Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 28 /2003/QĐ-UBBT

Phan Thiết, ngày 08 tháng 5 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, ĐĂNG KIỂM, ĐĂNG KÝ TÀU CÁ VÀ THUYỀN VIÊN..

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (sửa đổi) đã được Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 21/6/1994;

- Căn cứ Nghị định số 72/1998/NĐ-CP ngày 15/9/1998 của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và phương tiện nghề cá hoạt động trên biển;

- Căn cứ Nghị định số 86/2001/NĐ-CP ngày 16/11/2001 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh các ngành nghề thủy sản;

- Căn cứ Quyết định số 494/2001/QĐ-UBBT ngày 15/6/2001 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản về việc ban hành Quy chế đăng kiểm tàu cá, đăng ký tàu cá và thuyền viên;

- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thủy sản tại tờ trình số 43/TT/KTKT ngày 16/4/2003,

Q UYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản "Quy định về quản lý, đăng kiểm, đăng ký tàu cá và thuyền viên".

Điều 2. Quyết định này thay thế Quyết định số 294/QĐ/UBBT ngày 08/8/1992 của Ủy ban nhân dân Tỉnh về quản lý và đăng ký phương tiện nghề cá.

Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân Tỉnh, Giám đốc Sở Thủy sản, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các Huyện, Thành phố vùng biển và Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành liên quan căn cứ quyết định thi hành.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp
- Bộ Thủy sản
- Như Điều 3
- T/T Tỉnh ủy
- T/T HĐND Tỉnh
- Chủ tịch, các PCT.UBND Tỉnh
- Lưu:      + VP/UB
+ NLN
+ NC

TM/UBND TỈNH BÌNH THUẬN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ, ĐĂNG KIỂM, ĐĂNG KÝ TÀU CÁ VÀ THUYỀN VIÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: / 2003/QĐ-UBBT ngày tháng 5 năm 2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận).

CHƯƠNG I:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Ngành Thủy sản thống nhất quản lý trong toàn Tỉnh công tác đăng kiểm tàu cá, đăng ký tàu cá và thuyền viên theo Quyết định số 494/2001/QĐ-BTS ngày 15/6/2001 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản V/v ban hành Qui chế Đăng kiểm tàu cá, đăng ký tàu cá và thuyền viên và các văn bản pháp luật có liên quan.

Điều 2: Chủ tàu cá chỉ được phép cho tàu hoạt động nghề cá sau khi đã hoàn tất việc đăng kiểm, đăng ký tàu cá và thuyền viên theo Quy định này và các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động này.

Điều 3: Tàu cá nói ở quy định này là tất cả các loại tàu thuyền, ca nô, sà-lan và các phương tiện nổi khác có động cơ hay không có động cơ được dùng vào mục đích khai thác, thu mua, chế biến, vận chuyển thủy sản, hậu cần dịch vụ nghề cá của tất cả các tổ chức và cá nhân trong tỉnh.

Điều 4: Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản (thuộc Sở Thủy sản Bình Thuận) là cơ quan Đăng kiểm Tỉnh trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đăng kiểm, đăng ký tàu cá và thuyền viên trong phạm vi toàn Tỉnh theo phân cấp và ủy quyền của Cục Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản (thuộc Bộ Thủy sản).

CHƯƠNG II:

QUY ĐỊNH VỀ ĐĂNG KIỂM TÀU CÁ

Điều 5: Tàu cá bắt buộc phải đăng kiểm bao gồm:

1. Tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 20 CV trở lên.

2. Tàu cá không lắp máy hoặc có lắp máy dưới 20 CV nhưng có chiều dài đường nước thiết kế từ 15 mét đến 20 mét .

Công tác đăng kiểm tàu cá nói tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được tiến hành đối với tàu cá trong Tỉnh và của Tỉnh khác hết hạn đăng kiểm đến xin kiểm tra gia hạn hoặc đóng, sửa trong địa bàn của Tỉnh; tàu cá do Cơ quan đăng kiểm tàu cá Trung ương ủy quyền.

Điều 6: Tàu cá không nói tại Điều 5 của quy định này, chủ tàu tự chịu trách nhiệm về an toàn kỹ thuật khi hoạt động, cơ quan Đăng kiểm tàu cá chỉ kiểm tra trang bị an toàn và các thông số cơ bản khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá.

Điều 7: Các loại giấy tờ được cấp sau khi đăng kiểm:

- Phiếu duyệt thiết kế.

- Biên bản nghiệm thu từng phần.

- Biên bản kiểm tra kỹ thuật lần đầu/định kỳ.

- Biên bản kiểm tra kỹ thuật hàng năm.

- Sổ chứng nhận khả năng hoạt động tàu cá.

Điều 8: Nội dung, hình thức các bước kiểm tra, giám sát an toàn kỹ thuật tàu cá và các mẫu biểu giấy tờ đăng kiểm được thực hiện thống nhất theo quy định của Nhà nước, các tiêu chuẩn và quy định của Bộ Thủy sản.

Điều 9: Quy định đối với Đăng kiểm viên tàu cá:

1. Khi làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát an toàn kỹ thuật phải đeo biển hiệu "ĐĂNG KIỂM VIÊN" và xuất trình "Thẻ đăng kiểm viên tàu cá" khi cần thiết. Chấp hành nghiêm chỉnh quy định của Nhà nước, các tiêu chuẩn và hướng dẫn kỹ thuật của Bộ Thủy sản đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về các kết luận kiểm tra của mình.

2. Phải thông báo kết quả kiểm tra, giám sát an toàn kỹ thuật bằng biên bản theo quy định cho chủ tàu cá trong thời hạn 03 ngày kể từ khi công việc kiểm tra kết thúc.

3. Đăng kiểm viên tàu cá khi làm nhiệm vụ mà không tuân thủ Quy định này, gây phiền hà, sách nhiễu cho chủ tàu cá thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

CHƯƠNG III:

QUY ĐỊNH VỀ ĐĂNG KÝ TÀU CÁ VÀ THUYỀN VIÊN

Điều 10:

1. Tàu cá không phân biệt lớn nhỏ, có động cơ hay không có động cơ của mọi tổ chức và cá nhân trong Tỉnh đều phải thực hiện đăng ký tại cơ quan Đăng kiểm tàu cá để được cấp "Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá" và ghi vào “Sổ đăng ký tàu cá Việt Nam".

Tàu cá thuộc quy định phải đăng kiểm, yêu cầu hoàn thành đăng kiểm trước khi tiến hành đăng ký.

2. Việc đăng ký thuyền viên được tiến hành theo quy định tại Chương VI Đăng ký thuyền viên của Quyết định số 494/2001/QĐ-BTS ngày 15/6/2001 về việc ban hành Quy chế Đăng kiểm tàu cá, đăng ký tàu cá và thuyền viên.

Điều 11: Hồ sơ đăng ký đối với tàu cá đóng mới :

1. Tờ khai đăng ký tàu cá và thuyền viên (có xác nhận của Chính quyền địa phương cấp Huyện, Thành phố);

2. Hợp đồng đóng mới hoặc giấy xuất xưởng do cơ sở đóng, sửa tàu lập;

3. Hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc máy chính và thiết bị gắn trên tàu (bản gốc);

4. Biên lai thu lệ phí trước bạ đối với tài sản vỏ tàu, máy chính và thiết bị nếu mới đăng ký lần đầu (bản gốc);

5. Hồ sơ an toàn kỹ thuật do cơ quan Đăng kiểm cấp (đối với loại tàu cá phải đăng kiểm);

6. Giấy phép sử dụng tần số và máy phát vô tuyến điện (nếu có trang bị);

7. 02 ảnh màu cỡ 9x12 cm (ảnh chụp toàn tàu theo hướng dọc mạn).

Điều 12: Hồ sơ đăng ký đối với tàu cá cải hoán, sửa chữa lớn hoặc trang bị lại :

1. Tờ khai đăng ký tàu cá và thuyền viên (có xác nhận của Chính quyền địa phương cấp Huyện, Thành phố);

2. Hợp đồng cải hoán, sửa chữa lớn hay trang bị lại do đơn vị thi công lập hoặc tờ khai của chủ tàu về cải hoán, sửa chữa lớn hay trang bị lại nếu do chủ tàu tự thực hiện;

3. Hóa đơn, chứng từ nguồn gốc sở hữu của máy móc thiết bị gắn trên tàu;

4. Biên lai thu lệ phí trước bạ đối với loại tài sản mới đăng ký (bản gốc);

5. Hồ sơ đăng kiểm, đăng ký của tàu cũ (bản gốc);

6. Biên bản kiểm tra kỹ thuật hoặc Giấy chứng nhận trang bị an toàn do cơ quan Đăng kiểm cấp;

7. Giấy phép sử dụng tần số và máy vô tuyến điện (nếu có trang bị);

8. 02 ảnh màu cỡ 9x12 cm (ảnh chụp toàn tàu theo hướng dọc mạn).

Điều 13: Hồ sơ đăng ký đối với tàu cá chuyển dịch sở hữu (sang tên chủ tàu):

1. Tờ khai đăng ký tàu cá và thuyền viên (có xác nhận của chính quyền địa phương cấp Huyện, Thành phố);

2. Hợp đồng hay hoá đơn, chứng từ theo quy định hiện hành của Nhà nước về việc mua, bán, cho, thừa kế,... phương tiện tàu cá;

3. Biên lai thu lệ phí trước bạ đối với loại tài sản chuyển dịch sở hữu (bản gốc);

4. Hồ sơ đăng kiểm, đăng ký của tàu cá cũ (bản gốc);

5. Biên bản kiểm tra kỹ thuật hoặc Giấy chứng nhận trang bị an toàn do cơ quan Đăng kiểm tàu cá cấp;

6. 02 ảnh màu, cỡ 9x12 cm (ảnh chụp toàn tàu theo hướng dọc mạn).

Trường hợp tàu cá có nguồn gốc đăng ký ngoài Tỉnh thì ngoài các hồ sơ trên đây, chủ tàu còn phải có "Giấy chứng nhận xóa đăng ký" do cơ quan Đăng ký cũ cấp.

Điều 14: Khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, trong thời hạn 07 ngày, cơ quan Đăng kiểm tàu cá phải cấp "Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá" cho chủ tàu và ghi vào “Sổ Đăng ký tàu cá Việt Nam”.

Trường hợp hồ sơ không đầy đủ hoặc không hợp lệ, cơ quan Đăng kiểm phải thông báo ngay cho chủ tàu biết ngay khi tiếp nhận hồ sơ.

Điều 15: Qui định cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá :

1. Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá được cấp lại trong các trường hợp sau :

a. Bị mất hoặc bị rách nát, hư hỏng.

b. Thay đổi tên tàu, hô hiệu hoặc các thông số kỹ thuật cơ bản của tàu cá.

2. Hồ sơ xin cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá bao gồm:

a. Tờ khai xin cấp lại đăng ký tàu cá của chủ tàu nêu rõ lý do xin cấp lại và có xác nhận của chính quyền cấp Xã, Phường, Thị trấn nơi cư trú.

b. Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá cũ (nếu bị rách nát, hư hỏng hoặc thay đổi tên tàu, hô hiệu).

3. Thời hạn cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá không quá 5 ngày kể từ ngày cơ quan đăng ký nhận được hồ sơ hợp lệ.

Điều 16: Chủ tàu phải thông báo cho cơ quan cấp đăng ký để xóa đăng ký tàu cá trong những trường hợp sau :

1. Tàu bị chìm đắm hoặc bị hư hỏng nặng không còn khả năng hoạt động.

2. Tàu bị mất tích.

3. Tàu chuyển sở hữu ra khỏi Tỉnh.

Điều 17: Khi tiến hành đăng kiểm, đăng ký tàu cá và thuyền viên, cơ quan Đăng kiểm được phép thu phí và lệ phí đăng kiểm, đăng ký tàu cá theo quy định của Bộ Tài chính.

Cơ quan Đăng kiểm tàu cá phải công khai mức thu phí và lệ phí theo quy định tại nơi làm việc và ở các địa bàn kiểm tra kỹ thuật.

CHƯƠNG IV:

QUY ĐỊNH VỀ ĐÓNG MỚI, MUA BÁN TÀU CÁ

Điều 18: Quy định về đóng mới tàu cá:

1. Việc đóng mới phát triển các loại tàu cá có công suất máy chính dưới 45 CV hoặc có chiều dài đường nước thiết kế dưới 15 mét sẽ không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá.

2. Khuyến khích mọi tổ chức và cá nhân đóng mới phát triển các lọai tàu cá:

 a. Có công suất từ 90 CV trở lên hoặc có chiều dài đường nước thiết kế trên 15 mét.

 b. Tàu cá bằng vật liệu mới như : composite, nhôm, thép,... nhằm thay thế dần tàu cá vỏ gỗ truyền thống.

Điều 19: Tàu cá đóng mới có công suất máy chính từ 90 CV trở lên hoặc có chiều dài đường nước thiết kế từ 15 mét trở lên phải có thiết kế kỹ thuật. Các tàu đóng mới theo mẫu dân gian không thuộc phạm vi nói ở điều này, yêu cầu phải có hồ sơ hoàn công trước khi xuất xưởng.

Trước khi khởi công đóng mới, chủ tàu và cơ sở thi công phải có hợp đồng đóng mới; chủ tàu hoặc cơ sở đóng sửa tàu thuyền được chủ tàu ủy quyền phải ký hợp đồng giám sát kỹ thuật với cơ quan Đăng kiểm tàu cá.

Cơ sở đóng, sửa tàu cá và chủ tàu chịu trách nhiệm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Đăng kiểm viên thực hiện nhiệm vụ giám sát, kiểm tra an toàn kỹ thuật từ lúc khởi công cho đến khi phương tiện được nghiệm thu xuất xưởng.

Điều 20: Khuyến khích các cơ sở đóng, sửa tàu thuyền trong Tỉnh đầu tư cải tiến qui trình công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng chế tạo tàu cá bằng vật liệu mới như tàu composite, tàu vỏ nhôm, vỏ thép,...

Cơ sở đóng, sửa tàu thuyền trong Tỉnh nếu có đầu tư công nghệ sản xuất tàu cá bằng vật liệu mới sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi hiện hành của Ủy ban nhân dân Tỉnh.

Điều 21: Mua, bán, sang nhượng tàu cá :

1. Mọi tổ chức và cá nhân khi thực hiện việc mua, bán, sang nhượng tàu cá phải làm hợp đồng hoặc giấy tờ mua bán theo quy định hiện hành của Nhà nước.

2. Bên bán phải hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ khác có liên quan đối với tàu cá đến thời điểm mua bán.

3. Bên mua phải thực hiện đăng ký tàu cá tại cơ quan Đăng kiểm tàu cá trong thời hạn 15 ngày kể từ khi việc mua bán hoàn tất.

Điều 22: Nghiêm cấm việc cấp “Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá” cho mọi tổ chức và cá nhân khi mua từ ngoài Tỉnh các loại tàu cá có công suất máy chính dưới 45 CV hoặc có chiều dài đường nước thiết kế dưới 15 mét.

Khuyến khích mọi tổ chức và cá nhân bán ra khỏi Tỉnh hoặc giải bản các loại tàu cá nói tại điều này.

CHƯƠNG V:

QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA TÀU CÁ VÀ THUYỀN VIÊN

Điều 23: Tất cả các loại tàu cá, khi hoạt động nghề cá phải có đầy đủ các loại giấy tờ sau:

1. Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá;

2. Sổ chứng nhận khả năng hoạt động tàu cá (đối với tàu cá phải đăng kiểm) hoặc Giấy chứng nhận trang bị an toàn (đối với tàu cá không đăng kiểm);

3. Sổ danh bạ thuyền viên;

4. Giấp phép sử dụng tần số và máy vô tuyến điện (nếu tàu có trang bị);

5. Giấy chứng nhận Bảo hiểm tàu cá;

6. Giấy phép khai thác thủy sản nếu phương tiện làm nghề khai thác thủy sản (trừ danh mục các nghề khai thác không cần giấy phép được quy định tại Phụ lục 1 kèm theo Nghị định 86/2001/NĐ-CP ngày 16/11/2001 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh các ngành nghề thủy sản);

7. Đủ các điều kiện kinh doanh nếu thuộc các ngành nghề thủy sản kinh doanh có điều kiện theo Nghị định 86/2001/NĐ-CP của Chính phủ.

Điều 24: Điều kiện và thủ tục cấp " Giấy phép khai thác thủy sản":

1. Tàu cá phải có đầy đủ các loại giấy tờ như quy định tại Điều 23.

2. Tàu cá có ngư cụ và loại nghề khai thác phù hợp với quy định của Bộ Thủy sản về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

3. Chủ tàu phải làm Đơn xin cấp giấy phép khai thác thủy sản (theo mẫu thống nhất của Bộ Thủy sản) có xác nhận của chính quyền địa phương cấp Huyện, hoặc Thành phố.

Điều 25: Qui định về Giấy phép khai thác thủy sản:

1. Giấy phép khai thác thủy sản được cấp cho một đơn vị tàu cá và chỉ có giá trị sử dụng cho tàu đó.

2. Thời hạn của Giấy phép khai thác thủy sản được quy định :

- 12 tháng đối với tàu khai thác thủy sản ở tuyến bờ.

- 24 tháng đối với tàu khai thác thủy sản ở tuyến lộng.

- 36 tháng đối với tàu khai thác thủy sản ở tuyến khơi (tuyến xa bờ).

Việc phân vùng, tuyến khai thác trong cấp Giấy phép khai thác thủy sản áp dụng cho vùng biển Đông Nam bộ .

Đối với tàu cá thuộc diện phải đăng kiểm, Giấy phép khai thác thủy sản chỉ có giá trị sử dụng khi phương tiện còn hạn hoạt động ghi trên Sổ chứng nhận khả năng hoạt động tàu cá.

3. Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về việc cấp Giấy phép khai thác thủy sản trong phạm vi toàn Tỉnh để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản theo quy định và hướng dẫn thống nhất của Cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ Thủy sản).

4. Giấy phép khai thác thủy sản mất hiệu lực hoặc bị thu hồi khi:

- Tàu cá thuộc quy định tại Điều 14.

- Giấy phép bị tẩy xóa, sửa chữa.

- Chủ tàu bị xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ nguồn lợi thủy sản từ 03 lần liên tục trở lên trong thời hạn của giấy phép.

Điều 26: Các tàu cá làm nghề khai thác đặc biệt như lặn hải đặc sản, thì ngoài các loại giấy tờ quy định tại Điều 23, tàu cá còn phải có "Giấy phép lặn" do Sở Thủy sản cấp.

Về thủ tục cấp "Giấy phép lặn", ngoài những quy định như cấp Giấy phép khai thác thủy sản, chủ tàu còn phải xuất trình :

1. Giấy phép sử dụng thiết bị lặn do cơ quan Đăng kiểm cấp.

2. Thợ lặn phải có Giấy chứng nhận đào tạo kỹ thuật lặn và Giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề.

3. Chủ tàu phải hoàn thành nghĩa vụ thuế đến thời điểm xin cấp giấy phép.

4. Hợp đồng lao động giữa chủ tàu với thợ lặn.

Điều 27: Tàu cá nếu có trang bị các máy móc thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn như: máy nén, bình chịu áp lực, chai chứa khí, hệ thống lạnh,... yêu cầu chủ tàu phải có "Giấy phép sử dụng" do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về kiểm định an toàn cấp.

Điều 28: Quy định về thuyền viên tàu cá:

1. Thuyền viên làm việc trên tàu cá có công suất máy chính từ 90 CV trở lên phải có Sổ thuyền viên tàu cá. Khuyến khích tất cả thuyền viên làm việc trên các tàu cá có công suất dưới 90 CV tham gia các lớp đào tạo nghiệp vụ đi biển để được cấp Sổ thuyền viên tàu cá.

2. Người điều khiển tàu cá phải có Bằng thuyền trưởng, Bằng máy trưởng tàu cá theo hạng quy định thống nhất của Bộ Thủy sản:

-Tàu cá có công suất máy chính từ 45 CV đến dưới 90 CV: Bằng thuyền trưởng, Bằng máy trưởng tàu cá hạng nhỏ.

- Tàu cá có công suất máy chính từ 90 CV đến dưới 400 CV: Bằng thuyền trưởng, Bằng máy trưởng tàu cá hạng Năm .

- Tàu cá có công suất máy chính từ 400 CV trở lên: Bằng thuyền trưởng, Bằng máy trường tàu cá hạng Tư.

3. Thuyền viên tàu cá khi làm nghề lặn hải đặc sản bắt buộc phải có Giấy chứng nhận đào tạo kỹ thuật lặn và Giấy chứng nhận đủ sức khỏe tại thời điểm hành nghề lặn.

Điều 29: Quy định trách nhiệm của chủ tàu:

1. Chủ tàu phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi hoạt động trên biển, quản lý phương tiện hoạt động nghề cá theo đúng nội dung ghi trong giấy phép.

2. Chủ tàu phải có trách nhiệm đóng bảo hiểm thuyền viên đầy đủ và danh sách thuyền viên đi biển phải được ghi rõ trong Sổ danh bạ thuyền viên. Mọi sự thay đổi danh sách thuyền viên trong quá trình hoạt động nghề cá, chủ tàu phải kịp thời khai báo cho các Đồn, Trạm kiểm soát Biên phòng hoặc chính quyền địa phương sở tại.

3. Chủ tàu làm nghề lặn hải đặc sản phải ký hợp đồng lao động với thợ lặn.

4. Nghiêm cấm việc sử dụng lao động trẻ em trên tất cả tàu cá.

CHƯƠNG VI:

KHEN THƯỞNG - XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 30: Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc tuyên truyền và thực hiện tốt quy định này sẽ được khen thưởng theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 31: Tổ chức, cá nhân có tàu cá nếu vi phạm quy định này sẽ bị xử phạt theo Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính../