Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10/2002/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 16 tháng 1 năm 2002

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 10/2002/NĐ-CP NGÀY 16 THÁNG 01 NĂM 2002 VỀ CHẾ ĐỘ TÀI CHÍNH ÁP DỤNG CHO ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÓ THU

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 20 tháng 3 năm 1996;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước số 06/1998/QH10 ngày 20 tháng 5 năm 1998;
Nhằm quản lý thống nhất nguồn thu, chi tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp tăng thu bảo đảm trang trải kinh phí hoạt động;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.

1. Nghị định này quy định chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp hoạt động có thu do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước quyết định thành lập (gọi tắt là đơn vị sự nghiệp có thu).

2. Các đơn vị sự nghiệp có thu được phân loại như sau:

a) Đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên (gọi tắt là đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi phí).

b) Đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên (gọi tắt là đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi phí).

3. Nghị định này không áp dụng đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Điều 2. Các đơn vị sự nghiệp có thu được tự chủ tài chính, được chủ động bố trí kinh phí để thực hiện nhiệm vụ, được ổn định kinh phí hoạt động thường xuyên do ngân sách Nhà nước cấp đối với đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi phí theo định kỳ 3 năm và hàng năm được tăng thêm theo tỷ lệ do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 3. Các đơn vị sự nghiệp có thu được vay tín dụng ngân hàng hoặc Quỹ hỗ trợ phát triển để mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động sự nghiệp, tổ chức sản xuất cung ứng dịch vụ và tự chịu trách nhiệm trả nợ vay theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Đơn vị sự nghiệp có thu quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước theo quy định đối với đơn vị hành chính sự nghiệp. Đối với tài sản cố định sử dụng vào sản xuất, cung ứng dịch vụ đơn vị thực hiện trích khấu hao thu hồi vốn theo chế độ áp dụng cho các doanh nghiệp nhà nước. Số tiền trích khấu hao tài sản cố định và tiền thu do thanh lý tài sản thuộc nguồn ngân sách Nhà nước được để lại đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị của đơn vị.

Điều 5. Đơn vị sự nghiệp có thu được mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng hoặc tại Kho bạc Nhà nước để phản ánh các khoản thu, chi của hoạt động sản xuất, cung ứng dịch vụ; mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để phản ánh các khoản kinh phí thuộc ngân sách Nhà nước.

Điều 6. Đơn vị sự nghiệp có thu được chủ động sử dụng số biên chế được cấp có thẩm quyền giao; sắp xếp và quản lý lao động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị theo Pháp lệnh Cán bộ, công chức và chủ trương tinh giản biên chế của Nhà nước. Những người thuộc diện giảm biên chế được hưởng chế độ, quyền lợi do Nhà nước quy định.

Đơn vị sự nghiệp có thu được thực hiện chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động phù hợp với khối lượng công việc và khả năng tài chính của đơn vị.

Các chế độ về tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; chế độ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn đối với người lao động, thực hiện theo quy định hiện hành và những quy định của Nghị định này.

Điều 7. Đơn vị sự nghiệp hoạt động sản xuất, cung ứng dịch vụ có thu chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước và được hưởng các quyền lợi về miễn, giảm thuế theo quy định hiện hành.

Chương 2:

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

I. NGUỒN TÀI CHÍNH VÀ NỘI DUNG CHI CỦA ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÓ THU

Điều 8. Nguồn tài chính

1. Ngân sách nhà nước cấp:

a) Kinh phí hoạt động thường xuyên đối với đơn vị tự bảo đảm một phần chi phí.

b) Kinh phí thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, ngành, chương trình mục tiêu quốc gia và các nhiệm vụ đột xuất khác được cấp có thẩm quyền giao.

c) Kinh phí thanh toán cho đơn vị theo chế độ đặt hàng để thực hiện các nhiệm vụ của Nhà nước đặt hàng (điều tra, quy hoạch, khảo sát...) theo giá hoặc khung giá do Nhà nước quy định.

d) Kinh phí cấp để thực hiện tinh giản biên chế theo chế độ do Nhà nước quy định đối với số lao động trong biên chế thuộc diện tinh giản.

đ) Vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang, thiết bị phục vụ hoạt động sự nghiệp theo dự án và kế hoạch hàng năm; vốn đối ứng cho các dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Nguồn thu sự nghiệp của đơn vị:

a) Phần được để lại từ số phí, lệ phí thuộc ngân sách Nhà nước do đơn vị thu theo quy định. Mức thu phí, lệ phí và tỷ lệ nguồn thu được để lại đơn vị sử dụng theo quy định của Nhà nước.

b) Thu từ hoạt động sản xuất, cung ứng dịch vụ. Mức thu các hoạt động này do Thủ trưởng đơn vị quyết định theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí và có tích luỹ.

c) Các khoản thu sự nghiệp khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

3. Nguồn khác theo quy định của pháp luật như viện trợ, vay nợ, quà biếu, tặng (nếu có).

Điều 9. Nội dung chi

1. Chi hoạt động thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao.

2. Chi hoạt động sản xuất, cung ứng dịch vụ.

3. Chi thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, ngành và cấp cơ sở; chương trình mục tiêu quốc gia; chi thực hiện đơn đặt hàng (điều tra, quy hoạch, khảo sát ...); chi vốn đối ứng thực hiện các dự án có vốn nước ngoài theo quy định.

4. Chi thực hiện tinh giản biên chế theo chế độ do Nhà nước quy định.

5. Chi đầu tư phát triển, gồm: Chi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, chi thực hiện các dự án đầu tư theo quy định.

6. Chi thực hiện các nhiệm vụ đột xuất được cấp có thẩm quyền giao.

7. Các khoản chi khác.

Điều 10. Thủ trưởng đơn vị được quyết định mức chi quản lý, chi nghiệp vụ cao hơn mức chi do Nhà nước quy định tùy theo nội dung và hiệu quả công việc trong phạm vi nguồn tài chính được sử dụng.

II. TIỀN LƯƠNG, TIỀN CÔNG CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG

Điều 11. Nhà nước khuyến khích đơn vị tăng thu, tiết kiệm chi, thực hiện tinh giản biên chế, tạo điều kiện tăng thu nhập cho người lao động trên cơ sở hoàn thành nhiệm vụ được giao, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước. Căn cứ vào kết quả hoạt động tài chính trong năm, Thủ trưởng đơn vị được xác định quỹ tiền lương, tiền công của đơn vị, như sau:

1. Đối với đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm chi phí: Hệ số điều chỉnh tăng thêm mức lương tối thiểu không quá 2,5 lần so với mức tiền lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định.

2. Đối với đơn vị sự nghiệp có thu bảo đảm một phần chi phí: Hệ số điều chỉnh tăng thêm mức lương tối thiểu không quá 2 lần so với mức tiền lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định.

Trong phạm vi tổng quỹ tiền lương, tiền công được xác định theo mức trên, sau khi thống nhất với tổ chức Công đoàn và được công khai trong đơn vị, Thủ trưởng đơn vị quyết định việc chi trả tiền lương, tiền công theo chất lượng và hiệu quả thực hiện công việc trên nguyên tắc người nào, bộ phận nào có thành tích, có đóng góp làm tăng thu, tiết kiệm chi, có hiệu suất công tác cao thì được trả tiền lương, tiền công cao hơn.

Điều 12. Khi Nhà nước điều chỉnh các quy định về tiền lương, nâng mức lương tối thiểu hoặc thay đổi định mức, chế độ, tiêu chuẩn chi ngân sách Nhà nước, đơn vị sự nghiệp tự trang trải các khoản chi tăng thêm theo chính sách chế độ mới.

III. LẬP VÀ CHẤP HÀNH DỰ TOÁN THU, CHI

Điều 13. Đơn vị sự nghiệp có thu căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, nhiệm vụ của năm kế hoạch, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành; căn cứ vào kết quả hoạt động tài chính của năm trước liền kề lập dự toán thu, chi năm kế hoạch gửi cơ quan quản lý cấp trên.

Điều 14. Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp có thu phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp căn cứ vào dự toán thu, chi của năm đầu thời kỳ ổn định, tình hình thực hiện dự toán thu, chi của năm trước liền kề (sau khi loại trừ các yếu tố đột xuất, không thường xuyên) được cấp có thẩm quyền phê duyệt, để xác định loại đơn vị sự nghiệp có thu theo quy định tại Điều 1 của Nghị định này.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân các cấp thẩm tra dự toán thu, chi của đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc và phê duyệt mức ngân sách Nhà nước bảo đảm hoạt động thường xuyên cho đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm một phần chi phí sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính (đối với đơn vị sự nghiệp thuộc Trung ương), cơ quan tài chính các cấp của địa phương (đối với đơn vị sự nghiệp thuộc địa phương).

Trong thời gian được ngân sách Nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động ổn định, hàng năm đơn vị lập dự toán thu, chi gửi Bộ chủ quản (đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc Trung ương), cơ quan chủ quản của địa phương (đối với đơn vị sự nghiệp thuộc địa phương), Kho bạc Nhà nước nơi đơn vị mở tài khoản để kiểm soát chi theo quy định hiện hành và quy định tại Nghị định này.

Trong quá trình thực hiện, đơn vị được điều chỉnh dự toán thu, chi trong phạm vi nguồn tài chính được sử dụng cho phù hợp với tình hình thực tế và gửi cơ quan chủ quản, Kho bạc Nhà nước để theo dõi, quản lý.

Điều 15. Hàng năm, cơ quan tài chính thực hiện cấp phát kinh phí từ ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và quy định tại Nghị định này.

Điều 16. Kinh phí ngân sách Nhà nước bảo đảm hoạt động thường xuyên và các khoản thu sự nghiệp, cuối năm chưa chi hết đơn vị được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng.

IV. TRÍCH LẬP VÀ SỬ DỤNG CÁC QUỸ

Điều 17. Trích lập các quỹ

Hàng năm, sau khi trang trải toàn bộ chi phí hoạt động và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật; số chênh lệch (nếu có) giữa phần thu (sau khi loại trừ kinh phí nghiên cứu khoa học; chương trình mục tiêu quốc gia; các nhiệm vụ đột xuất được cấp có thẩm quyền giao; kinh phí thực hiện tinh giản biên chế; vốn đầy tư xây dựng cơ bản, vốn đối ứng của ngân sách Nhà nước; vốn vay, viện trợ) và phần chi tương ứng, đơn vị được trích lập các quỹ: Qũy Dự phòng ổn định thu nhập, Quỹ Khen thưởng, Quỹ Phúc lợi và Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp. Việc trích lập các quỹ do Thủ trưởng đơn vị quyết định, sau khi thống nhất với tổ chức Công đoàn của đơn vị và được thực hiện theo trình tự như sau:

1. Trích lập Qũy Dự phòng ổn định thu nhập.

2. Trích lập 2 Quỹ Khen thưởng và Phúc lợi tối đa không vượt quá 3 tháng lương thực tế bình quân trong năm.

3. Trích lập Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp sau khi đã trích lập 3 qũy nêu trên.

Điều 18. Sử dụng các quỹ

1. Qũy Dự phòng ổn định thu nhập để bảo đảm thu nhập cho người lao động trong trường hợp nguồn thu bị giảm sút.

2. Quỹ Khen thưởng được dùng để khen thưởng định kỳ, đột xuất cho tập thể, cá nhân theo kết quả công tác và thành tích đóng góp. Thủ trưởng đơn vị quyết định việc chi Quỹ khen thưởng sau khi thống nhất với tổ chức Công đoàn đơn vị.

3. Quỹ Phúc lợi dùng để xây dựng, sửa chữa các công trình phúc lợi; chi cho các hoạt động phúc lợi tập thể của người lao động trong đơn vị; trợ cấp khó khăn đột xuất cho người lao động kể cả những trường hợp nghỉ hưu, nghỉ mất sức. Chi thêm cho người lao động trong biên chế khi thực hiện tinh giản biên chế. Thủ trưởng đơn vị quyết định việc sử dụng Quỹ phúc lợi sau khi thống nhất với tổ chức Công đoàn đơn vị.

4. Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp dùng để đầu tư, phát triển nâng cao hoạt động sự nghiệp, bổ sung vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm máy móc thiết bị, nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ; trợ giúp thêm đào tạo, huấn luyện nâng cao tay nghề năng lực công tác cho cán bộ, viên chức trong đơn vị. Việc sử dụng Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp vào các mục đích trên do Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp quyết định theo quy định của pháp luật.

V. THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ KẾ TOÁN, THỐNG KÊ, BÁO CÁO, QUYẾT TOÁN, KIỂM TRA VÀ CÔNG KHAI TÀI CHÍNH

Điều 19.

1. Các khoản thu, chi của đơn vị sự nghiệp có thu thuộc ngân sách Nhà nước phải được thể hiện trong ngân sách Nhà nước theo đúng quy định hiện hành.

2. Các đơn vị sự nghiệp có thu tổ chức công tác kế toán, thống kê và báo cáo tài chính theo các quy định của pháp luật về chế độ kế toán thống kê áp dụng cho các đơn vị hành chính sự nghiệp. Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm về những quyết định thu, chi, tài sản, lao động và sự trung thực, khách quan của số liệu kế toán, quyết toán, thống kê và báo cáo tài chính định kỳ.

3. Cơ quan quản lý cấp trên có trách nhiệm xét duyệt quyết toán đối với các đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc. Cơ quan tài chính cùng cấp có trách nhiệm thẩm định báo cáo quyết toán đối với cơ quan quản lý cấp trên theo quy định hiện hành.

4. Đơn vị sự nghiệp có thu thực hiện công khai tài chính theo quy định của pháp luật.

Chương 3:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 20. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 21. Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

Điều 22. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Phan Văn Khải

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 10/2002/NĐ-CP về Chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu

  • Số hiệu: 10/2002/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 16/01/2002
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 9 đến số 10
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản