Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 366/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 24 tháng 02 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÀNH LẬP QUỸ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG XÃ HỒNG THỦY, HUYỆN A LƯỚI, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 05/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng;

Căn cứ Quyết định số 1464/QĐ-UBND ngày 29/6/2016 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về Ban hành Quy định về việc thành lập thí điểm Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp xã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế;

Xét đề nghị của UBND huyện A Lưới tại Tờ trình số 133/TTr-UBND ngày 14 tháng 11 năm 2016 và đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 128/TTr-SNNPTNT ngày 10 tháng 02 năm 2017 về việc thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng xã Hồng Thủy, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng xã Hồng Thủy, huyện A Lưới với những nội dung như sau:

1. Tên gọi: Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng xã Hồng Thủy, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Quỹ bảo vệ và phát triển rừng xã Hồng Thủy, huyện A Lưới là một tổ chức tài chính nhà nước, hạch toán độc lập, hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp có thu, trực thuộc UBND xã Hồng Thủy.

3. Trụ sở làm việc của Quỹ được đặt tại Văn phòng UBND xã Hồng Thủy.

4. Quỹ được sử dụng con dấu của UBND xã Hồng Thủy và được mở tài khoản tại Kho Bạc Nhà nước.

5. Bộ máy tổ chức Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng xã Hồng Thủy do Chủ tịch UBND xã bổ nhiệm, hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm. Bộ máy cơ cấu không quá 5 người, cụ thể: Trưởng ban quản lý Quỹ do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách nông, lâm nghiệp kiêm nhiệm, Kế toán Quỹ do Kế toán Ngân sách của UBND xã kiêm nhiệm và 3 cán bộ nghiệp vụ, gồm: 01 cán bộ phụ trách công tác nông, lâm nghiệp, 01 cán bộ địa chính và 01 Trưởng (hoặc Phó) Công an xã. Việc phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên do Trưởng Ban quản lý Quỹ cấp xã quy định. Trường hợp Quỹ cấp xã có nguồn thu lớn, trên 100 triệu đồng/năm có thể cơ cấu 6 người (thêm chức đanh Phó Trưởng Ban quản lý Quỹ).

6. Ban kiểm soát Quỹ do Ban quản lý Quỹ quyết định:

- Cơ cấu Ban kiểm soát Quỹ gồm: 3-5 thành viên hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm. Trưởng ban kiểm soát Quỹ do Chủ tịch UBND xã bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Trưởng Ban quản lý Quỹ.

- Nhiệm vụ quyền hạn cụ thể của Ban Kiểm soát Quỹ do Ban quản lý Quỹ quy định.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Quỹ

1. Nhiệm vụ

a) Vận động các chủ rừng tại địa phương tự nguyện tham gia đóng góp kinh phí xây dựng Quỹ.

b) Tiêp nhận và quản lý nguồn tài chính do tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước và các chương trình, dự án hỗ trợ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng của địa phương.

c) Tổ chức lập và thực hiện kế hoạch quản lý bảo vệ và phát triển rừng hàng năm của địa phương.

d) Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát trong việc quản lý và sử dụng nguồn kinh phí do Quỹ huy động.

đ) Thực hiện các quy định của pháp luật về thống kê, kế toán và chế độ báo cáo cấp trên.

e) Bảo toàn, phát triển nguồn vốn Quỹ.

2. Quyền hạn

a) Phân bổ kinh phí cho các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng theo kế hoạch hàng năm đã được phê duyệt.

b) Kiểm tra, giám sát, đánh giá và nghiệm thu kết quả các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng được phân bổ kinh phí.

c) Đề xuất UBND xã có biện pháp hành chính huy động chủ rừng thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính cho Quỹ theo quy định.

d) Đình chỉ, thu hồi khoản kinh phí đã được Quỹ phân bổ nhưng tổ chức cá nhân sử dụng không đúng mục đích, kế hoạch được phê duyệt.

Điều 3. Nguồn kinh phí hoạt động của Quỹ

Nguồn thu theo quy định tại các Điểm c, d, Khoản 3, Điều 3, Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng; các nguồn thu khác liên quan đến công tác bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của pháp luật, cụ thể:

1. Nguồn hỗ trợ, đóng góp của chủ rừng khi khai thác, kinh doanh gỗ, lâm sản; các tổ chức, cá nhân kinh doanh cảnh quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái và các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài khác;

2. Tiếp nhận nguồn thu đối với rừng trồng được đầu tư, hỗ trợ bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn khác (nếu có) theo quy định hiện hành.

Điều 4. Nội dung chi, chế độ quản lý tài chính, tài sản đối với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng xã:

1. Nội dung chi

Chi thường xuyên cho công tác quản lý bảo vệ rừng, quy định tại Khoản 1 Điều 3 Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ.

a) Chi xăng, đầu cho phương tiện tuần tra, kiểm tra rừng;

b) Mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác PCCCR, chống chặt phá rừng.

c) Bồi dưỡng cho những người được huy động để ngăn chặn chống chặt phá rừng và chữa cháy rừng; hỗ trợ cho những người được huy động tham gia ngăn chặn, chống chặt phá rừng và chữa cháy rừng bị tai nạn;

d) Bồi dưỡng làm đêm, làm thêm giờ, công tác kiêm nhiệm;

đ) Phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật và tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý bảo vệ rừng;

e) Hội nghị, hội thảo sơ kết tổng kết và công tác thi đua khen thưởng;

f) Chi khác (nếu có).

2. Chế độ quản lý tài chính, tài sản

a) Chế độ tài chính, kế toán của Quỹ thực hiện theo quy định tại Thông tư số 85/2012/TT-BTC ngày 25/5/2012 của Bộ Tài chính về chế độ kế toán Quỹ cấp xã áp dụng Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp (ban hành và theo quy định tại Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/3/2006 của Bộ Tài chính); việc quản lý, sử dụng tài sản Quỹ cấp xã thực hiện theo quy định của Luật quản lý sử dụng tài sản nhà nước và các văn bản liên quan.

b) Hàng năm, Quỹ cấp xã lập dự toán thu, chi và báo cáo quyết toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt cùng thời điểm với hệ thống kế toán của xã.

c) Quỹ cấp xã thực hiện việc mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 5. Trưởng Ban quản lý Quỹ xã có trách nhiệm xây dựng Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ trình Chủ tịch UBND xã phê duyệt.

Điều 6. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 7. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính; Chủ tịch UBND huyện A Lưới; Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy; Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 7;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch và PCT UBND tỉnh;
- Chi cục Kiểm lâm;
- Quỹ BV và PTR tỉnh;
- VP: Lãnh đạo, CV TC;
- Lưu: VT, NN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Phương