Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 246-TTg

Hà Nội, ngày 17 tháng 5 năm 1958

NGHỊ ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 246-TTG, NGÀY 17 THÁNG 5 NĂM 1958 BAN HÀNH THỂ LỆ DÙNG SÚNG SĂN

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và giữ gìn trật trự trị an chung,

Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Công an;

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1: Nay ban hành thể lệ dùng súng săn kèm theo Nghị định này.

Điều 2: Các Uỷ ban hành chính khu, tỉnh sẽ ấn định cụ thể những vùng nào trong địa phương mình thuộc miền núi và được áp dụng những thể lệ riêng cho miền núi nói trong thể lệ ban hành theo Nghị định này.

Điều 3: Ông Bộ trưởng Bộ Công an và các Uỷ ban hành chính khu, tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Phạm Văn Đồng

(Đã ký)

THỂ LỆ

DÙNG SÚNG SĂN

Chương 1:

DÙNG SÚNG SĂN

Điều 1: Súng săn nói trong thể lệ này gồm các loại súng dùng để săn bắn thú rừng, chim, như:

- Súng săn một và hai nòng cỡ 9, 12, 16, 20, 24... hoặc không có cỡ nhất định, tự động hoặc không tự động;

- Súng hoả mai, súng kíp.

Các loại súng hơi, súng bắn không lò xo không thuộc phạm vi quy định của Điều lệ này.

Đạn súng săn gồm có:

- Đạn súng săn các cỡ 9, 12, 16, 20, 24... hoặc không có cỡ nhất định ;

- Thuốc súng, hạt nổ đạn súng săn;

- Vỏ đạn súng săn đã lắp hạt nổ hoặc đã nhồi thuốc.

Điều 2: Công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên trừ những người nói ở Điều 3 sau đây sau khi được Ty, Sở hoặc Khu công an (ở những khu không có tỉnh) cho phép được dùng súng săn để săn bắn, bảo vệ hoa màu.

Ngoại kiều cũng có thể được xét và cấp giấy phép dùng súng săn tuỳ từng trường hợp cụ thể.

Điều 3: Những người sau đây không được dùng súng săn:

- Người đương bị truy tố;

- Người đương bị quản chế;

- Người mất quyền công dân;

- Người có can án;

- Người có bệnh tật xét ra dùng súng có thể nguy hiểm như mắt mù, tai điếc, mất trí, loạn óc hoặc say rượu, v.v...

Điều 4: Trong thời hạn hai tháng kể từ ngày công bố thể lệ này, người có súng săn phải mang súng đến khai và xin phép dùng súng săn tại Ty, Sở hoặc Khu công an nơi cư trú.

Muốn xin phép dùng súng săn, phải nộp các giấy tờ sau đây:

- Một đơn xin phép dùng súng săn;

- Một bản lý lịch do Uỷ ban hành chính xã hoặc Ban Cán sự hành chính khu phố chứng thực;

- Giấy phép mua súng săn, hoặc giấy phép dùng súng săn của chủ cũ và các giấy tờ liên quan nếu có;

- Hai tấm ảnh 4 x 6 mới, nghiêng mặt 2/3, đầu không đội mũ hoặc nón.

Ở những vùng miền núi do Uỷ ban hành chính tỉnh hoặc khu quy định, đồng bào không phải thi hành các thủ tục nói trên mà chỉ cần mang súng săn đến khai tại Uỷ ban hành chính xã nơi cư trú để xét và cấp giấy phép dùng súng săn.

Điều 5: Giấy phép dùng súng săn có giá trị tối đa là ba năm. Hết thời hạn ấy phải xin đổi giấy phép mới.

Hàng năm từ ngày mồng 1 đến 31 tháng 12 dương lịch, người có giấy phép dùng súng săn phải trình ký kiểm soát vào giấy phép dùng súng săn tại Ty, Sở hoặc Khu công an nơi cư trú; đồng bào ở những vùng miền núi trình ký kiểm soát tại Uỷ ban hành chính xã cư trú. Giấy phép không trình ký kiểm soát hàng năm sẽ không còn giá trị.

Giấy phép mới cấp chưa quá sáu tháng được miễn trình ký kiểm soát năm đầu.

Điều 6: Khi thay đổi nơi cư trú từ tỉnh này, thành phố này sang tỉnh khác, thành phố khác, người có súng săn phải báo cho cơ quan công an nơi đi và nơi đến biết; đồng bào ở những vùng miền núi báo cho Uỷ ban hành chính xã nơi đi và nơi đến biết.

Khi mất giấy phép hoặc mất súng săn, phải trình ngay cho cơ quan Công an hoặc Uỷ ban hành chính địa phương và báo cho cơ quan công an đã cấp giấy phép biết.

Khi súng săn bị hư hỏng không dùng được nữa, phải trả lại giấy phép cho cơ quan lý súng nơi cư trú.

Không được cho người khác thuê hoặc mượn súng săn và giấy phép dùng súng săn của mình. Đồng bào ở những vùng miền núi có thể cho người trong gia đình sử dụng súng săn của mình, nhưng người có súng phải chịu trách nhiệm.

Bất kỳ lúc nào, hễ nhà chức trách yêu cầu, người mang súng săn phải xuất trình ngay giấy phép và súng đạn để kiểm soát.

Điều 7: Không được săn bắn trong thành phố, thị xã, thị trấn (trừ vùng ngoại ô) và ở những nơi cấm săn bắn do Uỷ ban hành chính tỉnh, khu hoặc thành phố quy định.

Không được bắn súng khi đi trên xe, tàu thuyền đương chở hành khách.

Không được để đạn trong nòng súng khi ở trên xe, tàu, thuyền, khi đi trong thành phố, thị xã, thị trấn (trừ vùng ngoại ô), khi đến chỗ đông người hoặc vào nơi hội họp công cộng.

Chương 2:

MUA, BÁN, SỬA CHỮA SÚNG SĂN

Điều 8: Công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, trừ những người nói ở Điều 3, muốn mua súng săn thì phải có giấy phép của Ty, Sở hoặc Khu Công an nơi cư trú. Đơn xin phép phải nói rõ mục đích mua súng, kèm theo đơn phải có bản khai lý lịch căn cước. Đồng bào ở những vùng miền núi thì được miễn nộp đơn và lý lịch.

Điều 9: Mỗi khi mua, bán hoặc đổi súng săn cho nhau, phải làm chứng từ trình đồn công an hoặc Uỷ ban hành chính xã chứng thực. Trong thời hạn 5 ngày ở thành thị và 20 ngày ở nông thôn kể từ ngày mua hoặc đổi súng săn lẫn cho nhau, đương sự phải đến Ty, Sở hoặc Khu Công an xin phép dùng súng săn hoặc xin đổi giấy phép mới.

Điều 10: Không được bán súng săn và thuốc đạn súng săn, không được sửa chữa súng săn cho những người không có giấy phép mua hoặc giấy phép dùng súng săn.

Điều 11: Cấm chế biến các loại súng trận thành súng săn. Cấm lấy bom, mìn, lựu đạn, đạn của các loại vũ khí quân dụng để làm đạn súng săn.

Chương 3:

MANG SÚNG SĂN RA, VÀO NƯỚC, XUẤT NHẬP KHẨU, BUÔN BÁN, CHẾ TẠO SÚNG SĂN VÀ ĐẠN SÚNG SĂN

Điều 12: Người Việt Nam cũng như ngoại kiều muốn mang súng săn từ nước ngoài vào nước Việt Nam để săn bắn, phải xin phép Bộ Công an nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, chỉ khi nào có giấy phép mới được mang súng săn vào nước Việt Nam. Muốn mang súng săn ra khỏi nước Việt Nam, phải trả lại giấy phép dùng súng săn cho Ty, Sở hoặc Khu Công an nơi cư trú và phải xin phép mang súng săn ra cửa khẩu.

Tại cửa khẩu phải xuất trình giấy phép, súng săn và thuốc đạn súng săn cho nhà chức trách kiểm soát. Giấy phép mang súng săn và thuốc đạn súng săn ra khỏi Việt Nam phải trả lại cho cơ quan công an ở cửa khẩu.

Điều 13: Việc xuất nhập khẩu, buôn bán, chế tạo súng săn và đạn súng săn sẽ có quy định riêng.

Chương 4:

ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 14: Mỗi khi đăng ký súng săn, đương sự phải nộp một khoản lệ phí như sau:

- 5.000 đồng cho một súng săn cỡ 9, 12, 16 hoặc loại súng có giá trị tương đương.

- 1.000 đồng cho một súng hoả mai, súng kíp hoặc súng săn cỡ 20 và 24 v.v...

Mỗi lần trình ký kiểm soát vào giấy phép dùng súng săn, hoặc mỗi khi đổi giấy phép mới, đương sự phải nộp một khoản lệ phí như sau:

- 1.000 đồng cho một súng săn cỡ 9, 12, 16 hoặc loại súng có giá trị tương đương;

- 500 đồng cho một súng hoả mai, súng kíp hoặc súng săn cỡ 20, 24 v. v...

Đồng bào miền núi được miễn nộp các khoản lệ phí nói trên.

Điều 15: Ai không tuân Thể lệ này hoặc dùng súng săn làm điều phi pháp phạm đến trật tự trị an, làm thiệt hại đến tài sản của Nhà nước và tính mệnh tài sản của nhân dân, sẽ tuỳ trường hợp nặng nhẹ mà có thể bị:

- Phê bình cảnh cáo;

- Phạt vi cảnh;

- Rút giấy phép dùng súng săn có thời hạn, hoặc rút hẳn;

- Tịch thu súng săn và thuốc đạn súng săn;

- Truy tố trước toà án.

Điều 16: Quyền xử lý các trường hợp vi phạm Thể lệ định như sau:

- Trưởng, phó ty Công an trở lên có quyền rút giấy phép dùng súng săn ;

- Uỷ ban hành chính tỉnh, khu phố có quyền tịch thu súng săn, hoặc đạn súng săn;

- Quyền phê bình, cảnh cáo, phạt vi cảnh hoặc yêu cầu truy tố trước toà án thì theo luật lệ hiện hành.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 246-TTg năm 1958 về thể lệ dùng súng săn do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 246-TTg
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 17/05/1958
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 19
  • Ngày hiệu lực: 01/06/1958
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản