Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/2017/QĐ-UBND

Bắc Ninh, ngày 24 tháng 7 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG ỦY THÁC QUA NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH ĐỂ CHO VAY ĐỐI VỚI NGƯỜI NGHÈO VÀ CÁC ĐỐI TƯỢNG CHÍNH SÁCH KHÁC TRÊN ĐỊA BÀN BẮC NINH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác;

Căn cứ Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm;

Căn cứ Quyết định số 180/2002/QĐ-TTg, ngày 19/12/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Chính sách xã hội;

Căn cứ Quyết định số 30/2015/QĐ-TTg, ngày 31/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 180/2002/QĐ-TTg;

Căn cứ Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg ngày 16/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng thực hiện chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo;

Căn cứ Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg, ngày 23/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ cận nghèo;

Căn cứ Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg, ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế xử lý nợ bị rủi ro của Ngân hàng Chính sách xã hội;

Căn cứ Thông tư số 62/2016/TT-BTC, ngày 15/4/2016 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện Quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 180/2002/QĐ-TTg, ngày 19/12/2002 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Thông tư số 161/2010/TT-BTC, ngày 20/10/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quy chế xử lý nợ bị rủi ro của Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg, ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Thông tư số: 11/2017/TT-BTC ngày 08 tháng 02 năm 2017 của Bộ Tài chính về việc Quy định về quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác;

Căn cứ Nghị quyết số 54/2017/NQ-HĐND ngày 12/72017 về việc mở rộng đối tượng và nâng mức vốn cho vay từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng chính sách để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh;

Theo đề nghị của Sở Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này quy định Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng chính sách để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn Bắc Ninh.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 4/8/2017, thay thế Quyết định số 107/2011/QĐ-UBND ngày 25/8/2011 của UBND tỉnh về việc ban hành quy chế tạo lập, quản lý và sử dụng nguồn vốn từ ngân sách ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và Quyết định số 81/2012/QĐ-UBND ngày 31/10/2012 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc sửa đổi một số điều Quyết định số 107/2011/QĐ-UBND ngày 25/8/2011 của UBND tỉnh Bắc Ninh.

Các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh; Sở Tài chính; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh; Kho bạc Nhà nước tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Văn phòng Chính phủ (báo cáo);
- Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính (báo cáo);
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Hội Nông dân tỉnh; Hội Phụ nữ tỉnh; Hội Cựu Chiến binh tỉnh; Đoàn TNCSHCM tỉnh;
- Tổng Giám đốc NHCSXH;
- Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh;
- Công báo, Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu VT, KTTH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Thành

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG ỦY THÁC QUA NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI ĐỂ CHO VAY ĐỐI VỚI NGƯỜI NGHÈO VÀ CÁC ĐỐI TƯỢNG CHÍNH SÁCH KHÁC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 17/2017/QĐ - UBND ngày 24/7/2017 của UBND tỉnh Bắc Ninh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định việc quản lý và sử dụng nguồn vốn từ Ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Lao động Thương binh và Xã hội; UBND các huyện, thành phố, thị xã; UBND các xã, phường, thị trấn; các tổ chức chính trị xã hội; Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh; các cơ quan, đơn vị, cá nhân khác có liên quan trong việc quản lý và sử dụng nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Cơ quan chuyên môn được UBND các cấp ủy quyền ký hợp đồng ủy thác với Ngân hàng chính sách xã hội các cấp:

1. Sở Tài chính ký hợp đồng ủy thác nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh với Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội cấp tỉnh;

2. Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện ký hợp đồng ủy thác nguồn vốn ngân sách cấp huyện với Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội cấp huyện.

Điều 4. Quy trình chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương bổ sung nguồn vốn cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác:

1. Căn cứ vào mục tiêu về giảm nghèo, tạo việc làm, Sở Tài chính (đối với ngân sách cấp tỉnh), Phòng Tài chính Kế hoạch (đối với ngân sách cấp huyện) chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân bố trí kinh phí bổ sung nguồn vốn để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét quyết định trong dự toán ngân sách hằng năm.

Trường hợp đột xuất, cơ quan Tài chính cấp tỉnh, cấp huyện chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh, UBND cấp huyện bố trí kinh phí bổ sung, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp vào kỳ họp gần nhất.

2. Căn cứ Quyết định giao dự toán, bổ sung kinh phí, cơ quan Tài chính thực hiện cấp kinh phí theo quy định.

Điều 5. Đối tượng cho vay:

1. Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của pháp luật;

2. Hộ mới thoát nghèo, thoát cận nghèo không quá 5 năm;

3. Các đối tượng vay vốn để giải quyết việc làm;

4. Các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài;

5. Các hộ gia đình thuộc khu vực nông thôn và đô thị cần vay vốn để xây mới, cải tạo, nâng cấp công trình nước sạch và vệ sinh theo chuẩn quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường.

Điều 6. Mục đích sử dụng vốn vay; mức cho vay; thời hạn cho vay; lãi suất cho vay; quy trình, thủ tục cho vay; bảo đảm tiền vay (nếu có):

1. Cho vay hộ nghèo:

Thực hiện theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; Văn bản số 316/NHCS-KH, ngày 02/5/2003 của Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam về hướng dẫn nghiệp vụ cho vay đối với hộ nghèo; Văn bản số 676/NHCS-TD, ngày 22/4/2007 của Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội về việc sửa đổi một số điểm của công văn 316/NHCS-KH ngày 02/5/2003.

2. Cho vay hộ Cận nghèo:

Thực hiện theo Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg, ngày 23/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ cận nghèo; Văn bản số 1003/NHCS - TDNN ngày 12/4/2013 của Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam hướng dẫn nghiệp vụ cho vay đối với hộ cận nghèo.

3. Cho vay hộ mới thoát nghèo, thoát cận nghèo:

Hộ mới thoát nghèo, thoát cận nghèo trong thời gian không quá 5 năm được vay vốn theo quy định tại Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo; văn bản số 2859/NHCS-TDNN ngày 13/8/2015 của Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam hướng dẫn nghiệp vụ cho vay đối với hộ mới thoát nghèo.

4. Các đối tượng vay vốn để giải quyết việc làm:

Thực hiện theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm; Văn bản số 3798/NHCS-TDSV ngày 20/11/2015 của Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam hướng dẫn nghiệp vụ cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

5. Các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài:

Thực hiện theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm; Văn bản số 4289/NHCS-TDNN ngày 25/12/2015 của Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam hướng dẫn nghiệp vụ cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài; Văn bản số 607/NHCS-TDNN ngày 15/3/2016 của Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam hướng dẫn nghiệp vụ cho vay đi làm việc ở nước ngoài đối với người lao động thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số.

6. Vay vốn để xây mới, cải tạo, nâng cấp công trình nước sạch và vệ sinh theo chuẩn quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường:

Các hộ gia đình thuộc khu vực nông thôn và khu vực đô thị được vay vốn để xây mới, cải tạo, nâng cấp công trình vệ sinh theo chuẩn quốc gia về vệ sinh môi trường theo Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg ngày 16/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 18/2014/QĐ-TTg ngày 03/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Mức vốn cho vay tối đa là 15 triệu đồng/hộ.

Điều 7. Gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn:

1. Về thẩm quyền gia hạn nợ do Ngân hàng chính sách xã hội các cấp xem xét, quyết định theo quy định của Ngân hàng chính sách xã hội trong từng thời kỳ;

2. Về thủ tục, hồ sơ đề nghị gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn, thời gian gia hạn nợ: thực hiện theo quy định của Ngân hàng chính sách xã hội trong từng thời kỳ.

Điều 8. Quản lý và sử dụng tiền lãi cho vay:

1. Ngân hàng chính sách xã hội quản lý và hạch toán số tiền lãi thu được từ hoạt động cho vay bằng nguồn vốn ngân sách địa phương vào thu nhập của Ngân hàng chính sách xã hội và quản lý, sử dụng theo nguyên tắc thứ tự ưu tiên sau:

a) Trích lập dự phòng rủi ro tín dụng chung theo quy định tại Quyết định số 30/2015/QĐ-TTg ngày 31/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng chính sách xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 180/2002/QĐ-TTg ngày 19/12/2002 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài Chính. Trường hợp tại thời điểm trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh thấp hơn 0,75% thì Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng tối đa bằng 0,75% tính trên số dư nợ cho vay (không bao gồm nợ quá hạn và nợ khoanh);

b) Trích phí quản lý nguồn vốn ủy thác cho Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội cấp tỉnh, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội cấp huyện theo dư nợ cho vay bình quân. Mức phí quản lý bằng bằng 0,4% tính trên 01 tỷ dư nợ bình quân trên 01 tháng;

c) Trích phí chi cho công tác chỉ đạo, quản lý, tổng hợp, kiểm tra, giám sát, khen thưởng của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội các cấp, các Sở, ngành, đơn vị liên quan đến hoạt động cho vay bằng nguồn vốn Ngân hàng chính sách xã hội nhận ủy thác từ ngân sách địa phương. Mức trích 15% số tiền lãi thu được. Trong đó chi cho công tác chỉ đạo, quản lý, tổng hợp, kiểm tra, giám sát, khen thưởng của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội các cấp 10%; các Sở, ngành, đơn vị liên quan đến hoạt động cho vay bằng nguồn vốn Ngân hàng chính sách xã hội nhận ủy thác từ ngân sách địa phương 5%;

d) Phần còn lại (nếu có) được bổ sung vào nguồn vốn cho vay.

2. Trường hợp lãi suất cho vay không đủ bù đắp các khoản chi phí về trích lập dự phòng rủi ro tín dụng và chi phí quản lý cho Ngân hàng chính sách xã hội thì UBND cấp bù phần còn thiếu cho Ngân hàng chính sách xã hội nơi nhận ủy thác hoặc giảm trừ nguồn vốn cho vay.

3. Nội dung và mức chi cho công tác chỉ đạo, quản lý, tổng hợp, kiểm tra, giám sát, khen thưởng từ nguồn lãi thu được từ hoạt động cho vay bằng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác được thực hiện theo chế độ chi tiêu hiện hành đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều 9. Xử lý nợ bị rủi ro

1. Đối với các khoản nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan: Đối tượng được xem xét xử lý rủi ro, nguyên nhân khách quan làm thiệt hại trực tiếp đến vốn và tài sản của khách hàng, biện pháp xử lý, hồ sơ pháp lý để xem xét xử lý nợ bị rủi ro được áp dụng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng chính sách xã hội.

2. Thẩm quyền xem xét xử lý nợ bị rủi ro do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định (đối với nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh), do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định (đối với nguồn vốn ngân sách cấp huyện);

3. Nguồn vốn để xử lý nợ bị rủi ro được lấy từ Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng đã được Ngân hàng chính sách xã hội trích lập đối với cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác từ nguồn ngân sách địa phương;

4. Trường hợp quỹ dự phòng rủi ro tín dụng không đủ bù đắp, tùy theo tình hình thực tế khoản vay bị rủi ro thuộc nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện; cơ quan Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội, Ngân hàng chính sách xã hội báo cáo UBND cùng cấp bổ sung ngân sách địa phương để xử lý, hoặc giảm trực tiếp vào nguồn vốn ủy thác của ngân sách địa phương chuyển qua Ngân hàng chính sách xã hội;

5. Trường hợp Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng sau khi được sử dụng để xử lý xóa nợ bị rủi ro lớn hơn số dư Quỹ dự phòng rủi ro tối đa, được bổ sung vào nguồn vốn ủy thác để cho vay theo quy định;

6. Đối với Quỹ dự phòng rủi ro địa phương đã trích lập theo quy định tại Thông tư số 73/2008/TT-BTC ngày 01/8/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng Quỹ giải quyết việc làm địa phương và kinh phí quản lý Quỹ quốc gia về việc làm được tiếp tục giao Ngân hàng chính sách xã hội quản lý để xử lý rủi ro theo quy định.

Điều 10. Chế độ báo cáo

Định kỳ 6 tháng, hàng năm hoặc theo yêu cầu đột xuất, Ngân hàng chính sách xã hội báo cáo tổng nguồn vốn, kết quả cho vay từ nguồn vốn ủy thác gửi UBND cùng cấp và cơ quan chuyên môn được giao ký hợp đồng ủy thác.

Điều 11. Hạch toán, theo dõi cho vay, chế độ báo cáo quyết toán

Việc ghi chép, hạch toán kế toán đối với nguồn vốn ủy thác và dư nợ cho vay được theo dõi, hạch toán vào tài khoản kế toán riêng theo các văn bản hướng dẫn của Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương

1. Cơ quan Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, đề xuất với UBND cùng cấp:

a) Bố trí nguồn vốn từ ngân sách ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội, đảm bảo chuyển vốn đầy đủ, kịp thời cho Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn và thực hiện kiểm tra kết quả quản lý và sử dụng nguồn vốn ủy thác tại Ngân hàng chính sách xã hội.

b) Thẩm định hồ sơ vay vốn bị rủi ro, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội đối với trường hợp quy mô của đợt xoá nợ vượt quá số dư quỹ dự phòng rủi ro tín dụng được tạo lập từ nguồn vốn ủy thác địa phương.

c) Kiểm tra việc phân phối, sử dụng lãi cho vay thu được từ nguồn vốn ngân sách ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội cùng cấp.

2. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội:

Chỉ đạo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, thị xã, thành phố hàng năm rà soát và cung cấp cho Ngân hàng chính sách xã hội danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo…

3. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác

a) Tuyên truyền, vận động và hướng dẫn thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn để thực hiện uỷ thác cho vay.

b) Tổ chức kiểm tra, giám sát, quản lý hoạt động tín dụng theo văn bản liên tịch và hợp đồng uỷ thác đã ký với Ngân hàng chính sách xã hội.

4. Cơ quan Ngân hàng chính sách xã hội

a) Tiếp nhận, quản lý và sử dụng vốn ngân sách địa phương chuyển sang Ngân hàng chính sách xã hội theo đúng quy định của pháp luật và các quy định tại văn bản này;

b) Phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra vốn vay, xử lý nợ theo quy định;

c) Lập hồ sơ xử lý nợ bị rủi ro trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;

d) Định kỳ hàng năm báo cáo UBND, đồng gửi cơ quan Tài chính cùng cấp về kết quả tạo lập, quản lý, sử dụng nguồn vốn từ ngân sách tỉnh (huyện, xã) chuyển qua Ngân hàng chính sách xã hội trước ngày 31/01 của năm sau.

đ) Báo cáo việc phân phối, sử dụng lãi cho vay thu được từ nguồn vốn ngân sách cùng cấp ủy thác gửi cơ quan Tài chính để kiểm tra báo cáo UBND tỉnh.

5. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh:

Chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan chức năng, cơ quan thực hiện chương trình và Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện thực hiện đúng các quy định tại Quy chế này.

6. UBND các xã, phường, thị trấn:

a) Chịu trách nhiệm xác nhận đối tượng vay vốn theo từng chương trình cho vay theo Quy chế này.

b) Phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra việc sử dụng vốn vay, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn; kiểm tra, phúc tra hộ vay vốn bị rủi ro trên địa bàn.

c) Có ý kiến đề nghị xử lý rủi ro của người vay.

Điều 13. Quy định chuyển tiếp

Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam trích dẫn tại quy chế này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản khác thì áp dụng quy định tại văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 17/2017/QĐ-UBND về Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng chính sách để cho vay đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn Bắc Ninh

  • Số hiệu: 17/2017/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 24/07/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Ninh
  • Người ký: Nguyễn Hữu Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/08/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản