Hệ thống pháp luật

BỘ BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 19/2003/QĐ-BBCVT

Hà Nội, ngày 19 tháng 02 năm 2003 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CƯỚC DỊCH VỤ ĐIỆN THOẠI ĐƯỜNG DÀI LIÊN TỈNH

SỬ DỤNG GIAO THỨC IP (ĐIỆN THOẠI IP LIÊN TỈNH)

 

BỘ TRƯỞNG BỘ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG

 

- Căn cứ Nghị định số 90/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Bưu chính, Viễn thông;
- Căn cứ Quyết định số 99/1998/QĐ-TTg ngày 26/5/1998 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý giá và cước bưu chính, viễn thông;
- Căn cứ Thông tư số 03/1999/TT-TCBĐ ngày 11/5/1999 của Tổng cục Bưu điện hướng dẫn thực hiện Nghị định số 109/1997/NĐ-CP ngày 12/11/1997 của Chính phủ về bưu chính và viễn thông và Quyết định số 99/1998/QĐ-TTg ngày 26/5/1998 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý giá và cước bưu chính, viễn thông;
- Căn cứ công văn số 32/CP-KTTH ngày 10/01/2003 của Chính phủ về điều chỉnh cước điện thoại đường dài liên tỉnh;
- Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính,

Điều 1. Liên lạc điện thoại IP liên tỉnh là liên lạc điện thoại IP giữa các máy điện thoại không cùng địa giới hành chính của một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đơn vị thời gian tính cước liên lạc điện thoại IP liên tỉnh là phút, phần lẻ thời gian cuối cùng của một cuộc liên lạc chưa tới một phút được tính là một phút (chế độ tính cước 1+1).
Điều 2. Cước điện thoại IP liên tỉnh được quy định như sau:
1. Liên lạc tại nhà thuê bao:
a) Cước liên lạc
- Vùng 1: 727 đồng/phút;
- Vùng 2: 1.227 đồng/phút;
- Vùng 3: 1.636 đồng/phút.
* Riêng đối với liên lạc điện thoại IP trên các tuyến Hà Nội - Hà Tây, Bắc Ninh - Bắc Giang, Nam Định - Thái Bình, Bến Tre - Tiền Giang và ngược lại, do các doanh nghiệp tự quyết định nhưng mức cước không được thấp hơn 20% so với cước điện thoại liên tỉnh (mạng PSTN) trên cùng tuyến liên lạc.
b) Các vùng cước được quy định tại Phụ lục kèm theo Quyết định này.
c) Liên lạc tại nhà thuê bao từ 23 giờ ngày hôm trước đến 7 giờ sáng ngày hôm sau từ thứ hai đến thứ bẩy, ngày lễ, chủ nhật được giảm cước 30%.
2. Liên lạc điện thoại IP liên tỉnh tại điểm công cộng:
- Ngoài các mức cước quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, được thu thêm 454 đồng/cuộc.
- Việc giảm cước cho các cuộc liên lạc ngoài giờ cao điểm, ngày lễ, Chủ nhật do doanh nghiệp tự quyết định, mức giảm không được vượt quá 30% so với mức cước quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
3. Các mức cước quy định tại khoản 1 và 2 của Điều này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Điều 3. Cước liên lạc liên tỉnh của các thuê bao Fax và thuê bao truyền số liệu trong băng thoại tiêu chuẩn (truyền số liệu qua đường dây thuê bao điện thoại) sử dụng giao thức IP được áp dụng như đối với cước liên lạc điện thoại IP liên tỉnh theo các quy định tại Điều 1, Điều 2.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/3/2003. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 5. Chánh văn phòng, Vụ Trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Bưu chính, Viễn thông, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


 

Nơi nhận:
- Như điều 5,
- Bộ trưởng BBCVT ( để b/c ),
- Văn phòng Chính phủ,
- Bộ Tài chính,
- Lưu VP, KHTC.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG

THỨ TRƯỞNG

(Đã ký)

 

Đặng Đình Lâm

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 19/2003/QĐ-BBCVT ban hành cước dịch vụ điện thoại đường dài liên tỉnh sử dụng giao thức IP (điện thoại IP liên tỉnh) do Bộ Bưu chính, Viễn thông ban hành

  • Số hiệu: 19/2003/QĐ-BBCVT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 19/02/2003
  • Nơi ban hành: Bộ Bưu chính, Viễn thông
  • Người ký: Đặng Đình Lâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/03/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 11/03/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản