Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2525/2003/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 28 tháng 8 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI SỐ 2525/2003/QĐ-BGTVT NGÀY 28 THÁNG 8 NĂM 2003 VỀ VIỆC BAN HÀNH “QUY ĐỊNH THI CÔNG CÔNG TRÌNH TRÊN ĐƯỜNG BỘ ĐANG KHAI THÁC”

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ số 26/2001/QH10 ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 04 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của các ông Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định thi công công trình trên đường bộ đang khai thác”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ này đăng công báo và thay thế Quyết định số 4213/2001/QĐ-BGTVT ngày 10 tháng 12 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Điều 3. Các ông Chánh văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Cục trưởng Cục đường bộ Việt Nam, Cục trưởng Cục Giám định và Quản lý chất lượng công trình giao thông và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

 Ngô Thịnh Đức

(Đã ký)

 

QUY ĐỊNH

THI CÔNG CÔNG TRÌNH TRÊN ĐƯỜNG BỘ ĐANG KHAI THÁC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2525/2003/QĐ-BGTVT ngày 28 tháng 8 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Văn bản này quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc thi công công trình trên đường bộ đang khai thác thuộc hệ thống đường bộ Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Mọi tổ chức, cá nhân khi thi công, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới các công trình (dưới đây gọi tắt là tổ chức, cá nhân thi công) nằm trong phạm vi đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ, phần trên không, phần dưới mặt đất, phần dưới mặt nước liên quan đến an toàn công trình và an toàn giao thông đường bộ phải thực hiện các điều khoản của Quy định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan để bảo đảm cho người và xe qua lại an toàn, thông suốt, liên tục; công trình đường bộ đang được khai thác bền vững và bảo vệ môi trường.

Chương 2:

TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THI CÔNG

MỤC A. TRƯỚC KHI THI CÔNG

 

 

 

Điều 3. Trước khi quyết định đầu tư, tổ chức, cá nhân phải có ý kiến thoả thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền về các vấn đề có liên quan đến an toàn công trình giao thông đường bộ, phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và quy hoạch phát triển đường bộ.

Điều 4. Tổ chức, cá nhân có công trình thi công trên đường bộ đang khai thác phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền thoả thuận về thời gian thi công, biện pháp bảo đảm an toàn giao thông trong suốt thời gian thi công, thời gian hoàn thành.

Điều 5. Đối với công trình thi công trên đất dành cho đường bộ

1. Phải có giấy phép thi công của cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền và thủ tục bàn giao hiện trường để thi công.

2. Nếu công trình liên quan đến an toàn khai thác đường bộ thì hồ sơ thiết kế kỹ thuật phải được cơ quan có thẩm quyền của ngành giao thông vận tải phê duyệt hoặc chấp thuận theo phân cấp.

Điều 6. Tổ chức, cá nhân đã được cấp phép thi công phải đến đơn vị quản lý đường bộ làm thủ tục nhận bàn giao mặt bằng thi công để triển khai các bước tiếp theo. Kể từ ngày nhận bàn giao mặt bằng, tổ chức, cá nhân thi công phải chịu trách nhiệm quản lý và đảm bảo giao thông êm thuận, thông suốt, an toàn.

Điều 7. Tổ chức, cá nhân quản lý đường bộ làm công tác quản lý, sửa chữa thường xuyên không phải xin giấy phép thi công nhưng phải nghiêm chỉnh thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông trong suốt qúa trình thực hiện nhiệm vụ.

MỤC B - TRONG KHI THI CÔNG

Điều 8. Trong suốt quá trình thi công, tổ chức, cá nhân phải thực hiện đúng phương án, biện pháp, thời gian thi công đã được thống nhất; phải bảo đảm an toàn giao thông thông suốt theo quy định và tránh không được gây hư hại các công trình đường bộ hiện có. Trong trường hợp không thể tránh được thì phải có sự chấp thuận của cơ quan quản lý đường bộ về biện pháp bảo vệ hoặc tạm thời tháo dỡ, di dời và thi công hoàn trả; nghiêm cấm việc san, đổ đất trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ mà không phục vụ thi công công trình, đồng thời chịu mọi trách nhiệm về sự mất an toàn giao thông do thi công gây ra. Đảm bảo giao thông, an toàn giao thông trong quá trình thi công công trình trên đường bộ đang khai thác là một hạng mục công việc trong thiết kế tổ chức thi công và là một phần kinh phí của gói thầu; kinh phí này không được nhỏ hơn kinh phí bảo dưỡng thường xuyên trước khi triển khai dự án.

Tổ chức, cá nhân phải chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý đường bộ và Thanh tra giao thông đường bộ về việc thực hiện các quy định bảo đảm an toàn giao thông trong thi công theo quy định của giấy phép và của pháp luật.

Điều 9. Đường tránh, cầu tạm và hệ thống báo hiệu bảo đảm an toàn phải được hoàn thành trước khi thi công công trình chính. Đường tránh, cầu tạm phải đảm bảo cho các loại phương tiện giao thông có tải trọng và kích cỡ mà đường cũ đã cho phép qua lại an toàn. Hệ thống báo hiệu bảo đảm an toàn giao thông phải theo đúng Điều lệ báo hiệu đường bộ 22TCN-237-01 của Bộ Giao thông vận tải.

Điều 10. Trong suốt thời gian thi công nhất thiết phải có người cảnh giới hướng dẫn giao thông, khi ngừng thi công phải có báo hiệu an toàn theo quy định như: biển chỉ dẫn, cờ và đèn đỏ vào ban đêm. Người cảnh giới hướng dẫn giao thông phải đeo băng đỏ bên cánh tay trái, được trang bị cờ, còi và đèn vào ban đêm.

Điều 11. Phải có biển ở hai đầu đoạn đường thi công ghi rõ tên đơn vị thi công, lý trình thi công, địa chỉ Văn phòng công trường, số điện thoại (nếu có) và tên của Chỉ huy trưởng công trường; người chỉ huy nhất thiết phải có phù hiệu, người làm việc trên đường phải mặc trang phục bảo hộ lao động theo quy định.

Điều 12. Các xe máy thi công trên đường phải đầy đủ thiết bị an toàn và sơn màu theo quy định.

Điều 13. Ngoài giờ thi công, xe máy phải được tập kết vào bãi. Trường hợp không có bãi phải để sát lề đường nơi dễ phát hiện và có báo hiệu.

Xe máy hư hỏng phải tìm mọi cách đưa sát vào lề đường và phải có báo hiệu theo quy định.

Điều 14. Khi thi công ở nền đường, mặt đường, mặt cầu phải dành lại một phần nền đường, mặt đường, mặt cầu để cho xe, người đi bộ qua lại, cụ thể là:

1. Mặt đường, mặt cầu rộng từ 3 làn xe trở xuống phải để ít nhất 1 làn;

2. Mặt đường; mặt cầu rộng trên 3 làn xe trở lên phải để ít nhất 2 làn;

3. Trường hợp không để đủ bề rộng 1 làn xe thì phải làm đường tránh. Với trường hợp tuyến đường độc đạo, mặt đường thi công hẹp không thoả mãn các điều kiện nêu trên, có nguy cơ cao gây ách tắc giao thông trong khu vực thi công thì phải đề cập ngay từ bước nghiên cứu dự án việc bổ sung các dự án đảm bảo giao thông thành phần (hỗ trợ bằng đường thuỷ, đường sắt, đường hàng không.v.v... ). Các dự án thành phần này phải được triển khai thi công trước, đảm bảo đưa vào khai thác trước khi thi công tuyến chính.

4. Trường hợp đào để mở rộng nền đường thì đào đến đâu phải đắp lại ngay đến đó. Trường hợp thi công trên các đoạn nền đất yếu, đào hạ nền đường, đắp nền cao hơn 2m (hai mét) phải có biện pháp riêng về tổ chức đảm bảo giao thông được tư vấn giám sát và Chủ công trình chấp thuận. Lưu ý có biện pháp ứng phó khi gặp trời mưa.

5. Khi thi công móng và mặt đường: chiều dài mũi thi công không quá 300m, các mũi thi công cách nhau ít nhất 500m. Trong mùa mưa lũ, phải hoàn thành thi công dứt điểm từng đoạn sau mỗi ca, mỗi ngày, tránh không để trôi vật liệu ra hai bên đường làm hư hỏng tài sản của nhân dân và gây ô nhiễm môi trường.

6. Trường hợp thi công cống mà không có đường tránh thì chỉ được thi công trên 1/2 chiều dài, 1/2 còn lại để đảm bảo giao thông. Nếu không đủ rộng một làn xe thì phải thiết kế đắp tạm mở rộng đề đảm bảo đủ bề rộng một làn xe. Có cắm hàng rào quanh hố đào, đặt chướng ngại vật chắc chắn và cách về mỗi bên 30 m.

7. Khi thi công trên đường phố phải có phương án và thời gian thi công thích hợp với đặc điểm từng đường phố để không gây ùn tắc giao thông. Phải đảm bảo hành lang an toàn cho người đi bộ.

Điều 15. Vật liệu thi công chỉ được đưa ra đường đủ dùng từ 2 đến 3 đoạn thi công và chiều dài để vật liệu không kéo dài quá 300m. Phải để vật liệu ở một bên lề đường, không được để song song cả hai bên làm thu hẹp nền, mặt đường. Nghiêm cấm để các loại vật liệu tràn lan làm cản trở và mất an toàn giao thông.

Trước đợt mưa lũ phải thi công dứt điểm, thu dọn hết vật liệu thừa trên đường và phải có phương án đảm bảo giao thông trong trường hợp xảy ra sự cố cầu, đường do mưa lũ gây ra trong phạm vi mặt bằng được giao thi công.

Điều 16. Nghiêm cấm việc đốt nhựa đường trên đường ở nơi đông dân cư, để các loại vật liệu chảy ra mặt đường gây trơn trượt mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường.

Điều 17. Trường hợp thi công có sử dụng mìn phải tuân thủ theo quy định của pháp luật. Mỗi đợt nổ mìn (kể cả thu dọn đất đá) không được kéo dài quá 2 giờ và phải cách nhau ít nhất 4 giờ để đảm bảo giao thông. Phải bố trí thời gian nổ mìn vào giờ thấp điểm. Tại những khu vực gần khu dân cư, cấm nổ mìn từ 19 giờ đến 06 giờ sáng hôm sau.

Trong trường hợp cần thiết yêu cầu thời gian nổ mìn quá thời gian quy định trên phải được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận. Với các dự án có khối lượng thi công nổ phá lớn, có nhiều gói thầu, nhiều mũi thi công..., Ban Quản lý dự án cần tham khảo ý kiến của chính quyền địa phương về thời gian nổ mìn, thống nhất với cơ quan cấp phép thi công và phải thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Điều 18. Khi chặt cây ven đường phải có báo hiệu và tổ chức gác 2 đầu; không cho cây đổ vào bên trong lòng đường gây cản trở giao thông. Trường hợp bắt buộc phải cho cây đổ vào trong lòng đường phải nhanh chóng đưa cây ra sát lề đường. Khi chặt cây ở bất kỳ bộ phận nào của đường đều phải đào bỏ rễ và hoàn trả lại nguyên trạng bộ phận đường đó. Nghiêm cấm các hành vi lao các vật từ trên cao xuống nền, mặt đường.

Điều 19. Đối với việc thi công sửa chữa cầu, kè, đường ngầm khi vừa thi công sửa chữa vừa cho xe qua lại thì phải: cắm biển báo hiệu đường hẹp, biển hạn chế tốc độ, biển báo công trường.... ; tổ chức gác chắn và có người điều hành giao thông 24h/24h; vật tư, thiết bị thi công phải để gọn gàng vào bên trong hàng rào ngăn cách phần dành cho thi công với phần dành cho lưu thông; hệ thống dẫn điện, nước phục vụ thi công phải thường xuyên được kiểm tra để tránh xảy ra tai nạn.

Trường hợp không thể vừa thi công vừa đảm bảo giao thông thì nhất thiết phải có đường tránh.

Điều 20. Khi sửa chữa hoặc mở rộng đường lên, xuống bến phà, cầu phao thì phải sửa 1/2 bề rộng của đường, phần còn lại để cho lên xuống không nhỏ hơn 4m đối với đường lên xuống cầu phao và không nhỏ hơn 6m đối với đường lên xuống phà và phải đủ thiết bị an toàn. Trường hợp không đủ bề rộng tối thiểu và xét thấy xe lên xuống phà, cầu phao không an toàn thì phải làm bến tạm.

Điều 21. Trường hợp trục vớt phao, phà bị đắm, kể cả việc thanh thải các chướng ngại vật ở lòng sông dưới cầu phải có đầy đủ hệ thống phao tiêu, tín hiệu đường sông và phải dọn luồng cho cầu phao, phà hoạt động bình thường không để ách tắc giao thông.

MỤC C. KẾT THÚC THI CÔNG

Điều 22. Sau khi hoàn thành một đoạn đường không quá 1km hoặc 1 cầu, 1 cống, tổ chức, cá nhân thi công phải thu dọn toàn bộ các chướng ngại vật để bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt.

Trước khi bàn giao công trình phải dọn toàn bộ vật liệu thừa, di chuyển máy móc, thanh thải các chướng ngại vật và sửa chữa các hư hỏng công trình đường bộ do thi công gây ra. Nếu tổ chức, cá nhân thi công không thực hiện đầy đủ, đơn vị quản lý đường bộ có quyền từ chối nhận bàn giao.

Điều 23. Tổ chức, cá nhân thi công phải bàn giao lại hiện trường cho đơn vị quản lý đường bộ đã bàn giao theo quy định tại Điều 6 của Quy định này.

Chương 3:

TRÁCH NHIỆM CỦA BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN (ĐẠI DIỆN CHỦ ĐẦU TƯ)

Điều 24. Ban Quản lý dự án có trách nhiệm kiểm tra nhà thầu trong suốt quá trình thi công về công tác đảm bảo an toàn giao thông, trường hợp nhà thầu thực hiện không đạt yêu cầu thì xem xét xử phạt kinh tế theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp trên để có biện pháp xử lý thích hợp.

Chương 4:

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ ĐƯỜNG BỘ

Điều 25. Phân cấp việc cấp giấy phép thi công

1. Đối với các Quốc lộ:

a. Cục Đường bộ Việt Nam đối với các công trình nhóm A, B của ngành giao thông vận tải hoặc nhóm A, B, C của các ngành khác.

b. Khu Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính đối với các công trình nhóm C của ngành giao thông vận tải hoặc công trình chưa đến mức phải lập dự án của các ngành khác.

2. Đối với hệ thống đường địa phương: do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

Điều 26. Thủ tục cấp giấy phép thi công gồm:

1. Đơn xin phép thi công của tổ chức, cá nhân thi công

2. Hồ sơ thiết kế kỹ thuật và thiết kế tổ chức thi công đã được cấp có thẩm quyền duyệt;

3. Hợp đồng xây lắp:

4. Các văn bản thống nhất về phương án thi công, biện pháp đảm bảo an toàn giao thông và thời gian thi công giữa chủ đầu tư, đơn vị thi công và cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền.

Điều 27. Các cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền cấp phép thi công xem xét và cấp phép thi công không chậm hơn 10 ngày kể từ khi đã nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ.

Điều 28. Các đơn vị quản lý đường bộ và lực lượng Thanh tra giao thông đường bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra các tổ chức, cá nhân trong suốt thời gian thi công

Trường hợp tổ chức, cá nhân thi công vi phạm các quy định ghi trong giấy phép thi công và các quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường bộ thì cơ quan quản lý đường bộ và Thanh tra giao thông lập biên bản xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu tổ chức, cá nhân thi công tái phạm thì cơ quan quản lý đường bộ và Thanh tra giao thông đường bộ có quyền đình chỉ thi công, thu hồi giấy phép thi công và trong 24 giờ phải báo cáo về cơ quan quản lý đường bộ cấp trên để xem xét giải quyết. Việc chậm trễ và mọi phí tổn do bị ngừng thi công, tổ chức, cá nhân thi công tự chịu trách nhiệm.

Điều 29. Đơn vị quản lý đường bộ có trách nhiệm tiếp nhận lại và tổ chức quản lý, khai thác theo quy định.