Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NỘI VỤ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 446/QĐ-BNV(C13)

Hà Nội, ngày 25 tháng 11 năm 1993

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH THỂ LỆ QUẢN LÝ VỀ AN NINH TRẬT TỰ ĐỐI VỚI CÁC NGÀNH NGHỀ KINH DOANH ĐẶC BIỆT

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

Căn cứ Pháp lệnh của Hội đồng Nhà nước ngày 28 tháng 01 năm 1989 quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Cảnh sát nhân dân;
Căn cư Nghị định số 17-CP ngày 23-12-1992 của Chính phủ về việc quản lý các nghề kinh doanh đặc biệt;
Tiếp theo Thông tư số 03-TT/BNV ngày 27/3/1993 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành Nghị định số 17-CP của Chính phủ;
Để bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quyền kinh doanh hợp pháp của các tổ chức, cá nhân làm nghề kinh doanh đặc biệt.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành Thể lệ quản lý về an ninh trật tự đối với các nghề kinh doanh đặc biệt quy định tại Điều 2 Nghị định số 17-CP ngày 23-12-1992 của Chính phủ.

Điều 2. Các tổ chức và cá nhân kinh doanh hoặc hoạt động liên quan đến nghề đặc biệt có trách nhiệm thi hành những quy định trong Thể lệ quản lý về an ninh trật tự đối với nghề mà mình kinh doanh.

Điều 3. Bản Thể lệ này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, các quy định trước đây của Bộ Nội vụ về quản lý an ninh trật tự đối với các nghề kinh doanh đặc biệt trái với quy định này đều bãi bỏ.

Điều 4. Bộ Nội vụ yêu cầu Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo việc phổ biến, hướng dẫn các cơ sở làm nghề kinh doanh đặc biệt thuộc mình quản lý nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về an ninh trật tự trong thể lệ này.

Điều 5. Thủ trưởng các Tổng Cục, Bộ Tư lệnh, các Vụ, Cục thuộc Bộ Nội vụ, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành quyết định này. Bộ Nội vụ giao Tổng Cục Cảnh sát nhân dân (C13) thực hiện chức năng quản lý theo dõi hướng dẫn và kiểm tra việc thi hành Quyết định.

 

 

Bùi Thiện Ngộ

(Đã Ký)

 

THỂ LỆ

QUẢN LÝ VỀ AN NINH TRẬT TỰ ĐỐI VỚI CÁC NGÀNH NGHỀ KINH DOANH ĐẶC BIỆT
(Ban hành kèm theo Quyết định số 446-QĐ/BNV (C13) ngày 25-11-1993)

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Ngoài phạm vi các loại nghề kinh doanh đặc biệt đã hướng dẫn tại phần I Thông tư số 03-TT/BNV ngày 27-3-1993 của Bộ Nội vụ, Thể lệ ngày hướng dẫn tiếp như sau:

a. Nghề cho thuê nghỉ trọ: Bao gồm cả các tổ chức và cá nhân cơ quan Nhà nước, đoàn thể quần chúng, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế và tư nhân hoạt động kinh doanh cho người nước ngoài và Việt Kiều được phép cư trú tại Việt Nam thuê nhà để ở và làm việc (nhà ở riêng, Văn phòng đại diện...).

b. Nghề in: gồm các cơ sở đóng, xén các sản phẩm in.

c. Nghề có sử dụng chất nổ: Gồm cả các tổ chức, cá nhân làm nghề:

- Sản xuất, tái chế, xuất nhập khẩu vật liệu nổ.

- Sản xuất, kinh doanh pháo, thuốc pháo.

- Sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác đá, khai thác vàng, đá quý, các loại khoáng sản khác ... có sử dụng vật liệu nổ.

d. Nghề có sử dụng chất độc mạnh gồm:

- Các cơ sở: nhập xuất khẩu, sản xuất, gia công chế biến, kinh doanh các loại thuốc bảo vệ thực vật (thuốc trừ sâu có độc tính cao) kể cả các cơ sở quản lý các loại thuốc này (kèm theo phụ lục 1 danh mục thuốc trừ sâu có độc tính cao).

- Các cơ sở sản xuất kinh doanh các loại thuốc tân dược, các loại hoá chất cơ bản. (Kèm theo phụ lục 2 danh mục thuốc tân dược có độc tính bảng A, B, hoá chất cơ bản).

2. Các cơ sở sau đây, tuy có hoạt động như kinh doanh đặc biệt nhưng không tham gia kinh doanh theo cơ chế thị trường thì không thuộc phạm vi quản lý của Nghị định 17-CP của Chính phủ và Thể lệ cụ thể là:

- Các nhà khách phục vụ nội bộ của các cơ quan, đoàn thể...

- Các cơ sở in sự nghiệp (kể cả photocopy) của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, xã hội... để phục vụ in, sao chụp tài liệu của nội bộ.

- Các viện nghiên cứu, trung tâm khoa học của Nhà nước có sử dụng đến chất nổ, chất độc mạnh, chất phóng xạ để phục vụ nghiên cứu khoa học, các cơ sở nghiên cứu y, dược, điều trị bệnh.

- Các cơ sở của Nhà nước có sử dụng chất phóng xạ để bảo quản lương thực, thực phẩm.

- Các cơ sở chỉnh hình thuộc bệnh viện do Nhà nước quản lý.

3. Những người làm nghề kinh doanh đặc biệt bao gồm: Người phụ trách, chủ cơ sở (Giám đốc, Tổng giám đốc, Chủ nhiệm,...), và những người trong ban phụ trách, ban điều hành (như cấp phó, thành viên trong ban lãnh đạo). Những người là cán bộ, nhân viên trong biên chế hoặc nhân viên hợp đồng và người làm công.

4. Những người là khách hàng có liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các cơ sở kinh doanh nghề đặc biệt như: những người đến tạm trú ở cơ sở cho thuê trọ, người đến đặt in ấn phẩm, đặt khắc dấu, mua súng săn, đạn súng săn, thuê súng săn, mua bán các chất nổ, chất độc, người đến giải phẫu thẩm mỹ ở các cơ sở kinh doanh nghề đặc biệt đều phải chấp hành các quy định của Thể lệ này).

5. Ngoài thủ tục quy định tại điểm 1 phần II Thông tư số 03-TT/BNV của Bộ Nội vụ các cơ sở kinh doanh nghề đặc biệt phải làm thêm các thủ tục sau đây:

- Bản kê phương tiện dụng cụ để làm nghề (máy in, máy photocopy...), quy trình công nghệ (thủ công, hiện đại...).

- Danh sách ban bảo vệ hoặc người được giao làm nhiệm vụ bảo vệ của cơ sở và vũ khí, phương tiện bảo vệ.

- Danh sách các cơ sở chi nhánh địa điểm kinh doanh phụ (nếu có); Giấy chứng nhận về chuyên môn kỹ thuật đối với từng loại nghề của người phụ trách hoặc chủ cơ sở.

II. QUY TRÌNH CỤ THỂ AN NINH TRẬT TỰ TRONG QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG KINH DOANH

Trong quá trình hoạt động các tổ chức và cá nhân làm nghề kinh doanh đặc biệt phải chấp hành các quy định về an ninh trật tự đối với từng nghề như sau:

1. Nghề cho thuê nghỉ trọ.

a. Lập sổ đăng ký khách trọ, phiếu báo tạm trú (theo mẫu của Bộ Nội vụ) và thực hiện nghiêm chỉnh việc đăng ký khách trọ bao gồm người trong nước và người nước ngoài, Việt kiều, và trình báo tạm trú của khách với cơ quan Công an. Việc ghi chép phải đầy đủ chính xác theo các cột mục trong sổ và phiếu báo. Sổ đăng ký khách trọ phải đăng ký tại cơ quan Công an quản lý trước khi sử dụng. Khi sử dụng hết sổ đem nộp cho cơ quan Công an quản lý và đăng ký lĩnh sổ mới.

- Có sơ đồ toàn bộ cơ sở, có biển hiệu treo trước cửa. Các tầng (lầu), phòng, buồng phải đánh số thứ tự đúng theo sơ đồ. Có niêm yết bảng giá thuê trọ, bảng nội quy của cơ sở để nơi dễ nhìn thấy.

- Phải có người thường trực tiếp khách và trực suốt trong thời gian có khách nghỉ trọ. Có nơi cất giữ hành lý tư trang, hàng hoá nếu khách yêu cầu. Khi giao nhận phải có sổ sách biên nhận rõ ràng, có phương tiện cất giữ bảo quản an toàn... Nếu để mất mát, thất lạc, hư hỏng thì người chủ cơ sở phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Nếu khách có mang theo vũ khí, súng săn thì yêu cầu khách xuất trình giấy phép sử dụng, vận chuyển và phải gửi cơ sở cho thuê trọ cất giữ, không để khách mang vào phòng ngủ. Vũ khí, súng săn do bảo vệ hoặc người chịu trách nhiệm bảo vệ của cơ sở cất giữ có số giao nhận và nơi cất giữ riêng có khoá bảo đảm, nghiêm cấm việc sử dụng vũ khí, súng săn cũng như tài sản của khách trọ gửi. Nghiêm cấm việc mang vật liệu nổ vào cơ sở cho thuê trọ.

- Phải bảo đảm đủ ánh sáng bảo vệ ban đêm ở những nơi cần thiết và hàng lang đi lại.

- Khi cán bộ công an đến kiểm tra việc chấp hành các quy định về an ninh trật tự của cơ sở, người phụ trách hoặc chủ cơ sở có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu của cán bộ kiểm tra, không được gây trở ngại.

- Khi phát hiện có vụ việc về an ninh trật tự xảy ra, hoặc người có hiện tượng nghi vấn ở trong cơ sở phải kịp thời báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất, đồng thời có trách nhiệm tham gia phối hợp giải quyết.

- Khi có thay đổi về người phụ trách hoặc chủ cơ sở, thay đổi tên hiệu, địa điểm kinh doanh thì người phụ trách hoặc chủ cơ sở phải báo cho cơ quan Công an quản lý trực tiếp biết.

- Người phụ trách hoặc cơ sở cho thuê nghị trọ có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho khách nghỉ trọ, giúp đỡ khi khách gặp tai nạn, chăm sóc khi khách ốm đau và đề phòng dịch bệnh.

b. Mỗi khi khách thuê trọ, nhân viên lễ tân, người thường trực của cơ sở yêu cầu khách xuất trình các giấy tờ sau đây để đăng ký ngay vào sổ đăng ký khách trọ và viết phiếu tạm trú.

- Đối với khách là người trong nước: Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy biên nhận đã làm chứng minh nhân dân, nếu không có giấy chứng minh nhân dân phải có giấy tờ đi lại khác (giấy giới thiệu công tác, giấy đi đường).

- Đối với khách hàng là người nước ngoài và Việt kiều (không được hưởng quy chế ngoại giao): Hộ chiếu đã có thị thực nhập cảnh, xuất cảnh hoặc giấy thông hành xuất nhập cảnh.

+ Nếu khách đi theo đoàn cũng phải yêu cầu mỗi người trong đoàn xuất trình các giấy tờ nói trên để làm thủ tục đăng ký tạm trú từng người.

- Trường hợp hai vợ chồng thuê chung buồng để nghỉ chung thì phải xuất trình đầy đủ giấy tờ tuỳ thân của cả hai người để ghi vào sổ.

+ Nghiêm cấm lợi dụng cơ sở kinh doanh nghỉ trọ để hành nghề chứa mại dâm dưới mọi hình thức, hoặc làm các việc phi pháp khác.

c. Việc trình báo tạm trú thực hiện như sau:

+ Trước 23 giờ trong ngày, cơ sở cho thuê trọ phải cử người mang sổ đăng ký khách trọ, phiếu báo tạm trú đến công an phường, xã để làm thủ tục trình báo tạm trú. Đối với cơ sở có khách là người nước ngoài, Việt kiều tạm trú đều phải trình báo công an phường, xã.

Sau 23 giờ nếu có khách đến thêm thì cơ sở phải trình báo bổ sung vào sáng ngày hôm sau trước lúc khách đi.

+ Đối với khách thuê trọ theo giờ hoặc không nghỉ qua đêm, cơ sở vẫn phải làm đầy đủ thủ tục đăng ký vào sổ khách trọ và ghi phiếu báo tạm trú.

2. Nghề khắc con dấu.

a. Chỉ được nhận khắc com dấu của các cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang, dấu của tổ chức Đảng và các đoàn thể, dấu của các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế... và các loại dấu tiêu đề theo các quy định sau đây:

- Đối với dấu của các cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang, dấu của tổ chức Đảng và các đoàn thể, dấu tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế người đến cơ sở đặt khắc dấu phải có:

- Giấy phép khắc dấu của công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PC13) nơi cơ sở khắc dấu đóng trụ sở, hoặc giấy phép khắc dấu của Bộ Nội vụ (Cục C13).

+ Giấy giới thiệu của cơ quan, đơn vị..., kèm theo giấy chứng minh nhân dân của người đến khắc con dấu.

- Đối với các loại dấu tiêu đề như khắc dấu chữ "khẩn, hoả tốc, ký thay...) dấu chức danh, nhận ấn, khắc chữ, phù hiệu v.v...

+ Nếu là cơ quan Nhà nước, tổ chức Đảng, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế... người đến khắc dấu phải có giấy giới thiệu của cơ quan, đơn vị kèm theo giấy chứng minh của người đến khắc.

+ Nếu là dấu của tư nhân phải có giấy chứng minh nhân dân.

b. Phải lập sổ ghi những người đến khắc con dấu và dấu tiêu đề theo mẫu quy định của cơ quan Công an. Sau khi xem xét các loại giấy tờ của khách phải ghi đầy đủ, đúng nội dung các cột mục quy định trong sổ.

c. Khi khắc dấu xong chủ cơ sở phải mang con dấu (của các cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang, dấu của tổ chức Đảng và đoàn thể, tổ chức kinh tế, xã hội)... đã khắc và giấy phép khắc dấu của cơ quan Công an cấp, đến Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Bộ Nội vụ để đăng ký lưu chiểu mẫu dấu. Cơ quan Công an sẽ trả con dấu cho khách và thu lại giấy phép khắc dấu. Các loại dấu tiêu đề trước khi trao dấu cho khách chủ cơ sở phải đóng lưu chiểu mẫu dấu vào sổ ghi những người đến khắc dấu và yêu cầu khách ký nhận vào sổ.

d. Khi phát hiện những trường hợp chưa đầy đủ thủ tục đề khắc dấu thì phải hướng dẫn cho khách làm thủ tục bổ sung, trường hợp nghi vấn, khắc dấu giả phải khéo léo tìm cách kịp thời báo cho Công an sở tại hoặc đơn vị trực tiếp quản lý biết để giải quyết.

c. Phải có phương tiện, biện pháp bảo quản chặt chẽ các thành phẩm (các con dấu đã khắc xong), các phương tiện khắc dấu, sổ đăng ký lưu mẫu dấu. Người phụ trách hoặc chủ cơ sở phải giao cho người có trách nhiệm tin cậy chuyên trách công việc này.

g. Nghiêm cấm mang con dấu ra khỏi địa điểm được phép kinh doanh để khắc và nhận khắc dấu không đúng thủ tục nguyên tắc quy định, hoặc lợi dụng việc làm nghề khắc dấu để hoạt động phi pháp.

3. Nghề in và sao chụp (photocopy).

- Các cơ sở làm nghề in ngoài chấp hành các quy định trong "quy chế tổ chức quản lý và hoạt động của ngành in" ban hành theo Quyết định số 1079-VHTT ngày 21-8-1992 của Bộ Văn hoá Thông tin, trong quá trình hoạt động còn phải chấp hành các quy định an ninh trật tự sau đây:

- Có "sổ nhận ghi ấn phẩm" theo mẫu quy định của Bộ Nội vụ. Mọi trường hợp đặt in ấn phẩm đều phải ghi đầy đủ theo đúng nội dung các cột mục quy định trong sổ.

- Khi phát hiện người đến hợp đồng in ấn phẩm chưa đầy đủ thủ tục quy định của Bộ Văn hoá thông tin thì không được nhận in và phải hướng dẫn khách làm bổ sung thủ tục, trường hợp khách đặt in sao chép các loại sách, tài liệu cấm phải khéo léo tìm cách kịp thời báo cho cơ quan Công an sở tại hoặc đơn vị trực tiếp quản lý biết để giải quyết.

- Phải có phương tiện phòng cháy, chữa cháy, có phương án bảo vệ an ninh trật tự trong cơ sở và khu vực xung quanh cơ sở.

- Khi có sự thay đổi về: Người phụ trách hoặc chủ cơ sở, người làm trong cơ sở, thay đổi phương tiện, phương pháp in, địa điểm kinh doanh sản xuất hoặc ngừng hoạt động thì người phụ trách hoặc chủ cơ sở phải báo cho cơ quan Công an trực tiếp quản lý biết.

- Người phụ trách, chủ cơ sở in có trách nhiệm quản lý chặt chẽ máy móc, phương tiện, nguyên liệu phục vụ in ấn quản lý thành phẩm trong cơ sở, báo ngay cho cơ quan Công an những vụ việc về an ninh trật tự xảy ra trong cơ sở.

4. Nghề sản xuất, sữa chữa súng săn, sản xuất đạn súng săn, cho thuê súng săn.

- Các cơ sở làm nghề sản xuất, sửa chữa súng săn, sản xuất và bán đạn súng săn, cho thuê súng săn khi hoạt động phải chấp hành các quy định sau đây:

- Có sổ ghi những người đặt chế tạo sửa chữa súng săn, những người đặt sản xuất đạn và mua đạn súng săn, những người thuê súng săn (theo mẫu quy định của Bộ Nội vụ).

Việc ghi chép phải đầy đủ, đúng theo các cột mục và nội dung quy định trong sổ.

- Mỗi tháng một lần báo cáo cơ quan Công an quản lý trực tiếp về tình hình an ninh trật tự trong cơ sở, báo cáo nguồn nguyên liệu, số lượng súng săn, đạn súng săn đã sản xuất, sửa chữa.

- Không được nhận sửa chữa các loại súng quân dụng, súng thể thao quốc phòng thành súng săn hoặc dùng những bộ phận thiết yếu của súng quân dụng, thể thao quốc phòng để chế tạo súng săn. Không được lấy thuốc bom, đạn, mìn, lựu đạn... để làm đạn súng săn, sản xuất theo đúng công thức cho từng loại đạn súng săn, đảm bảo an toàn khi sử dụng.

- Có trách nhiệm phát hiện, báo cáo cho cơ quan Công an các trường hợp nghi vấn tàng trữ sử dụng, buôn bán trái phép vũ khí, vật liệu nổ, súng săn và đạn súng săn.

- Chỉ cho thuê súng săn đối với những người đang có giấy phép sử dụng súng săn hoặc đang tham gia chương trình du lịch săn bắn.

- Phải có nơi cất giữ nguyên vật liệu và thành phẩm, đảm bảo không để xảy ra mất mát hoặc bị lợi dụng hoạt động phi pháp, có phương án, phương tiện phòng chống cháy, nổ và tai nạn, đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất, sửa chữa.

- Chủ cơ sở phải báo cáo kịp thời với cơ quan Công an trực tiếp quản lý những vụ việc hiện tượng về an ninh trật tự xảy ra trong cơ sở và có trách nhiệm hợp tác với cơ quan Công an giải quyết xử lý.

- Mỗi khi có khách đến đặt sản xuất, sửa chữa súng săn, mua đạn súng săn, thuê súng săn thì chủ cơ sở phải yêu cầu xuất trình giấy chứng minh nhân dân và giấy phép sử dụng súng săn.

- Người nước ngoài đến Việt Nam tham gia chương trình du lịch săn bắn quốc tế muốn thuê súng săn thì cơ quan du lịch Việt Nam có trách nhiệm liên hệ với (Tổng Cục cảnh sát nhân dân Bộ Nội vụ) để giải quyết.

- Trường hợp người nước ngoài đến Việt Nam công tác, học tập muốn thuê súng săn để giải trí thì cơ quan chủ quản của Việt Nam có quan hệ với người nước ngoài có trách nhiệm liên hệ với Bộ Nội vụ (Cục C13 - Tổng cục) để xem xét giải quyết.

- Chủ cơ sở cho thuê súng săn phải làm thủ tục đăng ký xin cấp giấy phép sử dụng của từng khẩu súng và phải:

+ Hướng dẫn cho người thuê súng săn về quy định bảo quản, sử dụng; về nội quy, quy chế của khu vực được phép săn bắn (người thuê súng có ký xác nhận đã được hướng dẫn).

+ Lập phiếu theo dõi việc cho thuê súng săn theo mẫu hướng dẫn của cơ quan Công an.

5. Nghề có sử dụng đến chất nổ, chất độc mạnh, chất phóng xạ.

a. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng đến chất nổ, chất độc mạnh, chất phóng xạ phải lập sổ theo dõi việc quản lý, giao nhận, mua bán chất... theo mẫu quy định phải ghi chép đầy đủ đúng theo các cột mục và nội dung trong sổ.

b. Đối với chất nổ:

- Kho chứa chất nổ phải được duyệt về địa điểm và thiết kế an toàn phòng cháy, chữa cháy đặt ra khu vực sản xuất, đông dân cư và phải có phương tiện, biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối.

- Trong kinh doanh phải đảm bảo an toàn, thực hiện đúng quy trình thao tác không để sự cố cháy, nổ xảy ra, gây thiệt hại đến người và tài sản.

- Không được để các chất dễ cháy, nỗ lẫn với chất gây cháy, nổ trong cùng một kho.

- Không được để mất mát, thất thoát vật liệu nổ, hoặc bán vật liệu nổ cho những người không được phép sử dụng.

- Khi huỷ chất nổ phải thành lập Hội đồng huỷ theo quy định.

c. Đối với hoá chất độc mạnh phải có kho chứa hoặc phương tiện bảo đảm an toàn; phải đặt ra khu vực sản xuất, khu đông dân cư, nếu gần sông phải đặt dưới khu dân cư, cuối nguồn nước, cuối nguồn gió và phải có phương tiện, biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối theo điều kiện và đúng tiêu chuẩn Nhà nước quy định.

- Không được để các hoá chất độc mạnh lẫn với hoá chất thường dùng, các hoá chất có tính đối nhau hoặc phương pháp cứu chữa có sự cố xảy ra hoàn toàn khác nhau.

- Trong sản xuất, sử dụng phải đúng quy định, quy trình đảm bảm an toàn lao động, đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường cho người sản xuất, sử dụng và khu vực xung quanh.

Khi huỷ hoá chấu độc, mạnh phải thành lập Hội đồng huỷ quy định.

d. Đối với chất phóng xạ:

- Kho chứa chất phóng xạ phải được thiết kế xây dựng bằng các vật liệu hạn chế được các dòng phóng xạ, không gây nguy hiểm cho khu vực xung quanh và với người làm việc tiếp xúc thường xuyên.

- Việc sản xuất, sử dụng phải được xét duyệt cấp giấy phép theo quy định.

- Các chất phóng xạ không được xếp cùng với các chất dễ cháy, nổ, ô xy hoá hoặc ăn mòn.

- Khi phát hiện mất mát, tiêu hao, dò dỉ chất phóng xạ phải báo ngay cho ban kỹ thuật nhân và an toàn phóng xạ và cơ quan công an để tiến hành điều tra.

- Khi thanh lý, huỷ chất phóng xạ phải thành lập Hội đồng theo quy định và chỉ được chôn ở nơi do cơ quan chức năng có thẩm quyền đồng ý.

d. Các cơ sở làm nghề có sử dụng đến chất nổ, chất độc mạnh, chất phóng xạ, phải có bảng chỉ dẫn biện pháp ngăn ngừa và khắc phục sự cố để mọi người tuân theo; những người làm việc trong các cơ sở này bắt buộc phải có hiểu biết nhất định hoặc có chứng chỉ chuyên môn bảo đảm và nghiêm chỉnh chấp hành các quy tắc bảo vệ lao động, kỹ thuật an toàn phòng cháy chữa cháy, vệ sinh sản xuất.

g. Khi giao nhận chất nổ (kể cả pháo, thuốc pháo), chất độc mạnh, chất phóng xạ phải có thủ tục; phiếu xuất nhập kho phải có đủ chữ ký, đóng dẫu quy định; phải ghi đầy đủ các cột mục trong sổ xuất nhập khác theo mẫu ĐD1CA, ĐD1CB.

h. Trong vận chuyển chất nổ, chất độc mạnh, chất phóng xạ... các cơ sở phải thực hiện:

- Có giấy phép vận chuyển và đầy đủ các giấy tờ hợp lệ khác, bao gói chắc chắn theo từng chủng loại; phương tiện vận tải phải đảm đảm an toàn; nhân viên áp tải phải hiểu biết tính chất hoá lý của chất nổ, biện pháp đề phòng và xử lý khi có sự cố xảy ra; phải có biển báo của phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PC 23) hoặc của Bộ Nội vụ (C23).

6. Nghề giải phẫu thẩm mỹ thay đổi nhân dạng đặc điểm con người.

- Người phụ trách hoặc chủ cơ sở giải phẫu thẩm mỹ phải có sổ ghi theo dõi người đến làm giải phẫu thẩm mỹ và có trách nhiệm yêu cầu khách hàng xuất trình giấy chứng minh nhân dân để ghi đầy đủ vào các cột mục trong sổ theo đúng sự hướng dẫn của cơ quan Công an và ghi vào phiếu giải phẫu thẩm mỹ.

- Đối với khách hàng giải phẫu thẩm mỹ làm thay đổi đặc điểm và nhân dạng trên mặt sau khi giải phẫu xong cho khách, chủ cơ sở phải ghi kết quả vào sổ và phiếu đồng thời chụp 1 kiểu ảnh cho khách trước khi rời cơ sở (chụp theo kiểu ảnh làm chứng minh nhân dân) để dán vào phiếu giải phẫu thẩm mỹ và sổ theo dõi.

- Hàng tuần, chủ cơ sở phải trình sổ ghi người đến giải phẫu thẩm mỹ và nộp phiếu giải phẫu thẩm mỹ tại cơ quan Công an trực tiếp quản lý. Trường hợp chủ cơ sở phát hiện có nghi vấn phải báo ngay cho cơ quan Công an xem xét giải quyết.

 

HỒ SƠ XIN LÀM
NGHỀ KINH DOANH ĐẶC BIỆT
(Các loại giấy tờ kê khai để xem xét cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự)

Họ và tên:....................................

Nơi ĐKHK thường trú...........................

Nghề xin kinh doanh...........................

Địa điểm kinh doanh...........................

 

BỘ NỘI VỤ

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số.../Gcnđd

 

 

GIẤY CHỨNG

NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN VỀ ANTT ĐỂ LÀM NGHỀ KINH DOANH ĐẶC BIỆT
(có giá trị đến hết ngày ... tháng ... năm ...)

Căn cứ Điều 5 Nghị định số 17-CP ngày 23-12-1992 của Chính phủ về việc quản lý các nghề kinh doanh đặc biệt.
Xét hồ sơ xin phép làm nghề kinh doanh đặc biệt

Của Ông, (Bà):...................................................

Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú...................................

Là:..............................................................

Công an:.........................................................

Chứng nhận...................................................................có đủ điều kiện về ANTT để làm nghề.................................................

... ngày...tháng...năm...

MẪU DD3A

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

BẢN KHAI LÝ LỊCH

XIN LÀM NGHỀ KINH DOANH ĐẶC BIỆT
(Dùng cho chủ cơ sở kinh doanh)

1. Họ và tên ......... Bí danh...............................

2. Ngày, tháng, năm sinh......

3. Nam, nữ ............

4. Nguyên quán...................................................

5. Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú................................

6. Nơi đăng ký hộ khẩu tạm trú...................................

7. Dân tộc ........ Tôn giáo .... Quốc tịch .....................

8. Trình độ chính trị (Đảng viên hay đoàn viên TNCSHCM) .........

9. Trình độ văn hoá..............................................

10. Trình độ ngoại ngữ...........................................

11. Nghề nghiệp và nơi làm việc..................................

12. Trình độ chuyên môn kỹ thuật (Bằng cấp, giấy chứng nhận .....

13. Giữ chức vụ gì trong cơ sở kinh doanh .......................

14. Số giấy CMND...... Ngày và nơi cấp...........................

I. QUAN HỆ VÀ HOÀN CẢNH GIA ĐÌNH

1. Quan hệ gia đình (gồm cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con, anh chị em ruột)

Số

Họ và tên

Quan hệ với

Năm sinh

Nghề nghiệp và

Nơi đăng ký hộ

TT

 

người khai

Nam

Nữ

nơi làm việc

khẩu thường trú

1

2

3

4

5

6

7

 

 

 

 

 

 

 

2. Hoàn cảnh gia đình: Ghi tóm tắt tình hình đời sống, thu nhập của gia đình

.............

.............

II. TÓM TẮT QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA BẢN THÂN

1. Thời gian, nghề nghiệp, chức vụ và nơi làm việc (khai rõ những việc làm trong chế độ cũ và thời kỳ tham gia cách mạng)

...........

2. Tiền án, tiền sự (Nếu có) (Ghi rõ lý do, hình thức, thời gian, tội danh bị xử lý).

..........

Tôi xin cam đoan những lời khai trên đây là đúng sự thật, nếu sai xin chịu trách nhiệm trước pháp luật.

..... Ngày .... tháng.... năm ....

Người khai ký tên

Chứng nhận của thủ trưởng cơ quan,

đơn vị hoặc UBND phường xã nơi

ĐKHK thường trú

(Ký tên, đóng dấu)