Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 18/2004/CT-TTg

Hà Nội, ngày 31 tháng 5 năm 2004

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2005

Năm 2005 là năm cuối của kế hoạch 5 năm 2001 - 2005, có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc tăng cao hơn nữa khả năng hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của kế hoạch 5 năm 2001 - 2005 đã được xác định trong Nghị quyết số 55/2001/QH10 của Quốc hội tạo đà phát triển cho những năm đầu của kế hoạch 5 năm tiếp theo.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương quán triệt đường lối tiếp tục đổi mới nêu trong Nghị quyết Trung ương 9, tạo mọi điều kiện thuận lợi để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển kinh tế, cụ thể hoá đầy đủ nhiệm vụ chủ yếu dưới đây vào kế hoạch năm 2005 của Bộ, ngành, địa phương mình:

A. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH NĂM 2005

I. MỤC TIÊU

1. Phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả và bền vững. Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển đất nước, tạo bước chuyển biến rõ rệt về chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các sản phẩm và của nền kinh tế. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giảm chi phí sản xuất để nâng cao chất lượng tăng trưởng.

2. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cam kết và lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế; thực hiện mạnh mẽ các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu đi đôi với khai thác tốt thị trường trong nước.

3. Đổi mới mạnh hơn nữa các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, văn hoá theo hướng đẩy mạnh xã hội hoá, nâng cao chất lượng. Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện tốt chính sách xoá đói, giảm nghèo, cải thiện mức sống của dân cư, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.

4. Tiếp tục đổi mới về tổ chức và nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy dân chủ cơ sở, tăng cường đối thoại giữa chính quyền địa phương với cộng đồng người dân.

II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH NĂM 2005

1. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) từ 8,0 - 8,5%. Tiếp tục tạo các điều kiện cần thiết để nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn trong những năm tiếp theo.

2. Phát triển nông nghiệp theo hướng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến và với thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ mới, trước hết là công nghệ sinh học để sản xuất các giống cây, giống con mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh hàng hoá nông nghiệp; tạo điều kiện và phát động phong trào thi đua trong nông dân, nông thôn phấn đấu tăng giá trị sản xuất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản. Tăng cường quy hoạch và quản lý sử dụng đất đai. Tích cực chuẩn bị các biện pháp phòng chống thiên tai (lũ lụt, hạn hán, cháy rừng...), chủ động ứng phó kịp thời với mọi tình huống. Phấn đấu đạt giá trị gia tăng nông - lâm - ngư nghiệp tăng 3,5 - 4,0% (giá trị sản xuất tăng 4,5 - 5,0%).

3. Duy trì tốc độ tăng trưởng cao của ngành công nghiệp, đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất công nghiệp đi đôi với phấn đấu giảm chi phí sản xuất để tăng sức cạnh tranh, đứng vững và phát triển trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Phát triển các ngành công nghiệp chế biến, nhất là chế biến nông sản, công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Phấn đấu giá trị gia tăng của ngành công nghiệp tăng 10,5 - 11% (giá trị sản xuất tăng 15,5 - 16,5%).

4. Phát triển đa dạng và nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ: bưu chính viễn thông, vận tải, du lịch, tài chính, ngân hàng, kiểm toán, tư vấn pháp luật, xuất khẩu lao động... Chấn chỉnh, tổ chức lại thị trường bất động sản, tăng nguồn thu cho nhà nước qua loại dịch vụ này. Phát triển mạnh thị trường nội địa, đặc biệt là thị trường nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Phấn đấu giá trị gia tăng ngành dịch vụ tăng 7,9 - 8,2%.

5. Đẩy mạnh sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước; mở rộng việc cổ phần hoá các Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước lớn; thực hiện phát hành trái phiếu đối với một số Tổng công ty lớn.

6. Chủ động và tích cực hơn trong việc chuẩn bị và bảo đảm các điều kiện để hội nhập kinh tế quốc tế. Tiếp tục thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế đã ký kết. Chuẩn bị tốt các điều kiện để thích ứng với việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, minh bạch, ổn định, thông thoáng, có tính cạnh tranh cao trong khu vực. Thu hút mạnh và nâng cao hiệu quả đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Tập trung tháo gỡ các khó khăn nhằm tăng tiến độ giải ngân vốn ODA. Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu tăng 12 - 14%.

7. Tăng khả năng tài chính của đất nước; phấn đấu nâng tỷ lệ tích luỹ trong nước, huy động trên 37% GDP cho đầu tư phát triển; tổng thu ngân sách đạt từ 21 - 22% GDP.

Tiếp tục lành mạnh hoá tình hình tiền tệ, giảm nợ xấu, nợ quá hạn, nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ của hệ thống ngân hàng.

8. Đẩy mạnh xã hội hóa trong các lĩnh vực xã hội, đặc biệt là trong ngành giáo dục, y tế, văn hoá để huy động thêm nguồn lực xã hội đầu tư cho lĩnh vực này; đồng thời, cải tiến quản lý nhà nước trong các lĩnh vực này nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhân dân.

Giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc. Đánh giá lại việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình 135 và dự án trồng mới 5 triệu ha rừng để kịp thời điều chỉnh chính sách và cơ chế thực hiện, nâng cao hiệu quả của chương trình. Tăng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh đặc biệt khó khăn vùng miền núi Bắc Bộ, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động, xây dựng cơ chế, chính sách quản lý và tăng cường đào tạo lao động cho xuất khẩu. Từng bước đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Thực hiện các giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông.

9. Đẩy nhanh tiến trình cải cách hành chính, tiếp tục hoàn thiện thể chế hành chính. Nâng cao đạo đức và năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức. Tăng cường tính hiệu quả, minh bạch các chính sách của nhà nước.

10. Tiếp tục củng cố quốc phòng và an ninh, kết hợp giữa quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục đẩy mạnh trấn áp các hoạt động tội phạm có tổ chức; tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong quản lý xã hội.

III. NHIỆM VỤ XÂY DỰNG DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2005

1. Dự toán thu ngân sách nhà nước phải được tính đúng, tính đủ theo quy định của pháp luật, trên cơ sở phân tích, dự báo các yếu tố về tăng trưởng kinh tế, sự biến động của thị trường, giá cả,...; thực hiện các biện pháp khuyến khích sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường, tăng xuất khẩu; thực hiện những cam kết của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; đẩy mạnh thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý thu, quản lý việc hoàn thuế giá trị gia tăng, chống thất thu, chống buôn lậu và gian lận thương mại.

Xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước với mức động viên phấn đấu 21 - 22% so với GDP, trong đó thu thuế và phí 20 - 21% so với GDP. Dự toán thu nội địa của các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương (không kể thu từ dầu thô) phải phấn đấu tăng tối thiểu 12% so với mức thực hiện năm 2004.

2. Dự toán chi ngân sách nhà nước tập trung bố trí thực hiện nhiệm vụ chủ yếu sau:

a) Dự toán chi đầu tư phát triển phải bảo đảm đủ vốn theo tiến độ thực hiện đối với các dự án trọng điểm quốc gia; ưu tiên tăng vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh miền núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, vùng biên giới khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các tỉnh địa bàn rộng, đông dân, hạ tầng còn yếu kém; ưu tiên bố trí vốn cho các dự án thuộc Chương trình 135, các dự án định canh, định cư, tái định cư các vùng lòng hồ của các công trình thủy điện lớn, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước, đặc biệt là tuyến tỉnh và tuyến cơ sở, dự án bảo tồn và chống xuống cấp các di tích văn hoá quốc gia quan trọng; bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án ODA; bảo đảm đủ vốn quy hoạch và chuẩn bị đầu tư; tiếp tục bố trí vốn thực hiện kiên cố hoá kênh mương thuỷ lợi, phát triển giao thông nông thôn, hạ tầng các khu phân lũ, chậm lũ, hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản, hạ tầng các làng nghề, hạ tầng du lịch, hạ tầng chợ, hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin mở rộng thị trường,...

b) Dự toán chi phát triển sự nghiệp khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, văn hoá, y tế, xã hội phải bảo đảm kinh phí thực hiện chế độ, chính sách và những mục tiêu, nhiệm vụ đã được quyết định. Đối với đơn vị sự nghiệp có thu thực hiện đầy đủ, có hiệu quả cơ chế quản lý tài chính theo Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2002 của Chính phủ, các cơ quan hành chính nhà nước mở rộng thực hiện cơ chế khoán biên chế và kinh phí theo Quyết định số 192/2001/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ.

c) Dự toán chi thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (bổ sung thêm Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm), Chương trình 135, dự án 5 triệu ha rừng và các chương trình dự án lớn khác. Phải căn cứ vào các mục tiêu tổng thể và từng thời gian để bảo đảm sử dụng nguồn vốn ngân sách có hiệu quả thiết thực.

d) Chủ động bố trí đủ ngân sách và huy động các nguồn tài chính thực hiện cải cách tiền lương gắn với cải cách hành chính. Các Bộ, cơ quan Trung ương, các địa phương và đơn vị sử dụng ngân sách cần quán triệt mục tiêu cải cách tiền lương, coi đây là nhiệm vụ quan trọng của cơ quan, đơn vị và địa phương; thực hiện các biện pháp tạo nguồn cải cách tiền lương ở từng cơ quan, đơn vị từ các nguồn thu được để lại theo chế độ (tối thiểu 40%, riêng ngành y tế tối thiểu 35%), tiết kiệm chi thường xuyên không kể tiền lương và các khoản có tính chất lương (tối thiểu 10%). Ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương sử dụng tối thiểu 50% nguồn tăng thu năm 2004 và dự toán thu năm 2005 so dự toán 2004 để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương.

đ) Ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương phải bố trí dự phòng ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước để chủ động đối phó với thiên tai, lũ lụt và xử lý những nhiệm vụ cấp bách phát sinh ngoài dự toán.

Các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương và đơn vị dự toán các cấp ngân sách xây dựng dự toán theo đúng định mức, chế độ tiêu chuẩn quy định; dự kiến đầy đủ những nhiệm vụ chi sẽ phát sinh trong năm dự toán; bố trí đảm bảo thực hiện những nhiệm vụ quan trọng, nhất thiết không được để xảy ra tình trạng sau khi dự toán ngân sách được cấp có thẩm quyền giao, khi tổ chức thực hiện lại đề nghị bổ sung ngoài dự toán.

3. Về công tác xây dựng dự toán ngân sách các cấp địa phương:

Năm 2005 là năm thứ hai trong thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, ủy ban nhân dân các cấp xây dựng dự toán ngân sách địa phương mình trên cơ sở nguồn thu, nhiệm vụ chi đã được phân cấp ổn định; dự toán ngân sách các cấp địa phương năm 2005 được xây dựng trên cơ sở tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách và số bổ sung cân đối từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới (nếu có) được ổn định theo mức Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân quyết định, Thủ tướng Chính phủ và ủy ban nhân dân cấp trên đã giao năm 2004. Do vậy, trong việc lập dự toán ngân sách năm 2005, các địa phương cần bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của ngân sách nhà nước năm 2005 nêu trên và những quy định của Luật Ngân sách Nhà nước; trong đó, cần lưu ý một số vấn đề sau:

a) Xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn: trên cơ sở đánh giá sát tình hình thực hiện nhiệm vụ thu năm 2004 (dự toán thu nội địa yêu cầu phấn đấu tăng tối thiểu 5% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ đã giao); dự báo tăng trưởng kinh tế và nguồn thu năm 2005 đối với từng ngành, từng lĩnh vực, các cơ sở kinh tế trên địa bàn và những nguồn thu mới phát sinh trên địa bàn địa phương để tính đúng, tính đủ nguồn thu đối với từng lĩnh vực, từng khoản thu theo chế độ. Năm 2005, dự toán thu nội địa yêu cầu phấn đấu tăng tối thiểu 12% so với ước thực hiện năm 2004.

b) Xây dựng dự toán chi ngân sách địa phương: phải căn cứ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương năm 2005, chế độ, chính sách, định mức chi hiện hành, căn cứ dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, xác định nguồn thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Trong phạm vi nguồn thu ngân sách địa phương đã được xác định như trên, xây dựng dự toán chi ngân sách địa phương cụ thể đối với từng lĩnh vực chi, trong đó thực hiện thứ tự ưu tiên bố trí như quy định ở trên theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

c) Đối với vốn từ nguồn thu giao quyền sử dụng đất, các địa phương bố trí dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản tương ứng để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có kế hoạch sử dụng ngay từ đầu năm.

d) Chủ động tính toán nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định tại khoản d điểm 2 mục III phần A của Chỉ thị này.

đ) Xây dựng dự toán huy động tăng nguồn đầu tư phát triển theo quy định tại Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước; đồng thời bảo đảm số dư nợ huy động (bao gồm cả số dự kiến huy động năm 2005) không lớn hơn 30% dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách địa phương cấp tỉnh (riêng thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh không quá 100%). Chủ động bố trí ngân sách địa phương để trả nợ đầy đủ, đúng hạn các khoản đã vay, đã huy động, xử lý nợ xây dựng cơ bản, nợ của ngân sách xã, bảo đảm lành mạnh ngân sách địa phương theo đúng chế độ quy định.

e) Xây dựng dự toán chi thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (bổ sung thêm Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm), Chương trình 135, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (phần địa phương thực hiện) trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của từng chương trình mục tiêu theo quy định và tiến độ thực hiện của địa phương.

g) Trên cơ sở bố trí, sắp xếp ngân sách địa phương; căn cứ tình hình thực hiện dự toán bổ sung có mục tiêu ngân sách cấp trên năm 2004, xây dựng dự toán chi thực hiện các dự án, nhiệm vụ quan trọng đề nghị bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên theo quy định tại tiết b khoản 2 Điều 29 Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước. Các nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để đầu tư bao gồm các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình 135, dự án 5 triệu ha rừng, Chương trình Biển Đông - Hải đảo, các chương trình mục tiêu khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ (hỗ trợ đầu tư hạ tầng các khu kinh tế cửa khẩu, hạ tầng du lịch, hạ tầng làng nghề, hỗ trợ đầu tư hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản, hạ tầng vùng phân lũ, chậm lũ, đường giao thông phục vụ công tác quản lý biên giới, kè biên giới,...); các chương trình, dự án, đề án lớn khác.

4. Cùng với việc xây dựng dự toán chi ngân sách, yêu cầu các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, các đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện việc báo cáo, phân tích, giải trình, đánh giá cụ thể hiệu quả các khoản chi tiêu ngân sách. Đồng thời, phải tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác quyết toán và kiểm tra phê duyệt quyết toán ngân sách năm 2003 theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Thực hiện việc xử lý ngay những tồn tại, sai phạm đã được cơ quan thanh tra, kiểm toán phát hiện và kiến nghị xử lý.

B. TIẾN ĐỘ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH VÀ PHÂN CÔNG THỰC HIỆN

1. Về tiến độ xây dựng kế hoạch:

Đầu tháng 6 năm 2004, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính ban hành thông tư hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2005, hướng dẫn khung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2005 cho các Bộ, ngành, địa phương, các Tổng công ty 91 để làm căn cứ xây dựng kế hoạch.

Trong tháng 6 và tháng 7 năm 2004, các Bộ, ngành, địa phương, Tổng công ty 91 xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2005 và báo cáo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, cơ quan quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia trước ngày 20 tháng 7 năm 2004 để tổng hợp trình Chính phủ.

Trong tháng 8 năm 2004, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2005, đồng thời dự kiến phương án phân bổ các chỉ tiêu kế hoạch và ngân sách nhà nước.

Trong tháng 9 năm 2004, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước để Chính phủ trình Quốc hội theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Trước ngày 20 tháng 11 năm 2004, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2005 cho các Bộ, ngành, địa phương, Tổng công ty 91 trên cơ sở các Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước và nhiệm vụ năm 2005.

Trước ngày 25 tháng 11 năm 2004, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết cho các Bộ, ngành, địa phương, Tổng công ty 91.

Trước ngày 10 tháng 12 năm 2004, các Bộ, ngành, địa phương quyết định phương án phân bổ xong kế hoạch và dự toán ngân sách cho cấp dưới trên cơ sở nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính

2. Về phân công thực hiện:

a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tính toán, xây dựng các phương án, các cân đối lớn để làm cơ sở hướng dẫn cho các Bộ, ngành, các địa phương xây dựng kế hoạch năm 2005.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ liên quan nghiên cứu xây dựng tiêu chí bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ bản đối với các Bộ, cơ quan Trung ương năm 2005; tiêu chí bố trí vốn bổ sung có mục tiêu về chi đầu tư xây dựng cơ bản năm 2005 từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ bản, Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình 135, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng và các khoản bổ sung có mục tiêu khác, trình cấp có thẩm quyền quyết định, làm căn cứ xây dựng phương án phân bổ, giao số bổ sung vốn xây dựng cơ bản có mục tiêu năm 2005 cho các địa phương.

Tổ chức hướng dẫn xây dựng và tổng hợp kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2005.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính dự kiến kế hoạch đầu tư phát triển và phương án phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản; chủ trì cùng Bộ Tài chính và các Bộ, ngành quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia dự kiến kế hoạch và phương án phân bổ vốn cho các chương trình, dự án. Tổng hợp phương án phân bổ dự toán chi Chương trình mục tiêu quốc gia.

Làm việc với các Bộ, ngành và các địa phương về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư và Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2005.

b) Bộ Tài chính:

Hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2004; xây dựng khái toán ngân sách và thông báo số kiểm tra về dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2005 cho các Bộ, ngành, các địa phương.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan có liên quan xây dựng và tổng hợp dự toán ngân sách nhà nước năm 2005; làm việc với các Bộ, cơ quan Trung ương về dự toán ngân sách. Làm việc với ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố yêu cầu (theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước).

c) Các Bộ, cơ quan nhà nước, các Tổng công ty 91:

Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách thuộc lĩnh vực mình phụ trách.

Các Bộ, cơ quan quản lý các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình 135, dự án 5 triệu ha rừng và các chương trình dự án, đề án lớn khác chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính làm việc với các Bộ, ngành, địa phương liên quan về đánh giá tình hình thực hiện thời gian qua, nhiệm vụ, dự toán và phương án phân bổ kinh phí năm 2005 thuộc lĩnh vực phụ trách gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 30 tháng 7 năm 2004.

Các Bộ, cơ quan nhà nước theo chức năng của mình, trên cơ sở tính toán các nguồn lực có thể khai thác được, xây dựng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, đề xuất các giải pháp, các cơ chế chính sách, chế độ mới hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách hiện hành trình cấp thẩm quyền ban hành trước thời điểm lập dự toán ngân sách (trước ngày 01 tháng 7 năm 2004), thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các Bộ, các cơ quan có liên quan làm căn cứ xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách.

d) Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

Hướng dẫn, tổ chức và chỉ đạo các cấp, các ngành ở địa phương xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước báo cáo các cơ quan Trung ương theo quy định; đồng thời, trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện Chỉ thị này.

 

 

Nguyễn Tấn Dũng

(Đã ký)