Hệ thống pháp luật

Chương 4 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành

Chương 4

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CÔNG CỤ HỖ TRỢ

Điều 29. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa công cụ hỗ trợ

1. Việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa các loại công cụ hỗ trợ được thực hiện trong các cơ sở, doanh nghiệp thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng .

2. Trường hợp cơ sở, doanh nghiệp của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng không bảo đảm việc nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa thì có thể thực hiện theo phương thức đấu thầu hoặc đặt hàng tại các cơ sở, doanh nghiệp đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ.

3. Công cụ hỗ trợ sản xuất trong nước phải được đóng số hiệu, ký kiệu, tên nước sản xuất, cơ sở sản xuất, năm sản xuất, hạn sử dụng, chủng loại.

4. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể việc quản lý các cơ sở nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa công cụ hỗ trợ.

Điều 30. Đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ

1. Công cụ hỗ trợ được trang bị cho các đối tượng theo quy định của pháp luật.

2. Các đối tượng khác có nhu cầu trang bị công cụ hỗ trợ thì căn cứ vào tính chất, yêu cầu nhiệm vụ, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc trang bị công cụ hỗ trợ đối với Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ. Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc trang bị công cụ hỗ trợ đối với công an nhân dân; chủ trì phối hợp với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có liên quan quy định việc trang bị công cụ hỗ trợ đối với các đối tượng khác.

Điều 31. Vận chuyển công cụ hỗ trợ

1. Việc vận chuyển công cụ hỗ trợ phải bảo đảm an toàn theo đúng quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an.

2. Việc vận chuyển công cụ hỗ trợ với số lượng lớn hoặc loại nguy hiểm thực hiện theo quy định sau đây:

a) Phải có mệnh lệnh hành quân, mệnh lệnh vận chuyển hoặc giấy phép vận chuyển của cấp có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định;

b) Bảo đảm bí mật, an toàn;

c) Có phương tiện chuyên dùng;

d) Không được chở công cụ hỗ trợ và chở người trên cùng một phương tiện, trừ người có trách nhiệm trong việc vận chuyển;

đ) Không dừng, đỗ phương tiện ở nơi đông người, khu vực dân cư, nơi có công trình quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa, ngoại giao.

Trường hợp cần nghỉ qua đêm hoặc do sự cố phải dừng lại lâu trên đường, khi không đủ lực lượng bảo vệ phải thông báo ngay cho cơ quan Quân đội, Công an nơi gần nhất biết để phối hợp bảo vệ.

Điều 32. Nhập khẩu, xuất khẩu, kinh doanh công cụ hỗ trợ

1. Việc nhập khẩu, xuất khẩu, kinh doanh công cụ hỗ trợ do các cơ sở, doanh nghiệp của Bộ Công an, Bộ quốc phòng và các tổ chức, doanh nghiệp có đủ điều kiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ thực hiện.

2. Công cụ hỗ trợ nhập khẩu, xuất khẩu, kinh doanh phải bảo đảm các yêu cầu về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; tên nước sản xuất, cơ sở sản xuất, năm sản xuất, hạn sử dụng, chủng loại, ký hiệu trên từng công cụ hỗ trợ.

Căn cứ vào nhu cầu hàng năm của các đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 30 của Pháp lệnh này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định nhập khẩu công cụ hỗ trợ để trang bị cho Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ; Bộ trưởng Bộ Công an quyết định nhập khẩu công cụ hỗ trợ để trang bị cho các đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.

Việc xuất khẩu công cụ hỗ trợ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định.

3. Kinh doanh công cụ hỗ trợ:

a) Cơ sở, doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh công cụ hỗ trợ phải bảo đảm các điều kiện về an ninh, trật tự;

b) Chỉ được nhượng, bán công cụ hỗ trợ cho các đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ theo quy định của Pháp lệnh này.

Điều 33. Sử dụng công cụ hỗ trợ

1. Người được giao công cụ hỗ trợ khi thi hành công vụ được sử dụng trong các trường hợp sau đây:

a) Các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 22 của Pháp lệnh này;

b) Ngăn chặn người đang có hành vi đe doạ trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ của người khác,

c) Bắt giữ người theo quy định của pháp luật;

d) Thực hiện phòng vệ chính đáng theo quy định của pháp luật.

2. Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc sử dụng đối với từng loại công cụ hỗ trợ.

Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành

  • Số hiệu: 16/2011/UBTVQH12
  • Loại văn bản: Pháp lệnh
  • Ngày ban hành: 30/06/2011
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Phú Trọng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 427 đến số 428
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH