Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19-2016/NQ-CP

Hà Nội, ngày 28 tháng 04 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA HAI NĂM 2016 - 2017, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 142/2016/QH13 ngày 12 tháng 4 năm 2016 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2014 và Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia;

Trên cơ sở thảo luận, biểu quyết của các Thành viên Chính phủ và Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2016,

QUYẾT NGHỊ:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN

Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2014 (gọi tắt là Nghị quyết 19-2014) đề ra Mục tiêu đến hết năm 2015 đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 6 trên 6 chỉ tiêu môi trường kinh doanh và Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 (gọi tắt là Nghị quyết 19-2015) đề ra Mục tiêu đến năm 2016 đạt mức trung bình của ASEAN 4 trên 10 chỉ tiêu.

Sau hai năm triển khai thực hiện, môi trường đầu tư kinh doanh nước ta đã có bước cải thiện, năng lực cạnh tranh được nâng lên, được các tổ chức quốc tế có uy tín ghi nhận1, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao2 và ngày càng kỳ vọng vào những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Chính phủ. Một số bộ, ngành và địa phương như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tập đoàn điện lực Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương đã tích cực triển khai và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện nên ở lĩnh vực này, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện cả về Điểm số và thứ hạng.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều Bộ, cơ quan và địa phương chưa tích cực triển khai và thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ về kết quả thực thi (năm 2015 chỉ có 10 Bộ, cơ quan và 15 tỉnh, thành phố thực hiện chế độ báo cáo theo quy định). Người đứng đầu một số Bộ, ngành và địa phương còn coi Nghị quyết 19 như là phong trào, chưa nắm được cụ thể Mục tiêu, nhiệm vụ đề ra nên chưa quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và đôn đốc, kiểm tra, giám sát; thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp, phiền hà. Vì thế, môi trường đầu tư, kinh doanh của nước ta tuy có được cải thiện nhưng vẫn còn thấp cả về thứ hạng và Điểm số. Một số chỉ tiêu chưa đạt mức cải thiện theo yêu cầu của Nghị quyết như Cấp phép xây dựng, Đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, Giao dịch thương mại qua biên giới, Giải quyết phá sản doanh nghiệp... và thấp khá xa so với trung bình của các nước ASEAN 6 và ASEAN 4.

II. MỤC TIÊU VÀ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH

Mục tiêu và nhiệm vụ chung phấn đấu cải thiện cả về Điểm số và vị trí xếp hạng về môi trường kinh doanh.

1. Các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt tối thiểu bằng trung bình của nhóm nước ASEAN 4.

- Bám sát tiêu chí đánh giá của Ngân hàng Thế giới và Diễn đàn kinh tế thế giới, củng cố, duy trì các kết quả đạt được trong khởi sự kinh doanh, tiếp cận điện năng, bảo vệ nhà đầu tư, nộp thuế và bảo hiểm xã hội, đồng thời phấn đấu nâng Điểm trên tất cả các chỉ tiêu.

- Bãi bỏ hoặc đình chỉ áp dụng các quy định về Điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, trái quy định của pháp luật. Cải cách toàn diện các quy định về Điều kiện kinh doanh, về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu, phù hợp với thông lệ quốc tế, chuyển căn bản sang hậu kiểm. Đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục hành chính không còn phù hợp, bảo đảm hàng năm cắt giảm tối thiểu 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.

- Đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 4 về cải cách hành chính thuế trên 03 nhóm chỉ tiêu: hoàn thuế; quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế; thời gian và kết quả xử lý khiếu nại về thuế;

- Rút ngắn thời gian Cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan tối đa không quá 77 ngày (bao gồm cả thủ tục thủ tục phê duyệt thiết kế xây dựng công trình, kết nối cấp thoát nước, nghiệm thu đưa công trình vào khai thác sử dụng, đăng ký tài sản sau hoàn công,...); thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản xuống không quá 14 ngày; thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới tối đa 10 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu, 12 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu; chỉ số tiếp cận tín dụng thuộc nhóm 30 nước đứng đầu3; thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng từ 400 ngày xuống còn tối đa 200 ngày; thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp từ 5 năm xuống còn 24 tháng;

- Giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Thay đổi căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành, thực hiện nguyên tắc quản lý trên cơ sở đánh giá rủi ro, áp dụng rộng rãi thông lệ quốc tế, chuyển căn bản sang hậu kiểm; điện tử hóa thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành; kết nối chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức quản lý, kiểm tra chuyên ngành và với cơ quan hải quan.

- Tạo lập hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, ổn định, tự do sáng tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

2. Đến năm 2017 đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 4 trên một số chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh thuộc nhóm chỉ số nâng cao hiệu quả (theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới).

- Chỉ số Hiệu lực chính sách cạnh tranh thuộc nhóm 50 nước đứng đầu; Hạn chế rào cản phi thuế quan thuộc nhóm 40 nước đứng đầu. Hoàn thiện chính sách cạnh tranh và nâng cao hiệu quả thị trường hàng hóa và cạnh tranh công bằng.

- Chỉ số Bảo đảm mức lương linh hoạt thuộc nhóm 60 nước đứng đầu; năng suất, khả năng giữ chân và thu hút nhân tài thuộc nhóm 40 nước đứng đầu.

- Chỉ số Mức độ sẵn có và đầy đủ về dịch vụ tài chính thuộc nhóm 50 nước đứng đầu.

- Phát triển mạnh thị trường quyền sử dụng đất, bao gồm cả thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp.

3. Mục tiêu đến năm 2020, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đạt mức trung bình của các nước ASEAN 3 trên một số chỉ tiêu thông lệ quốc tế.

Khởi sự kinh doanh thuộc nhóm 40 nước đứng đầu; thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan dưới 70 ngày; thời gian tiếp cận điện năng đối với lưới điện trung áp dưới 33 ngày; thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản dưới 10 ngày; bảo vệ nhà đầu tư thuộc nhóm 30 nước đứng đầu; thời gian nộp thuế là 110 giờ/năm và bảo hiểm xã hội là 45 giờ/năm; thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới dưới 36 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 41 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu; tiếp cận tín dụng thuộc nhóm 30 nước đứng đầu; thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng dưới 200 ngày; thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp tối đa 20 tháng.

III. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BỘ, NGÀNH VÀ ĐỊA PHƯƠNG

1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết 19 và tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Xây dựng Chương trình, Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19 trước 30 tháng 5 năm 2016, tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức về tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp. Xác định rõ Mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, đơn vị chủ trì thực hiện và kế hoạch chi Tiết sửa đổi các văn bản pháp luật hiện hành.

b) Chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế tìm hiểu rõ phương pháp, cách tính và ý nghĩa của các chỉ tiêu xếp hạng, đồng thời cung cấp thông tin để các tổ chức quốc tế có căn cứ xác thực để xếp hạng.

c) Tập trung chỉ đạo, Điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và thẩm quyền của mỗi cơ quan và cá nhân trong việc triển khai thực hiện. Có giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời, linh hoạt đối với những vấn đề mới phát sinh; kiến nghị, đề xuất những giải pháp chỉ đạo, Điều hành phù hợp, hiệu quả.

d) Khẩn trương hoàn thành việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về Điều kiện đầu tư kinh doanh. Rà soát, bãi bỏ các Điều kiện kinh doanh không còn phù hợp; chấm dứt ngay việc soạn thảo và ban hành Điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền. Xây dựng và trình ban hành các Nghị định về Điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật đầu tư 2014.

Sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi các quy định quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng đơn giản hóa và hiện đại hóa thủ tục hành chính. Ban hành Danh Mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành theo hướng đơn giản hóa, chi Tiết hóa, mã hóa danh Mục; quy định rõ ràng về tiêu chuẩn áp dụng, phương thức kiểm tra, thời Điểm, đơn vị và địa Điểm kiểm tra. Sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành theo quy định tại Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 17 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Sửa đổi các quy định về phí kiểm tra chuyên ngành, minh bạch về cách tính chi phí, người chịu trách nhiệm trả phí và chuyển dần sang áp dụng cơ chế giá. Đẩy mạnh xã hội hóa để thực hiện theo quy định pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế.

đ) Giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 30 - 35% hiện nay xuống còn 15% đến hết năm 2016. Đổi mới căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành trên cơ sở nguyên tắc quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của từng doanh nghiệp; áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên.

Rà soát danh Mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, theo đó, chỉ hàng hóa nhập khẩu trên quy mô thương mại mới thuộc diện phải kiểm tra; mã hóa chi Tiết mặt hàng cần kiểm tra. Áp dụng kiểm tra chuyên ngành theo thông lệ quốc tế; đẩy mạnh công nhận lẫn nhau theo thỏa thuận; chủ động công nhận chất lượng của những nhãn hiệu, nhà sản xuất nổi tiếng, những hàng hóa được sản xuất tại các nước, khu vực có tiêu chuẩn chất lượng cao, tiên tiến (châu Âu, Mỹ, Nhật Bản...). Chuyển thời Điểm kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra chất lượng hàng hóa, hiệu suất năng lượng, an toàn thực phẩm trong giai đoạn thông quan sang kiểm tra sau khi hàng hóa đã được thông quan (trừ kiểm dịch đối với trường hợp mặt hàng nhập khẩu có nguy cơ cao theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Đối với nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất phục vụ tiêu dùng trong nước thực hiện kiểm tra tại khâu sản xuất và trước khi đưa sản phẩm vào lưu thông; đối với hàng xuất khẩu được sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu thực hiện tại cơ sở sản xuất trước khi xuất hàng.

Điện tử hóa thủ tục (nộp hồ sơ, trả kết quả...) kiểm tra chuyên ngành; kết nối chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức quản lý, kiểm tra chuyên ngành với Cổng thông tin một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN để giảm thiểu giấy tờ, hướng tới Mục tiêu phi giấy tờ, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

e) Công khai các thủ tục hành chính đã được các Bộ, cơ quan, địa phương chuẩn hóa trên Cơ sở dữ liệu quốc gia trước 30 tháng 6 năm 2016. Hoàn thành việc chuẩn hóa bộ thủ tục hành chính theo Quyết định số 08/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2015 và niêm yết công khai, đầy đủ, kịp thời các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết trên mạng Internet và tại trụ sở cơ quan, đơn vị.

g) Thiết lập hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý kiến nghị và kết quả giải quyết thủ tục hành chính để người dân và doanh nghiệp đánh giá, phản ảnh về chính sách, thủ tục hành chính và việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thực hiện nghiêm quy định về giải trình và giải quyết các kiến nghị của người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua mạng hoặc dịch vụ bưu điện.

h) Xây dựng năng lực, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước. Thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến và Chính phủ điện tử; triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, trước hết tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp...

i) Thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước.

k) Thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19. Xử lý nghiêm cán bộ, công chức và người đứng đầu thiếu trách nhiệm, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

l) Thực hiện nghiêm quy định chế độ báo cáo. Định kỳ hàng quý (trước ngày 15 của tháng cuối quý) và báo cáo năm trước ngày 15 tháng 12, tổng hợp báo cáo, đánh giá tình hình triển khai và kết quả thực hiện Quý và cả năm gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ.

m) Chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức Đoàn thể nhân dân giám sát thực hiện Nghị quyết 19. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, vận động cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tích cực tham gia phản biện, góp ý và mở diễn đàn tiếp nhận các ý kiến phản biện chính sách của doanh nghiệp và người dân.

n) Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lập các Đoàn đi kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 19.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

- Khẩn trương ban hành các Thông tư hướng dẫn thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là Thông tư hướng dẫn quy chế phối hợp giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký kinh doanh; sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản có liên quan phù hợp với Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp. Xây dựng Nghị định quy định về Điều kiện đầu tư kinh doanh và kiểm soát Điều kiện đầu tư kinh doanh.

- Rà soát, phối hợp với Bộ Tư pháp kiến nghị bãi bỏ các quy định về Điều kiện đầu tư kinh doanh không phù hợp hoặc các quy định đã được ban hành trái thẩm quyền; thực hiện công bố đầy đủ các Điều kiện đầu tư kinh doanh trên Cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp. Củng cố và cải thiện thứ hạng và Điểm số của Khởi sự kinh doanh và Bảo vệ nhà đầu tư.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định (sửa nhiều Nghị định) để giải quyết các vướng mắc về đầu tư, kinh doanh, tạo sự liên thông giữa các thủ tục đầu tư với các thủ tục về đất đai, xây dựng, đấu thầu, môi trường; thống nhất cách hiểu về “Điều kiện kinh doanh” đơn giản hóa và giảm tối đa thời gian thực hiện thủ tục đầu tư, trình Chính phủ ban hành trong tháng 7 năm 2016.

- Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng cơ chế liên thông kết nối thông tin về doanh nghiệp, tạo Điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đăng ký lao động, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

- Triển khai thực hiện việc sử dụng mã số doanh nghiệp duy nhất, sử dụng chữ ký số của doanh nghiệp trong tất cả các quan hệ giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước (Kế hoạch và Đầu tư, Thuế, Hải quan, Bảo hiểm xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng...) và trong các hoạt động của doanh nghiệp.

- Đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp những doanh nghiệp đã và đang giải quyết thủ tục phá sản, danh sách các quản tài viên trên toàn quốc.

- Đề xuất các giải pháp cải thiện, nâng cao vị thế năng lực cạnh tranh; trình Chính phủ trong tháng 6/2017 Đề án tổng thể về chính sách cạnh tranh.

- Rút ngắn thời gian thành lập mới doanh nghiệp xuống còn 03 ngày theo quy định của pháp luật. Nâng cao năng lực phân tích chính sách cho khu vực tư nhân, nhất là các chính sách tác động tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

3. Bộ Tài chính

- Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin tối thiểu đạt 95% trong nộp tờ khai, nộp thuế, hoàn thuế.

- Công khai cơ sở dữ liệu về hoàn thuế, bảo đảm 100% hồ sơ hoàn thuế được kiểm tra và 100% hồ sơ khiếu nại của người nộp thuế được giải quyết đúng thời gian quy định của pháp luật. Công khai, minh bạch các quy định của Luật quản lý thuế, các quy trình thanh tra, giải quyết khiếu nại và hoàn thuế giá trị gia tăng.

- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng hệ thống cấp mã số thuế tự động cho doanh nghiệp.

- Phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường và các Bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương ban hành văn bản thay thế Thông tư liên tịch số 30/2005/TTLT/BTC-BTNMT4, tạo quy trình liên thông giữa Cơ quan thuế và Văn phòng đăng ký đất đai/ Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.

- Trình Chính phủ ban hành Nghị định về chống chuyển giá, trốn thuế trong năm 2016.

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, đảm bảo kết nối thông tin giữa các Bộ, cơ quan và đơn vị quản lý chuyên ngành với Tổng cục Hải quan và Cổng thông tin một cửa quốc gia. Phối hợp với các Bộ, cơ quan và đơn vị quản lý chuyên ngành xây dựng hệ thống thông tin thống nhất.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan triển khai thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại địa Điểm kiểm tra tập trung ở các cửa khẩu trong thông quan.

- Hoàn thiện hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS, tập trung xử lý các thủ tục hải quan còn nhiều bất cập theo hướng thay đổi phương thức quản lý, hiện đại hóa (giám sát hàng hóa tại cảng biển; miễn thuế, hoàn thuế và xác nhận hàng hóa qua khu vực giám sát; quản lý rủi ro và phân luồng hàng hóa; kiểm soát tại cửa khẩu; thanh Khoản tờ khai nhập nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu; kiểm tra sau thông quan; kiểm tra thực tế hàng hóa,...). Công khai tiêu chí đánh giá, có hệ thống cảnh báo; công khai lý do doanh nghiệp bị phân vào luồng vàng, đỏ và hàng năm giảm tỷ lệ kiểm tra luồng vàng, đỏ. Công bố bảng mã cảng trên website. Sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thực hiện hải quan tự động, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống.

- Thực hiện kết nối, trao đổi thông tin bằng phương thức điện tử về hàng hóa tại cảng nhằm giảm thiểu hồ sơ giấy tờ, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hàng hóa, container tại các cảng biển.

- Rà soát, sửa đổi các quy định về phí kiểm tra chuyên ngành theo hướng giảm chi phí cho doanh nghiệp và minh bạch trách nhiệm trả phí. Xác định rõ danh Mục kiểm tra chuyên ngành phục vụ quản lý nhà nước và kiểm tra chuyên ngành theo yêu cầu của doanh nghiệp.

4. Bảo hiểm xã hội Việt Nam:

- Rà soát, đơn giản hồ sơ, quy trình và thủ tục kê khai thu và chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục nộp bảo hiểm bắt buộc đối với doanh nghiệp.

- Áp dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng giữa các cơ quan bảo hiểm xã hội của 63 tỉnh, thành phố, tạo lập cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội tập trung của cả nước, tiến tới thực hiện giao dịch điện tử đối với các thủ tục kê khai, thu nộp và giải quyết chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.

- Xây dựng quy trình, thủ tục thanh tra, kiểm tra bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với doanh nghiệp để thống nhất thực hiện. Phối hợp với Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Bộ Y tế và các địa phương thống nhất về thẩm quyền, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra.

5. Bộ Công Thương

- Trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 108/2008/NĐ-CP, Nghị định số 26/2011/NĐ-CP trước tháng 9 năm 2016; sửa đổi Thông tư số 40/2011/TT-BCT về thủ tục khai báo hóa chất.

- Sửa đổi, bổ sung Quyết định số 11039/2014/QĐ-BCT trước tháng 9 năm 2016 về danh Mục hàng hóa phải kiểm tra chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm.

- Thay đổi căn bản cách thức quản lý, kiểm tra, dán nhãn hiệu suất năng lượng, bãi bỏ các quy định không có hiệu quả thực tế, kéo dài thời gian thông quan, gây khó khăn, tăng chi phí cho doanh nghiệp.

- Rà soát, đôn đốc các Bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 187/2013/NĐ-CP đối với hàng hóa thuộc Danh Mục quản lý chuyên ngành.

- Có văn bản giải thích những nội dung chưa rõ ràng của Thông tư số 37/2015/TT-BCT ngày 30 tháng 10 năm 2015 về kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm trên các sản phẩm dệt may.

- Sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi theo hướng đơn giản hóa thủ tục quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu. Tổ chức đánh giá các quy định và hiệu quả thực thi Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BCT-BKHCN ngày 31 tháng 12 năm 2015.

- Hoàn thành sửa đổi Thông tư 33/2014/TT-BCT trước tháng 12 năm 2016 theo hướng: (i) Bỏ yêu cầu thực hiện Xác nhận phù hợp quy hoạch đối với các công trình trung áp có công suất dưới 2000 KVA; (ii) Đơn giản hóa hồ sơ thỏa thuận đấu nối vào lưới điện trung áp; (iii) phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về ban hành quy định thời hạn giải quyết các thủ tục Thỏa thuận vị trí cột/trạm điện và hành lang lưới điện, cấp phép thi công công trình xây dựng.

- Trình Quốc hội dự thảo Luật cạnh tranh (sửa đổi) trước tháng 12 năm 2017, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, kiểm soát có hiệu quả độc quyền trong kinh doanh. Giải quyết kịp thời các khiếu nại đối với các vụ việc lạm dụng vị thế độc quyền, thống lĩnh thị trường vi phạm cạnh tranh và xử lý nghiêm các vi phạm.

6. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Giải quyết các vướng mắc liên quan đến một số quy định tại Thông tư số 48/2013/TT-BNNPTNT ngày 12 tháng 11 năm 2013 về tỷ lệ lấy mẫu, cách thức lấy mẫu theo lô sản xuất để kiểm tra; thời gian giá xếp doanh nghiệp trở lại Danh sách ưu tiên kể từ ngày đánh giá lại đạt yêu cầu theo quy định; thời gian cấp lại Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.

- Sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi các quy định, thủ tục về kiểm tra an toàn thực phẩm và kiểm dịch hàng hóa nhập khẩu theo hướng áp dụng phương thức quản lý rủi ro; đơn giản hóa, điện tử hóa thủ tục kiểm tra, kiểm dịch; áp dụng chế độ công nhận lẫn nhau. Thực hiện kiểm tra trong quá trình sản xuất và sau thông quan thay vì kiểm tra theo lô hàng và tại thời Điểm thông quan. Sửa đổi, bổ sung các văn bản về kiểm dịch hàng hóa xuất khẩu theo hướng chỉ kiểm dịch khi người xuất khẩu yêu cầu. Tránh kiểm tra chồng chéo giữa các cơ quan, nhất là đối với sản phẩm lông thú, nguyên liệu ngành sữa.

7. Bộ Khoa học và Công nghệ

- Trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa trước tháng 9 năm 2016.

- Tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quy định về việc vừa phải thực hiện chứng nhận hợp quy, vừa phải kiểm tra từng lô hàng nhập khẩu.

- Có cơ chế, chính sách và tạo môi trường, Điều kiện thuận lợi các doanh nghiệp khoa học công nghệ phát triển.

- Trình Chính phủ Đề án nâng cấp Viện Năng suất Việt Nam thành Viện Năng suất quốc gia Việt Nam trước tháng 7 năm 2016.

- Hình thành và phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, các trung tâm đổi mới sáng tạo và vườn ươm công nghệ.

8. Bộ Tài nguyên và Môi trường

- Hoàn thành sửa đổi quy định về thủ tục hành chính trong đăng ký, chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản trước tháng 12 năm 2016. Thực hiện kết nối điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

- Đề xuất giải pháp công khai hóa quỹ đất chưa sử dụng, đất chưa cho thuê, cho thuê lại tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, quỹ đất được Nhà nước giao, cho thuê nhưng chậm đưa đất vào sử dụng. Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận đất đai.

- Xây dựng chính sách khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp theo mô hình tập trung quy mô lớn.

9. Bộ Tư pháp

- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, kiểm tra báo cáo Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trái Hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên đặc biệt là các quy định về Điều kiện đầu tư, kinh doanh.

- Phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan đến thực thi Bộ luật tố tụng dân sự 2014, Luật phá sản 2014 để đẩy nhanh việc giải quyết tranh chấp hợp đồng và giải quyết phá sản doanh nghiệp theo hướng đơn giản hóa thủ tục, quy trình và rút ngắn thời gian. Hướng dẫn thực hiện Luật thi hành án dân sự.

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan tới thi hành án dân sự theo hướng bỏ quy định niêm yết tại địa Điểm của bất động sản bán đấu giá; bổ sung quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản đã bán đấu giá với thủ tục đơn giản, tạo thuận lợi cho công tác thi hành án.

- Hoàn thiện các quy định về thừa phát lại để thúc đẩy phát triển mạng lưới thừa phát lại trên toàn quốc. Nâng cao hiệu quả công tác thi hành án và hành chính tư pháp của tòa án.

- Xây dựng các Điều kiện, tiêu chí rõ ràng, minh bạch đối với quản tài viên khi hành nghề. Phát triển đội ngũ quản tài viên cả về số lượng và chất lượng; đơn giản hóa thủ tục hành chính về cấp thẻ quản tài viên.

- Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu điện.

10. Bộ Nội vụ

- Thực hiện hiệu quả Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức và Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 18 tháng 10 năm 2012 và Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04 tháng 02 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ.

- Đẩy mạnh triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính.

- Trình Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế đánh giá và chế tài xử lý cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính ở tất cả các cơ quan nhà nước từ cấp phường, xã trở lên trong năm 2016.

11. Bộ Giao thông vận tải

Phối hợp với Bộ Tài chính xem xét sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, bảo đảm công khai minh bạch về cước và phụ cước. Thực hiện các giải pháp kiểm soát hợp lý việc thu phụ phí của các hãng tàu, ngăn chặn việc các hãng tàu áp đặt các loại phí một cách tùy tiện

12. Bộ Xây dựng

- Cải cách quy trình, thủ tục hành chính về cấp phép xây dựng và các thủ tục hành chính có liên quan đến quản lý xây dựng công trình. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian trong cấp phép xây dựng.

- Đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian và chi phí cấp phép xây dựng. Phối hợp với các Bộ: Công an, Tài nguyên và Môi trường lồng ghép thủ tục thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường với thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng.

- Giải quyết các vướng mắc5 cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục cấp phép xây dựng theo Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Nghị định quy định các loại giấy tờ hợp pháp về đất đai để cấp phép xây dựng. Đối với các dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất hoặc đất đang sử dụng hợp pháp phù hợp với quy hoạch thì được xem xét cấp giấy phép xây dựng; các khu vực không phải đất xây dựng, nhưng không chuyển đổi được Mục đích sử dụng đất (như đất xây dựng biển quảng cáo, trạm, cột phát sóng ngoài đô thị...) thì căn cứ văn bản chấp thuận về địa Điểm của Ủy ban nhân dân cấp huyện để cấp phép xây dựng.

13. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

- Thực hiện các giải pháp cải thiện và minh bạch hóa thông tin tín dụng, tạo Điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế được bình đẳng và thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng theo cơ chế thị trường.

- Xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển các dịch vụ tài chính.

14. Bộ Giáo dục và Đào tạo

- Hoàn thiện chính sách nâng cao chất lượng của các cơ sở giáo dục đào tạo.

- Mở rộng quyền tự chủ tuyển sinh, tự chủ tài chính, tự chủ về chương trình, nội dung đào tạo và khảo thí cho các cơ sở giáo dục đào tạo; tạo Điều kiện thuận lợi cung ứng dịch vụ giáo dục đào tạo theo cơ chế thị trường gắn với việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng và đầu ra.

15. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

- Cải cách các quy định về thị trường lao động và nâng cao hiệu quả thị trường lao động, bảo đảm tính thống nhất và linh hoạt của thị trường lao động. Tạo thuận lợi cho việc tuyển dụng và sử dụng lao động.

- Sửa đổi, bổ sung, đơn giản hóa các quy trình, quy định, thủ tục thu, chi trả bảo hiểm xã hội.

- Hoàn thiện các thủ tục và Điều kiện thành lập, hoạt động đối với các tổ chức đào tạo nghề ngoài công lập; bãi bỏ hoặc kiến nghị bãi bỏ các thủ tục, Điều kiện không phù hợp; khuyến khích và tạo thuận lợi hơn cho khu vực tư nhân trong nước, nước ngoài và các tổ chức xã hội tham gia đào tạo nghề.

- Đổi mới cơ chế, chính sách đào tạo nghề theo hướng mở rộng quyền tự chủ tuyển sinh, tự chủ tài chính, tự chủ về chương trình, nội dung và sản phẩm dịch vụ và cung ứng dịch vụ giáo dục, đào tạo theo cơ chế thị trường.

16. Bộ Y tế

- Sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi các quy định về thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm theo hướng áp dụng phương thức quản lý rủi ro; áp dụng chủ yếu kiểm tra an toàn thực phẩm sau khi thông quan thay vì kiểm tra tại thời Điểm thông quan; kiểm tra trong quá trình sản xuất thay vì kiểm tra theo lô hàng.

- Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2012/TT-BYT về thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm trong trường hợp sản phẩm chỉ thay đổi về kích cỡ vật liệu bao gói trước tháng 9 năm 2016.

- Chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan thực hiện ghi nhãn phụ, dán nhãn sản phẩm, công bố hợp quy, công bố sự phù hợp theo hướng không yêu cầu áp dụng đối với nguyên liệu, thực phẩm nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu, gia công xuất khẩu và nhập kinh doanh để sản xuất tiếp hàng xuất khẩu.

- Sửa đổi, đơn giản hóa các quy trình, quy định, thủ tục thu, chi trả bảo hiểm y tế.

17. Bộ Ngoại giao

- Đẩy mạnh vận động chính trị, ngoại giao để thúc đẩy các đối tác sớm công nhận quy chế thị trường của Việt Nam, góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, thương mại và bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam trong các tranh chấp thương mại quốc tế.

- Nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp; tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin về hội nhập quốc tế, nhất là các cam kết theo các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, để thống nhất nhận thức và quán triệt trong thực thi.

- Nâng cao năng lực của các cơ quan liên quan trong việc nắm bắt các quy định của pháp luật quốc tế về đầu tư, kinh doanh, chủ động tuân thủ, nâng cao khả năng hỗ trợ giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế nhằm bảo vệ tối đa lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp trong nước.

- Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế, gắn việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

18. Bộ Thông tin và Truyền thông, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các Bộ, cơ quan, địa phương tổ chức truyền thông, quán triệt, phổ biến Nghị quyết sâu rộng trong các ngành, các cấp. Tăng cường theo dõi, giám sát của các cơ quan truyền thông, báo chí về kết quả thực hiện Nghị quyết.

19. Văn phòng Chính phủ mở diễn đàn tiếp nhận các ý kiến phản biện chính sách của doanh nghiệp và người dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Đoàn kiểm tra, giám sát của Chính phủ và tổng hợp báo cáo Chính phủ tại các phiên họp thường kỳ tháng cuối quý. Kết quả thực hiện Nghị quyết được đưa vào đánh giá chất lượng hoạt động của từng Bộ, cơ quan, địa phương tại phiên họp thường kỳ tháng 12 hàng năm của Chính phủ.

20. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Thực hiện đầy đủ, nhất quán những cải cách quy định tại Luật doanh nghiệp và các nghị định hướng dẫn thi hành về Khởi sự kinh doanh và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Cơ quan đăng ký kinh doanh chủ trì phối hợp với cơ quan thuế, lao động, bảo hiểm xã hội kết nối các thủ tục nhằm rút ngắn thời gian Khởi sự kinh doanh và đăng ký thành lập doanh nghiệp.

- Thực hiện cơ chế một cửa liên thông, kết nối điện tử, đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan; đăng ký quyền sở hữu và sử dụng tài sản. Quy định cụ thể về hồ sơ hoàn công, tạo Điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký tài sản hình thành từ quá trình xây dựng. Công khai hóa thủ tục hành chính có liên quan về đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản

- Công khai hóa quy trình, thủ tục Tiếp cận điện năng, thời gian xác nhận phù hợp quy hoạch, bổ sung quy hoạch. Bãi bỏ hoặc chuyển sang hậu kiểm đối với các thủ tục Thỏa thuận vị trí cột trạm điện và hành lang lưới điện, Cấp phép thi công công trình xây dựng hoặc gộp 2 thủ tục thành một thủ tục để thực hiện đồng thời với một cơ quan đầu mối.

- Thực hiện cơ chế một cửa liên thông, một cửa điện tử trong giải quyết các thủ tục hành chính về thuế, tiền thu từ phí, lệ phí.

- Thực hiện nghiêm các quy định, chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đơn giản hóa hồ sơ, quy trình và thực hiện giao dịch điện tử kê khai, thu và chi và giải quyết chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

- Thực hiện cải cách thủ tục hành chính tư pháp theo đúng tinh thần của Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Luật phá sản 2014; và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án nhằm rút ngắn thời gian theo yêu cầu của Nghị quyết.

21. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề:

- Tiến hành khảo sát, đánh giá độc lập về chất lượng thực hiện thủ tục hành chính, đưa ra các khuyến nghị với Chính phủ. Phối hợp với các Bộ: Nội vụ, Tư pháp xây dựng tiêu chí, đánh giá cải cách thủ tục hành chính của các Bộ, cơ quan, địa phương và công bố công khai cho cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân. Nghiên cứu xếp hạng tín nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp đối với các Bộ, ngành và các địa phương.

- Nâng cao chất lượng, uy tín của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương cải thiện Chỉ số PCI kết nối với việc thực hiện nhiệm vụ tại Nghị quyết 19.

- Tổ chức thu thập ý kiến phản biện chính sách, những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư để phản ánh với cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ kịp thời và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời tập hợp báo cáo Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh và Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Phối hợp với các Bộ, cơ quan, các hiệp hội doanh nghiệp lập các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chiến lược cạnh tranh, áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, xây dựng thương hiệu, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội nhằm từng bước cải thiện trình độ kinh doanh và năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

- Phối hợp với các Bộ, cơ quan, các hiệp hội doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng và triển khai thực hiện chương trình phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường hội nhập quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam.

- Phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng và triển khai chương trình nâng cao năng lực hoạt động cho các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam.

22. Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề xây dựng tiêu chí đánh giá cải cách thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương; tổ chức khảo sát, nghiên cứu, đánh giá định kỳ việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại các Bộ, ngành, địa phương và báo cáo đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

23. Đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực thi Bộ luật tố tụng dân sự, Luật phá sản 2014 để các quy định này sớm áp dụng trên thực tế; đề nghị triển khai các mô hình tiếp nhận đơn khởi kiện, tống đạt, thông báo quá trình tố tụng và lịch xét xử và giải quyết phá sản trực tuyến cho các tòa án địa phương./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Viện NCQLKTTW, Văn phòng PTBV (Bộ KH&ĐT);
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, Tổng Thư ký HĐQG về PTBV và Nâng cao NLCT, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục;
- Lưu: VT, KGVX (3b). HĐC

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

 



1 Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2015-2016 (công bố tháng 9 năm 2015) của Diễn đàn kinh tế thế giới, vị thế năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2015 có sự cải thiện đáng kể so với năm 2014, tăng 12 bậc (từ vị trí 68/144 lên vị trí 56/140). Thứ hạng này của Việt Nam liên tục được cải thiện từ năm 2012, và năm 2015 đạt mức tăng bậc nhiều nhất. Mặc dù vậy, Khoảng cách trên hầu hết các trụ cột (chỉ số) của Việt Nam so với các quốc gia Đông Nam Á còn khá xa. Trong khu vực Đông Nam Á, năng lực cạnh tranh của Việt Nam hiện đứng 6 sau 5 quốc gia gồm: Singapore (thứ 2), Malaysia (thứ 18), Thái Lan (thứ 32), Indonesia (thứ 37) và Philippines (thứ 47), và thuộc nửa trên của Bảng xếp hạng.

Về môi trường kinh doanh, thứ hạng của nước ta năm 2015 (theo Báo cáo Doing Business 2016 của Ngân hàng thế giới, công bố tháng 10 năm 2015) tăng 3 bậc, từ vị trí 93 lên vị trí 90/189 nền kinh tế, với mức cải thiện 1.75 Điểm phần trăm. So với các nước ASEAN 4, năm 2015, Việt Nam được ghi nhận nhiều cải cách hơn, nhờ đó môi trường kinh doanh tăng Điểm và thứ hạng tốt hơn (cải thiện ở 5/10 lĩnh vực); trong khi 3 nước trong khu vực Đông Nam Á gồm Malaysia, Philippines và Thái Lan xuống hạng; Singapore vẫn giữ vị trí dẫn đầu thế giới.

2 Kết quả khảo sát các Hiệp hội doanh nghiệp và Liên minh hợp tác xã (Chương trình phối hợp giám sát giữa 6 bên Mặt trận tổ quốc, Bộ Tài chính, VCCI, Liên minh các HTX Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, và Hiệp hội doanh nhân trẻ Việt Nam về thực hiện Nghị quyết 19 trong lĩnh vực thuế và hải quan, công bố tháng 12/2015) cho thấy 3 lĩnh vực nhận được đánh giá tích cực nhất là Thành lập doanh nghiệp (84%); Nộp thuế (75%); và Hải quan (68%).

3 Theo cách đánh giá, xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới, chỉ số tiếp cận tín dụng gồm các nội dung sau: Xếp hạng tín dụng quốc gia; Mức độ sẵn có về dịch vụ tài chính; năng lực của hệ thống ngân hàng trong việc cung cấp tín dụng cho khu vực tư; Mức độ tiếp cận vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua hệ thống tài chính; Mức độ phát triển của hệ thống thông tin tín dụng.

4 Thông tư liên tịch số 30/2005/TTLT/BTC-BTNMT ngày 18/04/2005 hướng dẫn việc luân chuyển hồ sơ của người sử dụng đất khi thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai. Thông tư này được xây dựng căn cứ vào Luật Đất đai năm 2003 và Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004. Hai văn bản này đã được thay thế bằng Luật Đất đai 2013 và Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi Tiết thi hành một số Điều của Luật Đất đai.

5 Một số vướng mắc cụ thể như: quy định về việc cấp Giấy phép xây dựng phải phù hợp với quy hoạch chi Tiết xây dựng, trong khi nhìn chung các địa phương chưa có quy hoạch chi Tiết hoặc chưa có đầy đủ quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; Yêu cầu Bản vẽ thiết kế xây dựng trong Hồ sơ cấp phép xây dựng; Phần lớn các dự án, công trình (sử dụng vốn nhà nước và ngoài nhà nước) phải được Bộ Xây dựng hoặc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật. Các quy định này dẫn tới kéo dài thời gian cấp phép xây dựng và làm tăng chi phí rất lớn đối với doanh nghiệp.