Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 16/2003/TT-BTC

Hà Nội, ngày 14 tháng 3 năm 2003

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 16/2003/TT-BTC NGÀY 14 THÁNG 03 NĂM 2003 HƯỚNG DẪN NGUỒN THỰC HIỆN ĐIỀU CHỈNH TIỀN LƯƠNG, TRỢ CẤP XÃ HỘI NĂM 2003

Căn cứ Nghị quyết số 09/2002/QH11 ngày 28/11/2002 của Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 2 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 03/2003/NĐ-CP ngày 15/01/2003 của Chính phủ về việc điều chỉnh tiền lương, trợ cấp xã hội và đổi mới một bước cơ chế quản lý tiền lương,
Bộ Tài chính hướng dẫn nguồn thực hiện điều chỉnh tiền lương, trợ cấp xã hội năm 2003 như sau:

I - QUY ĐỊNH CHUNG:

1. Các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương trong phân bổ dự toán ngân sách năm 2003 phải tính toán giao nhiệm vụ thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên (trừ tiền lương, các khoản có tính chất lương, đóng niên liễm với các tổ chức quốc tế, chi chương trình mục tiêu quốc gia, chi trợ giá, trợ cước) đối với từng cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp để thực hiện điều chỉnh tiền lương.

2. Các đơn vị sự nghiệp có thu (bao gồm cả các đơn vị đã thực hiện cơ chế tài chính theo Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 của Chính phủ) sử dụng mức tối thiểu 40% nguồn thu được để lại cho đơn vị (sau khi trừ chi phí thu), riêng ngành y tế sử dụng mức tối thiểu là 35% (bao gồm cả nguồn thu từ bảo hiểm y tế) để thực hiện điều chỉnh tiền lương.

Trường hợp chế độ quy định các đơn vị sự nghiệp có thu phải nộp một phần số thu của đơn vị (từ thu học phí, viện phí, ...) cho cơ quan chủ quản để điều hoà chung, thì các đơn vị sự nghiệp có thu sử dụng mức tối thiểu 40% (riêng ngành y tế sử dụng mức tối thiểu là 35%) nguồn thu được để lại cho đơn vị (sau khi đã nộp) và số thu từ nguồn điều hoà (nếu có) để thực hiện điều chỉnh tiền lương.

3. Các cơ quan hành chính có thu, sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ (sau khi trừ chi phí thu) để thực hiện điều chỉnh tiền lương.

4. Ngân sách địa phương bố trí 50% số tăng thu năm 2002 (chênh lệch giữa số thu thực nộp ngân sách đến 31/12/2002 so với dự toán thu Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố giao đầu năm) và 50% số tăng dự toán thu do Thủ tướng Chính phủ giao năm 2003 so với dự toán thu Thủ tướng Chính phủ giao năm 2002 để thực hiện điều chỉnh tiền lương; dành 50% số tăng thu năm 2003 so với dự toán do Thủ tướng Chính phủ giao năm 2003 để thực hiện điều chỉnh tiền lương năm 2003 và gối đầu cho năm 2004.

5. Ngân sách trung ương bổ sung cho các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương sau khi đã thực hiện những giải pháp trên mà còn thiếu nguồn để đảm bảo thực hiện điều chỉnh tiền lương.

6. Ngân sách trung ương bảo đảm chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tăng thêm (đối với những người nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo) và trợ cấp ưu đãi người có công theo Pháp lệnh Người có công tăng thêm. Đối với những người nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (thuộc đối tượng do Quỹ Bảo hiểm xã hội đảm bảo) do Quỹ Bảo hiểm xã hội chi trả.

7. Đối với lao động hợp đồng theo quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ, nguồn kinh phí chi trả tiền lương và phụ cấp do cơ quan, đơn vị tự đảm bảo từ kinh phí hoạt động thường xuyên và nguồn thu được để lại (nếu có), không thuộc quỹ tiền lương của cơ quan, đơn vị.

II- QUY ĐỊNH CỤ THỂ:

1. Đối với các Bộ, cơ quan Trung ương:

Các Bộ, cơ quan trung ương căn cứ dự toán ngân sách nhà nước năm 2003 đã được giao tại Quyết định 157/2002/QĐ-BTC hoặc Quyết định 229/2002/QĐ-BTC ngày 24/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, căn cứ chỉ tiêu tiết kiệm 10% chi thường xuyên theo từng lĩnh vực đã được thông báo, thực hiện phân bổ ngân sách cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc, trong đó tính toán giao ngay chỉ tiêu thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên cho từng đơn vị để các cơ quan, đơn vị trực thuộc chủ động thực hiện chi trả tiền lương tăng thêm năm 2003; không giữ lại nguồn tiết kiệm 10% của các đơn vị (tập trung tại đơn vị dự toán cấp 1) để thực hiện tiền lương mới tăng thêm.

Khi phân bổ dự toán ngân sách và giao chỉ tiêu tiết kiệm cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc, các Bộ, cơ quan trung ương cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Đối với các đơn vị đã thực hiện thí điểm khoán biên chế và chi quản lý hành chính theo Quyết định 192/2001/QĐ-TTg ngày 17/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ cũng phải thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên để thực hiện tiền lương mới tăng thêm.

- Đối với các đơn vị sự nghiệp không được Nhà nước giao chỉ tiêu biên chế; kinh phí hoạt động (kể cả tiền lương) được tính trong đơn giá sản phẩm do nhà nước đặt hàng (sự nghiệp giao thông, địa chính, địa chất,...): Tại Quyết định 157/2002/QĐ-BTC ngày 24/12/2002, Bộ Tài chính không giao chỉ tiêu tiết kiệm 10% chi thường xuyên; các đơn vị này phải căn cứ vào dự toán ngân sách năm 2003 đã được giao để thực hiện tiền lương tăng thêm theo chế độ.

- Đối với các đơn vị đã thực hiện khoán chi (như: cơ quan Thuế, Kho bạc Nhà nước, Đài Truyền hình Việt nam...) trong quyết định cho phép khoán chi của cấp có thẩm quyền đã quy định trong thời gian khoán đơn vị tự sắp xếp trong mức khoán để đảm bảo các chế độ, chính sách mới ban hành thì các đơn vị đó phải tự đảm bảo tiền lương tăng thêm trong tổng mức kinh phí đã khoán.

- Đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có nguồn thu được để lại theo chế độ, bố trí nguồn thực hiện tiền lương tăng thêm như sau: sử dụng một phần nguồn thu theo chế độ (theo quy định tại điểm 2, 3 mục I nêu trên), sử dụng 10% tiết kiệm chi thường xuyên để thực hiện điều chỉnh tiền lương. Các Bộ, cơ quan trung ương cần chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tính toán và báo cáo các chỉ tiêu sau:

+ Tiền lương tăng thêm theo quy định.

+ Số thu được để lại theo chế độ nếu có (sau khi trừ chi phí thu), trong đó số thu được sử dụng để chi trả tiền lương tăng thêm; số thu nộp cho cơ quan chủ quản để thực hiện điều hoà theo chế độ quy định (nếu có).

Các Bộ, cơ quan trung ương khi phân bổ ngân sách và giao chỉ tiêu tiết kiệm chi thường xuyên cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc phải tính toán nguồn thu của từng đơn vị và số tiết kiệm chi thường xuyên sử dụng để thực hiện tiền lương tăng thêm, đảm bảo sau khi đã trừ đi số tiết kiệm để thực hiện tiền lương mới có mức tăng hợp lý giữa các đơn vị và thực hiện được các nhiệm vụ quan trọng được giao.

- Việc sử dụng số thu và tiết kiệm 10% chi thường xuyên để thực hiện tiền lương tăng thêm theo nguyên tắc:

+ Đơn vị không được sử dụng số thu (kể cả nguồn thu điều hoà giữa các đơn vị), tiết kiệm chi thường xuyên của lĩnh vực này để thực hiện tiền lương tăng thêm cho các lĩnh vực khác.

+ Đối với những lĩnh vực chi của đơn vị không có bộ máy biên chế riêng để thực hiện nhiệm vụ thì đơn vị được sử dụng số tiết kiệm chi thường xuyên, nguồn thu để lại đơn vị theo chế độ (nếu có) để chi các nhiệm vụ thường xuyên.

+ Trường hợp nguồn để thực hiện tăng lương (theo quy định tại mục I nêu trên) lớn hơn nhu cầu chi thực hiện tiền lương mới theo quy định thì đơn vị được sử dụng phần còn dư để thực hiện các nhiệm vụ chi nghiệp vụ khác.

+ Đơn vị sự nghiệp có thu tự đảm bảo kinh phí hoạt động, nếu sau khi sử dụng nguồn thu được để lại theo chế độ mà không đủ chi trả tiền lương theo quy định thì báo cáo cơ quan chủ quản để tổng hợp gửi cơ quan tài chính cùng cấp xem xét trình cấp có thẩm quyền bổ sung kinh phí để thực hiện.

2. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

2.1. Xác định tổng nhu cầu kinh phí tăng thêm khi thực hiện chế độ tiền lương mới cho các đối tượng địa phương quản lý và chi trả lương, gồm cả giáo viên mầm non do tuyến xã quản lý đã được tuyển vào biên chế theo chế độ quy định, cán bộ y tế xã hưởng lương theo ngạch bậc.

Riêng giáo viên mầm non do xã quản lý không thuộc biên chế nhà nước, sau khi sắp xếp các nhiệm vụ chi và áp dụng các biện pháp tạo nguồn theo nguyên tắc trên mà không đủ bảo đảm chi trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo mức lương tối thiểu thì được ngân sách địa phương hỗ trợ từ chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo để giáo viên mầm non có thu nhập không dưới mức lương tối thiểu và đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế như quy định tại Quyết định 161/2002/QĐ-TTg ngày 15/11/2002 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển giáo dục mầm non.

2.2. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo tính toán xác định nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương và một phần nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp, hành chính để thực hiện tiền lương tăng thêm năm 2003, cụ thể như sau:

- Xác định cụ thể kết quả thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách trên địa bàn năm 2002 (số thực nộp Kho bạc nhà nước đến ngày 31/12/2002), trên cơ sở đó tính toán nguồn 50% tăng thu năm 2002 ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước so với dự toán 2002 được Hội đồng nhân dân thông qua đầu năm (không kể số tăng thu của các khoản đầu tư trở lại ở địa phương từ các nguồn thu giao quyền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế tài nguyên rừng, một phần thu từ xổ số kiến thiết, ...).

- Nguồn 50% tăng thu ngân sách địa phương của dự toán năm 2003 so với dự toán 2002 được Thủ tướng Chính phủ giao (không kể các khoản đầu tư trở lại ở địa phương theo chế độ quy định như trên), với mức tối thiểu đã được Bộ Tài chính thông báo, giao tại Quyết định số 158/2002/QĐ-BTC ngày 24 tháng 12 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Trường hợp Hội đồng nhân dân quyết định giao tăng thu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, thì phần thu tăng thêm chủ động dành 50% để chuẩn bị cho thực hiện tiền lương tăng thêm năm 2003 và gối đầu cho năm 2004, địa phương chỉ phân bổ nhiệm vụ chi tương ứng với 50% số tăng thu; trong điều hành cũng thực hiện theo nguyên tắc này.

- Xác định và giao chỉ tiêu tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên cho các Sở, Ban, ngành, các cấp ngân sách trực thuộc tính toán, đảm bảo tổng hợp số tiết kiệm chi thường xuyên 10% của tỉnh, thành phố không thấp hơn số tiết kiệm chi thường xuyên 10% đã được giao tại Quyết định số 158/2002/QĐ-BTC ngày 24 tháng 12 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Ngân sách các cấp ở địa phương không giữ lại 10% chi thường xuyên ở tại cấp ngân sách.

- Xác định và tổng hợp một phần nguồn thu được để lại theo chế độ để thực hiện điều chỉnh tiền lương của các Sở, Ban, ngành, các cấp ngân sách trực thuộc theo nguyên tắc nêu tại điểm 2 và 3 mục I của Thông tư này.

2.3. Hướng dẫn đối với ngân sách cấp dưới (huyện, xã) tổ chức thực hiện tính toán xác định phần thực hiện tiền lương tăng thêm từ phần 50% tăng thu năm 2002; 50% tăng thu dự toán 2003 so dự toán 2002; nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên; một phần nguồn thu để thực hiện tiền lương mới ở đơn vị sự nghiệp, hành chính theo quy định tại điểm 2,3 mục I nêu trên.

Trên cơ sở đó xác định thông báo rõ mức hỗ trợ từ ngân sách cấp tỉnh, thành phố cho ngân sách cấp dưới đối với trường hợp các nguồn của ngân sách cấp dưới không đủ để thực hiện tiền lương tăng thêm.

2.4. Đối với các đơn vị dự toán ngân sách các cấp (Sở, Ban, ... thuộc cấp tỉnh; Phòng, Ban, ... thuộc cấp huyện) tổ chức thực hiện tương tự như đối với các Bộ, cơ quan trung ương nêu tại điểm 1 trên.

III- TRÌNH TỰ LẬP BÁO CÁO, THẨM ĐỊNH NGUỒN KINH PHÍ, CẤP PHÁT, CHI TRẢ VÀ QUYẾT TOÁN QUỸ TIỀN LƯƠNG, PHỤ CẤP, TRỢ CẤP VÀ SINH HOẠT PHÍ TĂNG THÊM NĂM 2003:

1. Lập báo cáo:

1.1. Thủ trưởng các Bộ, cơ quan trung ương chịu trách nhiệm tổng hợp báo cáo về quỹ tiền lương, phụ cấp tăng thêm và nguồn thực hiện (bao gồm nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên, một phần nguồn thu được để lại) và số đề nghị NSTW bổ sung (nếu thiếu) theo biểu mẫu số 1, 2 (kèm theo) gửi Bộ Tài chính trước ngày 31/3/2003 để kiểm tra, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung nguồn thực hiện tiền lương tăng thêm.

- Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổng hợp lập báo cáo về quỹ tiền lương, phụ cấp tăng thêm của địa phương và nguồn thực hiện (như quy định tại mục I Thông tư này) và số đề nghị NSTW bổ sung (nếu thiếu) theo biểu mẫu số 3, 4, 5, 6 (kèm theo) gửi Bộ Tài chính trước ngày 31/3/2003 để kiểm tra, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung nguồn thực hiện tiền lương tăng thêm.

1.2. Trên cơ sở số bổ sung đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định, Thủ trưởng các Bộ, cơ quan trung ương và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện xét duyệt tiền lương tăng thêm và nguồn đảm bảo thực hiện tiền lương mới tăng thêm của các đơn vị, cấp ngân sách trực thuộc; trên cơ sở đó giao số bổ sung thực hiện tiền lương mới tăng thêm cho các đơn vị, cấp ngân sách trực thuộc. Thực hiện lập báo cáo tình hình thực hiện về quỹ tiền lương, phụ cấp tăng thêm và nguồn thực hiện gửi Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ theo mẫu biểu và quy định tại thông tư liên tịch số 03/2003/TTLT-BNV-BTC ngày 17/02/2003 của Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định 03/2003/NĐ-CP ngày 15/01/2003 của Chính phủ.

Căn cứ vào tình hình cụ thể của cơ quan, địa phương mình, Thủ trưởng các Bộ, cơ quan trung ương, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định về thời gian báo cáo của các đơn vị và các cấp ngân sách trực thuộc.

2. Về cấp phát, chi trả tiền lương tăng thêm:

2.1. Các đơn vị dự toán ngân sách khi phân bổ dự toán ngân sách chi tiết theo mục lục ngân sách gửi cơ quan tài chính đồng cấp làm căn cứ cấp phát phải chú ý phân bổ khoản tiết kiệm 10% chi thường xuyên vào các mục tương ứng để thực hiện điều chỉnh tiền lương theo quy định.

2.2. Bộ Tài chính thực hiện tạm cấp số hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các Bộ, cơ quan trung ương (sau khi đã sử dụng các nguồn kinh phí tại mục I mà còn thiếu nguồn) theo tiến độ thực hiện cho đến khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về số bổ sung cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các Bộ, cơ quan trung ương (phần còn thiếu) để thực hiện chế độ tiền lương, trợ cấp xã hội năm 2003.

2.3. Trong khi chưa có quyết định bổ sung của cấp có thẩm quyền, cơ quan tài chính các cấp thực hiện tạm cấp số hỗ trợ từ ngân sách cho các cơ quan, đơn vị để thực hiện tiền lương tăng thêm năm 2003 cho các đơn vị (sau khi sử dụng nguồn thu, tiết kiệm 10% còn thiếu) theo tiến độ thực hiện cho đến khi có Quyết định của cơ quan có thẩm quyền về số bổ sung từ ngân sách (phần còn thiếu) cho các cơ quan, đơn vị thực hiện chế độ tiền lương, trợ cấp xã hội năm 2003.

2.4. Các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách có trách nhiệm chi trả tiền lương tăng thêm năm 2003 cho người lao động theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2003/TTLT-BNV-BTC ngày 17/02/2003 của Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 03/2003/NĐ-CP ngày 15/01/2003 của Chính phủ về việc điều chỉnh tiền lương, trợ cấp xã hội và đổi mới một bước cơ chế quản lý tiền lương; quy định tại thông tư này và các quy định hiện hành.

2.5. Riêng việc thực hiện cấp phát, chi trả tiền lương tăng thêm tháng 1,2/2003 thực hiện theo Công văn số 483 TC/NSNN, 485 TC/NSNN, 486 TC/NSNN ngày 14/01/2003 của Bộ Tài chính.

3. Quyết toán: Việc quyết toán kinh phí thực hiện tiền lương, trợ cấp xã hội tăng thêm theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật hiện hành.

IV- Thông tư này có hiệu lực thi hành theo hiệu lực thi hành của Nghị định số 03/2003/NĐ-CP ngày 15/01/2003 của Chính phủ. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị đơn vị báo cáo kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu xử lý.

Trần Văn Tá

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư số 16/2003/TT-BTC hướng dẫn nguồn thực hiện điều chỉnh tiền lương, trợ cấp xã hội năm 2003 do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 16/2003/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 14/03/2003
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Trần Văn Tá
  • Ngày công báo: 18/04/2003
  • Số công báo: Số 23
  • Ngày hiệu lực: 30/01/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản