Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 84/NQ-HĐND

Thừa Thiên Huế, ngày 26 tháng 8 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH PHÂN CẤP NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 68/NQ-CP NGÀY 01 THÁNG 7 NĂM 2021 CỦA CHÍNH PHỦ VÀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG KHÔNG CÓ GIAO KẾT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG (LAO ĐỘNG TỰ DO) VÀ MỘT SỐ ĐỐI TƯỢNG ĐẶC THÙ KHÁC GẶP KHÓ KHĂN DO ẢNH HƯỞNG CỦA ĐẠI DỊCH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
KHÓA VIII, KỲ HỌP CHUYÊN ĐỀ LẦN THỨ NHẤT

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19;

Căn cứ Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19;

Xét Tờ trình số 7691/TTr-UBND ngày 24 tháng 8 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị ban hành Nghị quyết Quy định phân cấp nguồn kinh phí thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ và chính sách hỗ trợ cho người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Báo cáo thẩm tra của Ban văn hóa - xã hội và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Quy định việc sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ như sau:

1. Đối với các chính sách hỗ trợ theo phân cấp ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương chi trả (Trung ương hỗ trợ địa phương 60% mức thực chi, 40% còn lại sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện).

2. Đối với chính sách hỗ trợ cho người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế do ngân sách địa phương đảm bảo, cụ thể:

a) Ngân sách tỉnh đảm bảo 75%, sử dụng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh, Quỹ dự trữ tài chính và các nguồn huy động hợp pháp khác.

b) Ngân sách huyện đảm bảo 25%, sử dụng từ nguồn dự phòng ngân sách cấp huyện (không gồm cấp xã) và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Điều 2. Quy định chính sách hỗ trợ cho người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, với các nội dung chủ yếu sau:

1. Đối tượng hỗ trợ

a) Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) làm việc trong lĩnh vực, công việc thuộc các nhóm sau:

- Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định;

- Thu gom rác, thu mua phế liệu;

- Bốc vác, vận chuyển hàng hóa bằng xe ba gác, xe thô sơ; lái xe ôm truyền thống (không tính grab, shipper), xe xích lô chở khách;

- Bán lẻ xổ số lưu động;

- Tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực lưu trú, du lịch;

- Các trường hợp bị ảnh hưởng theo quy định để phòng chống dịch trong thời gian từ 01 tháng 5 năm 2021 đến 31 tháng 12 năm 2021 gồm:

+ Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp ở các vùng bị phong tỏa, giãn cách xã hội theo quy định của cơ quan có thẩm quyền để phòng chống dịch.

+ Tự làm hoặc làm việc trong các ngành nghề, lĩnh vực bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phòng chống dịch.

+ Tự làm hoặc làm việc tại các nhà hàng, quán ăn, điểm bán hàng đặc sản lưu niệm dọc tuyến Quốc lộ 1A theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phòng chống dịch.

b) Đối tượng đặc thù khác gồm:

- Đối tượng được nuôi dưỡng trong các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập.

- Hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội.

2. Điều kiện hỗ trợ:

a) Cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế theo quy định của Luật Cư trú (trường hợp tạm trú phải có đăng ký tạm trú được cơ quan công an xác nhận từ 6 tháng trở lên).

b) Người lao động thuộc đối tượng quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 2 Nghị quyết này bị mất việc làm; không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

3. Nguyên tắc hỗ trợ:

Thực hiện theo quy định tại khoản 2, Mục I, Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và khoản 6, Điều 44 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Đối với hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội mà có ít nhất một thành viên được hưởng chính sách hỗ trợ thì chỉ được hưởng một chính sách cao nhất.

4. Mức hỗ trợ:

a) Đối với người lao động: 1.500.000 đồng/người/lần (Riêng đối với người lao động tự làm hoặc làm việc tại các nhà hàng, quán ăn, điểm bán hàng đặc sản lưu niệm dọc tuyến Quốc lộ 1A theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phòng chống dịch là: 2.000.000 đồng/người/lần).

b) Đối với hộ: 1.500.000 đồng/hộ/lần.

5. Phương thức thực hiện: Hỗ trợ một lần.

Điều 3. Kinh phí thực hiện

Tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP dự kiến: 67.429 triệu đồng, trong đó:

a) Ngân sách Trung ương dự kiến: 13.446 triệu đồng.

b) Ngân sách địa phương dự kiến: 53.983 triệu đồng, trong đó kinh phí dự kiến hỗ trợ cho lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác quy định tại Nghị quyết này dự kiến là: 45.019 triệu đồng.

Điều 4. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai và chỉ đạo các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện Nghị quyết đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch và đúng đối tượng.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết theo nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật quy định.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VIII, Kỳ họp chuyên đề lần thứ nhất thông qua ngày 26 tháng 8 năm 2021./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- UBTV Quốc hội, Chính phủ;
- Ban Công tác đại biểu Quốc hội;
- Các bộ: LĐ,TB&XH; Tài chính;
- Thường vụ Tỉnh ủy;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế;
- Công báo tỉnh; Cổng TTĐT tỉnh;
- VP: Lãnh đạo và các CV;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Lê Trường Lưu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 84/NQ-HĐND năm 2021 quy định về phân cấp nguồn kinh phí thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và chính sách hỗ trợ cho người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

  • Số hiệu: 84/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 26/08/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Lê Trường Lưu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/08/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản