Hệ thống pháp luật

Chương 10 Quyết định 1077-QĐ năm 1962 ban hành chế độ quản lý, sửa chữa đường ô tô do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Chương 10:

1. Quản lý công tác sửa chữa.

Điều 102. – Toàn bộ công tác sửa chữa đường ô-tô quy định trong bản chế độ này do các Sở và Ty Giao thông vận tải quản lý.

Điều 103. – Đối với hệ thống đường quốc lộ, mỗi khu, tỉnh, thành phố tổ chức một đoạn bảo dưỡng phụ trách công tác sửa chữa thường xuyên các tuyến đường quốc lộ trong địa phương mình, khu, tỉnh nào mà chiều dài đường quốc lộ trên 400Km thì có thể tổ chức thành hai đoạn.

Điều 104. – Các đoạn bảo dưỡng mặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các Sở, Ty giao thông vận tải, đồng thời chịu sự chỉ đạo về kỹ thuật nghiệp vụ của Cục Vận tải đường bộ thuộc Bộ Giao thông vận tải.

Điều 105. - Tổ chức sản xuất trực thuộc các đoạn bảo dưỡng gồm có:

- Các hạt đường,

- Các hạt cầu,

- Các bến phà.

Dưới các hạt, tổ chức thành cung.

Đối với các công trình cầu, nơi nào có dưới 300m cầu sắt thì không có tổ chức hạt cầu, mà bố trí một tổ công nhân chuyên trách trực thuộc đoạn.

Điều 106. - Để bảo đảm công tác sửa chữa thường xuyên, các đoạn bảo dưỡng có những lực lượng công nhân chuyên nghiệp như sau:

Công nhân sửa chữa đường,

Công nhân sửa chữa cầu,

Công nhân thuỷ thủ phà.

- Tiêu chuẩn định viên công nhân sửa chữa đường sẽ căn cứ vào điều kiện kỹ thuật của từng loại đường, hoàn cảnh địa lý và tình hình lưu lượng xe chạy hàng ngay trên từng đoạn đường, tuyến đường để xác định;

- Tiêu chuẩn định viên công nhân sửa chữa cầu sẽ căn cứ vào số lượng và chiều dài các cầu thuộc các đoạn, điều kiện kỹ thuật của từng loại cầu và tình hình lưu lượng xe chạy hàng ngày trên các đoạn đường để xác định;

- Tiêu chuẩn định viên công nhân thuỷ thủ phà sẽ căn cứ vào lưu lượng xe qua phà, số lượng phà, ca-nô, chiều rộng sông nước và tốc độ nước chảy của từng bến để xác định;

Điều 107. - Đoạn bảo dưỡng đường có những nhiệm vụ như sau:

a) Tổ chức việc sửa chữa thường xuyên đường sá, nhằm giữ gìn tốt đường, cầu, phà, nhà cửa và các thiết bị an toàn trên đường để bảo đảm giao thông vận tải được thông suốt, an toàn và không ngừng nâng cao năng lực phục vụ của đường sá, đúng theo các quy định của bản chế độ này.

b) Tiến hành việc đăng ký, tuần tra thường xuyên để nắm vững tình trạng đường, cầu, phà,  kịp thời phát hiện những chỗ hư hỏng và có kế hoạch sửa chữa kịp thời.

c) Quản lý tốt các bến phà trên các tuyến đường thuộc địa phận mình, bảo đảm sự qua lại của phương tiện vận tải, người và súc vật được an toàn, nhanh chóng, thuận tiện.

d) Tổ chức việc trồng cây, khai thác, tận dụng đất ven đường, làm cho đường sá được tốt đẹp, bền, đồng thời thu hoa lợi ven đường, thực hiện dần phương châm lấy đường nuôi đường.

e) Thu tiền cước qua phà các khoản phí tổn sửa đường trong địa phương mình.

g) Nghiệm thu các công trình sau khi đã được sửa chữa vừa hoặc sửa chữa lớn trên các đường thuộc phạm vi quản lý của mình và các công trình xây dựng mới giao cho đoạn mình quản lý.

h) Tuyên truyền giáo dục nhân dân tuân theo các luật lệ giao thông, chính sách bảo dưỡng đường; theo dõi kiểm tra việc thi hành các luật lệ chính sách đó.

i) Trong điều kiện có thể, tổ chức việc hướng dẫn giúp đỡ nhân dân thuộc khu vực ven đường xây dựng, phát triển và củng cố đường sá nông thôn.

k) Tổ chức và vận động nhân dân tham gia công tác bảo vệ đường, cầu phà, chống âm mưu phá hoại của địch, chống mưa lũ để bảo đảm giao thông.

Điều 108. – Đối với công tác phà, bến phà còn có nhiệm vụ:

- Bảo đảm vận chuyển xe ô-tô qua sống bất cứ lúc nào, phấn đấu để thực hiện khẩu hiệu “phà chờ xe, xe không chờ phà” trừ những bến khó khăn, những bến không thường xuyên do Bộ Giao thông vận tải quy định riêng và những trường hợp xét nguy hiểm như lụt bão;

- Theo dõi tốc độ sang ngang, mức nước bến phà, mức tiêu thụ xăng, dầu, mỡ của ca-nô, lưu lượng xe qua phà;

- Xây dựng nội quy và đôn đốc việc thi hành nghiêm chỉnh nội quy bến phà.

Điều 109. – Các hạt đường, hạt cầu và bến phà được trang bị đầy đủ dụng cụ và thiết bị thích ứng để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ công tác kịp thời tốt và an toàn.

Điều 110. – Đối với công tác sửa chữa vừa và sửa chữa lớn, tổ chức những đội chủ lực về đường và những đội chủ lực về công trình kỹ thuật.

Quy mô tổ chức sẽ do Bộ Giao thông vận tải quyết định tuỳ theo kế hoạch dài hạn của Nhà nước phê chuẩn.

Điều 111. – Đối với hệ thống đường địa phương việc tổ chức thực hiện do Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố quyết định tuỳ theo hoàn cảnh và khả năng của từng địa phương.

2. Kiểm tra.

a) Kiểm tra thường xuyên;

Điều 112. – Công tác kiểm tra thường xuyên do các đoạn và hạt đường phụ trách đối với hệ thống đường quốc lộ và do các phòng giao thông huyện phụ trách đối với hệ thống đường địa phương và thực hiện ít nhất mỗi tháng một lần, ngoài công tác sửa chữa thường xuyên hàng ngày, nhằm:

- Dự tính những hư hỏng sẽ phát sinh để dễ phòng trước và phát hiện những hư hỏng để có biện pháp sửa chữa.

Đôn đốc, hướng dẫn thực hiện những công tác sửa chữa thường xuyên đã đề ra hàng tháng, hàng quý, chú trọng công tác trọng tâm và trọng điểm từng mùa.

Mỗi lần kiểm tra, cán bộ phụ trách kiểm tra phải lập biên bản kiểm tra cụ thể gửi về cho Sở, Ty Giao thông địa phương.

Điều 113. Ngoài việc kiểm tra thường xuyên hàng tháng, công tác kiểm tra còn cần phải được tiến hành sau mỗi trận mưa lũ đối với các cống. Đối với những cầu cống có hiện tượng lún, nứt… thì tuỳ theo mức độ nghiêm trọng mà có thể định thêm kỳ kiểm tra.

Việc kiểm tra thường xuyên phải chú trọng tất cả các bộ phận của công trình kỹ thuật.

b) Kiểm tra định kỳ:

Điều 114. – Công tác kiểm tra định kỳ do các Sở, Ty Giao thông vận tải phụ trách và thực hiện mỗi năm ba kỳ:

- Một kỳ trước khi lập kế hoạch sửa chữa vừa và sửa chữa lớn hàng năm;

- Một kỳ trước mùa mưa lũ để lập kế hoạch bảo vệ công trình và bảo đảm giao thông trong mùa mưa lũ sắp đến;

- Một kỳ sau mùa mưa lũ để xác định tình hình cầu đường và lập kế hoạch sửa chữa.

Biên bản kiểm tra phải gửi về cho Cục vận tải đường bộ.

c) Kiểm tra bất thường:

Điều 115. – Công tác kiểm tra bất thường được tiến hành trong những trường hợp sau đây:

- Nghiệm thu cầu mới.

- Nghiệm thu cầu sau khi đã được sửa chữa lớn hoặc khôi phục.

- Khi cầu có hiện tượng đáng nghi về sức chịu đựng của cầu không rõ ràng, cần xác định lại.

- Khi cầu xẩy ra trường hợp nguy hiểm bất ngờ.

Điều 116. - Việc phân công kiểm tra bất thường quy định như sau:

- Đối với cầu làm mới, khôi phục hay sửa chữa lớn;

- Cục vận tải đường bộ nghiệm thu các cầu hạng lớn.

- Sở Giao thông nghiệm thu cầu hạng vừa.

Trường hợp không có Sở Giao thông thì các Cục phụ trách.

- Ty Giao thông nghiệm thu cầu hạng nhỏ.

Đối với những cầu có hiện tượng yếu hoặc hư hỏng bất ngờ:

- Ty Giao thông phụ trách kiểm tra các trường hợp này.

Nếu xét thấy cần cấp trên kiểm tra thì Cục và Sở Giao thông phối hợp kiểm tra lại.

- Cục và Sở Giao thông phụ trách xác định trọng tải đối với cầu bê-tông cũ.

3. Một số chế độ cần lưu ý trong công tác sửa chữa.

a) Bảo vệ an toàn lao động:

Điều 117. – Công tác sửa chữa đường, cầu, phà là những công tác lao động có tính chất phức tạp và dễ gây tai nạn, cho nên vấn đề bảo vệ an toàn lao động cần phải được đề cao. Các quy định về chế độ trang bị bảo hộ lao động phải được thi hành nghiêm chỉnh.

Đối với mỗi loại công tác, cần phải có một nội quy thích ứng để bảo vệ an toàn lao động cho cán bộ và công nhân trực tiếp sản xuất, cũng như để tránh tai nạn xảy ra đối với nhân dân nói chung.

b) Bảo vệ an toàn giao thông:

Điều 118. – Sửa chữa đường, cầu, phà là để bảo đảm giao thông vận tải được liên tục, nhanh chóng và an toàn. Do đó vấn đề bảo vệ an toàn giao thông luôn luôn phải được chú trọng, nhất là trong thời kỳ đường, cầu, phà đang được tiến hành sửa chữa. Các biện báo hiệu, các cọ tiêu, các hàng rào an ninh, phải luôn luôn được đầy đủ, rõ ràng, cắm đúng vị trí và quy tắc đã định.

Quyết định 1077-QĐ năm 1962 ban hành chế độ quản lý, sửa chữa đường ô tô do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 1077-QĐ
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/09/1962
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Dương Bạch Liên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 47
  • Ngày hiệu lực: 15/09/1962
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH