TRƯỜNG VÙNG ĐỀ ÁN

I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ, XÃ HỘI VÀ MÔI TRƯỜNG VÙNG ĐỀ ÁN:

1. Đặc điểm tự nhiên và ảnh hưởng của thiên tai:

Thành phố Kon Tum có 21 đơn vị hành chính gồm 10 phường2 và 11 xã3.

Dân số Thành phố Kon Tum năm 2020 có khoảng 171.576 người, trong đó dân tộc thiểu số có hơn 51.707 người (chiếm tỷ lệ 30,14%). Dân tộc thiểu số sinh sống tại Thành phố KonTum bao gồm các dân tộc thiểu số tại chỗ và một số dân tộc thiểu số di cư từ miền núi phía Bắc vào, chủ yếu sinh sống tập trung tại 60 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn 17 xã, phường. Các xã, phường có quy mô diện tích đất tự nhiên và dân số cụ thể như sau:

STT

Tên xã, phường

Diện tích tự nhiên (ha)

Dân số

Đồng bào DTTS

Tỷ lệ người DTTS (%)

Hộ

Người

Hộ

Người

1

Đăk Blà

4194,38

1.729

7.926

1,155

5630

71,03%

2

Thống Nhất

452,92

2.321

10.187

596

3681

36,13%

3

Quang Trung

357,92

5.037

18.807

422

2235

11,88%

4

Đăk Rơ Wa

2652,59

827

4.019

774

3652

90,87%

5

Trường Chinh

518,89

3.051

11.360

319

1358

11,95%

6

Thắng Lợi

462,64

3.622

14.803

701

2385

16,11%

7

Lê Lợi

381,89

1.957

7.413

390

1718

23,18%

8

Quyết Thắng

120,7

2.246

8.606

23

83

0,96%

9

Nguyễn Trãi

479,34

1.366

5.184

8

91

1,76%

10

Trần Hưng Đạo

637,6

1.829

6.895

15

40

0,58%

11

Ngô Mây

1721,78

1.293

4.971

199

960

19,31%

12

Duy Tân

550,44

4.316

15.702

74

409

2,60%

13

Hoà Bình

6017,48

1.694

6.821

524

2377

34,85%

14

Ia Chim

6747,04

2.590

10.765

2,098

7379

68,55%

15

Đoàn Kết

2262,76

1.042

4.011

343

1218

30,37%

16

Vinh Quang

1056,24

2.430

10.475

971

4866

46,45%

17

Ngok Bay

1875,43

1.161

5.940

1,155

5553

93,48%

18

Kroong

3277,85

1.127

4.580

472

2133

46,57%

19

Đăk Cấm

4361,37

1.544

5.976

284

1194

19,98%

20

Chư Hreng

2933,95

762

3.231

443

1923

59,52%

21

Đăk Năng

2226,53

896

3.904

658

2822

72,28%

 

Tổng cộng

43.289,74

42.840

171.576

11.624

51.707

31,14

(Nguồn số liệu trích theo Niên giám thống kê thành phố Kon Tum 2020, Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 Dân tộc thiểu số năm 2019 của Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum)

Đa số đời sống của hộ đồng bào DTTS trên địa bàn thành phố chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu phân bổ dọc theo dòng sông Đăk Bla và một số khu vực đồi núi. Trong những năm gần đây, do chịu tác động của biến đổi khí hậu nên một số thôn, làng phải đối mặt với tình trạng ngập lụt, có nguy cơ cao về sạt lở đất vào mùa mưa và tình trạng hạn hán, thiếu nước sinh hoạt và nước sản xuất nên đời sống và sản xuất gặp nhiều khó khăn.

2. Thực trạng kinh tế - xã hội - môi trường:

2.1. Về sản xuất TTCN, ngành nghề truyền thống:

Tiểu thủ công nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số hầu như chưa phát triển; ngành nghề truyền thống chủ yếu là dệt thổ cẩm và đan lát, các hoạt động này tận dụng thời gian nông nhàn, góp phần tăng thu nhập gia đình. Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm rất hạn chế, chủ yếu tập trung vào khách du lịch nước ngoài nên sản xuất ngành nghề truyền thống truyền thống còn những khó khăn nhất định.

2.2. Về sản xuất nông nghiệp:

Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các làng nội thành diện tích đất sản xuất nông nghiệp chủ yếu nằm ở địa bàn khác và một số ít diện tích tập trung ở vùng ô ven sông Đăk Bla. Cây trồng chủ yếu là rau, màu. Trong những năm qua, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã tập trung khai hoang, mở rộng diện tích, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, các tiến độ khoa học kỹ thuật đã được áp dụng trong sản xuất; thay đổi phương thức canh tác, áp dụng giống mới vào sản xuất. Tuy nhiên, do thiếu đất sản xuất, thiếu vốn đầu tư nên năng suất, sản lượng tăng không đáng kể, bên cạnh đó phần lớn các hộ này sản xuất trên vùng đất thường xuyên bị ngập lụt dẫn đến thu nhập không ổn định, đời sống còn nhiều khó khăn.

2.3. Về chăn nuôi:

Hình thức chăn nuôi chủ yếu là thả rông trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường và không kiểm soát được dịch bệnh. Những năm qua, được sự hỗ trợ của các chương trình dự án đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã làm thay đổi phương thức chăn thả rông, nhưng do không có đồng cỏ chăn nuôi nên số lượng, sản lượng đàn gia súc, gia cầm vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng giảm, ngành chăn nuôi chưa đóng góp nhiều vào thu nhập hộ gia đình.

2.4. Về tập quán và phương thức canh tác:

Tập quán và phương thức canh tác đã căn bản được thay đổi theo hướng tiến bộ, nhưng do thiếu vốn, thiếu đất sản xuất và lại nằm trong vùng thường xuyên bị ngập lụt nên việc duy trì, nhân rộng các mô hình hiệu quả còn nhiều hạn chế.

2.5. Về xây dựng kết cấu hạ tầng:

Thông qua các chương trình, dự án của Chính phủ, của tỉnh và của địa phương trong những năm qua đã xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, phục vụ dân sinh, giáo dục, y tế, giao thông.. cơ bản đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhưng do việc bố trí, sắp xếp dân cư tự phát, không theo quy hoạch nên hệ thống kết cấu hạ tầng vẫn còn nhiều bất cập; các thiếu chế văn hóa đã được đầu tư xây dựng nhưng không đảm bảo diện tích sử dụng nên chưa phát huy hiệu quả.

2.6. Về công tác giảm nghèo:

Thời gian qua, được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành cấp tỉnh, địa phương việc triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề đã tạo được những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn và giảm nghèo bền vững của người dân. Cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội đối với người dân khu vực nông thôn được nâng cao, môi trường ngày càng được cải thiện, đã góp phần tích cực trong công tác giải quyết việc làm cho người dân nông thôn; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm dần qua từng năm đã phát huy tốt hiệu quả đầu tư, đẩy mạnh phát triển sản xuất, ổn định đời sống của nhân dân trên địa bàn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống của người dân. Tuy nhiên, tình trạng tái nghèo vẫn diễn ra thường xuyên, nguyên nhân chủ yếu do thiếu đất ở, đất sản xuất và là vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

2.7. Môi trường vùng đề án:

Do thói quen sống quần cư, điều kiện sinh hoạt chật chội và phương thức chăn nuôi thả rông nên vệ sinh môi trường các làng đồng bào dân tộc thiểu số chưa đảm bảo; nguy cơ lây lan dịch bệnh là không tránh khỏi. Vì vậy cần có các biện pháp thích hợp để cải thiện môi trường ở vùng này, trong đó biện pháp căn cơ là bố trí, sắp xếp lại dân cư, tạo điều kiện phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, giảm thiểu môi trường sinh thái trong cộng đồng dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và vùng đề án nói riêng.

* Nhận xét và đánh giá chung:

- Những kết quả đạt được:

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự cố gắng nỗ lực của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên kinh tế - xã hội - môi trường đã có những bước phát triển đáng kể:

+ Các công trình hạ tầng thiết yếu (điện, đường, trường học, trạm xá, nước sinh hoạt...) đa số được xây dựng kiên cố, trên 95% hộ gia đình sử dụng điện lưới quốc gia, trên 85% hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh để sinh hoạt, đã góp phần cải thiện điều kiện sản xuất, đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số, các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh kinh tế, phục vụ văn hoá, xã hội trong cộng đồng dân cư ngày càng phát triển.

+ Đồng bào dân tộc thiểu số đã từ bỏ phương thức canh tác lạc hậu, du canh du cư, đốt rừng làm nương rẫy, đã ổn định định canh, định cư để phát triển sản xuất nâng cao đời sống, xoá đói giảm nghèo tăng thu nhập. Bước đầu đã ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả.

+ Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe ban đầu cho đồng bào dân tộc được đặc biệt quan tâm. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế ngày một khá hơn, các dịch bệnh thông thường được kiểm soát và đẩy lùi.

+ Đời sống văn hoá tinh thần phong phú đa dạng, các nhà Rông văn hoá được xây dựng, tạo điều kiện để nhân dân các dân tộc có nơi để sinh hoạt và tổ chức các lễ hội văn hoá truyền thống của cộng đồng các dân tộc. Các ngành nghề truyền thống, các phương tiện thông tin về tận làng, người dân biết nhiều thông tin, chính sách của Đảng, Nhà nước và tình hình Quốc tế, nhiều kinh nghiệm sản xuất của các địa phương, dân tộc khác trong cả nước để ứng dụng vào điều kiện của địa phương mình có hiệu quả.

+ Đội ngũ cán bộ cấp xã, thôn từng bước được nâng cao về năng lực quản lý và điều hành, thực hiện các chính sách, chương trình, dự án tại địa phương. Hệ thống chính trị ngày càng được tăng cường và củng cố. An ninh quốc phòng luôn được giữ vững. Bộ mặt vùng đồng bào các dân tộc thiểu số có nhiều khởi sắc.

- Khó khăn, hạn chế:

Vùng dân tộc thiểu số địa bàn thành phố Kon Tum thời điểm hiện nay vẫn là vùng chậm phát triển; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới còn cao hơn mức bình quân của toàn thành phố; trình dộ dân trí còn thấp. Tập quán sinh hoạt, tiêu dùng chậm được thay đổi, tư duy làm ăn kinh tế chưa được hình thành và phát triển. Năng lực đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ cấp xã, thôn làng còn nhiều hạn chế; là vùng thường xuyên bị ngập lụt và có nguy cơ cao về sạt lở đất khi mùa mưa lũ đến, gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của các hộ trong vùng.

* Nguyên nhân của những hạn chế:

Trong thực tiễn công tác giảm nghèo vùng dân tộc, miền núi thường phức tạp hơn so với các vùng khác, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đói nghèo. Có thể khái quát thành 3 nhóm nguyên nhân chủ yếu sau:

- Điểm xuất phát thấp, lại chịu nhiều tác động của quá trình đô thị hóa; tác động của thiên tai, bão lụt, thiếu đất ở, đất sản xuất nên kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số chậm phát triển.

- Bản thân của người nghèo, thiếu lao động, thiếu kiến thức sản xuất, thiếu khả năng hạch toán kinh tế, đông con, lười lao động, thiếu vốn, chưa xây dựng được kế hoạch chi tiêu trong gia đình, khả năng tiếp cận thị trường chậm, tự ti, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước còn phổ biến...

- Hệ thống cơ chế, chính sách: Thiếu đồng bộ, chưa tạo được điều kiện để tổ chức sản xuất, cải thiện đời sống và tiêu thụ sản phẩm cho đồng bào các dân tộc thiểu số, miền núi, hiểu biết về cơ chế, chính sách hạn chế...

3. Khái quát về các dự án đang triển khai và dự kiến triển khai trên địa bàn thành phố Kon Tum.

Hiện nay, qua rà soát thống kê sơ bộ trên địa bàn thành phố Kon Tum có khoảng 107 dự án dự kiến triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021-2030 gồm: 41 dự án đầu tư công, 66 dự án thuộc danh mục thu hút đầu tư và các dự án đã cho Chủ trương khảo sát, nghiên cứu đầu tư (Chi tiết tại Phụ lục 01 kèm theo). Trong đó đang triển khai 04 dự án trọng điểm sau:

- (1) Dự án Đầu tư chỉnh trang đô thị, tạo quỹ đất để thực hiện quy hoạch Khu du lịch-Đô thị sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp thể thao tại xã Đăk Rơ Wa (Dự án được Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 206/QĐ-UBND ngày 27 tháng 2 năm 2019). Mục tiêu đầu tư của dự án: Tạo quỹ đất sạch, tập trung, thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính đến đầu tư dự án Khu du lịch - đô thị sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp sân golf tại xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Nội dung đầu tư chủ yếu: Hệ thống rào trụ bê tông, kẽm gai tại các vị trí tiếp giáp đất thuộc dự án với đất của các hộ dân (Trừ các vị trí đất sông suối) với chiều dài khoảng 3.513m. Thực hiện bồi thường đất, tài sản sản trên đất với diện tích khoảng 330ha. Chủ đầu tư: Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Kon Tum.

- (2) Dự án Đầu tư chỉnh trang đô thị, tạo quỹ đất để thực hiện quy hoạch khu phức hợp đô thị tại phường Quang Trung (Dự án được Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 204/QĐ- UBND ngày 27 tháng 2 năm 2019). Mục tiêu đầu tư: Chỉnh trang đô thị, tạo quỹ đất để thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính đến đầu tư dự án Khu phức hợp đô thị góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Nội dung đầu tư chủ yếu: Hệ thống rào trụ bê tông, kẽm gai tại các vị trí tiếp giáp đất thuộc dự án với đất của các hộ dân (Trừ các vị trí đất sông suối) với chiều dài khoảng 2.002m. Thực hiện bồi thường đất, tài sản trên đất với diện tích khoảng 73,1ha. Chủ đầu tư: Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum.

- (3) Dự án Khai thác quỹ đất phát triển kết cấu hạ tầng Đường bao Khu dân cư phía Nam thành phố Kon Tum- Đoạn từ đường Hồ Chí Minh đến cầu treo KonKlor (Dự án được Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum phê duyệt điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 1057/QĐ-UBND ngày 30 tháng 10 năm 2015). Mục tiêu đầu tư: Xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển quỹ đất, tạo điều kiện mở rộng không gian đô thị nhằm sớm hình thành cơ bản bộ mặt kiến trúc cảnh quan khu vực đô thị theo hướng hiện đại và bản sắc truyền thống; đồng thời góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương và ổn định kinh tế - xã hội cho đô thị. Nội dung đầu tư chủ yếu: San ủi mặt bằng, hệ thống đường giao thông, hệ thống cấp điện, hệ thống cấp nước, thoát nước. Chủ đầu tư: Ban Quản lý các dự án 98.

- (4) Dự án Khai thác quỹ đất phát triển kết cấu hạ tầng Đường bao Khu dân cư phía Bắc thành phố Kon Tum - Đoạn từ đường Trần Phú đến cầu treo Kon Klor (Dự án được Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum phê duyệt điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 1058/QĐ-UBND ngày 30 tháng 10 năm 2015). Mục tiêu đầu tư: Xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển quỹ đất, tạo điều kiện mở rộng không gian đô thị nhằm sớm hình thành cơ bản bộ mặt kiến trúc cảnh quan khu vực đô thị theo hướng hiện đại và bản sắc truyền thống; đồng thời góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương và ổn định kinh tế - xã hội cho đô thị. Nội dung đầu tư chủ yếu: San ủi mặt bằng, hệ thống đường giao thông, hệ thống cấp điện, hệ thống cấp nước, thoát nước. Chủ đầu tư: BQL các dự án 98.

Hiện nay, UBND tỉnh đã có Chủ trương đầu tư, cho phép khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án và kêu gọi thu hút đầu tư một số dự án như:

- Dự án Khu đô thị mới Nam sông Đăk Bla: do Công ty cổ phần Đầu tư Alphanam khảo sát với quy mô sử dụng đất khoảng 135ha trên địa bàn xã Chư Hreng (theo Văn bản số 1937/UBND-HTKT ngày 12/6/2021 của UBND tỉnh)

- Khu đô thị sinh thái - du lịch kết hợp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Chư Hreng - Đăk Rơ Wa: do Công ty Cổ phần đầu tư VVINA khảo sát, với quy mô 337 ha trên địa bàn xã Chư Hreng, Đăk Rơ Wa (theo văn bản số 4453/UBND-HTKT ngày 16/12/2021 của UBND tỉnh).

- Khai thác quỹ đất để phát triển kết cấu hạ tầng tại Khu du lịch văn hóa lịch sử Ngục Kon Tum với quy mô sử dụng đất khoảng 9,55ha trên địa bàn Phường Quang Trung và Phường Quyết Thắng (theo Thông báo số 68/TB- HĐND ngày 26/12/2017 của HĐND tỉnh).

- Khu đô thị sinh thái Tây phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum với quy mô sử dụng đất khoảng 150ha trên địa bàn Phường Quyết Thắng (Theo Quyết định số 684/QĐ-UBND, ngày 02/8/2021 của UBND tỉnh).

Ngoài ra, trên cơ sở các đồ án quy hoạch xây dựng tại các phường nội thành có làng đồng bào DTTS(4), thành phố Kon Tum triển khai thực hiện chỉnh trang các làng nội thành, tập trung vào các nội dung: Đầu tư đường giao thông, trường học, các thiết chế văn hóa, công viên cây xanh... để sớm đưa thành phố Kon Tum đạt các tiêu chí đô thị loại II và với mục tiêu tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn, trong tương lai thành phố Kon Tum tiếp tục triển khai thực hiện nhiều dự án khác. Khi đó sẽ phát sinh các đối tượng hộ đồng bào dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng đến đất ở và đất sản xuất (bị thu hồi) khi triển khai thực hiện dự án đặt ra yêu cầu cần có phương án bố trí tái định canh, định cư cho người dân để ổn định cuộc sống.

II. HIỆN TRẠNG VÀ DỰ KIẾN NHU CẦU ĐỊNH CANH, ĐỊNH CƯ CỦA CÁC LÀNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ THUỘC VÙNG ĐỀ ÁN

Hiện nay, thành phố Kon Tum đã triển khai hai đợt rà soát về nhu cầu đất ở và đất sản xuất của các làng đồng bào dân tộc thiểu số, đợt 1 gồm 07 xã phường gồm Đăk Blà, Thống Nhất, Quang Trung, Đăk Rơ Wa, Trường Chinh, Thắng Lợi và Lê Lợi; đợt 2 gồm các xã, phường còn lại trên địa bàn thành phố. Số liệu cụ thể như sau:

1. Kết quả rà soát đợt 1:

Diện tích đất tự nhiên trong phạm vi rà soát (07 xã phường nói trên) là 9.021,23ha, trong đó, đất sản xuất nông nghiệp là 5.182ha; đất lâm nghiệp là 265,73 ha; đất nuôi trồng thủy sản là 2,58 ha; Đất chuyên dùng là 2.292,4 ha; đất ở là 1.120,3ha; đất khác là 158,22 ha. Nhu cầu bố trí tái định canh, định cư khoảng 850 hộ/4.158 nhân khẩu cụ thể như sau:

1.1. Xã Đăk Blà

Nhu cầu bố trí tái định canh, định cư là 181 hộ, trong đó:

- Nhóm 1: Hộ dân tộc thiểu số nghèo: 28 hộ (Thôn Kon Gur: 5 hộ, Thôn Kon Mơ Nay Kơ Tu 1: 09 hộ, Thôn Kon Jri Xút: 03 hộ, Thôn Kon Drei: 08 hộ, Thôn Kon Jơ Dreh: 01 hộ, Thôn Kon Mơ Nay Kơ Tu 2: 02 hộ);

- Nhóm 2:

+ Hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi công trình dự án: 153 hộ (Thôn Kon Gur: 23 hộ, Thôn Kon Mơ Nay Kơ Tu 1: 42 hộ, Thôn Kon Jri Xút: 09 hộ, Thôn Kon Drei: 52 hộ, Thôn Kon Jơ Dreh: 24 hộ, Thôn Kon Mơ Nay Kơ Tu 2: 03 hộ);

+ Hộ gia đình bị ảnh hưởng khi thực hiện chỉnh trang: 0 hộ.

1.2. Phường Thống Nhất

Nhu cầu bố trí tái định canh, định cư là 88 hộ, trong đó:

- Nhóm 1: Hộ dân tộc thiểu số nghèo: 04 hộ (Thôn Kon Tum Kơ Nâm: 04 hộ);

- Nhóm 2:

+ Hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi công trình dự án: 25 hộ (Thôn Kon Tum Kơ Nâm: 25 hộ);

+ Hộ gia đình bị ảnh hưởng khi thực hiện chỉnh trang: 59 hộ (Làng Kon Tum Kơ Nâm: 07 hộ, Làng Kon Hra Chót: 52 hộ).

1.3. Phường Quang Trung

Nhu cầu bố trí tái định canh, định cư là 348 hộ, trong đó:

- Nhóm 1: Hộ dân tộc thiểu số nghèo: 0 hộ;

- Nhóm 2:

+ Hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi công trình dự án: 273 hộ (Làng Plei Tơ Ngia: 259 hộ, Làng Plei Đôn: 14 hộ);

+ Hộ gia đình bị ảnh hưởng khi thực hiện chỉnh trang: 75 hộ (Làng Plei Tơ Ngia: 49 hộ, Làng Plei Đôn: 26 hộ).

1.4. Xã Đăk Rơ Wa

Nhu cầu bố trí tái định canh, định cư là 45 hộ, trong đó:

- Nhóm 1: Hộ dân tộc thiểu số nghèo: 15 hộ (Thôn Kon Klor: 10 hộ, Thôn Kon Tum KơPơng: 02 hộ, Thôn Kon Tum Kơ Nâm: 03 hộ);

- Nhóm 2:

+ Hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi công trình dự án: 30 hộ (Thôn KonJơdri: 04 hộ, Thôn Kon Klor: 24 hộ, Thôn Kon Tum KơPơng: 02 hộ);

+ Hộ gia đình bị ảnh hưởng khi thực hiện chỉnh trang: 0 hộ.

1.5. Phường Trường Chinh:

Nhu cầu bố trí tái định canh, định cư là 60 hộ, trong đó:

- Nhóm 1: Hộ dân tộc thiểu số nghèo: 11 hộ (Thôn Kon Sơ Lam 1: 05 hộ, Thôn Kon Sơ Lam 2: 03 hộ, Thôn Kon Tu 2: 03 hộ);

- Nhóm 2:

+ Hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi công trình dự án: 41 hộ (Thôn Kon Sơ Lam 1: 37 hộ, Thôn Kon Sơ Lam 2: 01 hộ, Thôn Kon Tu 2: 03 hộ);

+ Hộ gia đình bị ảnh hưởng khi thực hiện chỉnh trang: 08 hộ (Thôn Kon Sơ lam 2: 07 hộ, Thôn Kon Sơ lam 1: 01 hộ).

1.6. Phường Thắng Lợi

Nhu cầu bố trí tái định canh, định cư là 122 hộ, trong đó:

- Nhóm 1: Hộ dân tộc thiểu số nghèo: 04 hộ (Thôn Kontum Kơpơng: 04 hộ);

- Nhóm 2:

+ Hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi công trình dự án: 98 hộ (Thôn KonKlor: 24 hộ, Thôn Kontum Kơpơng: 01 hộ, Thôn Kon Rơ Wang: 73 hộ);

+ Hộ gia đình bị ảnh hưởng khi thực hiện chỉnh trang là 20 hộ (Thôn KontumKơpơng: 19 hộ, Thôn Kon Klor: 01 hộ).

1.7. Phường Lê Lợi

Nhu cầu bố trí tái định canh, định cư là 06 hộ, trong đó:

- Nhóm 1: Hộ dân tộc thiểu số nghèo: 02 hộ tại Thôn Plei Rơ hai 2;

- Nhóm 2:

+ Hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi công trình dự án: 04 hộ (Thôn Plei Rơ hai 1: 01 hộ, Thôn Plei Rơ hai 2: 03 hộ);

+ Hộ gia đình bị ảnh hưởng khi thực hiện chỉnh trang: 0 hộ.

(Chi tiết tại Phụ lục 02 và Phụ lục 03 kèm theo)

2. Các xã, phường còn lại trên địa bàn thành phố Kon Tum:

Hiện nay UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định số 261 ngày

12/5/2022 Phê duyệt quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 của thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum với khoảng 756 dự án có sử dụng đất. Trong đó qua rà soát sơ bộ có khoảng 92 dự án cấp thành phố quản lý, 15 dự án cấp tỉnh quản lý sẽ triển khai thực hiện trong thời gian đến. Dự kiến có khoảng 560 hộ đồng bào dân tộc thiểu số cần bố trí tái định canh, định cư. Trong đó: 510 hộ có nhu cầu bố trí đất ở và đất sản xuất khi triển khai thực hiện các dự án và 50 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất ở, đất sản xuất cần bố trí. Khi triển khai thực hiện các dự án thuộc danh mục nói trên và các dự án khác từ nay đến 2030 có phát sinh nhu cầu bố trí tái định cư, tái định canh cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã, phường còn lại thuộc địa bàn thành phố Kon Tum đều thuộc đối tượng của Đề án.

III. HIỆN TRẠNG SỬ DỤNG ĐẤT TẠI KHU BỐ TRÍ TÁI ĐỊNH CƯ, TÁI ĐỊNH CANH

Nhằm định hướng các địa điểm bố trí dân cư, dự kiến sẽ bố trí tại 07 điểm tái định cư và tái định canh, cụ thể như sau:

1. Địa điểm bố trí tái định canh, tái định cư tại xã Đăk Blà.

1.1. Vị trí, giới hạn khu đất:

Khu quy hoạch bố trí dân cư tại xã Đăk Blà có tổng diện tích là 83,46ha gồm hai vị trí:

- Vị trí 1, diện tích khoảng: 48,46 ha, tại thôn Kon Hring và thôn Kon Jri Xút.

- Vị trí 2, diện tích khoảng: 35 ha tại thôn Kon Drei.

(Sơ đồ vị trí bố trí dân cư tại xã Đăk Blà có Phụ lục 04 kèm theo)

1.2. Địa hình, hiện trạng khu đất quy hoạch:

Địa hình khu đất bố trí dân cư có độ dốc trung bình, hiện trạng trồng cao su do Công ty TNHH MTV Cao Su Kon Tum đang quản lý.

Hiện nay, UBND thành phố Kon Tum đã có Quyết định số 1382/QĐ-UBND ngày 17/4/2022 về việc phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) Điểm dân cư số 01 thuộc Dự án giãn dân các hộ đồng bào DTTS gắn với thực hiện tái định canh, tái định cư, phát triển khu sản xuất nông nghiệp tại xã Đăk Blà, thành phố KonTum và Quyết định số 1383/QĐ-UBND ngày 17/4/2022 về việc phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) Điểm dân cư số 02 thuộc Dự án giãn dân các hộ đồng bào DTTS gắn với thực hiện tái định canh, tái định cư, phát triển khu sản xuất nông nghiệp tại xã Đăk Blà, thành phố KonTum.

1.3. Kết cấu hạ tầng khu quy hoạch bố trí dân cư:

Các công trình hạ tầng tại khu vực bố trí dân cư chưa được đầu tư.

2. Địa điểm bố trí tái định canh, tái định cư tại xã Hòa Bình.

2.1. Vị trí, giới hạn khu đất:

Khu quy hoạch bố trí dân cư tại xã Hòa Bình có tổng diện tích khoảng 48,22ha, khu đất có tứ cận như sau:

- Phía đông giáp đất trồng cao su.

- Phía Nam giáp đất trồng cao su.

- Phía Tây giáp đất trồng cao su và ranh giới xã Ia chim.

- Phía Bắc giáp đất trồng lúa và ranh giới xã Đoàn Kết.

(Sơ đồ vị trí bố trí dân cư tại xã Hòa Bình có Phụ lục 05 kèm theo)

2.2. Địa hình, hiện trạng khu đất quy hoạch:

- Khu vực bố trí dân cư tiếp giáp với hai xã Đoàn Kết và Ia chim, địa hình có độ dốc trung bình, cao độ từ 566m đến 587m.

- Hiện trạng khu đất đang trồng cao su năm thứ 6, do Công ty TNHH MTV Cao Su Kon Tum đang quản lý.

2.3. Kết cấu hạ tầng khu quy hoạch bố trí dân cư:

Khu đất có một con đường đất duy nhất đi qua, hướng tiếp cận khu đất có thể đi vào theo hai hướng, hướng từ đường Ngô Đức Đệ và hướng đi vào từ trung tâm xã Ia Chim, cự ly di chuyển từ trung tâm thành phố đến khu đất khoảng 8km. Hiện nay hướng tuyến công trình đường Tránh phía Tây thành phố đã được phê duyệt và cắt qua khu đất. Các công trình hạ tầng khác chưa được đầu tư.

3. Địa điểm bố trí tái định cư tại phường Thống Nhất.

3.1. Vị trí, giới hạn khu đất:

Vị trí khu đất nằm tại thôn Kon Hra Chót và thôn Kon Tum Kơ Nâm, phường Thống Nhất.

(Sơ đồ vị trí bố trí tái định cư tại phường Thống Nhất có Phụ lục 06 kèm theo)

3.2. Địa hình, hiện trạng khu đất quy hoạch:

Địa hình khu vực tương đối bằng phẳng, hiện trạng khu đất chủ yếu là đất nông nghiệp xen lẫn khu dân cư.

3.3. Kết cấu hạ tầng khu quy hoạch bố trí dân cư:

Tại khu vực dự án chỉ có Đường bao khu dân cư phía Bắc đã được đầu tư đồng bộ mặt đường, vỉa hè và hệ thống thoát nước, còn lại là đường bê tông xi măng và đường đất kết nối vào khu dân cư.

4. Điểm bố trí tái định cư tại Xã Chư Hreng.

4.1. Vị trí, giới hạn khu đất:

Khu quy hoạch bố trí dân cư tại xã Chư Hreng có tổng diện tích 21,4ha khu đất có tứ cận như sau:

- Phía Đông Bắc giáp: Đường quy hoạch nối đường Đồng Nai(Tỉnh lộ 671);

- Phía Tây Nam giáp: Đường quy hoạch nối đường Nguyễn Tri Phương;

- Phía Đông Nam giáp: Đường quy hoạch nối đường Võ Văn Tần;

- Phía Tây Bắc giáp: Khu dân cư dọc Tuyến đường giao thông kết nối từ đường Hồ Chí Minh đi Quốc lộ 24 (đoạn từ đường Hồ Chí Minh đến sông Đăk Bla) thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.

(Sơ đồ vị trí bố trí tái định cư tại xã Chư Hreng có Phụ lục 07 kèm theo)

4.2. Địa hình, hiện trạng khu đất quy hoạch:

- Địa hình khu vực tương đối bằng phẳng, hiện trạng khu đất chủ yếu là đất nông nghiệp xen lẫn khu dân cư.

- Diện tích khu vực quy hoạch: 21,4ha, trong đó: Lập mới 17,2ha; cập nhật, kế thừa khoảng 4,2ha Khu tái định cư đường giao thông kết nối từ đường Hồ Chí Minh đi quốc lộ 24 do Ban quản lý các dự án 98 làm Chủ đầu tư đã thi công hoàn thành.

4.3. Kết cấu hạ tầng khu quy hoạch bố trí dân cư:

Khu vực bố trí dân cư tại xã Chư Hreng tiếp giáp với đường tỉnh lộ 671 và Tuyến đường giao thông kết nối từ đường Hồ Chí Minh đi Quốc lộ 24. Nhìn chung khu vực quy hoạch bố trí dân cư kết nối giao thông khá thuận lợi.

5. ĐiÃm bố trí tái định canh, tái định cư tại xã Ia Chim.

5.1. Vị trí, giới hạn khu đất:

Khu đất dự kiến quy hoạch bố trí đất sản xuất tại thôn Tân An xã Ia Chim có tổng diện tích 207,7ha khu đất có tứ cận như sau:

- Phía Bắc giáp đường vào thôn Plei Druân và đất nông nghiệp của dân.

- Phía Tây, phía Nam và phía Đông giáp đất nông nghiệp của dân.

(Sơ đồ vị trí dự kiến bố trí định canh, định cư tại xã Ia Chim có Phụ lục 08 kèm theo)

5.2 Địa hình, hiện trạng khu đất:

- Địa hình khu vực bằng phẳng, hiện trạng là đất trồng cây Cao su già cỗi (đã trồng năm thứ 30) do Công ty TNHH MTV Cao Su Kon Tum đang quản lý.

5.3 Kết cấu hạ tầng tại khu đất:

Khu đất hiện trạng kết nối giao thông thuận lợi, đã có đường nhựa đi qua, cách tỉnh lộ 671 khoảng 1,5Km, cách trung tâm thành phố Kon Tum khoảng 12Km.

6. Điểm bố trí tái định canh tại xã Ngok Bay:

6.1. Vị trí khu đất:

Tại thôn Đăk Rơ Đe dự kiến 01 vị trí, diện tích khoảng 55ha.

(Sơ đồ vị trí dự kiến bố trí định canh tại xã Ngok Bay có Phụ lục 09 kèm theo)

6.2. Địa hình, hiện trạng khu đất:

- Địa hình khu vực khá dốc, hiện trạng là đất trồng cây Cao su tái canh năm thứ 3 do Công ty TNHH MTV Cao Su Kon Tum đang quản lý.

6.3. Kết cấu hạ tầng tại khu đất:

Khu đất hiện trạng cách trung tâm thành phố Kon Tum khoảng 8Km đi theo tỉnh lộ 675. Dự kiến vị trí đất nói trên, sau khi thu hồi sẽ bố trí tái định canh tại đây, không bố trí tái định cư do địa hình không thuận lợi.

7. Điểm bố trí đất tái định canh, tái định cư tại xã Kroong:

7.1. Vị trí khu đất:

Tại thôn Trung Nghĩa Đông xã Kroong, diện tích khoảng 74,9 ha.

(Sơ đồ vị trí dự kiến bố trí định canh, định cư tại xã Kroong có Phụ lục 10 kèm theo)

7.2. Địa hình, hiện trạng khu đất:

- Địa hình khu vực độ dốc trung bình, hiện trạng là đất trồng cây Cao su đã già cỗi hết chu kỳ khai thác (đang tái canh) do Công ty TNHH MTV Cao Su Kon Tum đang quản lý.

7.3. Kết cấu hạ tầng tại khu đất:

Khu đất hiện trạng cách trung tâm thành phố Kon Tum khoảng 17Km đi theo tỉnh lộ 675. Dự kiến sau khi thu hồi sẽ đưa vào quỹ đất bố trí tái định canh, tái định cư trong quá trình triển khai Đề án.

PHẦN THỨ HAI

MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CỦA ĐỀ ÁN

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát:

Thực hiện hỗ trợ tái định canh, tái định cư đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, đất ở và bị ảnh hưởng từ các công trình, dự án và chỉnh trang đô thị. Bố trí ổn định dân cư gắn kết chặt chẽ với công tác quy hoạch và đầu tư hình thành cơ sở hạ tầng thiết yếu, nông thôn mới và chỉnh trang đô thị. Sớm ổn định đời sống, sản xuất, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; đảm bảo người dân nơi ở mới có điều kiện và mức sống từ bằng đến cao hơn so với điều kiện sống tại nơi ở cũ để người dân an tâm, ổn định cuộc sống lâu dài. Góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

2. Mục tiêu cụ thể:

(1) Từ nay đến năm 2025, cơ bản hoàn thành thực hiện việc sắp xếp, ổn định dân cư cho khoảng 850 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc đối tượng Đề án, bao gồm:

- Nhóm 1: Hộ dân tộc thiểu số nghèo: 64 hộ;

- Nhóm 2: Đối tượng tái định cư, tái định canh, bị ảnh hưởng khi triển khai các dự án và thực hiện chỉnh trang đô thị tại các làng nội thành thành phố Kon Tum, trong đó:

+ Hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi công trình dự án: 624 hộ;

+ Hộ gia đình bị ảnh hưởng khi thực hiện chỉnh trang: 162 hộ.

Đồng thời đến năm 2025 cơ bản hoàn thành việc đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu theo thứ tự ưu tiên về giao thông, cấp nước sinh hoạt, điện sinh hoạt.

(2) Giai đoạn 2026-2030 sắp xếp bố trí tái định cư, tái định canh cho khoảng 560 hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong đó: Khoảng 510 hộ thiếu đất ở, đất sản xuất do triển khai các công trình dự án trên địa bàn thành phố Kon Tum và 50 hộ dân tộc thiểu số nghèo.

(3) Đến năm 2030, hoàn thành cơ bản việc chỉnh trang đô thị tại vùng thực hiện Đề án.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CỦA ĐỀ ÁN:

1. Sắp xếp ổn định dân cư tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số nội thành và địa bàn triển khai thực hiện các dự án

1.1. Vận động giãn dân đến điểm định canh, định cư cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Kon Tum bằng các giải pháp:

- Huy động sự tham gia của các tổ chức mặt trận, đoàn thể, các tổ chức xã hội và các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền vận động nhân dân hiểu rõ Chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia cùng chính quyền các cấp thực hiện bố trí dân cư theo quy hoạch.

- Thành lập Ban vận động để tổ chức rà soát, thống kê các hộ đồng bào DTTS thuộc đối tượng của đề án; phân công nhiệm vụ, gắn trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ, đảng viên trong việc triển khai thực hiện đề án.

- Công khai, minh bạch, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách liên quan để đảm bảo đời sống cho các đối tượng của Đề án.

1.2. Thực hiện công tác thông tin tuyên truyền tạo sự đồng thuận tại nơi đến:

Trong quá trình thực hiện Đề án, Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã phường, nơi dự kiến quy hoạch bố trí tái định cư, tái định canh thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền đến các thôn làng có thực hiện tái định canh tái định cư, nhằm để nhân dân hiểu được Chủ trương, đường lối của Tỉnh và Thành phố, tạo sự đồng thuận, không để xảy ra mâu thuẫn giữa các cộng đồng hiện đang sinh sống và các hộ dân mới chuyển đến định canh, định cư.

2. Quy hoạch, lồng ghép điểm tái định cư, tái định canh (nơi đến):

2.1. Quy hoạch khu tái định canh, định cư:

Quy hoạch bố trí tái định cư, tái định canh cho các đối tượng thuộc Đề án Giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó:

- Giai đoạn 2022 - 2025 giải quyết đất ở, đất sản xuất cho khoảng 850 hộ. Cụ thể:

+ Nhu cầu về đất ở: 846/850 hộ, diện tích cần để giao đất ở khoảng 20,5 ha (Diện tích đất ở dao động từ 120-250m2/thửa).

+ Nhu cầu về đất sản xuất: 637/850 hộ, diện tích cần để giao đất sản xuất khoảng 149,3 ha.

(Theo số liệu điều tra, khảo sát (đợt 1), các hộ thiếu đất sản xuất, diện tích đất sản xuất còn lại sau khi thu hồi của các hộ bình quân 0,24 ha/hộ, để lại cho các hộ tiếp tục sản xuất, đồng thời, bố trí thêm diện tích đất sản xuất cho các hộ để đảm bảo mỗi hộ có diện tích đất sản xuất tối thiểu là 0,5 ha và thực hiện các chính sách hỗ trợ khác như: đào tạo nghề, hỗ trợ chuyển đổi nghề, lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình Mục tiêu quốc gia để hỗ trợ phát triển sản xuất,…nhằm đảm bảo sinh kế và đời sống cho người dân.)

- Giai đoạn 2026 - 2030 giải quyết đất ở, đất sản xuất cho khoảng 560 hộ đồng bào DTTS, trong đó bố trí đất ở cho 560 hộ và đất sản xuất (tối thiểu 0.5ha) cho khoảng 300 hộ.

a) Quy hoạch khu tái định canh, định cư tại xã Đăk Blà:

Tổng diện tích Khu quy hoạch bố trí tái định cư, định canh: 83,46ha5. Quy hoạch sử dụng đất6 cụ thể như sau:

- Diện tích đất ở 21,55ha, bố trí được 937 thửa, với diện tích một thửa đất ở từ (200÷250)m2.

- Dự kiến diện tích đất nông nghiệp khoảng 52,19 ha.

- Dự kiến diện tích quy hoạch các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng xã hội và các công trình khác 9,72ha.

b) Quy hoạch khu tái định canh, định cư tại xã Hòa Bình:

Tổng diện tích Khu quy hoạch bố trí tái định cư, định canh: 48,22ha. Quy hoạch sử dụng đất cụ thể như sau:

- Dự kiến tổng diện tích đất ở khoảng 16,19ha, dự kiến bố trí được khoảng 647 thửa đất ở, với diện tích một thửa đất ở 250m2.

- Dự kiến tổng diện tích đất nông nghiệp khoảng 21,15ha.

- Dự kiến diện tích quy hoạch các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng xã hội và các công trình khác khoảng 10,88 ha.

(Chi tiết các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất điểm tái định canh, định cư tại xã Hòa Bình xem phụ lục 11 kèm theo)

c) Bố trí tái định cư tại phường Thống Nhất:

Bố trí tái định cư tại phường Thống Nhất thực hiện lồng ghép với Dự án khai thác quỹ đất phát triển kết cấu hạ tầng Đường bao khu dân cư phía Bắc thành phố Kon Tum (đoạn từ đường Trần Phú đến cầu treo Kon Klor) được phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 1058/QĐ-UBND ngày 30 tháng 10 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum. Diện tích xây dựng khoảng: 69,44ha trong đó:

- Diện tích khai thác quỹ đất tạo vốn trong khu vực dự án là 37,63ha. Trong đó: dự kiến lồng ghép bố trí tái định cư cho 59 hộ với 59 thửa đất ở (diện tích từ 120-200 m2/thửa).

- Diện tích đầu tư cơ sở hạ tầng và diện tích khác là 31,81ha.

d) Bố trí tái định cư tại xã Chư Hreng:

Dự kiến bố trí tái định cư tại xã Chư Hreng lồng ngép với dự án: Mở rộng Khu tái định cư kết hợp với phát triển Khu dân cư phía Tây Nam trung tâm xã Chư Hreng, thành phố Kon Tum. Đến nay Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum đã phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) tại Quyết định số 2972/QĐ-UBND ngày 29 tháng 7 năm 2021. Các thông số cơ bản của dự án như sau:

- Chỉ tiêu về dân số của khu quy hoạch: Khoảng 1.500÷2.000 người. Trong tổng số diện tích khu đất quy hoạch khoảng 21,4ha, dự kiến phân bổ quỹ đất của dự án như sau:

+ Đất ở: 7,69ha. Trong đó: dự kiến bố trí lồng ghép tái định cư cho 20 hộ dân với 20 thửa đất ở (mỗi thửa từ 200-250m2).

+ Diện tích đầu tư cơ sở hạ tầng và diện tích khác là 13,7ha.

e) Quy hoạch khu tái định canh, tái định cư tại xã Ia Chim:

Tổng diện tích khu đất là: 207,7 ha. Quy hoạch sử dụng đất cụ thể như sau:

- Diện tích đất ở khoảng 45,46ha, dự kiến bố trí được khoảng 1.818 thửa đất ở, với diện tích một thửa đất ở 250m2.

- Diện tích đất nông nghiệp khoảng 143,55 ha.

- Diện tích quy hoạch các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng xã hội và các công trình khác khoảng 18,69ha.

f) Quy hoạch khu tái định canh tại xã Ngok Bay:

Diện tích khu đất tại xã Ngok Bay có diện tích khoảng 55ha, do địa hình không thuận lợi cho việc bố trí đất ở nên dự kiến quy hoạch để bố trí đất sản xuất tại đây.

g) Quy hoạch khu tái định canh, tái định cư tại xã Kroong:

Tổng diện tích khu đất là: 74,9 ha. Quy hoạch sử dụng đất cụ thể như sau:

- Diện tích đất ở khoảng 6ha, dự kiến bố trí được khoảng 240 thửa đất ở, với diện tích một thửa đất ở 250m2.

- Diện tích đất nông nghiệp khoảng 65.63ha.

- Diện tích quy hoạch các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng xã hội và các công trình khác khoảng 3.27ha.

(Bảng tổng hợp Quy hoạch sử dụng đất tại các điểm tái định canh, định cư tại Phụ lục 12 kèm theo)

2.2. Yêu cầu đối với công tác lập quy hoạch các khu tái định canh, định cư:

- Sau khi Đề án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, khi triển khai thực hiện các dự án thành phần, cơ quan chủ trì trình cơ quan có thẩm quyền bổ sung 04 điểm tái định canh, tái định cư tại xã Hòa Bình, phường Thống Nhất và xã Ia Chim, Kroong vào Quy hoạch tổng thể bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 882/QĐ-UBND ngày 15 tháng 8 năm 2016, hoặc tích hợp vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo Luật Quy hoạch số 21/2017/QH ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Quốc Hội; Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ và Quyết định 510/QĐ-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 theo quy định.

- Trước khi thực hiện công tác quy hoạch, cần tổ chức thực hiện việc điều tra, khảo sát địa điểm nhằm làm rõ thực trạng, đặc điểm của nơi đến. Ngoài ra cơ quan được giao nhiệm vụ triển khai thực hiện Đề án, tiến hành lập kế hoạch cụ thể trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi triển khai thực hiện, trong đó phân công cụ thể các đơn vị được giao nhiệm vụ, tổ chức lập quy hoạch chi tiết, các dự án đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành về Đầu tư công, Luật Xây dựng và các quy định khác có liên quan.

3. Đánh giá sự phù hợp của địa điểm bố trí tái định canh, định cư với quy hoạch xây dựng:

3.1. Điểm tái định canh, định cư tại xã Đăk Blà

Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành quyết định 747/QĐ-UBND ngày 16/8/2021 Về việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum đến năm 2030, trong đó đã "Điều chỉnh phần diện tích khoảng 19ha thuộc thôn Kon Hring và KonJri Xut và 20,0ha thuộc thôn Kon Drei và thôn Kon Jơ Dreh, xã Đăk Blà từ đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất Tiểu thủ công nghiệp và công trình công cộng (quy hoạch) sang đất ở để bố trí khu tái định cư phục vụ giãn dân các hộ đồng bào dân tộc thiểu số gắn với thực hiện tái định canh, tái định cư" tại xã Đăk Blà.

Hiện nay, UBND thành phố Kon Tum đã có Quyết định số 1382/QĐ-UBND ngày 17/4/2022 về việc phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) Điểm dân cư số 01 thuộc Dự án giãn dân các hộ đồng bào DTTS gắn với thực hiện tái định canh, tái định cư, phát triển khu sản xuất nông nghiệp tại xã Đăk Blà, thành phố KonTum và Quyết định số 1383/QĐ-UBND ngày 17/4/2022 về việc phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) Điểm dân cư số 02 thuộc Dự án giãn dân các hộ đồng bào DTTS gắn với thực hiện tái định canh, tái định cư, phát triển khu sản xuất nông nghiệp tại xã Đăk Blà, thành phố KonTum.

3.2. Điểm tái định canh, định cư tại xã Hòa Bình

Điểm tái định canh, định cư tại xã Hòa Bình hiện trạng quy hoạch đất trồng cây lâu năm. Vì vậy sau khi Đề án được phê duyệt, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ triển khai lập các thủ tục trình Ủy ban nhân dân tỉnh KonTum điều chỉnh quy hoạch. Cụ thể: sẽ chuyển đổi một phần đất trồng cây lâu năm sang đất ở và đất khác (xây dựng các công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật, đất công cộng,...) để bố trí tái định cư.

3.3. Điểm tái định cư tại phường Thống Nhất

Điểm Quy hoạch bố trí tái định cư tại phường Thống Nhất thực hiện theo Dự án khai thác quỹ đất phát triển kết cấu hạ tầng Đường bao khu dân cư phía Bắc thành phố Kon Tum (đoạn từ đường Trần Phú đến cầu treo Kon Klor) được phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 1058/QĐ-UBND ngày 30 tháng 10 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum, trong đó đầu tư xây dựng hạ tầng của dự án Tuân thủ đồ án quy hoạch: Quy hoạch chi tiết (tỷ lệ: 1/500) khu trung tâm hành chính mới, dịch vụ thương mại và dân cư tỉnh Kon Tum (khu Bắc) được phê duyệt tại Quyết định số 978/QĐ-UBND ngày 30 tháng 09 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum.

3.4. Điểm tái định cư tại xã Chư Hreng

Điểm tái định cư tại xã Chư Hreng thuộc dự án: Mở rộng Khu tái định cư kết hợp với phát triển Khu dân cư phía Tây Nam trung tâm xã Chư Hreng, thành phố Kon Tum. Đến nay UBND thành phố Kon Tum đã phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) tại Quyết định số 2972/QĐ-UBND ngày 29/7/2021.

3.5. Điểm tái định canh, tái định cư tại xã Ia Chim

Điểm tái định canh tại xã Ia Chim được bố trí phù hợp theo Quy hoạch xây dựng nông thôn mới của xã được Phê duyệt tại Quyết định số 4606/QĐ- UBND ngày 01/12/2011 của UBND thành phố Kon Tum.

Sau khi Đề án được phê duyệt, UBND thành phố thực hiện thủ tục đề nghị xem xét điều chỉnh cục bộ quy hoạch sử dụng đất tại đây để phù hợp giữa phương án bố trí tái định canh, định cư, phương án khai thác quỹ đất và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030.

3.6 Điểm tái định canh tại xã Ngok Bay

- Điểm tái định canh tại xã Ngok Bay hiện trạng quy hoạch: đất trồng cây lâu năm, hàng năm khác và đất sản xuất phi nông nghiệp (khu khai thác sét).

- Đối với diện tích đất quy hoạch khai thác sét, sau khai thác sẽ thực hiện công tác thu hồi diện tích này và điều chỉnh quy hoạch sang đất nông nghiệp để bố trí tái định canh.

3.7. Điểm tái định canh, định cư tại xã Kroong

Điểm tái định canh, định cư tại xã Kroong hiện trạng quy hoạch đất trồng cây lâu năm, hàng năm khác. Vì vậy sau khi Đề án được phê duyệt, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ triển khai lập các thủ tục trình Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum điều chỉnh quy hoạch. Cụ thể: sẽ chuyển đổi một phần đất trồng cây hàng năm, lâu năm sang đất ở và đất khác (xây dựng các công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật, đất công cộng,...) để bố trí tái định cư.

3.8. Quy hoạch các điểm đấu nối với các tuyến Quốc lộ và tỉnh lộ:

Tại các điểm bố trí tái định cư có phát sinh các điểm đấu nối với các tuyến Quốc lộ, trong quá trình lập quy hoạch chi tiết, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ triển khai các thủ tục trình Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Giao thông vận tải đề nghị Bộ giao thông vận tải cập nhật các điểm đấu nối vào quy hoạch các tuyến Quốc lộ.

3.9. Các nội dung khác:

Khi Đề án được cấp có thẩm quyền thông qua, đơn vị được giao nhiệm vụ lập Quy hoạch tổ chức khảo sát nhằm làm rõ nguồn gốc, tính chất đất, tài sản trên đất, các đặc trưng về kinh tế, xã hội, tập quán canh tác khác. Từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp về mặt xã hội và dân cư với từng địa bàn khi lập quy hoạch chi tiết.

4. Đầu tư xây dụng kết cấu hạ tầng đồng bộ tậi điểm tái định canh, tái định cư:

4.1. Bồi thường, hỗ trợ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng:

- Tổ chức điều tra, khảo sát, xác minh hiện trạng cây trồng trên đất (tại xã Đăk Blà, xã Hòa Bình, xã Ia Chim, Ngok Bay và Kroong), trên cơ sở đó lập phương án bồi thường,thực hiện giải phóng mặt bằng để thực hiện đầu tư và tổ chức tái định cư theo nội dung của đề án. Cụ thể như sau: Trên cơ sở bản đồ địa chính của địa phương, các bên cùng phối hợp với Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum kiểm kê đất đai và cây trồng trên đất; sau khi có ý kiến thống nhất của Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ thực hiện các thủ tục để thực hiện các công tác thu hồi đất, bồi thường và giải phóng mặt bằng.

- Đối với điểm tái định cư tại phường Thống Nhất và xã Chư Hreng công tác giải phóng mặt bằng sẽ thực hiện trong nội dung dự án "Khai thác quỹ đất phát triển kết cấu hạ tầng Đường bao khu dân cư phía Bắc thành phố Kon Tum (đoạn từ đường Trần Phú đến cầu treo Kon Klor)" và dự án "Mở rộng Khu tái định cư kết hợp với phát triển Khu dân cư phía Tây Nam trung tâm xã Chư Hreng, thành phố Kon Tum".

4.2. Định hướng về xây dựng kết cấu hạ tầng khu tái định cư:

Kết nối các kết cấu hạ tầng của các điểm dân cư đồng bộ với kết cấu hạ tầng của thành phố nhằm phát huy tối đa hiệu quả của các kết cấu hạ tầng được đầu tư. Bổ sung những kết cấu hạ tầng còn thiếu, nâng cấp kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kiên cố cho các điểm dân cư mới như đường giao thông, y tế, phòng học, nhà văn hóa, công trình nước sạch, hệ thống điện... đảm bảo hoàn thành xây dựng trước khi di dời dân đến điểm tái định cư. Cụ thể:

- Giao thông: Cải tạo nâng cấp các tuyến đường đến các điểm dân cư, đường liên thôn và nội bộ các khu điểm dân cư; xây mới các tuyến nối điểm dân cư mới với hệ thống đường trục, đảm bảo tất cả các điểm dân cư mới đều có đường nối với trung tâm xã hoặc đường trục.

- Điện lưới: Xây dựng các tuyến điện sinh hoạt đến các điểm dân cư mới. Đảm bảo 100% các cụm tuyến dân cư đều có điện, đảm bảo 100% các hộ sống trong các điểm dân cư tập trung đều được sử dụng điện.

- Trường học: Xây dựng hệ thống trường học từ mầm non đến tiểu học đạt tiêu chuẩn.

- Văn hóa cơ sở: Xây dựng nhà rông truyền thống (Xây dựng Nhà rông truyền thống đối với làng mới tại xã Đăk Blà, xã Hòa Bình và xã Kroong) cho từng điểm dân cư, xây dựng cụm truyền thanh không dây; điểm Bưu điện văn hóa đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt. Bố trí quỹ đất tại điểm tái định cư để từng bước xây dựng các sân bóng đá và sân bóng chuyền cho các điểm dân cư.

- Đối với điểm tái định cư tại phường Thống Nhất và xã Chư Hreng các công trình hạ tầng được đầu tư hoàn chỉnh theo nội dung của các Dự án.

4.3. Dự kiến bố trí xây dựng kết cấu hạ tầng:

a) Điểm tái định cư tại xã Đăk Blà:

- San nền và xây dựng đường giao thông nội bộ: San nền toàn bộ khu đất và đầu tư các tuyến đường giao thông tiếp cận các thửa đất tái định canh, tái định cư, cụ thể:

Các tuyến đường trục chính; đường nhánh kết nối với các khu đất bố trí tái định cư, tổng chiều dài các tuyến khoảng L = 7km, nền đường rộng: Bnền =(9m÷7,5m); trong đó: mặt đường bê tông nhựa rộng: Bmặt = (4,5m÷3,5m); lề đất rộng: Blề = (2,25m÷2m).

Các tuyến đường tại các khu sản xuất nông nghiệp, tổng chiều dài các tuyến đường khoảng 4km, bề rộng nền đường rộng: Bn =(4,5m÷3,5m); trong đó: mặt đường bằng đất đầm chặt rộng Bm = 3,5m.

- Hệ thống thoát nước:

Hệ thống thoát nước dọc bằng rãnh đất hình thang, tại các vị trí có độ dốc dọc lớn gia cố rãnh bằng tấm đan bê tông xi măng hoặc bằng rãnh bê tông. Tại các giao lộ sử dụng cống bê tông, bê tông cốt thép.

Sử dụng cống hộp hoặc đập tràn tại các vị trí qua suối.

- Hệ thống cấp điện sinh hoạt: Đầu tư hệ thống trụ, đường dây và trạm biến áp.

- Hệ thống cấp nước:

+ Cấp nước sinh hoạt: Sử dụng giếng đào hoặc giếng khoan, dự kiến bố trí 01 giếng giữa 02 thửa đất bố trí tái định cư.

+ Cấp nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp:

Dự kiến 02 phương án cấp nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp như sau:

- Phương án 1: Dự kiến xây dựng các tuyến ống chính và tuyến ống nhánh đi qua mỗi lô đất (nguồn cấp nước dự kiến được lấy từ hệ thống cấp nước tưới Hồ chứa Đăk Pô Kei): Tổng chiều dài đường ống chính khoảng 4km; tổng chiều dài đường ống nhánh khoảng 10km; kết cấu ống bằng ống nhựa HDPE chôn trong đất, trên đường ống có hố van xả khí, van xả cặn, đường ống vượt suối, qua đường và một số hạng mục phụ trợ khác phục vụ sản xuất nông nghiệp.

- Phương án 2: Xây dựng các trạm bơm, các bể chứa và đường ống cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trường hợp cần thiết để đảm bảo nguồn nước cấp cho các trạm bơm, đầu tư hệ thống cầu tràn giữ nước tại lưu vực các khe suối trong khu vực thực hiện dự án cụ thể:

+ Tại khu đất thôn Kon Hring và thôn Kon Jri Xút, diện tích khoảng 48,46ha: Khảo sát lựa chọn vị trí đầu tư mới 01 cầu tràn tại khu vực này.

+ Tại khu đất thôn Kon Drei, diện tích khoảng 35ha: Tiến hành cải tạo cống hộp hiện có trên tuyến đường vào làng Kon Drei thành cầu tràn giữ nước (vị trí cống hộp cách khu đất khoảng 700m) và sửa chữa, nâng cấp 01 cầu tràn trên tuyến đường vào làng Kon Drei (vị trí cầu tràn cách khu đất khoảng 800m). Việc cải tạo, nâng cấp này vừa đảm bảo khả năng cấp nước tưới tiêu cho khu vực, vừa khắc phục tình trạng chia cắt thôn Kon Drei vào mùa lũ.

b) Điểm tái định cư tại xã Hòa Bình:

- San ủi mặt bằng: tạo mặt bằng khu đất ở và sản xuất diện tích 48,22ha.

- Hệ thống đường giao thông: Cải tạo, nâng cấp 4,5km hiện có; xây dựng mới 1km đường giao thông ở điểm tái định cư theo tiêu chuẩn giao thông nông thôn miền núi,

- Hệ thống điện: Xây dựng 01 trạm biến áp (công suất khoảng 560KVA), 2,5km đường dây điện trung thế, 1km đường dây điện hạ thế.

- Nước sinh hoạt: đầu tư 38 giếng khoan hoặc giếng đào, trường hợp cân đối được nguồn vốn thì đầu tư công trình cấp nước tập trung.

- Trường học: Xây dựng 01 điểm trường mầm non 1.200m2 trong đó diện tích bố trí các phòng học 300m2;

- Nhà văn hoá: Xây dựng 01 nhà rông văn hoá; xây dựng khu vui chơi thể thao, chợ.

c) Điểm tái định cư tại xã Phường Thống Nhất và xã Chư Hreng

Đối với điểm tái định cư tại phường Thống Nhất và xã Chư Hreng các công trình hạ tầng được đầu tư hoàn chỉnh theo nội dung dự án.

d) Điểm tái định canh, tái định cư tại xã Ia Chim:

Đầu tư xây dựng Hệ thống đường giao thông; Hệ thống điện (gồm 01 trạm biến áp, đường dây điện trung thế, đường dây điện hạ thế); Nước sinh hoạt: đầu tư giếng khoan hoặc giếng đào, trường hợp cân đối được nguồn vốn thì đầu tư công trình cấp nước tập trung. Trường học: Xây dựng 01 điểm trường mầm non; Xây dựng 01 nhà rông văn hoá; xây dựng khu vui chơi thể thao, chợ.

đ) Điểm tái định canh tại Ngok Bay:

Không đầu tư hạ tầng mới, chỉ sử dụng hạ tầng hiện trạng đã có.

e) Điểm tái định cư, tái định canh tại Kroong:

Đầu tư xây dựng Hệ thống đường giao thông; Hệ thống điện (gồm 01 trạm biến áp, đường dây điện trung thế, đường dây điện hạ thế); Nước sinh hoạt: đầu tư giếng khoan hoặc giếng đào, trường hợp cân đối được nguồn vốn thì đầu tư công trình cấp nước tập trung. Trường học: Xây dựng 01 điểm trường mầm non; Xây dựng 01 nhà rông văn hoá; xây dựng khu vui chơi thể thao,...

5. Thực hiện tái định cư, tái định canh:

Tổng số hộ có nhu cầu về đất ở và đất sản xuất là khoảng 1.410 hộ; Trong đó:

5.1. Giai đoạn 1 từ 2022-2025:

Tổng số hộ có nhu cầu về đất ở và đất sản xuất là khoảng 850 hộ trong đó:

- Nhu cầu về đất ở: 846/850 hộ dự kiến bố trí tại xã Đăk Blà, Phường Thống Nhất, xã Chư Hreng và xã Hòa Bình;

- Nhu cầu về đất sản xuất: 637/850 hộ, dự kiến bố trí tại xã Đăk Blà, Hòa Bình và xã Ia Chim.

Thực hiện bố trí tái định canh, tái định cư tại 05 điểm cụ thể như sau:

a) Dự kiến bố trí định canh, định cư tại xã Đăk Blà:

- Bố trí tái định cư khoảng: 717 hộ dân.

- Quỹ đất để bố trí tái định canh: 42,46 ha, diện tích bố trí cho từng hộ dân căn cứ theo nhu cầu và thực tế diện tích đất đang sử dụng (giai đoạn I khoảng 140 hộ).

- Thành lập làng mới. Về tên làng: Thực hiện theo Thông tư số 04/2021/TT-BNV ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố; Thông tư số 14/2018/TT-BNV ngày 03 tháng 12 năm 2018 của Bộ Nội vụ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2021/TT-BNV ngày 31tháng 8 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

b) Dự kiến bố trí định cư tại phường Thống Nhất:

Bố trí khoảng 59 hộ dân phường Thống Nhất thuộc đối tượng di dời khi thực hiện chỉnh trang đô thị bằng hình thức lồng ghép với Dự án khai thác quỹ đất phát triển kết cấu hạ tầng Đường bao khu dân cư phía Bắc thành phố Kon Tum (đoạn từ đường Trần Phú đến cầu treo Kon Klor)

c) Dự kiến bố trí định cư tại xã Chư Hreng:

Bố trí khoảng 20 hộ dân phường Quang Trung thuộc đối tượng di dời khi thực hiện chỉnh trang đô thị bằng hình thức lồng ghép với dự án: Mở rộng Khu tái định cư kết hợp với phát triển Khu dân cư phía Tây Nam trung tâm xã Chư Hreng, thành phố Kon Tum.

d) Dự kiến bố trí định canh, định cư tại xã Hòa Bình:

- Bố trí tái định cư khoảng: 50 hộ dân.

- Quỹ đất để bố trí tái định canh: 21,15 ha, diện tích bố trí cho từng hộ dân căn cứ theo nhu cầu và thực tế diện tích đất đang sử dụng (giai đoạn I khoảng 81 hộ)..

- Thành lập 01 làng mới, về tên làng thực hiện theo quy định hiện hành7.

đ) Dự kiến bố trí định canh tại xã Ia Chim:

Quỹ đất để bố trí tái định canh là 143,55 ha, trong đó dự kiến bố trí 126,57 ha, diện tích bố trí cho từng hộ dân căn cứ theo nhu cầu và thực tế diện tích đất đang sử dụng (giai đoạn I khoảng 416 hộ).

* Dự kiến phương án bố trí đất ở và đất sản xuất theo nơi đi và nơi đến:

Căn cứ nhu cầu bố trí đất tại các địa bàn nơi đi, đảm bảo cự ly di chuyển gần nhất và thực tế diện tích đất tại các khu quy hoạch tái định canh, tái định cư, dự kiến phương án bố trí đất ở và đất sản xuất như sau:

- Đối với các hộ dân hiện đang sinh sống tại xã Đăk Blà: 181 hộ thiếu đất ở được ưu tiên bố trí tái định cư tại xã Đăk Blà, diện tích đất bố trí khoảng 4,05 ha(200÷250m2/01 hộ); 140 hộ thiếu đất sản xuất được bố trí đất sản xuất tại Đăk Blà (42,46m2), diện tích đất sản xuất còn thiếu dự kiến sẽ bố trí tại xã Hòa Bình (1,33ha).

- Đối với các hộ dân hiện đang sinh sống tại Phường Thống Nhất: 29 hộ dân thiếu đất ở sẽ được bố trí tại xã Đăk Blà (0,65ha), 59 hộ dân bị ảnh hưởng do chỉnh trang đô thị sẽ được bố trí đất ở (0,94 ha) tại Dự án khai thác quỹ đất phát triển kết cấu hạ tầng Đường bao khu dân cư phía Bắc thành phố Kon Tum (đoạn từ đường Trần Phú đến cầu treo Kon Klor) (120÷200 m2/hộ); 29 hộ thiếu đất sản xuất sẽ được bố trí đất sản xuất tại Hòa Bình (7,24 ha).

- Đối với các hộ dân hiện đang sinh sống tại Phường Quang Trung: 280 hộ thiếu đất ở được bố trí tại xã Đăk Blà (6,3ha), 20 hộ di dời khi thực hiện chỉnh trang đô thị được bố trí đất ở (0,45ha) tại dự án: Mở rộng Khu tái định cư kết hợp với phát triển Khu dân cư phía Tây Nam trung tâm xã Chư Hreng, thành phố Kon Tum (200÷250m2/01 hộ), 48 hộ được bố trí đất ở tại xã Hòa Bình (1,2 ha) diện tích 250m2/hộ. 273 hộ thiếu đất sản xuất sẽ được bố trí tại xã Ia Chim (92,54ha).

- Đối với các hộ dân hiện đang sinh sống tại xã Đăk Rơ Wa: 45 hộ thiếu đất ở sẽ được bố trí tại xã Đăk Blà (1,01ha); 35 hộ thiếu đất sản xuất sẽ được bố trí tại xã Ia Chim (8,55ha).

- Đối với các hộ dân hiện đang sinh sống tại Phường Trường Chinh: 60 hộ thiếu đất ở sẽ được bố trí tại xã Đăk Blà (1,35ha); 52 hộ thiếu đất sản xuất sẽ được bố trí tại xã Hòa Bình (12,58 ha), diện tích đất còn thiếu sẽ được bố trí tại xã Ia Chim (0,71ha).

- Đối với các hộ dân hiện đang sinh sống tại Phường Thắng Lợi: 122 hộ thiếu đất ở sẽ được bố trí tại xã Đăk Blà (2,75ha); 102 hộ thiếu đất sản xuất sẽ được bố trí tại xã Ia Chim (23,57ha).

- Đối với các hộ dân hiện đang sinh sống tại Phường Lê Lợi: 02 hộ thiếu đất ở sẽ được bố trí tại xã Hòa Bình (0,05ha); 06 hộ thiếu đất sản xuất sẽ được bố trí tại xã Ia Chim (1,2ha).

Cụ thể phương án bố trí đất ở, đất sản xuất giai đoạn I (2021-2025) như sau:

BẢNG TỔNG HỢP DỰ KIẾN PHƯƠNG ÁN BỐ TRÍ ĐẤT Ở VÀ ĐẤT SẢN XUẤT

TT

Nơi đến (xã, phường)

Tổng số

Nơi đi (xã, phường)

Xã Đăk Blà

Phường Thống Nhất

Phường Quang Trung

Đăk Rơ Wa

Phường Trường Chinh

Phường Thắng Lợi

Phường Lê Lợi

I

Đất ở (ha)

18,75

4,05

1,67

8,65

1,13

1,50

3,05

0,05

1

Đăk Blà (ha)

16,11

4,05

0,65

6,30

1,01

1,35

2,75

 

2

Phường Thống Nhất (ha)

0,94

-

0,94

-

-

-

-

-

3

Chư Hreng (ha)

0,45

-

-

0,45

-

-

-

-

4

Hòa Bình (ha)

1,25

-

-

1,20

-

-

-

0,05

II

Đất sản xuất (ha)

190,18

43,79

7,24

92,54

8,55

13,29

23,57

1,20

1

Đăk Blà (ha)

42,46

42,46

-

-

-

-

-

-

2

Hòa Bình (ha)

21,15

1,33

7,24

-

-

12,58

-

-

3

Ia Chim (ha)

126,57

-

-

92,54

8,55

0,71

23,57

1,20

5.2. Giai đoạn 2 từ 2026-2030:

Giai đoạn 2026 - 2030 giải quyết đất ở, đất sản xuất cho khoảng 560 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (gồm: 510 hộ bị ảnh hưởng từ các công trình, dự án và 50 hộ nghèo thiếu đất ở, đất sản xuất). Trong đó bố trí đất ở cho khoảng 560 hộ và đất sản xuất cho khoảng 300 hộ tại 04 điểm như sau:

a) Dự kiến bố trí định canh, định cư tại xã Đăk Blà: Bố trí đất ở cho khoảng 220 hộ, đất sản xuất cho khoảng 20 hộ.

b) Dự kiến bố trí định canh tại xã Ia Chim: Bố trí đất ở cho khoảng 100 hộ, đất sản xuất cho khoảng 35 hộ.

c) Quy hoạch khu tái định canh tại xã Ngok Bay: Bố trí đất sản xuất cho khoảng 112 hộ.

d) Quy hoạch khu tái định canh, tái định cư tại xã Kroong: Bố trí đất ở cho khoảng 240 hộ, đất sản xuất cho khoảng 134 hộ. Thành lập 01 làng mới, về tên làng thực hiện theo quy định hiện hành8.

Cụ thể phương án bố trí đất ở và đất sản xuất tại 07 điểm tái định canh, định cư như sau:

BẢNG TỔNG HỢP DỰ KIẾN PHƯƠNG ÁN BỐ TRÍ ĐẤT Ở VÀ ĐẤT SẢN XUẤT

TT

Nơi đến (xã, phường)

Tổng số

Đã bố trí giai đoạn 1

Bố trí giai đoạn 2

Diện tích (ha)

Số hộ

Diện tích (ha)

Số hộ

Diện tích (ha)

Số hộ

I

Đất ở (cộng)

76,62

1.406

18,75

846

13,94

560

1

Đăk Blà

21,55

937

16,11

717

5,44

220

2

Phường Thống Nhất

37,63

59

0,94

59

-

-

3

Chư Hreng

7,69

20

0,45

20

-

-

4

Hòa Bình

1,25

50

1,25

50

-

-

5

Ia Chim

2,50

100

-

-

2,50

100

6

Kroong

6,00

240

-

-

6,00

240

II

Đất sản xuất (cộng)

337,52

-

190,18

637

147,34

300

1

Đăk Blà

52,19

-

42,46

140

9,73

20

2

Hòa Bình

21,15

-

21,15

81

-

-

3

Ia Chim

143,55

-

126,57

416

16,98

35

4

Ngok Bay

55,00

-

-

-

55,00

112

5

Kroong

65,63

-

-

-

65,63

134

5.3. Yêu cầu khi thực hiện việc giãn dân tại nơi đến:

- Địa bàn tổ chức thực hiện giãn dân phải đảm bảo đủ đất (ở, sản xuất).

- Đảm bảo dân cư nơi đi có phong tục, tập quán sinh sống, sản xuất phù hợp với dân cư nơi chuyển đến - nhất là hình thức xen ghép.

- Có sự đồng thuận, ủng hộ của người dân cư trú nơi chuyển đến; ưu tiên sắp xếp dân cư chuyển đi có cùng dân tộc, có quan hệ dòng họ với dân cư cư trú nơi chuyển đến.

- Ưu tiên quỹ đất do Nhà nước quản lý để bố trí, sắp xếp cho các khu tái định canh, tái định cư. Có giải pháp thu hồi đối đất chưa sử dụng, đất sử dụng không hiệu quả hoặc đất cho thuê nhưng đến hạn phải bàn giao; đẩy mạnh việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo các quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

6. Các chính sách giao đất ở, giao đất sản xuất, hỗ trợ cho đối tượng của đề án:

6.1. Nhóm 1: Hộ dân tộc thiểu số nghèo: khoảng 114 hộ (giai đoạn 1: 64 hộ, giai đoạn 2: 50 hộ).

a) Căn cứ thực hiện:

Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025;

Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về Tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác;

Quyết định 12/QĐ-HĐQT ngày 22/02/2019 của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội về mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh;

Quyết định số 612/QĐ-UBDT Ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025;

Quyết định số 882/QĐ-UBND ngày 15/8/2016 của UBND tỉnh Kon Tum về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2025.

b) Nội dung thực hiện

Các chính sách thực hiện theo nội dung tại dự án 1 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg: giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, cụ thể như sau:

- Hỗ trợ đất ở: giao đất ở diện tích một thửa đất 250m2/hộ.

- Hỗ trợ nhà ở : Hỗ trợ xây dựng 01 căn nhà theo phong tục tập quán của địa phương, định mức tính theo xây dựng 01 căn nhà cấp 4 đảm bảo 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng) diện tích tối thiểu là (40÷100)m2/căn, giá trị tối thiểu làm nhà (80÷200) triệu đồng/căn. Trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ; ngân sách địa phương hỗ trợ tối thiểu 4 triệu đồng/hộ; vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội 25 triệu đồng/hộ, thời gian vay tối đa là 15 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm, thời gian trả nợ tối đa là 10 năm bắt đầu từ năm thứ 6, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 10% tổng số vốn đã vay, với mức lãi suất bằng 3%/năm và hỗ trợ từ cộng đồng, doanh nghiệp, gia đình, dòng họ và các nguồn vốn khác tối thiểu (11÷131) triệu đồng/hộ.

- Hỗ trợ đất sản xuất: Hộ không có đất sản xuất nếu có nhu cầu thì được chính quyền địa phương trực tiếp giao đất sản xuất, đảm bảo sau khi giao đất mỗi hộ có tối thiểu 0,5ha đất sản xuất.

- Hỗ trợ chuyển đổi nghề: Trường hợp không bố trí được đất sản xuất thì được hỗ trợ chuyển đổi nghề, trong đó NS trung ương hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ và được vay vốn tín dụng chính sách tối đa 100 triệu đồng; thời hạn vay tối đa 10 năm; lãi suất cho vay bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo theo quy định hiện hành (hiện nay là 6,6%/năm).

- Hỗ trợ nước sinh hoạt:

+ Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán: hỗ trợ tiền tối đa 3 triệu đồng/hộ để tạo nguồn nước, trang bị bể chứa nước phục vụ sinh hoạt.

+ Hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung: Đầu tư xây dựng những công trình nước tập trung được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tổng mức đầu tư cho một công trình, căn cứ vào tình hình thực tế để phê duyệt dự án đầu tư; trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ tối đa 3.000 triệu đồng/công trình .

6.2. Nhóm 2:

Hộ dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng khi triển khai các dự án trên địa bàn thành phố (1.134 hộ); bị ảnh hưởng khi thực hiện chỉnh trang đô thị tại các làng nội thành (162 hộ);

a) Các căn cứ thực hiện:

- Luật Đất đai năm 2013

- Nghị định 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về quy định thu tiền sử dụng đất;

- Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg, ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng;

- Quyết định số 53/2014/QĐ-UBND ngày 19/9/2014 của UBND Tỉnh Kon Tum về việc ban hành quy định cụ thể một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum;

- Quyết định số 30/2018/QĐ-UBND ngày 30 tháng 10 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về sửa đổi, bổ sung Điều 9 của quy định một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh kèm theo Quyết định số 53/2014/QĐ-UBND ngày 19 tháng 9 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum;

- Quyết định số 31/2021/QĐ-UBND ngày 30/9/2021 của UBND Tỉnh Kon Tum về việc Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định cụ thể một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum ban hành kèm theo Quyết định số 53/2014/QĐ-UBND ngày 19/9/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum;

- Quyết định số 17/2016/QĐ-UBND, ngày 13/5/2016 của UBND tỉnh Kon Tum về phê duyệt danh mục nghề đào tạo, mức chi phí đào tạo cho từng nghề, mức hỗ trợ đối với từng nhóm đối tượng tham gia học chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn tỉnh Kon Tum;

b) Nội dung thực hiện:

- Giao đất ở có thu tiền sử dụng đất căn cứ khoản 2 Điều 74 Luật Đất đai năm 2013;

- Giao đất sản xuất có thu tiền sử dụng đất căn cứ khoản 2 Điều 74 Luật Đất đai năm 2013;

- Hỗ trợ di chuyển, hỗ trợ tái định cư, hỗ trợ ổn định đời sống và ổn định sản xuất, hỗ trợ khác; hỗ trợ đào tào, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm,…

7. Giải pháp về vốn đầu tư:

- Tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, bố trí hợp lý nguồn vốn của địa phương và huy động thêm các nguồn vốn hợp pháp khác và nguồn lực trong dân để bảo đảm thực hiện có hiệu quả mục tiêu của đề án đề ra.

- Lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn để đảm bảo thực hiện đề án hiệu quả.

- Quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, ưu tiên đầu tư các hạng mục thiết yếu tại khu tái định cư.

- Xây dựng các phương án khai thác quỹ đất ở những nơi có điều kiện để tạo vốn đầu tư thực hiện Đề án.

8. Giải pháp ngăn chặn tình trạng người dân chuyển nhượng đất ở, đất sản xuất sau khi được cấp đất tái định canh, định cư:

Đối tượng là các hộ DTTS nghèo được giao đất ở và đất sản xuất sẽ bị hạn chế chuyển nhượng đất trong vòng 10 năm kể từ ngày có Quyết định giao đất căn cứ theo các quy định tại Điều 192 Luật Đất đai 2013 và Điều 25, điều 26 Nghị định 91/2019/NĐ-CP. Cụ thể:

- Tại khoản 3 Điều 192 Luật Đất đai 2013 quy định:

Hộ gia đình, cá nhân là dân tộc thiểu số sử dụng đất do Nhà nước giao đất theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất sau 10 năm, kể từ ngày có quyết định giao đất theo quy định của Chính phủ.

- Tại Điều 25 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định:

+ Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hộ gia đình, cá nhân có hành vi vi phạm trong các trường hợp sau đây: Hộ gia đình, cá nhân là dân tộc thiểu số sử dụng đất do Nhà nước giao đất theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trước 10 năm, kể từ ngày có quyết định giao đất hoặc sau 10 năm kể từ ngày có quyết định giao đất nhưng chưa được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận không còn nhu cầu sử dụng do chuyển khỏi địa bàn xã, phường, thị trấn nơi cư trú để đến nơi khác hoặc do chuyển sang làm nghề khác hoặc không còn khả năng lao động.

+ Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định...

- Tại Điều 26 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định:

+ Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng đất do được Nhà nước giao đất theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong thời hạn 10 năm kể từ ngày có quyết định giao đất.

+ Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc trả lại diện tích đất đã nhận chuyển quyền do thực hiện hành vi vi phạm...

9. Xây dựng phương án khai thác quỹ đất tạo vốn:

- Để việc triển khai Đề án có khả thi và hiệu quả thì công tác huy động vốn là yếu tố then chốt, vì vậy cần phải đảm bảo huy động nguồn vốn đủ và kịp thời theo tiến độ của Đề án là rất cần thiết. Nội dung Xây dựng Đề án khai thác quỹ đất tạo vốn được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đề án, ngoài nhiệm vụ chính là đảm bảo quỹ đất để bố trí tái định cư, tái định canh cho các hộ dân, quỹ đất còn lại sẽ được huy động một phần để xây dựng đề án khai thác quỹ đất tạo vốn bổ sung cho Đề án.

(Chi tiết xem tại Phụ lục 12. Bảng quy hoạch sử dụng đất tại các điểm tái định canh, định cư)

- Qua xem xét các yếu tố liên quan thì khu vực đất còn lại tại xã Hòa Bình và Ia Chim phù hợp cho công tác khai thác quỹ đất. Dự kiến Phương án khai thác quỹ đất tại 02 điểm như sau:

+ Tổng diện tích khai thác quỹ đất là: 83,64ha, trong đó: Diện tích đất xây dựng cơ sở hạ tầng và đất khác là: 25,74ha, diện tích đất ở dự kiến bán đấu giá là 57,90ha với khoảng 2.315 thửa đất ở có diện tích 250m2/thửa .

+ Tổng số tiền thu được từ bán đấu giá quyền sử dụng đất 579.000m2 đất ở nông thôn trên là: 1.019,362 tỷ đồng; Tổng chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực đấu giá đất là: 729,797 tỷ đồng; Số tiền còn lại bổ sung nguồn vốn đầu tư thực hiện Đề án là: 289,564 tỷ đồng.

- Nguồn vốn thu được từ các phương án khai thác quỹ đất sẽ được bổ sung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và các nhiệm vụ khác trong Đề án.

(Chi tiết xem tại Phụ lục 13- Phương án khai thác quỹ đất kèm theo)

III. KHÁI TOÁN VỐN ĐẦU TƯ:

1. Khái toán Tổng mức đầu tư:

Căn cứ Điều 27 và 28 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công, các Điều 4 và 5 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.

Tổng mức đầu tư của Đề án bao gồm các hạng mục chi phí như sau:

- Chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư: Dự kiến thực hiện giải phóng mặt bằng tại xã Đăk Blà, khi thực hiện chỉnh trang đô thị tại các làng nội thành thành phố Kon Tum , xã Ngok Bay và Kroong; Riêng chi phí bồi thường - GPMB tại xã Hòa Bình được đưa vào nội dung khai thác quỹ đất.

- Các chi phí thuộc cấu phần xây dựng: bao gồm các khoản mục Chi phí xây dựng, Chi phí quản lý dự án, Chi phí tư vấn xây dựng, Chi phí khác,.. Các hạng mục chi phí này dự kiến thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng tại xã Đăk Blà, xã Hòa Bình, xã Kroong và chỉnh trang đô thị tại các làng nội thành thành phố Kon Tum; Trong đó:

+ Chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại xã Hòa Bình gồm San ủi, Đường giao thông, hệ thống cấp điện được đưa vào nội dung khai thác quỹ đất;

+ Chi phí đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt, trường mầm non, nhà văn hóa, nhà Rông, khu thể thao và chợ sẽ sử dụng nguồn ngân sách;

+ Chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng tại xã Ia Chim được đưa vào nội dung khai thác quỹ đất.

- Chi phí hỗ trợ ban đầu: Dự kiến thực hiện hỗ trợ cho các hộ nghèo theo Quyết định 1719/QĐ-TTg và các hộ bị ảnh hưởng bởi công trình dự án;

(Chi tiết Bảng tính Chi phí hỗ trợ ban đầu tại Phụ lục 14 kèm theo)

- Chi phí dự phòng: Dự phòng cho các trường hợp phát sinh tăng các khoản mục chi phí, trường hợp phát sinh khoản mục chi phí ngoài dự kiến ban đầu khi thực hiện Đề án.

Tổng mức đầu tư của Đề án được tổng hợp trong bảng dưới đây:

TT

Hạng mục chi phí

Giá trị

(Tỷ đồng)

Ghi chú

*

Tổng mức đầu tư

760,044

 

1

Chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư

286,526

 

2

Các chi phí thuộc cấu phần xây dựng

417,842

 

3

Chi phí hỗ trợ ban đầu

45,027

 

4

Chi phí dự phòng

10,649

 

(Bảng chi tiết Tổng mức đầu tư của Đề án xem tại Phụ lục 15 kèm theo)

2. Chi phí đầu tư khi thực hiện chỉnh trang tại các làng nội thành:

- Nội dung đầu tư gồm: đầu tư đường giao thông và trường học, các thiết chế văn hóa, công viên cây xanh, …

- Tổng chi phí đầu tư khi thực hiện chỉnh trang là: 557.554.779.954 đồng, trong đó:

+ Chi phí bồi thường - GPMB: 242.290.800.000 đồng.

+ Chi phí đầu tư xây dựng: 315.263.979.954 đồng;

(Bảng chi tiết chi phí đầu tư chỉnh trang xem tại Phụ lục 18 kèm theo; Bảng chi tiết chi phí bồi thường - GPMB xem tại Phụ lục 19 kèm theo)

3. Phân kỳ vốn đầu tư:

Nguồn vốn Ngân sách địa phương trong giai đoạn 2021-2025, dự kiến sẽ bố trí từ nguồn thu tiền sử dụng đất và các nguồn vốn hợp pháp khác dự phòng chưa phân bổ trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Kể từ sau năm 2025 sẽ tiếp tục thực hiện từ ngân sách địa phương, huy động khác và đồng thời đề nghị Trung ương hỗ trợ thực hiện, cụ thể:

ĐVT:Tỷ đồng

Thời gian

Phân kỳ vốn đầu tư

Ghi chú

Giai đoạn 2021-2025

337,797

 

Sau năm 2025

422,247

 

Tổng cộng

760,044

 

4. Cơ cấu nguồn vốn đầu tư:

- Tổng vốn đầu tư: 760.044.000.000 đồng.

(Bằng chữ: Bảy trăm sáu mươi tỷ, không trăm bốn mươi bốn triệu đồng)

- Cơ cấu nguồn vốn đầu tư:

+ Ngân sách Trung ương (đề nghị Trung ương hỗ trợ): Khoảng 136.808 triệu đồng;

+ Ngân sách địa phương và huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác: Khoảng 623.236 triệu đồng (Trong đó dự kiến nguồn vốn bổ sung cho ngân sách địa phương từ khai thác quỹ đất khoảng: 289.564 triệu đồng tại điểm tái định cư Hòa Bình và Ia Chim).

IV. THỜI GIAN, TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN.

1. Thời gian thực hiện Đề án:

Chia thành 02 giai đoạn: từ 2022 - 2025 và 2026 - 2030.

2. Tiến độ thực hiện Đề án:

Thời gian, tiến độ thực hiện giãn dân, tái định cư được phân kỳ đầu tư chia làm 2 giai đoạn:

- Giai Đoạn I (2022 - 2025):

+ Năm 2022: Tập trung đầu tư giải quyết tái định canh, định cư các hộ bị ảnh hưởng bởi các Dự án, trong đó tập trung cho 4 Dự án:

(1) Dự án Đầu tư chỉnh trang đô thị, tạo quỹ đất để thực hiện quy hoạch Khu du lịch - Đô thị sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp thể thao tại xã ĐăkRơWa;

(2) Dự án Đầu tư chỉnh trang đô thị, tạo quỹ đất để thực hiện quy hoạch khu phức hợp đô thị tại phường Quang Trung;

(3) Dự án Khai thác quỹ đất phát triển kết cấu hạ tầng Đường bao Khu dân cư phía Nam thành phố Kon Tum (đoạn từ đường Hồ Chí Minh đến cầu treo KonKlor);

(4) Dự án Khai thác quỹ đất phát triển kết cấu hạ tầng Đường bao Khu dân cư phía Bắc thành phố Kon Tum (đoạn từ đường Trần Phú đến cầu treo Kon Klor).

+Từ 2023-2025: Tập trung đầu tư giải quyết đất ở, đất sản xuất cho hộ gia đình thuộc đối tượng hộ nghèo thiếu đất ở, đất sản xuất; hộ gia đình bị ảnh hưởng khi thực hiện dự án, chỉnh trang đô thị tại các làng nội thành.

- Giai đoạn II (2026 - 2030): tiếp tục giải quyết tái định canh, định cư các hộ dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất ở, đất sản xuất; hộ dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng bởi các Dự án; Tập trung đầu tư chỉnh trang đô thị tại các làng nội thành; Chia ra làm 2 hợp phần:

+ Hợp phần 1: Ưu tiên đầu tư đường giao thông và trường học.

+ Hợp phần 2: Đầu tư các thiết chế văn hóa, công viên….

PHẦN THỨ BA

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum:

- Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án cấp thành phố và cấp xã, phường có liên quan (có quy chế hoạt động cụ thể được cấp có thẩm quyền phê duyệt) để tham mưu, chỉ đạo thực hiện Đề án; lập các thủ tục cần thiết để tổ chức triển khai thực hiện đề án.

- Sau khi Đề án được phê duyệt, tổ chức xây dựng các Dự án thành phần làm cơ sở thực hiện đầu tư, trong đó, phải đảm bảo các yêu cầu sau:

+ Điều tra, rà soát cụ thể, chi tiết về tình hình sử dụng đất của từng đối tượng tại thời điểm triển khai thực hiện để áp dụng các chính sách bố trí đất đai, tái định cư, định canh cho từng đối tượng theo quy định.

+ Phương án bố trí đất ở và đất sản xuất dựa trên hiện trạng thực tế đất ở, đất sản xuất của hộ gia đình có tính đến vấn đề vị trí đất ở gắn với đất sản xuất, đảm bảo các điều kiện thuận lợi nhất về giao thông, khoảng cách địa lý giữa nơi ở và nơi sản xuất để người dân sinh hoạt, sản xuất hàng ngày. Đồng thời, triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ khác như đào tạo nghề, hỗ trợ chuyển đổi nghề, lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình Mục tiêu quốc gia để hỗ trợ phát triển sản xuất,…nhằm đảm bảo sinh kế và đời sống cho người dân.

- Chỉ đạo cho các phòng, ban thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum, Ủy ban nhân dân các xã, phường (nơi thực hiện Đề án) Chủ động, tham mưu để cập nhật vào Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 -2030 trên địa bàn thành phố; kế hoạch sử dụng đất hàng năm để trình cấp thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở để triển khai thực hiện.

- Chỉ đạo các Phòng, ban chuyên chuyên môn lập hồ sơ thành lập các làng mới và trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt.

- Xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng năm và cả giai đoạn để triển khai thực hiện đề án; xây dựng Quy chế phối hợp giữa UBND Thành phố và các sở, ngành, Đoàn thể của tỉnh, giữa các phòng ban chuyên môn và UBND các xã, phường liên quan để lồng ghép, huy động tối đa nguồn lực tập trung đầu tư có hiệu quả các nội dung của đề án.

- Theo dõi, kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình, xử lý kịp thời khó khăn, vướng mắc, không để xảy ra tiêu cực, lãng phí trong quá trình thực hiện Đề án. Định kỳ hằng quý, 06 tháng, năm báo cáo kết quả triển khai thực hiện Đề án gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kịp thời rà soát, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 để đảm bảo triển khai thực hiện các nhiệm vụ Đề án.

- Tổ chức thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức thích hợp nhằm phổ biến rộng rãi và quán triệt các quan điểm, mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của Đề án đến các tầng lớp dân cư, nhất là vùng Đề án biết; nhằm tạo sự đồng thuận, theo dõi, giám sát và kiểm tra việc thực hiện Đề án.

- Tổ chức khảo sát, điều tra xã hội học nhằm nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của đối tượng thụ hưởng, đặc trưng về tập quán sinh sống và sản xuất tại các địa bàn để đề ra các giải pháp phù hợp.

2. Ban Dân tộc

Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố và các đơn vị liên quan, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện các nội dung các Dự án, Tiểu dự án có liên quan theo Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo đúng quy định.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các Sở, ngành liên quan cân đối nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu trong kế hoạch ngân sách hàng năm để bố trí cho UBND thành phố thực hiện Đề án đúng quy định của pháp luật về đầu tư công và phù hợp với khả năng cân đối ngân sách tỉnh.

4. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét bố trí kế hoạch vốn hàng năm cho đề án theo khả năng cân đối của ngân sách tỉnh; đảm bảo trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố và các đơn vị có liên quan hướng dẫn quản lý, thanh quyết toán vốn đầu tư thực hiện đề án theo quy định.

5. Sở Xây dựng

Phối hợp UBND thành phố Kon Tum rà soát và đề xuất UBND tỉnh bổ sung, điều chỉnh quy hoạch xây dựng đảm bảo cho việc triển khai thực hiện Đề án. Hỗ trợ thành phố trong việc xây dựng các thiết kế mẫu, cập nhật các quy hoạch liên quan đến khu tái định cư trong đề án.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường

Phối hợp UBND thành phố Kon Tum trong việc lập điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 đảm bảo thực hiện các nội dung của Đề án.

7. Các Sở, Ngành có liên quan

Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động-Thương binh&Xã hội, Sở Công Thương, Sở Giao thông và Vận tải, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Ban Dân tộc, Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch và các Sở ngành có liên quan... theo chức năng, nhiệm vụ của mình, phối hợp với UBND thành phố xây dựng kế hoạch lồng ghép các chương trình, dự án và nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có) để đầu tư xây dựng tập trung, có trọng điểm theo nội dung đề án được duyệt.

 



(1) Theo Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 20 tháng 9 năm 2021 của Tỉnh ủy Kon Tum.

2 Gồm: Quyết Thắng, Thắng Lợi, Quang Trung, Thống Nhất, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Ngô Mây, Trường Chinh, Lê Lợi và Duy Tân.

3 Gồm: Hoà Bình, Ia Chim, Đoàn Kết, Vinh Quang, Ngok Bay, Kroong, Đăk Cấm, Đăk Blà, Chư Hreng, Đăk Năng, Đăk Rơ Wa.

(4) Các làng đồng bào DTTS nội thành có chỉnh trang bao gồm: Phường Quang Trung: làng Plei tơ ngia và Plei Đôn; Phường Thống Nhất: làng Kon Tum Knâm và Kon Hra chót; Phường Thắng Lợi: làng Kon Tum Kơ Pơng và Kon Klor; Phường Trường Chinh: làng Kon Sơ Lam I và Kon Sơ Lam II;

5 Nghị quyết 166/NQ-HĐND ngày 21/5/2021 của Hội đồng nhân dân thành phố Kon Tum.

6 Hiện nay, UBND thành phố Kon Tum đã có QĐ số 1382 ngày 17/4/2022 Về việc phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) Điểm dân cư số 01 thuộc Dự án giãn dân các hộ đồng bào DTTS gắn với thực hiện tái định canh, tái định cư, phát triển khu sản xuất nông nghiệp tại xã Đăk Blà, thành phố KonTum; QĐ số 1383 ngày 17/4/2022 Về việc phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) Điểm dân cư số 02 thuộc Dự án giãn dân các hộ đồng bào DTTS gắn với thực hiện tái định canh, tái định cư, phát triển khu sản xuất nông nghiệp tại xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum

7 Thực hiện theo Thông tư số 04/2021/TT-BNV ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố; Thông tư số 14/2018/TT-BNV ngày 03 tháng 12 năm 2018 của Bộ Nội vụ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2021/TT-BNV ngày 31tháng 8 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

8 Thực hiện theo Thông tư số 04/2021/TT-BNV ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố; Thông tư số 14/2018/TT-BNV ngày 03 tháng 12 năm 2018 của Bộ Nội vụ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2021/TT-BNV ngày 31tháng 8 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 867/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án tổng thể giãn dân các làng đồng bào dân tộc thiểu số trong nội thành thành phố Kon Tum, gắn với tái định canh, tái định cư khi thực hiện các dự án trên địa bàn thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum

  • Số hiệu: 867/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/12/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
  • Người ký: Nguyễn Hữu Tháp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/12/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản