Hệ thống pháp luật

Chương 8 Quyết định 1077-QĐ năm 1962 ban hành chế độ quản lý, sửa chữa đường ô tô do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Chương 8:

CẦU, CỐNG

Điều 72. - Cầu cống cần luôn luôn giữ gìn sạch sẽ đất bùn, phân súc vật, cỏ rác phải dọn ra khỏi mặt cầu mà không nên quét xuống dưới gầm cầu làm đọng lại trên rầm cầu hoặc các bộ phận khác, sinh ra nguyên nhân han rỉ, mục, mọt, phá hoại cầu và do đó dễ gây ra tai nạn.

Điều 73. – Sau mỗi trận mưa, có nước đọng trên mặt cầu thì phải lập tức quét cho khô ráo.

Điều 74. - Ở dưới gầm cầu, phải phát dọn cây cối để có diện thoát nước đầy đủ, giòng nước mưa lũ không bị cản trở, phá hoại móng mố cầu.

Điều 75. – Trong cống phải vét hết cỏ rác, xúc hết đất, cát, bùn ứ đọng làm tắc cống. Về mùa mưa lũ, cần ngăn ngừa cây củi trôi, va chạm cột cầu, mố cầu. Cần vớt hết rác bám vào cột trụ cầu.

Điều 76. – Đối với cầu gỗ, phải luôn luôn lấy nấm và cạo mối.

Điều 77. – Ván mặt cầu hay ván băng lăn trên mặt cầu phải đầy đủ. Đinh phải đóng chặt xuống ván và đầu đinh phải chìm xuống ván để khỏi tác hại đến lốp xe.

Điều 78. – Trên những mặt cầu rải bằng cấp phối hoặc đá dăm thì không được để có ổ gà. Nếu có đá bong lên thì phải quét dọn ngay ra ngoài mặt cầu.

1. Phòng hoả:

Điều 79. - Tất cả các cầu, nhất là cầu gỗ, hoặc có bộ phận bằng gỗ đều phải được phòng hoả. Dụng cụ vật liệu phòng hoả là những thùng chứa nước, chứa cát và bình chứa chất liệu làm tắt lửa. Tuỳ theo tính chất quan trọng của mỗi công trình mà trang bị.

Điều 80. – Để phòng hoả trên các cầu gỗ, cần chú ý những điểm sau đây:

Cấm đốt lửa cách cầu dưới 100m; cấm dụi tàn lửa lên cầu.

- Không được rải những chất dễ cháy trên mặt cầu.

- Cấm phơi cỏ, rơm rạ…trên cầu.

- Trên cầu và trong lòng cống, sau khi làm xong công việc sửa chữa thì phải quét dọn sạch sẽ gỗ vụn, mùn cưa, vỏ bào…

2. Phòng mục:

Điều 81. - Gỗ bị mục là loại gỗ tạp, gỗ hồng sắc, gỗ giác (gỗ tứ thiết “lỏi” không bị mục) dùng tươi hoặc khô, nhưng bị ẩm ướt sinh ra nấm.

Nguyên nhân chủ yếu phát triển nấm là do trong tế bào gỗ có chất đường và chất bột là những chất chủ yếu nuôi nấm. Do đó các công trình mới làm bằng gỗ cần được phòng mục để giữ công trình được bền, chắc.

Điều 82. – Có rất nhiều phương pháp phòng mục. Dưới đây là hai phương pháp thích hợp với điều kiện trang bị và thi công hiện nay của ta:

a) Phương pháp thứ nhất: Ngâm gỗ dưới nước ngọt (ao, hồ) một thời gian để chất đường và bột tan trong nước như vậy nấm không tìm được thức ăn để nuôi sống, do đó gỗ sẽ không bị mục. Ngâm xong phải để gỗ khô rồi mới dùng.

Phương pháp này là một phương pháp cổ truyền, ít tốn kém, nhưng mất nhiều thời gian (từ sáu tháng đến một năm).

b) Phương pháp thứ hai: Quét thuốc cao phòng mục. Có nhiều thứ cao nhưng hiện nay thứ cao phòng mục làm bằng bộ NAF là phổ biến hơn cả.

Công thức cao bột NAF như sau:

- Bột NAF                                              50%

- Nhựa đường số 4                                40%

- Dầu hoả xấu hoặc ma-dút                     10%

Tiêu chuẩn quét cao trung bình là từ 700gr đến 900gr/m2.

Điều 83. – Những cầu cũ chưa được phòng mục thì phải lợi dụng lúc tiến hành công tác sửa chữa thường xuyên và sửa chữa vừa mà làm công tác phòng mục cho các bộ phận cũ và mới.

Điều 84. – Công tác phòng mục không phải làm một lần là đủ mà phải luôn luôn theo dõi những chỗ mới phát sinh nấm để cạo đi và quét thuốc phòng mục.

3. Phòng mọt:

Điều 85. – Nguyên nhân chủ yếu sinh ra trong mọt là do trong tế bào gỗ, nhất là gỗ tươi, có chất đường và chất bột làm thức ăn cho mọt.

Vấn đề phòng mọt và chống mọt rất khó khăn và phức tạp, ta chưa có điều kiện làm được; chỉ dùng phương pháp cổ truyền là ngâm gỗ vào nước ngọt độ sáu tháng đến một năm, đem lên phơi thật khô trước khi dùng.

4. Phòng mối:

Điều 86. – Các công trình bằng gỗ thường bị mối ăn, nguyên nhân cũng do trong gỗ có chất đường và chất bột làm thức ăn cho mối.

Mối sinh ra và phát triển, trước hết ở đất ẩm ướt, đất xốp, đất có lộn nhiều cây, cỏ, lá mục. Vì vậy, chống mối có mấy việc phải làm:

- Đất tiếp giáp với công trình phải là đất tốt, đầm nền kỹ;

- Các cọc gỗ tiếp giáp với đất, nếu có điều kiện và xét cần thiết thì phải bọc bằng bê- tông cao khỏi mặt đất độ 30 – 40cm;

- Các bộ phận rầm, ván, sau khi đã phòng mục rồi thì phải sơn phòng nước thật kỹ;

- Luôn luôn theo dõi để cạo mối kịp thời.

5. Phòng rỉ:

Điều 87. – Đối với cầu sắt thép thường xuyên tiếp xúc với không khí, mưa, nắng, hơi nước mặn (ở miền biển), phải có biện pháp phòng rỉ để đề phòng sắt thép chống rỉ hư hỏng.

Riêng đối với cầu sắt ở vùng nước mặn, cần thường xuyên kiểm tra (sáu tháng một lần) để kịp thời có biện pháp chống rỉ.

Điều 88. – Biện pháp chống rỉ thông thường là sơn, nhằm che kín mặt ngoài của sắt thép khỏi tiếp xúc với không khí, mưa nắng, hơi nước mặn.

Cầu sắt thép mới làm thì phải sơn toàn bộ và sau đó trung bình ba năm sơn lại một lần. Kỳ hạn này không cố định và có thể ngắn hơn đối với cầu ở vùng nước mặn. Hơn nữa, kỳ hạn này cũng còn phụ thuộc vào kỹ thuật cạo rỉ trước khi sơn và kỹ thuật sơn.

Điều 89. – Đối với các bộ phận quan trọng dễ bị han rỉ (rầm dọc, rầm ngang, rầm thượng, rầm hạ) thì cần xét tình hình thực tế mà đề ra kỳ hạn sơn lại ngắn hơn đối với các bộ phận khác, đồng thời nên dùng một loại sơn tương đối bền hơn.

Điều 90. - Phải luôn luôn kiểm tra, nếu thấy có bộ phận bị tróc sơn hoặc bị rỉ thì lập tức phải cạo rỉ và quét sơn lại. Trước khi sơn phải quét sạch bụi bặm, đất bùn, cạo sạch lớp sơn cũ, lớp han rỉ.

Tất cả những khe hở, những chỗ nối không được tốt giữa các thanh cầu, có thể làm đọng nước, gió khó lọt vào, thì phải dùng sơn đặc mà bít kín.

Những chỗ lõm vì bị rỉ ăn mòn hoặc vì bị va chạm, thì phải trát sơn cho bằng mặt.

Điều 91. - Trước khi tiến hành sơn cầu sắt, cần phải kiểm tra kỹ những công tác chuẩn bị như: cạo sạch lớp sơn cũ, cạo rỉ đã tốt chưa.

Lớp sơn cũ hoặc rỉ sắt không cạo sạch thì việc phòng rỉ sẽ không có kết quả; mà còn tác hại hơn vì rỉ sẽ ăn loang dần dưới lớp sơn mới gây hư hại cho cầu mà không phát hiện được kịp thời. Do đó cạo rỉ là một việc rất quan trọng cần đặc biệt chú ý trong công tác sơn cầu.

Trong khi kiểm tra công tác chuẩn bị nói trên còn cần chú ý đến các hiện tượng không tốt của cầu, như vết nứt, bu-lông lỏng, ri-vê lỏng… để kịp thời sửa chữa trước khi sơn.

Nếu có vết nứt thì tuỳ tình hình của vết nứt và tầm quan trọng của bộ phận bị nứt mà quyết định phương pháp sửa chữa: hoặc thay thế cả thanh sắt, hoặc hàn lại các vết nứt.

Điều 92. – Công việc sơn cầu chỉ được tiến hành trong những ngày khô ráo, nhiệt độ từ 150C đến 250C. Khi trời mưa hay có sương mù thì tuyệt đối không được sơn.

Trình tự sơn là trước hết sơn lớp hồng đơn, xong quết hai lớp sơn xám. Lớp dưới phải thật khô mới được sơn lớp trên và tối thiểu phải để 24 giờ mới sơn lớp trên. Lớp trên hoàn toàn che kín lớp dưới. Nếu không quy định mầu sơn đặc biệt thì nên dùng màu sắc sáng sủa để vừa đẹp mắt, vừa dễ kiểm tra, vừa giảm bớt ảnh hưởng của nhiệt độ ánh sáng mặt trời đối với sắt thép. Màu xám nhạt thích hợp hơn cả.

Trên các bộ phận của cầu đã sơn, không được để sót một chỗ nào không sơn. Lớp sơn phải thật đều, không có vết răn hoặc còn đọng lại từng giọt.

6. Phòng hà:

Điều 93. – Các công trình bằng gỗ làm ở nước mặn đều bị hà ăn hư hỏng rất mau chóng. Ở vùng nước mặn hoàn toàn, hà ít ăn hơn vùng nước dở mặn dở ngọt (ở các khúc sông gần biển vừa có nước mặn vừa có nước ngọt lên xuống). Do đó trong công trình nằm dưới nước thì hà ăn hại nhiều nhất ở những bộ phận nằm trong phạm vi nước thuỷ triều lên xuống. Vì vậy cần phải có biện pháp phòng hà và chống hà cho các công trình bằng gỗ làm dưới nước mặn (kể cả công trình mới và cũ).

Điều 94. – Các phương pháp phòng hà và chống hà như sau:

a) Phương pháp thứ nhất: “Nấu nóng, ngâm lạnh” với hai loại thuốc phèn xanh và xút.

- Dùng 4 máng bằng gỗ chứa được những thanh gỗ dài nhất và lớn nhất của công trình cộng thêm thuốc pha chế, ngập lút gỗ.

Một máng đựng phèn xanh với nước nóng 600C

Một máng đựng phèn xanh với nước lã tỷ lệ 10 – 20% phèn xanh + 90 – 80% nước.

Một máng đựng xút với nước nóng 600C.

Một máng đựng xút với nước lã tỷ lệ 3 – 4% xút + 97 – 96% nước.

- Cho gỗ vào máng phèn xanh nóng 600C đúng 15 phút lấy ra cho vào máng phèn xanh lạnh đúng 5 phút. Vớt gỗ ra để 48 giờ cho gỗ thật khô. Chuyển gỗ vào máng xút nóng 600C đúng 15 phút lấy ra cho vào máng xút lạnh đúng 5 phút vớt ra để 48 giờ cho khô.

Nếu thấy thuốc thấm vào gỗ độ 1cm5 – 2cm (trừ gỗ tứ thiết có thể ít hơn) là được. Trường hợp thuốc thấm chưa đủ độ dày như trên thì phải làm lại như trước.

Sau khi phòng hà được rồi thì để 48 giờ cho gỗ thật khô, rồi sơn phòng nước bằng hắc ín.

b) Phương pháp thứ hai: Trường hợp cột cầu gỗ đã làm rồi bị hà ăn thì dùng phương pháp sau đây để diệt hà và phòng hà:

- Dùng ống lù bê-tông cốt thép dầy 5cm làm thành hai mảng bao xung quanh cột cầu; giữa ống bê-tông và cột đổ bê-tông (1m3 cát + 200Kg xi-măng + 150Kg đất sét bột + 250 lít nước).

- Có thể bọc cột gỗ bằng ống đồ gốm hoặc đồ sành nung chín như kiểu ống bọc xi- măng, hoặc bọc kẽm lá giữa lớp kẽm lá và cột gỗ, đệm một lớp giấy tẩm nhựa đường.

c) Phương pháp thứ ba: Dùng hoá chất. Có nhiều loại hoá chất dùng để phòng trừ hà có hiệu quả như: cơ-rê-ô-zôt, nap-te-nat, sun-phát đồng. Dùng cơ-rê-ô-zôt hoặc sun-phát đồng với tỷ lệ 10, 15, 20, 25%. Sau đó dùng xút để không bị hoà tan khi gặp nước.

7. Phòng nước mặn phá hoại công trình bê-tông:

Điều 95. - Muốn bảo vệ công trình bê-tông khỏi bị hư hại vì nước mặn phải:

- Tìm một loại xi-măng chống được sự phá hoại của nước biển;

- Cải tiến phẩm chất bê-tông để chống lại sự phá hại của nước biển;

- Tìm biện pháp bảo vệ cốt thép chống rỉ, do nước biển;

- Nghiên cứu thêm về mặt kết cấu công trình ở biển để công trình chịu đựng được với sự phá hoại của nước mặn.

Điều 96. – Đối với công trình mới bằng bê-tông ở nước mặn.

- Dùng loại xi-măng Pu-dơ-lan Sơn-Tây có 30% Pu-dơ-lan (xi-măng Pooc-lăng ngâm trong nước biển bị phá hoại hơn là xi-măng Pu-dơ-lan). Đối với công trình bê-tông không cốt thép, như móng kè, thì dùng loại xi-măng này càng có tác dụng tốt.

Chú ý đặc biệt cải tiến phẩm chất bê-tông, chủ yếu là đúc bê-tông thật đông đặc và đầm thật chặt để không ngấm nước. Do đó, đối với công trình quan trọng cần chọn vật liệu có phẩm chất tốt, nghiên cứu thành phần bê-tông thích hợp, sử dụng lượng nước ít, tỷ lệ nước xi-măng thấp, tận dụng cách trộn và dầm bằng máy nếu có, tận dụng hoá chất dẻo.

- Đảm bảo đúng phương pháp thi công, bảo dưỡng bê-tông thật cẩn thận, và tranh thủ thời gian để bê-tông được bảo dưỡng lâu trong không khí;

- Tăng lớp bê-tông bao bọc cốt thép từ 4 đến 8cm ở những bộ phận tiếp xúc với nước mặn. Cốt thép phải được soát lại và sửa sang bố trí đúng theo quy định, trước khi đúc bê-tông.

Nếu điều kiện cho phép, bao thêm một lớp phòng nước bên ngoài như nhựa đường hoặc loại phòng nước khác có hiệu quả, trước khi bê-tông tiếp xúc với nước mặn.

Điều 97. – Đối với công trình cũ bằng bê-tông ở nước mặn:

- Thực hiện chế độ kiểm tra định kỳ để phát hiện kịp thời những rạn nứt hư hỏng và có biện pháp sửa chữa thích hợp;

- Lớp phòng nước (như nhựa đường) lâu năm có thể bị hao mất, cần chú ý sơn lại ở những nơi có thể sơn được;

- Đối với công trình đã bị phá hoại nghiêm trọng như vỡ bê-tông, rỉ ăn đứt cốt thép, tuỳ tình hình cụ thể mà quyết định phương pháp sửa chữa. Có thể đục bỏ bê-tông bị hư hỏng, cạo sạch rỉ hoặc cắt bỏ những đoạn cốt thép bị rỉ nhiều, và thay cốt thép mới vào, dùng máy phun xi-măng vào các khe hở, các góc nhỏ và ốp thêm bê-tông ép chặt lại ở các lỗ to.

8. Khe hở co dãn nhiệt độ, co đệm cọ xát và con đệm xoay:

Điều 98. – Các khe co dãn giữa các bộ phận bằng sắt thép, bằng bê-tông cốt thép cần được luôn luôn chú ý không để có vật gì làm trở ngại sự co dãn. Để bảo đảm không cho nước ứ đọng trong các khe hở co dãn; nên dùng nhựa đường trát bằng mặt các khe này.

Phải luôn luôn xem xét và bồi đắp tu sửa các vật liệu đệm, vì nếu để hư hỏng, nước mưa lọt vào để gây tác hại lớn và việc sửa chữa sẽ phức tạp và tốn kém.

Điều 99. - Để cho toàn bộ cầu được co dãn đều đặn, bảo đảm an toàn cho cầu, cần luôn luôn chú ý kiểm tra các con đệm cọ xát hay con đệm xoay các con đệm phải có tác dụng đầy đủ.

Mặt cọ xát và trục xoay nên luôn luôn cho dầu nhờn để các bộ phận ấy có tác dụng đầy đủ. Trước khi bôi trơn dầu nhờn, cần chú ý lau chùi thật sạch sẽ bụi đất và rác rưởi.

Quyết định 1077-QĐ năm 1962 ban hành chế độ quản lý, sửa chữa đường ô tô do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 1077-QĐ
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/09/1962
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Dương Bạch Liên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 47
  • Ngày hiệu lực: 15/09/1962
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH