Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/CP | Hà Nội, ngày 29 tháng 01 năm 1993 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG VÀ KIỂM SOÁT MA TUÝ.
Hiện nay, ở nước ta nạn nghiện hút, tiêm chích và buôn lậu ma tuý đang tăng lên. Tệ nạn này trái với đạo đức truyền thống của dân tộc, ảnh hưởng rất xấu đến phát triển kinh tế, gây hại lớn cho sức khoẻ của một bộ phận nhân dân, ảnh hưởng xấu tới nòi giống dân tộc, để lại hậu quả nghiêm trọng cho các thế hệ mai sau.
Đây là mối quan tâm, lo lắng của toàn xã hội. Cần phải đấu tranh kiên quyết chống tệ nạn này bằng các biện pháp tuyên truyền, vận động, giáo dục, kinh tế, xử lý hành chính và hình sự.
1. Cần tiến hành các chủ trương, biện pháp sau đây:
a) Tuyên truyền rộng rãi để mọi người, trước hết là thanh niên thấy được hậu quả, tác hại của tệ nạn ma tuý. Giáo dục ý thức cảnh giác đối với các hoạt động của bọn phản động và buôn lậu nhằm kích động, chia rẽ, nói xấu, xuyên tạc các chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về cây anh túc. Đưa vấn đề phòng chống nghiện ma tuý vào chương trình giáo dục ở các trường phổ thông, trung học chuyên nghiệp và đại học.
b) Vận động, thuyết phục đồng bào miền núi dứt khoát thôi trồng cây anh túc, chuyển sang trồng các loại cây khác. Nghiên cứu cây trồng thay thế thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, tập quán canh tác, thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hoá ở từng vùng. Bảo đảm thu nhập của đồng bào xấp xỉ mức thu nhập như khi trồng cây anh túc. Nếu trong những năm đầu chuyển hướng sản xuất mà thu nhập sút kém quá mức thì Nhà nước trợ giúp để bảo đảm đời sống của đồng bào, thực hiện những chính sách cụ thể, như cấp lương thực cho đồng bào, cho vay vốn không lấy lãi hoặc mua sản phẩm với giá có bù lỗ,... để giúp đồng bào có điều kiện chuyển hướng sản xuất.
c) Kiểm soát nghiêm ngặt việc vận chuyển, lưu thông các loại ma tuý trên toàn lãnh thổ, trước hết là ở các vùng trồng thuốc phiện, vùng biên giới, các cửa khẩu, hải cảng, sân bay quốc tế, đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống mọi hành vi sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán các chất ma tuý. Tiêu huỷ các sản phẩm là thuốc phiện và các chất ma tuý khác thu được.
Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kiểm soát ma tuý trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc phù hợp với pháp luật của nước ta và của công ước quốc tế về ma tuý của liên hợp quốc.
d) Đối với các tổ chức, các ổ tiêm chích, hút, uống các chất ma tuý, phải kiểm tra, xoá bỏ ngay. Trừng trị nghiêm khắc những người cầm đầu các nơi này theo Luật hình sự.
đ) Đối với người nghiện, tổ chức việc cai nghiện thuốc phiện và các chất ma tuý, coi là biện pháp bắt buộc, như đã ghi tại Điều 29 Luật bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Tuỳ theo tình hình thực tế từng nơi và từng loại đối tượng mà áp dụng các biện pháp cai nghiện tại các trung tâm y tế của Nhà nước, tại các cơ sở y tế tư nhân hoặc cai nghiện tại nhà, đồng thời với dạy nghề, tạo việc làm và giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan.
2. Về tổ chức chỉ đạo công tác phòng, chống ma tuý:
a) Đặt nhiệm vụ phòng, chống và kiểm soát ma tuý thành chương trình quốc gia đồng bộ, có mục tiêu, với nội dung chính sau đây:
- Tổ chức điều tra cơ bản, phân tích đánh giá thực trạng ma tuý ở Việt Nam.
- Hướng dẫn và thực hiện các chính sách chuyển hướng sản xuất ở những vùng mà đồng bào hiện đang trồng thuốc phiện.
- Tổ chức cai nghiện, chữa trị và thực hiện các biện pháp dạy nghề, tạo việc làm cho người nghiện.
- Tiến hành các biện pháp tăng cường kiểm soát việc sản xuất, tàng trữ, buôn bán, vận chuyển ma tuý và xử lý các sản phẩm là thuốc phiện và các chất ma tuý khác thu được.
- Xây dựng các văn bản pháp quy về vấn đề chống ma tuý.
- Tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chống ma tuý.
b) Thành lập Ban chủ nhiệm Chương trình quốc gia về phòng, chống và kiểm soát ma tuý làm nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương thực hiện chương trình phòng, chống và kiểm soát ma tuý nói trên.
Ban chủ nhiệm Chương trình quốc gia là một tổ chức liên ngành do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban dân tộc và miền núi làm Chủ nhiệm chương trình, các Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế làm phó chủ nhiệm chương trình; đại diện một số Bộ, Tổng cục có liên quan và đại diện Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam làm uỷ viên.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập ban chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân chỉ đạo thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma tuý tại địa phương.
3. Phân công trách nhiệm trong công tác chống tệ nạn ma tuý:
- Uỷ ban dân tộc miền núi là cơ quan đầu mối, chủ trì việc phối hợp hoạt động theo chương trình quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma tuý, trực tiếp tổ chức thực hiện chương trình "chuyển hướng sản xuất thay trồng cây thuốc phiện kết hợp với việc cai nghiện hút thuốc phiện" theo Quyết định số 69-CT ngày 4-3-1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và dự án "xây dựng kế hoạch tổng thể kiểm soát ma tuý ở Việt Nam" VIE/92/660.
- Bộ nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm, Bộ lâm nghiệp phối hợp cùng các cơ quan khoa học chỉ đạo việc chuyển đổi cây trồng thay thế cây anh túc.
- Bộ Y tế có trách nhiệm xác định các loại thuốc và phương pháp cai nghiện, quản lý việc sử dụng thuốc phiện và các chất ma tuý khác vào sản xuất dược phẩm và nghiên cứu khoa học theo quy định của Nhà nước.
- Bộ Nội vụ, Tổng cục hải quan có trách nhiệm chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép thuốc phiện và các chất ma tuý khác trên toàn lãnh thổ.
- Bộ văn hoá - thông tin chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về các chủ trương, biện pháp đấu tranh chống tệ nạn ma tuý.
- Bộ giáo dục và đào tạo chỉ đạo tuyên truyền giáo dục trong trường học về kiến thức phòng ngừa và tác hại của ma tuý.
- Bộ tư pháp chủ trì việc nghiên cứu pháp luật về vấn đề ma tuý; chuẩn bị các văn kiện về việc Việt Nam phê chuẩn các Công ước quốc tế về ma tuý của Liên hợp quốc.
- Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo toàn bộ các khâu phòng, chống và kiểm soát ma tuý tại địa phương.
Ban chủ nhiệm Chương trình phòng chống ma tuý, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các Uỷ ban nhân dân địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân trong công tác tuyên truyền vận động và các hoạt động cụ thể, làm cho việc phòng, chống và kiểm soát ma tuý trở thành trách nhiệm của mỗi công dân, đấu tranh mạnh mẽ và có hiệu quả chống tệ nạn này.
TM. CHÍNH PHỦ |
- 1Bộ luật Hình sự 1985
- 2Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân 1989
- 3Quyết định 69-CT năm 1992 về lập chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng cao phía Bắc do Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng ban hành
- 4Thông tư 08/LĐTBXH-TT năm 1993 hướng dẫn Nghị quyết 05/CP 1993 về ngăn chặn, chống tệ nạn mại dâm và Nghị quyết 06/CP 1993 về phòng chống, kiểm soát ma túy do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
Nghị quyết 06/CP năm 1993 tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy do Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 06/CP
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 29/01/1993
- Nơi ban hành: Chính phủ
- Người ký: Võ Văn Kiệt
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra