Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 66/KH-UBND

Hà Nội, ngày 18 tháng 04 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 37/2012/QH13 CỦA QUỐC HỘI VÀ CHƯƠNG TRÌNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ PHÒNG, CHỐNG VI PHẠM PHÁP LUẬT VÀ TỘI PHẠM, CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN NĂM 2013

Thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội khóa XIII về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án năm 2013; Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 07/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội khóa XIII, Ủy ban nhân dân Thành phố xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU VÀ MỘT SỐ CHỈ TIÊU CỤ THỂ

1. Mục đích yêu cầu

1.1. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội và Chương trình của Thủ tướng chính phủ về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án năm 2013, trọng tâm là kiềm chế sự gia tăng của vi phạm pháp luật và tội phạm; tiếp tục giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, vi phạm trật tự xây dựng, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, cháy nổ, tai nạn lao động, tệ nạn xã hội và các vi phạm pháp luật khác.

1.2. Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhằm huy động sức mạnh của toàn hệ thống chính trị tích cực tham gia phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án.

1.3. Quá trình thực hiện phải xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp, phân công trách nhiệm cụ thể, cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp... để đảm bảo việc tổ chức, triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ được nghiêm túc, đạt hiệu quả cao nhất.

2. Một số chỉ tiêu cụ thể

2.1. Tỷ lệ xử lý tố giác, tin báo về tội phạm phấn đấu đạt trên 90%; tỷ lệ điều tra, khám phá các loại tội phạm trên 70%, các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng trên 90% trên tổng số án khởi tố. Giảm ít nhất 01% số người tạm giữ hình sự sau đó chuyển xử lý hành chính vì hành vi không cấu thành tội phạm so với năm 2012; không để xảy ra các trường hợp trốn, gây rối, thông cung, đánh nhau, tự thương, tự sát... trong các cơ sở giam giữ.

2.2. Kiểm sát 100% số vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố, kiểm sát chặt chẽ các hoạt động điều tra. Ra quyết định truy tố đúng thời hạn trên 90 % số vụ án hình sự đã có kết luận điều tra đề nghị truy tố; bảo đảm truy tố bị can đúng tội trên 95%; bảo đảm các kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các loại án phải có căn cứ và đúng pháp luật, tỷ lệ các kháng nghị được tòa án chấp nhận trên 70%.

2.3. Không để xảy ra trường hợp kết án oan người không có tội; giảm ít nhất 1% tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan so với năm 2012; chấm dứt tình trạng bản án, quyết định tuyên không rõ ràng gây khó khăn cho công tác thi hành án; tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trên 60 %; cơ bản khắc phục tình trạng đã trả lời không có căn cứ kháng nghị nhưng sau đó lại phải kháng nghị để giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm; bảo đảm ra quyết định thi hành án hình sự đúng thời hạn luật định đối với người bị kết án đạt tỷ lệ 100%.

2.4. Tỷ lệ thi hành án dân sự phấn đấu đạt 88% về việc; trên 77% về tiền trong tổng số án thi hành. Ra quyết định thi hành án đúng thời hạn đối với 100% các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực theo đúng quy định của pháp luật.

2.5. 100% cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện có cán bộ chuyên trách theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn việc thi hành án hình sự ngoài phạt tù, cải tạo không giam giữ, án treo.

II. NỘI DUNG CÔNG TÁC TRỌNG TÂM

1. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới"; Chỉ thị số 21-CT/TW của Bộ Chính trị về "Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới"; các Chương trình quốc gia của Chính phủ về phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng; Chương trình, mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm; Chương trình, mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy-mại dâm-HIV/AIDS; Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người.

2. Triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật gắn với việc xử lý nghiêm vi phạm pháp luật, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong năm 2013. Củng cố, xây dựng và phát triển phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" cả về chiều rộng và chiều sâu, gắn với phòng trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; kiện toàn và phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình tự quản về an ninh, trật tự; xây dựng lực lượng nòng cốt, bán chuyên trách tham gia phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm ở cơ sở... nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.

3. Tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực thi hành nhằm phát hiện những sơ hở, thiếu sót nhằm khắc phục, không để lợi dụng, vi phạm pháp luật.

4. Nâng cao chất lượng công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các loại tội phạm, không để bỏ lọt tội phạm, tập trung vào tội phạm kinh tế, tham nhũng, ma túy, môi trường, sử dụng công nghệ cao, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng... Chủ động phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động điều tra với thanh tra, kiểm toán, kiểm soát, giám định tài chính, kế toán, nâng cao tỷ lệ phát hiện và xử lý nghiêm các vụ án về kinh tế, chức vụ, tham nhũng; tạo điều kiện để luật sư và người bào chữa khác tham gia tố tụng theo đúng quy định của pháp luật. Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong công tác bắt, giam giữ, điều tra; phòng ngừa không để người bị tạm giữ, tạm giam chết do thiếu trách nhiệm trong quản lý giam giữ; thực hiện đạt chỉ tiêu về giảm người tạm giữ hình sự sau đó chuyển xử lý hành chính vì hành vi không cấu thành tội phạm; cơ bản khắc phục tình trạng giam giữ, tạm giam chung các đối tượng trong cùng vụ án, giữa người chưa thành niên với người thành niên phạm tội.

Tổ chức tốt công tác tiếp nhận, xử lý tố giác và tin báo tội phạm, bảo đảm mọi tố giác và tin báo tội phạm của công dân, cơ quan, tổ chức đều được tiếp nhận và xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Tăng cường các biện pháp bảo vệ người tố giác tội phạm; xử lý nghiêm người lợi dụng việc khiếu nại tố cáo để kích động, gây rối ANTT.

5. Triển khai thực hiện các giải pháp chủ động, mang tính đột phá để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, bảo đảm chính xác, đúng pháp luật trong việc xác minh, phân loại án dân sự có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành, kiên quyết không để xảy ra tình trạng án có điều kiện chuyển sang án chưa có điều kiện thi hành, nhất là các vụ việc có giá trị lớn; chú trọng thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự, nhất là những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân.

6. Tập trung thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật thi hành án hình sự; phấn đấu giảm cơ bản số bị kết án phạt tù trốn ngoài xã hội; hạn chế các trường hợp phạm nhân chết do đánh nhau, tự sát, vi phạm pháp luật trong trại giam. Chấm dứt tình trạng để lại số phạm nhân tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ không đúng tỷ lệ và mức án theo quy định của Luật thi hành án hình sự. Chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, tăng cường đào tạo, bố trí cán bộ và các điều kiện cần thiết thực hiện tốt công tác thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc; bảo đảm các trường hợp được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đúng các quy định của pháp luật.

7. Nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực an ninh, trật tự và kinh tế, văn hóa, xã hội. Chủ động phát hiện và khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước là nguyên nhân phát sinh vi phạm pháp luật và tội phạm. Tổ chức thi hành nghiêm túc, có hiệu quả Luật xử lý vi phạm hành chính. Tăng cường các biện pháp nhằm phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật, nhất là xử lý hành vi vi phạm hành chính trên các lĩnh vực giao thông đường bộ, ô nhiễm môi trường, vi phạm trật tự xây dựng, vệ sinh, an toàn thực phẩm, cháy nổ, tai nạn lao động, tệ nạn xã hội... phấn đấu làm giảm tai nạn giao thông và các vi phạm pháp luật khác.

8. Khắc phục tình trạng thiếu cán bộ tư pháp, nhất là ở cấp huyện; phấn đấu đến năm 2015 cơ bản tuyển dụng đủ cán bộ tư pháp bảo đảm chất lượng; thường xuyên tiến hành kiểm tra, thanh tra nội bộ để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các sai phạm, tiêu cực; đổi mới công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, giáo dục chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ tư pháp. Quan tâm, tạo điều kiện về ngân sách đầu tư xây dựng trụ sở và phương tiện làm việc để các cơ quan tư pháp, các lực lượng trực tiếp đấu tranh chống vi phạm pháp luật và tội phạm thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

9. Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm trong khuôn khổ các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, nhất là hợp tác trong đấu tranh chống tội phạm khủng bố; tội phạm về ma túy, tội phạm mua bán người; sản xuất, buôn bán tiền giả; buôn lậu; vi phạm sở hữu trí tuệ...

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Công an Thành phố Hà Nội

1.1. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội và Chương trình của Thủ tướng chính phủ về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án năm 2013. Định kỳ tổng hợp báo cáo UBND Thành phố, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Chính phủ theo quy định.

1.2. Chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp, nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện những vấn đề mới nảy sinh liên quan đến ANTT để kiến nghị, đề xuất các cấp ủy, chính quyền các cấp có biện pháp giải quyết; nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật. Kết hợp chặt chẽ công tác phòng ngừa nghiệp vụ với phòng ngừa xã hội với phương châm "phòng ngừa là chính".

1.3. Chịu trách nhiệm thực hiện mục tiêu về phòng, chống tội phạm và thi hành án hình sự; theo dõi, tổng hợp và hướng dẫn cụ thể việc thống kê các chỉ tiêu về công tác phòng, chống tội phạm và thi hành án hình sự.

1.4. Từ năm 2013, Công an thành phố báo cáo, đánh giá đầy đủ tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; kết quả xử lý, phân tích nguyên nhân và đề ra các biện pháp khắc phục.

1.5. Chủ trì chuẩn bị báo cáo công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2013; chuẩn bị nội dung báo cáo công tác thi hành án hình sự năm 2013 gửi sở Tư Pháp để tập hợp, xây dựng báo cáo công tác thi hành án năm 2013.

2. Sở Tư pháp Thành phố

2.1. Chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố, Tòa án nhân dân Thành phố, Công an Thành phố và các Sở, ngành có liên quan nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật.

2.2. Tiến hành rà soát các văn bản pháp luật đang có hiệu lực thi hành, phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong việc thực thi chính sách, pháp luật để kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật khác.

2.3. Chịu trách nhiệm thực hiện mục tiêu về công tác thi hành án dân sự; theo dõi, tổng hợp và hướng dẫn cụ thể việc thống kê các chỉ tiêu về công tác thi hành án dân sự, công tác xử lý vi phạm hành chính.

2.4. Chủ trì chuẩn bị báo cáo về công tác thi hành án năm 2013; chuẩn bị nội dung báo cáo, tổng hợp số liệu của các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã về công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm hành chính, đảm bảo đầy đủ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, gửi Công an Thành phố để tập hợp xây dựng báo cáo công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2013.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

3.1. Chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan tập trung làm tốt công tác quản lý lao động, phòng, chống tệ nạn xã hội; tham mưu cho cấp có thẩm quyền xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về hỗ trợ dạy nghề, vay vốn, tạo việc cho người chấp hành xong án phạt tù, đặc biệt đối với người chưa thành niên.

3.2. Chỉ đạo hướng dẫn phòng Lao động - Thương binh và xã hội các quận, huyện, thị xã phối hợp các cơ quan chức năng ở địa phương tổ chức đào tạo, dạy nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm, quan tâm giúp đỡ về vật chất, tinh thần cho những người chấp hành xong án phạt tù, nhất là những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để họ sớm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.

3.3. Chịu trách nhiệm thực hiện các mục tiêu giảm tai nạn lao động và giảm tệ nạn xã hội.

4. Sở Giao thông vận tải: chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông trong nhân dân; Chủ trì phối hợp với Công an Thành phố và các sở, ngành có liên quan tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm thực hiện đạt mục tiêu giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường: chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực bảo vệ tài nguyên, khoáng sản, môi trường; chịu trách nhiệm thực hiện mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường.

6. Sở Xây dựng: chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành tăng cường quản lý công tác xây dựng, nhất là đối với xây dựng nhà; chịu trách nhiệm thực hiện mục tiêu giảm vi phạm trật tự xây dựng.

7. Sở Y tế: chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành tăng cường công tác quản lý nhà nước về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; chịu trách nhiệm thực hiện các mục tiêu giảm các vụ vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.

8. Sở Thông tin và Truyền thông: chủ trì theo chức năng nhiệm vụ, phối hợp với các Sở, ngành chịu trách nhiệm quản lý lĩnh vực thông tin theo đúng quy định của nhà nước, nhất là quản lý mạng Internet để ngăn chặn kịp thời những thông tin xấu, văn hóa phẩm độc hại; chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân.

9. Sở Nội vụ: chủ trì phối hợp với các Sở, ngành rà soát về cán bộ có chức danh tư pháp, trên cơ sở đó đề xuất, bố trí đủ biên chế cho các cơ quan tư pháp; đồng thời đảm bảo chế độ, chính sách đối với cán bộ tư pháp theo quy định.

10. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư: tổng hợp nhu cầu, đề xuất bố trí nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng trụ sở và phương tiện làm việc cho các cơ quan tư pháp, các lực lượng trực tiếp đấu tranh chống vi phạm pháp luật và tội phạm, trình UBND Thành phố phê duyệt.

11. Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân Thành phố:

11.1. Triển khai đồng bộ các giải pháp, đảm bảo thực hiện quyền công tố, làm tốt công tác kiểm sát xử lý tố giác, tin báo về tội phạm; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động điều tra, kịp thời đề ra yêu cầu điều tra để chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội; phát hiện kịp thời và yêu cầu xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trong các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

11.2. Chịu trách nhiệm thực hiện mục tiêu về công tác kiểm sát, truy tố.

11.3. Từ năm 2013, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố đánh giá đầy đủ tình hình vi phạm pháp luật trong các hoạt động tư pháp; thống kê, phân tích tội phạm và đề xuất các biện pháp phòng ngừa tội phạm thuộc trách nhiệm của Viện Kiểm sát.

12. Đề nghị Tòa án nhân dân Thành phố

12.1. Tiếp tục đẩy mạnh việc tranh tụng tại phiên tòa; bảo đảm việc giải quyết, xét xử và ra bản án, quyết định đúng pháp luật, nhất là đối với các vụ án dân sự, hành chính. Nâng tỷ lệ hòa giải thành các vụ việc dân sự và tăng số vụ án hình sự xét xử lưu động.

12.2. Chịu trách nhiệm thực hiện mục tiêu về công tác xét xử, thi hành án.

12.3. Từ năm 2013, Tòa án nhân dân Thành phố chịu trách nhiệm báo cáo đánh giá tình hình, kết quả hoạt động và chất lượng của đội ngũ Hội thẩm nhân dân.

13. UBND các quận, huyện, thị xã: chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn, các ban, ngành, đoàn thể chủ động thực hiện toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu về phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án; trong đó trọng tâm là kiềm chế sự gia tăng của vi phạm pháp luật và tội phạm; giảm tai nạn giao thông. Lồng ghép thực hiện Quyết định 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với các Chương trình mục tiêu khác như: Chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm, Chương trình phòng chống Ma túy - Mại dâm - HIV - AIDS, Chương trình 130/CP, chương trình xóa đói, giảm nghèo... các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

14. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và nội dung được phân công trong kế hoạch này, có kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung đã đề ra./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Công an;
- Bộ Tư pháp;
- TT Thành ủy, TT HĐND TP;
- Chủ tịch UBND TP;
- Các Đ.c Phó chủ tịch UBND TP;
- V11, TCVI, TCVII, TCVIII - BCA;
- Ban VH-XH HĐND TP;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố;
- Các quận, huyện, thị xã;
- CVP, PVP, các phòng CV;
- PV11(CATP);
- Lưu: VT, NC, CAHN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Vũ Hồng Khanh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 66/KH-UBND thực hiện Nghị quyết 37/2012/QH13 và Chương trình về phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án năm 2013 do thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 66/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 18/04/2013
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Vũ Hồng Khanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/04/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản