Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập- Tự Do-Hạnh Phúc
---------------

Số: 05/2008/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 14 tháng 01 năm 2008

NGHỊ ĐỊNH

VỀ QUỸ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ bảo vệ và phát triển rừng (sau đây gọi tắt là Quỹ).

2. Trong trường hợp điều ước hoặc thoả thuận quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác với quy định của Nghị định này thì áp dụng quy định của điều ước hoặc thoả thuận quốc tế đó.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan nhà nước; tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn trong nước tham gia đóng góp, tài trợ hoặc được nhận hỗ trợ từ Quỹ; tổ chức quốc tế, tổ chức và cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia đóng góp, tài trợ cho Qũy.

Điều 3. Mục đích thành lập Quỹ

1. Huy động các nguồn lực của xã hội để bảo vệ và phát triển rừng, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hoá nghề rừng.

2. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng của những người được hưởng lợi từ rừng hoặc có các hoạt động ảnh hưởng trực tiếp đến rừng.

3. Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, sử dụng và bảo vệ rừng cho các chủ rừng, góp phần thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp.

Điều 4. Nguyên tắc hoạt động của Quỹ

1. Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, nhưng phải bảo toàn vốn nhà nước cấp ban đầu.

2. Quỹ hỗ trợ cho các chương trình, dự án hoặc các hoạt động phi dự án mà ngân sách nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng yêu cầu đầu tư.

3. Phải đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả, sử dụng đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật.

Điều 5. Điều kiện thành lập Quỹ

1. Có nhu cầu thành lập Quỹ để phục vụ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng.

2. Có khả năng huy động các nguồn tài chính và tổ chức quản lý Quỹ, đảm bảo Quỹ hoạt động ổn định, lâu dài và hiệu quả.

3. Có cam kết bảo toàn vốn nhà nước cấp ban đầu.

4. Có đề án (phương án) thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập.

Chương 2.

TỔ CHỨC QUẢN LÝ VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ

Điều 6. Nhiệm vụ và quyền hạn của Quỹ

1. Nhiệm vụ của Quỹ

a) Vận động, tiếp nhận và quản lý các khoản đóng góp bắt buộc; nguồn viện trợ, tài trợ, đóng góp tự nguyện, uỷ thác của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước; nguồn tài chính hỗ trợ từ ngân sách nhà nước;

b) Tổ chức thẩm định, xét chọn chương trình, dự án hoặc các hoạt động phi dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc quyết định hỗ trợ đầu tư;

c) Hỗ trợ tài chính cho các chương trình, dự án hoặc các hoạt động phi dự án;

d) Chỉ đạo, hướng dẫn các đối tượng được hưởng nguồn tài chính do Quỹ hỗ trợ;

đ) Thực hiện các quy định của pháp luật về thống kê, kế toán và kiểm toán;

e) Thực hiện các nhiệm vụ khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao hoặc quy định.

2. Quyền hạn của Quỹ

a) Phân bổ kinh phí cho từng chương trình, dự án hoặc các hoạt động phi dự án theo kế hoạch hàng năm được phê duyệt;

b) Kiểm tra, đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện chương trình, dự án hoặc các hoạt động phi dự án được Quỹ hỗ trợ;

c) Đình chỉ, thu hồi kinh phí đã hỗ trợ khi phát hiện tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn vi phạm cam kết về sử dụng kinh phí hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật liên quan;

d) Kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành, bổ sung, sửa đổi các quy định về đối tượng, hoạt động được hỗ trợ từ Quỹ.

3. Quỹ là tổ chức tài chính nhà nước có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Tổ chức Quỹ

1. Tổ chức Quỹ ở Trung ương

a) Quỹ ở Trung ương (sau đây gọi là Quỹ Trung ương) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp quyết định thành lập và quản lý;

b) Bộ máy quản lý và điều hành của Quỹ gồm có Hội đồng quản lý Quỹ (sau đây gọi tắt là Hội đồng), Ban Kiểm soát và bộ máy điều hành.

- Hội đồng quản lý Quỹ do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định thành lập. Hội đồng quản lý Quỹ gồm Chủ tịch Hội động, Phó Chủ tịch Hội đồng và các ủy viên Hội đồng. Các thành viên Hội đồng hoạt động bán chuyên trách.

Chủ tịch Hội đồng là đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Phó Chủ tịch Hội đồng do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định bổ nhiệm.

Các ủy viên Hội đồng do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định bổ nhiệm, gồm cán bộ lãnh đạo cấp Vụ của các Bộ, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư.

Hội đồng quản lý Quỹ chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của mình trước pháp luật và trước Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Ban Kiểm soát Quỹ do Hội đồng quản lý Quỹ quyết định.

- Bộ máy điều hành Quỹ được thiết lập tại Cục Lâm nghiệp (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản lý Quỹ, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và trước pháp luật.

c) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Quỹ.

2. Tổ chức Quỹ ở cấp tỉnh

a) Quỹ ở cấp tỉnh (sau đây gọi là Quỹ cấp tỉnh) do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập khi đảm bảo các điều kiện quy định tại Điều 5 Nghị định này. Quỹ trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

b) Bộ máy quản lý và điều hành của Quỹ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định.

3. Nhà nước khuyến khích thành lập Quỹ ở cấp huyện, xã, thôn; nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Quỹ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

Điều 8. Mối quan hệ giữa Quỹ Trung ương và Quỹ cấp tỉnh

1. Trách nhiệm của Quỹ Trung ương

a) Hỗ trợ kinh phí cho Quỹ cấp tỉnh;

b) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng nguồn kinh phí do Quỹ Trung ương hỗ trợ;

c) Hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm về nghiệp vụ quản lý Quỹ.

2. Trách nhiệm của Quỹ cấp tỉnh

a) Tiếp nhận, quản lý, sử dụng các khoản hỗ trợ từ Quỹ Trung ương;

b) Chịu sự kiểm tra, giám sát của Quỹ Trung ương đối với nguồn vốn do Quỹ Trung ương hỗ trợ;

c) Báo cáo tình hình quản lý và sử dụng Quỹ cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chương 3.

NGUỒN TÀI CHÍNH HÌNH THÀNH QUỸ VÀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG QŨY

Điều 9. Nguồn tài chính hình thành Quỹ

1. Nguồn tài chính của Quỹ Trung ương

a) Ngân sách nhà nước hỗ trợ ban đầu khi thành lập là 100 tỷ đồng và cấp đủ trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày Quỹ được thành lập;

b) Tài trợ đóng góp tự nguyện của các tổ chức quốc tế; tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước;

c) Vốn nhận ủy thác từ các tổ chức quốc tế, tổ chức và cá nhân trong nước và ngoài nước, từ các Quỹ và các nguồn tài chính khác.

2. Nguồn tài chính của Quỹ cấp tỉnh

a) Ngân sách nhà nước cấp tỉnh hỗ trợ vốn ban đầu khi thành lập. Mức hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định theo thẩm quyền;

b) Nguồn thu từ các khoản đóng góp bắt buộc của các đối tượng quy định tại Điều 10 Nghị định này;

c) Tài trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức quốc tế; tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước;

d) Vốn nhận ủy thác từ các tổ chức quốc tế, tổ chức và cá nhân trong nước và ngoài nước; từ các Quỹ và các nguồn tài chính khác;

đ) Nguồn hỗ trợ từ Quỹ Trung ương.

Điều 10. Đối tượng đóng góp bắt buộc cho Quỹ ở cấp tỉnh

1. Đóng góp của chủ rừng khi còn khai thác, kinh doanh gỗ trong những trường hợp sau dây:

a) Tổ chức kinh tế được Nhà nước giao rừng sản xuất không thu tiền sử dụng rừng;

b) Tổ chức kinh tế được Nhà nước giao rừng sản xuất có thu tiền sử dụng rừng hoặc nhận chuyển nhượng rừng nhưng tiền sử dụng rừng, tiền chuyển nhượng rừng đã trả có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước;

c) Hộ gia đình, cá nhân được giao rừng sản xuất không thu tiền sử dụng rừng.

2. Đóng góp của cơ sở kinh doanh cảnh quan, nghỉ dưỡng, dịch vụ sinh thái - môi trường rừng.

3. Đóng góp từ các dự án đầu tư phải khai thác rừng để giải phóng mặt bằng và có yêu cầu phải trồng lại rừng nhưng không có điều kiện.

4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính quy định mức tiền đóng góp và cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm tổ chức thu các khoản đóng góp cho Quỹ.

Điều 11. Các trường hợp được miễn, giảm tiền đóng góp

1. Các trường hợp được miễn đóng góp:

a) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định này khai thác, kinh doanh gỗ gặp thiên tai, bất khả kháng gây tổn thất đến khối lượng gỗ đã khai thác thì được xem xét miễn toàn phần hay một phần tiền đóng góp;

b) Hộ gia đình, cá nhân được quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định này được phép khai thác gỗ để giải quyết nhu cầu gia dụng của hộ gia đình, cá nhân đó được miễn toàn bộ tiền đóng góp.

2. Các trường hợp được giảm mức đóng góp:

Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định này trực tiếp khai thác, kinh doanh gỗ thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn theo quy định tại Luật Đầu tư ngày 29 tháng 11 năm 2005 được giảm 50% mức đóng góp.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính quy định trình tự, thủ tục và thẩm quyền xét miễn, giảm tiền đóng góp quy định tại các khoản 1, khoản 2 Điều này.

Điều 12. Đối tượng và nội dung được hỗ trợ

1. Đối tượng được hỗ trợ là các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn trong nước có chương trình, dự án hoặc các hoạt động phi dự án theo các nội dung quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Các nội dung được hỗ trợ

Tùy theo điều kiện cụ thể của Quỹ ở từng cấp, nội dung các chương trình, dự án hoặc các hoạt động phi dự án được xem xét, hỗ trợ bao gồm:

a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng;

b) Thử nghiệm và phổ biến, nhân rộng mô hình bảo vệ và phát triển rừng, quản lý rừng bền vững;

c) Hỗ trợ kinh phí để chống chặt, phá rừng và sản xuất, kinh doanh, vận chuyển lâm sản trái phép;

d) Thử nghiệm, ứng dụng giống cây trồng lâm nghiệp mới;

đ) Hỗ trợ trồng cây phân tán;

e) Phát triển lâm sản ngoài gỗ trên đất lâm nghiệp;

g) Đào tạo nguồn nhân lực cho việc bảo vệ và phát triển rừng ở cơ sở;

h) Thực hiện chương trình, dự án hoặc các hoạt động phi dự án khác do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước uỷ thác.

Điều 13. Điều kiện được hỗ trợ

1. Chương trình, dự án hoặc các hoạt động phi dự án phải được cấp có thẩm quyền quyết định.

2. Tổ chức được hỗ trợ có đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn về lâm nghiệp và kinh nghiệm thực hiện chương trình, dự án hoặc các hoạt động phi dự án do Quỹ hỗ trợ.

3. Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn được hỗ trợ có đủ năng lực dân sự thực hiện chương trình, dự án hoặc các hoạt động phi dự án do Quỹ hỗ trợ.

4. Có cam kết hoàn trả toàn bộ hoặc một phần vốn theo quy định của cơ quan có thẩm quyền thành lập Quỹ.

Điều 14. Phương thức hỗ trợ tài chính của Quỹ

1. Hỗ trợ không hoàn lại toàn phần hoặc một phần vốn cho việc thực hiện các chương trình, dự án hoặc các hoạt động phi dự án được quy định tại Điều 12 Nghị định này.

2. Cơ quan có thẩm quyền thành lập Quỹ quy định cụ thể trình tự, thủ tục, đối tượng được hỗ trợ không hoàn lại toàn phần hoặc một phần vốn tuỳ theo từng loại chương trình, dự án hoặc các hoạt động phi dự án; đồng thời quy định mức hỗ trợ, thời gian hoàn trả khoản hỗ trợ, các trường hợp được xét miễn, giảm khoản kinh phí phải hoàn trả.

Điều 15. Công tác lập dự toán, quyết toán tài chính Quỹ

1. Quỹ Trung ương

a) Hàng năm, Quỹ có trách nhiệm lập và báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kế hoạch thu, chi tài chính của Quỹ;

b) Định kỳ (quý, năm), Quỹ lập và gửi báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch thu, chi tài chính Quỹ gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Kết thúc niên độ kế toán, Quỹ lập báo cáo quyết toán tài chính năm trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, phê duyệt.

2. Quỹ cấp tỉnh

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định trình tự, thủ tục lập và báo cáo kế hoạch thu, chi tài chính; quyết toán thu, chi Quỹ ở cấp tỉnh phù hợp với quy định của pháp luật về tài chính.

Chương 4.

XÉT DUYỆT VÀ QUẢN LÝ CÁC CHUƠNG TRÌNH, DỰ ÁN HOẶC CÁC HOẠT ĐỘNG PHI DỰ ÁN ĐƯỢC QUỸ HỖ TRỢ

Điều 16. Thủ tục, trình tự đăng ký, xét duyệt chương trình, dự án hoặc các hoạt động phi dự án

1. Quỹ Trung ương

Việc đăng ký, xét duyệt chương trình, dự án hoặc các hoạt động phi dự án đề nghị Quỹ Trung ương hỗ trợ được quy định như sau:

a) Các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 12 có yêu cầu hỗ trợ phải gửi hồ sơ đăng ký cho cơ quan điều hành của Quỹ.

Hồ sơ gồm có:

- Văn bản đề nghị hỗ trợ;

- Chương trình, dự án hoặc các hoạt động phi dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Cơ quan điều hành của Quỹ chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thẩm định, trình Hội đồng quản lý Quỹ xem xét, phê duyệt;

c) Sau khi Hội đồng quản lý Quỹ có quyết định phê duyệt, Giám đốc Quỹ thông báo cho đối tượng được hỗ trợ biết và chỉ đạo triển khai thực hiện.

2. Quỹ cấp tỉnh

Việc đăng ký, thẩm định, xét duyệt các chương trình, dự án hoặc các hoạt động phi dự án được Quỹ cấp tỉnh hỗ trợ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định.

Điều 17. Triển khai thực hiện các chương trình, dự án hoặc các hoạt động phi dự án

1. Các tổ chức, cộng đồng dân cư thôn được hỗ trợ theo chương trình, dự án có trách nhiệm thành lập ban quản lý dự án, tổ chức thực hiện chương trình, dự án đã được phê duyệt.

2. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được hỗ trợ theo hoạt động phi dự án không thành lập ban quản lý dự án, nhưng phải phân công người theo dõi và chỉ đạo tổ chức thực hiện hoạt động được phê duyệt.

Điều 18. Kiểm tra, đánh giá thực hiện các chương trình, dự án hoặc các hoạt động phi dự án

1. Quỹ Trung ương

Cơ quan điều hành của Quỹ chỉ đạo thực hiện, kiểm tra tình hình thực hiện các chương trình, dự án hoặc các hoạt động phi dự án được Quỹ Trung ương hỗ trợ theo định kỳ hoặc đột xuất. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan điều hành của quỹ có thể thuê tư vấn để kiểm tra và đánh giá tình hình thực hiện các chương trình, dự án hoặc các hoạt động phi dự án do Quỹ Trung ương hỗ trợ.

2. Quỹ cấp tỉnh

Việc tổ chức kiểm tra, đánh giá thực hiện các chương trình, dự án hoặc hoạt động phi dự án của Quỹ cấp tỉnh do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

Chương 5.

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI QŨY

Điều 19. Trách nhiệm các Bộ, ngành Trung ương

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Ban hành Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Trung ương và Điều lệ mẫu hoạt động Quỹ cấp tỉnh;

b) Phê duyệt kế hoạch hoạt động hàng năm của Quỹ Trung ương;

c) Phê duyệt dự toán, quyết toán hàng năm của Quỹ Trung ương;

d) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của Quỹ Trưng ương và Quỹ cấp tỉnh;

đ) Được Chính phủ ủy quyền thực hiện đàm phán và ký kết các thoả thuận hỗ trợ tài chính song phương với các nhà tài trợ quốc tế cam kết đóng góp cho Quỹ theo quy định của pháp luật;

e) Hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình hoạt động và kết quả thực hiện chương trình, dự án hoặc các hoạt động phi dự án của cả hệ thống Quỹ Trung ương và Quỹ cấp tỉnh.

2. Bộ Tài chính

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn Quỹ các cấp thực hiện chế độ quản lý và sử dụng nguồn tài chính của Quỹ;

b) Cấp đủ vốn hỗ trợ ban đầu cho Quỹ Trung ương trong thời hạn 2 năm, kể từ khi thành lập Quỹ theo kế hoạch ngân sách được duyệt;

c) Kiểm tra, giám sát hoạt động về tài chính của Quỹ Trung ương và cấp tỉnh.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch cấp vốn hỗ trợ ban đầu cho Quỹ, trình Chính phủ xem xét và quyết định.

4. Các Bộ, ngành liên quan khác thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong phạm vi được phân công đối với hoạt động của Quỹ.

Điều 20. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Quỹ ở cấp mình theo Điều lệ mẫu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Chỉ đạo, kiểm tra Quỹ trong việc huy động, đóng góp bắt buộc, tài trợ nguồn tài chính cho Quỹ cấp tỉnh.

3. Triển khai và giám sát chương trình, dự án hoặc các hoạt động phi dự án được hỗ trợ từ Quỹ Trung ương và Quỹ cấp tỉnh trên địa bàn.

4. Chỉ đạo cơ quan Quỹ ở cấp tỉnh lập dự toán, quyết toán thu, chi Quỹ và thực hiện chế độ báo cáo cho Ủy ban nhân dân, cơ quan tài chính cùng cấp và Quỹ Trung ương.

Chương 6.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 21. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 22. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 05/2008/NĐ-CP về việc quỹ bảo vệ và phát triển rừng

  • Số hiệu: 05/2008/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 14/01/2008
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 39 đến số 40
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản