Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 170/QĐ-UB

Bắc Kạn, ngày 29 tháng 05 năm 1997

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ VỀ AN NINH TRẬT TỰ TRÊN CÁC KHU VỰC KHAI THÁC VÀNG, KHAI THÁC CÁC LOẠI KHOÁNG SẢN KHÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN.

ỦY BAN NHÂN DÂN LÂM THỜI TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND.

Căn cứ nghị định số: 04/HĐBT ngày 7/01/1998 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành điều lệ đăng ký hộ khẩu.

Căn cứ nghị quyết 05/CP và 06/CP ngày 29/01/1993 và nghị định 53/CP ngày 28/6/1994 của chính phủ về chương trình phòng, chống, đấu tranh với các loại tệ nạn xã hội.

Căn cứ 47/CP ngày 12/8/1996 của Chính phủ quy định về công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Xét đề nghị của Giám đốc công an tỉnh Bắc Kạn tại tờ trình số: 662/PC13 ngày 15/4/1997 về việc phê duyệt quy định quản lý về ANTT trên các khu vực khai thác vàng và khoáng sản khác

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay ban hành kèm theo quyết định này “quy định của UBND tỉnh về quản lý ANTT trên các khu vực khai thác vàng, khai thác khoáng sản khác trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.”

Điều 2. Giao cho Giám đốc Công an tỉnh chủ trì phối hợp với sở công nghiệp, Sở LĐ-TBXH, Chủ tịch UBND các huyện tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm trong việc thực hiện quy định này.

Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, thủ trưởng các Sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, các tổ chức kinh tế Nhà nước, tập thể, cá nhân khai thác vàng, khai thác khoáng sản khác, hoặc làm các nghề kinh doanh, dịch vụ trong khu vực khai thác vàng, khai thác khoáng sản khác chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ban hành, những quy định trước đây của tỉnh Bắc Thái và tỉnh Cao Bằng trái với quy định này đều bãi bỏ./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3 (để thực hiện).
- B.N.V (B/c).
- Bộ Công nghiệp (B/c).
- Bộ LĐ-TBXH (B/c).
- TT UBND tỉnh (B/c).
- Lưu VPUB - TH - CN
- XDCB - NC.

TM/UBND LÂM THỜI TỈNH BẮC KẠN
CHỦ TỊCH




Phan Thế Ruệ

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ ANTT TRÊN CÁC KHU VỰC KHAI THÁC VÀNG, KHAI THÁC KHOÁNG SẢN KHÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN
(Ban hành kèm theo QĐ số: 170/QĐ-UB ngày 29/5/1997 của UBND lâm thời tỉnh Bắc Kạn)

Để đảm bảo tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các khu vực khai thác vàng và khai thác khoáng sản khác trên địa bàn toàn tỉnh, UBND lâm thời tỉnh Bắc Kạn quy định một số điểm trong việc quản lý khai thác vàng và các loại khoáng sản như sau:

I/ NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG:

Điều 1. Tất cả các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang và mọi công dân (sau đây gọi tắt là các tổ chức và cá nhân) có hoạt động khai thác hoặc dịch vụ tại các vùng khai thác vàng và khoáng sản khác thuộc tỉnh Bắc Kạn đều phải chấp hành nghiêm chỉnh các điều khoản của bản quy định này.

Điều 2. Các tổ chức, cá nhân khai thác vàng và khoáng sản khác, các tổ chức dịch vụ, kinh doanh tại khu vực phải được đăng ký quản lý hộ khẩu theo quy định của ngành công an và thủ tục đăng ký cấp mỏ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đăng ký kinh doanh của UBND huyện sở tại.

Điều 3. Tổ chức, cá nhân khai thác vàng, khoáng sản khác có nhu cầu sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) để phục vụ cho sản xuất phải được Công an tỉnh cấp giấy chứng nhận đảm bảo an ninh trật tự theo Nghị định 17/CP ngày 23/12/1992 của Chính phủ và được Sở công nghiệp - KHCNMT cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp theo nghị định 27/CP ngày 20/4/1995 của Chính phủ.

Điều 4. Các tổ chức, cá nhân khai thác vàng và khoáng sản khác phải đảm bảo các điều kiện an toàn lao động, sử dụng lao động phải được đăng ký hợp đồng theo quy định, phải đảm bảo các chính sách chế độ cho người lao động theo quy định của Bộ luật lao động.

Nghiêm cấm việc sử dụng lao động vị thành niên vào các công việc nặng nhọc.

Điều 5. Phải chấp hành nghĩa vụ nộp ngân sách theo quy định của pháp luật, thực hiện đóng góp quỹ đảm bảo ANTT và tham gia các chính sách từ thiện khác.

Điều 6. Phải nghiêm chỉnh chấp hành luật đất đai, pháp lệnh bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, vệ sinh trong khu vực.

Điều 7. Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ trái phép trong khu vực khai thác vàng, khai thác khoáng sản khác.

Điều 8. Nghiêm cấm các hành vi vi phạm pháp luật như: Cướp, cướp giật, cưỡng đoạt, trộm cắp tài sản công dân, gây rối trật tự công cộng, tranh chấp hang hố...

Điều 9. Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân hoạt động các loại tệ nạn xã hội trong khu vực khai thác vàng và khoáng sản khác.

II/ MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỤ THỂ ĐẢM BẢO ANTT TRONG KHU VỰC KHAI THÁC VÀNG VÀ KHOÁNG SẢN KHÁC:

A- Công tác quản lý hộ khẩu:

Điều 10. Các Doanh nghiệp Nhà nước phải tổ chức đăng ký hộ khẩu thường trú Công an huyện sở tại cho đơn vị mình.

Điều 11. Người đứng đầu tổ chức, cá nhân khai thác vàng, khai thác khoáng sản khác, các chủ sở hữu kinh doanh, dịch vụ ... phải lập sổ đăng ký tạm trú với công an xã sở tại, đồng thời lập danh sách theo sổ đăng ký tạm trú đề nghị Công an xã sở tại cấp giấy tạm trú có thời hạn (TTCTH) cho từng người trong cơ sở của mình.

Thủ tục đăng ký cấp giấy TTCTH quy định như sau:

- Những người từ 15 tuổi trở lên phải kê khai một bản khai nhân khẩu (có dán ảnh cá nhân).

- Xuất trình chứng minh nhân dân, trường hợp không có CMND phải có đơn xin tạm trú và có xác nhận của chính quyền địa phương nơi đăng ký nhân hộ khẩu thường trú.

Trên cơ sở đó Công an xã sở tại xét cấp giấy TTCTH cho từng người. Giấy TTCTH có giá trị sử dụng 6 tháng, hết hạn sử dụng giấy nếu tiếp tục ở lại thì người đứng đầu tổ chức và người được cấp giấy phải đến Công an xã đổi lại giấy TTCTH mới hoặc gia hạn sử dụng tiếp.

Người được cấp giấy TTCTH phải luôn mang theo và có kèm CMND để xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra kiểm soát.

Giấy TTCTH cấp cho người nào chỉ người đó được sử dụng, nghiêm cấm cho mượn hoặc tẩy xóa, sửa chữa ... Người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính. Người đứng đầu tổ chức khai thác hoặc cá nhân nào chứa chấp người không rõ lai lịch, hoặc không đăng ký tạm trú sẽ bị đình chỉ việc khai thác, kinh doanh, dịch vụ.

Sổ đăng ký tạm trú và giấy TTCTH theo mẫu thống nhất của Bộ Nội vụ. Chủ cơ sở và cá nhân xin cấp giấy TTCTH phải nộp lệ phí theo quy định.

B- Công tác quản lý vật liệu nổ:

(Chỉ áp dụng cho các tổ chức, cá nhân khai thác có nhu cầu sử dụng VLNCN để phục vụ sản xuất).

Điều 12. Vật liệu nổ công nghiệp và các phụ kiện nổ (VLNCN) là vật tư đặc biệt do Nhà nước thống nhất quản lý. Tổ chức cá nhân muốn có VLNCN để phục vụ sản xuất, khai thác phải đăng ký mua tại các đơn vị được nhà nước cho phép cung ứng. Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân mua bán VLNCN ngoài luồng quy định.

Điều 13. Đơn vị được Chính phủ cho phép cung ứng VLNCN phải có chi nhánh hoặc Văn phòng đại diện và có kho chuyên dùng đặt tại tỉnh Bắc Kạn, đồng thời phải có phương án cung ứng cho đúng đối tượng trong phạm vi toàn tỉnh. Phương án cung ứng phải được Sở Công nghiệp-KHCNMTvà Công an tỉnh thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt.

Điều 14. Tổ chức, cá nhân khai thác vàng, khai thác khoáng sản khác có nhu cầu sử dụng VLNCN phải lập hồ sơ ANTT theo nghị định 17/CP ngày 23/12/1992 của Chính phủ quy định về quản lý nghề đặc biệt tại Công an tỉnh. Trên cơ sở đó Công an tỉnh sẽ tiến hành thẩm định và xét cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ANTT cho sử dụng VLNCN.

Thủ tục hồ sơ bao gồm:

- Lý lịch của người đứng đầu tổ chức khai thác (có xác nhận của chính quyền địa phương nơi thường trú).

- Danh sách những người tham gia cùng khai thác.

- Danh sách thợ nổ mìn và bản sao chứng chỉ nổ mìn của từng thợ (do Sở LĐ-TBXH cấp).

- Thống kê loại chất nổ và phụ kiện nổ cần sử dụng.

- Danh sách người làm bảo vệ, bảo quản.

- Kế hoạch sử dụng VLNCN hàng tháng, quý, năm.

- Phương án quản lý VLNCN tại nơi sản xuất và phương án phòng chống cháy, nổ, phòng chống tai nạn.

- Từng đợt mua VLNCN để sử dụng, người đứng đầu tổ chức khai thác phải thống kê số lượng xin mua và phải được Công an tỉnh xác nhận. Khi vận chuyển VLNCN phải có giấy phép (M) của Công an tỉnh cấp. Từng đợt sử dụng VLNCN phục vụ sản xuất xong phải báo cáo chi tiết việc sử dụng với Công an tỉnh.

- Ngoài ra còn nộp thêm 1 số thủ tục khác như sơ đồ địa điểm khai thác, bản sao quyết định cấp đất của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 15. Trên cơ sở giấy chứng nhận đủ điều kiện ANTT của Công an tỉnh cấp, tổ chức cá nhân khai thác phải đăng ký thủ tục xin cấp giấy phép sử dụng VLNCN với sở Công nghiệp KHCNMT theo quy định của nghị định 27/CP ngày 20/4/1995 của Chính phủ.

Điều 16. Công an tỉnh có trách nhiệm mở sổ sách ghi chép theo dõi việc xuất nhập VLNCN ở các kho chuyên dùng và nơi bảo quản sử dụng của các tổ chức, cá nhân khai thác, đồng thời theo dõi sử dụng vật liệu nổ công nghiệp đảm bảo đúng mục đích, có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn việc sử dụng VLNCN sai mục đích. Thường xuyên phối hợp cùng các ngành Công nghiệp, Lao động-thương binh và xã hội tổ chức kiểm tra, kiểm kê định kỳ 6 tháng 1 lần, kịp thời phát hiện, uốn nắn những sai sót lệch lạc.

C- Về quản lý lao động và an toàn lao động:

Điều 17. Tất cả các tổ chức, cá nhân khai thác, chủ cơ sở kinh doanh, dịch vụ... có sử dụng lao động phải làm thủ tục hợp đồng lao động, đăng ký với cơ quan lao động cấp huyện. Trong hợp đồng lao động giữa người đứng đầu tổ chức và người lao động phải đảm bảo nguyên tắc 2 bên thỏa thuận dân chủ không bên nào ép bên nào, bình đẳng trước pháp luật và bình đẳng trong các quan hệ xã hội theo quy định của Bộ luật lao động.

- Người đứng đầu tổ chức khai thác, chủ cơ sở kinh doanh, dịch vụ... có trách nhiệm trả công lao động đầy đủ sòng phẳng, chăm lo đời sống người lao động như đảm bảo chế độ ăn, uống, mặc ấm, chỗ ở và các điều kiện sinh hoạt khác. Đặc biệt là khi người lao động ốm, đau phải được nghỉ ngơi và được điều trị, chữa bệnh.

- Khi người lao động có nguyện vọng chấm dứt hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động phải xem xét giải quyết và thanh toán đầy đủ công lao động cho người lao động.

- Nghiêm cấm việc sử dụng lao động không có hợp đồng thuê lao động dưới bất cứ hình thức nào. Nghiêm cấm việc gò ép, đánh đập, hành hạ người lao động. Mọi hành vi xúc phạm đến thân thể người lao động đều là vi phạm pháp luật và phải được xử lý nghiêm minh.

Điều 18. Về an toàn lao động:

- Các tổ chức, cá nhân khai thác vàng, khai thác khoáng sản khác phải trang bị đầy đủ các điều kiện cần thiết đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động, nhất là lao động dưới hầm sâu, hang sâu. Cấm sử dụng lao động nữ trong hầm lò, bãi ngập nước. Thường xuyên có trách nhiệm hướng dẫn cho người lao động thực hiện các quy tắc về an toàn lao động, đôn đốc, kiểm tra, uốn nắn người lao động thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn lao động.

Trường hợp xảy ra tai nạn lao động, người đứng đầu tổ chức khai thác, chủ cơ sở phải báo ngay chính quyền địa phương sở tại, thanh tra lao động cấp huyện, cơ quan Công an đến để lập biên bản, khám nghiệm hiện trường và làm các thủ tục cần thiết khác.

D- Về nghĩa vụ nộp ngân sách:

Điều 19. Tất cả các tổ chức, cá nhân khai thác, chủ cơ sở kinh doanh, dịch vụ ... phải có nghĩa vụ nộp đầy đủ các loại thuế cho chi cục thuế địa phương đang quản lý mình theo quy định của pháp luật hiện hành

Ngoài các khoản nộp thuế trên, người đứng đầu tổ chức khai thác, chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ, người lao động phải nộp lệ phí an ninh trật tự hàng tháng là: 2.000đ/tháng/người. Lệ phí ANTT này được nộp về công an xã sở tại để chi phí cho hoạt động an ninh ở địa phương.

E- Phòng chống các tệ nạn xã hội:

Điều 20. Tất cả các tổ chức, cá nhân có mặt trên các vùng khai thác vàng, khoáng sản khác, triệt để chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về đấu tranh chống tội phạm và phòng chống các loại tệ nạn xã hội. Cụ thể là:

- Nghiêm cấm sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, cất dấu, sử dụng các loại chất ma túy trong vùng khai thác vàng, khai thác khoáng sản khác. Bất cứ người nào vi phạm, đều phải tịch thu tang vật và truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Nghiêm cấm hành nghề mại dâm, mê tín dị đoan trong khu vực khai thác vàng, khoáng sản khác.

- Nghiêm cấm chiếu các loại phim kích thích tình dục, kích động bạo lực. Người nào vi phạm sẽ bị tịch thu phương tiện và xử phạt hành chính.

- Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân khai thác vàng, khoáng sản khác, các cơ sở kinh doanh dịch vụ có hành vi bao che, chứa chấp các đối tượng có lệnh truy nã, trốn thi hành án, buôn bán, sử dụng các chất ma túy, hành nghề mại dâm, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật hiện hành.

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

Điều 21. Giao trách nhiệm cho công an tỉnh có kế hoạch hướng dẫn chi tiết việc thực hiện quy định ANTT trong khu vực khai thác vàng và khoáng sản khác.

Sở công nghiệp KHCNMT chịu trách nhiệm hướng dẫn các thủ tục xin cấp mở, cấp chứng chỉ hành nghề khai thác khoáng sản, cấp giấy phép sử dụng VLNCN.

- Cục thuế tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn và chỉ đạo các chi cục thuế tổ chức thu thuế triệt để từng cơ sở khai thác, cơ sở kinh doanh, dịch vụ thương mại ở các khu vực khai thác khoáng sản.

Điều 22. UBND các huyện có vùng vàng, khoáng sản khác phải xây dựng quy chế quản lý cụ thể ở địa phương mình. Tổ chức đăng ký kinh doanh cho các cơ sở kinh doanh, dịch vụ trong khu vực khai thác. Phối hợp với ngành công an, Công nghiệp - Khoa học CNMT và ngành thuế tổ chức thực hiện tốt bản quy định này.

Điều 23. Công an tỉnh chủ trì cùng Sở Công nghiệp KHCNMT thường xuyên có kế hoạch kiểm tra kiểm soát việc chấp hành bản quy định này, phát hiện các vi phạm, xử lý nghiêm minh theo nghị định 49/CP ngày 15/8/1996 của Chính phủ (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ANTT). Các trường hợp vi phạm nghiêm trọng phải truy tố trước pháp luật.

- Nghiêm cấm cán bộ đương chức trong lực lượng vũ trang (công an, quân đội) đi làm bảo vệ thuê cho các tổ chức, cá nhân khai thác vàng, khoáng sản khác. Người nào vi phạm, cơ quan quản lý phải kiểm điểm và có hình thức kỷ luật thích đáng.

Điều 24. Các tổ chức, cá nhân khai thác vàng, khoáng sản khác, chủ cơ sở kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thực hiện quy định này, đồng thời phổ biến quy định này đến từng người lao động và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những vi phạm xảy ra trong phạm vi mình quản lý.

Điều 25. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, các tổ chức kinh tế Nhà nước, tư nhân có liên quan đến khu vực khai thác vàng, khai thác khoáng sản khác trong phạm vi tỉnh Bắc Kạn chịu trách nhiệm thi hành quy định này.

- Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành, các văn bản khác trái với quy định này đều bãi bỏ./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 170/QĐ-UBND năm 1997 quy định quản lý về an ninh trật tự trên các khu vực khai thác vàng, khai thác các loại khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

  • Số hiệu: 170/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/05/1997
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn
  • Người ký: Phan Thế Ruệ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản