Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2696/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP NĂM 2017 CỦA BỘ TÀI CHÍNH

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2017 của Bộ Tài chính (kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Chánh Văn phòng Bộ và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ có liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Lãnh đạo Bộ (để b/cáo);
- Bộ Tư pháp (Vụ PLDSKT) (để phối hợp);
- Như Điều 2;
- Lưu: VT, PC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn

 

KẾ HOẠCH

HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP NĂM 2017
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2696/QĐ-BTC ngày 19 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

Thông tin pháp lý cho doanh nghiệp; phổ biến, bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho người quản lý doanh nghiệp; hỗ trợ cho các doanh nghiệp được tiếp cận thông tin pháp luật, các quy trình của pháp luật tài chính liên quan một cách chính xác, kịp thời, đầy đủ và phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp; giải đáp và hướng dẫn thực hiện văn bản QPPL tài chính cho doanh nghiệp.

2. Yêu cầu

- Triển khai có trọng tâm, trọng điểm, xác định hoạt động ưu tiên trong việc triển khai kế hoạch; thường xuyên theo dõi, tổng hợp tình hình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để kịp thời có giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác này.

- Đảm bảo đúng nội dung, hình thức và phương pháp theo quy định của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nắm bắt kịp thời các văn bản QPPL tài chính mới ban hành và tổ chức thực hiện, chấp hành đúng quy định của pháp luật.

- Lồng ghép, kết hợp hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật; hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ, cung cấp thông tin cho người nộp thuế, người khai hải quan và các hoạt động quản lý nhà nước khác theo chức năng.

- Quy định rõ trách nhiệm của đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp, người đứng đầu trong tổ chức triển khai thực hiện

II. HÌNH THỨC VÀ NỘI DUNG TRỌNG TÂM

1. Tổ chức các cuộc hội thảo, phổ biến, tập huấn kiến thức pháp luật; trao đổi, thảo luận, tọa đàm lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo văn bản QPPL; biên soạn ấn phẩm, tài liệu, tờ rơi, tờ gấp giới thiệu các văn bản QPPL:

1.1. Nhóm các văn bản về Quản lý nợ và tài chính đối ngoại

- Luật Quản lý nợ công (sửa đổi)

Thời gian thực hiện: Quý I và Quý II/2017.

- Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2011/NĐ-CP 16/02/2011 của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ.

Thời gian thực hiện: Sau khi Chính phủ ban hành.

- Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại thực hiện.

1.2. Nhóm các văn bản về kinh doanh bảo hiểm

- Nghị định về Bảo hiểm nông nghiệp

Thời gian thực hiện Quý II/2017.

- Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 08/11/2016 và Nghị định số 46/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 8/11/2016.

Thời gian thực hiện: Quý II/2017.

- Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật kinh doanh Bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh Bảo hiểm.

Thời gian thực hiện: Quý I/2017.

- Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Cục quản lý giám sát bảo hiểm, Hiệp hội bảo hiểm thực hiện.

1.3. Nhóm các văn bản về Quản lý giá

- Nhóm các văn bản QPPL về giá dịch vụ trong một số lĩnh vực (được chuyển đổi từ phí sang giá theo quy định của Luật phí, lệ phí)

Thời gian thực hiện: Quý II, Quý III/2017.

- Nhóm các văn bản QPPL về tiêu chuẩn thẩm định giá số 12 về thẩm định giá cho doanh nghiệp; tiêu chuẩn thẩm định giá bất động sản..., Nghị định số 149/2016/NĐ-CP, ngày 11/11/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Giá.

- Cục Quản lý giá chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ có liên quan tổ chức Hội nghị thường niên về hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá để tập huấn triển khai đến các doanh nghiệp thẩm định giá.

Thời gian thực hiện: Quý III, Quý IV/2017.

1.4. Nhóm các văn bản về kế toán, kiểm toán

- Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 105/2015/NĐ-CP ngày 16/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập.

- Nghị định về kiểm toán nội bộ trong các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp.

Thời gian thực hiện: Sau khi Nghị định được Chính phủ ban hành.

- Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán thực hiện.

1.5. Nhóm văn bản về thuế, hải quan

Trên cơ sở rà soát, đánh giá nhu cầu từ phía doanh nghiệp, việc triển khai đối với các văn bản QPPL đã được các cấp có thẩm quyền ban hành trong thời gian qua cần phải tiếp tục thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Trong đó chú trọng đến một số văn bản như: Các luật thuế sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua trong năm 2015, năm 2016 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; Các văn bản QPPL được ban hành để triển khai các giải pháp tại Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Nghị quyết 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020.

Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan chủ trì phối hợp với Vụ Pháp chế, Vụ Chính sách Thuế và các đơn vị thuộc Bộ có liên quan tổng hợp rà soát các kiến nghị của doanh nghiệp để xác định rõ phạm vi, nội dung, đối tượng cụ thể để triển khai thực hiện bằng các hình thức phù hợp; trình Bộ tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, giải đáp vướng mắc trong thực tiễn áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật.

2. Cập nhật đầy đủ kịp thời các văn bản QPPL tài chính trên cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, trang thông tin điện tử của Bộ; của các đơn vị thuộc Bộ (nếu có) và tăng cường công tác thông tin tuyên truyền cho cộng đồng doanh nghiệp thông qua các cơ quan báo chí của ngành.

2.1. Các đơn vị thuộc Bộ được giao chủ trì soạn thảo văn bản QPPL có trách nhiệm gửi văn bản đến Vụ Pháp chế để đăng tải kịp thời liên cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật theo đúng quy định tại Điều 13 của Luật phổ biến giáo dục pháp luật; Nghị định số 52/2015/NĐ-CP ngày 28/5/2015 của Chính phủ quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật và Quy chế cung cấp thông tin pháp luật và đăng tải văn bản trên cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật được ban hành kèm theo Quyết định số 2524/QĐ-BTC ngày 02/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

2.2. Vụ Pháp chế chủ trì có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan báo chí của ngành tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật tài chính cho cộng đồng các doanh nghiệp trên các phương tiện đại chúng, trong đó lực lượng nòng cốt là các báo, tạp chí trong ngành. Trong đó chú trọng đến việc tuyên truyền các đề xuất chính sách mới; phản ánh các ý kiến đóng góp của người dân và doanh nghiệp trong quá trình soạn thảo văn bản.

3. Các đơn vị thuộc Bộ tổ chức tiếp nhận các vướng mắc, kiến nghị và giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp thông qua các hình thức: Giải đáp bằng văn bản; giải đáp thông qua mạng điện tử; giải đáp trực tiếp hoặc thông qua điện thoại và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Vụ Pháp chế có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại kế hoạch này. Lồng ghép các nội dung hỗ trợ pháp lý với các hoạt động thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính với chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ Tài chính năm 2017.

2. Các đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm phối hợp với Vụ Pháp chế tổ chức triển khai các nhiệm vụ theo phân công; đối với các văn bản QPPL về tài chính có liên quan đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không nêu trong kế hoạch này, các đơn vị thuộc Bộ căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế phát sinh để lựa chọn các văn bản QPPL do đơn vị chủ trì soạn thảo và phối hợp với Vụ Pháp chế tổ chức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp bằng các hình thức thích hợp.

Tổ chức pháp chế thuộc Tổng cục có trách nhiệm chủ trì, giúp Thủ trưởng đơn vị triển khai công tác này tại đơn vị.

3. Kinh phí thực hiện: Các đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm bố trí kinh phí trong phạm vi dự toán năm 2016 được giao để triển khai các nhiệm vụ theo phân công tại Kế hoạch này; đồng thời được sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng pháp luật của các tổ chức, cá nhân khác để thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định số 66/2008/NĐ-CP./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2696/QĐ-BTC năm 2016 Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2017 của Bộ Tài chính

  • Số hiệu: 2696/QĐ-BTC
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 19/12/2016
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Đỗ Hoàng Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản