Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1450/QĐ-UBND

Yên Bái, ngày 07 tháng 11 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM, GIAI ĐOẠN 2012 - 2015 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 1217/QĐ-TTg ngày 06/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm, giai đoạn 2012 - 2015;

Xét đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh tại Tờ trình số 1339 /TTr-CAT-PV11 ngày 30/10/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012 - 2015 trên địa bàn tỉnh Yên Bái”.

Điều 2. Ban chỉ đạo 138 tỉnh Yên Bái có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, triển khai thực hiện Kế hoạch kèm theo Quyết định này.

Điều 3. Trưởng Ban chỉ đạo 138 tỉnh; Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái; Giám đốc Công an tỉnh; Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- C41, C56 - Bộ Công an;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó CT. UBND tỉnh;
- UBMTTQ tỉnh;
- Công an tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Phòng CNTT-CB;
- Chánh Văn phòng UBND tỉnh;
- Chuyên viên: TH, TC, VX;
- Lưu VT, NC.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ngô Thị Chinh

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM GIAI ĐOẠN 2012 - 2015 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1450/QĐ-UBND ngày 07/11/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái)

I. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ

1. Mục tiêu chung

a) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng, chống tội phạm. Giữ vững kỷ cương pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ, tôn trọng pháp luật của các các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà trường, gia đình và nhân dân trong giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

b) Chủ động phòng ngừa, tích cực tấn công trấn áp, truy quét các loại tội phạm, tập trung ở các tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, phức tạp.

c) Kiềm chế và làm giảm sự gia tăng của tội phạm, nhất là tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm mới, không để tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống, tạo môi trường lành mạnh, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

2. Mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể

a) Nâng cao chất lượng, hiệu quả điều tra, khám phá, xử lý tội phạm nhất là các loại tội phạm nguy hiểm gây hậu quả nghiêm trọng. Phấn đầu hàng năm đạt tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án trên 75%; các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 95%.

b) Không để xuất hiện tội phạm có tổ chức, tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” trên địa bàn, kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm về ma túy, tội phạm về môi trường. Từng bước kiềm chế và hàng năm làm giảm các loại tội phạm nghiêm trọng, tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm do người chưa thành niên gây ra.

c) Chủ động phòng ngừa và đấu tranh làm giảm các loại tội phạm như giết người do mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, cướp, cướp giật, cưỡng đoạt tài sản, đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi, mua bán người, chống người thi hành công vụ, cờ bạc, tội phạm sử dụng công nghệ cao. Chủ động phòng ngừa, điều tra, xử lý các loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng; phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ án kinh tế, không để thất thoát tài sản lớn. Hạn chế phát sinh đối tượng truy nã mới, hàng năm truy bắt, vận động trên 50% số đối tượng truy nã.

d) Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nhằm huy động sự tham gia tích cực của toàn dân trong công tác phòng, chống tội phạm. Hàng năm, giảm ít nhất 5% tỷ lệ tái phạm tội trong số phạm nhân được đặc xá, mãn hạn tù; ít nhất 60% số đối tượng vi phạm pháp luật hình sự, người được đặc xá tha tù, được bảo lãnh, giúp đỡ, cảm hóa, giáo dục tiến bộ tại cộng đồng dân cư.

c) Tăng cường công tác thống kê, thu thập, trao đổi thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình khởi tố, bắt giữ, xử lý tội phạm giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật phục vụ công tác chỉ huy, chỉ đạo phòng ngừa, điều tra, xử lý tội phạm. Nâng cao hiệu quả của các cơ quan tư pháp; đảm bảo thống kê tội phạm đầy đủ, tập trung, thống nhất.

II. GIẢI PHÁP

1. Giải pháp về chính trị, xã hội

a) Tăng cường vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống tội phạm; nhiệm vụ phòng, chống tội phạm phải là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành và từng địa phương. Phát huy tinh thần gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong công tác phòng, chống tội phạm; cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong công tác này, đặc biệt là ở cấp cơ sở xã, phường, thị trấn, khu dân cư; coi công tác phòng, chống tội phạm là tiêu chí để đánh giá hiệu quả, chất lượng hoạt động của cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội.

b) Tăng cường thực hiện chức năng giám sát công tác phòng, chống tội phạm của Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thông qua các đợt kiểm tra, giám sát.

c) Đẩy mạnh phối hợp liên ngành về phòng, chống tội phạm, chú trọng lồng ghép, phối hợp với các chương trình phòng, chống tội phạm, phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội, HIV/AIDS; nâng cao hiệu quả thực hiện kế hoạch liên tịch giữa cơ quan nhà nước các cấp với các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp.

2. Giải pháp về kinh tế - xã hội

a) Ngoài nguồn kinh phí do Trung ương cấp, chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương, đồng thời huy động các nguồn lực của các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân để bảo đảm nguồn lực cho việc thực hiện kế hoạch này. Tăng cường quản lý, giám sát, đảm bảo sử dụng có hiệu quả tất cả các nguồn kinh phí của Trung ương và địa phương đầu tư cho công tác phòng, chống tội phạm.

b) Đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng cao, chú trọng phát triển kinh tế nông - lâm kết hợp. Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chú trọng nhất là hệ thống giao thông, điện lưới, thủy lợi, tạo điều kiện để mở rộng diện tích đất canh tác, tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tiêu thụ sản phẩm sản xuất của người dân. Triển khai có hiệu quả các dự án đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ vốn, giống, chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho đồng bào vùng cao, nhằm từng bước cải thiện đời sống cho người dân được tốt hơn, nâng cao trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của người dân.

3. Giải pháp về nâng cao năng lực quản lý

a) Thường xuyên kiện toàn và duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm; phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn ma tuý, mại dâm các cấp, đảm bảo tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, phối hợp, điều hành, thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống các loại tội phạm.

b) Tăng cường năng lực cho lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm và lực lượng tham mưu, quản lý nhà nước về phòng, chống tội phạm.

c) Thực hiện tốt công tác thu thập, quản lý, xử lý, thống kê số liệu, báo cáo về tình hình tội phạm phục vụ cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

d) Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại vào công tác phòng, chống tội phạm.

4. Giải pháp về thông tin, tuyên truyền phòng, chống tội phạm

a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm; kết hợp giữa truyền thông đại chúng với tuyên truyền trực tiếp, thường xuyên đổi mới hình thức tuyên truyền với nội dung phong phú, phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng, chú ý lồng ghép nội dung tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tội phạm trong đó tập trung tuyên truyền đến các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao, học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên, đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng cao.

b) Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” kết hợp với thực hiện nội dung “Xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy” và các phong trào khác ở cơ sở. Thực hiện xã hội hóa công tác phòng, chống tội phạm, chú trọng phát động phong trào toàn dân phát hiện, tố giác tội phạm.

c) Tăng cường công tác quản lý các hoạt động, dịch vụ văn hóa, giải trí, không để phát sinh tệ nạn xã hội.

5. Giải pháp nâng cao hiệu quả điều tra, xử lý tội phạm

a) Phát động phong trào toàn dân tham gia đấu tranh chống tội phạm, xây dựng và nhân rộng mô hình, điển hình về phòng, chống tội phạm; chú trọng công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình; tăng cường lực lượng trên các tuyến, địa bàn trọng điểm; điều tra ngăn chặn có hiệu quả các loại tội phạm, nhất là tội phạm giết người do mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, cướp, cướp giật, cưỡng đoạt tài sản, đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi, mua bán người, chống người thi hành công vụ, cờ bạc, tội phạm sử dụng công nghệ cao…

b) Hàng năm, tổ chức các đợt cao điểm tấn công tội phạm, tập trung vào một số địa bàn, tuyến trọng điểm, vào các thời điểm, giai đoạn có nguy cơ gia tăng tội phạm.

c) Nâng cao chất lượng điều tra, khám phá án; tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan điều tra với cơ quan truy tố, xét xử; đưa ra xét xử những vụ án điểm, những vụ án được dư luận quan tâm nhằm tạo sự răn đe đối với tội phạm và tuyên truyền về phòng, chống tội phạm.

6. Kinh phí thực hiện Kế hoạch

Các Dự án 1, 2, 3, 4, 5 do Bộ Công an chủ trì thực hiện. Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái dự toán kinh phí thực hiện Dự án 6 (Tăng cường công tác giáo dục, truyền thông và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình) ở tỉnh Yên Bái như sau:

a) Tổng dự toán giai đoạn 2013 – 2015

Dự kiến: 5.720.000.000 đồng (Năm tỷ bảy trăm hai mươi triệu đồng);

Nguồn vốn Trung ương: 5.720.000.000 đồng (Năm tỷ bảy trăm hai mươi triệu đồng);

b) Dự toán kinh phí năm 2013

Dự kiến: 1.800.000.000 đồng (Một tỷ tám trăm triệu đồng);

Nguồn vốn Trung ương: 1.800.000.000 đồng (Một tỷ tám trăm triệu đồng);

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân, hướng trọng điểm ở khu dân cư: 860.000.000 đồng;

- Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư: 780.000.000 đồng.

- Chỉ đạo điểm, xây dựng mô hình và nhân rộng mô hình quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm; tổ chức các đợt cao điểm phòng, chống tội phạm; kiểm tra, giám sát việc thực hiện; định kỳ sơ, tổng kết và biểu dương khen thưởng: 160.000.000 đồng.

c) Dự toán kinh phí năm 2014

Dự kiến: 1.900.000.000 đồng (Một tỷ chín trăm triệu đồng);

Nguồn vốn Trung ương: 1.900.000.000 đồng (Một tỷ chín trăm triệu đồng);

d) Dự toán kinh phí năm 2015

Dự kiến: 2.020.000.000 đồng (Hai tỷ không trăm hai mươi triệu đồng);

Nguồn vốn Trung ương: 2.020.000.000 đồng (Hai tỷ không trăm hai mươi triệu đồng);

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Chỉ đạo thực hiện Kế hoạch

Ban chỉ đạo 138 tỉnh Yên Bái có trách nhiệm giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo việc thực hiện Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012 - 2015 trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

2. Công an tỉnh Yên Bái

- Là Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 138 tỉnh, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các ngành thành viên Ban chỉ đạo, các cơ quan có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này.

- Tham mưu giúp Ban chỉ đạo 138 tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Yên Bái các Dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012 - 2015.

- Hàng năm tham mưu giúp Ban chỉ đạo 138 tỉnh đưa vào Kế hoạch công tác của Ban chỉ đạo các nội dung cần thực hiện thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012 - 2015.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012 - 2015 trên địa bàn tỉnh.

- Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch theo từng năm.

3. Sở Kế hoạch và đầu tư

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012 - 2015 trên địa bàn tỉnh theo đúng cơ cấu vốn của Chương trình đã nêu tại Dự án 6 thuộc Mục 5, Điều 1 Quyết định 1217/QĐ-TTg ngày 06/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012 - 2015.

4. Các ngành thành viên Ban chỉ đạo 138 tỉnh và các cơ quan liên quan

Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch này theo chức năng, nhiệm vụ của ngành để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012 - 2015 trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Tổ chức thực hiện ở địa phương đối với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch này; lồng ghép và phối hợp với các chương trình, nguồn lực và các dự án do địa phương quản lý, tránh chồng chéo.

- Phân công trách nhiệm đối với các ngành, các cấp ở địa phương đảm bảo việc thực hiện Kế hoạch này.

- Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc quản lý thực hiện Kế hoạch tại địa phương; nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo, thống kê theo quy định.

6. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên:

Tham gia thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch này; phối hợp thực hiện các biện pháp phòng, chống tội phạm tại cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị; tham gia thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; gắn giáo dục phòng, chống tội phạm với phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội khác; chủ động phát hiện và kiến nghị với cơ quan chức năng những bất cập trong việc triển khai thực hiện kế hoạch này.

Yêu cầu các ngành, các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung Kế hoạch này; định kỳ 6 tháng, 1 năm tổng hợp, báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Công an tỉnh) để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1450/QĐ-UBND năm 2012 về Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012 - 2015 trên địa bàn tỉnh Yên Bái

  • Số hiệu: 1450/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 07/11/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Yên Bái
  • Người ký: Ngô Thị Chinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản