Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 648/QĐ-UBND | Bình Định, ngày 26 tháng 11 năm 2012 |
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 1217/QĐ-TTg ngày 06/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012 - 2015;
Xét đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh tại Tờ trình số 1374/TTr-CAT-PV11 ngày 20/11/2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012 - 2015 trên địa bàn tỉnh.
Điều 2. Giao Giám đốc Công an tỉnh chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này. Báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM GIAI ĐOẠN 2012 - 2015 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 648/QĐ-UBND ngày 26/11/2012 của UBND tỉnh)
Thực hiện Quyết định số 1217/QĐ-TTg ngày 06/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012 - 2015; Công văn số 3279/BCA-C41 ngày 09/10/2012 của Bộ Công an về việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012 - 2015, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, với những nội dung như sau:
1. Nâng cao chất lượng, hiệu quả điều tra, khám phá, xử lý tội phạm, nhất là các loại tội phạm nguy hiểm gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Phấn đấu hàng năm đạt tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án trên 70%; các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90%.
2. Kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm có tổ chức; tội phạm xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài; tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm về ma túy, tội phạm về môi trường. Không để hình thành các băng, nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu "xã hội đen"... Từng bước kiềm chế và hàng năm làm giảm các loại tội phạm nghiêm trọng, tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm do người chưa thành niên gây ra.
3. Năm 2012, 2013 và những năm tiếp theo tập trung nguồn lực, nhân lực chủ động phòng ngừa và đấu tranh làm giảm các loại tội phạm đang nổi lên, diễn biến phức tạp như giết người do mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, cướp, cướp giật, cưỡng đoạt tài sản, đòi nợ thuê, cố ý gây thương tích, mua bán người, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm tham nhũng, chống người thi hành công vụ...
4. Chủ động phòng ngừa, điều tra, xử lý các loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm; phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ án kinh tế, không để thất thoát tài sản lớn. Hạn chế phát sinh đối tượng truy nã mới, hàng năm truy bắt, vận động trên 50% số đối tượng truy nã. Tập trung chuyển hóa địa bàn trọng điểm về an ninh, trật tự, đến năm 2015 giải quyết cơ bản những tụ điểm phức tạp về tội phạm hình sự.
5. Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nhằm huy động sự tham gia tích cực của toàn dân trong công tác phòng, chống tội phạm. Hàng năm, giảm từ 2% đến 3% tỷ lệ tái phạm tội trong số phạm nhân được đặc xá, mãn hạn tù; ít nhất 60% số đối tượng vi phạm pháp luật hình sự, người được đặc xá tha tù, được bảo lãnh, giúp đỡ, cảm hóa, giáo dục tiến bộ tại cộng đồng dân cư. Xã hội hóa công tác đào tạo dạy nghề cho phạm nhân, phấn đấu đến năm 2015, có 100% phạm nhân trong độ tuổi lao động, đảm bảo các tiêu chí được dạy nghề trong trại tạm giam
6. Tăng cường công tác thu thập, trao đổi thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình khởi tố, bắt giữ, xử lý tội phạm giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật phục vụ công tác chỉ huy, chỉ đạo phòng ngừa, điều tra, xử lý tội phạm. Tổ chức kiện toàn bộ phận làm nhiệm vụ thường trực thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp; đảm bảo thống kê tội phạm chính xác, đầy đủ, tập trung, thống nhất.
1. Tăng cường sự lãnh đạo của các Cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm
- Tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tội phạm, nhất là thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 09/CP, Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm, Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; lồng ghép triển khai thực hiện các Chương trình, Chiến lược Quốc gia có liên quan.
- Tập trung chỉ đạo đấu tranh phòng, chống tội phạm thông qua các chương trình, mục tiêu, giải pháp cụ thể đảm bảo phù hợp với từng đặc điểm, tình hình của cơ quan đơn vị và chính quyền địa phương; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi theo hướng giảm số vụ, số đối tượng và giảm thiệt hại về người và tài sản… Thường xuyên theo dõi, đôn đốc và tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống tội phạm.
- Quy định trách nhiệm của các Cấp ủy đảng, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, trường học, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống tội phạm: Cơ quan, đơn vị, địa phương nào để tội phạm tăng, nhất là tội phạm lứa tuổi vị thành niên gia tăng thì phải kiểm điểm trách nhiệm của cấp ủy, lãnh đạo cơ quan đơn vị địa phương đó.
2. Triển khai đồng bộ, có hiệu quả công tác tuyên tuyển về phòng, chống tội phạm
- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng vùng miền, từng đối tượng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo và các đối tượng có nguy cơ cao dễ bị kích động, dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc vào con đường phạm tội; kết hợp tuyên truyền giữa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tội phạm với hệ lụy do tội phạm gây ra đến từng người dân, từng hộ gia đình.
- Chú trọng xây dựng, phổ biến và nhân rộng những cách làm hay, những kinh nghiệm trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm từ những mô hình, điển hình tiên tiến đã hoạt động có hiệu quả thiết thực; tiếp tục nhân rộng mô hình "Xây dựng xã, phường, thị trấn không có tội phạm và tệ nạn xã hội", gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, "Quản lý giáo dục con em trong gia đình không phạm tội, tệ nạn xã hội"; đẩy mạnh phong trào "Toàn dân bảo vệ ANTQ để quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành và phát hiện, tố giác, tham gia cùng với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm.
- Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, chính quyền địa phương trong công tác quản lý, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, triệt xóa các băng, nhóm tội phạm có mạnh nha hình thành trên địa bàn; đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa không để xảy ra tình trạng dụ dỗ, lôi kéo học sinh, sinh viên, thanh - thiếu niên vi phạm pháp luật, nhất là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, trung du, vùng biển...
- Xây dựng, củng cố, mở rộng và nâng cao năng lực, trình độ, kiến thức cho mạng lưới báo cáo viên cấp tỉnh, huyện, tuyên truyền viên, cộng tác viên thông qua tổ chức các khóa tập huấn, hội thảo, tọa đàm để chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội tại địa phương và nâng cao nhận thức của người dân tại cộng đồng.
3. Củng cố lực lượng và tăng cường phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm
- Đẩy mạnh công tác phòng ngừa nghiệp vụ, phòng ngừa xã hội, hạn chế các nguyên nhân, điều kiện về xã hội làm phát sinh, phát triển tội phạm và tệ nạn xã hội; có phương án, kế hoạch tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin, tăng cường điều tra, bắt giữ, xử lý các vụ án đã xảy ra nhằm nâng cao tỷ lệ điều tra, khám phá án; chấn chỉnh và thực hiện nghiêm túc công tác thống kê tội phạm, thống kê hình sự ở các đơn vị địa phương; phối hợp các ngành tố tụng đưa các vụ án điểm ra xét xử công khai, đúng pháp luật.
- Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các tuyến, địa bàn, khu vực tiềm ẩn phức tạp về an ninh, trật tự; qua đó, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Thực hiện tốt quy định về phân cấp địa bàn quản lý các đối tượng, tuyến, địa bàn trên cơ sở rà soát lên danh sách, đưa vào diện quản lý, theo dõi chặt chẽ di biến động của tất cả những đối tượng có biểu hiện nghi vấn phạm tội.
- Tiếp tục củng cố lực lượng chuyên trách về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đủ mạnh về số và lượng, trang bị đầy đủ các trang thiết bị kỹ thuật và công cụ hỗ trợ; đảm bảo chế độ chính sách để lực lượng này hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thực hiện tốt quy chế, kế hoạch phối hợp giữa các lực lượng Công an, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Hải quan… trong đấu tranh phòng, chống tội phạm tại địa bàn biên giới, cửa khẩu, đặc biệt là trong phòng, chống tội phạm buôn bán người, buôn lậu gian lận thương mại; phòng chống, kiểm soát ma túy qua biên giới, trên biển và tại các cửa khẩu.
4. Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội: Tiếp tục vận động, huy động các nguồn lực và sáng kiến của cộng đồng tham gia tích cực vào nhiệm vụ phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là đối với tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp, băng nhóm thanh - thiếu niên đánh nhau gây thương tích, đánh bạc, mại dâm trá hình…. trong xã hội hiện nay.
5. Triển khai thực hiện có hiệu quả 6 Dự án của Chương trình
a. Dự án 1 về "Đầu tư trang bị phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ, thiết bị nghiệp vụ phục vụ công tác, chiến đấu của Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp”. Nhiệm vụ thực hiện: Trang bị vũ khí và các loại công cụ hỗ trợ chuyên dụng cho lực lượng Cảnh sát điều tra từ Công an tỉnh đến Công an cấp huyện. Đầu tư đảm bảo các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ chuyên dụng; các trang thiết bị về thông tin liên lạc, cơ yếu, tin học văn phòng; trang bị các phương tiện giao thông chuyên dụng phục vụ yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm của lực lượng Cảnh sát điều tra.
b. Dự án 2 về "Tăng cường năng lực phòng, chống tội phạm về môi trường”. Nhiệm vụ thực hiện: Trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đặc thù có tính năng phù hợp với hoạt động của lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường. Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ và kiến thức chuyên môn cho cán bộ làm công tác kiểm định về môi trường thuộc lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường.
c. Dự án 3 về "Phòng, chống các loại tội phạm công nghệ cao”. Nhiệm vụ thực hiện: Trang bị các phương tiện kỹ thuật chuyên dụng phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Nâng cao năng lực khai thác, sử dụng thiết bị chuyên dụng để thu thập, phục hồi dữ liệu, chứng cứ điện tử như các khóa học về Foundtone; các khóa học thu thập, phục hồi dữ liệu của Encase, FTK...Đào tạo kiến thức chuyên sâu về hệ thống, an ninh, an toàn mạng, bảo mật như các khóa đào tạo về CCNA, CCNP, CCSP, Sun, MCSA, chuyên gia quản trị hệ thống Linux I, II; chuyên gia quản trị CSDL Oracle...
d. Dự án 4 về "Xây dựng Trung tâm thông tin về tội phạm tỉnh”. Nhiệm vụ thực hiện: Nâng cấp phần cứng, xây dựng phần mềm VAFIS hệ thống nhận dạng vân tay tự động xác định nhân thân, lai lịch của người phạm tội phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội. Nâng công suất lưu trữ điện tử hóa quản lý lý lịch và vân tay từ 2,5 triệu đối tượng lên 10 triệu đối tượng. Đầu tư hệ thống công nghệ nhận dạng ảnh mặt. Trang bị phương tiện chuyên dùng sao chụp tài liệu bảo quản tư liệu băng đĩa từ. Xây dựng cơ sở dự phòng của Trung tâm thông tin chỉ huy về tội phạm.
e. Dự án 5 về "Tăng cường năng lực dạy nghề cho phạm nhân trong các trại giam”. Nhiệm vụ thực hiện: Đầu tư kinh phí, trang thiết bị và các điều kiện khác phục vụ việc dạy nghề cho phạm nhân đang cải tạo tại phân trại cải tạo phạm nhân thuộc Trại tạm giam Công an tỉnh. Hàng năm đào tạo nghề cho phạm nhân theo chương trình dạy nghề ngắn hạn phù hợp với nhu cầu xã hội gồm: Xây dựng dân dụng; mộc dân dụng; gò, hàn; sửa chữa động cơ xe máy, ô tô; điện dân dụng, điện tử, sửa chữa công nghiệp; dệt len, chiếu; may công nghiệp và thủ công; tin học văn phòng.
f. Dự án 6 về "Tăng cường công tác giáo dục, truyền thống và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình”. Nhiệm vụ thực hiện: Tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng, kết hợp vận động trực tiếp của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, hướng trọng tâm thực hiện ở cơ sở và khu dân cư. Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và các phong trào thi đua yêu nước. Thực hiện tốt công tác cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư. Chỉ đạo điểm, xây dựng mô hình và nhân rộng các mô hình quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm; định kỳ sơ kết, tổng kết và làm tốt việc biểu dương, khen thưởng và chuyển hóa dần các địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự. Hàng năm, tổ chức các đợt phát động cao điểm về phòng, chống tội phạm ma túy nhân ngày “Toàn dân phòng, chống ma túy (26/6)”, “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” (19/8), “Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư” (18/1l). Kiện toàn thành viên tham gia Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm các cấp. Xây dựng hệ thống chỉ số đánh giá, giám sát việc thực hiện Chương trình và công tác phòng, chống tội phạm; bộ tiêu chí và định mức phân bổ kinh phí thực hiện Dự án 6 của Chương trình. Tăng cường xuất bản các ấn phẩm, tài liệu hướng dẫn, tuyên truyền phòng, chống tội phạm.
1. Công an tỉnh: Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, hội đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện các Dự án 1, 2, 3, 4, 5 và thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan chức năng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, về phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ An ninh Tổ quốc, phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội nhằm nâng cao trách nhiệm, nhận thức cho cán bộ, viên chức và quần chúng nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh.
- Tham mưu UBND tỉnh chủ động xây dựng, triển khai các phương án, kế hoạch đảm bảo an ninh, trật tự những ngày lễ lớn, những sự kiện trọng đại trong giai đoạn 2012 - 2015 và thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm, triệt xóa các tụ điểm tệ nạn xã hội. Nắm chắc tình hình tội phạm, nâng cao chất lượng dự báo để tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, không để xảy ra đột biến, bất ngờ. Định kỳ, thông báo tình hình, kết quả thực hiện Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm cho các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh để kiến nghị, chấn chỉnh nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm.
Chú trọng công tác nắm tình hình để phát hiện, điều tra, xử lý kịp thời, kiên quyết và triệt để có hiệu quả các hoạt động của tội phạm, nhất là không để hình thành nhiều băng, nhóm tội phạm hoạt động lưu động, có tính chất "xã hội đen", "đòi nợ thuê", "bảo kê"… trên địa bàn tỉnh. Tập trung đánh trúng, đánh mạnh và ngăn chặn kịp thời các đối tượng có dấu hiệu phạm tội từ địa phương khác đến tỉnh có biểu hiện hoạt động tội phạm. Thực hiện tốt vai trò thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh; đồng thời, thường xuyên tuyên truyền quản lý giáo dục cán bộ, chiến sỹ đơn vị nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tham gia vào hoạt động của tội phạm và tệ nạn xã hội.
Phối hợp các cơ quan, đơn vị, tổ chức và UBND các xã, phường, thị trấn thường xuyên rà soát, nắm được danh sách số thanh - thiếu niên, học sinh có biểu hiện, ý định phạm tội để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời việc phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật; phối hợp với chính quyền, các cấp, các ngành ở địa phương áp dụng các biện pháp quản lý, giáo dục chặt chẽ các đối tượng này, phòng ngừa ngăn chặn các hành vi phạm tội xảy ra.
- Hàng năm lập dự trù kinh phí phục vụ cho hoạt động phòng, chống tội phạm, thông qua Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt.
2. Đề nghị Ủy ban Mặt dân Tổ quốc Việt Nam tỉnh: Phối hợp Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tư pháp, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các tổ chức chính trị - xã hội và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện Dự án 6 và các lĩnh vực công tác chuyên môn của đơn vị.
3. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan chỉ đạo hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng đóng địa bàn tỉnh tăng cường nâng cao hiệu quả, đổi mới nội dung, hình thức và giải pháp trong thông tin, tuyên truyền, giáo dục về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và tình hình, thủ đoạn, hậu quả tác hại do tội phạm, tệ nạn xã hội gây ra để nâng cao nhận thức và khả năng phòng, chống tội phạm cho toàn xã hội, nhất là đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng.
- Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra các hoạt động thông tin, báo chí, xuất bản, thông tin Intenet tiềm ẩn liên quan đến tội phạm để kịp thời xử lý nghiêm các hành vi trái quy định của pháp luật, không đảm bảo yêu cầu chính. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nhằm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời định hướng công luận trong hoạt động báo chí đảm bảo thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, phản ánh trung thực các nhiệm vụ của đất nước, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chịu trách nhiệm chính trong công tác tuyên truyền, vận động đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh.
4. Sở Giáo dục - Đào tạo
- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và bài trừ tệ nạn xã hội trong nhà trường; lồng ghép giáo dục pháp luật vào nội dung Chương trình giáo dục - đào tạo phù hợp với cấp học và trình độ đào tạo, thực hiện hiệu quả phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực"; chú trọng rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho học sinh trong nhà trường. Phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, tập huấn cho đội ngũ giáo viên, học sinh, sinh viên về tính chất, ý nghĩa và tầm quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh
- Tăng cường tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, lối sống lành mạnh, về phòng, chống tội phạm, ngăn chặn bạo lực trong lứa tuổi học đường cho học sinh, sinh viên, giáo viên; chủ động thông báo và phối hợp với gia đình, công an và chính quyền địa phương trong công tác quản lý, ngăn chặn học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động phạm tội và tệ nạn xã hội, nhất là số học sinh, sinh viên có biểu hiện học tập sa sút, yếu kém, chán học, bỏ học, tụ tập thành các nhóm đánh nhau, gây thương tích, gây rối trật tự công cộng và tham gia vào hoạt động tội phạm, tệ nạn xã hội để có biện pháp quản lý, giáo dục kịp thời. Xây dựng quy định về công tác phòng, chống tội phạm và giữ gìn an ninh trật tự, kỷ cương trong các trường học.
- Định kỳ tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh. Tổ chức giao ban nắm tình hình, tập huấn cho đội ngũ cán bộ ngành giáo dục; lồng ghép việc thực hiện Nghị quyết số 09/CP và Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm với các Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống khác trong nhà trường. Có kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10/BGDĐT-BCA của Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Công an về công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong trường học.
5. Sở Tư pháp: Phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm; đồng thời theo dõi, hướng dẫn công tác giám định tư pháp; hướng dẫn cụ thể về nội dung cho các ngành làm công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; củng cố các tổ chức hòa giải ở cơ sở không để xảy ra tình hình phức tạp về an ninh, trật tự; rà soát, kiểm tra các văn bản pháp luật và các tổ chức hoạt động trợ giúp pháp lý, qua đó kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản pháp luật không phù hợp nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản pháp luật.
6. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp Công an tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, ban hành cơ chế quản lý, sử dụng và thanh - quyết toán kinh phí của Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012 - 2015 khi Bộ Tài chính có kế hoạch phân bổ quản lý, sử dụng nguồn kinh phí phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn tỉnh; đề xuất UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí thực hiện Chương trình từ nguồn ngân sách chi thường xuyên của tỉnh; phối hợp Công an tỉnh tổng hợp phương án phân bổ kinh phí, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để giao dự toán kinh phí hàng năm cho các sở, ngành và chính quyền địa phương đảm bảo thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012 - 2015.
7. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính cân đối, bố trí nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012 - 2015 theo cơ chế tài chính phù hợp cho các đơn vị, địa phương để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Chương trình này; xây dựng kế hoạch và thực hiện các giải pháp huy động nguồn vốn cho công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan, đơn vị, địa phương được phân bổ ngân sách trong nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn cho công tác phòng, chống tội phạm theo các Dự án của Chương trình.
8. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Chỉ đạo các đơn vị theo ngạch quản lý tăng cường đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm theo địa bàn quản lý; tổ chức tuần tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ các địa bàn trọng điểm ở khu vực biên giới biển, khu vục đóng quân theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng; ngăn ngừa có hiệu quả tội phạm xảy ra trên địa bàn tuyến biển. Phối hợp với Công an tỉnh thực hiện công tác điều tra xử lý các vụ án mà lực lượng Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy quân sự phát hiện, bắt giữ góp phần kiềm chế tình hình tội phạm và tệ nạn trên địa bàn tỉnh.
9. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh
- Phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra theo ngành dọc, trọng tâm là cấp huyện nhằm đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được thực hiện đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát tuân theo pháp luật không để oan sai, sót lọt tội phạm, nhất là tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc tiếp nhận, xử lý tin báo. tố giác tội phạm, căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đảm bảo tính nghiêm khắc của pháp luật phục vụ tích cực công tác phòng ngừa tội phạm nói chung. Thực hiện có hiệu quả công tác thống kê tội phạm, thống kê hình sự phục vụ cho công tác nghiên cứu, dự báo tình hình, đề ra chủ trương, chính sách trong công tác phòng, chống tội phạm.
- Tăng cường tổ chức xét xử lưu động, xét xử điểm các vụ án tại một số địa bàn trọng điểm, phức tạp nhằm tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân, đồng thời răn đe, giáo dục chung để nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm; kiến nghị và khắc phục ngay những hơ hở, yếu kém trong công tác điều tra, truy tố, xét xử không để bọn tội phạm lợi dung hoạt động phạm tội.
10. UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Chỉ đạo các ban, ngành và UBND các xã, phường, thị trấn chủ động trong công tác phòng ngừa tội phạm từ cơ sở. Chú trọng giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong nội bộ nhân dân, không để trở thành “điểm nóng”về an ninh, trật tự.
- Lựa chọn địa bàn, khu dân cư, đặc biệt là các khu vực, khu dân cư phức tạp về an ninh, trật tự để thực hiện công tác tuyên truyền, chú ý các đối tượng thanh - thiếu niên hư, các đối tượng thường xuyên trộm cắp, đánh nhau, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng…; đồng thời giúp đỡ số thanh - thiếu niên hư, chậm tiến có công ăn, việc làm ổn định, có ích cho xã hội.
- Kiên quyết đưa các đối tượng không tiến bộ vào diện quản lý theo Nghị định số 163/CP và lập hồ sơ đưa đối tượng vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng để quản lý, giáo dục.
IV. DỰ TOÁN KINH PHÍ NĂM 2013 VÀ KẾ HOẠCH GIAI ĐOẠN 2013 - 2015
1. Dự đoán kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2013 - 2015 từ nguồn ngân sách Trung ương (nguồn vốn sự nghiệp)
a. Năm 2013: 1.500.000.000 đ (Một tỷ năm trăm triệu đồng)
- Giám sát đánh giá thực hiện Chương trình: 300.000.000đ
- Tăng cường giáo dục, tuyên truyền: 1.200.000.000đ
b. Năm 2014: 2.000.000.000 đ (Hai tỷ đồng)
- Giám sát đánh giá thực hiện Chương trình: 500.000.000đ
- Tăng cường giáo dục, tuyên truyền: 1.500.000.000đ
c. Năm 2015: 2.500.000.000 đ (Hai tỷ năm trăm triệu đồng)
Giám sát đánh giá thực hiện Chương trình: 700.000.000đ
Tăng cường giáo dục, tuyên truyền: 1.800.000.000đ
2. Dự đoán kinh phí giai đoạn 2013 - 2015 từ nguồn kinh phí địa phương: Giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư lập dự toán cụ thể từng năm theo nhiệm vụ được giao, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
1. Căn cứ nội dung Kế hoạch này và thực tiễn tình hình địa phương, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng Kế hoạch cụ thể, tổ chức thực hiện nghiêm túc. Định kỳ báo cáo kết quả về UBND tỉnh (thông qua Công an tỉnh, địa chỉ: 01A Trần Phú, TP Quy Nhơn) để tập hợp báo cáo theo quy định.
2. Giao Công an tỉnh phối hợp các sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị liên quan triển khai thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Kế hoạch này. Định kỳ tập hợp báo cáo theo đúng quy định.
Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch này; thực hiện chế độ báo cáo, thống kê theo đúng quy định./.
- 1Quyết định 1450/QĐ-UBND năm 2012 về Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012 - 2015 trên địa bàn tỉnh Yên Bái
- 2Quyết định 1775/QĐ-UBND năm 2012 về Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012 - 2015 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
- 3Kế hoạch 66/KH-UBND thực hiện Nghị quyết 37/2012/QH13 và Chương trình về phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án năm 2013 do thành phố Hà Nội ban hành
- 4Quyết định 233/QĐ-UBND năm 2013 về Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2013 - 2015.
- 5Quyết định 429/QĐ-UBND về giao chỉ tiêu kế hoạch đầu tư phát triển nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2013 do tỉnh Bình Định ban hành
- 6Kế hoạch 120/KH-BCĐ năm 2013 thực hiện Dự án 6 về Tăng cường công tác giáo dục, truyền thông và giám sát đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012 – 2015 do tỉnh Thái Bình ban hành
- 7Kế hoạch 47/KH-UBND năm 2014 thực hiện Nghị quyết 09/1998/NQ-CP và Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 1Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP về việc tăng cường công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới do Chính Phủ ban hành
- 2Thông tư liên tịch 10/2002/TTLT-BGDĐT-BCA về công tác bảo vệ an ninh - trật tự trong trường học và cơ sở giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Công an ban hành
- 3Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 4Nghị định 163/2007/NĐ-CP sửa tên, bổ sung, chuyển, loại bỏ một số chất thuộc danh mục các chất ma tuý và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định 67/2001/NĐ-CP
- 5Chỉ thị 48-CT/TW năm 2010 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 6Quyết định 1217/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 1450/QĐ-UBND năm 2012 về Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012 - 2015 trên địa bàn tỉnh Yên Bái
- 8Quyết định 1775/QĐ-UBND năm 2012 về Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012 - 2015 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
- 9Kế hoạch 66/KH-UBND thực hiện Nghị quyết 37/2012/QH13 và Chương trình về phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án năm 2013 do thành phố Hà Nội ban hành
- 10Quyết định 233/QĐ-UBND năm 2013 về Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2013 - 2015.
- 11Quyết định 429/QĐ-UBND về giao chỉ tiêu kế hoạch đầu tư phát triển nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2013 do tỉnh Bình Định ban hành
- 12Kế hoạch 120/KH-BCĐ năm 2013 thực hiện Dự án 6 về Tăng cường công tác giáo dục, truyền thông và giám sát đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012 – 2015 do tỉnh Thái Bình ban hành
- 13Kế hoạch 47/KH-UBND năm 2014 thực hiện Nghị quyết 09/1998/NQ-CP và Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm trên địa bàn thành phố Hà Nội
Quyết định 648/QĐ-UBND năm 2012 về Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012 - 2015 trên địa bàn tỉnh Bình Định
- Số hiệu: 648/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 26/11/2012
- Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
- Người ký: Lê Hữu Lộc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 26/11/2012
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra