Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 54/2007/QĐ-UBND

Phan Thiết, ngày 28 tháng 9 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ MỨC THU HỌC PHÍ; QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGUỒN THU HỌC PHÍ VÀ CHẾ ĐỘ MIỄN, GIẢM HỌC PHÍ TẠI CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG BÁN CÔNG VÀ CÁC LỚP HỆ BÁN CÔNG TRONG TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG CÔNG LẬP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;

Căn cứ Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội;

Căn cứ Nghị định số 106/2007/NĐ-CP ngày 22/6/2007 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với gia đình hạ sĩ quan và binh sĩ tại ngũ;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 16/2006/TTLT/BLĐTBXH-BGDĐT-BTC ngày 20/11/2006 Liên Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính về hướng dẫn chế độ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo đối với người có công với cách mạng và con của họ;

Theo đề nghị của Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 4809/LSTC-GDĐT-LĐTBXH ngày 12/9/2007 về việc đề nghị thay thế Quyết định số 55/2006/QĐ-UBND ngày 12/7/2006 của UBND tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về mức thu học phí; quản lý, sử dụng nguồn thu học phí và chế độ miễn, giảm học phí tại các trường trung học phổ thông bán công và các lớp hệ bán công trong trường trung học phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 55/2006/QĐ-UBND ngày 12/7/2006 của UBND tỉnh về việc Quy định mức thu, quản lý học phí và sử dụng học phí hệ trung học phổ thông bán công và hệ bán công trong trường công lập trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành

 

QUY ĐỊNH

VỀ MỨC THU HỌC PHÍ; QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGUỒN THU HỌC PHÍ VÀ CHẾ ĐỘ MIỄN, GIẢM HỌC PHÍ TẠI CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG BÁN CÔNG VÀ CÁC LỚP HỆ BÁN CÔNG TRONG TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG CÔNG LẬP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 54/2007/QĐ-UBND ngày 28 tháng 9 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Học phí hệ trung học phổ thông ở các trường trung học phổ thông bán công và hệ bán công trong trường phổ thông trung học công lập trên địa bàn tỉnh Bình Thuận là khoản đóng góp của gia đình hoặc bản thân học sinh để cùng với Nhà nước đảm bảo chi phí cho việc giảng dạy trong nhà trường.

Điều 2. Đối tượng thu

Đối tượng thu học phí theo Quy định này là học sinh đang theo học hệ trung học phổ thông ở các trường trung học phổ thông bán công và hệ bán công trong trường trung học phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Chương II

MỨC THU VÀ QUẢN LÝ SỬ DỤNG HỌC PHÍ

Điều 3. Mức thu học phí

Khối học

Mức thu học phí (đồng/học sinh/năm học)

Cơ sở giáo dục và đào tạo ở thành phố, thị xã, thị trấn

Cơ sở giáo dục ở các vùng còn lại

Khối lớp 10

810.000

765.000

Khối lớp 11

900.000

855.000

Khối lớp 12

990.000

945.000

Điều 4. Quản lý, sử dụng nguồn thu học phí

1. Học phí được thu theo từng học sinh và chia làm 02 lần, vào đầu học kỳ I và đầu học kỳ II của mỗi năm học.

2. Các cơ sở giáo dục và đào tạo có trách nhiệm tổ chức thu, nộp học phí theo đúng quy định hiện hành.

3. Chứng từ thu: sử dụng biên lai thu học phí do cơ quan thuế thống nhất phát hành và quản lý.

4. Nguồn thu học phí theo quy định tại Điều 3, các trường được giữ lại 100% tiền thu để chi phí cho việc dạy và học của trường.

5. Quản lý và sử dụng nguồn thu học phí: thực hiện theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

6. Thực hiện chế độ báo cáo quyết toán theo đúng Luật Ngân sách Nhà nước. Cuối năm ngân sách, Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm tổng hợp tình hình thu chi của các trường trực thuộc nguồn kinh phí này, gửi Sở Tài chính lập thủ tục ghi thu, ghi chi theo đúng quy định hiện hành.

Chương III

CHẾ ĐỘ HỖ TRỢ, MIỄN, GIẢM HỌC PHÍ

Điều 5. Đối tượng được Nhà nước hỗ trợ chi phí học tập, nội dung và mức hỗ trợ

1. Đối tượng:

Học sinh là con của người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945; con của người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng 8 năm 1945; con của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, con của Anh hùng lao động trong kháng chiến; con của liệt sĩ; con của thương binh, con của bệnh binh; con bị dị dạng, dị tật của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; con Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

2. Nội dung và mức hỗ trợ:

- Hỗ trợ 100% tiền học phí;

- Hỗ trợ một lần tiền mua sách vở, đồ dùng học tập với mức chi theo quy

định tại Thông tư liên tịch số 16/2006/TTLT/BLĐTBXH-BGDĐT-BTC ngày 20/11/2006 của Liên Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính.

Điều 6. Đối tượng miễn, giảm học phí

1. Miễn 100% học phí đối với:

a) Học sinh là con (con đẻ, con nuôi hợp pháp) của hạ sĩ quan và binh sĩ tại ngũ;

b) Học sinh là Anh hùng Lao động, người có thành tích xuất sắc trong lao động, học tập, sản xuất (học sinh đạt giải nhất, nhì, ba từ các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên và được Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ, Thủ tướng Chính phủ có quyết định khen, thưởng);

c) Học sinh là người dân tộc thiểu số ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

d) Học sinh có cha, mẹ thường trú tại huyện Phú Quý và các xã miền núi, vùng cao, các thôn đặc biệt khó khăn (về danh mục các xã miền núi, vùng cao, các thôn đặc biệt khó khăn thực hiện như quy định đối với học sinh hệ công lập ở các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh);

e) Học sinh, sinh viên là người tàn tật không phân biệt nguồn gốc gây ra tàn tật, bị khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc chức năng biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau, làm suy giảm khả năng hoạt động, khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn (có xác nhận của cơ quan y các huyện, thị xã, thành phố);

f) Học sinh, sinh viên mồ côi không nơi nương tựa (mồ côi cả cha và mẹ, mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại là mẹ hoặc cha bị mất tích hoặc không đủ khả năng nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật hiện hành như: đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, bị tâm thần phân liệt hoặc bị tàn tật nặng không đủ khả năng nuôi dưỡng con cái);

g) Học sinh có gia đình thuộc diện hộ nghèo theo quy định chung của Nhà nước (có giấy chứng nhận hộ nghèo);

h) Học sinh có hoàn cảnh khó khăn vượt khó học tập.

2. Xét giảm 50% học phí đối với:

a) Học sinh, sinh viên là con công nhân, viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động được hưởng trợ cấp thường xuyên;

b) Học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số ở những địa bàn không thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

3. Xét miễn, giảm học phí đột xuất:

Ngoài các đối tượng quy định tại Điều 5 và khoản 1, khoản 2 của Điều này, đối với học sinh mà gia đình do các nguyên nhân như: tai nạn, thiên tai, hạn hán... dẫn đến có người là lao động chính bị chết, mất tích; bị mất phương tiện sản xuất; có nhà bị đổ, sập, trôi, cháy, hỏng nặng, lâm vào cảnh bị thiếu đói do thiếu lương thực... sẽ được xét miễn hoặc giảm học phí (tùy theo mức độ thiệt hại) trong thời gian nhất định.

Điều 7. Thủ tục xét miễn, giảm, trợ cấp

1. Đối với đối tượng được miễn, giảm và trợ cấp thường xuyên:

- Gia đình học sinh, sinh viên thuộc đối tượng được miễn, giảm học phí phải làm đơn xin miễn, giảm học phí, có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú, gửi Ban Giám hiệu nhà trường;

- Ban Giám hiệu nhà trường căn cứ các quy định chế độ miễn, giảm học phí, ý kiến xác nhận của chính quyền địa phương và của giáo viên chủ nhiệm để quyết định việc miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên của trường mình theo đúng đối tượng, chế độ quy định;

- Đối với học sinh, sinh viên là đối tượng chính sách và con của đối tượng chính sách thuộc diện được hưởng chế độ ưu đãi trong giáo dục, đào tạo thì được cấp sổ để sử dụng trong suốt quá trình học tập (thủ tục cấp sổ thực hiện theo Thông tư liên tịch số 16/2006/TTLT/BLĐTBXH-BGDĐT-BTC ngày 20/11/2006 của Liên Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính hướng dẫn về chế độ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo đối với người có công với cách mạng và con của họ).

2. Đối với đối tượng được xét miễn, giảm đột xuất:

- Gia đình học sinh, sinh viên thuộc đối tượng được miễn, giảm học phí phải làm đơn xin miễn, giảm học phí, có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú, gửi Ban Giám hiệu nhà trường;

- Ban Giám hiệu các trường tổng hợp danh sách của trường mình, báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo để phối hợp với Sở Tài chính trình UBND tỉnh xem xét, quyết định miễn hoặc giảm học phí cho từng học sinh, sinh viên trong từng năm học.

3. Cuối mỗi học kỳ, các trường tổng hợp danh sách học sinh thuộc các đối tượng được miễn, giảm báo cáo về Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, tổng hợp danh sách học sinh, sinh viên được miễn, giảm báo cáo UBND tỉnh và Sở Tài chính để theo dõi.

Điều 8. Quy trình thực hiện chi trả trợ cấp, miễn, giảm

1. Đối với học sinh thuộc đối tượng trợ cấp theo quy định tại Điều 5:

Căn cứ vào danh sách học sinh thuộc đối tượng trợ cấp quy định tại Điều 5, nhà trường có trách nhiệm gửi hồ sơ các đối tượng được trợ cấp về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (đối với các trường đóng tại địa bàn thành phố Phan Thiết) hoặc Phòng Nội vụ - Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, thị xã (đối với các trường đóng tại địa bàn huyện, thị xã) để cấp lại kinh phí cho nhà trường.

Riêng chế độ hỗ trợ một lần tiền mua sách vở, đồ dùng học tập với mức chi theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2006/TTLT/BLĐTBXH-BGDĐT-BTC ngày 20/11/2006 của Liên Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính: học sinh trực tiếp nhận trợ cấp tại Phòng Nội vụ - Lao động Thương binh và Xã hội huyện, thị xã, thành phố, nơi học sinh đăng ký hộ khẩu thường trú.

2. Đối với học sinh thuộc đối tượng miễn, giảm học phí theo quy định tại Điều 6:

Căn cứ đơn miễn, giảm có xác nhận cơ quan chức năng liên quan, nhà trường có trách nhiệm lập thủ tục, miễn hoặc giảm học phí theo quy định.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9.

1. Nguồn kinh phí thực hiện:

a) Thực hiện chế độ đối với đối tượng quy định tại Điều 5: nguồn kinh phí Trung ương trợ cấp cho địa phương và nguồn ngân sách tỉnh;

b) Thực hiện chế độ đối với đối tượng quy định tại Điều 6: nguồn ngân sách tỉnh, bằng hình thức trừ tỷ lệ miễn, giảm khi giao kế hoạch thu tại các trường hàng năm.

2. Giao Sở Tài chính phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện cụ thể các nội dung tại Quy định này.

Quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc thì các ngành, các địa phương kịp thời phản ánh về UBND tỉnh (thông qua Sở Tài chính) để nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp./.