Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 66/2008/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 28 tháng 05 năm 2008

NGHỊ ĐỊNH

VỀ HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định hình thức, nội dung hỗ trợ pháp lý, điều kiện bảo đảm hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân kinh doanh (sau đây gọi chung là doanh nghiệp); trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ (sau đây gọi chung là Bộ) và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng của Nghị đình này bao gồm:

1. Các Bộ;

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

3. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các hiệp hội, hội, câu lạc bộ của doanh nghiệp (sau đây gọi chung là các tổ chức đại diện của doanh nghiệp);

4. Doanh nghiệp;

5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Nguyên tắc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

1. Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp quy định tại Nghị định này được thực hiện đối với mọi doanh nghiệp, không phân biệt hình thức sở hữu, hình thức tổ chức, quy mô kinh doanh và lĩnh vực hoạt động.

2. Hoạt động hỗ trợ pháp lý được thực hiện bằng các hình thức phù hợp. Các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được xây dựng căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, của từng vùng, ngành, lĩnh vực và nhu cầu của từng đối tượng được hỗ trợ.

3. Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được thực hiện trên nguyên tắc có sự phối hợp giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức đại diện của doanh nghiệp.

Điều 4. Trách nhiệm của các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:

1. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động nắm bắt nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp;

2. Tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định này.

Điều 5. Trách nhiệm của các tổ chức đại diện của doanh nghiệp trong hoạt động hỗ trợ pháp lý

1. Chủ động tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình.

2. Phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức khác có liên quan trong việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định này.

Điều 6. Trách nhiệm của doanh nghiệp

1. Chủ động tìm hiểu pháp luật, bố trí cán bộ phụ trách công tác pháp chế doanh nghiệp hoặc thuê luật sư tư vấn để giúp doanh nghiệp thực thi pháp luật.

2. Phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức đại diện của doanh nghiệp trong việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý theo quy định tại Nghị định này.

Chương 2:

HÌNH THỨC, NỘI DUNG HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP

Điều 7. Xây dựng và khai thác các cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt động của doanh nghiệp

1. Các Bộ tổ chức xây dựng, duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp để đăng tải trên trang thông tin điện tử chính thức của Bộ, trừ văn bản thuộc danh mục bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng, duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương ban hành liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp để đăng tải trên trang thông tin điện tử chính thức của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, trừ văn bản thuộc danh mục bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.

3. Doanh nghiệp được tiếp cận, sử dụng miễn phí thông tin đăng tải trên trang thông tin điện tử được quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp luật mà chưa được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì doanh nghiệp có quyền đề nghị Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cập nhật văn bản đó.

Điều 8. Xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật

1. Các Bộ biên soạn tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh biên soạn tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương ban hành có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các tổ chức đại diện của doanh nghiệp xây dựng kế hoạch và tổ chức phổ biến tài liệu giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật cho doanh nghiệp tại địa phương.

Điều 9. Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp

1. Các Bộ tổ chức biên soạn tài liệu bồi dưỡng kiến thức pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, các tổ chức đại diện của doanh nghiệp thực hiện việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các tổ chức đại diện của doanh nghiệp xây dựng kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp tại địa phương.

Điều 10. Giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp

1. Doanh nghiệp có quyền yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải đáp pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.

2. Trong trường hợp việc giải đáp pháp luật của cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nêu tại khoản 1 Điều này chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp thì doanh nghiệp có quyền yêu cầu các Bộ có liên quan giải đáp.

3. Việc giải đáp pháp luật được thực hiện thông qua các hình thức sau đây:

a) Giải đáp bằng văn bản;

b) Giải đáp thông qua mạng điện tử;

c) Giải đáp trực tiếp hoặc thông qua điện thoại;

d) Các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

4. Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các Bộ có trách nhiệm trả lời yêu cầu giải đáp pháp luật trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày doanh nghiệp cung cấp đủ thông tin có liên quan đến yêu cầu giải đáp pháp luật.

Đối với các trường hợp có nội dung phức tạp hoặc liên quan đến phạm vi quản lý nhà nước trong nhiều ngành, lĩnh vực thì thời hạn trả lời là 30 ngày làm việc.

5. Trong trường hợp không giải đáp pháp luật thì cơ quan được yêu cầu giải đáp phải nêu rõ lý do.

6. Việc giải đáp pháp luật quy định tại Điều này không áp dụng đối với các yêu cầu giải đáp pháp luật của doanh nghiệp về những trường hợp cụ thể liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Điều 11. Tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp và hoàn thiện pháp luật

1. Các Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc tiếp nhận, tổng hợp kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến các quy định pháp luật để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật.

2. Tổ chức pháp chế thuộc Bộ, Sở Tư pháp thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan giúp Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Trước ngày 31 tháng 12 hàng năm, các Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm gửi báo cáo tổng hợp kết quả tiếp nhận, xử lý những kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện các quy định pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực hoặc địa phương do mình quản lý cho Bộ Tư pháp để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 12. Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

1. Mục tiêu của chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhằm thông tin pháp lý cho doanh nghiệp; phổ biến, bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho người quản lý doanh nghiệp; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ pháp chế doanh nghiệp.

2. Căn cứ xây dựng chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp:

a) Nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp trong từng thời kỳ, tại các vùng, ngành, lĩnh vực và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế;

b) Chương trình xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội và kế hoạch ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương.

3. Xây dựng chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

a) Đối với chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi ngành, địa phương.

Bộ trưởng các Bộ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng và phê duyệt chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi ngành, lĩnh vực hoặc địa phương do mình quản lý.

b) Đối với chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành:

- Các Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đề xuất hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi ngành, lĩnh vực hoặc địa phương do mình quản lý gửi Bộ Tư pháp tổng hợp vào chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành;

- Các tổ chức đại diện của doanh nghiệp đề xuất hoạt động hỗ trợ pháp lý theo yêu cầu của doanh nghiệp là thành viên tổ chức mình gửi Bộ Tư pháp tổng hợp vào chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành;

- Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đần tư và Bộ Tài chính lập kế hoạch và tổ chức xây dựng chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

4. Sau khi chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện chương trình trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình. Các tổ chức đại diện của doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân có chức năng cung cấp dịch vụ pháp lý được khuyến khích tham gia thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo các chương trình hỗ trợ.

Chương 3:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP

Điều 13. Trách nhiệm tổ chức thực biện

1. Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi cả nước.

Trong phạm vi trách nhiệm của mình, Bộ Tư pháp có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Chủ trì hoặc tham gia xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;

b) Chủ động tổ chức thực hiện hoặc phối hợp thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định này;

c) Tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật và hướng dẫn kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;

d) Phối hợp với các Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;

đ) Chủ trì, phối hợp với các Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng kết công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Các Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chủ động tổ chức thực hiện hoặc phối hợp thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định này; tổ chức tổng kết công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và thông báo cho Bộ Tư pháp theo định kỳ hàng năm hoặc theo yêu cầu để Bộ Tư pháp tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

3. Tổ chức pháp chế thuộc Bộ là đầu mối tổ chức và triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thuộc trách nhiệm của Bộ.

4. Sổ Tư pháp là cơ quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại địa phương và làm đầu mối phối hợp với các cơ quan chuyên môn khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định này.

Điều 14. Bảo đảm tài chính cho hoạt động hỗ trợ pháp lý

1. Kinh phí bảo đảm hoạt động hỗ trợ pháp lý được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của ngân sách các Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

2. Các Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh được huy động, sử dụng kinh phí tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

3. Đối với chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của các Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại điểm a khoản 3 Điều 12 của Nghị định này thì kinh phí thực hiện chương trình được dự toán trong ngân sách hàng năm của các Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. Đối với chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành quy định tại điểm b khoản 3 Điều 12 của Nghị định này, kinh phí thực hiện chương trình được dự toán trong ngân sách hàng năm của cơ quan chủ trì.

4. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Điều 15. Bảo đảm về tổ chức và nâng cao năng lực cán bộ pháp chế của các Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh

1. Tổ chức pháp chế thuộc các Bộ và các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh được củng cố, kiện toàn để làm đầu mối triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định này.

2. Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bảo đảm biên chế đáp ứng yêu cầu củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của tổ chức pháp chế thuộc Bộ và cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

3. Cán bộ pháp chế thuộc các Bộ và các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ và tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, chế độ, chính sách để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định chế độ, chính sách cán bộ đối với người làm công tác pháp chế tại các Bộ và các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

Chương 4:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 17. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 66/2008/NĐ-CP về việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

  • Số hiệu: 66/2008/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 28/05/2008
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 05/06/2008
  • Số công báo: Từ số 335 đến số 336
  • Ngày hiệu lực: 20/06/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 16/08/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản