Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03/1999/TT-TCBĐ

Hà Nội, ngày 11 tháng 5 năm 1999

THÔNG TƯ

CỦA TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN SỐ 03/1999/TT-TCB NGÀY 11 THÁNG 5 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 109/1997/NĐ-CP NGÀY 12/11/1997 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ BƯU CHÍNH VÀ VIỄN THÔNG VÀ QUYẾT ĐỊNH SỐ 99/1998/QĐ-TTG NGÀY 26/05/1998 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ QUẢN LÝ GIÁ VÀ CƯỚC BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG

Thi hành Nghị định số 109/1997/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/11/1997 về bưu chính và viễn thông và Quyết định số 99/1998/QĐ-TTg ngày 26/05/1998 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý giá và cước bưu chính, viễn thông; sau khi trao đổi thống nhất với Ban Vật giá Chính phủ, Tổng cục Bưu điện hướng dẫn thực hiện như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1.1.Phạm vi và đối tượng điều chỉnh:

1.1.1. Thông tư này hướng dẫn việc thực hiện quản lý Nhà nước về giá và cước các dịch vụ bưu chính, viễn thông trên lãnh thổ Việt Nam đối với các đối tượng sau:

- Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp cung cấp);

- Các doanh nghiệp bán lại dịch vụ bưu chính, viễn thông (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp bán lại). Doanh nghiệp cung cấp và doanh nghiệp bán lại sau đây được gọi chung là doanh nghiệp;

- Các đại lý dịch vụ bưu chính, viễn thông (sau đây gọi tắt là đại lý);

- Người sử dụng dịch vụ bưu chính, viễn thông (sau đây gọi tắt là người sử dụng).

1.2. Nguyên tắc hình thành giá và cước bưu chính, viễn thông:

1.2.1. Hình thành trên cơ sở giá thành sản xuất các sản phẩm và dịch vụ;

1.2.2. Phù hợp với quy cách, chất lượng của dịch vụ và khả năng thanh toán của người sử dụng;

1.2.3. Khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, từng bước hội nhập khu vực và thế giới;

1.2.4. Có sự điều tiết giữa các dịch vụ, giữa các vùng lãnh thổ, giữa các doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu của chiến lược phát triển Ngành Bưu điện trong cả nước phù hợp với chính sách kinh tế, xã hội của Đảng và Nhà nước; Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bù đắp được chi phí sản xuất, có tích luỹ và làm nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước;

1.2.5. Cước các dịch vụ bưu chính, viễn thông quốc tế được xây dựng phù hợp với các quy định về cước bưu chính và viễn thông của các tổ chức bưu chính, viễn thông quốc tế và khu vực mà Việt Nam tham gia ký kết song phương hoặc đa phương; phù hợp với chính sách kinh tế đối ngoại của Đảng và Nhà nước;

1.2.6. Giá và cước bưu chính, viễn thông trong nước được quy định bằng đồng Việt Nam. Giá và cước bưu chính, viễn thông quốc tế được quy định bằng đô la Mỹ (USD), áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân người nước ngoài hoạt động tại Việt nam; được thu bằng đô la Mỹ hoặc bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.

II. NHIỆM VỤ VÀ THẨM QUYỀN BAN HÀNH GIÁ, CƯỚC

Nhiệm vụ và thẩm quyền ban hành giá, cước được thực hiện theo Điều 4, Quyết định số 99/1998/QĐ-TTg ngày 26/05/1998 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý giá và cước bưu chính, viễn thông, Tổng cục Bưu điện hướng dẫn thêm một số điểm như sau:

2.1. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cước chuẩn trong nước và uỷ quyền cho Tổng cục Bưu điện quyết định cước chuẩn các dịch vụ quy định tại mục 1, điều 4, Quyết định số 99/1998/QĐ-TTg ngày 26/05/1998 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý giá và cước bưu chính, viễn thông:

- Cước cơ bản đối với thư gửi trong nước đến 20 gam;

- Tiếng điện báo thường trong nước;

- Cước phút đàm thoại đường dài trong nước (bao gồm cả fax, truyền số liệu trong kênh thoại) ở cự ly trung bình.

2.2. Tổng cục Bưu điện:

2.2.1. Quyết định khung giá và cước hoặc giá và cước các dịch vụ sau đây sau khi trao đổi với Ban Vật giá Chính phủ:

- Quyết định cụ thể mức cước các dịch vụ trên cơ sở mức cước chuẩn các dịch vụ quy định tại điểm 2.1 nêu trên.

- Thuê bao điện thoại;

- Điện thoại nội hạt (bao gồm đàm thoại, fax, truyền số liệu trong kênh thoại);

- Thuê bao truyền số liệu chuyển mạch gói;

- Lắp đặt điện thoại, facsimile.

2.2.2. Quy định:

2.2.2.1. Khung giá và cước hoặc giá và cước các dịch vụ:

- Dịch vụ đặc biệt đối với bưu phẩm phục vụ chính quyền gồm hoả tốc, hẹn giờ.

- Học phẩm người mù;

- Thư chiều đi quốc tế;

- Điện báo khí tượng thuỷ văn, điện báo an toàn nhân mạng, điện báo quốc vụ; điện báo báo chí trong nước;

- Viễn thông công cộng trên biển trong nước;

- Thuê trung kế;

- Thuê kênh viễn thông đường dài trong nước và quốc tế;

- Thuê cổng và lắp đặt thuê bao truy nhập trực tiếp Internet;

- Thông tin truyền số liệu chuyển mạch gói;

- Điện thoại chiều đi quốc tế (bao gồm đàm thoại, fax, truyền số liệu trong kênh thoại);

- Thuê bao, tiếp mạng và đàm thoại di động (bao gồm cả fax, truyền số liệu trong kênh thoại);

- Cài đặt và thông tin truy nhập gián tiếp Internet;

- Nhắn tin toàn quốc.

2.2.2.2. Quyết định mức giá, cước cụ thể hoặc khung giá, cước, hoặc giao cho doanh nghiệp quyết định giá, cước đối với các dịch vụ mới khi doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ;

2.2.3. Qui định cơ chế quản lý giá, cước các dịch vụ bưu chính, viễn thông đối với các tổ chức được phép bán lại dịch vụ theo các quy định của pháp luật.

2.3.Doanh nghiệp:

2.3.1. Căn cứ vào khung giá và cước và các văn bản hướng dẫn của Tổng cục Bưu điện và Ban Vật giá Chính phủ, quyết định các mức giá và cước cụ thể của các sản phẩm, dịch vụ bưu chính, viễn thông; quyết định và hướng dẫn thực hiện giá và cước các dịch vụ bưu chính, viễn thông ngoài danh mục Nhà nước quy định.

2.3.2. Quyết định giá, cước đối với các dịch vụ thử nghiệm trong thời gian thử nghiệm dịch vụ.

III. XÂY DỰNG, THẨM ĐỊNH CÁC PHƯƠNG ÁN GIÁ, CƯỚC

3.1.Tổ chức xây dựng phương án giá, cước:

3.1.1. Đối với giá, cước các dịch vụ chuẩn do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và giá, cước các dịch vụ thuộc thẩm quyền quyết định của Ban Vật giá Chính phủ quy định tại mục 2.1, 2.2 của Thông tư này, Tổng cục Bưu điện tổ chức xây dựng phương án cước chuẩn các dịch vụ.

3.1.2. Doanh nghiệp xây dựng phương án giá và cước các dịch vụ bưu chính, viễn thông trong những trường hợp sau:

- Khi giá thành dịch vụ, quan hệ cung cầu về dịch vụ biến động đến mức cần thiết phải điều chỉnh giá, cước dịch vụ;

- Khi cơ chế, chính sách quản lý của Nhà nước đối với dịch vụ thay đổi ảnh hưởng đến kết cấu giá, cước của dịch vụ;

- Khi được cấp phép cung cấp dịch vụ mới;

- Khi Tổng cục Bưu điện yêu cầu xây dựng phương án giá, cước mới để xem xét điều chỉnh giá, cước.

Doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc xây dựng và trình Tổng cục Bưu điện các phương án giá, cước trong vòng 45 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu xây dựng phương án. Đối với các phương án giá, cước phức tạp, thời gian xây dựng và trình phương án không quá 90 ngày kể từ ngày doanh nghiệp nhận được yêu cầu xây dựng phương án của Tổng cục Bưu điện.

3.2. Phương án giá và cước dịch vụ bưu chính, viễn thông phải được xây dựng theo các nguyên tắc hình thành giá và cước nêu tại mục 1.2 của Thông tư này.

3.3. Hồ sơ phương án giá, cước bao gồm:

3.3.1. Tờ trình phương án giá và cước do Thủ trưởng doanh nghiệp ký và đóng dấu (Đối với các dịch vụ bưu chính, viễn thông thuộc thẩm quyền quyết định của Nhà nước);

3.3.2. Phương án giá, cước dịch vụ với các nội dung sau:

- Tình hình cung cấp và sử dụng dịch vụ (tổ chức sản xuất, cung cấp dịch vụ, nhu cầu thị trường) và sự cần thiết phải tiến hành điều chỉnh hoặc ban hành mới giá, cước dịch vụ;

- Bảng tính toán giá thành dịch vụ;

- Giải trình về phương pháp tính toán, cơ sở tính toán, các yếu tố chi phí hình thành giá, cước dịch vụ;

- Bảng giá, cước cùng dịch vụ ở các nước trong khu vực và trên thế giới (nếu có);

- Bảng phân tích so sánh với giá, cước các dịch vụ liên quan;

- Đề xuất của doanh nghiệp về giá, cước dịch vụ, bao gồm cả các đề xuất về cơ chế điều hành, quản lý giá cước dịch vụ.

3.4. Thẩm định phương án giá, cước:

3.4.1. Đối với giá, cước các dịch vụ chuẩn do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nêu tại mục 2.1 của Thông tư này, Ban Vật giá Chính phủ thẩm định phương án giá, cước trước khi Tổng cục Bưu điện trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

3.4.2. Đối với giá và cước bưu chính, viễn thông thuộc thẩm quyền quyết định của Ban Vật giá Chính phủ, Ban Vật giá Chính phủ thẩm định và ban hành giá, cước theo đề nghị của Tổng cục Bưu điện.

3.4.3. Đối với giá và cước bưu chính, viễn thông do Tổng cục Bưu điện quyết định theo quy định tại điểm 2.2.1 phần II của Thông tư này, Tổng cục Bưu điện trao đổi với Ban Vật giá Chính phủ về phương án giá, cước dự kiến ban hành trước khi chính thức ban hành.

3.4.4. Đối với giá và cước bưu chính, viễn thông do Tổng cục Bưu điện quyết định theo quy định tại điểm 2.2.2 phần II của Thông tư này, Tổng cục Bưu điện tổ chức thẩm định phương án giá, cước và quyết định việc ban hành.

3.4.5. Đối với giá, cước các dịch vụ thuộc thẩm quyền quyết định của doanh nghiệp, Thủ trưởng doanh nghiệp có trách nhiệm thẩm định và ban hành giá, cước các dịch vụ theo các quy định tại Thông tư này.

3.5. Thời hạn thẩm định, ban hành giá, cước của Tổng cục Bưu điện là 7 ngày kể từ ngày Tổng cục Bưu điện nhận được hồ sơ phương án giá, cước đúng quy định. Đối với các phương án giá, cước phức tạp liên quan đến hoạt động của nhiều ngành kinh tế quốc dân và đời sống nhân dân cần có thêm thời gian chuẩn bị thì Tổng cục Bưu điện thông báo cho doanh nghiệp trình phương án giá, cước biết về thời hạn cần kéo dài thêm.

IV. CƯỚC THƯƠNG LƯỢNG QUỐC TẾ

4.1. Doanh nghiệp cung cấp được Tổng cục Bưu điện cấp phép kinh doanh dịch vụ bưu chính, viễn thông quốc tế được quyền đàm phán, thoả thuận cước thương lượng quốc tế với các nhà khai thác nước ngoài theo các nguyên tắc và chính sách do Tổng cục Bưu điện quy định.

4.2. Cước thương lượng quốc tế bao gồm các loại sau:

- Cước kế toán toàn trình quốc tế;

- Cước thanh toán quốc tế;

- Cước kết cuối quốc tế;

- Cước quá giang lưu lượng quốc tế.

4.3. Các nguyên tắc trong việc thương lượng, thoả thuận cước thương lượng quốc tế:

4.3.1. Cước thương lượng quốc tế được xây dựng dựa trên cơ sở chi phí cần thiết để cung cấp dịch vụ quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam và nhà khai thác nước ngoài liên quan;

4.3.2. Cước thương lượng quốc tế được thoả thuận theo nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện;

4.3.3. Cước thương lượng quốc tế được thoả thuận phải phù hợp với các quy định, khuyến nghị của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), Liên minh Bưu chính Quốc tế (UPU) hoặc các tổ chức khu vực như Tổ chức Viễn thông Châu á - Thái Bình Dương (APT), Liên minh Bưu chính Châu á - Thái Bình Dương (APPU) mà đã được Tổng cục Bưu điện thông qua;

4.3.4. Cước thương lượng quốc tế được thoả thuận phải phù hợp với chính sách kinh tế, xã hội, chính sách kinh tế đối ngoại của Đảng và Nhà nước, phù hợp với các văn bản thoả thuận, ký kết giữa Tổng cục Bưu điện với các cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông của các nước liên quan (nếu có).

4.4. Doanh nghiệp có trách nhiệm đăng ký kịp thời với Tổng cục Bưu điện về kết quả thoả thuận cước thương lượng quốc tế giữa doanh nghiệp Việt Nam và nhà khai thác nước ngoài.

4.5. Huỷ bỏ hiệu lực của thoả thuận cước thương lượng quốc tế:

4.5.1. Tổng cục Bưu điện quyết định việc huỷ bỏ hiệu lực của thoả thuận cước thương lượng quốc tế của doanh nghiệp khi việc thoả thuận cước vi phạm các quy định của Tổng cục Bưu điện nêu tại Thông tư này.

4.5.2. Doanh nghiệp có trách nhiệm thoả thuận, thương lượng lại cước thương lượng quốc tế với nhà khai thác nước ngoài liên quan.

4.6. Thanh toán cước thương lượng:

4.6.1. Doanh nghiệp thực hiện việc thanh toán cước thương lượng theo các điều kiện do các bên thoả thuận trong hợp đồng cung cấp dịch vụ;

4.6.2. Doanh nghiệp có trách nhiệm thu nợ và trả nợ cước thương lượng quốc tế chính xác, đúng hạn theo quy định của pháp luật.

4.7. Sáu tháng một lần và hàng năm, doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo Tổng cục Bưu điện về tình hình thực hiện cước thương lượng và tình hình thanh toán giữa doanh nghiệp với các nhà khai thác bưu chính, viễn thông quốc tế.

V. CƯỚC KẾT NỐI

5.1. Cước kết nối là số tiền mà doanh nghiệp có yêu cầu chuyển tiếp hoặc kết cuối cuộc gọi phải trả cho doanh nghiệp thực hiện việc chuyển tiếp hoặc kết cuối cuộc gọi đó. Cước kết nối được tính theo lưu lượng chuyển qua điểm kết nối.

5.2.Cước kết nối được hình thành theo các nguyên tắc sau:

5.2.1. Tuân thủ các quy định về cơ chế quản lý giá, cước viễn thông của Nhà nước;

5.2.2. Trên cơ sở chi phí hợp lý của các doanh nghiệp để thực hiện việc kết nối;

5.2.3. Bình đẳng, không phân biệt đối xử, hợp tác và cùng có lợi giữa các doanh nghiệp viễn thông tham gia kết nối;

5.2.4. Góp phần thực hiện việc điều tiết giữa các dịch vụ để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường và mở rộng việc cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích, dịch vụ bưu chính, viễn thông phổ cập.

5.3. Tổng cục Bưu điện quy định cụ thể mức cước hoặc khung cước kết nối và việc thanh toán cước kết nối để các doanh nghiệp liên quan thực hiện.

VI. LẬP HOÁ ĐƠN VÀ THANH TOÁN GIÁ, CƯỚC

6.1. Lập hoá đơn và in bảng kê chi tiết:

6.1.1. Doanh nghiệp có trách nhiệm lập hoá đơn thanh toán giá, cước dịch vụ chính xác, kịp thời cho người sử dụng dịch vụ bưu chính, viễn thông. Hoá đơn do doanh nghiệp lập phải tuân thủ các quy định của Bộ Tài chính về chế độ hoá đơn, chứng từ;

6.1.2. Trừ trường hợp người sử dụng dịch vụ yêu cầu không in, đối với việc lập hoá đơn thanh toán hàng tháng theo hợp đồng, doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp bản kê chi tiết miễn phí một lần vào cùng thời kỳ in hoá đơn cho người sử dụng dịch vụ đối với các dịch vụ sau đây:

- Đàm thoại liên tỉnh;

- Đàm thoại di động;

- Đàm thoại quốc tế.

6.1.3. Ngoài việc in bảng kê chi tiết miễn phí theo các quy định tại mục 6.1.2 nêu trên, doanh nghiệp được phép thu tiền của người sử dụng dịch vụ để bù đắp chi phí cho việc in các bảng kê chi tiết các dịch vụ khác khi có yêu cầu.

6.2. Quyền và nghiã vụ của các bên trong việc thanh toán giá, cước:

6.2.1. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp:

6.2.1.1. Doanh nghiệp, đại lý được quyền thoả thuận với người sử dụng về các hình thức, điều kiện thanh toán giá, cước các dịch vụ bưu chính, viễn thông phù hợp với các quy định của pháp luật;

6.2.1.2. Doanh nghiệp có quyền yêu cầu người sử dụng dịch vụ thanh toán đầy đủ, đúng thời hạn các khoản tiền giá, cước do việc sử dụng dịch vụ của người sử dụng;

6.2.1.3. Các doanh nghiệp được thực hiện qui đổi từ đô la Mỹ (USD) sang đồng Việt Nam để thu cước bưu chính, viễn thông quốc tế như sau:

Hàng tháng, doanh nghiệp thông báo công khai với các đối tượng sử dụng dịch vụ bưu chính, viễn thông quốc tế tỷ giá qui đổi giữa USD và đồng Việt Nam trên cơ sở tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố vào ngày 25 của tháng trước (nếu ngày 25 là ngày nghỉ thì lấy tỷ giá của ngày làm việc ngay trước đó) để áp dụng thu cước cho tháng kế tiếp. Trường hợp trong tháng quan hệ tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD tăng hoặc giảm trên 5% so với thông báo thì doanh nghiệp được phép thay đổi mức tỷ giá áp dụng cho phù hợp với sự thay đổi của tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng.

6.2.1.4. Doanh nghiệp có quyền yêu cầu người sử dụng dịch vụ trả lãi suất nợ quá hạn cho mỗi ngày trả chậm do lỗi của người sử dụng tính trên tổng số tiền giá, cước người sử dụng chậm thanh toán. Mức lãi suất chậm trả được áp dụng theo các quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

6.2.1.5. Doanh nghiệp có quyền từ chối, tạm dừng hoặc chấm dứt việc cung cấp dịch vụ cho người sử dụng theo các quy định của Tổng cục Bưu điện và theo các thoả thuận trong hợp đồng cung cấp dịch vụ khi người sử dụng chậm thanh toán do lỗi của người sử dụng, hoặc không thanh toán tiền giá, cước, kể cả phần lãi nợ quá hạn. Trong trường hợp đó người sử dụng vẫn phải chịu trách nhiệm thanh toán phần giá, cước, lãi nợ quá hạn (nếu có) chưa trả cho doanh nghiệp;

6.2.1.6. Doanh nghiệp có nghĩa vụ cung cấp các dịch vụ đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng quy định và phù hợp với mức giá, cước đã thoả thuận;

6.2.1.7. Doanh nghiệp có nghĩa vụ hướng dẫn, giải thích về giá cước và tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng dịch vụ thực hiện nghĩa vụ thanh toán giá, cước của mình;

6.2.1.8. Doanh nghiệp có trách nhiệm giải quyết khiếu nại về giá và cước của người sử dụng dịch vụ.

6.2.2. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng:

6.2.2.1. Người sử dụng có quyền được hướng dẫn, giải thích về giá, cước đối với các dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp cho người sử dụng;

6.2.2.2. Người sử dụng có nghĩa vụ thanh toán đầy đủ, đúng thời hạn tiền giá, cước theo các quy định của pháp luật, của Tổng cục Bưu điện và theo các điều khoản thoả thuận trong hợp đồng cung cấp dịch vụ ký với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khi sử dụng các dịch vụ bưu chính, viễn thông;

6.2.2.3. Người sử dụng có trách nhiệm thanh toán cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tiền cước chưa trả và tiền lãi phát sinh do việc chậm trả tiền giá, cước theo quy định tại mục 6.2.1.4 và 6.2.1.5 nêu trên;

6.2.2.4. Người sử dụng có quyền khiếu nại các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông đối với những sai sót về giá và cước, những sai sót trong việc cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông liên quan đến giá, cước. Trong thời gian chờ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giải quyết khiếu nại, người sử dụng vẫn phải thanh toán đầy đủ cước phí theo thông báo của doanh nghiệp.

6.3. Đại lý có các quyền và nghĩa vụ trong việc lập hoá đơn và thanh toán giá, cước đối với doanh nghiệp và đối với người sử dụng theo các điều khoản của hợp đồng đại lý ký kết giữa đại lý và doanh nghiệp và theo các quy định của pháp luật.

VII. ĐĂNG KÝ, NIÊM YẾT VÀ BÁO CÁO TÌNH HÌNH THỰC HIỆN GIÁ, CƯỚC

7.1. Đăng ký giá, cước:

7.1.1. Đối với giá, cước các dịch vụ thuộc thẩm quyền quyết định của doanh nghiệp, doanh nghiệp có trách nhiệm gửi hồ sơ đăng ký giá, cước về Tổng cục Bưu điện chậm nhất là sau 15 ngày kể từ ngày doanh nghiệp ban hành giá, cước.

7.1.2. Hồ sơ đăng ký giá, cước bao gồm:

- Quyết định ban hành giá, cước và các văn bản hướng dẫn kèm theo;

- Phương án giá, cước dịch vụ theo các nội dung quy định tại mục 3.3.2.

7.2. Niêm yết giá, cước:

7.2.1. Doanh nghiệp phải tổ chức thực hiện việc niêm yết và công bố công khai giá và cước các dịch vụ bưu chính, viễn thông trước ngày giá và cước có hiệu lực thi hành;

7.2.2. Các nơi giao dịch của các doanh nghiệp cung cấp, các doanh nghiệp bán lại, các đại lý, nhà hàng, khách sạn phải niêm yết giá và cước công khai, chính xác, rõ ràng, phù hợp với nội dung và chất lượng dịch vụ mà mình cung cấp.

7.3. Báo cáo tình hình thực hiện giá, cước:

7.3.1. Định kỳ sáu tháng một lần và hàng năm doanh nghiệp báo cáo Tổng cục Bưu điện tổng hợp tình hình thực hiện các mức giá, cước đã ban hành.

VIII. MIỄN, GIẢM GIÁ VÀ CƯỚC

8.1. Các nguyên tắc miễn, giảm:

8.1.1. Việc miễn, giảm giá, cước phải được quy định phù hợp với khả năng thực hiện của doanh nghiệp.

8.1.2. Việc miễn, giảm giá, cước của doanh nghiệp không dẫn đến việc bán phá giá cước dịch vụ để cạnh tranh không lành mạnh.

8.2. Việc miễn, giảm giá và cước bưu chính, viễn thông phục vụ quốc phòng, an ninh và phục vụ các nhiệm vụ chính trị đặc biệt khác, Tổng cục Bưu điện trình Thủ tướng Chính phủ quyết định sau khi trao đổi ý kiến với Ban Vật giá Chính phủ và các ngành liên quan.

8.3. Tổng cục Bưu điện quy định:

8.3.1. Miễn cước trong các trường hợp sau:

- Đàm thoại gọi đến các số điện thoại dịch vụ khẩn cấp: công an (113); cứu hoả (114); cấp cứu (115);

- Cước cơ bản và cước ghi số của bưu phẩm, bưu kiện đựng di vật liệt sĩ và tử sĩ do các tổ chức, cơ quan, đoàn thể gửi;

- Cước cơ bản và các loại cước dịch vụ đặc biệt (trừ cước máy bay) đối với học phẩm người mù;

- Cước cơ bản và cước dịch vụ máy bay đối với thư báo tin mộ liệt sĩ do các tổ chức, đoàn thể gửi. Ngoài bì thư ghi rõ "thư báo tin mộ liệt sĩ";

- Cước cơ bản và cước dịch vụ đặc biệt đối với bưu phẩm, bưu kiện gửi ra nước ngoài cho tù binh và những người nước ngoài bị giam giữ trong thời kỳ chiến tranh do những người này trực tiếp hoặc thông qua cơ quan có thẩm quyền gửi đi;

- Sử dụng các dịch vụ bưu chính, viễn thông trong nước và quốc tế để phục vụ công tác quản lý, điều hành, chỉ đạo hoạt động sản xuất kinh doanh bưu chính, viễn thông (bưu chính, viễn thông nghiệp vụ);

- Các trường hợp khác do Tổng cục Bưu điện quy định.

8.3.2. Mức giảm giá, cước cho các đối tượng đặc biệt đối với từng dịch vụ cụ thể;

8.3.3. Các trường hợp miễn, giảm giá, cước khác theo đề nghị của doanh nghiệp.

8.4. Các doanh nghiệp thực hiện việc miễn, giảm giá và cước trong các trường hợp sau:

8.4.1. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc của Tổng cục Bưu điện về việc miễn, giảm giá và cước các dịch vụ bưu chính, viễn thông được quy định tại các mục 8.2 và 8.3 của Thông tư này;

8.4.2. Đối với các loại dịch vụ do Nhà nước quyết định giá và cước, ngoài việc miễn, giảm giá, cước theo quy định tại mục 8.2 và 8.3 của Thông tư nay, doanh nghiệp được quyền chủ động quy định việc giảm giá, cước có thời hạn cho các mục đích nhân đạo, từ thiện, phục vụ các sự kiện đặc biệt, ngày lễ, ngày tết; mức giảm tối đa không quá 15% so với mức giá, cước đã quy định. Nếu thời hạn giảm cước này kéo dài quá 10 ngày, việc giảm giá cước phải được sự đồng ý của Tổng cục Bưu điện. Khi quyết định việc giảm giá, cước doanh nghiệp đồng thời phải báo cáo Tổng cục Bưu điện;

8.4.3. Đối với các dịch vụ do doanh nghiệp quyết định mức giá và cước, doanh nghiệp được quyền chủ động quy định việc giảm giá, cước theo các nguyên tắc quy định tại mục 8.1 của Thông tư này.

IX. KIỂM SOÁT CHI PHÍ, THANH TRA, KIỂM TRA VỀ GIÁ CƯỚC

9.1. Kiểm soát chi phí:

9.1.1. Tổng cục Bưu điện tổ chức hoặc chủ trì tổ chức, có sự phối hợp của Ban Vật giá Chính phủ kiểm soát chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong các trường hợp sau:

- Doanh nghiệp không thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về xây dựng giá và cước bưu chính, viễn thông;

- Doanh nghiệp có dấu hiệu lợi dụng thế độc quyền, liên minh độc quyền tăng, hạ giá và cước để cạnh tranh không lành mạnh, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp khác, của người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước;

- Khi đề nghị thay đổi giá, cước hoặc khi có đề nghị thay đổi hoặc ban hành mức giá, cước mới của doanh nghiệp;

- Khi giải quyết khiếu nại của người sử dụng hoặc của các doanh nghiệp khác (nếu cần thiết).

9.1.2. Căn cứ vào kết quả kiểm soát chi phí, nếu phát hiện doanh nghiệp có sai phạm Tổng cục Bưu điện có thể:

- Yêu cầu hoặc phối hợp với các cơ quan Nhà nước khác xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật;

- Ban hành giá, cước mới cho các dịch vụ thuộc thẩm quyền quyết định của Tổng cục Bưu điện.

- Yêu cầu doanh nghiệp thay đổi mức giá, cước do doanh nghiệp ban hành nếu thuộc thẩm quyền của doanh nghiệp;

9.2. Thanh tra, kiểm tra về giá, cước:

9.2.1. Tổng cục Bưu điện thực hiện việc thanh tra, kiểm tra về giá, cước đối với doanh nghiệp theo các nội dung sau:

- Chế độ quản lý, đăng ký và ban hành giá, cước của doanh nghiệp;

- Thiết bị tính cước và việc lập trình tính cước của doanh nghiệp;

- Việc thực hiện các quy định của Tổng cục Bưu điện về tính cước, lập hoá đơn, bảng kê chi tiết và thu cước;

- Việc giải quyết khiếu nại về giá và cước của người sử dụng và của doanh nghiệp khác;

- Việc thực hiện các quy định về niêm yết giá, cước.

9.2.2. Doanh nghiệp có trách nhiệm:

- Thường xuyên hướng dẫn, tổ chức thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị thành viên và đơn vị cơ sở về việc thực hiện công tác quản lý giá, cước;

- Cung cấp đầy đủ, chính xác các số liệu cần thiết và tạo các điều kiện thuận lợi cho Tổng cục Bưu điện và các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền khác khi tiến hành thanh tra, kiểm tra về giá và cước tại doanh nghiệp.

9.2.3. Việc tổ chức hoặc phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về giá và cước bưu chính, viễn thông được thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

X. KHIẾU NẠI VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI VỀ GIÁ, CƯỚC

10.1. Các nội dung khiếu nại về giá và cước:

10.1.1. Người sử dụng có quyền khiếu nại các doanh nghiệp theo các nội dung quy định tại mục 6.2.2.4 của Thông tư này. Khiếu nại lần đầu của người sử dụng phải được gửi cho doanh nghiệp bị khiếu nại để giải quyết;

10.1.2. Doanh nghiệp có quyền khiếu nại doanh nghiệp khác về các mức giá, cước áp dụng và về việc thanh toán giá, cước theo các quy định của Tổng cục Bưu điện và theo các điều kiện mà các bên thoả thuận trong hợp đồng.

10.2. Thời hiệu khiếu nại:

10.2.1. Thời hiệu khiếu nại của người sử dụng:

10.2.1.1. Đối với các sai sót về giá, cước dịch vụ khi người sử dụng sử dụng dịch vụ tại các bưu cục, điểm giao dịch của doanh nghiệp, thời hiệu để người sử dụng khiếu nại là 1 tháng kể từ ngày sử dụng dịch vụ;

10.2.1.2. Đối với các sai sót về giá, cước do người sử dụng sử dụng dịch vụ thông qua hợp đồng cung cấp dịch vụ ký kết giữa doanh nghiệp và người sử dụng, thời hiệu khiếu nại là 1 tháng kể từ ngày người sử dụng dịch vụ nhận được thông báo thanh toán cước phí.

10.2.2. Thời hiệu khiếu nại của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông, doanh nghiệp bán lại dịch vụ bưu chính, viễn thông là 1 tháng kể từ ngày được quy định để thanh toán cước phí.

10.3. Thời hạn giải quyết khiếu nại:

10.3.1. Thời hạn giải quyết khiếu nại của người sử dụng:

10.3.1.1. Doanh nghiệp có trách nhiệm giải quyết khiếu nại của người sử dụng và thông báo cho người sử dụng kết quả việc giải quyết này trong vòng 2 tháng đối với các dịch vụ bưu chính, viễn thông trong nước và 3 tháng đối với các dịch vụ bưu chính, viễn thông quốc tế kể từ ngày nhận được khiếu nại;

10.3.1.2. Nếu người khiếu nại không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại của doanh nghiệp thì trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại, người khiếu nại có quyền gửi đơn khiếu nại lên cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của đơn vị đã giải quyết khiếu nại để được giải quyết tiếp. Thời hạn giải quyết các khiếu nại tiếp theo của người sử dụng là 2 tháng kể từ ngày nhận được khiếu nại;

10.3.1.3. Nếu doanh nghiệp đã có quyết định giải quyết khiếu nại mà người khiếu nại thấy chưa thoả đáng thì trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại, người sử dụng có quyền đề nghị Tổng cục Bưu điện hoặc Toà án Kinh tế hoặc Toà án Dân sự xem xét giải quyết theo các quy định của pháp luật.

10.3.2. Thời hạn giải quyết khiếu nại của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông, doanh nghiệp bán lại dịch vụ bưu chính, viễn thông:

10.3.2.1. Doanh nghiệp bị khiếu nại có trách nhiệm giải quyết khiếu nại của doanh nghiệp khiếu nại trong vòng 2 tháng đối với các dịch vụ bưu chính, viễn thông trong nước và 3 tháng đối với các dịch vụ bưu chính, viễn thông quốc tế kể từ ngày nhận được khiếu nại;

10.3.2.2. Nếu doanh nghiệp khiếu nại thấy doanh nghiệp bị khiếu nại giải quyết khiếu nại chưa thoả đáng thì trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại, có quyền đề nghị Tổng cục Bưu điện hoặc Toà án Kinh tế xem xét giải quyết theo các quy định của pháp luật.

XI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ HIỆU LỰC THI HÀNH

11.1. Các đối tượng thuộc phạm vi áp dụng phải nghiêm chỉnh chấp hành đầy đủ các quy định tại Thông tư này. Mọi vi phạm các quy định trong Thông tư này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

11.2. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

11.3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc gì đề nghị phản ánh kịp thời về Tổng cục Bưu điện để nghiên cứu giải quyết.

Mai Liêm Trực

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 03/1999/TT-TCBĐ hướng dẫn Nghị định 09/1997/NĐ-CP về bưu chính và viễn thông và Quyết định 99/1998/QĐ-TTg về quản lý giá và cước bưu chính, viễn thông do Tổng cục Bưu điện ban hành

  • Số hiệu: 03/1999/TT-TCBĐ
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 11/05/1999
  • Nơi ban hành: Tổng cục Bưu điện
  • Người ký: Mai Liêm Trực
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 27
  • Ngày hiệu lực: 26/05/1999
  • Ngày hết hiệu lực: 01/10/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản