Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ THƯƠNG MẠI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 747-TM/KD | Hà Nội, ngày 07 tháng 9 năm 1995 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH BẢN QUY CHẾ KINH DOANH ĂN UỐNG BÌNH DÂN VÀ NHÀ TRỌ
BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI
Căn cứ Nghị định số 95/CP ngày 4-12-1993 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Thương mại.
Căn cứ Nghị định 02/CP ngày 5-1-1995 của Chính phủ quy định về hàng hoá dịch vụ cấm kinh doanh thương mại và hàng hoá, dịch vụ kinh doanh thương mại có điều kiện ở thị trường trong nước.
Sau khi thoả thuận với Bộ Nội vụ, Bộ Y tế và Tổng cục Du lịch.
Theo đề nghị của đồng chí Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh Bộ Thương mại.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Nay ban hành kèm theo quyết định này bản quy chế kinh doanh ăn uống bình dân và nhà trọ.
Điều 2: Bản quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, những quy định trước đây trái với quy chế này đều bãi bỏ.
Điều 3: Quy chế này áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân kinh doanh ăn uống bình dân và nhà trọ thuộc mọi thành phần kinh tế trong phạm vi cả nước. Các ông Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, Cục trưởng Cục quản lý thị trường, Giám đốc Sở thương mại các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện quyết định này.
| Trương Đình Tuyển (Đã ký) |
KINH DOANH ĂN UỐNG BÌNH DÂN VÀ NHÀ TRỌ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 747/TM/KD ngày 07 tháng 09 năm 1995 của Bộ Thương mại)
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Mọi tổ chức cá nhân không phân biệt thành phần kinh tế là của người Việt Nam hay người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam muốn kinh doanh ăn uống bình dân, kinh doanh nhà trọ phải có đủ điều kiện quy định trong quy chế này.
Điều 2: Trong quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
2.1. Kinh doanh ăn uống bình dân: là hoạt động dùng lương thực, thực phẩm làm nguyên liệu với kỹ thuật và công nghệ đơn giản để chế biến tại chỗ thành thức ăn, đồ uống nhằm đáp ứng nhu cầu phổ thông của khách dưới các hình thức: cửa hàng ăn uống, quán ăn uống (Sau đây gọi tắt là quán ăn, uống); Giá bán phù hợp với khả năng thanh toán của đại bộ phận dân cư và chủ yếu do người kinh doanh dưới vốn pháp định thực hiện.
2.2. Kinh doanh nhà trọ: là hoạt động cho thuê chỗ nghỉ đối với khách vãng lai theo ngày, giờ nhất định (có qua đêm hoặc không qua đêm), với trang thiết bị, tiện nghi tối thiểu; giá cả phù hợp với khả năng thanh toán của đại bộ phận dân cư và chủ yếu do người kinh doanh dưới vốn pháp định thực hiện.
Điều 3: Những hoạt động dưới đây không thuộc đối tượng áp dụng của Điều 5 và Điều 8 Quy chế này.
3.1. Những người bán hàng ăn uống rong, quà vặt.
3.2. Căng tin phục vụ nhu cầu ăn uống cho nội bộ cơ quan, đoàn thể, bệnh viện, trường học, lực lượng vũ trang.
3.3. Bán hàng lương thực, thực phẩm không qua sản xuất chế biến tại chỗ (hàng bán sẵn) có bao gói như: bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát đóng chai, các loại thực phẩm đóng hộp, thuốc lá điếu...
Điều 4: Bộ Thương mại thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về kinh doanh ăn uống bình dân và nhà trọ trong cả nước. Sở Thương mại thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực trên trong phạm vi địa phương của mình.
Chương 2:
ĐIỀU KIỆN HÀNH NGHỀ VÀ THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH
Điều 5: Người hành nghề kinh doanh ăn uống bình dân và nhà trọ phải có các điều kiện sau:
5.1. Là công dân Việt Nam, người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam đủ 18 tuổi, có nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.
5.2. Có địa điểm kinh doanh nhất định. Địa điểm kinh doanh phải phù hợp với pháp luật và các văn bản pháp quy hiện hành của Nhà nước về vệ sinh phòng dịch, bảo vệ cảnh quan môi trường, bảo đảm an toàn giao thông và trật tự xã hội.
Nghiêm cấm việc sử dụng vỉa hè ở các đô thị vào việc kinh doanh ăn uống. Sở Thương mại phối hợp với các ngành hữu quan xác định cụ thể một số đường phố đặc biệt có thể sử dụng một phần phía bên trong vỉa hè để kinh doanh trình UBND tỉnh, thành phố phê duyệt và công bố để mọi người biết và thực hiện.
5.3. Có các trang bị tiện nghi tối thiểu ghi trong phụ lục 1 (đối với kinh doanh ăn uống bình dân) và ghi trong phụ lục 2 (đối với kinh doanh nghỉ trọ).
5.4. Quán ăn uống, nhà trọ phải thông thoáng, sáng sủa, cách xa khu vệ sinh công cộng, bãi rác, hồ ao tù ít nhất là 100 mét; xa nơi sản xuất có thải ra nhiều bụi, chất độ hại hoặc các bệnh viện có thể gây ra các bệnh truyền nhiễm từ 100-500 mét; Có hệ thống cấp nước sinh hoạt và hệ thống thoát nước thải hợp vệ sinh.
5.5. Nhà trọ phải có khu nhà xí, nhà tắm hợp vệ sinh và đủ đáp ứng nhu cầu của số lượng khách trọ.
5.6. Có sức khoẻ bình thường và không mắc các bệnh truyền nhiễm theo quy định của Bộ Y tế.
5.7. Kinh doanh nhà trọ phải có thêm các điều kiện bảo đảm về an ninh, trật tự và được cơ quan công an nơi kinh doanh xác nhận (theo Điều 8).
Điều 6: Những người sau đây không được kinh doanh ăn uống bình dân và nhà trọ:
6.1. Là công chức, cán bộ quản lý đang làm việc trong các cơ quan hành chính và các doanh nghiệp Nhà nước, sĩ quan tại ngũ thuộc các lực lượng vũ trang; Những người đang giữ chức vụ trong bộ máy chính quyền các cấp theo chế độ bầu cử.
6.2. Những người mắc một trong những bệnh ghi tại phụ lục 3.
6.3. Những người kinh doanh bị xử phạt hành chính thu hồi giấy phép kinh doanh trong thời hạn hiệu lực của Quyết định xử phạt.
Điều 7: Những người sau đây không được kinh doanh nghỉ trọ:
7.1. Người đang bị quản chế, cải tạo không giam giữ, bị án tù cho hưởng án treo.
7.2. Người đã bị khởi tố về hình sự hoặc đang có liên quan trực tiếp vào vụ án hình sự mà cơ quan có thẩm quyền đang tiến hành điều tra.
7.3. Người có tiền án về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội hình sự khác có quan hệ trực tiếp tới nghề cho thuê nghỉ trọ. Người đã có tiền án mà chính họ đã lợi dụng hoạt động kinh doanh nhà trọ để hoạt động phạm tội. Người lợi dụng việc kinh doanh nhà trọ để chứa chấp mại dâm, tiêm chích ma tuý, cờ bạc...
Điều 8: Người hành nghề kinh doanh ăn uống bình dân và nghỉ trọ phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh để làm cơ sở cho việc xin cấp hoặc bổ sung giấy phép kinh doanh.
Cơ quan cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ăn uống bình dân và nhà trọ là Sở Thương mại các tỉnh, thành phố. Trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận theo đúng hướng dẫn tại mục III.2 Thông tư 13/TM-CSTTTN ngày 21-6-1995 của Bộ Thương mại.
Điều 9: Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh gồm:
9.1. Đơn xin phép kinh doanh (nếu lần đầu ra kinh doanh); hoặc đơn xin bổ sung hay thay đổi giấy phép kinh doanh (nếu đang kinh doanh). Đơn xin phép kinh doanh theo mẫu số M1.GPKD ban hành kèm theo Thông tư 07/TM/DL ngày 18-5-1992 của Bộ Thương mại và Du lịch (nay là Bộ Thương mại).
9.2. Giấy khám sức khoẻ của người xin kinh doanh và những người trực tiếp tham gia kinh doanh.
9.3. Trước khi cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh nghỉ trọ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thoả thuận với cơ quan công an để xác định đủ điều kiện về an ninh trật tự khi hành nghề kinh doanh đặc biệt theo quy định tại Nghị định số 17/CP ngày 23-12-1992 của Chính phủ; Thông tư số 03/BNV ngày 27-3-1993 và Quyết định số 446/BNV-QĐ ngày 25-11-1993 của Bộ Nội vụ.
NHỮNG QUY ĐỊNH TỐI THIỂU PHẢI THỰC HIỆN KHI KINH DOANH
Điều 10: Vệ sinh môi trường và an toàn trong kinh doanh.
10.1. Rác, chất thải phải đựng vào thùng, sọt có nắp đậy kín và phải đổ rác, xử lý chất thải hàng ngày.
10.2. Phải có biện pháp chống chuột, ruồi, muỗi, rệp định kỳ theo yêu cầu và hướng dẫn của cơ quan y tế địa phương.
10.3. Đối với những quán ăn uống ở gần đường, nhiều bụi phải có biện pháp và các phương tiện chống bụi thích hợp.
10.4. Nơi kinh doanh ăn uống bình dân và nhà trọ phải có phương tiện tối thiểu để đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của cơ quan công an.
Điều 11: Vệ sinh cá nhân trong kinh doanh:
11.1. Những người làm việc trong quán ăn uống, nhà trọ trước khi tuyển dụng phải được kiểm tra sức khoẻ, sau đó cứ mỗi năm (12 tháng) khám lại một lần.
11.2. Người phụ trách đơn vị có trách nhiệm tổ chức việc khám sức khoẻ định kỳ cho nhân viên. Nếu người nào mắc một trong các bệnh theo quy định của phụ lục 3 thì tạm thời nghỉ việc cho tới khi điều trị khỏi bệnh hoặc chuyển sang làm việc khác.
11.3. Người làm nghề nấu ăn, pha chế giải khát phải:
- Nắm vững những điều cần thiết về vệ sinh lương thực, thực phẩm.
- Thực hiện những yêu cầu về vệ sinh trong bảo quản, vận chuyển, chế biến và phục vụ khách hàng.
- Thực hiện những quy định vệ sinh cá nhân khi sản xuất và phục vụ (theo Điều lệ vệ sinh - ban hành kèm theo Nghị định số 23-HĐBT ngày 24-1-1991 của Hội đồng Bộ trưởng - nay là Chính phủ.
Điều 12: Vệ sinh thực phẩm và trang thiết bị trong kinh doanh ăn uống:
12.1. Nguyên liệu chế biến đảm bảo phẩm chất dinh dưỡng phù hợp với tiêu chuẩn quy định của từng loại, không ôi thiu, hư hỏng, không có ký sinh trùng, sâu bọ, không nhiễm hoá chất độc.
12.2. Không được phép sử dụng các loại phụ gia không rõ nguồn gốc, mất nhãn, bao bì hỏng. Chỉ được dùng các loại phẩm màu và chất phụ gia trong danh mục đã được Bộ Y tế cho phép (Phụ lục 4).
12.3. Đối với các loại thức ăn chín, các loại thực phẩm có thể ăn ngay phải được che đậy và bao gói khi đem bán cho khách hàng.
12.4. Các trang thiết bị, dụng cụ chế biến, chứa đựng và bảo quản thức ăn, đồ uống phải đảm bảo những quy định về vệ sinh (theo quyết định số 505/QĐ ngày 13-4-1992 của Bộ Y tế); ngay sau khi sử dụng phải rửa sạch.
12.5. Phải đảm bảo quy tắc vệ sinh thực phẩm trong quá trình chế biến rau, củ, quả. Thực phẩm phải sơ chế trên bàn, không làm dưới mặt đất.
Điều 13: Nước dùng trong ăn uống, chế biến thực phẩm phải đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh theo quy định của cơ quan y tế về nước sạch.
Điều 14: Khi phát hiện hoặc nghi ngờ có vụ ngộ độc thức ăn, đồ uống những người có mặt (kể cả chủ hàng và khách hàng) đều phải có trách nhiệm báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Thức ăn, đồ uống nghi ngờ gây ngộ độc phải giữ lại để điều tra xác minh.
Các loại thức ăn, đồ uống gây ngộ độc tại các quán ăn, uống thì chủ quán phải trả toàn bộ mọi chi phí khám, chữa bệnh, bồi dưỡng sức khoẻ cho bệnh nhân và chi phí cho việc điều tra tìm nguyên nhân gây ngộ độc.
Điều 15: Về sinh và an toàn nhà trọ:
15.1. Phải làm vệ sinh phòng ngủ thường xuyên sạch sẽ không hôi, mốc. Tuyệt đối không được để có chuột, bọ, rệp và các loại côn trùng gây bệnh khác ở phòng ngủ.
15.2. Không để khách mang súc vật (chó, mèo, gà, vịt...), thực phẩm tươi sống hay nặng mùi (mắm tôm, nước mắm, mực khô...), chất nổ, chất dễ cháy, chất độc, vũ khí vào phòng ngủ hoặc nấu nướng tại phòng ngủ. Nếu khách có mang theo, phải tổ chức giữ và bảo quản các đồ vật trên cho khách trong suốt thời gian khách nghỉ trọ.
Điều 16: Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Bộ Thương mại, Giám đốc Sở Thương mại, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường theo chức năng có trách nhiệm tổ chức phối hợp với các cơ quan hữu quan kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm về giấy phép kinh doanh (hoặc đăng ký kinh doanh), điều kiện hành nghề và những quy định tối thiểu khi kinh doanh theo đúng pháp luật và quy chế này.
Các đội quản lý thị trường có kế hoạch phối hợp với Phòng y tế và công an quận, huyện kiểm tra thường xuyên hoạt động kinh doanh này ở địa bàn.
Điều 17: Xử lý vi phạm:
17.1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh ăn uống bình dân, nhà trọ nếu vi phạm các quy định tại quy chế này thì tuỳ theo mức độ vi phạm và hậu quả gây ra sẽ bị xử lý theo pháp lệnh xử vi phạm hành chính hoặc truy tố trước pháp luật.
17.2. Tổ chức, cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái với những quy định của quy chế này, tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật hiện hành.
DANH MỤC TRANG THIẾT BỊ TỐI THIỂU TRONG KINH DOANH ĂN UỐNG BÌNH DÂN
(Ban hành kèm theo QĐ số 747 TM/KD ngày 07 tháng 9 năm 1995)
1. Khâu sơ chế:
- Bát, đĩa, đũa.
- Âu, chậu (men, nhôm).
- Khăn vải.
- Dao thái.
- Lồng bàn (tủ đựng thức ăn bằng lưới).
2. Khâu chế biến:
- Bếp (than, củi, trấu, ga điện, dầu).
- Chảo
- Nồi nấu
- Bàn sản
- Bát, đĩa
- Chậu rửa.
- Dao các loại.
- Thớt gỗ (thực phẩm sống, chín dùng riêng).
3. Khâu phục vụ:
- Bàn ăn,
- Ghế ngồi,
- Bát, đũa, thìa.
- Âu, lọ đựng gia vị.
- ống tăm, ống đũa.
Ghi chú; Số lượng cụ thể tính theo lượng khách trung bình.
DANH MỤC TRANG THIẾT BỊ TỐI THIỂU TRONG KINH DOANH NHÀ TRỌ
(Ban hành kèm theo QĐ số 747TM/KD ngày 07-09-1995)
- Phòng ngủ bố trí nam riêng, nữ riêng.
- Giường (đơn, đôi).
- Chiếu.
- Màn (theo cỡ giường)
- Chăn, mền (theo mùa)
- Đèn (dầu, sạc ắc quy, nến).
- Gối (bông, mây, vỏ đậu...)
- Chậu rửa, chậu tắm - giặt.
- Buồng tắm, buồng vệ sinh nam, nữ riêng.
- Nơi giữ tài sản cho khách.
Ghi chú: Số lượng cụ thể tính theo số khách nghỉ trọ trung bình.
DANH MỤC CÁC BỆNH TRUYỀN NHIỄM
(Ban hành kèm theo QĐ số 747 ngày 07 tháng 9 năm 1995)
Những người bị mắc một trong các bệnh truyền nhiễm sau đây không được làm các công việc trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm và hành nghề ăn uống bình dân, nhà trọ.
- Lao
- Kiết lỵ
- Thương hàn
- ỉa chảy, tả.
- Mụn nhọt.
- Son đái, són phân.
- Viêm gan siêu vi trùng.
- Viêm mũi, viêm họng mủ.
- Các bệnh ngoài da.
- Các bệnh da liễu.
- Những người lành mang vi khuẩn gây bệnh đường ruột.
(Trích tiêu chuẩn vệ sinh lương thực - thực phẩm)
Quyết định 505/BYT-QĐ ngày 13-4-1992 của Bộ Y tế
PHẨM MẦU THỰC PHẨM CHO PHÉP DÙNG TRONG CHẾ BIẾN LƯƠNG THỰC, THỰC PHẨM
(Ban hành kèm theo QĐ số 747 ngày 07 tháng 9 năm 1995)
A. PHẨM MÀU TỔNG HỢP HỮU CƠ:
Tên thông thường | Chỉ số mầu | Tên khoa học quốc tế |
- Phẩm vàng: 1 Tartrazine | 9140 | Muối Trisodium của 5-p- Sulphopheny1-4- sulphopheny- lazopyrazole-3-carboxylic a xit |
- Phẩm vàng mặt trời Sunset yellou FCF | 15985 | Muối disodium của I-p-supho- phenylazo 2-naphtol-6- sulphonic a xit |
- Phẩm xanh: Indigocarmine | 73015 | Muối disodium của hỗn hợp indigo-5;5 disulphimic a xit và indigo-5;7-disul-phonic a xit |
- Phẩm xanh: Brillant black FCF | 42090 | Muối disodium cuar 4-(4-N-ethyl-p-sulpho-benzyamino)-phenyl-(2-sulphniumphenyl)methylene-I-(N-ethyl-N-p-sulphobenzyl)- detta 2,5-cychexadienimie |
- Phẩm đỏ: Amaranth | 16185 | Muối trisodium của I-(4- sulphonaphthyl-azo)- hydroxynapphthalen-3,6- disulphonic a xít |
- Phẩm đỏ: Ponceau 4 R | 16255 | Muối trisodium của I-sulpho-I- naphthylzo)-2-naphthol-6:8 disulphonic a xit. |
- Phẩm đỏ: Carmoisine | 14720 | Muối disodium của 2-(4- sulpho-I-naphthylazo)-I- naphthoi-4-sulfonic a xit. |
B. PHẦN MẦU TỰ NHIÊN, THỰC VẬT
1. Beta-Caroten (Gấc)
2. Chlorophlle (Diệp lục tố)
3. Curcumin, turmeric (Nghệ)
4. Riboflavin, lactoflavin (Vitamin B2)
5. Caramen (nước hàng)
6. Các loại màu tự nhiên khác của các loại rau quả ăn được như chanh, cam, dâu, sim, mận...
CÁC PHỤ GIA THỰC PHẨM VÀ GIỚI HẠN CHO PHÉP SỬ DỤNG PHỤ GIA TẠO NGỌT (CHẤT KHÔNG CALO) - (SWEETENERS)
Khi sử dụng phải ghi trên nhãn tên chất tạo ngọt. Khi nhập, sản xuất hoặc bán buôn, bán lẻ, sử dụng trong chế biến thực phẩm phải đăng ký xin phép tại Sở Y tế tỉnh, thành phố).
Danh mục | Giới hạn tối đa cho dùng trong thực phẩm (mg/kg) |
1. Sorbitol (Sorbitol) (Mức tinh khiết không ít hơn 80% C5H14O6 theo trọng lượng khô) | 5 |
2. Saccarin (2-sunphobenzoic imit) (Saccharin) (Mức tinh khiết không ít hơn 99% Saccharin theo trọng lượng khô) | 50 |
3. Natri Saccarinat (Nari-2-Sumphobenzoic imit) (Sacchrin Sodium) (Mức tinh khiết không ít hơn 99% anhydous Sodium Saccharin theo trọng lượng khô) | 200-2000 |
4. Aspartam (Este metyl của Aspartame) (Mức (tinh khiết không ít hơn 98,0-102,0% Aspartame theo trọng lượng khô). Thực phẩm chế biến bánh kẹo, nước quả, giải khát có CO2, sữa chua, hỗn hợp Coca, cà phê bột kem, hoa quả hoà tan, thực phẩm ăn liền đồ ăn tráng miệng... viên gói Aspartame, quả khô và công thức hỗn hợp thực phẩm khô. | 10000-20000 |
(Trích tiêu chuẩn vệ sinh lương thực, thực phẩm ban hành theo Quyết định 505/QĐ ngày 13-4-1992 và Quyết định bổ sung số 1057/BYT-QĐ ngày 21-11-1994
của Bộ Y tế).
- 1Quyết định 1057-BYT/QĐ năm 1994 ban hành 7 tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Y tế
- 2Quyết định 0983/1999/QĐ-BTM bãi bỏ tiết a, điểm 2, mục II Thông tư 07/TMDL/QLTT năm 1992 và Quyết định 747/TM-KD năm 1995 về Qui chế kinh doanh ăn uống bình dân và nhà trọ do Bộ trưởng Bộ Thương mại ban hành
- 3Quyết định 669/2000/QĐ-BTM công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực do Bộ trưởng Bộ Thương mại ban hành
- 1Nghị định 23-HĐBT năm 1991 ban hành 5 Điều lệ: Khám bệnh, chữa bệnh bằng Y học dân tộc; Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh; Điều lệ Vệ sinh; Khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng; Thanh tra Nhà nước về y tế do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 2Nghị định 17-CP năm 1992 về việc quản lý các nghề kinh doanh đặc biệt
- 3Nghị định 95-CP năm 1993 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Thương mại
- 4Nghị định 02/CP năm 1995 quy định hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh thương mại và hàng hoá, dịch vụ kinh doanh thương mại có điều kiện ở thị trường trong nước
- 5Thông tư 03/TT-BNV năm 1993 hướng dẫn thi hành Nghị định 17/CP năm 1992 về việc quản lý các nghề kinh doanh đặc biệt do Bộ Nội vụ ban hành
- 6Quyết định 446/QĐ-BNV(C13) năm 1993 về Thể lệ quản lý về an ninh trật tự đối với các nghề kinh doanh đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
- 7Quyết định 1057-BYT/QĐ năm 1994 ban hành 7 tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Y tế
- 8Quyết định 0983/1999/QĐ-BTM bãi bỏ tiết a, điểm 2, mục II Thông tư 07/TMDL/QLTT năm 1992 và Quyết định 747/TM-KD năm 1995 về Qui chế kinh doanh ăn uống bình dân và nhà trọ do Bộ trưởng Bộ Thương mại ban hành
Quyết định 747-TM/KD năm 1995 về Quy chế kinh doanh ăn uống bình dân và nhà trọ do Bộ trưởng Bộ Thương Mại ban hành
- Số hiệu: 747-TM/KD
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 07/09/1995
- Nơi ban hành: Bộ Thương mại
- Người ký: Trương Đình Tuyển
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 5
- Ngày hiệu lực: 07/09/1995
- Ngày hết hiệu lực: 06/05/2000
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra