Hệ thống pháp luật

Chương 3 Quyết định 32/2005/QĐ-BQP về sử dụng quân phục của Quân đội nhân dân Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành

Chương 3:

CÁCH GẮN CẤP HIỆU, PHÙ HIỆU, PHÙ HIỆU KẾT HỢP CẤP HIỆU, CÀNH TÙNG CỦA SỸ QUAN, QUÂN NHÂN CHUYÊN NGHIỆP, HẠ SỸ QUAN - BINH SĨ

Điều 24. Cấp hiệu

Cấp hiệu của sĩ quan, QNCN gồm có: nền cấp hiệu, cúc cấp hiệu, sao cấp hiệu và gạch cấp hiệu gắn trên nền cấp hiệu (cấp tướng không có gạch). Học viên đào tạo sĩ quan, đào tạo hạ sĩ quan; HSQ - BS gồm cúc cấp hiệu, nền cấp hiệu.

1. Cúc cấp hiệu:

Gắn ở đầu nhỏ của nền cấp hiệu, đỉnh sao hướng về đầu nhỏ nền cấp hiệu, tâm của cúc cấp hiệu cách đỉnh nền cấp hiệu 15mm.

2. Cách gắn sao trên nền cấp hiệu:

a) Cấp tướng: căn cứ vào số sao quy định cho từng cấp để gắn thành một hàng theo chính giữa chiều dài của nền cấp hiệu, cánh sao quay về hướng cúc cấp hiệu, khoảng cách các sao cách đều nhau trên nền cấp hiệu.

b) Cấp tá, cấp úy: như cách gắn sao của cấp tướng, chỉ khác: các sao nằm cách đều nhau trong khoảng từ gạch cấp hiệu đến cúc cấp hiệu.

3. Cách gắn gạch cấp hiệu:

a) Sỹ quan:

Gạch cấp hiệu được gắn ngang trên nền cấp hiệu của cấp tá, cấp úy. Mép của gạch cấp hiệu cách mép ngoài đầu to của nền cấp hiệu 5mm, giữa hai gạch (cấp tá) gắn song song cách nhau 5mm.

b) Quân nhân chuyên nghiệp:

Gạch cấp hiệu của QNCN hình chữ V, khi gắn hai đầu chữ V sát mép ngoài đầu to của nền cấp hiệu; khoảng cách giữa 2 gạch (cấp tá) là 5mm.

4. Cấp hiệu của Văn công:

Không có sao gạch, hình phù hiệu Văn hóa nghệ thuật (hình biểu tượng âm nhạc và cây đàn) gắn ở chính giữa nền cấp hiệu.

5. Cấp hiệu của Quân nhạc:

Không có sao gạch, hình phù hiệu Quân nhạc (hình chiếc kèn và cây sáo đặt chéo) gắn ở chính giữa nền cấp hiệu.

Điều 25. Phù hiệu

1. Cấp tướng:

- Cấp tướng trong Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham m­ưu, Tổng cục Chính trị, Thanh tra Bộ Quốc phòng, các quân khu, quân đoàn, binh đoàn, Học viện quốc phòng, Học viện Chính trị  Quân sự, Học viện Lục quân, các trường Sỹ quan Lục quân, mang nền phù hiệu cấp tướng Lục quân, không gắn hình phù hiệu.

- Cấp tướng trong các quân chủng, các binh chủng và các ngành hậu cần, kỹ thuật ở đơn vị, cơ quan, nhà trường thuộc quân chủng, binh chủng hoặc ngành nghề chuyên môn mang nền phù hiệu cấp tướng theo mầu sắc của từng quân chủng, có gắn hình phù hiệu quân chủng, binh chủng, ngành nghề chuyên môn mầu vàng ở chính giữa nền phù hiệu.

2. Cấp đại tá trở xuống:

Quân nhân trong các đơn vị bộ binh, các cơ quan trong Bộ Quốc phòng, các hệ khoa Binh chủng hợp thành, hệ khoa Tham m­ưu, Chính trị, Văn hóa trong các nhà trường đều mang nền phù hiệu Lục quân có gắn hình phù hiệu Binh chủng hợp thành (bộ binh) mầu bạc ở chính giữa nền phù hiệu.

Quân nhân trong các đơn vị, nhà trường bộ binh cơ giới mang nền phù hiệu binh chủng hợp thành và có gắn hình phù hiệu bộ binh cơ giới.

Quân nhân thuộc quân chủng, binh chủng, ngành nghề chuyên môn, phục vụ học tập trong các đơn vị cơ quan, nhà trường mang nền phù hiệu có gắn hình phù hiệu đúng theo quân chủng, binh chủng, ngành nghề chuyên môn.

Điều 26. Phù hiệu kết hợp cấp hiệu Phù hiệu kết hợp cấp hiệu gồm: nền phù hiệu, sao, gạch và hình phù hiệu.

1. Cách gắn sao và gạch:

a) Cấp tướng:

- Cấp tướng trong Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mư­u, Tổng cục Chính trị, Thanh tra Bộ Quốc phòng, các quân khu, quân đoàn, binh đoàn, Học viện Quốc phòng, Học viện Chính trị - Quân sự, Học viện Lục quân, các Trường Sỹ quan Lục quân, mang nền phù hiệu cấp tướng Lục quân, trên nền phù hiệu có gắn sao mầu vàng theo quy định của từng cấp thành một hàng theo chiều dài nền phù hiệu, không có hình phù hiệu.

- Cấp tướng trong các quân chủng, các binh chủng và các ngành hậu cần, tài chính, kỹ thuật ở đơn vị, cơ quan, nhà trường thuộc quân chủng, binh chủng hoặc ngành nghề chuyên môn mang nền phù hiệu cấp tướng theo mầu sắc của từng quân chủng, trên nền phù hiệu có gắn hình phù hiệu quân chủng, binh chủng, ngành nghề chuyên môn và sao mầu vàng. Căn cứ vào từng cấp để gắn sao: cấp thiếu tướng, trung tướng gắn thành 1 hàng; cấp th­ợng tướng, đại tướng gắn thành 2 hàng.

b) Cấp tá và cấp úy:

- Cấp đại tá trở xuống thuộc các đơn vị bộ binh, các cơ quan trong Bộ Quốc phòng, các hệ khoa binh chủng hợp thành, hệ khoa tham m­ưu, chính trị, văn hóa trong các nhà trường đều mang nền phù hiệu Lục quân, trên nền phù hiệu có gắn hình phù hiệu Binh chủng hợp thành (bộ binh), gạch gắn theo chiều dài nền phù hiệu (cấp tá gắn 2 gạch song song) ở phía ngoài, sao gắn ở phía trong gạch (từ 3 sao trở lên gắn thành hai hàng). Hạ sĩ quan: từ cấp Trung sĩ trở xuống sao gắn thành 1 hàng, sao đè lên vạch vàng; cấp Th­ượng sĩ gắn thành 2 hàng: hàng ngoài 2, hàng trong 1, vạch vàng ở giữa. Binh sĩ: binh nhất gắn 2 sao thành 1 hàng, binh nhì gắn 1 sao.

- Cấp đại tá trở xuống thuộc các quân chủng, binh chủng mang nền phù hiệu theo mầu sắc của từng quân chủng, trên nền phù hiệu có gắn hình phù hiệu quân chủng (binh chủng), sao, gạch. Cách gắn như binh chủng hợp thành.

2. Cách gắn các hình phù hiệu:

Lấy cách gắn hình binh chủng hợp thành (bộ binh) làm chuẩn: hướng thẳng hình phù hiệu lên trên, để cán ở dưới, mũi ở trên, đầu súng hướng về phía cổ, đầu kiếm hướng ra vai theo chiều dọc của nền phù hiệu. Các hình phù hiệu khác gắn tương tự.

Điều 27. Biển tên

Khi mặc quân phục (trừ quân phục nghiệp vụ nghi lễ) phải mang biển tên quân nhân trên ngực áo bên phải. Vị trí mang:

1. Sỹ quan, QNCN:

- Đại lễ, Tiểu lễ đông, quân phục thường dùng mùa đông: mép trên của biển tên sát với mép trên nắp túi áo.

- Tiểu lễ hè, quân phục thường dùng mùa hè, quân phục mặc giao thời, áo bông chống rét, áo khoác quân sự K82: mép dưới biển tên sát mép trên nắp túi áo hoặc đường nẹp ngang áo khoác quân sự K82.

- Quân phục huấn luyện - dã ngoại: mép dưới biển tên cách mép trên túi áo 1cm.

2. Hạ sĩ quan - binh sĩ:

Hàng chữ biển tên mầu trắng (quân phục Hải quân mùa hè mầu xanh đen) in cách mép trên nắp túi áo ngực bên phải 1cm (quân phục hải quân: mép trên biển tên ngang đáy cổ yếm).

Điều 28. Cách gắn cành tùng trên áo lễ phục

1. Cấp tướng:

Bộ cành tùng đơn to gồm 2 vế (vế phải, vế trái) được gắn trên ve áo Đại lễ và Tiểu lễ.

Đại lễ và Tiểu lễ mùa đông: Lấy gốc và ngọn lá thứ 3 (bên trái với cành tùng vế trái, bên phải với cành tùng vế phải) làm chuẩn, khi cài gốc và ngọn lá thứ 3 sát mép chỉ; gốc cách đầu cổ áo 2,5 cm và ngọn lá thứ 3 cách đầu cổ áo 6 cm. Tiểu lễ mùa hè: Cách cài t­ương tự như áo Đại lễ, chỉ khác: gốc cành tùng cách đầu cổ áo 3,5cm.

2. Cấp tá và cấp úy:

Bộ cành tùng đơn nhỏ gồm 2 vế (vế phải và vế trái), mỗi vế gồm một cành tùng đơn và một sao ve áo.

- Cành tùng: Lấy nụ thứ nhất sát gốc cành tùng và nụ thứ 3 làm chuẩn. Hai đầu nụ cài sát mép chỉ, cách đầu cổ áo 4,5 cm.

- Sao: Tâm của ngôi sao gắn trên điểm giữa của đường thẳng nối giữa ngọn với gốc của cành tùng.

Quyết định 32/2005/QĐ-BQP về sử dụng quân phục của Quân đội nhân dân Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành

  • Số hiệu: 32/2005/QĐ-BQP
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/03/2005
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Phạm Văn Trà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 13
  • Ngày hiệu lực: 01/05/2005
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH