Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 220/QĐ-UBND

Nam Định, ngày 22 tháng 01 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH RÀ SOÁT, ĐÁNH GIÁ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NAM ĐỊNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát TTHC;

Căn cứ Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 31/10/2017 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hướng dẫn nghiệp vụ về kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Quyết định số 2955/QĐ-UBND ngày 26/12/2019 của UBND tỉnh ban hành kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Nam Định năm 2020;

Xét đề nghị của Chánh Văn phòng UBND tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính năm 2020 trên địa bàn tỉnh Nam Định (có kế hoạch kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- VPCP (Cục Kiểm soát TTHC);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Website tỉnh, Website VP UBND tỉnh;
- Lưu VP1, VP11.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phạm Đình Nghị

 

KẾ HOẠCH

RÀ SOÁT, ĐÁNH GIÁ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NAM ĐỊNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 220/QĐ-UBND ngày 22/01/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), cắt giảm chi phí, thời gian giải quyết TTHC trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội trọng tâm là các TTHC phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế, các TTHC thuộc các lĩnh vực: đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh; đất đai, xây dựng Tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các thành phần kinh tế, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, góp phần giải phóng nguồn lực xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Thực hiện rà soát, đánh giá quy định TTHC thuộc phạm vi, thẩm quyền của ngành, địa phương, đề xuất, kiến nghị các phương án, sáng kiến đơn giản hóa thủ tục hành chính trên cơ sở lựa chọn những TTHC có đối tượng chịu sự tác động lớn, những vấn đề nóng, có nhiều phản ánh, bất cập trong quá trình thực hiện, trình UBND tỉnh kiến nghị Trung ương sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

2. Yêu cầu

a) Rà soát, đánh giá toàn diện các TTHC tại các cấp đã được công bố, kịp thời tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc kiến nghị các Bộ, ngành sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ những quy định TTHC không còn phù hợp, bảo đảm thống nhất với các quy định pháp luật hiện hành tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong thực hiện TTHC.

b) Nâng cao chất lượng giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo nguyên tắc tập trung, thống nhất; lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan có thẩm quyền; giải quyết TTHC kịp thời, nhanh chóng, thuận tiện, đúng pháp luật, công bằng, bình đẳng, khách quan, công khai, minh bạch và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền; không làm phát sinh chi phí thực hiện TTHC cho tổ chức, cá nhân ngoài quy định của pháp luật.

II. PHẠM VI VÀ NỘI DUNG

1. Phạm vi

Các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố rà soát, đánh giá các quy định về TTHC thuộc phạm vi, chức năng quản lý, giải quyết của cơ quan, đơn vị đã được công bố để báo cáo và đề xuất kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ, ngành Trung ương sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các TTHC không phù hợp, không thống nhất với các quy định pháp luật hiện hành.

2. Nội dung

a) Các Sở, ban, ngành của tỉnh chủ động, kịp thời tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh công bố danh mục TTHC các cấp theo quyết định công bố của Bộ, ngành Trung ương; thực hiện kiểm soát chặt chẽ ngay từ khâu dự thảo quyết định công bố, đảm bảo theo quy định của pháp luật, phù hợp với thực tế của địa phương.

b) Rà soát, đánh giá tất cả các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết tại các cấp chính quyền đã được Chủ tịch UBND tỉnh công bố, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ (đối với TTHC được luật giao) hoặc kiến nghị với Bộ, ngành trung ương sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ (TTHC do các Bộ, ngành quy định) những quy định TTHC không còn phù hợp, bảo đảm thống nhất với các quy định pháp luật hiện hành. Ưu tiên lựa chọn rà soát các TTHC hoặc quy định hành chính có phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập trong quá trình giải quyết thực tế; chú trọng lựa chọn rà soát các TTHC có quy định về yêu cầu thành phần hồ sơ chưa tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng thực hiện.

c) Dự kiến các nhóm, lĩnh vực rà soát trọng tâm năm 2020

TT

TÊN/NHÓM THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

CƠ QUAN THỰC HIỆN RÀ SOÁT, ĐÁNH GIÁ

KẾT QUẢ

Chủ trì

Phối hợp

I

Rà soát đơn giản hóa TTHC

1

Nhóm TTHC lĩnh vực Thành lập và hoạt động doanh nghiệp; đầu tư tại Việt Nam; thành lập và hoạt động liên hiệp hợp tác xã

Sở Kế hoạch và đầu tư

Văn phòng UBND tỉnh; UBND cấp huyện, thành phố

Báo cáo kết quả rà soát, đánh giá TTHC năm 2020

2

Nhóm TTHC lĩnh vực đất đai

Sở Tài nguyên và Môi trường

3

Nhóm TTHC lĩnh vực Văn thư - lưu trữ; Thi đua - khen thưởng

Sở Nội vụ

4

Nhóm TTHC lĩnh vực thuộc ngành Xây dựng

Sở Xây dựng

II

Rà soát TTHC đáp ứng yêu cầu thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4

1

TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết (theo hướng dẫn tại phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư 02/2017/TT-VPCP)

Các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố

Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông

TTHC đáp ứng yêu cầu thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm:

- Tổ chức phổ biến, quán triệt và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tổ chức triển khai, thực hiện tốt các nội dung Kế hoạch này.

- Rà soát, đánh giá TTHC thuộc phạm vi, chức năng quản lý, thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị, phát hiện và kiến nghị với Bộ ngành Trung ương sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về tiến độ và kết quả thực hiện.

- Chủ động rà soát, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh công bố danh mục TTHC hoặc bãi bỏ các quy định về TTHC để thực hiện các nhiệm vụ nêu tại Nghị quyết số 43/NQ-CP ngày 06/6/2014 của Chính phủ; tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, thuận lợi; tiết kiệm tối đa chi phí cho các nhà đầu tư; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; thúc đẩy thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh.

- Tổng hợp kết quả rà soát, đánh giá TTHC, báo cáo UBND tỉnh (qua Văn phòng UBND tỉnh) trước ngày 15/9/2020.

2. Văn phòng UBND tỉnh:

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp, đánh giá đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về nội dung và kết quả rà soát của các Sở, ngành và địa phương; đề xuất khen thưởng những tập thể, cá nhân làm tốt nhiệm vụ và kiến nghị xử lý đối với những tập thể, cá nhân thực hiện không nghiêm túc Kế hoạch này.

- Kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện việc rà soát, đánh giá TTHC theo đúng Kế hoạch đã ban hành./.