Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1501/QĐ-LĐTBXH

Hà Nội, ngày 04 tháng 10 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CÁC DỰ ÁN THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VIỆC LÀM - DẠY NGHỀ GIAI ĐOẠN 2012 - 2015

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Quyết định số 135/2009/QĐ-TTg ngày 04 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày 31/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề giai đoạn 2012 - 2015;

Căn cứ Quyết định số 371/QĐ-TTg ngày 28/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế” giai đoạn 2012 - 2015;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 102/2013/TTLT-BTC-LĐTBXH ngày 30/7/2013 của Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về quy định quản lý và sử dụng nguồn vốn sự nghiệp thực hiện một số Dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề giai đoạn 2012 - 2015;

Xét đề nghị của Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Cục trưởng Cục Việc làm, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước và Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt các Dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm - Dạy nghề giai đoạn 2012 - 2015 như sau:

1. Dự án 1: Đổi mới và phát triển dạy nghề

2. Dự án 2: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn

3. Dự án 4: Hỗ trợ cho người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

4. Dự án 5: Hỗ trợ phát triển thị trường lao động

5. Dự án 6: Nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình.

(Nội dung chi tiết các dự án theo phụ lục đính kèm)

Điều 2. Mục tiêu chính của các Dự án:

- Hỗ trợ phát triển đồng bộ khoảng 130 nghề trọng điểm ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế, hình thành các trường nghề chất lượng cao (trong đó ưu tiên 26 trường vào năm 2015); góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề;

- Đào tạo nghề cho 2,45 triệu lao động nông thôn, trong đó đặt hàng dạy nghề cho 115,3 nghìn người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công với cách mạng và con của họ, người tàn tật, hộ bị thu hồi đất canh tác, người dân tộc thiểu số và các đối tượng khác nếu thực tế có nhu cầu bức thiết; đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội theo chức danh, vị trí làm việc đáp ứng yêu cầu của công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực thi công vụ cho khoảng 300 nghìn lượt cán bộ, công chức xã.

- Hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho 80 - 120 nghìn lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động là thân nhân chủ yếu của gia đình chính sách người có công với cách mạng và lao động thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp đi làm việc ở nước ngoài (không bao gồm lao động thuộc các huyện nghèo theo quy định tại Quyết định s 71/2009/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2009 - 2020); hỗ trợ đào tạo lao động trình độ cao cho khoảng 5 nghìn lao động đáp ứng yêu cầu của nước tiếp nhận lao động; 60% lao động được đào tạo nghề, 100% lao động được bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi đi làm việc ở nước ngoài;

- Nâng tỷ lệ lao động tìm việc làm qua hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm lên khoảng 30%;

- Tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và nghiên cứu khảo sát kinh nghiệm nước ngoài cho khoảng 20 nghìn lượt cán bộ làm công tác lao động, việc làm và dạy nghề từ Trung ương đến địa phương.

Điều 3. Tổng kinh phí thực hiện các Dự án 22.953,5 tỷ đồng, trong đó:

- Ngân sách Trung ương 17.110,5 tỷ đồng (trong đó 2.584,5 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 14.526 tỷ đồng vốn sự nghiệp);

- Ngân sách địa phương, viện trợ nước ngoài và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác 5.843 tỷ đồng.

Điều 4. Tổ chức thực hiện:

1. Ban Quản lý Chương trình có trách nhiệm:

- Giúp Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện nhiệm vụ của cơ quan quản lý Chương trình.

- Tổng hợp, thẩm định việc xây dựng kế hoạch, nguyên tắc, tiêu chí, phương án phân bổ ngân sách trung ương hàng năm cho các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị thực hiện Dự án phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ của từng Dự án và khả năng cân đối của ngân sách Trung ương.

- Trình Bộ phương án phân bổ vốn cho các Dự án thành phần trên cơ sở dự toán được cơ quan có thẩm quyền thông báo hàng năm (bao gồm cả vốn đầu tư và vn sự nghiệp) để các đơn vị chủ trì Dự án thành phần phân bổ cụ thể cho từng Bộ, ngành, địa phương và đơn vị thực hiện Dự án.

2. Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Cục trưởng Cục Việc làm, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước có trách nhiệm tổ chức thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định số 135/2009/QĐ-TTg và các quy định hiện hành; Chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ chỉ đạo, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị thực hiện Dự án tổ chức triển khai thực hiện các Dự án; kiểm tra, giám sát và tổ chức sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện, báo cáo Bộ theo quy định.

3. Các cơ quan thực hiện Dự án ở Trung ương và địa phương có trách nhiệm: triển khai thực hiện theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ các hoạt động của Dự án được giao; sử dụng kinh phí của các Dự án đúng mục đích, có hiệu quả; thanh toán, quyết toán theo đúng các quy định hiện hành; thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và chế độ báo cáo định kỳ (sáu tháng, hàng năm, giữa kỳ, kết thúc dự án), báo cáo đột xuất gửi cơ quan chủ trì Dự án, Chương trình theo quy định.

Điều 5. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Cục trưởng Cục Việc làm, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Thủ trưởng các cơ quan thực hiện dự án và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ KHĐT, Bộ TC;
- Các Bộ, ngành TW và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW là cơ quan thực hiện Chương trình;
- Các đ/c Lãnh đạo Bộ, các đơn vị thuộc Bộ;
- Lưu: VT, Vụ KHTC.

BỘ TRƯỞNG




Phạm Thị Hải Chuyền

 

PHỤ LỤC 1

NỘI DUNG DỰ ÁN “ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN DẠY NGHỀ"
(Kèm theo Quyết định số 1501/QĐ-LĐTBXH ngày 04 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

I. Sự cần thiết phải thực hiện Dự án:

Thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2011-2020, Kết luận số 242-TB/TW ngày 15/4/2009 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết TW 2 (khóa VIII) phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020; Chiến lược và Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020, Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011-2020, trong đó yêu cầu cần đổi mới căn bản, toàn diện và mạnh mẽ lĩnh vực dạy nghề để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, nhất là những nghề thuộc lĩnh vực công nghệ cao; mở rộng mạng lưới cơ sở dạy nghề; chú trọng xây dựng một số nghề, trường đạt chuẩn khu vực và quốc tế; tăng nhanh quy mô công nhân và cán bộ kỹ thuật lành nghề ở những lĩnh vực công nghệ cao, tiếp cận trình độ tiên tiến thế giới.

Để cụ thể hóa và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ phát triển hệ thống dạy nghề có năng lực đào tạo lao động kỹ năng nghề cao, từng bước tạo đột phá về chất lượng dạy nghề phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì việc xây dựng, triển khai thực hiện Dự án “Đổi mới và phát triển dạy nghề” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề giai đoạn 2012-2015 là rất cần thiết.

II. Các mục tiêu của Dự án

1. Hỗ trợ phát triển hệ thống dạy nghề có năng lực đào tạo lao động kỹ năng nghề cao, từng bước tạo đột phá về chất lượng dạy nghề.

2. Hỗ trợ phát triển đồng bộ khoảng 130 nghề trọng điểm ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.

3. Hỗ trợ đầu tư tập trung cho các trường nghề được lựa chọn đầu tư thành chất lượng cao, trong đó ưu tiên 26 trường đến năm 2015.

4. Góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề vào năm 2015.

III. Các nội dung hoạt động, nhiệm vụ và kết quả chủ yếu

1. Xây dựng hệ thống quản lý thông tin và cơ sở dữ liệu về dạy nghề cho các Bộ, ngành, địa phương, cơ sở dạy nghề trên phạm vi cả nước

- Đào tạo, chuyển giao công nghệ phần mềm, cơ sở dữ liệu theo chuẩn quốc gia cho các cơ sở dạy nghề, các Bộ, ngành, địa phương trên phạm vi cả nước, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về Dạy nghề; khai thác thông tin, báo cáo từ cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, hoạch định chính sách về dạy nghề.

- Xây dựng phần mềm dạy nghề chung theo chuẩn quốc gia để cung cấp cho các cơ sở dạy nghề trong cả nước. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy và học nghề. Ưu tiên triển khai tại 26 trường được lựa chọn thành trường chất lượng cao đến năm 2015 và 14 trường được lựa chọn thành trường chất lượng cao đến năm 2020.

2. Đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề cho các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế; trường chất lượng cao

Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề cho các trường:

- 26 trường dự kiến thành trường chất lượng cao đến năm 2015 và 14 trường dự kiến thành trường chất lượng cao đến năm 2020 theo Quyết định số 784/QĐ-BLĐTBXH ngày 21/5/2013 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt danh sách 40 trường công lập để tập trung đầu tư thành trường chất lượng cao đến năm 2020.

- 03 trường Đại học, cao đẳng Sư phạm kỹ thuật thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và 11 khoa sư phạm dạy nghề của 11 trường cao đẳng nghề để có đủ cơ sở vật chất, thiết bị trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề trong cả nước.

- 231 trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề theo Quyết định số 854/QĐ-BLĐTBXH ngày 06/6/2013 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt nghề trọng điểm và trường được lựa chọn nghề trọng điểm giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020.

3. Xây dựng đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý dạy nghề

a) Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề

- Nhận chuyển giao 11 bộ chương trình, tài liệu bồi dưỡng giáo viên dạy nghề của nước ngoài;

- Đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước cho 28.700 lượt giáo viên dạy 130 nghề trọng điểm quốc gia ở trường được lựa chọn nghề trọng điểm theo các Quyết định số: 854/QĐ-LĐTBXH ngày 06/6/2013, 1477/QĐ-LĐTBXH ngày 22/10/2012 và 960/QĐ-LĐTBXH ngày 26/6/2013 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (trong đó: 13.700 giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng nghề; 15.000 giáo viên đào tạo; bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm); thí điểm bồi dưỡng cho 740 giáo viên dạy các nghề trọng điểm quốc tế, khu vực (trong đó: 300 giáo viên dạy nghề đạt chuẩn theo 11 chương trình bồi dưỡng giáo viên được chuyển giao của nước ngoài; 440 giáo viên được bồi dưỡng tiếng Anh chuyên ngành;

- Đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài cho 1.100 giáo viên dạy các nghề trọng điểm qt, khu vực về kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm, phương pháp xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề, phương pháp xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình, đánh giá kết quả học tập của học viên (theo Quyết định số 371/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng giáo viên của 26 trường công lập được lựa chọn đầu tư thành trường chất lượng cao đến năm 2015.

b) Đào tạo, bồi dưỡng 6.750 cán bộ quản lý dạy nghề, trong đó:

- Đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài cho 320 cán bộ quản lý dạy nghề về nghiệp vụ quản lý và tiếng Anh.

- Đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước cho 850 cán bộ quản lý thiết bị dạy nghề của các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề; 5.580 cán bộ quản lý dạy nghề đạt chuẩn ở các cấp độ.

4. Phát triển chương trình, đào tạo thí điểm, xây dựng danh mục thiết bị dạy nghề

a) Phát triển chương trình

- Chuyển giao, tiếp nhận 34 bộ chương trình của 34 nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN và quốc tế theo Quyết định số 371/QĐ-TTg .

- Xây dựng và ban hành chương trình, giáo trình và bộ đề thi tốt nghiệp của 130 nghề trọng điểm cấp độ quốc gia.

- Xây dựng và ban hành chương trình khung trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề của 100 nghề; chỉnh sửa, bổ sung chương trình khung của 50 nghề.

- Xây dựng 15 chương trình tiếng Anh chuyên ngành theo nhóm nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế.

b) Đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN và quốc tế:

- Đào tạo thí điểm 34 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN cho 2.750 học sinh, sinh viên (mỗi nghề đào tạo một khóa, mỗi khóa ít nhất 01 lớp và mỗi lớp không quá 25 học sinh, sinh viên) theo Quyết định 371/QĐ-TTg .

- Thuê giảng viên nước ngoài hướng dẫn và triển khai đào tạo thí điểm (mỗi nghề một giảng viên).

- Thuê tổ chức quốc tế kiểm định chất lượng, giám sát, theo dõi quá trình đào tạo, công nhận học sinh tốt nghiệp đạt chất lượng quốc tế, khu vực ASEAN.

c) Xây dựng và ban hành 170 danh mục thiết bị dạy nghề; định mức kinh tế kỹ thuật cho 30 nghề; tiêu chuẩn cơ sở vật chất cho 10 nghề.

5. Phát triển hoạt động kiểm định chất lượng dạy nghề, xây dựng 03 trung tâm kiểm định chất lượng day nghề

- Đào tạo, bồi dưỡng 1.000 kiểm định viên; 2.000 cán bộ tự kiểm định chất lượng dạy nghề.

- Kiểm định 200 cơ sở dạy nghề; Kiểm định chương trình đối với 50 nghề trọng điểm quốc gia trước khi đào tạo.

- Thí điểm kiểm định chất lượng 104 chương trình đào tạo để xây dựng hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn và quy trình kiểm định chương trình đào tạo.

- Thí điểm xây dựng mô hình hệ thống quản lý chất lượng dạy nghề ở 40 trường cao đẳng nghề chất lượng cao.

- Xây dựng 03 trung tâm kiểm định chất lượng dạy nghề vùng.

6. Phát triển hệ thống đánh giá kỹ năng nghề quốc gia

- Ban hành 103 bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; cập nhật, bổ sung 148 bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cho phù hợp với thực tiễn của kỹ thuật công nghệ, sản xuất kinh doanh.

- Xây dựng mới 110 ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm và đề thi thực hành; cập nhật, bổ sung 40 ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm và đề thi thực hành trong đó có 130 nghề trọng điểm cấp độ quốc gia.

- Đào tạo, bồi dưỡng cho 3.000 đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia.

- Đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho 50.000 giáo viên dạy nghề và người lao động.

IV. Thời gian, đối tượng, phạm vi thực hiện

1. Thời gian: từ năm 2012 đến năm 2015.

2. Đối tượng của Dự án: Các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị được giao kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ của Dự án.

3. Phạm vi thực hiện Dự án: Dự án được thực hiện trên phạm vi toàn quốc.

V. Các cơ quan quản lý, thực hiện và phối hợp triển khai Dự án

1. Cơ quan quản lý Dự án: Tổng Cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Cơ quan thực hiện: 13 Bộ, cơ quan Trung ương, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 271 trường nghề; 3 trường sư phạm kỹ thuật, 11 khoa sư phạm nghề thuộc trường cao đẳng nghề.

3. Cơ quan phối hợp: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

VI. Các giải pháp chủ yếu, tổng kinh phí thực hiện Dự án

1. Giải pháp thực hiện Dự án

a) Huy động vốn: Vốn thực hiện Dự án được huy động từ các nguồn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng trong nước và vốn huy động từ cộng đồng và các nguồn vốn hợp pháp khác.

b) Nhân lực thực hiện Dự án là cán bộ Quản lý nhà nước về công tác Dạy nghề ở trung ương và địa phương, các cơ sở đào tạo.

c) Cơ chế thực hiện Dự án:

- Theo quy định tại Quyết định số 135/2009/QĐ-TTg và các cơ chế tài chính hiện hành, đối với các nội dung mới, chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật, kinh phí thực hiện lớn, Tổng cục Dạy nghề có trách nhiệm xây dựng báo cáo Bộ LĐTBXH trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Chuyển giao các bộ chương trình; Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề ở nước ngoài; Đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế); Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện Dự án; Tăng cường phân cấp cho các bộ, ngành địa phương, các đơn vị trực tiếp thụ hưởng lợi ích của dự án, hoạt động thuộc Dự án.

- Các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị thụ hưởng dự án chủ động thực hiện lồng ghép Dự án, hoạt động với các dự án thuộc các Chương trình mục tiêu Quốc gia khác, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư của ngân sách nhà nước.

d) Cơ chế lập và phân bổ kế hoạch, dự toán và sử dụng kinh phí được thực hiện theo các quy định hiện hành. Việc phân bổ kinh phí hàng năm cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai Dự án dựa trên khả năng ngân sách hàng năm và các nguyên tắc, tiêu chí và phương án phân bổ chung sau đây:

- Nguyên tắc: Phân bổ vốn để thực hiện những nhiệm vụ của các Dự án được phê duyệt tại Quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày 31/8/2012; trong đó ưu tiên phân bổ cho những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và những nhiệm vụ đảm bảo điều kiện thực hiện các mục tiêu của các Dự án cũng như có tác động tới sự phát triển chung của cả lĩnh vực dạy nghề; những địa phương có điều kiện khó khăn; tập trung ưu tiên phân bổ vốn đầu tư cho các cơ sở dạy nghề có điều kiện lắp đặt thiết bị dạy nghề và khai thác có hiệu quả các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo khác được phân bổ từ nguồn vốn sự nghiệp.

- Tiêu chí phân bổ cụ thể

+ Vốn đầu tư: Phân bổ cho các trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề được lựa chọn nghề trọng điểm theo Quyết định 854/QĐ-LĐTBXH của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH; Ưu tiên tập trung phân bổ vốn đầu tư nhà xưởng, phòng học và những hạng mục thiết yếu cho 26 trường nghề được lựa chọn để trở thành trường chất lượng cao vào năm 2015 và 14 trường vào năm 2020; trường có nghề trọng điểm thuộc danh mục những nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển, trường khó khăn về cơ sở vật chất; trường trung cấp nghề dân tộc thiểu số nội trú, những trường có đông học sinh dân tộc thiểu số nội trú hoặc có đông người khuyết tật học tập.

+ Vốn sự nghiệp: Ưu tiên phân bổ vốn thực hiện các hoạt động sử dụng chung cho các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế theo lộ trình thực hiện Chiến lược dạy nghề giai đoạn 2012-2015 gồm:

(1) Xây dựng hệ thống thông tin quản lý và cơ sở dữ liệu về dạy nghề.

(2) Xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề đạt chuẩn ở các cấp độ

(3) Phát triển chương trình, giáo trình dạy nghề

(4) Phát triển hoạt động kiểm định chất lượng dạy nghề, xây dựng 03 trung tâm kiểm định chất lượng dạy nghề

(5) Phát triển hệ thống đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động và chứng chỉ kỹ năng thực hành nghề cho giáo viên dạy nghề trọng điểm

(6) Hỗ trợ nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy nghề cho trường nghề chất lượng cao; trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề công lập được quy hoạch nghề trọng điểm (cấp độ quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế); trường sư phạm kỹ thuật và khoa sư phạm của các trường cao đẳng nghề.

(7) Thí điểm tổ chức đào tạo trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề cho các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN và quốc tế theo Quyết định 371/QĐ-TTg ; chi xây dựng tiêu chuẩn cơ sở vật chất, định mức kinh tế - kỹ thuật cho các nghề trọng điểm theo các cấp độ, trình độ đào tạo (gồm: Định mức tiêu hao vật tư thực hành; định mức chi phí đào tạo theo từng nghề, từng cấp độ, trình độ đào tạo); chi quản lý các dự án dạy nghề thuộc CTMTQG

2. Kinh phí thực hiện Dự án

2.1. Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện Dự án là: 18.886 tỷ đồng.

- Kinh phí từ ngân sách trung ương là 8.986 tỷ đồng (trong đó: vốn sự nghiệp 7.865 tỷ, vốn đầu tư là 1.121 tỷ).

- Kinh phí từ ngân sách địa phương và các nguồn huy động khác 9.900 tỷ đồng.

NHU CẦU VỐN VÀ CƠ CẤU NGUỒN VỐN THỰC HIỆN DỰ ÁN

Đơn vị tính: tỷ đồng

NỘI DUNG

Tổng số

Trong đó:

NSTW

ODA

NSĐP

Khác

Tổng cộng

18.886

8.986

4.552

3.445

1.903

Hoạt động 1: Hệ thống quản lý thông tin và cơ sở dữ liệu về dạy nghề

77

60

14

0

3

Hoạt động 2: Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề cho các nghề trọng điểm

13.817

6.167

3.700

2.500

1.450

Hoạt động 3: Xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề

3.272

1.200

680

945

447

Hoạt động 4: Phát triển chương trình, giáo trình

1.044

886

158

0

0

Hoạt động 5: Phát triển hoạt động kiểm định chất lượng dạy nghề

273

270

 

 

3

Hoạt động 6: Phát triển hệ thống đánh giá kỹ năng nghề quốc gia

403

403

0

0

0

NHU CẦU VỐN VÀ CƠ CẤU NGUỒN VỐN THỰC HIỆN DỰ ÁN TỪ NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG

Đơn vị: tỷ đồng

NỘI DUNG

Tổng số

Trong đó

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Tổng cộng

8.986

1.536

1.539

2.610

3.301

- Vốn sự nghiệp

7.865

1.465

1.465

2.110

2.825

- Vốn đầu tư

1.121

71

74

500

476

Hoạt động 1: Hệ thống quản lý thông tin và cơ sở dữ liệu về dạy nghề (Vốn sự nghiệp)

60

25

15

20

 

Hoạt động 2: Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề cho các nghề trọng điểm

6.167

844

1.051

1.900

2.372

- Vốn sự nghiệp

5.046

773

977

1.400

1.896

- Vốn đầu tư

1.121

71

74

500

476

Hoạt động 3: Xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề (Vốn sự nghiệp)

1.200

347

239

300

314

Hoạt động 4: Phát triển chương trình, giáo trình (Vốn sự nghiệp)

886

276

174

200

236

Hoạt động 5: Phát triển hoạt động kiểm định chất lượng dạy nghề (Vốn sự nghiệp)

270

19

25

100

126

Hoạt động 6: Phát triển hệ thống đánh giá kỹ năng nghề quốc gia (Vốn sự nghiệp)

403

25

35

90

253

VII. Hiệu quả kinh tế, xã hội của Dự án

- Góp phần thực hiện quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện về dạy nghề để dạy nghề phát triển theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế.

- Tạo động lực cho từng cơ sở dạy nghề và cả hệ thống dạy nghề tăng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo góp phần hình thành nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

- Thông qua hoạt động hỗ trợ đầu tư tập trung đồng bộ theo nghề trọng điểm cho các trường sẽ tạo sự đột phá về chất lượng dạy nghề, nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí của Dự án.

VIII. Khung Giám sát, đánh giá và các chỉ số theo dõi, giám sát Dự án

1. Khung giám sát, đánh giá

Khung giám sát, đánh giá hoạt động của Dự án bao gồm 03 nội dung chính sau:

- Công tác chỉ đạo, điều hành Dự án

- Kết quả thực hiện Dự án

- Hiệu quả của Dự án

2. Hệ thống các chỉ số theo dõi, giám sát, đánh giá Dự án

a) Các chỉ số về công tác chỉ đạo, điều hành Dự án gồm:

- Tổ chức bộ máy quản lý Dự án

- Xây dựng tổng hợp kế hoạch và dự toán kinh phí Dự án

- Phân bổ và giao kế hoạch, dự toán kinh phí Dự án

- Hướng dẫn sử dụng kinh phí Dự án

- Kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Dự án

- Chế độ báo cáo

b) Các chỉ số về kết quả thực hiện Dự án gồm số lượng các chỉ tiêu đạt được, mức độ hoàn thành, kinh phí thực hiện... theo kết quả đầu ra của từng nhiệm vụ của Dự án.

c) Các chỉ số về hiệu quả của Dự án gồm: chất lượng học sinh học nghề đáp ứng được yêu cầu công việc sau đào tạo, góp phần nâng cao năng suất lao động...

IX. Tổ chức thực hiện

1. Trách nhiệm của Tổng cục Dạy nghề

- Chủ trì lập kế hoạch, dự toán ngân sách và đề xuất giải pháp thực hiện Dự án trong kế hoạch hàng năm, gửi Bộ để tổng hợp vào kế hoạch chung.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng quy chế, quy trình và hướng dẫn nghiệp vụ triển khai hoạt động của Dự án cho các cơ quan thực hiện dự án, trình Bộ phê duyệt.

- Chịu trách nhiệm về việc sử dụng kinh phí phần giao trực tiếp cho Tổng cục Dạy nghề để thực hiện một số nhiệm vụ của dự án đảm bảo sử dụng kinh phí đúng mục đích, có hiệu quả, không để thất thoát; quyết toán theo quy định hiện hành.

- Xây dựng hệ thống theo dõi, giám sát và đánh giá dự án; xây dựng các chỉ số theo dõi, giám sát và đánh giá kết quả, chất lượng và hiệu quả.

- Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch hàng năm thực hiện Dự án.

- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ (6 tháng, hàng năm, giữa kỳ, kết thúc dự án) gửi Cơ quan quản lý Dự án theo quy định.

2. Trách nhiệm của các Bộ, ngành Trung ương

- Hàng năm, căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, xây dựng kế hoạch hoạt động, đề xuất nhu cầu kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động, Dự án được phân công, gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp.

- Chịu trách nhiệm triển khai kế hoạch theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ các hoạt động, dự án được giao.

- Chịu trách nhiệm sử dụng kinh phí của Dự án đúng mục đích, có hiệu quả; thanh toán, quyết toán theo đúng các quy định hiện hành.

- Ngoài nguồn kinh phí được giao, có trách nhiệm huy động các nguồn lực khác theo luật định để bổ sung thực hiện các hoạt động của Dự án. Báo cáo mức bổ sung kinh phí (nếu có) cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Tổng cục Dạy nghề).

- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ (sáu tháng, hàng năm, giữa kỳ, kết thúc Chương trình) cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Tổng cục Dạy nghề) để tổng hợp theo đúng quy định.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Quyết định cơ chế phân cấp quản lý thực hiện Dự án trên địa bàn cho các ngành, các cấp phù hợp với điều kiện của địa phương và Quy chế dân chủ ở cơ sở. Tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia vào quá trình xác định thứ tự các vấn đề ưu tiên giải quyết, dự án đầu tư, giám sát dự án, công trình và được thông tin về các hoạt động của Dự án đối với người dân.

- Tổ chức thẩm định và phê duyệt các dự án do địa phương quản lý theo quy định hiện hành trên nguyên tắc không trái với mục tiêu, nhiệm vụ, nguồn vốn và mức vốn Dự án đã được phê duyệt.

- Chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện Dự án trên địa bàn, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và mục tiêu, nhiệm vụ của các Dự án.

- Chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho lãnh đạo Ủy ban nhân dân về quản lý, sử dụng nguồn lực Dự án để lồng ghép, phối hợp và điều hành thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Dự án với các chương trình, dự án khác do địa phương trực tiếp quản lý.

- Ngoài nguồn kinh phí trung ương hỗ trợ, có trách nhiệm huy động các nguồn lực của địa phương (bao gồm kinh phí, ngày công lao động và các yếu tố vật chất khác) để bổ sung cho việc thực hiện các hoạt động của dự án.

- Giao chỉ tiêu kế hoạch thực hiện hàng năm cho các chủ dự án và Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện theo đúng mục tiêu của dự án.

- Chỉ đạo và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án trên địa bàn theo quy định.

- Chịu trách nhiệm sử dụng kinh phí của Dự án theo mục tiêu, nhiệm vụ được giao trên địa bàn có hiệu quả, không để thất thoát; đảm bảo việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Dự án phù hợp với các tiêu chuẩn, định mức phân bổ vốn theo quy định; chịu trách nhiệm quản lý và thực hiện thanh toán, quyết toán theo quy định về tài chính hiện hành.

- Tổ chức hội nghị giao ban theo quy định. Kịp thời chỉ đạo khắc phục các sai sót trong việc thực hiện chương trình.

- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ (sáu tháng, hàng năm, giữa kỳ, kết thúc Chương trình) với Hội đồng nhân dân, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Tổng cục Dạy nghề) để tổng hợp theo đúng quy định./.

 

PHỤ LỤC 2

NỘI DUNG DỰ ÁN “ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN”
(Kèm theo Quyết định số 1501/QĐ-LĐTBXH ngày 04 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

I. Sự cần thiết thực hiện Dự án

Thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW, ngày 27/11/2009 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1956/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020.

Việc xây dựng và thực hiện Dự án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” trong Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và dạy nghề giai đoạn 2012-2015 sẽ góp phần quan trọng trong việc triển khai các mục tiêu và giải pháp của Quyết định 1956/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 và Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 29/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển dạy nghề đến năm 2020.

II. Các mục tiêu của Dự án:

1. Hỗ trợ 2.450 ngàn lao động nông thôn được học nghề, trong đó dự kiến 1.040 ngàn người học nghề nông nghiệp và 1.410 ngàn người học nghề phi nông nghiệp). Thực hiện theo cơ chế đặt hàng dạy nghề khoảng 115.300 người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công với cách mạng và con của họ, người khuyết tật, người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, người dân tộc thiểu số và một số đối tượng đặc thù khác; triển khai nhân rộng mô hình dạy nghề nông nghiệp, mô hình dạy nghề tiểu thủ công nghiệp, mô hình dạy nghề theo yêu cầu của doanh nghiệp cho lao động nông thôn và mô hình dạy nghề thuyền trưởng, máy trưởng cho ngư dân tàu đánh cá trên biển và có 1.800 ngàn người được dạy bổ sung kiến thức và một số kỹ năng nghề để đạt được yêu cầu tham dự đánh giá kỹ năng nghề theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia ở bậc trình độ 1. Tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề tối thiểu đạt 70%.

2. Đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội theo chức danh, vị trí làm việc đáp ứng yêu cầu của công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực thi công vụ cho khoảng 300.000 lượt cán bộ, công chức xã.

III. Nội dung hoạt động, nhiệm vụ và kết quả chủ yếu

1. Dạy nghề cho lao động nông thôn

1.1. Điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề cho lao động nông thôn để rà soát, cập nhật về: Danh mục nghề nông nghiệp, nghề phi nông nghiệp trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng; Định mức chi phí đào tạo đối với từng nghề; Nhu cầu học nghề của lao động nông thôn; Nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; Cơ sở đủ điều kiện dạy nghề cho lao động nông thôn.

1.2. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề đối với các cơ sở dạy nghề công lập theo chính sách của Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ bao gồm cả các cơ sở Dạy nghề cho các đối tượng đặc thù khác (người khuyết tật, đối tượng cai nghiện ma túy...) và các cơ sở dạy nghề công lập cấp huyện thực hiện đồng thời các chức năng, nhiệm vụ: Dạy nghề - Giới thiệu việc làm - Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp.

1.3. Phát triển chương trình, giáo trình, học liệu và xây dựng danh mục thiết bị dạy nghề: Xây dựng mới 200 chương trình, giáo trình dạy nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp; Chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức kinh doanh và khởi sự doanh nghiệp đối với lao động nông thôn; xây dựng, phát triển danh mục thiết bị dạy nghề cho lao động nông thôn;

1.4. Phát triển giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề: Biên soạn chương trình, tài liệu bồi dưỡng cho giáo viên; Tổ chức bồi dưỡng kỹ năng dạy học cho 3.000 lượt người dạy nghề (dạy các khóa từ 3 tháng trở xuống); Đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho 5.000 người để bổ sung giáo viên dạy nghề cho các TTDN chưa đủ giáo viên cơ hữu; Đào tạo 1.000 giáo viên giảng dạy kiến thức kinh doanh và khởi sự doanh nghiệp; Bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý và tư vấn 7.000 lượt người (1.000 lượt cán bộ Hội nông dân, 1.000 lượt cán bộ Hội phụ nữ, 1.000 lượt cán bộ Đoàn TNCS và 4.000 lượt cán bộ quản lý dạy nghề cho lao động nông thôn)

1.5. Hỗ trợ lao động nông thôn học nghề

- Hỗ trợ học nghề trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng cho 2.334.700 lao động nông thôn, trong đó 1.034.700 người học nghề nông nghiệp và 1.300.000 người học nghề phi nông nghiệp theo mức quy định tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có 1.800 người được dạy bổ sung kiến thức và một số kỹ năng nghề để đạt được yêu cầu tham dự đánh giá kỹ năng nghề theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia ở bậc trình độ 1;

- Đặt hàng dạy nghề trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề cho 115.300 người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công với cách mạng và con của họ, người tàn tật, người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, người dân tộc thiểu số, trong đó 10.000 người học nghề nông nghiệp (mỗi xã một cán bộ chuyên môn về nông nghiệp) và 105.300 người học nghề phi nông nghiệp theo quy định tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg .

- Triển khai nhân rộng mô hình dạy nghề nông nghiệp, mô hình dạy nghề tiểu thủ công nghiệp, mô hình dạy nghề theo yêu cầu của doanh nghiệp cho lao động nông thôn và mô hình dạy nghề thuyền trưởng, máy trưởng cho ngư dân tàu đánh cá trên biển.

- Hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại đối với lao động nông thôn tham gia học nghề theo đối tượng, mức quy định tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã

2.1. Xây dựng các chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng, gồm:

- Xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn đối với mỗi chức danh công chức, chức danh cán bộ quản lý xã;

- Xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo từng vùng, miền (đồng bằng, trung du, miền núi, vùng dân tộc).

2.2. Xây dựng đội ngũ giáo viên, giảng viên, gồm:

- Đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên, giảng viên của hệ thống các trường chính trị tỉnh, các trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của các Bộ, ngành để thực hiện giảng dạy theo các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã;

- Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, giảng viên phương pháp giảng dạy mới, truyền đạt tích cực, chú trọng thực tế thực hành và xử lý các tình huống, phù hợp đối tượng giảng dạy là người lớn (đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước).

2.3. Đào tạo, bồi dưỡng cho 300.000 lượt cán bộ, công chức xã theo chức danh và vị trí làm việc.

IV. Thời gian, đối tượng, phạm vi thực hiện Dự án

1. Thời gian: Từ năm 2012 đến năm 2015.

2. Đối tượng của Dự án: Các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị được giao vốn, kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ của Dự án.

3. Phạm vi thực hiện Dự án: Dự án được thực hiện trên phạm vi toàn quốc.

V. Cơ quan quản lý, cơ quan thực hiện và cơ quan phối hợp

1. Cơ quan quản lý Dự án: Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Cơ quan thực hiện: Dự án được thực hiện ở 16 Bộ, cơ quan Trung ương, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ sở dạy nghề công lập thụ hưởng dự án.

3. Cơ quan phối hợp: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; các Bộ, ngành khác có liên quan.

VI. Các giải pháp chủ yếu, tổng kinh phí thực hiện Dự án

1. Giải pháp thực hiện Dự án

a) Giải pháp về huy động vốn, kinh phí

- Đối với các địa phương tự cân đối được ngân sách bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện chính sách hỗ trợ lao động nông thôn học nghề và hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã theo Đề án này;

- Ngân sách trung ương đảm bảo kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ lao động nông thôn học nghề, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã cho các địa phương chưa tự cân đối ngân sách.

- Huy động thêm nguồn lực từ ngân sách địa phương, kinh phí thực hiện các chính sách, chương trình, dự án, đề án khác và các nguồn lực của các tổ chức quốc tế, các cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng để bổ sung cho việc thực hiện Đề án.

b) Nhân lực thực hiện Dự án là cán bộ Quản lý nhà nước về công tác Dạy nghề ở trung ương và địa phương, các cơ sở đào tạo.

c) Cơ chế thực hiện Dự án

- Theo quy định tại Quyết định số 135/2009/QĐ-TTg và các cơ chế tài chính hiện hành, đối với các nội dung mới, chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật, kinh phí thực hiện lớn, Tổng cục Dạy nghề có trách nhiệm xây dựng báo cáo Bộ LĐTBXH gửi các cơ quan chức năng thẩm định theo quy định;

- Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện Dự án; đồng thời, tăng cường phân cấp cho các bộ, ngành địa phương, các đơn vị trực tiếp thụ hưởng lợi ích của dự án, hoạt động thuộc Dự án.

+ Ở Trung ương: Thực hiện theo phân công trong Quyết định số 1956/QĐ-TTg và Quyết định số 557/QĐ-BCĐTW ngày 03/12/2010 về Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg. Riêng nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức xã, Bộ Nội vụ chủ trì tổ chức thực hiện và báo cáo theo phân công của Thủ tướng Chính phủ.

+ Ở các địa phương: thực hiện theo cơ chế phối hợp nêu trong Thông tư liên tịch số 30/2012/TTLT/BLĐTBXH-BNV-BNN&PTNT-BTC-BTTTT ngày 12/12/2012 của 5 Bộ hướng dẫn trách nhiệm tổ chức thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg .

- Các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị thụ hưởng dự án chủ động thực hiện lồng ghép Dự án, hoạt động với các dự án thuộc các Chương trình mục tiêu Quốc gia khác, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư của ngân sách nhà nước.

d) Cơ chế lập và phân bổ kế hoạch, dự toán và sử dụng kinh phí được thực hiện theo các quy định hiện hành. Việc phân bổ kinh phí hàng năm cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai Dự án dựa trên khả năng ngân sách hàng năm và các nguyên tắc, tiêu chí và phương án phân bổ chung sau đây:

- Nguyên tắc: Phân bổ vốn để thực hiện những nhiệm vụ của các Dự án được phê duyệt tại Quyết định số 1201/QĐ-TTg , ưu tiên bố trí vốn cho các địa phương khó khăn về ngân sách, các dự án đầu tư dở dang để hoàn thành đưa vào sử dụng nâng cao hiệu quả vốn đầu tư. Năm 2014, phân bổ vốn đầu tư tập trung cho các cơ sở dạy nghề để có điều kiện lắp đặt thiết bị dạy nghề.

- Tiêu chí phân bổ:

+ Vốn đầu tư: Hỗ trợ đầu tư cho các cơ sở dạy nghề thuộc đối tượng đầu tư theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg , trong đó ưu tiên phân bổ vốn đầu tư để hoàn thành dứt điểm các hạng mục dở dang của các cơ sở dạy nghề; Hỗ trợ đầu tư xây dựng trung tâm dạy nghề thuộc huyện có tỷ lệ hộ nghèo từ 30-50% và các huyện miền núi, huyện đảo theo chính sách của Quyết định số 1956/QĐ-TTg .

+ Vốn sự nghiệp:

(i) Hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho các cơ sở dạy nghề công lập cấp huyện, trường trung cấp nghề thủ công mỹ nghệ và trung tâm giáo dục thường xuyên ở những huyện chưa có trung tâm dạy nghề hoặc trường trung cấp nghề công lập: căn cứ vào số lượng, mức hỗ trợ theo chính sách của Quyết định số 1956, tiến độ thực hiện Dự án đầu tư, tình hình thực hiện các năm trước (2011-2013) và đề xuất năm kế hoạch. Ưu tiên phân bổ kinh phí hỗ trợ các trung tâm dạy nghề công lập cấp huyện, trung tâm giáo dục thường xuyên ở những huyện chưa có trung tâm dạy nghề hoặc trường TCN; các trường Trung cấp nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, các tỉnh khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, những cơ sở dạy nghề cấp huyện kiểu mẫu.

(ii) Hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, người dạy nghề, cán bộ quản lý dạy nghề đối với những tỉnh, thành phố chưa tự cân đối được ngân sách và tỉnh Quảng Ngãi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Mức phân bổ kinh phí hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn của các địa phương căn cứ quy mô dân số trong độ tuổi lao động ở khu vực nông thôn; nhu cầu thực tế về học nghề ở địa phương và đề xuất năm kế hoạch; Ưu tiên tăng mức phân bổ kinh phí hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn đối với các tỉnh khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; các tỉnh có tỷ lệ dân số là người dân tộc từ 10% trở lên hoặc có từ 100 ngàn dân là người dân tộc thiểu số; các tỉnh, thành phố phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ ở khu vực nông thôn để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn đạt từ 80% trở lên có việc làm sau khi học nghề.

2. Kinh phí thực hiện Dự án

2.1. Tổng nhu cầu kinh phí là: 6.959 tỷ đồng.

2.2. Cơ cấu:

- Kinh phí từ ngân sách trung ương là 5.779 tỷ đồng (trong đó: vốn sự nghiệp 5.315 tỷ đồng, vốn đầu tư 464 tỷ đồng)

- Kinh phí từ ngân sách địa phương và các nguồn huy động khác là 1.180 tỷ đồng.

NHU CẦU VỐN VÀ CƠ CẤU NGUỒN VỐN THỰC HIỆN DỰ ÁN

Đơn vị tính: Tỷ đồng

NỘI DUNG ĐẦU TƯ

Tổng số

Trong đó

NSTW

NSĐP và nguồn khác

DẠY NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN

6.596

5.490

1.106

1. Hoạt động 1: Điều tra khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn

30

30

 

2. Hoạt động 2: Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề

2.023

2.023

 

3. Hoạt động 3: Phát triển chương trình, giáo trình, học liệu và xây dựng danh mục thiết bị dạy nghề

70

70

 

4. Hoạt động 4: Phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề

70

70

 

5. Hoạt động 5: Hỗ trợ lao động nông thôn học nghề

4.403

3.297

1.106

ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC XÃ

363

289

74

CỘNG

6.959

5.779

1.180

NHU CẦU VỐN VÀ CƠ CẤU NGUỒN VỐN THỰC HIỆN DỰ ÁN TỪ NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG

Đơn vị tính: Tỷ đồng

NỘI DUNG ĐẦU TƯ

Giai đoạn 2012-2015

Cộng

2012

2013

2014

2015

DẠY NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN

5.490

973

960

1.885

1.672

1. Hoạt động 1: Điều tra khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn (Vốn sự nghiệp)

30

 

 

15

15

2. Hoạt động 2: Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề

2.023

578

556

664

224

- Vốn sự nghiệp

1.559

564

555

440

 

- Vốn đầu tư

464

14

2

224

224

3. Hoạt động 3: Phát triển chương trình, giáo trình, học liệu và xây dựng danh mục thiết bị dạy nghề (Vốn sự nghiệp)

70

10

10

25

25

4. Hoạt động 4: Phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề (Vốn sự nghiệp)

70

14

15

20

21

5. Hoạt động 5: Hỗ trợ lao động nông thôn học nghề (Vốn sự nghiệp)

3.297

360

369

1.161

1.387

ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC XÃ (Vốn sự nghiệp)

289

57

57

84

92

CỘNG

5.779

1.029

1.017

2.193

1.540

- Vốn sự nghiệp

5.315

1.015

1.015

1.745

1.540

- Vốn đầu tư

464

14

2

448

-

VII. Hiệu quả kinh tế - xã hội của Dự án.

Triển khai thực hiện Dự án dự kiến sẽ góp phần phát triển đồng bộ nguồn nhân lực kỹ thuật trực tiếp qua đào tạo bảo đảm đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng, hợp lý về cơ cấu nghề đào tạo, cơ cấu trình độ đào tạo đáp ứng yêu cầu cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, cụ thể là:

- Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn;

- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý hành chính, quản lý, điều hành kinh tế - xã hội và thực thi công vụ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

VIII. Khung giám sát, đánh giá và hệ thống các chỉ số theo dõi, giám sát, đánh giá Dự án

1. Khung giám sát, đánh giá

Khung giám sát, đánh giá hoạt động của Dự án theo 03 nội dung cơ bản sau:

- Công tác chỉ đạo, điều hành Dự án

- Kết quả thực hiện Dự án

- Hiệu quả của Dự án

2. Hệ thống các chỉ số theo dõi, giám sát, đánh giá Dự án

a) Các chỉ số về công tác chỉ đạo, điều hành Dự án gồm:

- Số địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) đã thành lập ban chỉ đạo/tổ công tác thực hiện Dự án.

- Số tỉnh/ thành phố đã xây dựng quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo.

- Số xã, phường được hướng dẫn triển khai Dự án.

b) Các chỉ số về kết quả thực hiện Dự án

- Tổng số lớp dạy nghề đã tổ chức, phân theo 4 nhóm: (nông nghiệp, làng nghề, công nghiệp  dịch vụ và đánh bắt xa bờ).

- Số LĐNT được học nghề trong năm

- Nhóm đối tượng được hỗ trợ (3 nhóm đối tượng).

- Tỷ lệ LĐNT được học nghề trong năm.

- Số nghề đã được phê duyệt định mức chi phí đào tạo.

- Số nghề đã được biên soạn mới chương trình, giáo trình.

- Danh mục nghề đào tạo cho LĐNT đã được ban hành.

- Số cán bộ, công chức xã được đào tạo bồi dưỡng.

- Số hộ được vay vốn học nghề.

- Kinh phí đã sử dụng.

- Số doanh nghiệp/ đơn vị tham gia ký kết hợp đồng 3 bên

c) Các chỉ số về hiệu quả thực hiện Dự án

- Số LĐNT sau khi học nghề có việc làm phù hợp với nghề được đào tạo.

- Tỷ lệ LĐNT có việc làm phù hợp với nghề được đào tạo.

- Số hộ gia đình có người tham gia học nghề: thoát nghèo, trở thành hộ khá... sau 1 năm học nghề.

- Số xã có hộ sau học nghề trở thành khá có tỷ lệ từ 10% trở lên (thống kê sau 1 năm học nghề);

- Số xã có tỷ lệ lao động chuyển từ lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp sau học nghề 1 năm từ 10% trở lên.

IX. Tổ chức thực hiện

1. Tổng cục Dạy nghề

- Chủ trì lập kế hoạch, dự toán ngân sách và đề xuất giải pháp thực hiện Dự án trong kế hoạch hàng năm, gửi Bộ để tổng hợp vào kế hoạch chung.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng quy chế, quy trình và hướng dẫn nghiệp vụ triển khai hoạt động của Dự án cho các cơ quan thực hiện dự án, trình Bộ phê duyệt.

- Chịu trách nhiệm về việc sử dụng kinh phí phần giao trực tiếp cho Tổng cục Dạy nghề để thực hiện một số nhiệm vụ của dự án đảm bảo sử dụng kinh phí đúng mục đích, có hiệu quả, không để thất thoát; quyết toán theo quy định hiện hành.

- Xây dựng hệ thống theo dõi, giám sát và đánh giá dự án trên địa bàn; xây dựng các chỉ số theo dõi, giám sát và đánh giá kết quả, chất lượng và hiệu quả.

- Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch hàng năm thực hiện Dự án.

- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ (6 tháng, hàng năm, giữa kỳ, kết thúc dự án) gửi Cơ quan quản lý Dự án theo quy định.

2. Trách nhiệm của các Bộ, ngành trung ương

- Về phân công trách nhiệm chỉ đạo tổ chức dạy nghề:

+ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, chịu trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện dạy nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn;

+ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì, chịu trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

- Hàng năm, căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, xây dụng kế hoạch hoạt động, đề xuất nhu cầu kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động, Dự án được phân công, gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp.

- Chịu trách nhiệm triển khai kế hoạch theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ các hoạt động, dự án được giao.

- Chịu trách nhiệm sử dụng kinh phí của Dự án đúng mục đích, có hiệu quả; thanh toán, quyết toán theo đúng các quy định hiện hành.

- Ngoài nguồn kinh phí được giao, có trách nhiệm huy động các nguồn lực khác theo luật định để bổ sung thực hiện các hoạt động của Dự án.

- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ (sáu tháng, hàng năm, giữa kỳ, kết thúc Chương trình) cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp theo đúng quy định.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Quyết định cơ chế phân cấp quản lý thực hiện Dự án trên địa bàn cho các ngành, các cấp phù hợp với điều kiện của địa phương và Quy chế dân chủ ở cơ sở. Tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia vào quá trình xác định các nghề đào tạo phục vụ chuyển đổi ngành nghề hoặc tăng năng suất lao động của người dân phù hợp với điều kiện của địa phương.

- Tổ chức thẩm định và phê duyệt các dự án do địa phương quản lý theo quy định hiện hành đảm bảo phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ, nguồn vốn và mức vốn Dự án đã được phê duyệt.

- Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện Dự án trên địa bàn, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và mục tiêu, nhiệm vụ của các Dự án.

- Chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho lãnh đạo Ủy ban nhân dân về quản lý, sử dụng nguồn lực Dự án để lồng ghép, phối hợp và điều hành thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Dự án với các chương trình, dự án khác do địa phương trực tiếp quản lý.

- Ngoài nguồn kinh phí trung ương hỗ trợ, có trách nhiệm huy động các nguồn lực của địa phương (bao gồm kinh phí, ngày công lao động và các yếu tố vật chất khác) để bổ sung cho việc thực hiện các hoạt động của dự án.

- Giao chỉ tiêu kế hoạch thực hiện hàng năm cho các chủ dự án và Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện theo đúng mục tiêu của dự án.

- Chỉ đạo và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án trên địa bàn theo quy định.

- Chịu trách nhiệm sử dụng kinh phí của Dự án theo mục tiêu, nhiệm vụ được giao trên địa bàn có hiệu quả, không để thất thoát; đảm bảo việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Dự án phù hợp với các tiêu chuẩn, định mức phân bổ vốn theo quy định; chịu trách nhiệm quản lý và thực hiện thanh toán, quyết toán theo quy định về tài chính hiện hành.

- Tổ chức hội nghị giao ban theo quy định. Kịp thời chỉ đạo khắc phục các sai sót trong việc thực hiện chương trình. Xử lý nghiêm minh các trường hợp làm thất thoát kinh phí do vô trách nhiệm hoặc tham nhũng.

- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ (sáu tháng, hàng năm, giữa kỳ, kết thúc Chương trình) với Hội đồng nhân dân, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Tổng cục Dạy nghề) để tổng hợp theo đúng quy định./.

 

PHỤ LỤC 3

NỘI DUNG DỰ ÁN "HỖ TRỢ CHO NGƯỜI ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG”
(Kèm theo Quyết định số 1501/QĐ-LĐTBXH ngày 04 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

I. Sự cần thiết thực hiện Dự án

Trong giai đoạn 2006-2010, bình quân mỗi năm nước ta đưa được gần 80.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, chiếm hơn 5% tổng số lao động được tạo việc làm hàng năm, số lao động này gửi về nước bình quân khoảng 1,6-2 tỷ đô la Mỹ/ năm, không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn là nguồn tài chính đáng kể để các gia đình đầu tư tự tạo việc làm, tăng thu nhập, tiến tới ổn định cuộc sống và vươn lên khá giả.

Tuy nhiên, chất lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài còn nhiều hạn chế: trình độ tay nghề, ngoại ngữ thấp, ý thức chấp hành pháp luật, nội quy nơi làm việc của nhiều lao động chưa cao nên khó tìm kiếm được các hợp đồng có điều kiện làm việc và thu nhập tốt. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng trên là chi phí đi làm việc ở nước ngoài thường cao hơn nhiều so với tìm việc làm trong nước, nhất là đối với một số thị trường có thu nhập cao, nhưng chính sách hỗ trợ cho người lao động và chính sách đầu tư đào tạo nguồn lao động của Nhà nước còn rất hạn chế, chưa được quan tâm nhiều.

Vì vậy, việc thực hiện “Dự án hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” thực hiện cùng với chính sách hỗ trợ lao động thuộc các huyện nghèo theo Đề án 71/2009/QĐ-TTg nhằm mục đích tạo điều kiện cho các đối tượng là lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động là thân nhân chủ yếu của gia đình chính sách người có công với cách mạng, lao động thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp có cơ hội đi làm việc ở nước ngoài, tạo thu nhập ổn định và mở rộng kiến thức khi về nước có việc làm ổn định nhằm giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội theo đúng tinh thần Nghị quyết 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 về việc mở rộng diện áp dụng chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động đối với lao động nghèo trên cả nước là thực sự cần thiết.

II. Các mục tiêu của Dự án

1. Hỗ trợ nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài (phn đấu đến năm 2015 có khoảng 60% lao động được đào tạo nghề và 100% lao động được bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi đi làm việc ở nước ngoài), góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững.

2. Hỗ trợ đưa từ 80 đến 120 ngàn lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động là thân nhân chủ yếu của gia đình chính sách người có công với cách mạng và lao động thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp đi làm việc ở nước ngoài (không bao gồm đối tượng thuộc 62 huyện nghèo theo Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg).

3. Hỗ trợ đào tạo lao động trình độ cao về kỹ năng nghề, ngoại ngữ và ngành nghề đặc thù cho khoảng 5.000 lao động đáp ứng theo yêu cầu của nước tiếp nhận lao động.

III. Các nội dung hoạt động, nhiệm vụ và kết quả chủ yếu của Dự án

1. Hoạt động 1: Hỗ trợ người lao động học nghề, ngoại ngữ, hiểu biết phong tục tập quán, pháp luật của Việt Nam và nước tiếp nhận lao động để đi làm việc ở nước ngoài.

a) Mục tiêu, chỉ tiêu: Hỗ trợ học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho 120-140 ngàn lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động là thân nhân chủ yếu của gia đình chính sách người có công với cách mạng và lao động thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp đi làm việc ở nước ngoài.

b) Đối tượng hỗ trợ:

Người lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài (không bao gồm lao động thuộc đối tượng tại Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nhanh và bền vững giai đoạn 2009-2020) thuộc các đối tượng sau:

- Lao động là thân nhân chủ yếu của gia đình chính sách người có công với cách mạng; lao động là người dân tộc thiểu số; lao động thuộc hộ nghèo.

- Lao động thuộc hộ cận nghèo.

- Lao động thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp mà không có đất để bồi thường.

c) Nội dung hỗ trợ:

Người lao động thuộc hộ nghèo, lao động là người dân tộc thiểu số và lao động là thân nhân chủ yếu của các gia đình chính sách:

+ Hỗ trợ học phí học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết về phong tục tập quán, pháp luật của Việt Nam và nước tiếp nhận lao động cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

+ Hỗ trợ tiền ăn hàng ngày cho người lao động trong thời gian học;

+ Hỗ trợ tiền đi lại cho người lao động từ nơi cư trú đến nơi học đối với các học viên ở cách địa điểm học trên 15km;

+ Hỗ trợ các chi phí làm thủ tục trước khi đi làm việc ở nước ngoài gồm: hộ chiếu, visa, khám sức khỏe, lý lịch tư pháp theo quy định hiện hành của nhà nước.

- Người lao động thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ chi phí học nghề, học ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết bằng 70% mức hỗ trợ đối với lao động thuộc hộ nghèo, lao động là người dân tộc thiểu số và lao động là thân nhân chủ yếu của các gia đình chính sách.

- Người lao động thuộc các hộ bị thu hồi đất nông nghiệp mà không có đất để bồi thường được hỗ trợ theo Quyết định số 52/2012/QĐ-TTg ngày 16/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp.

d) Phương thức hỗ trợ kinh phí:

- Hỗ trợ cho người lao động thông qua hình thức “Hợp đồng đặt hàng đào tạo và tổ chức thực hiện hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài”:

+ Căn cứ nhu cầu và số lượng lao động tham gia đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, mức chi phí đào tạo của từng nghề, ngoại ngữ và dự toán được cấp có thẩm quyền giao; cơ quan Lao động-Thương binh và Xã hội ký “Hợp đồng đặt hàng đào tạo và tổ chức thực hiện hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài” với cơ sở dạy nghề hoặc doanh nghiệp xuất khẩu lao động theo quy định tại Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg .

+ Cơ sở dạy nghề hoặc doanh nghiệp xuất khẩu lao động có trách nhiệm chi trả tiền ăn và chi phí đi lại cho người học theo quy định tại Điểm c trên. Trường hợp người lao động tự ý nghỉ học, bỏ học, hoặc bị buộc thôi học thì không được trả tiền ăn cho thời gian nghỉ học, bỏ học, thôi học và tiền đi lại (lượt về).

- Trong trường hợp người lao động thuộc đối tượng được hỗ trợ tự đăng ký trực tiếp với doanh nghiệp xuất khẩu lao động để học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết và được chấp nhận đi làm việc ở nước ngoài: Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ Giấy đề nghị thanh toán của người lao động và mức hỗ trợ theo quy định để xem xét, quyết định hỗ trợ cho người lao động.

2. Hoạt động 2: Hỗ trợ đào tạo lao động trình độ cao về kỹ năng nghề, ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của nước tiếp nhận lao động.

a) Mục tiêu, chỉ tiêu: Hỗ trợ đào tạo lao động trình độ cao về kỹ năng nghề, ngoại ngữ và ngành nghề đặc thù cho khoảng 5.000 lao động, trong đó dự kiến khoảng 3.500 lao động được đi làm việc ở nước ngoài.

b) Đối tượng hỗ trợ:

Lao động tham gia các chương trình đào tạo trình độ cao theo Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam với nước tiếp nhận lao động hoặc theo các hợp đồng cung ứng giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài.

c) Nội dung hỗ trợ: Người lao động được hỗ trợ một phần học phí học nghề, ngoại ngữ theo quy định.

Trường hợp phía Việt Nam cam kết hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo thì đơn vị thực hiện Dự án được sử dụng kinh phí của Dự án để hỗ trợ một phần chi phí bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề, ngoại ngữ.

Mức hỗ trợ cụ thể đối với từng khóa học do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất và thỏa thuận với Bộ Tài chính phù hợp với nội dung thỏa thuận giữa Việt Nam với nước tiếp nhận lao động hoặc yêu cầu của nước tiếp nhận và khả năng ngân sách của Dự án.

d) Phương thức hỗ trợ kinh phí:

Căn cứ nhu cầu và số lượng lao động tham gia đào tạo nghề, ngoại ngữ của các doanh nghiệp, mức hỗ trợ được duyệt và khả năng ngân sách của Dự án, Cục Quản lý lao động ngoài nước thực hiện hỗ trợ cho người lao động.

3. Hoạt động 3: Đầu tư cơ sở đào tạo lao động xuất khẩu

- Mục tiêu: tạo sự chuẩn hóa trong hoạt động đào tạo nghề, ngoại ngữ và rèn luyện tác phong, nâng cao hiểu biết về phong tục, tập quán, pháp luật cho lao động đi làm việc ở nước ngoài theo yêu cầu của thị trường lao động quốc tế.

- Nội dung: đầu tư xây dựng một Trung tâm đào tạo lao động xuất khẩu cho thị trường các nước khu vực Trung Đông tại Thanh Hóa (theo chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân) và một Trung tâm đào tạo lao động xuất khẩu cho các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và các thị trường khác tại Đông Anh, Hà Nội.

IV. Thời gian, đối tượng, phạm vi thực hiện Dự án

1. Thời gian: Từ năm 2012 đến năm 2015.

2. Đối tượng của Dự án: Các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị được giao vốn, kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ của Dự án.

3. Phạm vi thực hiện Dự án: Dự án được thực hiện trên phạm vi toàn quốc (không bao gồm các huyện nghèo đã thực hiện chính sách theo Đề án 71/2009/QĐ-TTg).

V. Cơ quan quản lý, cơ quan thực hiện và cơ quan phối hợp

1. Cơ quan quản lý Dự án: Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Cơ quan thực hiện: Dự án được thực hiện ở Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ sở dạy nghề công lập thụ hưởng dự án.

3. Cơ quan phối hợp: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành khác có liên quan.

VI. Các giải pháp chủ yếu, tổng kinh phí thực hiện Dự án

1. Giải pháp thực hiện Dự án

a) Huy động vốn: Vốn thực hiện Dự án được huy động từ các nguồn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng trong nước và vốn huy động từ cộng đồng và các nguồn vốn hợp pháp khác.

b) Nhân lực thực hiện Dự án là cán bộ Quản lý nhà nước về công tác xuất khẩu lao động ở trung ương và địa phương, các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động.

c) Cơ chế thực hiện Dự án:

- Theo quy định tại Quyết định số 135/2009/QĐ-TTg và các cơ chế tài chính hiện hành, đối với các nội dung mới, chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật, kinh phí thực hiện lớn, Cục Quản lý lao động ngoài nước có trách nhiệm xây dựng báo cáo Bộ LĐTBXH gửi các cơ quan chức năng thẩm định theo quy định.

- Các địa phương, đơn vị thụ hưởng dự án chủ động thực hiện lồng ghép Dự án, hoạt động với các dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia khác, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư của ngân sách nhà nước.

d) Cơ chế lập và phân bổ kế hoạch, dự toán và sử dụng kinh phí được thực hiện theo các quy định hiện hành. Việc phân bổ kinh phí hàng năm cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai Dự án dựa trên khả năng ngân sách hàng năm và các nguyên tắc, tiêu chí và phương án phân bổ chung sau đây:

- Nguyên tắc: Phân bổ vốn để thực hiện những nhiệm vụ của Dự án được phê duyệt tại Quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày 31/8/2012; trong đó ưu tiên phân bổ cho những địa phương khó khăn về ngân sách, đông lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số và lao động khác thuộc các đối tượng của dự án.

- Tiêu chí phân bổ:

+ Vốn đầu tư: Phân bổ để xây dựng 2 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lao động xuất khẩu.

+ Vốn sự nghiệp: Phân bổ cho các địa phương để thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng thuộc Dự án trên cơ sở quy mô dân số trong độ tuổi lao động có tính theo hệ số vùng khó khăn, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số.

2. Kinh phí thực hiện Dự án

Tổng kinh phí thực hiện dự án: 1.064,5 tỷ đồng, trong đó:

- Ngân sách trung ương là 1.004,5 tỷ đồng (vốn sự nghiệp: 750 tỷ đồng; vốn đầu tư là 254,4 tỷ đồng).

- Ngân sách địa phương: 60 tỷ đồng.

NHU CẦU VỐN VÀ CƠ CẤU NGUỒN VỐN THỰC HIỆN DỰ ÁN

Đơn vị tính: tỷ đồng

NỘI DUNG

Tổng số

Trong đó:

NSTW

NSĐP và nguồn khác

Tổng cộng

1.064,5

1.004,5

60,0

Hoạt động 1: Hỗ trợ người lao động học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết để đi làm việc ở nước ngoài

775,0

715,0

60,0

Hoạt động 2: Hỗ trợ đào tạo lao động trình độ cao (kỹ năng nghề, ngoại ngữ) đáp ứng yêu cầu của nước tiếp nhận lao động

35,0

35,0

 

Hoạt động 3: Đầu tư cơ sở đào tạo lao động xuất khẩu

254,5

254,5

 

NHU CẦU VỐN VÀ CƠ CẤU NGUỒN VỐN THỰC HIỆN DỰ ÁN TỪ NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG

Đơn vị: Tỷ đồng

NỘI DUNG

Tổng số

Trong đó

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Tổng cộng

1004,5

104,5

100,0

340,0

460,0

- Vốn sự nghiệp

750,0

100,0

100,0

240,0

310,0

- Vốn đầu tư

254,5

4,5

 

100,0

150,0

Hoạt động 1: Hỗ trợ người lao động học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết để đi làm việc ở nước ngoài (Vốn sự nghiệp)

715,0

95,0

90,0

230,0

300,0

Hoạt động 2: Hỗ trợ đào tạo lao động trình độ cao (kỹ năng nghề, ngoại ngữ) đáp ứng yêu cầu của nước tiếp nhận lao động (Vốn sự nghiệp)

35,0

5,0

10,0

10,0

10,0

Hoạt động 3: Đầu tư cơ sở đào tạo lao động xuất khẩu (Vốn đầu tư)

254,5

4,5

 

100,0

150,0

VII. Hiệu quả kinh tế xã hội của Dự án

Dự án được thực hiện góp phần tăng số lượng và chất lượng lao động, tạo cơ hội tham gia vào thị trường lao động quốc tế, nâng cao thu nhập, tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội tiếp cận với khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới; đồng thời, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo và làm giàu cho nhiều hộ gia đình.

VIII. Khung giám sát, đánh giá và hệ thống các chỉ số theo dõi, giám sát, đánh giá Dự án

1. Khung giám sát, đánh giá

Khung giám sát, đánh giá hoạt động của Dự án theo 03 nội dung cơ bản sau:

- Công tác chỉ đạo, điều hành Dự án

- Kết quả thực hiện Dự án

- Hiệu quả của Dự án

2. Hệ thống các chỉ số theo dõi, giám sát, đánh giá Dự án

a) Các chỉ số về công tác chỉ đạo, điều hành Dự án gồm:

- Tổ chức bộ máy quản lý Dự án

- Xây dựng, tổng hợp kế hoạch và dự toán kinh phí Dự án

- Phân bổ và giao kế hoạch, dự toán kinh phí Dự án

- Hướng dẫn sử dụng kinh phí Dự án

- Kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Dự án

- Chế độ báo cáo

b) Các chỉ số về kết quả thực hiện Dự án gồm số lượng các chỉ tiêu đạt được, mức độ hoàn thành, kinh phí thực hiện... theo kết quả đầu ra của Dự án (Số lao động tham gia xuất khẩu lao động thông qua Dự án)

c) Các chỉ số về hiệu quả của Dự án gồm: Cải thiện tình hình lao động tham gia xuất khẩu lao động (trình độ tay nghề được nâng cao, ý thức lao động, sự hiểu biết về pháp luật, văn hóa nước đến); các hợp đồng lao động có chất lượng tốt hơn (về điều kiện lao động, về thu nhập…).

IX. Tổ chức thực hiện

1. Trách nhiệm của Cục Quản lý lao động ngoài nước

- Phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng, trình ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện dự án; tổ chức hướng dẫn Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh và các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo triển khai các hoạt động của Dự án.

- Tổng hợp và trình Bộ phê duyệt ngành, nghề, số lượng lao động và đơn giá đào tạo nghề, ngoại ngữ trình độ cao và ngành nghề đặc thù hàng năm.

- Triển khai đặt hàng đào tạo trình độ cao và ngành nghề đặc thù theo quy định.

- Xây dựng, trình Bộ ban hành hệ thống các chỉ số theo dõi, giám sát, đánh giá dự án.

- Thực hiện kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện dự án; tổng hợp báo cáo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tình hình và kết quả thực hiện dự án theo quy định.

2. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Tổ chức triển khai và hướng dẫn thực hiện Dự án tại địa phương.

- Lựa chọn doanh nghiệp, cơ sở đào tạo tham gia dự án, công bố công khai các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo được tham gia thực hiện dự án tại địa phương.

- Chỉ đạo các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và cơ sở đào tạo phối hợp với doanh nghiệp thực hiện tư vấn và tuyển chọn lao động theo đúng đối tượng.

- Tổ chức thực hiện hỗ trợ cho người lao động theo quy định.

- Kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Dự án tại địa phương; tổng hợp báo cáo kết quả định kỳ quý, 6 tháng và hàng năm, báo cáo đột xuất gửi UBND tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Quản lý lao động ngoài nước)./.

 

PHỤ LỤC 4

DỰ ÁN “HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG”
(Kèm theo Quyết định số 1501/QĐ-LĐTBXH ngày 04 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

I. Sự cần thiết phải thực hiện Dự án

Phát triển thị trường lao động là tiền đề quan trọng đẩy mạnh tạo việc làm cho lao động. Nhìn chung, thị trường lao động nước ta đã hình thành và phát triển song vẫn còn bộc lộ một số hạn chế trong kết nối cung - cầu lao động, thông tin thị trường lao động chưa hoàn thiện, công tác dự báo và cung cấp, phổ biến thông tin cho các đối tượng có nhu cầu còn nhiều hạn chế.

Thông tin thị trường lao động hiện nay mới được thu thập chủ yếu thông qua các cuộc điều tra lao động việc làm, điều tra thị trường lao động hàng năm; hầu hết đây là các cuộc điều tra mẫu, quy mô nhỏ nên chỉ có giá trị phản ánh thông tin thị trường lao động trong phạm vi cả nước, còn cấp vùng và địa phương thì chưa có nhiều ý nghĩa. Ngoài ra, thông tin cũng được thu thập thông qua các báo cáo hành chính, tuy nhiên, chất lượng của nguồn thông tin này cũng chưa thực sự cao.

Giai đoạn 2006-2010, Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm đã hỗ trợ đầu tư nâng cao năng lực cho 40 Trung tâm giới thiệu việc làm (TTGTVL), tuy nhiên, một số ít được đầu tư theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu của thị trường; phần lớn đầu tư chỉ tập trung tại trụ sở chính của TTGTVL, chưa có các vệ tinh, các điểm giao dịch, văn phòng đại diện tại các cụm quận, huyện, các khu công nghiệp tập trung để đáp ứng nhu cầu tư vấn, giới thiệu việc làm ngày càng đa dạng. Mặt khác, theo chiều hướng phát triển chung của thế giới, đồng thời để nâng cao năng lực tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm, cần có một hệ thống các TTGTVL công được kết nối trong phạm vi toàn quốc, đảm bảo thực hiện tốt chức năng của Trung tâm (hiện nay, trên thế giới, tỷ lệ giao dịch việc làm qua các TTGTVL công lên tới 35-40%, ở các nước phát triển khoảng 50% trong khi ở Việt Nam chỉ trên dưới 10%).

Hiện nay cả nước đã hình thành 44 sàn giao dịch việc làm, được tổ chức thường xuyên tại 44 tỉnh, thành phố, trung bình với hơn 500 phiên giao dịch việc làm một năm, trung bình một phiên giao dịch thu hút từ 30 - 50 doanh nghiệp và từ 600 - 800 lao động tham gia, trong đó có khoảng 300 - 400 lao động được sơ tuyển, phỏng vấn thông qua sàn giao dịch việc làm. Tuy nhiên, địa điểm tổ chức của nhiều sàn còn nhỏ, hẹp, chưa đáp ứng được lưu lượng người đến sàn giao dịch ngày một tăng; trang thiết bị, phương tiện chưa đồng bộ. Do vậy, hàng năm vẫn cần có sự hỗ trợ từ ngân sách trung ương để thuê hoặc mua sắm trang thiết bị, địa điểm đảm bảo sàn giao dịch việc làm tổ chức đạt hiệu quả tốt nhất, thu hút được nhiều doanh nghiệp và người lao động tham gia.

Bên cạnh hệ thống các Trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Ngành lao động - Thương binh và Xã hội còn có các Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm kiểm mẫu do Đoàn thanh niên quản lý, rất cần hỗ trợ đầu tư để thành các trung tâm có chất lượng, hiệu quả, điển hình, kiểu mẫu về công tác hướng nghiệp, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho thanh niên.

Do vậy, để hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động và phát triển hệ thống TTGTVL công nhằm tạo điều kiện cho người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận tìm đến nhau, từng bước giải quyết sự mất cân đối giữa cung và cầu lao động hiện nay thì việc triển khai thực hiện Dự án “Hỗ trợ phát triển thị trường lao động” là thực sự cần thiết.

II. Các mục tiêu của Dự án

1. Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động;

2. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về thị trường lao động;

3. Nâng tỷ lệ lao động tìm việc làm qua hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm lên khoảng 30%;

4. Hiện đại hóa và chuẩn hóa hoạt động giao dịch việc làm, sàn giao dịch việc làm trở thành hoạt động hàng ngày tại 30 - 40 trung tâm giới thiệu việc làm vào năm 2015.

III. Nội dung hoạt động, nhiệm vụ và kết quả chủ yếu

1. Đầu tư nâng cao năng lực cho các Trung tâm giới thiệu việc làm (TTGTVL)

- Hỗ trợ đầu tư nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, mở rộng và mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động giao dịch, lưu trữ, phân tích, phổ biến thông tin thị trường lao động của các TTGTVL. Nâng cao năng lực hoạt động của 63 TTGTVL tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 4 Trung tâm giới thiệu việc làm khu vực tại 04 vùng kinh tế trọng điểm (Hải Dương, Đà Nẵng, Đồng Nai và Cần Thơ).

2. Đầu tư các Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm kiểu mẫu của Đoàn thanh niên: Đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy nghề, công nghệ thông tin phục vụ hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên cho 10 Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm kiểu mẫu của Đoàn thanh niên; phục vụ điều hành tác nghiệp, chuyên môn của Trung tâm theo Quyết định số 103/2008/QĐ-TTg ngày 21/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008-2015.

3. Hỗ trợ tổ chức sàn giao dịch việc làm: Thuê địa điểm, thuê thiết bị (nếu có) phục vụ cho hoạt động của sàn giao dịch việc làm, hỗ trợ tổ chức sàn giao dịch việc làm di động nhằm tăng cường hiệu quả kết nối cung cầu lao động, tăng hiệu quả chắp nối việc làm giữa người lao động có nhu cầu tìm việc làm với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động. Hỗ trợ 44 Trung tâm giới thiệu việc làm tổ chức sàn giao dịch việc làm thường xuyên, định kỳ.

4. Đầu tư phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động; phân tích và dự báo thị trường lao động

4.1. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về thị trường lao động

a. Thu thập, cập nhật cơ sở dữ liệu cung, cầu lao động

(i) Cung lao động

Mục đích: Thu thập thông tin cơ bản, chính xác về thực trạng lao động, việc làm, thất nghiệp và biến động qua từng thời kỳ, địa bàn, làm cơ sở hoạch định chính sách việc làm và phát triển nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của cung, cầu lao động.

Nội dung: Thu thập thông tin về nhân khẩu học; Trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật; Tình trạng có việc làm; Tình trạng thất nghiệp; Tình trạng không hoạt động kinh tế.

Cách thức thực hiện: Địa phương thu thập, cập nhật thông tin biến động hàng năm.

(ii) Cầu lao động

Mục đích: Thu thập thông tin về thực trạng lao động của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có sử dụng lao động theo nghề và trình độ đào tạo; nhu cầu tuyển lao động, làm cơ sở để xác định hướng đào tạo và bố trí hợp lý nguồn nhân lực.

Nội dung: Thu thập thông tin về loại hình doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; ngành nghề sản xuất kinh doanh chính; số người làm việc trong doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; số người đã ký hợp đồng lao động; trình độ học vấn phổ thông; trình độ chuyên môn kỹ thuật cao nhất; lĩnh vực giáo dục - đào tạo; chỗ làm việc trống.

Cách thức thực hiện: Địa phương thu thập, cập nhật thông tin biến động hàng năm.

(iii) Thí điểm thu thập thông tin lao động làm việc trong các doanh nghiệp

Mục đích: Xây dựng cơ sở dữ liệu lao động trong doanh nghiệp giúp địa phương quản lý được lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp, thống nhất quản lý việc thực hiện các chính sách đối với người lao động (trong đó có chính sách bảo hiểm thất nghiệp).

Nội dung: thu thập các thông tin về doanh nghiệp; thông tin người lao động; trình độ học vấn; trình độ chuyên môn kỹ thuật; lĩnh vực đào tạo chuyên môn kỹ thuật, nhóm nghề đang làm việc, loại công việc đang làm,...; các thông tin về tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương thực tế, ...;

Cách thức thực hiện: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức thu thập thí điểm thu thập thông tin người lao động làm việc các doanh nghiệp.

b. Thu thập, cập nhật cơ sở dữ liệu Hợp tác xã

Mục đích: Thu thập thông tin về thực trạng sử dụng lao động của các hợp tác xã theo nghề và trình độ đào tạo; nhu cầu tuyển lao động, làm cơ sở để xác định hướng đào tạo và bố trí hợp lý nguồn nhân lực.

Nội dung: Thu thập thông tin về hợp tác xã; ngành nghề sản xuất kinh doanh chính; số người làm việc; số người đã ký hợp đồng lao động; trình độ học vấn; trình độ chuyên môn kỹ thuật cao nhất; lĩnh vực giáo dục - đào tạo; chỗ làm việc trống.

Cách thức thực hiện: Liên minh hợp tác xã thu thập, cập nhật thông tin biến động hàng năm.

c. Thu thập, cập nhật cơ sở dữ liệu người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (Dự án đã được phê duyệt)

Khảo sát và đánh giá hiện trạng nhu cầu mua sắm trang thiết bị cho hệ thống; xây dựng các phần mềm quản lý thông tin tại Bộ (Cục Quản lý lao động ngoài nước); mua sắm trang thiết bị; thuê đường truyền; xây dựng Cổng thông tin điện tử về người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

d. Thu thập, cập nhật cơ sở dữ liệu người nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Mục đích: Xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Nội dung: thu thập các thông tin về người lao động nước ngoài tại Việt Nam; trình độ chuyên môn kỹ thuật; loại công việc đang làm...

Cách thức thực hiện: Địa phương thu thập, cập nhật thông tin biến động.

e. Điều tra thực trạng và nhu cầu sử dụng lao động trong doanh nghiệp và hợp tác xã

Mục đích của điều tra: thu thập thông tin về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội của người lao động và nhu cầu sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp.

Đối tượng điều tra: Là các doanh nghiệp hạch toán kinh tế độc lập, được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại thời điểm điều tra; người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp.

Cách thức thực hiện: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức điều tra hàng năm.

f. Phân tích, dự báo thị trường lao động

Nghiên cứu, xây dựng báo cáo xu hướng việc làm Việt Nam hàng năm; báo cáo chuyên đề nghiên cứu chuyên sâu về thị trường lao động; xây dựng bộ số liệu thị trường lao động hàng năm; dự báo về thị trường lao động;

Xây dựng các ấn phẩm về thị trường lao động; tập huấn kỹ năng phân tích thông tin thị trường lao động cho địa phương; xây dựng các bài giảng trực tuyến về lĩnh vực việc làm; in tài liệu về lĩnh vực lao động việc làm, thuê đường truyền Leased line; vận hành, bảo trì trung tâm tích hợp dữ liệu thị trường lao động...

4.2. Đầu tư phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động

a. Đầu tư nâng cao năng lực Trung tâm tích hợp dữ liệu thị trường lao động

Đầu tư nâng cấp hạ tầng sẵn có tại Bộ (Cục Việc làm), bổ sung trang thiết bị công nghệ thông tin phục vụ hoạt động lưu trữ, phân tích, phổ biến thông tin thị trường lao động; phục vụ điều hành tác nghiệp, chuyên môn (bổ sung máy chủ, thiết bị mạng, thiết bị bảo mật, sao lưu dữ liệu, phần mềm hệ thống và các thiết bị phụ trợ khác...) nhằm nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm tích hợp dữ liệu thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường lao động giai đoạn đến năm 2015.

b. Xây dựng, hoàn thiện các phần mềm thị trường lao động phục vụ cho công tác thu thập, phân tích, lưu trữ, khai thác thông tin giúp nhà quản lý có căn cứ hoạch định chính sách, người lao động, tổ chức và cá nhân khác có nhu cầu khai thác thông tin cần thiết.

- Nâng cấp các phần mềm hiện có: Cổng thông tin điện tử việc làm; phần mềm Bảo hiểm thất nghiệp; phần mềm cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động; phần mềm đào tạo trực tuyến,...

- Xây dựng các phần mềm: phiên bản mobile cho cổng thông tin điện tử việc làm; phần mềm phân tích, dự báo về cầu lao động ngắn hạn dựa trên nền bản đồ số GIS; phần mềm Quản lý lao động trong doanh nghiệp; Phần mềm Bản đồ Thị trường lao động; Phần mềm quản lý hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của các TTGTVL,...

Nâng cấp về giao diện, bổ sung các tính năng mới của các phần mềm hiện có và xây dựng mới các phần mềm về thị trường lao động phù hợp với yêu cầu trong công tác chỉ đạo, điều hành.

IV. Thời gian, đối tượng, phạm vi thực hiện

1. Thời gian: từ ngày 01/01/2012 đến ngày 31/12/2015.

2. Đối tượng: Các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị được giao vốn, kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ của Dự án.

3. Phạm vi thực hiện: Dự án được thực hiện trên phạm vi toàn quốc.

V. quan quản lý, cơ quan thực hiện và cơ quan phối hợp

1. Cơ quan quản lý: Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Cơ quan thực hiện: Cục Việc làm, các Cục, Vụ liên quan thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố, các Trung tâm giới thiệu việc làm và các tổ chức có liên quan.

3. Cơ quan phối hợp: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

VI. Các giải pháp chủ yếu, tổng kinh phí thực hiện dự án

1. Giải pháp thực hiện Dự án

a) Huy động vốn: Vốn thực hiện Dự án được huy động từ các nguồn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng trong nước và vốn huy động từ cộng đồng và các nguồn vốn hợp pháp khác.

b) Nhân lực thực hiện Dự án là cán bộ làm công tác lao động - việc làm tại Trung ương và địa phương.

c) Cơ chế thực hiện Dự án:

- Theo quy định tại Quyết định số 135/2009/QĐ-TTg và các cơ chế tài chính hiện hành; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện Dự án; đồng thời, tăng cường phân cấp cho các bộ, ngành địa phương, các đơn vị trực tiếp thụ hưởng lợi ích của dự án, hoạt động thuộc Dự án.

- Các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị thụ hưởng dự án chủ động thực hiện lồng ghép Dự án, hoạt động với các dự án thuộc các Chương trình mục tiêu Quốc gia khác, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư của ngân sách nhà nước.

d) Cơ chế lập và phân bổ kế hoạch, dự toán và sử dụng kinh phí được thực hiện theo các quy định hiện hành.

Việc phân bổ kinh phí hàng năm cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai Dự án dựa trên khả năng bố trí ngân sách hàng năm.

Nguyên tắc phân bổ vốn để thực hiện những nhiệm vụ của các Dự án được phê duyệt tại Quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày 31/8/2012; trong đó ưu tiên phân bổ cho những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và những nhiệm vụ đảm bảo điều kiện thực hiện các mục tiêu của các Dự án cũng như có tác động tới sự phát triển chung của cả lĩnh vực việc làm và phát triển thị trường lao động; Ưu tiên các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm, các Trung tâm giới thiệu việc làm phát triển của vùng và tiểu vùng và các Trung tâm có cơ sở hạ tầng tốt, đội ngũ cán bộ đảm bảo hoạt động, chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên, các địa phương tổ chức sàn giao dịch việc làm thường xuyên, định kỳ, các địa phương phát triển, mở rộng sàn giao dịch vệ tinh, các địa phương đã được đầu tư có hiệu quả trong giai đoạn 2006-2010.

Đối với vốn đầu tư phát triển thực hiện đúng nguyên tắc phân bổ vốn theo Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ:

- Đầu tư tập trung, không dàn trải, bố trí vốn theo thời gian quy định (nhóm B không quá 5 năm, nhóm C không quá 3 năm);

- Các dự án đưa vào kế hoạch phải đảm bảo thủ tục theo đúng quy định của Nhà nước: có quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền, thiết kế tổng dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Tập trung vốn cho các dự án kết thúc, các dự án chuyển tiếp, chỉ bố trí vốn khởi công cho các dự án cấp thiết phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của ngành. Đồng thời các dự án khởi công mới phải đảm bảo bố trí 35% tổng mức đầu tư đối với dự án nhóm C, 20% tổng mức đầu tư đối với dự án nhóm B.

2. Tổng kinh phí thực hiện Dự án

Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện Dự án là: 1.508,6 tỷ đồng, trong đó.

- Kinh phí từ ngân sách trung ương là 1.058,6 tỷ đồng (vốn đầu tư 745 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 313,6 tỷ đồng).

- Kinh phí từ ngân sách địa phương và các nguồn huy động khác 450 tỷ đồng.

Chi tiết như sau:

NHU CẦU VỐN VÀ CƠ CẤU NGUỒN VỐN THỰC HIỆN DỰ ÁN

Đơn vị tính: tỷ đồng

NỘI DUNG

Tổng số

Trong đó:

NSTW

NSĐP

Khác

Tổng cộng

1.508,600

1.058,600

360,000

90,000

Hoạt động 1: Đầu tư nâng cao năng lực các Trung tâm giới thiệu việc làm

804,206

534,206

216,000

54,000

Hoạt động 2: Đầu tư các Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm kiểu mẫu của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

260,794

170,794

72,000

18,000

Hoạt động 3: Hỗ trợ tổ chức giao dịch việc làm

76,000

31,000

36,000

9,000

Hoạt động 4: Đầu tư hệ thống thông tin thị trường lao động; phân tích và dự báo thị trường lao động

367,600

322,600

36,000

9,000

NHU CẦU VỐN VÀ CƠ CẤU NGUỒN VỐN THỰC HIỆN DỰ ÁN TỪ NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG

Đơn vị: tỷ đồng

NỘI DUNG

Tổng số

Trong đó

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Tổng cộng

1.058,600

218,600

348,769

274,000

217,231

- Vốn sự nghiệp

313,600

73,600

73,600

90,00

76,400

- Vốn đầu tư

745,000

145,000

275,169

184,000

140,831

Hoạt động 1: Đầu tư nâng cao năng lực các Trung tâm giới thiệu việc làm (Vốn đầu tư)

534,206

90,000

223,375

130,000

90,831

Hoạt động 2: Đầu tư các Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm kiểu mẫu của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (Vốn đầu tư)

170,794

45,000

36,794

39,000

50,000

Hoạt động 3: Hỗ trợ tổ chức giao dịch việc làm (Vốn sự nghiệp)

31,000

7,000

7,000

10,000

7,000

Hoạt động 4: Đầu tư hệ thống thông tin thị trường lao động; phân tích và dự báo thị trường lao động (Vốn đầu tư, vốn sự nghiệp)

322,600

76,600

81,600

95,000

69,400

Vốn đầu tư

40,000

10,000

15,000

15,000

 

Vốn sự nghiệp

282,600

66,600

66,600

80,000

69,400

VII. Hiệu quả kinh tế - xã hội của Dự án

1. Nâng cao năng lực tư vấn, giới thiệu việc làm, tăng cường kết nối cung cầu lao động, thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp thông qua hệ thống các TTGTVL, Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm kiểu mẫu của TW Đoàn; đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, người sử dụng lao động, trong đó có khu vực nông thôn tiếp cận thông tin việc làm để có việc làm phù hợp, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị và thiếu việc làm nông thôn, đồng thời tăng chất lượng việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

2. Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động theo hướng hiện đại; cung cấp thông tin thị trường lao động định kỳ, cập nhật, thường xuyên và chính xác cho mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu thông qua các hình thức website, qua phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường năng lực dự báo thị trường lao động ngắn hạn và dài hạn; đồng thời, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và giám sát, đánh giá việc thực hiện các chính sách việc làm.

VIII. Khung giám sát, đánh giá và các chỉ số theo dõi, giám sát dự án

1. Khung giám sát, đánh giá

Khung giám sát, đánh giá Dự án được xây dựng trên 04 hoạt động:

- Đầu tư nâng cao năng lực các Trung tâm giới thiệu việc làm;

- Đầu tư nâng cao năng lực các Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm kiểu mẫu của Trung ương Đoàn;

- Hỗ trợ tổ chức giao dịch việc làm;

- Đầu tư phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động.

2. Hệ thống các chỉ tiêu, chỉ số theo dõi, giám sát, đánh giá Dự án

- Số trung tâm giới thiệu việc làm được đầu tư;

- Tỷ lệ lao động tìm việc làm qua hệ thống Trung tâm giới thiệu việc làm;

- Số Trung tâm tổ chức sàn giao dịch việc làm;

- Tần suất sàn giao dịch việc làm;

- Tỷ lệ lao động tìm việc làm qua sàn giao dịch việc làm;

- Thu thập, cập nhật cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động;

- Nâng cấp, xây dựng phần mềm thị trường lao động;

- Phổ biến thông tin thị trường lao động.

IX. Tổ chức thực hiện

1. Trách nhiệm của Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan lập kế hoạch thực hiện, dự toán ngân sách và đề xuất giải pháp thực hiện Dự án trong kế hoạch hàng năm, gửi Bộ (cơ quan quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề) để tổng hợp vào kế hoạch chung của Chương trình.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng quy chế, quy trình và hướng dẫn nghiệp vụ triển khai hoạt động của Dự án cho các cơ quan thực hiện dự án, trình Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt.

- Xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn, kinh phí theo từng nội dung, hoạt động của Dự án trình Bộ phê duyệt. Xây dựng và giao nhiệm vụ thực hiện Dự án và các hoạt động của dự án cho các Bộ, ngành, địa phương có liên quan.

- Xây dựng hệ thống theo dõi, giám sát và đánh giá Dự án; xây dựng các chỉ số theo dõi, giám sát và đánh giá kết quả, chất lượng và hiệu quả.

- Kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Dự án ở các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch hàng năm thực hiện Dự án.

- Chịu trách nhiệm về việc sử dụng kinh phí phần giao trực tiếp cho Cục Việc làm để thực hiện một số nhiệm vụ của dự án đảm bảo sử dụng kinh phí đúng mục đích, có hiệu quả, không để thất thoát; quyết toán theo quy định hiện hành.

- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ (6 tháng, hàng năm, giữa kỳ, kết thúc dự án) gửi Bộ (cơ quan quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề) theo quy định.

2. Trách nhiệm của các Bộ, ngành Trung ương tham gia thực hiện Dự án

- Hàng năm, căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, xây dựng kế hoạch hoạt động, đề xuất nhu cầu kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động, Dự án được phân công, gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Việc làm) tổng hợp.

- Chịu trách nhiệm triển khai kế hoạch theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ các hoạt động của Dự án được giao.

- Chịu trách nhiệm sử dụng kinh phí của Dự án đúng mục đích, có hiệu quả; thanh quyết toán theo đúng các quy định hiện hành.

- Ngoài nguồn kinh phí được giao, có trách nhiệm huy động các nguồn lực khác theo luật định để bổ sung thực hiện các hoạt động của Dự án. Báo cáo mức bổ sung kinh phí (nếu có) gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Việc làm).

- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ (sáu tháng, hàng năm, giữa kỳ, kết thúc Chương trình) gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Việc làm) để tổng hợp theo đúng quy định.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Quyết định cơ chế phân cấp quản lý thực hiện Dự án trên địa bàn cho các ngành, các cấp phù hợp với điều kiện của địa phương. Tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia vào quá trình xác định thứ tự các vấn đề ưu tiên giải quyết, dự án đầu tư, giám sát dự án, công trình và được thông tin về các hoạt động của Dự án đối với người dân.

- Tổ chức thẩm định và phê duyệt Dự án do địa phương quản lý theo quy định hiện hành trên nguyên tắc không trái với mục tiêu, nhiệm vụ, nguồn vốn và mức vốn Dự án đã được phê duyệt.

- Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện Dự án trên địa bàn, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và mục tiêu, nhiệm vụ của Dự án.

- Chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho lãnh đạo Ủy ban nhân dân về quản lý, sử dụng nguồn lực Dự án để lồng ghép, phối hợp và điều hành thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Dự án với các chương trình, dự án khác do địa phương trực tiếp quản lý.

- Ngoài nguồn kinh phí trung ương hỗ trợ, có trách nhiệm huy động các nguồn lực của địa phương (bao gồm kinh phí, ngày công lao động và các yếu tố vật chất khác) để bổ sung cho việc thực hiện các hoạt động của dự án.

- Giao chỉ tiêu kế hoạch thực hiện hàng năm cho các chủ dự án và Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện theo đúng mục tiêu của dự án.

- Chỉ đạo và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án trên địa bàn theo quy định.

- Chịu trách nhiệm sử dụng kinh phí của Dự án theo mục tiêu, nhiệm vụ được giao trên địa bàn có hiệu quả, không để thất thoát; đảm bảo việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Dự án phù hợp với các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn theo quy định; chịu trách nhiệm quản lý và thực hiện thanh toán, quyết toán theo quy định về tài chính hiện hành.

- Tổ chức hội nghị giao ban theo quy định. Kịp thời chỉ đạo khắc phục các sai sót trong việc thực hiện chương trình. Xử lý nghiêm minh các trường hợp làm thất thoát kinh phí do vô trách nhiệm hoặc tham nhũng.

- Thực hiện chế độ báo cáo thực hiện Dự án định kỳ (sáu tháng, hàng năm, giữa kỳ, kết thúc Chương trình) với Hội đồng nhân dân, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Việc làm) để tổng hợp theo đúng quy định./.

 

PHỤ LỤC 5

DỰ ÁN “NÂNG CAO NĂNG LỰC, TRUYỀN THÔNG, GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MTQG VIỆC LÀM VÀ DẠY NGHỀ GIAI ĐOẠN 2012-2015”
(Kèm theo Quyết định số 1501/QĐ-LĐTBXH ngày 04 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

I. Sự cần thiết phải thực hiện Dự án

Hằng năm, với sự hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) Việc làm và Dạy nghề, các cán bộ làm công tác quản lý trong lĩnh vực dạy nghề, việc làm và xuất khẩu lao động được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ tổ chức thực hiện các dự án, hoạt động trong khuôn khổ Chương trình, góp phần đạt được các mục tiêu đã đề ra trong Chương trình. Tuy nhiên, do nguồn vốn hạn hẹp, cán bộ này chưa được tham gia đều đặn các lớp tập huấn nâng cao năng lực, quy mô và tần suất đào tạo còn thấp,...

Hiện nay, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ, đình công tự phát trong doanh nghiệp, doanh nghiệp khó tuyển dụng lao động, người lao động gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm là do người lao động và người sử dụng lao động thiếu các thông tin về thị trường lao động cũng như thiếu hiểu biết về các chủ trương, chính sách về dạy nghề và việc làm và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Do đó, việc tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dạy nghề, lao động, việc làm, xuất khẩu lao động thông qua các phương tiện truyền thông, các ấn phẩm, sách báo, tờ rơi, panô, khẩu hiệu, ... sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và hiểu biết cần thiết cho các cấp, các ngành về đẩy mạnh hoạt động dạy nghề, cho các bên trong quan hệ lao động về quyền lợi và nghĩa vụ, những chính sách và các quy định về điều kiện, quy trình thực hiện, những định hướng về nghề nghiệp, những thủ tục, quy trình đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ... góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm hiệu quả hơn.

II. Các mục tiêu của Dự án

1. Tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và khảo sát, học tập kinh nghiệm nước ngoài cho khoảng 20 nghìn lượt cán bộ.

2. 100% xã, phường được tuyên truyền, thông tin về các chính sách thị trường lao động, dạy nghề, việc làm và xuất khẩu lao động.

III. Nội dung hoạt động, nhiệm vụ và kết quả chủ yếu

1. Hoạt động 1: Tâp huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý Nhà nước về dạy nghề, việc làm và xuất khẩu lao động

- Tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ dạy nghề, việc làm và xuất khẩu lao động từ Trung ương đến địa phương.

- Nâng cao năng lực phân tích, dự báo thông tin dạy nghề cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về dạy nghề; phân tích thông tin thị trường lao động cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

- Bồi dưỡng, đào tạo các kỹ năng tư vấn, giới thiệu việc làm cho cán bộ của các Trung tâm giới thiệu việc làm.

Khoảng 20 nghìn lượt cán bộ quản lý Nhà nước về dạy nghề, việc làm và xuất khẩu lao động được nâng cao năng lực.

2. Hoạt động 2: Truyền thông

- Tổ chức thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng các cấp từ Trung ương đến địa phương về thông tin thị trường lao động, dạy nghề, việc làm và xuất khẩu lao động.

- Phát hành các ấn phẩm, sách báo, tờ rơi,... về thông tin thị trường lao động, về dạy nghề, việc làm, xuất khẩu lao động.

- Xây dựng các chương trình tuyên truyền, giới thiệu chính sách liên quan đến dạy nghề, việc làm và xuất khẩu lao động.

- Thông tin về lao động, việc làm, xuất khẩu lao động và dạy nghề đến vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa qua hệ thống phát thanh tại thôn, bản, tổ dân phố.

3. Hoạt động 3: Giám sát, đánh giá

- Kiểm tra, giám sát các dự án, hoạt động trong khuôn khổ Chương trình MTQG Việc làm và Dạy nghề.

- Tổ chức tự đánh giá, đánh giá độc lập các dự án, hoạt động thuộc Chương trình hàng năm, giữa kỳ, cuối kỳ và khi có yêu cầu.

- Kiến nghị, đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách cho phù hợp với mục tiêu của Chương trình.

IV. Thời gian, đối tượng, phạm vi thực hiện

1. Thời gian thực hiện dự án: Từ năm 2012 đến năm 2015

2. Phạm vi thực hiện dự án: Dự án được thực hiện trên phạm vi toàn quốc.

3. Đối tượng thực hiện dự án: Các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị được giao vốn, kinh phí thực hiện dự án.

V. Cơ quan quản lý, cơ quan thực hiện và cơ quan phối hợp

1. Cơ quan quản lý Dự án: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Cơ quan thực hiện: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, Ngành liên quan, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Cơ quan phối hợp: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

VI. Các giải pháp chủ yếu, tổng kinh phí thực hiện Dự án

1. Các giải pháp thực hiện

a) Huy động vốn: Vốn thực hiện Dự án được huy động từ các nguồn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng trong nước và vốn huy động từ cộng đồng và các nguồn vốn hợp pháp khác.

b) Nhân lực thực hiện Dự án là cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về việc làm, xuất khẩu lao động và dạy nghề ở trung ương và địa phương.

c) Cơ chế thực hiện Dự án:

Theo quy định tại Quyết định số 135/2009/QĐ-TTg và các cơ chế tài chính hiện hành; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện Dự án; đồng thời, tăng cường phân cấp cho các bộ, ngành địa phương, các đơn vị trực tiếp thụ hưởng lợi ích của dự án, hoạt động thuộc Dự án.

- Các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị thụ hưởng dự án chủ động thực hiện lồng ghép Dự án, hoạt động với các dự án thuộc các Chương trình mục tiêu Quốc gia khác, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư của ngân sách nhà nước.

d) Cơ chế lập và phân bổ kế hoạch, dự toán và sử dụng kinh phí được thực hiện theo các quy định hiện hành.

Việc phân bổ kinh phí hàng năm cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai Dự án dựa trên khả năng ngân sách hàng năm và căn cứ vào tiêu chí về diện tích tự nhiên, số đơn vị hành chính của địa phương để tính điểm các tiêu chí.

Trên cơ sở các tiêu chí đối với từng hoạt động trên để tính ra số điểm của từng địa phương và tổng số điểm của 63 tỉnh, thành phố trong từng hoạt động làm căn cứ phân bổ vốn trong cân đối (theo dự kiến dự toán được giao) theo công thức:

Số vốn được phân bổ =

Số điểm của địa phương trong hoạt động i

x Tổng số vốn cả nước trong hoạt động i

Tổng số điểm của cả nước trong hoạt động i

Ngoài ra, tùy điều kiện và tình hình thực hiện tại địa phương năm trước có những điều chỉnh để đảm bảo phù hợp với mục tiêu của Chương trình. Trong đó, riêng hoạt động giám sát, đánh giá: mức phân bổ tối đa bằng 3% tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho các dự án, hoạt động thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia việc làm và dạy nghề tại địa phương.

2. Tổng kinh phí thực hiện Dự án

Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện dự án là 382,4 tỷ đồng, dự kiến huy động từ các nguồn:

- Ngân sách trung ương: 282,4 tỷ đồng.

- Ngân sách địa phương và nguồn huy động hợp pháp khác: 100 tỷ đồng. Chi tiết như sau:

NHU CẦU VỐN VÀ CƠ CẤU NGUỒN VỐN THỰC HIỆN DỰ ÁN

Đơn vị tính: tỷ đồng

NỘI DUNG

Tổng số

Trong đó:

NSTW

NSĐP và Huy động khác

Tổng cộng

382,40

282,40

100,00

Hoạt động 1: Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về việc làm, dạy nghề, xuất khẩu lao động

110,00

70,00

40,00

Hoạt động 2: Truyền thông

137,40

107,40

30,00

Hoạt động 3: Giám sát, đánh giá

135,00

105,00

30,00

NHU CẦU VỐN VÀ CƠ CẤU NGUỒN VỐN THỰC HIỆN DỰ ÁN TỪ NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG

Đơn vị: tỷ đồng

NỘI DUNG

Tổng số

Trong đó

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Tổng cộng (Vốn sự nghiệp)

282,40

70,00

37,49

85,51

89,40

Hoạt động 1: Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về việc làm, dạy nghề, xuất khẩu lao động

70,00

20,00

10,00

20,00

20,00

Hoạt động 2: Truyền thông

107,40

30,00

12,46

35,51

32,40

Hoạt động 3: Giám sát, đánh giá

105,00

20,00

15,00

30,00

40,00

VII. Hiệu quả kinh tế - xã hội của Dự án

1. Các cán bộ quản lý Nhà nước về dạy nghề, việc làm và xuất khẩu lao động được cung cấp các kiến thức cập nhật về chính sách dạy nghề, việc làm và xuất khẩu lao động. Các nhà quản lý và các nhà xây dựng chính sách có thêm cơ sở thực tế để hoàn thiện chính sách, đề ra kế hoạch về dạy nghề, tạo việc làm và xuất khẩu lao động phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung và từng tỉnh, thành phố nói riêng.

2. Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về dạy nghề và việc làm, xuất khẩu lao động các cấp; nâng cao năng lực phân tích, dự báo thông tin thị trường lao động cho cấp Trung ương và địa phương, đặc biệt là cấp tỉnh.

3. Phổ biến thông tin thị trường lao động và các chính sách về dạy nghề và việc làm, xuất khẩu lao động tới mọi đối tượng có nhu cầu; công khai, minh bạch, chính xác và kịp thời trong cung cấp thông tin; nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận của các cấp chính quyền và người lao động trong dạy nghề gắn với giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động.

4. Khắc phục những tồn tại, hạn chế của Chương trình MTQG Việc làm giai đoạn trước, nâng cao hiệu quả dạy nghề, chất lượng việc làm và tăng cường xuất khẩu lao động, gắn kết cung - cầu lao động hiệu quả, hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động.

VIII. Khung giám sát, đánh giá và các chỉ số theo dõi, giám sát

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thiết lập hệ thống theo dõi, giám sát và đánh giá dự án gồm:

1. Xây dựng hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá Chương trình MTQG về kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch (đầu vào, hoạt động, đầu ra) và đánh giá kết quả, tác động ở cấp độ dự án;

2. Xây dựng chỉ số theo dõi, giám sát kết quả hoạt động và chỉ số đánh giá kết quả, tác động của chương trình, dự án, bảo đảm thông tin được tổng hợp từ cấp quản lý và Cơ quan thực hiện dự án;

3. Phổ biến hệ thống theo dõi, giám sát kết quả thực hiện các chỉ tiêu của kế hoạch (đầu vào, hoạt động, đầu ra) và hướng dẫn cách đánh giá kết quả, tác động;

4. Tổng hợp báo cáo, phổ biến thông tin kết quả thực hiện dự án cho các cơ quan liên quan ở cấp Trung ương và địa phương.

IX. Tổ chức thực hiện

1. Trách nhiệm của Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan lập kế hoạch thực hiện, dự toán ngân sách và đề xuất giải pháp thực hiện Dự án trong kế hoạch hàng năm, gửi Bộ (cơ quan quản lý Chương trình MTQG Việc làm và Dạy nghề) để tổng hợp vào kế hoạch chung của Chương trình.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng quy chế, quy trình và hướng dẫn nghiệp vụ triển khai hoạt động của Dự án cho các cơ quan thực hiện dự án, trình Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt.

- Xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn, kinh phí theo từng nội dung, hoạt động của Dự án trình Bộ phê duyệt. Xây dựng và giao nhiệm vụ thực hiện Dự án và các hoạt động của dự án cho các Bộ, ngành, địa phương có liên quan.

- Xây dựng hệ thống theo dõi, giám sát và đánh giá Dự án; xây dựng các chỉ số theo dõi, giám sát và đánh giá kết quả, chất lượng và hiệu quả.

- Kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Dự án ở các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch hàng năm thực hiện Dự án.

- Chịu trách nhiệm về việc sử dụng kinh phí phần giao trực tiếp cho Cục Việc làm để thực hiện một số nhiệm vụ của dự án đảm bảo sử dụng kinh phí đúng mục đích, có hiệu quả, không để thất thoát; quyết toán theo quy định hiện hành.

- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ (6 tháng, hàng năm, giữa kỳ, kết thúc Dự án) gửi Bộ (cơ quan quản lý Chương trình MTQG Việc làm và Dạy nghề) theo quy định.

2. Trách nhiệm của các Bộ, ngành Trung ương tham gia thực hiện Dự án

- Hàng năm, căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, xây dựng kế hoạch hoạt động, đề xuất nhu cầu kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động, Dự án được phân công, gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Việc làm) tổng hợp.

- Chịu trách nhiệm triển khai kế hoạch theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ các hoạt động của Dự án được giao.

- Chịu trách nhiệm sử dụng kinh phí của Dự án đúng mục đích, có hiệu quả; thanh toán, quyết toán theo đúng các quy định hiện hành.

- Ngoài nguồn kinh phí được giao, có trách nhiệm huy động các nguồn lực khác theo luật định để bổ sung thực hiện các hoạt động của Dự án. Báo cáo mức bổ sung kinh phí (nếu có) gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Việc làm).

- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ (sáu tháng, hàng năm, giữa kỳ, kết thúc Chương trình) gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Việc làm) để tổng hợp theo đúng quy định.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Quyết định cơ chế phân cấp quản lý thực hiện Dự án trên địa bàn cho các ngành, các cấp phù hợp với điều kiện của địa phương. Tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia vào quá trình xác định thứ tự các vấn đề ưu tiên giải quyết, dự án đầu tư, giám sát dự án, công trình và được thông tin về các hoạt động của Dự án đối với người dân.

- Tổ chức thẩm định và phê duyệt Dự án do địa phương quản lý theo quy định hiện hành trên nguyên tắc không trái với mục tiêu, nhiệm vụ, nguồn vốn và mức vốn Dự án đã được phê duyệt.

- Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện Dự án trên địa bàn, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và mục tiêu, nhiệm vụ của Dự án.

- Chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho lãnh đạo Ủy ban nhân dân về quản lý, sử dụng nguồn lực Dự án để lồng ghép, phối hợp và điều hành thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Dự án với các chương trình, dự án khác do địa phương trực tiếp quản lý.

- Ngoài nguồn kinh phí trung ương hỗ trợ, có trách nhiệm huy động các nguồn lực của địa phương (bao gồm kinh phí, ngày công lao động và các yếu tố vật chất khác) để bổ sung cho việc thực hiện các hoạt động của dự án.

- Giao chỉ tiêu kế hoạch thực hiện hàng năm cho các chủ dự án và Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện theo đúng mục tiêu của dự án.

- Chỉ đạo và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án trên địa bàn theo quy định.

- Chịu trách nhiệm sử dụng kinh phí của Dự án theo mục tiêu, nhiệm vụ được giao trên địa bàn có hiệu quả, không để thất thoát; đảm bảo việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Dự án phù hợp với các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn theo quy định; chịu trách nhiệm quản lý và thực hiện thanh toán, quyết toán theo quy định về tài chính hiện hành.

- Tổ chức hội nghị giao ban theo quy định. Kịp thời chỉ đạo khắc phục các sai sót trong việc thực hiện chương trình. Xử lý nghiêm minh các trường hợp làm thất thoát kinh phí do vô trách nhiệm hoặc tham nhũng.

- Thực hiện chế độ báo cáo thực hiện Dự án định kỳ (sáu tháng, hàng năm, giữa kỳ, kết thúc Chương trình) với Hội đồng nhân dân, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Việc làm) để tổng hợp theo đúng quy định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1501/QĐ-LĐTBXH năm 2013 phê duyệt Dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm - Dạy nghề giai đoạn 2012 - 2015 do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 1501/QĐ-LĐTBXH
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 04/10/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Phạm Thị Hải Chuyền
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/10/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản