Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ NỘI VỤ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/TT-BNV | Hà Nội, ngày 27 tháng 3 năm 1993 |
Ngày 23 tháng 12 năm 1992 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17-CP về việc quản lý các nghề kinh doanh đặc biệt.
Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành Nghị định này như sau:
I. PHẠM VI CÁC NGHỀ KINH DOANH ĐẶC BIỆT
Điều 2 Nghị định số 17-CP của Chính phủ quy định 6 loại nghề kinh doanh đặc biệt, từng loại nghề cụ thể như sau:
1. Nghề cho thuê ngủ trọ bao gồm: kinh doanh khách sạn, nhà trọ, nhà hàng, nhà khách, nhà nghỉ của các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội; nhà riêng của công dân có cho thuê nghỉ trọ; các cơ sở dịch vụ lưu trú du lịch, các cơ sở kinh doanh các nghề khác, nhưng có cho khách nghỉ trọ. Các cơ sở nói trên kinh doanh cho nghỉ trọ liên tục hoặc theo mùa, theo lễ hội, nghỉ trọ qua đêm hoặc cho nghỉ trọ theo giờ không qua đêm.
2. Nghề khắc con dấu bao gồm: khắc các loại con dấu của các cơ quan Nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức Đảng, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội... và các loại dấu tiêu đề. Hoạt động khắc dấu này kể cả thủ công và kỹ thuật tiên tiến; khắc trên kim loại, gỗ, nhựa cao su v.v...
3. Nghề in bao gồm: in Tipô, ốp sét, in lõm (ống đồng), Flêxô, in lưới (in lụa), in khắc gỗ, rônêô, Phôtôcopi, la de, các cơ sở chế bản, đúc chữ, sắp chữ, chế tạo bản in, phân màu.
4. Nghề sản xuất, sửa chữa súng săn, sản xuất và bán đạn súng săn; cho thuê súng săn. Súng săn là các loại súng dùng để săn bắn chim, thú rừng quy định tại Điều 1. Thể lệ dùng súng săn ban hành kèm theo Nghị định số 246/TTg ngày 17-5-1958 của Thủ tướng Chính phủ.
5. Nghề kinh doanh có sử dụng đến chất nổ bao gồm: sản xuất kinh doanh pháo, thuốc pháo; khai thác đá, khoáng sản, đá quý... có sử dụng vật liệu nổ.
Nghề kinh doanh có sử dụng đến chất độc mạnh là các loại chất độc sử dụng trong sản xuất kinh doanh các loại thuốc thuộc bảng A, B trong ngành Y tế; các chất mang độc tính cao trong sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực hoá chất cơ bản, công nghiệp chế biến, bảo vệ thực vật...
6. Nghề giải phẫu thẩm mỹ: gồm những cơ sở dùng phương pháp giải phẫu làm thay đổi hình dạng đặc điểm con người từ tuổi 15 trở lên.
Các cơ sở làm nghề kinh doanh đặc biệt nêu trên bao gồm tất cả các thành phần kinh tế: doanh nghiệp Nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân, cá thể và nhóm kinh doanh; các cơ sở của các cơ quan, tổ chức xã hội kể cả các cơ sở kinh doanh của Công an và Quân đội, các xí nghiệp, công ty đầu tư hoặc liên doanh của nước ngoài.
Để bảo đảm yêu cầu bảo vệ an ninh trật tự theo quy định tại Điều 5 của Nghị định số 17-CP, cơ quan Công an có trách nhiệm xem xét xác nhận một số điều kiện liên quan đến an ninh trật tự đối với các tổ chức và cá nhân xin kinh doanh nghề đặc biệt. Bộ Nội vụ hướng dẫn cụ thể vấn đề này như sau:
1. Thủ tục xin phép làm nghề
1.1. Tổ chức và cá nhân muốn làm nghề kinh doanh đặc biệt, ngoài hồ sơ thủ tục xin đăng ký kinh doanh theo quy định hiện hành của Nhà nước, từng loại nghề đặc biệt phải có thêm các thủ tục sau đây: a. Bản khai lý lịch của những người phụ trách hoặc chủ cơ sở, có xác nhận của cơ quan chủ quản hoặc của UBND xã, phường nơi thường trú.
b. Bản thiết kế hệ thống phòng cháy, chữa cháy, phòng độc, phương án bảo vệ đảm bảo về an ninh trật tự của cơ sở.
c. Nếu kinh doanh nghề cho thuê trọ phải có bản sơ đồ các phòng trọ, sơ đồ hệ thống thông tin liên lạc, các thiết bị thông tin liên lạc được trang bị.
1.2. Hồ sơ thủ tục nói trên, nộp cùng với hồ sơ xin đăng ký kinh doanh cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để chuyển cho cơ quan Công an xem xét xác nhận điều kiện bảo đảm yêu cầu về an ninh trật tự trước khi cơ quan có thẩm quyền xét cho phép thành lập và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
2. Giải thích thêm về tiêu chuẩn người xin làm nghề
2.1. Những người có tiền án về các tội hình sự khác có quan hệ trực tiếp tới nghề kinh doanh đặc biệt mà họ xin kinh doanh; người đã có tiền án mà chính họ đã lợi dụng hoạt động kinh doanh nghề đặc biệt để hoạt động phạm tội (khoản 2 Điều 3 Nghị định 17-CP) cụ thể là: có tiền án về các tội giết người, cướp của, buôn bán hàng cấm, buôn lậu, lừa đảo, làm hàng giả, chủ chứa, mại dâm, ma tuý, cờ bạc. 2.2. Những người không được làm nghề kinh doanh đặc biệt quy định tại Điều 3 Nghị định 17-CP của Chính phủ chỉ áp dụng đối với những người trong ban phụ trách cơ sở hoặc những người là chủ cơ sở. Những người được tuyển dụng làm nhân viên trong biên chế hoặc hợp đồng, những người làm công trong các cơ sở kinh doanh đặc biệt, người phụ trách hoặc chủ cơ sở phải lập danh sách những người này theo mẫu quy định của Bộ Nội vụ và gửi cho cơ quan Công an trực tiếp quản lý. Người phụ trách hoặc chủ cơ sở phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi vi phạm quy định hoạt động nghề kinh doanh đặc biệt của các nhân viên hoặc người làm công trong cơ sở của mình.
2.3. Những người hiện đang làm nghề kinh doanh đặc biệt, nếu thuộc diện các đối tượng không được phép làm nghề theo quy định của Điều 3 Nghị định 17-CP, thì cơ quan Công an không cấp giấy chứng nhận điều kiện đảm bảo về an ninh trật tự và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép kinh doanh hoặc không cho đứng chủ kinh doanh hoặc tham gia ban phụ trách cơ sở kinh doanh nghề đặc biệt.
2.4. Các tổ chức và cá nhân người nước ngoài sau khi được cấp giấy phép đầu tư kinh doanh các nghề kinh doanh đặc biệt, trước khi triển khai việc đầu tư kinh doanh phải có văn bản gửi Bộ Nội vụ nói rõ việc đầu tư, sản xuất, kinh doanh, địa điểm, tên người chủ đầu tư và danh sách những người làm trong cơ sở. Việc tuyển dụng người Việt Nam vào làm trong các cơ sở này phải theo đúng các quy định của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩ Việt Nam.
Nếu các tổ chức hoặc cá nhân Việt Nam liên doanh với người nước ngoài làm nghề này thì tổ chức và cá nhân phía Việt Nam phải làm đầy đủ thủ tục theo quy định của Thông tư này.
3. Trách nhiệm của cơ quan Công an trong việc xét duyệt cho phép kinh doanh nghề đặc biệt
3.1. Các cơ quan chức năng có thẩm quyền xét cấp giấy phép kinh doanh khi nhận được hồ sơ xin đăng ký kinh doanh nghề đặc biệt của các tổ chức và cá nhân, có trách nhiệm chuyển cho cơ quan Công an đơn và các giấy tờ quy định tại mục 1.1 điểm 1 phần II Thông tư này để có cơ sở xem xét xác nhận điều kiện bảo đảm yêu cầu về an ninh trật tự.
3.2. Cơ quan Công an sẽ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự cho tổ chức và cá nhân xin kinh doanh nghề đặc biệt và chuyển giấy chứng nhận đó cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi xem xét việc cho phép thành lập và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Thời gian xem xét cấp giấy chứng nhận của cơ quan Công an không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ của các cơ quan chức năng chuyển đến.
Trong trường hợp tổ chức và cá nhân xin kinh doanh nghề đặc biệt không đủ điều kiện đảm bảo yêu cầu về an ninh trật tự, cơ quan Công an phải có văn bản nói rõ lý do.
3.3. Tổ chức và cá nhân đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trước khi Chính phủ ban hành Nghị định số 17-CP ngày 23-12-1992 phải làm bổ sung thủ tục xin đăng ký kinh doanh nghề đặc biệt theo Nghị định 17-CP và Thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Cơ quan Công an tiến hành xem xét cụ thể các điều kiện bảo đảm yêu cầu về an ninh trật tự để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cho hoặc không cho tiếp tục kinh doanh.
3.4. Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự theo mẫu thống nhất của Bộ Nội vụ (mẫu số 1.A kèm theo).
4. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự quy định như sau:
a. Bộ Nội vụ (Tổng Cục Cảnh sát nhân dân) xem xét cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự cho các doanh nghiệp do Chính phủ ra quyết định thành lập và các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài.
b. Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (phòng PC13) xem xét cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự cho các doanh nghiệp do các Bộ và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra Quyết định thành lập hoạt động trong địa phương.
c. Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh xem xét cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự cho các cá nhân và nhóm kinh doanh có vốn kinh doanh thấp hơn vốn pháp định quy định tại Nghị định số 66-HĐBT ngày 2-3-1992 của Hội đồng Bộ trưởng (kể cả các cơ sở do UBND xã cấp giấy phép kinh doanh theo sự uỷ quyền của UBND huyện ở các vùng rẻo cao, hải đảo xa) hoạt động trong địa phương.
1. Sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trước khi khai trương hoạt động, tổ chức và cá nhân làm nghề kinh doanh đặc biệt phải báo cho công an phường, xã nơi đặt trụ sở kinh doanh biết về thời gian bắt đầu hoạt động.
2. Trong quá trình hoạt động các tổ chức và cá nhân làm nghề kinh doanh đặc biệt phải chấp hành các quy định sau:
2.1. Quy định về an toàn cháy, nổ, phòng độc.
2.2. Mở sổ sách theo dõi việc quản lý về an ninh trật tự theo mẫu quy định và hướng dẫn của cơ quan Công an.
2.3. Thực hiện những quy định về an ninh trật tự và đăng ký, trình báo với cơ quan Công an theo thể lệ của Bộ Nội vụ đối với từng loại nghề kinh doanh đặc biệt.
2.4. Có trách nhiệm phát hiện và báo cáo kịp thời với cơ quan Công an sở tại các trường hợp có dấu hiệu vi phạm về an ninh trật tự xảy ra trong cơ sở, kể cả những người và sự việc có liên quan đến hoạt động kinh doanh của các cơ sở này.
2.5 Có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu của cán bộ Công an khi tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định về an ninh trật tự của cơ sở.
IV. KIỂM TRA VIỆC CHẤP HÀNH CÁC QUY ĐỊNH VỀ AN NINH TRẬT TỰ
1. Nội dung kiểm tra của cơ quan Công an
a. Kiểm tra các giấy tờ hợp lệ về hoạt động kinh doanh đặc biệt, nội dung kinh doanh ghi trong giấy phép với thực tế kinh doanh của cơ sở (ngành, nghề, địa điểm, sản phẩm v.v...).
b. Kiểm tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước và chính quyền địa phương về kinh doanh nghề đặc biệt; việc đăng ký quản lý hộ khẩu, phòng cháy nổ, phòng độc, phòng tai nạn, giữ gìn trật tự công cộng phòng ngừa và phát hiện ngăn chặn các tệ nạn xã hội ...
c. Công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định về an ninh trật tự đối với các cơ sở làm kinh doanh đặc biệt được tiến hành cả với những khách hàng có liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh đặc biệt của cơ sở đó .
2- Thẩm quyền kiểm tra các cơ sở kinh doanh nghề đặc biệt
a. Trưởng, phó phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương.
b. Trưởng phó công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. c. Cảnh sát quản lý hành chính được lãnh đạo Công an từ cấp huyện trở lên phân công theo dõi quản lý các cơ sở làm nghề kinh doanh đặc biệt.
d. Trưởng, phó công an phường, thị trấn, Cảnh sát khu vực, trưởng, phó Công an xã kiểm tra các cơ sở trong phạm vi phụ trách; Cảnh sát phòng cháy chữa cháy làm nhiệm vụ kiểm tra an toàn cháy nổ, phòng độc, phóng xạ.
đ. Khi tiến hanh kiểm tra phải mặc sắc phục Công an nhân dân theo quy định (trừ trường hợp, phó trưởng Công an xã tiến hành công tác kiểm tra trong xã mình). Sau khi kiểm tra kể cả có hoặc không phát hiện được vi phạm đều phải lập biên bản (theo mẫu quy định) ghi rõ kết quả kiểm tra, có đương sự và người phụ trách hoặc chủ cơ sở cùng ký tên và giao cho cơ sở một bản.
3. Xử lý vi phạm.
a. Các vi phạm hành chính của các cơ sở và người làm nghề kinh doanh đặc biệt, hoặc người có liên quan tuỳ mức độ của hành vi vi phạm mà áp dụng các hình thức xử phạt theo quy định tại Điều 11 và Điều 15 Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính; Điều 6 Nghị định 141/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).
Việc xử phạt vi phạm hành chính phải tiến hành theo đúng thủ tục xử phạt quy định tại Điều 21 của Pháp lệnh xử phạt hành chính và Điều 20 Nghị định số 141-HĐBT ngày 25-4-1991 của Hội đồng Bộ trưởng.
b. Các vi phạm của tổ chức và cá nhân nước ngoài căn cứ khoản 3 Điều 5 Pháp lệnh xử phạt hành chính; Điều 24 Nghị định số 141-HĐBT của Chính phủ và điểm a mục 2 Thông tư số 09/TT-BNV (C11) ngày 30-12-1991 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh và Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự.
1. Để nghiêm chỉnh thi hành Nghị định của Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân kinh doanh nghề đặc biệt; Bộ Nội vụ yêu cầu Thủ trưởng các Bộ có trách nhiệm quản lý các nghề nói trên, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn để các tổ chức và cá nhân xin kinh doanh làm đầy đủ thủ tục theo Nghị định của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ, chỉ cho phép thành lập và xét cấp đăng ký kinh doanh các nghề kinh doanh đặc biệt sau khi có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự của cơ quan Công an.
2. Các tổ chức và cá nhân đang kinh doanh các nghề đặc biệt nói ở Điều 2 Nghị định số 17-CP ngày 23-12-1992 của Chính phủ phải hoàn thành việc bổ sung thủ tục hoặc làm thủ tục mới xin kinh doanh nghề đặc biệt trước ngày 30-9-1993. Kể từ ngày 01-11-1993 các cơ sở kinh doanh đặc biệt không có giấy phép kinh doanh của cấp có thẩm quyền đều phải ngưng hoạt động.
3. Công an các cấp có trách nhiệm xem xét, xác nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự cho các tổ chức và cá nhân xin kinh doanh nghề đặc biệt theo đúng quy định và thời gian; thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về an ninh trật tự để các tổ chức và cá nhân kinh doanh đúng pháp luật, phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm, bảo đảm quyền lợi kinh doanh chính đáng và hợp pháp của các cơ sở. Bộ giao Tổng Cục Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm giúp Bộ theo dõi hướng dẫn kiểm tra việc thi hành.
4. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ban hành và thay thế Thông tư số 09/TT ngày 24-6-1980; Quyết định số 38 ngày 3-7-1987 của Bộ Nội vụ quy định và hướng dẫn việc quản lý các nghề kinh doanh đặc biệt.
Bùi Thiện Ngộ (Đã ký) |
- 1Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính năm 1989 do Hội đồng Nhà nước ban hành
- 2Nghị định 141-HĐBT năm 1991 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 3Nghị định 66-HĐBT năm 1992 về cá nhân và nhóm kinh doanh có vốn thấp hơn vốn pháp định quy định trong Nghị định 221-HĐBT năm 1991 do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 4Nghị định 17-CP năm 1992 về việc quản lý các nghề kinh doanh đặc biệt
- 5Công văn về việc thực hiện Nghị định 17-CP và Thông tư 03/TT-BNV
- 6Nghị định 246-TTg năm 1958 về thể lệ dùng súng săn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Thông tư 03/TT-BNV năm 1993 hướng dẫn thi hành Nghị định 17/CP năm 1992 về việc quản lý các nghề kinh doanh đặc biệt do Bộ Nội vụ ban hành
- Số hiệu: 03/TT-BNV
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 27/03/1993
- Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
- Người ký: Bùi Thiện Ngộ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 27/03/1993
- Ngày hết hiệu lực: 04/05/2001
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra