Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 6446/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 12 tháng 08 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TRỢ GIÚP XÃ HỘI VÀ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG CHO NGƯỜI TÂM THẦN, NGƯỜI RỐI NHIỄU TÂM TRÍ DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2013 - 2020

Căn cứ Quyết định số 1215/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011 - 2020 (gọi tắt là Đề án 1215);

Căn cứ Thông tư liên tịch số 115/2012/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 18/7/2012 của liên Bộ: Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011 - 2020;

UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án 1215 giai đoạn 2013 - 2020 như sau:

I. THỰC TRẠNG NGƯỜI TÂM THẦN, NGƯỜI RỐI NHIỄU TÂM TRÍ, CÔNG TÁC TRỢ GIÚP XÃ HỘI VÀ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG CHO NGƯỜI TÂM THẦN, NGƯỜI RỐI NHIỄU TÂM TRÍ DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TRONG THỜI GIAN QUA

1. Thực trạng người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí

a) Theo số liệu khảo sát điều tra người khuyết tật năm 2011, toàn tỉnh có 23.235 người khuyết tật, trong đó: người khuyết tật thần kinh, tâm thần là 5.847 người, người khuyết tật trí tuệ là 3.709 người. Chia theo đơn vị hành chính cấp huyện thì thành phố Biên Hòa là đơn vị có số người khuyết tật tâm thần, trí tuệ nhiều nhất với: 1893 người, Định Quán: 1013 người, Trảng Bom 975 người, Xuân Lộc: 955 người, Nhơn Trạch: 446 người, Vĩnh Cửu: 553 người.

b) Đa phần gia đình người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí còn khó khăn về vật chất và tinh thần, nhiều người thuộc diện hộ nghèo. Họ sống chủ yếu sống dựa vào người thân, gia đình, họ hàng và trợ cấp xã hội hằng tháng. Việc đi lại, giao tiếp xã hội và tiếp cận các dịch vụ xã hội gặp nhiều khó khăn. Dạng bệnh tâm thần hiện nay chủ yếu là rối loạn tâm thần, tâm thần phân liệt, tâm thần nặng chưa xác định dạng bệnh, thể hiện những hành vi như: Đập phá, đánh người, đi lang thang, không biểu hiện cảm xúc. Hiện nay số người tâm thần có nhu cầu chữa bệnh và điều trị bệnh, nhu cầu được chăm sóc, phục hồi chức năng rất cao nhưng khả năng thực tế của Trung tâm nuôi dưỡng người già, người khuyết tật và người tâm thần trong tỉnh còn rất hạn chế.

c) Đội ngũ cán bộ, nhân viên trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí ở các cơ sở bảo trợ xã hội chưa được đào tạo chuyên môn; gia đình người tâm thần chưa có kiến thức chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần.

d) Nhiều gia đình có người tâm thần đã mắc bệnh nhiều năm nhưng gia đình không có điều kiện đưa người bệnh đi điều trị; chưa có các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn, trị liệu tâm lý.

2. Kết quả thực hiện trợ giúp người khuyết tật tâm thần thời gian qua

Trong những năm qua, UBND tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ công bằng xã hội; thực hiện tốt các chính sách xã hội, đề cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, huy động các nguồn lực và sự tham gia của các đoàn thể, các tổ chức xã hội để giúp đỡ các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có người khuyết tật, người tâm thần, cụ thể như sau:

- Quyết định số 59/2010/QĐ-UBND ngày 29/9/2010 của UBND tỉnh ban hành quy định về chế độ trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (nâng mức trợ cấp cho người tâm thần cao hơn mức quy định chung của Chính phủ từ 90.000 đồng lên 120.000 đồng).

- Kế hoạch số 5911/KH-UBND ngày 23/7/2010 của UBND tỉnh về trợ giúp trẻ khuyết tật giai đoạn 2010 - 2012.

- Quyết định số 1331/QĐ-UBND ngày 01/6/2011 của UBND tỉnh phê duyệt Dự án việc làm và an sinh xã hội cho người khuyết tật do tổ chức Handicap tài trợ giai đoạn 2011- 2013.

- Quyết định số 3340/QĐ-UBND ngày 14/11/2012 của UBND tỉnh phê duyệt Dự án hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập tỉnh Đồng Nai do tổ chức Vietnam Assistance for the Handicapped (VNAH) tài trợ.

Từ năm 2010 đến nay, đã trợ cấp cho 18.209 lượt người tâm thần ở cộng đồng với mức trợ cấp 360.000 đồng - 480.000 đồng/người/tháng với kinh phí trên 78 tỷ đồng; tiếp nhận chăm sóc nuôi dưỡng tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội trên 1.000 lượt người tâm thần lang thang, người tâm thần bị gia đình bỏ rơi với kinh phí trên 10 tỷ đồng.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Huy động sự tham gia của xã hội nhất là gia đình, cộng đồng trợ giúp và tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí được phục hồi chức năng, được trợ giúp vật chất và tinh thần để ổn định cuộc sống hòa nhập cộng đồng, phòng ngừa người rối nhiễu tâm trí chuyển thành tâm thần, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

2. Chỉ tiêu cụ thể đến năm 2015

a) 50% người tâm thần có hành vi nguy hiểm đến gia đình, cộng đồng được cơ quan y tế chuyên khoa chữa trị và được phục hồi chức năng luân phiên tại các cơ sở bảo trợ xã hội.

b) 80% người tâm thần lang thang không nơi nương tựa được đưa vào điều trị, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng tại các cơ sở bảo trợ xã hội.

c) 100% người tâm thần phân liệt, rối loạn tâm thần được hội đồng xác định mức độ khuyết tật kết luận có mức độ khuyết tật đặc biệt nặng, khuyết tật nặng được giải quyết hưởng chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng và được khám chữa bệnh miễn phí.

d) 50% số người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ bị bệnh tâm thần, người tâm thần được tư vấn, trị liệu tâm lý và sử dụng các dịch vụ công tác xã hội khác.

đ) 80% gia đình có người tâm thần, 50% người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ bị bệnh tâm thần được nâng cao nhận thức về trợ giúp và phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa vào cộng đồng.

e) Thành lập đội ngũ cộng tác viên công tác xã hội kết hợp với nhân viên y tế trợ giúp và phục hồi chức năng cho người tâm thần tại các xã, phường, thị trấn.

3. Chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020

a) 100% người tâm thần có hành vi nguy hiểm đến gia đình, cộng đồng được cơ quan y tế chuyên khoa chữa trị và được phục hồi chức năng luân phiên tại các cơ sở bảo trợ xã hội.

b) 100% người tâm thần lang thang không nơi nương tựa được đưa vào điều trị, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng tại các cơ sở bảo trợ xã hội.

c) 90% số người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị bệnh tâm thần, người tâm thần được tư vấn, trị liệu tâm lý và sử dụng các dịch vụ công tác xã hội khác.

d) 100% gia đình có người tâm thần, 70% người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ bị bệnh tâm thần được nâng cao nhận thức về trợ giúp và phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa vào cộng đồng;

đ) Phát triển đội ngũ cộng tác viên công tác xã hội kết hợp với nhân viên y tế trợ giúp và phục hồi chức năng cho người tâm thần tại xã, phường, thị trấn.

III. CÁC HOẠT ĐỘNG CHỦ YẾU

1. Đầu tư xây dựng Trung tâm bảo trợ xã hội mới tại xã Trị an, huyện Vĩnh Cửu đáp ứng nhu cầu tiếp nhận chăm sóc nuôi dưỡng, tổ chức lao động trị liệu, phục hồi chức năng cho từ 300 - 500 người tâm thần lang thang không nơi nương tựa, người tâm thần có hành vi nguy hiểm đến gia đình, cộng đồng

2. Phát triển nguồn nhân lực làm công tác trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người rối nhiễu tâm trí, người tâm thần dựa vào cộng đồng

a) Xây dựng đội ngũ cộng tác viên làm công tác xã hội, trẻ em, trong đó có lĩnh vực liên quan đến người tâm thần ở thôn, ấp, khu phố.

b) Tổ chức khảo sát nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn của đội ngũ cán bộ, nhân viên tại các cơ sở bảo trợ xã hội, trung tâm y tế các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa, các bệnh viện làm việc trong lĩnh vực trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí.

 c) Xây dựng kế hoạch, tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về tâm lý học, xã hội học, y tế, công tác xã hội trong lĩnh vực tâm thần cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên.

d) Tổ chức các lớp tập huấn cho gia đình có người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí về kỹ năng, phương pháp chăm sóc và phục hồi chức năng.

3. Điều tra, khảo sát, xây dựng cơ sở dữ liệu trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiều tâm trí.

a) Tổ chức điều tra, khảo sát xây dựng cơ sở dữ liệu cập nhật số liệu người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí được trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; phân loại và có kế hoạch can thiệp sớm, phục hồi chức năng người rối nhiễu tâm trí để ngăn ngừa tâm thần.

b) Xây dựng kế hoạch chăm sóc sức khoẻ cho người tâm thần và nâng cao chất lượng chương trình phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa vào cộng đồng.

4. Phát triển các cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí

a) Tổ chức tư vấn, điều trị rối loạn tâm lý, khủng hoảng tâm lý; tư vấn, giới thiệu và hướng dẫn chuyển đối tượng tới các dịch vụ phù hợp khác.

b) Tổ chức việc khám, hướng dẫn phục hồi chức năng, tư vấn về chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người rối nhiễu tâm trí ở tuyến cơ sở cấp xã và cấp huyện. Phát hiện và có kế hoạch can thiệp sớm, phục hồi chức năng cho trẻ em và người rối nhiễu tâm trí để ngăn ngừa tâm thần.

c) Cung cấp dịch vụ công tác xã hội trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe tâm thần.

5. Về công tác tuyên truyền

a) Tổ chức tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng dân cư nâng cao nhận thức về trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội thông qua hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin báo, đài, tuyên truyền trực quan, panô, áp phích, tờ gấp về chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và trách nhiệm của toàn xã hội đối với người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí trong xã hội. Nêu gương điển hình về các trợ giúp và khả năng vươn lên vượt rào cản, vượt khó hòa nhập cộng đồng của bản thân người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí

b) Tổ chức hội nghị phổ biến Quyết định số 1215/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án trợ giứp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011 - 2020, kế hoạch triển khai đề án của tỉnh, các chế độ chính sách đối với người tâm thần.

6. Thực hiện các chính sách đảm bảo cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí ổn định cuộc sống hòa nhập cộng đồng

a) Tiếp tục rà soát người tâm thần đủ các điều kiện theo quy định giải quyết hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng và các chế độ trợ cấp khác. Đưa người tâm thần không nơi nương tựa vào các cơ sở bảo trợ xã hội.

b) Tạo điều kiện cho vay vốn sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập cho những hộ gia đình có người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí có nhu cầu và khả năng sử dụng vốn vay.

c) Tổ chức các hoạt động thể dục dưỡng sinh và phục hồi chức năng cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí trong các cơ sở bảo trợ xã hội.

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo các cấp chính quyền, ngành, đoàn thể và các địa phương xây dựng kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể triển khai thực hiện Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013 - 2020.

2. Đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện và can thiệp sớm, trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí; điều tra, khảo sát, xây dựng cơ sở dữ liệu trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng.

3. Tăng cường vận động các tổ chức, cá nhân nước ngoài trong việc hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm và nguồn lực để phát triển trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng.

4. Xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá, định kỳ xây dựng kế hoạch liên ngành kiểm tra giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch của các ngành, đơn vị và địa phương và tổ chức sơ, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm.

5. Đẩy mạnh xã hội hóa về công tác chăm sóc người tâm thần, đa dạng hóa nguồn vốn để triển khai thực hiện chương trình; tăng cường hợp tác Quốc tế về lĩnh vực người khuyết tật, trong đó có người tâm thần; tranh thủ sự trợ giúp kỹ thuật và nguồn lực để thực hiện chương trình; lồng ghép hoạt động trợ giúp người tâm thần vào các chương trình kinh tế - xã hội của địa phương.

6. Kinh phí thực hiện

Dự kiến 155.890.000.000 đồng, trong đó:

- Ngân sách Trung ương: 15.450.000.000 đồng.

- Ngân sách địa phương: 140.440.000.000 đồng (trong đó: Kinh phí ngân sách bổ sung: 93.126.000.000 đồng, kinh phí lồng ghép: 47.314.000.000 đồng).

- Ngoài ra huy động từ các nguồn vận động, ủng hộ, tài trợ và các nguồn khác theo quy định để thực hiện Đề án.

Các đơn vị, địa phương được giao nhiệm vụ dự trù kinh phí thực hiện gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Là cơ quan thường trực, giúp UBND tỉnh triển khai, đôn đốc, kiểm tra các Sở, ban, ngành, địa phương thực hiện kế hoạch; tổng hợp báo cáo kết quả định kỳ về UBND tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

b) Hướng dẫn các địa phương rà soát người tâm thần theo quy định được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên để giải quyết theo chính sách hiện hành.

c) Phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, cộng đồng trách nhiệm trợ giúp đối với người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí.

d) Xây dựng kế hoạch đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên, cộng tác viên làm công tác trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người rối nhiễu tâm trí, người tâm thần dựa vào cộng đồng; kế hoạch tập huấn kỹ năng cho gia đình có người tâm thần và rối nhiễu tâm trí.

đ) Phát triển các cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí.  

e) Tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến người tâm thần.

g) Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về người tâm thần; tổ chức sơ, tổng kết thực hiện kế hoạch.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo

a) Phối hợp các Sở, ban, ngành, đoàn thể triển khai lồng ghép các chương trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên và học viên trong các cơ sở giáo dục và đào tạo.

b) Triển khai các chương trình phòng ngừa, can thiệp sớm các trường hợp học sinh, sinh viên có biểu hiện rối nhiễu tâm trí trong các cơ sở giáo dục đào tạo.

c) Xây dựng kế hoạch giáo dục hòa nhập trẻ em bị tâm thần, rối nhiễu tâm trí.

d) Hướng dẫn các cơ sở giáo dục và đào tạo phối hợp các cơ sở y tế có liên quan thực hiện công tác chăm sóc, phục hồi khả năng học tập và học nghề cho học sinh, sinh viên và học viên bị mắc bệnh tâm thần.

3. Sở Y tế

a) Xây dựng đề án thành lập khoa khám bệnh, điều trị tâm thần và phục hồi chức năng người bị tâm thần và rối nhiễu tâm trí tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện đa khoa Thống Nhất.

b) Hướng dẫn nghiệp vụ y tế cho các trung tâm y tế, bệnh viện trong điều trị và phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa vào cộng đồng và trong các cơ sở Bảo trợ xã hội.

c) Triển khai, tổ chức việc khám, can thiệp sớm, hướng dẫn phục hồi chức năng sớm cho trẻ em tâm thần, rối nhiễu tâm trí.

d) Phối hợp triển khai phát triển các cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí;  đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên, cộng tác viên y tế về chăm sóc sức khỏe tâm thần.

4. Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền về trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển theo quy định hiện hành và nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện Đề án.

6. Sở Tài chính

Phối hợp với các Sở, ban, ngành hàng năm thẩm định dự toán và cân đối nguồn ngân sách địa phương thực hiện kế hoạch; hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị sử dụng kinh phí theo đúng Luật Ngân sách nhà nước. 

7. UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa

Xây dựng kế hoạch trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng, phân công cụ thể các phòng, đơn vị liên quan triển khai các nội dung và giải pháp của kế hoạch.

8. Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể

Phối hợp với các Sở, ban, ngành tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân tham gia trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người rối nhiễu tâm trí, người tâm thần dựa vào cộng đồng.

VI. THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Công tác triển khai, thực hiện

a) Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa căn cứ kế hoạch của UBND tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể cho đơn vị mình và báo cáo về cơ quan thường trực (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh. Thời gian các đơn vị gửi kế hoạch về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội  trước ngày 30/8/2013.

b) Trên cơ sở kế hoạch của UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa; các xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai rộng rãi trong các cơ quan, ban, ngành, nhân dân về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để đưa kế hoạch thực sự đi vào cuộc sống.

2. Chế độ báo cáo, kiểm tra và tổng kết khen thưởng

a) Các Sở, ban, ngành định kỳ báo cáo 06 tháng, 01 năm kết quả thực hiện kế hoạch thuộc lĩnh vực phụ trách gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương.

b) Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan kiểm tra tiến độ và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch.

c) Định kỳ hàng năm sơ kết một lần, 03 năm tổng kết giai đoạn 1(2013 -1015); tổng kết thực hiện kế hoạch giai đoạn 2 vào năm 2020.

d) Những tập thể, cá nhân thực hiện tốt nhiệm vụ trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch, được xét khen thưởng lồng ghép hàng năm và nhân dịp sơ kết 03 năm, tổng kết 05 năm thực hiện kế hoạch.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013 - 2020 của UBND tỉnh./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thành Trí

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 6446/KH-UBND năm 2013 thực hiện Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013-2020 tỉnh Đồng Nai

  • Số hiệu: 6446/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 12/08/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai
  • Người ký: Nguyễn Thành Trí
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản