Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh Phúc
------------------

Số: 36/2004/QĐ-UB

Tam Kỳ, ngày 4 tháng 6 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ MỨC THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI NƯỚC THẢI SINH HOẠT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND & UBND các cấp ngày 26/11/2003;

Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28/8/2001 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;

Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí;

Căn cứ Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí; Thông tư số 71/2003/TT-BTC ngày 30/7/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Căn cứ Nghị quyết số 88/2004/NQ-HĐND ngày 25/3/2004 của HĐND tỉnh Quảng Nam Khoá VI, kỳ họp thứ 16 về thu, quản lý, sử dụng một số loại phí trên địa bàn tỉnh Quảng Nam;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số 731/STC-NS ngày 13 tháng 5 năm 2004;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay ban hành mức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Quảng Nam như sau:

1- Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là khoản thu vào các đối tượng có nước thải sinh hoạt nhằm bù đắp chi phí bảo vệ môi trường, đầu tư, nạo vét cống rãnh, duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước.

2- Đối tượng nộp:

- Hộ gia đình (trừ hộ gia đình ở địa bàn đang được Nhà nước thực hiện chế độ bù giá để có giá nước sinh hoạt phù hợp với đời sống kinh tế- xã hội; hộ gia đình ở những nơi chưa có hệ thống cấp nước sạch; hộ gia đình ở nông thôn bao gồm: các xã thuộc biên giới, miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa; các xã không thuộc đô thị đặc biệt, đô thị loại I, II, III, IV, V theo quy định tại Nghị định số 72/2001/NĐ-CP ngày 5/10/2001 của Chính phủ).

- Cơ quan Nhà nước.

- Đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân.

- Trụ sở điều hành, Chi nhánh, Văn phòng của các tổ chức, cá nhân.

- Các cơ sở rửa ô tô, xe máy.

- Bệnh viện, phòng khám chữa bệnh, nhà hàng, khách sạn, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác.

- Các đối tượng khác có nước thải sinh hoạt không thuộc đối tượng quy định nêu trên.

3- Mức thu:

a- Đối với các hộ gia đình:

- Sử dụng nước sạch của đơn vị cung cấp nước thì mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt được tính 8% (tám phần trăm) trên giá bán của 1m3 (một mét khối) nước sạch (giá bán chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) và thu trên số lượng nước sạch thực tế sử dụng.

- Nếu tự khai thác nước để sử dụng (không sử dụng nước của đơn vị cung ứng nước sạch) thì phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt được tính theo từng người sử dụng nước với mức thu 600 đồng/ người/ tháng.

b- Đối với các đối tượng còn lại (quy định tại mục 2):

- Sử dụng nước sạch của đơn vị cung ứng nước sạch thì mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt được tính 10% (mười phần trăm) trên giá bán của 1m3 (một mét khối) nước sạch (giá bán chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) và thu trên số lượng nước sạch thực tế sử dụng.

- Tự khai thác nước để sử dụng thì phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt được tính theo lượng nước sử dụng bình quân hàng tháng sau khi thống nhất với cơ quan thu, với mức thu 300 đồng/m3.

4- Tổ chức thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền phí:

a- Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là phí thuộc ngân sách Nhà nước. Đơn vị cung cấp nước sạch, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi tắt là cơ quan thu) có trách nhiệm:

- Tổ chức thu, nộp phí theo đúng quy định tại Quyết định này; niêm yết hoặc thông báo công khai mức thu phí tại các địa điểm thu phí; khi thu phí phải lập và cấp biên lai thu phí (đối với UBND xã, phường, thị trấn), hoá đơn (đối với đơn vị cung cấp nước sạch) cho đối tượng nộp phí theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế. Biên lai thu phí nhận tại tại cơ quan Thuế địa phương nơi đơn vị đóng trụ sở (hoặc hoá đơn tự in để sử dụng theo mẫu quy định và đã được cơ quan Thuế chấp nhận cho sử dụng).

- Mở tài khoản “tạm giữ tiền phí” tại Kho bạc Nhà nước nơi cơ quan thu đóng trụ sở để theo dõi, quản lý tiền phí thu được; định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần phải gửi tiền phí đã thu được vào tài khoản tạm giữ tiền phí, trích nộp tiền phí vào ngân sách Nhà nước; mở sổ sách kế toán để theo dõi, phản ánh việc thu, nộp và quản lý, sử dụng số tiền phí thu được theo chế độ kế toán hiện hành của Nhà nước.

- Đăng ký, kê khai, thu, nộp phí với cơ quan Thuế trực tiếp quản lý theo đúng quy định tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về phí, lệ phí.

- Thực hiện chế độ công khai tài chính theo quy định của pháp luật.

b- Tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt được quản lý, sử dụng như sau:

- Đơn vị cung cấp nước sạch được trích để lại 8% (tám phần trăm) trên tổng số phí thu được; Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn được trích để lại 15% (mười lăm phần trăm) trên tổng số phí thu được để trang trải chi phí cho việc thu phí theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt với nội dung chi cụ thể sau đây:

+ Chi trả các khoản tiền lương hoặc tiền công, các khoản phụ cấp, các khoản bồi dưỡng, làm việc thêm giờ, ngoài giờ, các khoản đóng góp theo tiền lương, tiền công cho người lao động (kể cả lao động thuê ngoài) phục vụ việc thu phí theo chế độ hiện hành.

+ Chi phí phục vụ cho việc thu phí như vật tư văn phòng, tiền điện thoại, điện, nước, công tác phí, công vụ phí, in (mua) tờ khai, các loại ấn chỉ khác theo tiêu chuẩn, định mức hiện hành.

+ Chi sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn tài sản, máy móc, thiết bị phục vụ cho việc thu phí.

+ Chi mua sắm vật tư, nguyên liệu, thiết bị, công cụ làm việc và các khoản chi hợp lý khác.

+ Trích quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi cho cán bộ, nhân viên trực tiếp thu phí trong đơn vị. Mức trích lập 2 (hai) quỹ trên bình quân một người một năm tối đa không quá 3 (ba) tháng lương, nếu thực hiện số thu năm sau cao hơn năm trước và bằng 2 (hai) tháng lương, nếu thực hiện số thu năm sau thấp hơn hoặc bằng năm trước.

Riêng đối với cơ quan thu phí là đơn vị sự nghiệp có thu theo Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 của Chính phủ thì nội dung chi cụ thể thực hiện theo phương án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

- Số tiền phí còn lại (sau khi trừ đi số phí trích để lại cho đơn vị cung cấp nước sạch, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn), cơ quan thu nộp vào ngân sách Nhà nước theo mục 042, tiểu mục 01 mục lục ngân sách Nhà nước hiện hành và phân chia cho các cấp ngân sách như sau:

+ Ngân sách Trung ương 50%.

+ Ngân sách huyện, thị 50% (đối với phần nộp ngân sách do đơn vị cung cấp nước sạch thu nộp); ngân sách xã, phường, thị trấn 50% (đối với phần nộp ngân sách do xã, phường, thị trấn thu nộp) để sử dụng cho việc bảo vệ môi trường trên địa bàn (phòng ngừa, khắc phục và xử lý ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường), đầu tư mới, nạo vét cống rãnh, duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước tại địa phương.

c. Hàng năm, cơ quan thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt phải lập dự toán thu - chi số tiền phí để lại gửi cơ quan quản lý cấp trên, cơ quan Tài chính, cơ quan Thuế cùng cấp, Kho bạc Nhà nước nơi mở tài khoản tạm giữ tiền phí; đồng thời phải quyết toán thu, chi theo thực tế, nếu chưa chi hết trong năm thì được chuyển sang năm sau tiếp tục chi theo chế độ quy định.

d. Việc quyết toán phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt cùng thời gian với việc quyết toán ngân sách Nhà nước. Hàng năm cơ quan thu phí thực hiện quyết toán việc sử dụng biên lai thu phí, số tiền phí thu được, số tiền phí để lại cho đơn vị, số tiền phí phải nộp ngân sách, số tiền phí đã nộp và số tiền phí còn phải nộp ngân sách Nhà nước với cơ quan Thuế trực tiếp quản lý; quyết toán việc sử dụng số tiền được trích để lại với cơ quan Tài chính cùng cấp theo đúng quy định.

Điều 2. Tổ chức thực hiện.

Giao Sở Tài chính phối hợp với các ngành và đơn vị liên quan triển khai hướng dẫn thực hiện Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký, các Quy định trước đây trái với Quyết định này không còn hiệu lực thi hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, ngành: Tài chính, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Kho bạc Nhà nước, Cục trưởng Cục Thuế, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Giám đốc Công ty Xây dựng và Cấp thoát nước Quảng Nam, Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Quảng Nam, thủ trưởng các cơ quan và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tài chính,
- Đoàn ĐB Quốc hội,
- TVTU
- TT HĐND - UBND tỉnh,
- Như điều 3,
- Các ban HĐND tỉnh,
- Các đại biểu HĐND tỉnh,
- CPVP, VPTU
- Lưu VT, TH, NC, KTTH.

TM/ UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Phúc