Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 47/2005/QĐ-UB

TP.Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 03 năm 2005 

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ VỀ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG QUY ĐỊNH VỀ ĐÀ ĐƯỜNG VÀ TÁI LẬP MẶT ĐƯỜNG KHI XÂY LẮP CÁC CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG KỸ THUẬT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 145/2002/QĐ-UB NGÀY 09 THÁNG 12 NĂM 2002 VÀ QUYẾT ĐỊNH SỐ 60/2004/QĐ-UB NGÀY 17 THÁNG 3 NĂM 2004 CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003 - Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29 tháng 6 năm 2001 ;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003 ;
Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ công trình giao thông ngày 02 tháng 12 năm 1994 ;
Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 02 năm 2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình ;
Căn cứ Nghị định số 186/2004/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ ban hành Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ ;
Căn cứ Quyết định số 4391/2002/QĐ-BGTVT ngày 27 tháng 12 năm 2002 và Quyết định số 2525/2003/QĐ-BGTVT ngày 28 tháng 8 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành Quy định trách nhiệm và hình thức xử lý đối với tổ chức, cá nhân khi vi phạm về quản lý, bảo đảm chất lượng các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và Quy định thi công công trình trên đường bộ đang khai thác ;
Xét đề nghị của Sở Giao thông Công
chánh (Công văn số 499/GT-GT ngày 15 tháng 3 năm 2005 và Công văn số 05/GT-PC ngày 20 tháng 01 năm 2005) ;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về đào đường và tái lập mặt đường khi xây lắp các công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định số 145/2002/QĐ-UB ngày 09 tháng 12 năm 2002 và Quyết định số 60/2004/QĐ-UB ngày 17 tháng 3 năm 2004 của Ủy ban nhân dân thành phố (sau đây viết tắt là Quyết định số 145/QĐ-UB và Quyết định số 60/QĐ-UB) như sau :

1. Sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 3 Quyết định số 145/QĐ-UB :

 “2. Tái lập mặt đường là khôi phục lại kết cấu của lòng đường, lề đường và vỉa hè có chất lượng tốt hơn hiện trạng ban đầu. Công tác tái lập mặt đường có các công đoạn sau :

a) Tái lập tạm là trường hợp cá biệt, khi không đủ thời gian thực hiện ngay việc tái lập hoàn chỉnh mặt đường, cho phép san lấp tạm không theo thiết kế sau khi lắp đặt công trình ngầm để đảm bảo an toàn giao thông tại những vị trí có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Trường hợp tái lập tạm chỉ được duy trì tối đa trong vòng 48 giờ.

b) Tái lập hoàn chỉnh mặt đường là việc hoàn trả lại mặt đường như nguyên trạng ban đầu, bao gồm cả hạng mục sơn đường (nếu có). Nếu không được phép tái lập tạm, công tác tái lập hoàn chỉnh mặt đường phải được thực hiện ngay sau khi hoàn tất lắp đặt công trình ngầm.

c) Bảo hành công tác tái lập mặt đường là trách nhiệm của các đơn vị tái lập mặt đường phải chủ động bù lún, xử lý các điểm bị bong tróc từ khi tái lập hoàn chỉnh mặt đường đến hết thời gian bảo hành công trình ghi trong hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư và đơn vị tái lập. Trường hợp qua kiểm tra, chủ đầu tư hoặc đơn vị thanh tra chuyên ngành phát hiện không đảm bảo chất lượng như : hiện tượng lún sụp, bong tróc ... trên lằn phui đã được tái lập thì đơn vị tái lập mặt đường liên quan phải tiến hành sửa chữa khắc phục trong vòng 48 giờ kể từ khi nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền.

d) Hoàn thiện lần cuối cùng công tác tái lập mặt đường là công việc sửa chữa hoàn chỉnh mặt đường trước khi tiến hành nghiệm thu bàn giao.”

2. Bổ sung các Khoản 6, 7, 8 và 9 Điều 4 Quyết định số 145/QĐ-UB :

"6. Khi lập thủ tục xin cấp phép đào đường, chủ đầu tư phải nộp một khoản tiền để hình thành nguồn vốn sử dụng cho yêu cầu quản lý và bảo trì đường bộ về sau ; do việc đào và tái lập mặt đường vẫn tạo ảnh hưởng xấu chung đến kết cấu, chất lượng mặt đường. Giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Giao thông Công chánh và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất mức thu này, trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định.

7. Đối với các dự án đầu tư xây dựng có liên quan đến công tác đào đường, trong quá trình lập dự án, đơn vị tư vấn nhất thiết phải tiến hành khảo sát tất cả các vị trí công trình ngầm hiện hữu trên tuyến. Công tác khảo sát công trình ngầm phải được thực hiện bằng thiết bị dò tìm để có thể xác định vị trí chính xác.

8. Khi lập dự án xây dựng các công trình ngầm, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn phải lưu ý bố trí công trình ngầm trên vỉa hè. Trong trường hợp bất khả kháng phải lắp đặt dưới lòng đường thì phải được sự thỏa thuận của đơn vị quản lý nhà nước chuyên ngành về phương án tuyến và vị trí trên trắc ngang chi tiết; đồng thời tính toán đầy đủ, chính xác các chi phí phục vụ công tác đảm bảo giao thông trong suốt quá trình thi công trong dự toán công trình.

9. Thời hạn của giấy phép đào đường không quá 21 ngày cho mỗi lần cấp phép. Khi cấp phép, đơn vị cấp phép phải kiểm tra việc thực hiện theo giấy phép trước đó (nếu có), nếu đơn vị xin phép đào đường để vi phạm và bị xử lý ở đoạn trước thì kiên quyết không cấp phép tiếp cho đoạn sau. Thời gian thi công được gia hạn theo giấy phép không được vượt quá 1/4 thời gian đã ghi trong giấy phép.

3. Bổ sung các Khoản 4 và 6 Điều 5 Quyết định số 145/QĐ-UB :

“ 4. Cấm đào đường trong thời gian từ 5 giờ 00 đến 22 giờ 00 hàng ngày trên các tuyến đường chính thuộc địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Giao Sở Giao thông Công chánh công bố danh mục các tuyến đường chính này vào quý I hàng năm. Trong trường hợp đặc biệt, Thủ trưởng đơn vị cấp phép đào đường có thể cho phép thời gian bắt đầu đào đường sớm hơn nhưng không được thực hiện trước 20 giờ 00 hoặc kết thúc trễ hơn 5 giờ 00 sáng hôm sau và phải hoàn tất trả lại mặt đường trước 6 giờ 00 sáng hôm sau ; Nội dung, thời gian đào đường và tái lập mặt đường trong trường hợp này phải được ghi rõ trong giấy phép đào đường. Riêng các trường hợp đào đường để đấu nối ống nhánh và đồng hồ nước cho khách hàng vào ống cấp nước đang khai thác nằm dưới lòng đường cách bó vỉa hè không quá 50cm thì được phép thực hiện vào ban ngày".

"6. Trong quá trình thực hiện, nếu trên địa bàn mỗi quận (huyện) có 01 vụ vi phạm chưa tái lập kịp thời hoặc chất lượng tái lập kém, bị xử lý và chưa khắc phục xong thì cơ quan cấp phép không được tiếp tục cấp phép đào đường cho chủ đầu tư xin phép đào đường đó cho đến khi khắc phục xong. Nếu vi phạm xảy ra ở địa bàn từ 03 quận (huyện) trở lên thì sẽ ngưng cấp phép cho chủ đầu tư trên địa bàn toàn thành phố cho đến khi khắc phục xong vi phạm."

4. Bổ sung Khoản 5 Điều 6 Quyết định số 145/QĐ-UB :

“5. Khi thực hiện công tác tái lập đối với lằn phui đào có chiều rộng nhỏ hơn 1,2m thì khi tái lập, lớp kết cấu đá dăm phải được thay bằng lớp bê tông xi măng (BTXM) M.200.”

5. Bổ sung các Khoản 2 và 4 Điều 7 Quyết định số 145/QĐ-UB :

"2. Khi đào đường, các đơn vị thi công phải thực hiện đúng kích thước, kết cấu mặt đường tái lập được ghi trong giấy phép. Nếu có sự thay đổi mở rộng rãnh đào hơn 1/2 bề rộng qua mỗi bên hoặc vượt quá 30% diện tích đào so với thiết kế thì phải làm thủ tục điều chỉnh lại giấy phép. Đối với các thay đổi nhỏ hơn, cho phép đơn vị đào đường được tự giải quyết trong quá trình thi công nhưng phải báo cáo bằng văn bản cho đơn vị cấp phép trong vòng 03 (ba) ngày sau khi thực hiện."

"4. Đối với các công trình đào đường có bề rộng lằn phui đào £ 70cm thì phải tái lập hoàn chỉnh mặt đường ngay sau khi lắp đặt công trình ngầm. Công tác khoan lấy mẫu để kiểm định chất lượng tái lập sẽ được thực hiện sau. Nếu chất lượng không đạt yêu cầu do lỗi tái lập thì đơn vị thi công tái lập có trách nhiệm làm lại ; nếu chất lượng không đạt do đơn vị thi công lắp đặt công trình ngầm không đảm bảo kỹ thuật thì đơn vị thi công lắp đặt phải có trách nhiệm làm lại để đảm bảo chất lượng."

6. Sửa đổi Khoản 7 Điều 9 Quyết định số 145/QĐ-UB :

"7. Quy định đối với việc thi công để lắp đặt các hầm kiểm tra cáp điện lực, điện thoại, thoát nước đặt ở lòng đường, tại các giao lộ như sau :

Kết cấu hầm phải được sản xuất thành cấu kiện đúc sẵn. Thời gian thi công đào đường và lắp đặt hầm, tái lập tạm thời mặt đường bảo đảm an toàn giao thông bình thường cho các loại phương tiện phải được hoàn tất trong vòng 48 giờ kể từ khi bắt đầu đào hầm."

7. Sửa đổi bổ sung các Khoản 1, 2 và 5 Điều 10 Quyết định số 145/QĐ-UB :

7.1- Khoản 1 (sửa đổi) :

"1. Đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách có nhu cầu tái lập một phần mặt đường và phần kinh phí tái lập không quá 01 (một) tỷ đồng thì việc thi công tái lập mặt đường giao cho đơn vị thuê bao quản lý hệ thống đường bộ theo phân cấp đảm nhận. Nếu phần kinh phí dành cho tái lập mặt đường trên 01 (một) tỷ đồng thì chủ đầu tư phải tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu. Trong trường hợp quy mô tái lập là toàn bộ mặt đường thì đơn vị xây lắp chính của dự án có trách nhiệm đảm nhận thi công tái lập mặt đường luôn."

7.2- Khoản 2 (bổ sung) :

"2. Chủ đầu tư quản lý công trình kỹ thuật (điện lực, bưu điện, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng công cộng, cây xanh ...) có nhu cầu đào đường để thi công lắp đặt các công trình có trách nhiệm thanh toán chi phí tái lập mặt đường cho đơn vị được thuê bao quản lý hệ thống đường bộ theo phân cấp để thực hiện tái lập mặt đường. Về chi phí giám sát tái lập đối với đơn vị được thuê giám sát, trong khi chờ quy định chung, đơn giá giám sát được tính bằng 2,4% giá trị xây lắp trước thuế của công tác tái lập."

7.3 - Khoản 5 (bổ sung) :

" 5. Khi công trình đã hoàn thành, chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức nghiệm thu theo trình tự thủ tục quy định hiện hành của Nhà nước. Chủ đầu tư phải mời đơn vị quản lý hệ thống đường bộ theo phân cấp tham gia nghiệm thu và tiếp nhận lại mặt bằng thi công đã bàn giao trước đây (nếu có) để quản lý. Riêng thủ tục nghiệm thu hạng mục tái lập hoàn chỉnh mặt đường phải có văn bản xác nhận đã hoàn trả nguyên trạng mặt đường của Ủy ban nhân dân Phường (Xã, Thị trấn) sở tại."

8. Sửa đổi bổ sung Điều 11 Quyết định số 145/QĐ-UB :

8.1 Khoản 1 (sửa đổi, bổ sung) :

 "1. Dọc theo tuyến công trường đang thi công phải lắp dựng rào chắn để cách ly giữa phần đường xe chạy và phạm vi công trường. Tại những công trình thi công dở dang, để chướng ngại vật trên đường phải được rào chắn cẩn thận và lắp dựng biển báo, đèn báo hiệu (vào ban đêm) hoặc cờ báo hiệu (vào ban ngày). Phải bố trí người thường xuyên điều tiết giao thông và trong mọi trường hợp không được để xảy ra tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trong phạm vi công trường. Tại hai đầu đường dẫn vào công trường, phải lắp dựng biển ghi tên đơn vị thi công trên rào chắn. Biển tên có kích thước là 50cmì25cm và phải được đặt ở vị trí theo hướng dễ nhìn thấy. Giao Sở Giao thông Công chính qui định thiết kế mẫu cho loại rào chắn này.

a) Đối với rãnh đào trên đường và tại giao lộ :

+ Trường hợp 1 : Tại nơi có hầm cáp (đối với các công trình bưu điện, điện lực) hoặc nơi đấu nối sửa chữa đường ống (đối với công trình cấp thoát nước) :

- Lắp dựng hàng rào xung quanh bằng sắt sơn trắng đỏ xen kẻ, mỗi hàng rào có chiều cao 1,20m, chiều dài từ 01 đến 03m, được liên kết vững chắc với nhau và lắp đặt 02 biển báo công trường theo hướng lưu thông. Khi tạm ngưng thi công phải có nắp đậy bằng thép tấm dày tối thiểu 10mm phủ kín mặt hầm và rộng ra mỗi bên cạnh ít nhất 50cm. Riêng hầm cáp tại các giao lộ phải đặt 04 biển báo công trường (đối với giao lộ từ ngã tư trở lên) hoặc 03 biển báo công trường (đối với ngã ba) trên hàng rào theo mỗi hướng lưu thông.

- Phải niêm yết giấy phép đào đường ngay trên hàng rào.

- Ban đêm có gắn đèn chiếu sáng (bóng tròn 75w-100w) ; trong trường hợp bất khả kháng không thể mắc bóng đèn điện thì cho phép sử dụng đèn dầu (đèn bão) thay thế.

+ Trường hợp 2 : Trên đoạn đường đang đào để lắp đặt công trình ngầm có thời gian thi công £ 7 ngày cho mỗi đoạn rãnh đào hoặc đang tái lập mặt đường :

- Lắp dựng 02 biển báo công trường : 01 ở điểm đầu và 01 ở điểm cuối đoạn đang thi công.

- Rào chắn dọc theo mương đào bằng hàng rào sắt, sơn trắng đỏ, mỗi đoạn rào có chiều cao 1,20m, chiều dài từ 01m đến 03m, được liên kết vững chắc với nhau.

- Khi thi công ban đêm, trong phạm vi công trường phải có đèn chiếu sáng (bóng tròn 75w-100w), nếu không có nguồn điện hoặc điểm gắn đèn quá xa lưới điện hoặc kéo dây mắc điện không đảm bảo an toàn giao thông thì cho phép thay thế đèn điện bằng đèn dầu (đèn bão), cách khoảng 10m/bóng.

- Niêm yết giấy phép đào đường trên rào chắn hoặc trên bảng công trường tại đầu và cuối đoạn tuyến thi công.

- Trong giai đoạn tái lập tạm, phải lắp đặt biển báo công trường ở hai đầu và bố trí người túc trực để bù lún, quét dọn đất đá để đảm bảo giao thông cho đến khi hoàn thiện mặt đường như cũ.

+ Trường hợp 3 : Trên đoạn đường đang đào để lắp đặt công trình ngầm có thời gian thi công > 7 ngày cho mỗi đoạn rãnh đào :

Phải sử dụng rào chắn bằng tôn màu xanh có chiều cao tối thiểu 2m để cách ly phần đường đang lưu thông với công trường thi công. Dọc trên rào chắn, lắp đặt bảng tên đơn vị thi công dài 70cm, rộng 25cm, nền xanh, chữ trắng, cách khoảng 20m/bảng.

b) Đối với rãnh đào trên vỉa hè và đường hẻm.

Trên một đoạn đường thi công :

- Lắp đặt 02 biển báo công trường và rào chắn dọc theo rãnh đào, 01 ở điểm đầu và 01 ở điểm cuối đoạn thi công.

- Khi thi công ban đêm, trong phạm vi công trường phải có đèn chiếu sáng (bóng tròn 75w-100w), nếu không có nguồn điện hoặc điểm gắn đèn quá xa lưới điện hoặc kéo dây mắc điện không đảm bảo an toàn giao thông thì cho phép thay thế đèn điện bằng đèn dầu (đèn bão), cách khoảng 10m/bóng.

 - Niêm yết giấy phép trên rào chắn hoặc trên bảng công trường tại đầu và cuối đoạn tuyến thi công.

c) Giao Khu Quản lý Giao thông đô thị tổ chức sản xuất các rào chắn và biển báo công trường theo thiết kế mẫu do Sở Giao thông Công chính phê duyệt. Yêu cầu các đơn vị thi công trên đường phố sử dụng thống nhất mẫu rào chắn để bảo đảm an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

8.2 Khoản 3 (bổ sung) :

"3. Trong thời gian thi công hoặc ngừng thi công, không được tập kết vật tư, thiết bị, xe máy thi công tại công trường nếu chưa cần đến để đảm bảo thông thoáng đường phố và mỹ quan đô thị. Nghiêm cấm việc tập kết vật tư, thiết bị, vật liệu xây dựng tại những đoạn chưa thi công. Không để vật liệu rời như cát, đá, xi măng, gạch... rơi vãi trên mặt đường gây nguy hiểm hoặc cản trở giao thông. Phải dự trù vật liệu đủ sử dụng theo tiến độ thi công, thi công đến đâu thì tập kết vật tư đến đó ; trường hợp vật liệu không dùng hết thì ngay trong đêm phải vận chuyển đi nơi khác."

8.3 Khoản 6 (sửa đổi) :

"Tất cả khối lượng đất đào lên phải được chuyển ngay lên phương tiện vận tải để vận chuyển ra khỏi công trường, không để đất đào dọc theo rãnh đào, đồng thời thu dọn sạch sẽ lòng lề đường trong phạm vi công trường để đảm bảo an toàn giao thông và vệ sinh môi trường. Phương tiện vận tải để tập kết vật tư, vật liệu xây dựng và vận chuyển đất đào ra khỏi công trường phải sạch sẽ, phải được rửa sạch bánh xe và phương tiện khi ra khỏi công trường. Trường hợp để vật tư trôi làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước, đơn vị đào đường phải tổ chức nạo vét trả lại nguyên trạng ban đầu và thông báo trước cho đơn vị quản lý hệ thống thoát nước theo phân cấp để kiểm tra, theo dõi ; nếu không tự thực hiện được thì phải thuê đơn vị quản lý hệ thống thoát nước theo phân cấp nạo vét."

9. Sửa đổi bổ sung Điều 13 Quyết định số 145/QĐ-UB:

9.1 Khoản 3 (bổ sung):

" Giao Ban Thanh tra Giao thông công chánh, lực lượng Cảnh sát nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp kiểm tra, lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các cá nhân và đơn vị vi phạm Quy định về đào đường, tái lập mặt đường và sử dụng lòng lề đường.

- Ban Thanh tra Giao thông công chánh, lực lượng Cảnh sát nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp được quyền tạm giữ vật tư, thiết bị, phương tiện thi công để đảm bảo xử phạt vi phạm hành chính theo các quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính."

9.2 Khoản 6 (sửa đổi) :

" Xử lý vi phạm Quy định về đào đường và tái lập mặt đường được thực hiện theo Nghị định số 15/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2003 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ; Nghị định số 126/2004/ NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý, sử dụng nhà ; Quyết định số 105/2003/QĐ-UB ngày 27 tháng 6 năm 2003 của Ủy ban nhân dân thành phố về quy định mức phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực vệ sinh và môi trường trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh ; Quyết định số 106/2003/QĐ-UB ngày 27 tháng 6 năm 2003 của Ủy ban nhân dân thành phố về áp dụng một số biện pháp xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ ; Quyết định số 4391/2002/QĐ-BGTVT ngày 27 tháng 12 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định trách nhiệm và hình thức xử lý đối với tổ chức, cá nhân khi vi phạm về quản lý, bảo đảm chất lượng các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và các văn bản pháp luật có liên quan. Việc nộp phạt theo quy định hiện hành của Nhà nước về xử lý vi phạm hành chính."

10. Sửa đổi bổ sung Khoản 2 phần phụ lục các yêu cầu về thiết kế kỹ thuật tái lập mặt đường ban hành kèm theo Quyết định 145/QĐ-UB :

"2. Quy trình, quy phạm áp dụng : Quy trình thiết kế áo đường mềm 211-93, quy trình thi công và nghiệm thu mặt đường BTN 22 TCN-249-98, quy trình thi công và nghiệm thu lớp cấp phối đá dăm trong kết cấu áo đường ôtô 22 TCN-252-98, quy trình kỹ thuật thi công và nghiệm thu mặt đường đá dăm nước 22 TCN-06-77, quy trình kỹ thuật thi công và nghiệm thu mặt đường cấp phối 22 TCN-07-77, quy trình thiết kế áo đường cứng 22 TCN-223-95, như sau :

2.1- Quy định kết cấu áo đường dùng tái lập mặt đường bê tông nhựa :

a) Đối với mặt đường nhựa hiện hữu có Eyc £ 1270daN/cm2.

+ Chiều dày tổng cộng lớp kết cấu áo đường: 40cm, bao gồm :

- Bê tông nhựa chặt hạt mịn (BTNC 10) dày 5 cm.

- Bê tông nhựa chặt hạt trung (BTNC 25) dày 5cm.

- Tưới nhựa dính bám tiêu chuẩn nhựa 1,0Kg/m2.

- Cấp phối đá dăm loại I dày 30cm, K³0.98.

- Vải địa kỹ thuật.

+ Nền đắp cát, chiều dày lớp cát đắp tối thiểu 30cm, K³0.95.

b) Đối với mặt đường nhựa hiện hữu có Eyc>1270daN/cm2 :

+ Chiều dày tổng cộng lớp kết cấu áo đường: 62cm, bao gồm :

- Bê tông nhựa nóng, chặt hạt mịn (BTNC 10) dày 5cm.

- Bê tông nhựa nóng, chặt hạt trung (BTNC 25) dày 7cm.

- Tưới nhựa dính bám tiêu chuẩn nhựa 1,0Kg/m2.

- Cấp phối đá dăm loại I dày 50cm, K³0.98.  

- Vải địa kỹ thuật.

+ Nền đắp cát, chiều dày lớp cát đắp tối thiểu 30cm, K³0.95.

2.2- Quy định một số kết cấu khác dùng cho việc tái lập :

a) Đối với mặt đường cấp phối (cấp phối sỏi đỏ, cấp phối đá dăm, đất đắp chọn lọc)

- Hoàn trả lại đúng bề dày, kết cấu hiện hữu, độ chặt K³0.98.

- Mô đun đàn hồi Etái lập>Ehiện hữu.

b) Đối với mặt đường hẽm kết cấu bằng bê tông xi măng (BTXM).

- BTXM đá 1x2 M.200 đổ tại chỗ dày 10cm.

- Cấp phối đá dăm loại I dày 30cm, K³0.98.

- Nền đắp cát, chiều dày lớp cát đắp tối thiểu 30cm, K³0.95.

c) Kết cấu vỉa hè tái lập :

Loại I.

- Gạch lát theo hiện trạng (gạch xi măng khía, gạch Granito...)

- Bê tông đá 1x2 M150 dày 5cm.

- Cấp phối đá dăm dày 10cm, k³0,95.

- Nền cát đắp đầm chặt , K³0.95.

Loại II.

- Bê tông xi măng đá 1x2 M200 dày 5cm.

- Cấp phối đá dăm dày 10cm, k³0,95.

- Nền cát đắp đầm chặt K³0.95.

2.3- Quy định về chiều rộng tái lập :

- Nếu chiều rộng rãnh đào nhỏ hơn 1,50m thì chiều rộng tái lập mặt đường phải phủ trùm ra mỗi bên mép rãnh đào thêm 20cm.

- Nếu chiều rộng rãnh đào lớn hơn 1,50m nằm trong một làn xe thì chiều rộng tái lập mặt đường phải thực hiện cả chiều rộng làn xe.

- Nếu chiều rộng rãnh đào lớn hơn 2m và nằm giữa hai làn xe thì chiều rộng tái lập mặt đường phải thực hiện cả hai làn xe.

- Nếu công trình đào và tái lập mặt đường có chiều rộng từ 1/2 mặt cắt ngang đường trở lên thì chiều rộng tái lập mặt đường phải thực hiện toàn bộ mặt đường."

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày ký.

Các nội dung khác không được đề cập trong Quyết định này vẫn thực hiện theo các Quyết định số 145/2002/QĐ-UB ngày 09 tháng 12 năm 2002 và Quyết định số 60/2004/QĐ-UB ngày 17 tháng 3 năm 2004 của Ủy ban nhân dân thành phố.

Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Thủ trưởng các Sở-ban-ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các phường-xã, thị trấn, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này ./.

Nơi nhận :
- Như điều 3
- Bộ Xây dựng
- Bộ Giao thông Vận tải
- Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Cục Kiểm tra văn bản-Bộ Tư pháp
- Thường trực Thành ủy
- Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố
- Thành viên Ủy ban nhân dân thành phố
- ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP
- Liên hiệp các Hội Khoa học-Kỹ thuật TP
- VPHĐ-UB : CPVP
- Các Tổ NCTH
- Lưu (ĐT/Thg
)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH





Nguyễn Văn Đua

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 47/2005/QĐ-UB sửa đổi quy định về đào đường và tái lập mặt đường khi xây lắp các công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh kèm theo Quyết định 145/2002/QĐ-UB và Quyết định 60/2004/QĐ-UB do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 47/2005/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 24/03/2005
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Văn Đua
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản