Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2470/QĐ-UBND | Lâm Đồng, ngày 01 tháng 11 năm 2011 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 1215/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011 - 2015;
Xét đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại tờ trình số 45/TTr-LĐTBXH ngày 24/10/2011,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011 - 2015 và kế hoạch thực hiện Đề án năm 2012 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Điều 2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chịu trách nhiệm chính; chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra các huyện, thành phố thuộc tỉnh tổ chức thực hiện Kế hoạch này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Chủ tịch UBND các huyện và thành phố Bảo Lộc, Đà Lạt và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TRỢ GIÚP XÃ HỘI VÀ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG CHO NGƯỜI TÂM THẦN, NGƯỜI RỐI NHIỄU TÂM TRÍ DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2011 - 2015 VÀ KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NĂM 2012
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2470/QĐ-UBND ngày 01 tháng 11 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng)
I. Khái quát thực trạng người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí và dự báo số lượng đến năm 2015
Rối loạn tâm trí là vấn đề sức khỏe cộng đồng và ngày càng phổ biến ở nước ta. Kết quả nghiên cứu cho thấy số lượng người rối loạn tâm trí ở Lâm Đồng khá cao, ước tính khoảng 5,3% tổng dân số, tương đương 63.600 người. Số lượng đối tượng bị rối loạn tâm thần lớn, số lượng ở mỗi nhóm tâm thần cũng khác nhau. Cơ cấu nhóm bệnh thể hiện qua số liệu thống kê sau đây:
Rối loạn tâm thần | Tỷ lệ trong dân số (%) | Số lượng (người) |
Tâm thần phân liệt | 0,5 | 6.000 |
Các dạng rối loạn thường gây hậu quả về sức khỏe tâm thần | ||
- Động kinh | 0,5 | 6.000 |
- Tổn thương não | 0,3 | 3.600 |
- Lạm dụng rượu | 1 | 12.000 |
- Trầm cảm | 3 | 36.000 |
Tổng cộng | 63.600 |
Theo kết quả rà soát đối tượng tâm thần nặng, lang thang, có hành vi gây nguy hiểm đến gia đình và cộng đồng năm 2010, toàn tỉnh hiện có 2.229 đối tượng. Số đối tượng đang được chăm sóc và phục hồi chức năng tại 02 cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập là 281 người; giải quyết trợ cấp, trợ giúp và hỗ trợ nuôi dưỡng cho 2.041 người tâm thần nặng đang sinh sống tại gia đình, cộng đồng và trong các cơ sở bảo trợ xã hội với mức trợ cấp hàng tháng tối thiểu là 360.000đồng/người/tháng. Ngành Y tế phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện hỗ trợ phục hồi chức năng cho người bị tâm thần phân liệt và chứng động kinh tại 71% số xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh thông qua Chương trình quốc gia về sức khỏe tâm thần tại cộng đồng.
Tuy nhiên, số người tâm thần nặng, lang thang có xu hướng tăng. Đời sống của đối tượng và gia đình gặp nhiều khó khăn. Trung tâm bảo trợ xã hội chăm sóc người tâm thần hiện đã quá tải, cơ sở vật chất thiếu thốn, kỹ năng và phương pháp chăm sóc, phục hồi chức năng còn nhiều yếu kém; các dịch vụ và nhân viên phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa vào cộng đồng hầu như chưa có; đội ngũ cán bộ, nhân viên công tác xã hội làm việc tại cộng đồng và trong các Trung tâm bảo trợ xã hội có nuôi dưỡng người tâm thần thiếu về số lượng, yếu về kỹ năng và phương pháp chăm sóc, hầu hết chưa qua đào tạo các lớp nghiệp vụ công tác xã hội nên ảnh hưởng nhiều đến chất lượng chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần.
Dự báo số lượng người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí đến năm 2015: Mặt trái của sự phát triển kinh tế, thay đổi lối sống trong cơ chế thị trường, thiên tai và ô nhiễm môi trường cùng với những hạn chế về dịch vụ công tác xã hội và khả năng phục hồi chức năng cho người tâm thần nên số lượng người bị rối nhiễu tâm thần (bao gồm cả người bị tâm thần mãn tính) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2015 tiếp tục gia tăng, ước tính khoảng 5,3% dân số, tương đương 68.900 người, trong đó số người tâm thần nặng hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội khoảng 0,2%, tương đương 2.600 người.
1. Nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí:
Người tâm thần mãn tính là những người khuyết tật, yếu thế, rất cần được sự quan tâm giúp đỡ của gia đình, xã hội và cộng đồng. Cấp ủy và chính quyền địa phương rất quan tâm trợ giúp những đối tượng dễ bị tổn thương, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có người tâm thần.
Tuy nhiên, còn nhiều cán bộ các ngành, các cấp chưa nhận thức và hiểu biết đầy đủ về khoa học chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho người tâm thần nên hiệu quả trợ giúp chưa cao. Mặt khác, tại cộng đồng người tâm thần bị xa lánh, định kiến dẫn đến khủng hoảng tâm lý trầm trọng hơn, đập phá, đánh người, đi lang thang gây nguy hiểm đến gia đình và xã hội.
2. Văn bản quản lý nhà nước liên quan đến trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí:
Thực hiện Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội; Nghị định số 13/2010/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP , Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 41/2007/QĐ-UBND ngày 16/10/2007 quy định chế độ trợ cấp, trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, Quyết định số 18/2011/QĐ-UBND ngày 22/4/2011 thay thế Quyết định số 41/2007/QĐ-UBND nâng mức trợ cấp, trợ giúp cao hơn so với quy định của Chính phủ, cụ thể là mức trợ cấp đối với những người bị bệnh tâm thần mãn tính sống tại cộng đồng là 360.000đồng/người/tháng; người bị bệnh tâm thần mãn tính sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội được trợ cấp hàng tháng là 600.000đồng/người/tháng.
Bên cạnh các khoản trợ cấp hàng tháng, người tâm thần mãn tính sống trong Trung tâm bảo trợ xã hội của tỉnh còn được trợ cấp để mua sắm tư trang vật dụng phục vụ sinh hoạt hàng ngày, trợ cấp mua thuốc chữa bệnh thông thường, khi người tâm thần mãn tính chết được hỗ trợ chi phí mai táng mức 3.000.000đồng/người. Ngoài ra người tâm thần mãn tính còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế, khi người tâm thần đã ổn định được tiếp nhận về địa phương và tạo điều kiện có việc làm, ổn định cuộc sống.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội. Điều 13 Nghị định số 68/2008/NĐ-CP quy định cụ thể định mức cán bộ, nhân viên chăm sóc trực tiếp đối tượng tâm thần; Điều 10, 11, 12 Nghị định số 68/2008/NĐ-CP cũng quy định điều kiện cơ sở vật chất, môi trường, chăm sóc, nuôi dưỡng, tiêu chuẩn chăm sóc đối tượng sống trong cơ sở bảo trợ xã hội.
Tuy nhiên, các chính sách bảo trợ xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa vào cộng đồng tại địa phương còn những hạn chế, cụ thể:
- Còn thiếu quy trình và nhân viên làm công tác phát hiện, can thiệp sớm những người bị rối nhiễu tâm trí tại cộng đồng; chưa xác định vai trò của nhân viên công tác xã hội, y tế trong việc trợ giúp người tâm thần tại cộng đồng.
- Chưa có nhân viên được đào tạo nghiệp vụ chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho người tâm thần trong các cơ sở bảo trợ xã hội.
- Từ ngày Nghị định số 68/2008/NĐ-CP được ban hành cho đến nay, trên địa bàn Lâm Đồng chưa có tổ chức đoàn thể hoặc cá nhân nào đề nghị thành lập cơ sở bảo trợ xã hội có nhiệm vụ chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần mãn tính. Điều này cho thấy, mặc dù nhu cầu được chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần mãn tính của cộng đồng và gia đình người tâm thần khá cao nhưng do khó khăn về cơ sở vật chất ban đầu như đất đai, trụ sở, nhà làm việc và tài chính, nhân lực nên không có một cơ sở bảo trợ xã hội nào được thành lập để thực hiện chức năng chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần mãn tính.
3. Công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần tại các cơ sở bảo trợ xã hội:
Hiện nay trên địa bàn tỉnh, có 02 cơ sở bảo trợ xã hội đang tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng người tâm thần mãn tính (01 Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có 23 người, 01 cơ sở ngoài công lập Trọng Đức thuộc huyện Đức Trọng 258 người), chiếm 12,6% trong tổng số người tâm thần mãn tính.
Công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần tại các cơ sở bảo trợ xã hội còn nhiều hạn chế như sau:
- Hai cơ sở bảo trợ xã hội đều có diện tích nhỏ hẹp, chỉ đủ phòng ở cho một số ít người tâm thần, phần còn lại dành cho nơi làm việc của cán bộ, nhân viên; thiếu đất cho người bệnh lao động phục hồi chức năng, nâng cao sức khỏe; thiếu sân thể thao, sân chơi cho đối tượng.
- Số lượng cán bộ, nhân viên thiếu về số lượng và chưa đạt yêu cầu về chất lượng. Đặc biệt thiếu cán bộ chuyên môn về công tác xã hội, về chăm sóc sức khỏe tâm thần và có rất ít cán bộ có các kỹ năng chuyên nghiệp về nuôi dưỡng, chăm sóc và phục hồi chức năng, trị liệu tâm lý cho người tâm thần; mặt khác do tính đặc thù nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hút các bác sĩ về làm việc tại cơ sở bảo trợ.
- Các dụng cụ, thiết bị kỹ thuật phục hồi chức năng còn thiếu nhiều chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần.
- Thiếu kinh phí để cung cấp đủ dinh dưỡng cho bệnh nhân, thiếu trang thiết bị y tế thiết yếu và chưa đủ cơ số thuốc phục vụ bệnh nhân.
- Gia đình, cơ quan chuyên môn và cơ sở bảo trợ xã hội chưa có sự phối hợp đồng bộ, gia đình còn khoán trắng cho cơ sở bảo trợ xã hội.
4. Công tác trợ giúp và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí tại cộng đồng:
Hiện nay, trên địa bàn Lâm Đồng số người rối nhiễu tâm trí, người tâm thần được tư vấn, trị liệu tâm lý và phục hồi chức năng tại cộng đồng chưa phổ biến, do công tác này còn gặp phải những khó khăn, tồn tại như:
- Chưa có sự phối hợp, gắn kết cán bộ giữa hai ngành Y tế và Lao động - Thương binh và Xã hội về công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần, chưa hình thành mạng lưới cán bộ công tác xã hội nên hiệu quả chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí tại cộng đồng còn thấp.
- Chưa tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn, trị liệu tâm lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí tại cộng đồng.
- Người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí tại cộng đồng chưa được cung cấp đầy đủ thông tin về khám và điều trị nên chưa nhận được đủ cơ số thuốc để điều trị cho bệnh nhân; mặt khác không đủ tiền điều trị tại các cơ sở y tế hoặc không chịu đi khám và điều trị dẫn đến mắc bệnh mãn tính.
- Chính sách trợ giúp xã hội đối với người tâm thần và gia đình còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với đời sống xã hội hiện nay.
5. Đội ngũ cán bộ, nhân viên trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí:
Lâm Đồng là một tỉnh thuộc khu vực Nam Tây Nguyên còn nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội chưa phát triển, hệ thống cơ sở y tế chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Đến nay vẫn chưa hình thành khoa sức khỏe tâm thần tại Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh cũng như Bệnh viện tâm thần tỉnh và Trung tâm tâm thần mà chỉ có một số hoạt động được triển khai lồng ghép tại Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội tỉnh nên công việc chăm sóc sức khỏe tâm thần còn hạn chế.
Tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh có 23 người tâm thần nhưng chỉ có 02 nhân viên phục vụ và 01 cán bộ điều dưỡng; cơ sở bảo trợ xã hội Trọng Đức có 258 người tâm thần nhưng chỉ có 04 cán bộ quản lý, 04 nhân viên y tế sơ cấp (đào tạo 6 tháng) và 21 người tình nguyện viên chỉ làm các công việc tạp vụ, tắm giặt, nấu ăn, .v.v.
Do công tác xã hội chưa được công nhận là một nghề chuyên nghiệp nên phần lớn cán bộ, nhân viên chưa qua đào tạo công tác xã hội hoặc được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau. Đặc biệt ngạch viên chức công tác xã hội chưa được ban hành mã số ngạch, tiêu chuẩn ngạch nên ảnh hưởng đến vai trò, nhiệm vụ và tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, nhân viên làm việc tại các cơ sở bảo trợ xã hội.
KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
1. Quyết định số 1215/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011 - 2020;
2. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng 5 năm và dài hạn;
3. Nhu cầu khách quan về chăm sóc, trợ giúp và phục hồi chức năng của người tâm thần và gia đình đối tượng trên địa bàn tỉnh.
1. Truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa vào cộng đồng.
2. Trợ cấp và trợ giúp cho 100% người tâm thần phân liệt, mãn tính.
3. Đầu tư nâng cấp, mở rộng các cơ sở bảo trợ xã hội hiện có.
4. Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ, nhân viên y tế, công tác xã hội và cộng tác viên công tác xã hội (bao gồm cán bộ, nhân viên làm việc trong các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập) về chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa vào cộng đồng.
5. Phát triển mạng lưới dịch vụ tư vấn, tham vấn phòng ngừa rối nhiễu tâm thần. Bảo đảm 90% người rối nhiễu tâm thần được tư vấn, trị liệu tâm lý.
6. Đảm bảo 100% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh được hỗ trợ phục hồi chức năng cho người bị tâm thần phân liệt và chứng động kinh thông qua Chương trình quốc gia về sức khỏe tâm thần tại cộng đồng.
7. Nghiên cứu đề xuất bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật trong lĩnh vực chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa vào cộng đồng khi không còn phù hợp.
8. Khảo sát, đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu về người tâm thần và hoạt động bảo trợ xã hội, phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa vào cộng đồng.
9. Tổ chức các chuyến đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm phát triển mô hình điển hình trong nước và nước ngoài về chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa vào cộng đồng.
1. Xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần:
a) Xây dựng cơ sở vật chất:
Trên cơ sở hiện có của Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh, cần thiết phải đầu tư để nâng cấp, mở rộng phòng ở cho đối tượng người tâm thần, nhà làm việc cho cán bộ, nhân viên theo quy định tại Điều 10, 11, 12 Nghị định số 68/2008/NĐ-CP về điều kiện cơ sở vật chất, môi trường, nuôi dưỡng, tiêu chuẩn chăm sóc đối tượng sống trong cơ sở bảo trợ xã hội nhằm đáp ứng lâu dài việc nuôi dưỡng, tổ chức lao động trị liệu, trị liệu tâm lý kết hợp với phục hồi chức năng luân phiên tại gia đình và cộng đồng. Theo đó, trong công tác quy hoạch xây dựng, cơ sở bảo trợ xã hội phải đặt tại địa điểm thuận tiện về tiếp cận giao thông, trường học, bệnh viện, không khí trong lành có lợi cho sức khỏe của đối tượng, có điện, nước sạch phục vụ sinh hoạt. Về cơ sở vật chất phải đảm bảo các điều kiện tối thiểu như: diện tích đất tự nhiên phải đạt bình quân 10 m²/đối tượng ở khu vực thành thị, diện tích phòng ở bình quân 6m²/đối tượng và phòng ở phải trang bị đồ dùng cần thiết phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày.
b) Đầu tư trang thiết bị cho Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh để chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần:
Đối với Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội tỉnh, trong kế hoạch xây dựng cơ bản 5 năm tới cần bổ sung ngân sách để xây dựng khoa Sức khỏe tâm thần, đồng thời với việc hình thành đội ngũ cán bộ y tế có chuyên môn sâu về sức khỏe tâm thần; tăng cường mua sắm trang thiết bị y tế thiết yếu, thiết bị phục hồi chức năng và đảm bảo đủ cơ số thuốc phục vụ bệnh nhân; tiếp cận và cập nhật kỹ thuật mới trong điều trị cho bệnh nhân tâm thần.
Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh và các cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập có nuôi dưỡng và chăm sóc người tâm thần, ngoài việc đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất, phải xây dựng kế hoạch đầu tư, mua sắm trang thiết bị để chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần bao gồm: trang thiết bị phục hồi chức năng đồng bộ, trang thiết bị y tế thiết yếu và phối hợp với cơ quan y tế cung cấp đủ cơ số thuốc phục vụ bệnh nhân tại Trung tâm; việc đầu tư, mua sắm phải căn cứ xu hướng lâu dài và nhu cầu của đối tượng và gia đình.
2. Phát triển nguồn nhân lực làm công tác trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng:
Nguồn nhân lực làm công tác trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí được quy định chi tiết tại Điều 13 Nghị định số 68/2008/NĐ-CP về định mức cán bộ, nhân viên chăm sóc trực tiếp đối tượng tâm thần, cụ thể: đối với trẻ em tâm thần thì 01 nhân viên chăm sóc 4 đến 5 em; người tâm thần nặng (kích động, sa sút giai đoạn cuối) thì 01 nhân viên chăm sóc 2 đối tượng; người tâm thần thuyên giảm thì 01 nhân viên chăm sóc 3 đến 4 đối tượng; người tâm thần đã phục hồi thì 01 nhân viên chăm sóc 8 đến 10 đối tượng.
Yêu cầu về nguồn nhân lực đặt ra cho công tác đào tạo nhiệm vụ hết sức nặng nề, đảm bảo đủ về số lượng và đạt chất lượng theo quy định. Do đó, công tác đào tạo, tập huấn cần sử dụng tổng hợp nguồn tại chỗ của các cơ sở bảo trợ xã hội và tiếp nhận từ ngoài vào. Căn cứ nhu cầu chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí để xây dựng kế hoạch đào tạo cho phù hợp theo từng năm, từng giai đoạn, theo từng chuyên môn nghiệp vụ như: tâm lý học, xã hội học, y tế, công tác xã hội trong lĩnh vực tâm thần …
Đào tạo, tập huấn cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội và nhân viên y tế cấp xã, các cơ sở bảo trợ xã hội về kỹ năng nuôi dưỡng, chăm sóc và phục hồi chức năng, trị liệu tâm lý cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí.
Tập huấn cho cán bộ, nhân viên và cộng tác viên của ngành: Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo.
Tổ chức tập huấn cho gia đình đối tượng về kỹ năng, phương pháp chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần.
Nhu cầu được chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí tại cộng đồng ngày càng tăng. Vì vậy phát triển nghề công tác xã hội đang là vấn đề bức xúc, nghề công tác xã hội phát triển tạo tiền đề cho việc tuyển dụng nhân viên, cộng tác viên vào đúng vị trí chuyên môn, từng bước chuyên nghiệp hóa nghề công tác xã hội, thúc đẩy phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần.
3. Xây dựng thí điểm mô hình cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí:
Triển khai thí điểm tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh hoặc tại Khoa Sức khỏe tâm thần của Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội tỉnh.
4. Truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, viên chức và người dân về bảo trợ, trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần; nâng cao kiến thức, kỹ năng trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng:
Xây dựng và thực hiện kế hoạch truyền thông ở địa phương nhằm nâng cao nhận thức các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội về bảo trợ xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa vào cộng đồng; về các dịch vụ trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần; vai trò vị trí, nhiệm vụ của nhân viên công tác xã hội, hoạt động phục hồi chức năng cho người tâm thần tại y tế cấp xã, tại cơ sở bảo trợ xã hội. Chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức cán bộ, nhân viên các cấp, các ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo va định hướng cho người dân tự giác, chủ động trợ giúp người tâm thần, không phân biệt, kỳ thị đối với người tâm thần.
Xây dựng các kênh tuyên truyền thông qua các tổ chức đoàn thể ở cơ sở và đến gia đình có người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí.
Tổ chức hội nghị, chia sẻ thông tin về hoạt động bảo trợ xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa vào cộng đồng; xây dựng tài liệu hướng dẫn hoạt động công tác xã hội trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần; tổ chức các chuyến nghiên cứu, học tập kinh nghiệm tại một số nước và địa phương có mô hình làm tốt công tác phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa vào cộng đồng.
5. Điều tra, khảo sát, xây dựng cơ sở dữ liệu trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí:
Hàng năm tiến hành rà soát, điều tra, lập danh sách, phân loại người tâm thần nặng, lang thang, có hành vi gây nguy hiểm cho gia đình và cộng đồng để quản lý, nuôi dưỡng tại cộng đồng hoặc chăm sóc trong các cơ sở bảo trợ xã hội.
Khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với người tâm thần nặng ở các huyện, thành phố trong tỉnh.
Khảo sát, đánh giá hoạt động bảo trợ xã hội, các mô hình chăm sóc, trợ giúp và phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa vào cộng đồng.
Khảo sát, đánh giá nhu cầu phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí trong toàn tỉnh;
Khảo sát nhu cầu đào tạo hàng năm và cả giai đoạn 2011-2015.
Lập kế hoạch quản lý nhân lực, quản lý đối tượng và phát triển mạng lưới dịch vụ công tác xã hội phục vụ yêu cầu chỉ đạo quản lý, theo dõi, giám sát đánh giá việc thực hiện kế hoạch trên địa bàn tỉnh.
6. Kinh phí thực hiện:
Tổng kinh phí thực hiện Đề án trong 5 năm: 71,7 tỷ đồng, bao gồm:
- Ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu: 65,2 tỷ đồng.
- Ngân sách địa phương: 6,5 tỷ đồng (đảm bảo các hoạt động thuộc nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị của địa phương theo phân cấp ngân sách và quy định hiện hành).
KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NĂM 2012
1. Truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa vào cộng đồng.
2. Trợ cấp và trợ giúp cho 100% người tâm thần phân liệt, mãn tính.
3. Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ, nhân viên y tế, công tác xã hội và cộng tác viên công tác xã hội (bao gồm cán bộ, nhân viên làm việc trong các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập) về chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa vào cộng đồng.
4. Đảm bảo 100% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh được hỗ trợ phục hồi chức năng cho người bị tâm thần phân liệt và chứng động kinh thông qua Chương trình quốc gia về sức khỏe tâm thần tại cộng đồng.
5. Khảo sát, đánh giá và xây dựng cơ sở dữ liệu về người tâm thần và hoạt động bảo trợ xã hội, phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa vào cộng đồng trên 100% số xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
1. Phát triển nguồn nhân lực làm công tác trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng:
Triển khai các khóa đào tạo, tập huấn về các lĩnh vực tâm lý học, xã hội học, y tế, công tác xã hội trong lĩnh vực tâm thần cho các đối tượng sau:
- Đào tạo, tập huấn cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội và nhân viên y tế cấp xã, các cơ sở bảo trợ xã hội về kỹ năng nuôi dưỡng, chăm sóc và phục hồi chức năng, trị liệu tâm lý cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí.
- Tập huấn cho cán bộ, nhân viên và cộng tác viên của ngành: Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo.
- Tổ chức tập huấn cho gia đình đối tượng về kỹ năng, phương pháp chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần.
2. Truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, viên chức và người dân về bảo trợ, trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa vào cộng đồng; nâng cao kiến thức, kỹ năng trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng:
Xây dựng và thực hiện kế hoạch truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhằm nâng cao nhận thức các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội về bảo trợ xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa vào cộng đồng; về các dịch vụ trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần; vai trò vị trí, nhiệm vụ của nhân viên công tác xã hội, hoạt động phục hồi chức năng cho người tâm thần tại y tế cấp xã, tại cơ sở bảo trợ xã hội. Chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức cán bộ, nhân viên các cấp, các ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo và người dân tự giác, chủ động trợ giúp người tâm thần, không phân biệt, kỳ thị người tâm thần.
Tổ chức các chuyến nghiên cứu, học tập kinh nghiệm tại một số địa phương làm tốt công tác phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa vào cộng đồng.
3. Điều tra, khảo sát, xây dựng cơ sở dữ liệu trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí:
- Tiến hành rà soát, điều tra, lập danh sách, phân loại người tâm thần nặng, lang thang, có hành vi gây nguy hiểm cho gia đình và cộng đồng để quản lý, nuôi dưỡng tại cộng đồng hoặc chăm sóc trong các cơ sở bảo trợ xã hội.
- Khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với người tâm thần nặng ở các huyện, thành phố trong tỉnh.
- Khảo sát, đánh giá hoạt động bảo trợ xã hội, các mô hình chăm sóc, trợ giúp và phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa vào cộng đồng.
- Khảo sát, đánh giá nhu cầu phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí trong toàn tỉnh.
- Khảo sát nhu cầu đào tạo cán bộ năm 2012.
- Lập kế hoạch quản lý nhân lực, quản lý đối tượng và phát triển mạng lưới dịch vụ công tác xã hội phục vụ yêu cầu chỉ đạo quản lý, theo dõi, giám sát đánh giá việc thực hiện kế hoạch trên địa bàn tỉnh.
4. Nâng cao đời sống vật chất cho người tâm thần phân liệt, mãn tính:
Tiếp tục thực hiện việc trợ cấp, trợ giúp xã hội cho 1.948 người tâm thần phân liệt, mãn tính trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời rà soát, thống kê, lập danh sách người tâm thần phân liệt, mãn tính phát sinh vào năm 2012 để đưa vào diện trợ cấp, trợ giúp xã hội trong năm. Đảm bảo 100% đối tượng tâm thần phân liệt, mãn tính được hưởng trợ cấp, trợ giúp xã hội và các chính sách về bảo trợ xã hội của nhà nước.
5. Chương trình quốc gia về sức khỏe tâm thần tại cộng đồng:
Thực hiện mô hình hỗ trợ phục hồi chức năng cho người bị tâm thần phân liệt và chứng động kinh (duy trì tại 105 xã và triển khai mới tại 43 xã, phường, thị trấn) thông qua Chương trình quốc gia về sức khỏe tâm thần tại cộng đồng.
1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của chính quyền các cấp và các đoàn thể, tổ chức xã hội để triển khai kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án có hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng đời sống người tâm thần và gia đình.
2. Đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành trong việc triển khai công tác bảo trợ xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa vào cộng đồng, đặc biệt là sự phối hợp giữa các ngành: Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính và các tổ chức, đoàn thể tại địa phương.
3. Tăng cường hoạt động giám sát, đánh giá của các đoàn thể, nhân dân về việc triển khai công tác bảo trợ xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa vào cộng đồng; tổ chức theo dõi, đôn đốc và giám sát, đánh giá thực hiện Đề án từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn; thành lập các đoàn giám sát liên ngành để giám sát việc thực hiện Đề án ở các địa phương trong tỉnh.
4. Tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế về kỹ thuật, kinh nghiệm và tài chính trong công tác bảo trợ xã hội, phục hồi chức năng cho người tâm thần.
5. Bên cạnh nguồn kinh phí được bố trí trong dự toán chi ngân sách của Trung ương và địa phương, các huyện, thành phố cần tăng cường huy động các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện Đề án có hiệu quả cao.
Đơn vị tính: Triệu đồng
STT | Nội dung hoạt động | Kế hoạch năm 2012 | |
Tổng số | Vốn sự nghiệp | ||
1 | Phát triển nguồn nhân lực làm công tác trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa vào cộng đồng. | 320 | 240 (TW) 80 (ĐP) |
2 | Hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho cán bộ, viên chức và nhân dân; nâng cao kiến thức, kỹ năng cho nhân viên trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa vào cộng đồng. | 200 | 150 (TW) 50 (ĐP) |
3 | Điều tra, khảo sát, xây dựng cơ sở dữ liệu. | 180 | 135 (TW) 45 (ĐP) |
4 | Thực hiện việc trợ cấp, trợ giúp xã hội cho 2.467 người tâm thần phân liệt, mãn tính. | 10.658 | 10.658 (TW) |
5 | Hỗ trợ thù lao cho người chi trả trực tiếp cho đối tượng bảo trợ xã hội, người tâm thần (257 người). | 1.080 | 1.080 (ĐP) |
6 | Chương trình quốc gia về sức khỏe tâm thần tại cộng đồng. | 1.897 | 1.897 (TW) |
Tổng cộng | 14.335 | 14.335 |
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức triển khai Kế hoạch này; điều phối các hoạt động của Đề án tại địa phương; trực tiếp triển khai công tác tuyên truyền; tổ chức khảo sát đánh giá và thống kê về người tâm thần; tham mưu UBND tỉnh các chính sách quản lý, chăm sóc phục hồi chức năng cho người tâm thần; phát triển dịch vụ, mô hình trợ giúp cho người tâm thần tại cộng đồng; triển khai công tác đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần.
2. Sở Y tế tổ chức điều trị và hướng dẫn phục hồi chức năng cho người tâm thần tại cộng đồng và ở các cơ sở bảo trợ xã hội; thiết lập và nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên, cộng tác viên y tế cấp cơ sở dựa vào cộng đồng; đề xuất bổ sung chính sách hỗ trợ người tâm thần trong quá trình điều trị và phục hồi chức năng.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các huyện, thành phố triển khai chương trình phòng ngừa, phát hiện sớm các trường hợp có biểu hiện mắc bệnh tâm thần và tham gia chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần tại các cơ sở giáo dục và đào tạo; chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo thực hiện miễn giảm học phí và các khoản đóng góp, tạo điều kiện cho người bị rối loạn tâm thần tham gia học tập.
4. Các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm cân đối ngân sách cho các ngành, các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện kế hoạch theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành và hướng dẫn sử dụng kinh phí thực hiện kế hoạch.
5. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về công tác bảo trợ xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa vào cộng đồng; xây dựng các chuyên mục, chuyên đề nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và nhân dân về công tác bảo trợ xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa vào cộng đồng.
6. Sở Tư pháp đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật về bảo trợ xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa vào cộng đồng.
7. Các Sở, Ban, Ngành liên quan khác theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình chủ động xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phòng ngừa, phát hiện và hỗ trợ, phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa vào cộng đồng.
8. UBND các huyện và thành phố Bảo Lộc, Đà Lạt chỉ đạo triển khai các nội dung của Kế hoạch này trên địa bàn; xây dựng mục tiêu bảo trợ xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; bố trí ngân sách, nhân lực và cơ sở vật chất để thực hiện Kế hoạch này./.
- 1Quyết định 577/QĐ-UBND năm 2013 về Kế hoạch thực hiện Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng tỉnh Bình Định giai đoạn 2013 - 2015
- 2Quyết định 1075/QĐ-UBND năm 2013 Phê duyệt Đề án Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2013-2020
- 3Kế hoạch 6446/KH-UBND năm 2013 thực hiện Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013-2020 tỉnh Đồng Nai
- 1Nghị định 67/2007/NĐ-CP về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Nghị định 68/2008/NĐ-CP quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội
- 4Nghị định 13/2010/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 67/2007/NĐ-CP về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội
- 5Quyết định 18/2011/QĐ-UBND quy định chế độ trợ cấp, trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội do Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành
- 6Quyết định 41/2007/QĐ-UBND quy định chế độ trợ cấp, trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội do Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành
- 7Quyết định 1215/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Quyết định 577/QĐ-UBND năm 2013 về Kế hoạch thực hiện Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng tỉnh Bình Định giai đoạn 2013 - 2015
- 9Quyết định 1075/QĐ-UBND năm 2013 Phê duyệt Đề án Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2013-2020
- 10Kế hoạch 6446/KH-UBND năm 2013 thực hiện Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013-2020 tỉnh Đồng Nai
Quyết định 2470/QĐ-UBND năm 2011 về Kế hoạch thực hiện Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011 - 2015 và kế hoạch thực hiện Đề án năm 2012 do tỉnh Lâm Đồng ban hành
- Số hiệu: 2470/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 01/11/2011
- Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
- Người ký: Trương Văn Thu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 01/11/2011
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra