Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/2021/NQ-HĐND

Đắk Lắk, ngày 17 tháng 12 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ VÀ ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ DỰ TOÁN CHI THƯỜNG XUYÊN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG NĂM 2022

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ BA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 ngày 01 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2022;

Căn cứ Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2022;

Xét Tờ trình số 145/TTr-UBND ngày 30 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị ban hành Nghị quyết quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022; Báo cáo thẩm tra số 199/BC-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2021 của Ban Kinh tế Ngân sách, Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương áp dụng cho năm ngân sách 2022 và thời kỳ ổn định ngân sách mới theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Nghị quyết của Quốc hội.

2. Đối tượng áp dụng

a) Các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh; các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

b) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lập, phân bổ, chấp hành dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước.

Điều 2. Nguyên tắc, tiêu chí phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022

1. Nguyên tắc

a) Định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách địa phương phải góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bảo đảm quốc phòng, an ninh; ưu tiên bố trí kinh phí cho những lĩnh vực quan trọng và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới.

b) Phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương năm 2022; thúc đẩy từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

c) Tăng cường tính chủ động, gắn với chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách chi ngân sách Nhà nước.

d) Tiêu chí phân bổ ngân sách phải rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, kiểm tra và giám sát; bảo đảm công bằng, công khai và minh bạch.

đ) Dự toán chi thường xuyên ngân sách của các huyện, thị xã, thành phố tính theo định mức năm 2022 đảm bảo không thấp hơn dự toán chi thường xuyên năm 2021 đã được Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định và Ủy ban nhân dân tỉnh giao.

2. Tiêu chí

a) Tiêu chí dân số: Dân số của từng huyện, thị xã, thành phố do Cục Thống kê tỉnh xác định theo số liệu dự kiến dân số trung bình năm 2022;

b) Các tiêu chí: Số biên chế, số học sinh, số giường bệnh xác định theo quyết định giao chỉ tiêu của cấp có thẩm quyền;

c) Xã đặc biệt khó khăn, biên giới, trọng điểm về an ninh quốc phòng; xã loại 1, 2, 3; xã khu vực I, II, III xác định theo quyết định của cấp có thẩm quyền;

d) Phân nhóm địa bàn:

- Địa bàn nhóm I: Thành phố Buôn Ma Thuột;

- Địa bàn nhóm II: Thị xã Buôn Hồ và các huyện Cư M’gar, Ea Kar, Ea H’leo, Krông Pắc;

- Địa bàn nhóm III: Các huyện Krông Năng, Cư Kuin;

- Địa bàn nhóm IV: Các huyện Krông Bông, M’Drắk, Ea Súp, Buôn Đôn, Lắk, Krông Ana, Krông Búk.

Điều 3. Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên cho các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh

1. Định mức phân bổ dự toán chi quản lý hành chính.

a) Phân bổ dự toán chi quản lý hành chính theo phương pháp lũy thoái đối với số biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao. Số biên chế của từng cơ quan, đơn vị được chia thành các bậc khác nhau với quy mô biên chế của bậc đầu tiên là 20 biên chế trở xuống. Định mức phân bổ ngân sách giảm dần theo các bậc biên chế:

Đơn vị tính: đồng/biên chế/năm

TT

Quy mô biên chế

Định mức

1

Các Sở, ban, ngành, đơn vị thuộc tỉnh (không bao gồm biên chế của các đơn vị trực thuộc)

 

 

Từ 20 biên chế trở xuống

31.000.000

 

Từ biên chế thứ 21 đến 40

29.000.000

 

Từ biên chế thứ 41 đến 60

27.000.000

 

Từ biên chế thứ 61 đến 80

25.000.000

 

Từ biên chế thứ 81 trở lên

23.000.000

2

Các đơn vị trực thuộc Sở, ban, ngành, đơn vị thuộc tỉnh

 

 

Từ 20 biên chế trở xuống

30.000.000

 

Từ biên chế thứ 21 đến 40

28.000.000

 

Từ biên chế thứ 41 đến 60

26.000.000

 

Từ biên chế thứ 61 đến 80

24.000.000

 

Từ biên chế thứ 81 trở lên

22.000.000

Ngoài định mức phân bổ trên, phân bổ thêm cho các cơ quan, đơn vị:

- Phân bổ thêm 20% định mức nêu tại bảng định mức trên cho: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Sở Ngoại vụ, Sở Tư pháp, Ban Dân tộc tỉnh, Thanh tra tỉnh.

- Phân bổ thêm 30% định mức nêu tại bảng định mức trên cho: Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Tỉnh ủy Đắk Lắk (Văn phòng Tỉnh ủy, các cơ quan tham mưu giúp việc của Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh), Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư.

- Hỗ trợ theo mức khoán 90 triệu đồng/lao động/năm để chi tiền công, các khoản đóng góp và hỗ trợ chi hoạt động cho lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

b) Định mức phân bổ quy định trên đã bao gồm:

- Các khoản chi hoạt động thường xuyên: thanh toán dịch vụ công cộng, vật tư văn phòng, thông tin, tuyên truyền, liên lạc, hội nghị, tổng kết, phúc lợi tập thể, công tác phí, điện, nước, nhiên liệu, vận hành trụ sở làm việc; chi nâng cấp trang thông tin điện tử cơ quan; chi khen thưởng theo chế độ; chi hỗ trợ hoạt động cho công tác Đảng, Đoàn thể trong cơ quan, đơn vị;

- Các khoản chi nghiệp vụ mang tính thường xuyên: Chi nghiệp vụ chuyên môn quản lý ngành, lĩnh vực; chi tập huấn, tuyên truyền, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật; chi bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ, công chức; chi hoạt động kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật;

- Chi mua sắm bổ sung trang thiết bị làm việc, bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa thường xuyên tài sản công.

c) Định mức phân bổ quy định trên chưa bao gồm:

- Chi lương, phụ cấp và các khoản đóng góp theo số biên chế được cấp có thẩm quyền giao;

- Các khoản chi đặc thù mang tính chất chung, gồm: Đóng niên liễm; kinh phí đối ứng của các dự án; chi thuê trụ sở; chi đào tạo lại cán bộ, công chức; chi xây dựng văn bản QPPL và hoàn thiện hệ thống pháp luật; chi tổ chức Đại hội cấp tỉnh, Hội nghị cấp tỉnh được cơ quan có thẩm quyền quyết định;

- Các khoản chi đặc thù mang tính chất riêng biệt, gồm: Trang phục; chi giám sát, phản biện xã hội, tổ chức các hoạt động phong trào của các tổ chức chính trị - xã hội; chi thực hiện các cuộc tổng điều tra thống kê, các cuộc điều tra theo chu kỳ 02 năm, 05 năm, các cuộc điều tra đột xuất theo quyết định của cấp có thẩm quyền; chi hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ xử phạt vi phạm hành chính; chi hoạt động của các Ban chỉ đạo, các đoàn công tác do Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

- Chi mua xe ô tô; chi sửa chữa lớn trụ sở, tài sản công; chi mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc theo quy định của cấp có thẩm quyền và khả năng ngân sách hàng năm.

- Chi hoạt động của Thường trực Tỉnh ủy; chi thực hiện một số chế độ bảo đảm hoạt động của Tỉnh ủy theo quy định (Quyết định số 99-QĐ/TW ngày 30/5/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quy định số 09-QĐ/VPTW ngày 22/9/2017 của Văn phòng Trung ương Đảng, Quy định số 06-QĐ/TU ngày 03/01/2018 của Tỉnh ủy Đắk Lắk,...)

- Các nhiệm vụ phát sinh không thường xuyên khác được cơ quan có thẩm quyền quyết định.

d) Định mức trên không áp dụng để phân bổ dự toán chi quản lý hành chính đối với các hội có tính chất đặc thù, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

2. Định mức phân bổ dự toán chi sự nghiệp.

Định mức phân bổ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp công lập là cơ sở để xác định mức kinh phí giao thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực: Giáo dục đào tạo; giáo dục nghề nghiệp; y tế - dân số; văn hóa, thể thao và du lịch; thông tin và truyền thông; khoa học và công nghệ; các hoạt động kinh tế và lĩnh vực khác; thực hiện hỗ trợ theo mức khoán cho lao động hợp đồng được cơ quan có thẩm quyền giao theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ như quy định đối với chi quản lý hành chính; cụ thể:

a) Sự nghiệp giáo dục (áp dụng cho các cơ sở giáo dục công lập)

Phân bổ theo số lượng học sinh:

- Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật: 7,5 triệu đồng/học sinh/năm.

- Trường trung học phổ thông Dân tộc nội trú N’Trang Lơng: 3 triệu đồng/ học sinh/năm; Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Du: 2,3 triệu đồng/học sinh/năm; các Trường trung học phổ thông đóng trên địa bàn các xã khu vực III: 1,4 triệu đồng/học sinh/năm.

- Các Trường trung học phổ thông còn lại: 1,1 triệu đồng/học sinh/năm.

Theo định mức phân bổ trên, nếu tỷ lệ chi cho hoạt động, giảng dạy và học tập (không kể lương và có tính chất lương) nhỏ hơn 14% so với tổng kinh phí tự chủ của đơn vị thì được tính bổ sung để đảm bảo tỷ lệ chi tiền lương, phụ cấp, các khoản có tính chất lương (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn) tối đa 86% theo mức tiền lương cơ sở 1.490.000 đồng; chi cho hoạt động, giảng dạy, học tập và các khoản chi mua sắm, sửa chữa nhỏ thường xuyên tối thiểu 14%.

Định mức phân bổ trên chưa bao gồm:

Chi tiền lương, các khoản có tính chất như lương: Các phụ cấp (bao gồm cả phụ cấp thâm niên, thu hút, ưu đãi nghề), tăng lương định kỳ hàng năm; các khoản trích theo lương (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn...);

Chính sách an sinh xã hội thuộc lĩnh vực giáo dục: Chế độ học bổng chính sách cho học sinh nội trú; chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; chính sách học bổng và hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập đối với học sinh khuyết tật; chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập…

Các khoản chi hoạt động có tính chất đặc thù khác phát sinh theo từng năm học như: Hỗ trợ dạy kê, thay cho giáo viên thực hiện nhiệm vụ cộng tác viên thanh tra, giáo viên được cử đi học,...

b) Sự nghiệp đào tạo và dạy nghề

- Tính đủ quỹ tiền lương theo biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao, khấu trừ từ nguồn cải cách tiền lương được trích từ nguồn thu của các đơn vị theo quy định (nếu có).

- Định mức phân bổ chi thường xuyên bằng 85% định mức phân bổ chi quản lý hành chính cấp tương đương của đơn vị cùng quy mô biên chế. Riêng Trường Chính trị tỉnh và Trung tâm huấn luyện kỹ năng (trực thuộc Tỉnh Đoàn) phân bổ bằng định mức phân bổ chi quản lý hành chính của đơn vị cùng quy mô biên chế.

c) Sự nghiệp y tế, dân số và gia đình

- Công tác khám, chữa bệnh (Khối các bệnh viện)

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Ngân sách nhà nước không hỗ trợ chi thường xuyên.

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên:

Bệnh viện hạng II: 20 triệu đồng/giường bệnh/năm;

Bệnh viện hạng III: 19 triệu đồng/giường bệnh/năm.

- Công tác y tế dự phòng, dân số (Khối các Trung tâm y tế):

Tính đủ quỹ lương theo biên chế được cấp có thẩm quyền giao. Định mức phân bổ chi thường xuyên (trừ biên chế của các trạm y tế xã, phường, thị trấn) bằng 90% định mức phân bổ chi quản lý hành chính của đơn vị trực thuộc Sở cùng quy mô biên chế.

- Khối các Trạm y tế xã, phường, thị trấn:

Tính đủ quỹ lương theo biên chế được cấp có thẩm quyền giao. Định mức phân bổ chi thường xuyên cho các Trạm y tế như sau:

Trạm y tế xã, phường, thị trấn thuộc khu vực I: 65 triệu/trạm/năm;

Trạm y tế xã, phường, thị trấn thuộc khu vực II: 66 triệu/trạm/năm;

Trạm y tế xã, phường, thị trấn thuộc khu vực III: 67 triệu/trạm/năm.

Ngoài những nội dung trên, kinh phí bảo vệ, chăm sóc sức khỏe và chế độ hỗ trợ kinh phí khám, chữa bệnh đối với cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý được phân bổ theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền và khả năng cân đối của ngân sách.

đ) Sự nghiệp văn hóa thông tin

Tính đủ quỹ lương theo biên chế được cấp có thẩm quyền giao, khấu trừ từ nguồn cải cách tiền lương được trích từ nguồn thu của các đơn vị theo quy định (nếu có). Định mức chi thường xuyên bằng 85% định mức phân bổ chi quản lý hành chính cấp tương đương của đơn vị cùng quy mô biên chế. Ngoài định mức phân bổ trên, phân bổ thêm cho Đoàn Ca múa dân tộc tỉnh 600 triệu đồng/năm để hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng luyện tập, biểu diễn theo Quyết định số 14/2015/QĐ- TTg ngày 20/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

e) Sự nghiệp bảo đảm xã hội

Tính đủ quỹ lương theo biên chế được cấp có thẩm quyền giao, khấu trừ từ nguồn cải cách tiền lương được trích từ nguồn thu của các đơn vị theo quy định (nếu có). Định mức chi thường xuyên bằng 85% định mức phân bổ chi quản lý hành chính cấp tương đương của đơn vị cùng quy mô biên chế. Riêng Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh được phân bổ thêm 500 triệu đồng/năm để hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ quản lý, chăm sóc các đối tượng bảo trợ xã hội.

g) Các sự nghiệp công lập khác

Tính đủ quỹ lương theo biên chế được cấp có thẩm quyền giao, khấu trừ từ nguồn cải cách tiền lương được trích từ nguồn thu của các đơn vị theo quy định (nếu có). Định mức chi thường xuyên bằng 85% định mức phân bổ chi quản lý hành chính cấp tương đương của đơn vị cùng quy mô biên chế.

- Sự nghiệp giao thông: Phân bổ kinh phí để duy tu, bảo dưỡng đường giao thông thuộc tỉnh quản lý theo khả năng ngân sách hằng năm của tỉnh.

- Riêng sự nghiệp khoa học và công nghệ: Được phân bổ cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ theo quy định của Trung ương.

3. Phân bổ dự toán chi quốc phòng, an ninh.

Căn cứ nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương, nhu cầu kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ đối với con người và các nhiệm vụ đặc thù để ưu tiên bố trí chi thường xuyên từ ngân sách tỉnh hàng năm.

4. Hỗ trợ các Hội có tính chất đặc thù; các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp cấp tỉnh.

- Các hội có tính chất đặc thù cấp tỉnh hỗ trợ 31 triệu đồng/biên chế/năm (ngoài tiền lương, phụ cấp và các khoản đóng góp theo lương của số biên chế được cấp có thẩm quyền giao và chế độ thù lao đối với người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các Hội có tính chất đặc thù theo Nghị quyết số 57/2012/NQ-HĐND ngày 06/7/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh).

- Các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được hỗ trợ kinh phí theo quy định của pháp luật và khả năng ngân sách tỉnh.

Điều 4. Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn.

Định mức phân bổ dự toán chi ngân sách các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn năm 2022 chỉ để xác định tổng chi thường xuyên, trong đó chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề, khoa học công nghệ do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định. Căn cứ khả năng ngân sách và đặc điểm tình hình ở địa phương, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phân bổ dự toán chi đảm bảo phù hợp với từng cấp chính quyền địa phương của từng lĩnh vực chi theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

1. Định mức phân bổ chi sự nghiệp giáo dục.

a) Phân bổ theo tiêu chí dân số trong độ tuổi đến trường (từ 1 đến 18 tuổi):

Đơn vị: đồng/người dân/năm

Nhóm địa bàn

Định mức phân bổ

- Nhóm I

4.150.000

- Nhóm II

4.418.820

- Nhóm III

4.693.920

- Nhóm IV

4.975.360

Định mức phân bổ tại điểm này đã bao gồm: chi tiền lương (theo mức lương cơ sở 1.490.000 đồng), các khoản phụ cấp theo lương, các khoản đóng góp (chưa bao gồm các chế độ theo Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 08/10/2019 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn); kinh phí thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và học tập.

Trường hợp tỷ lệ chi thường xuyên cho hoạt động giảng dạy và học tập (không kể lương và có tính chất lương) nhỏ hơn 19% so với tổng chi sự nghiệp giáo dục, sẽ được bổ sung để đảm bảo tỷ lệ chi tiền lương, phụ cấp (phụ cấp khu vực, phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp ưu đãi nghề…), các khoản có tính chất lương (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn) tối đa 81%, chi cho hoạt động giảng dạy và học tập tối thiểu 19% (chưa kể nguồn thu học phí).

Trên cơ sở định mức phân bổ chi sự nghiệp giáo dục; các huyện, thị xã, thành phố phân bổ mức chi cho hoạt động giảng dạy và học tập của từng trường đảm bảo mức tối thiểu 12% so với tổng chi thường xuyên; phần kinh phí hoạt động giảng dạy và học tập còn lại, địa phương được phân bổ cho các hoạt động chung của ngành giáo dục, như: chi tiền công và hỗ trợ hoạt động cho lao động hợp đồng làm công việc thừa hành, phục vụ; mua sắm, sửa chữa tài sản công phục vụ giảng dạy và học tập;…

b) Ngoài định mức phân bổ theo tiêu chí dân số nêu trên, bổ sung kinh phí để thực hiện các chế độ theo Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 08/10/2019 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

c) Định mức phân bổ nêu trên không bao gồm các nội dung chi sau:

- Học bổng cho học sinh dân tộc nội trú theo Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ;

- Học bổng, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh khuyết tật theo quy định tại Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC của liên Bộ: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính;

- Hỗ trợ chi phí học tập và miễn giảm học phí theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ và Nghị định số 145/2018/NĐ-CP ngày 16/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP;

- Chính sách phát triển giáo dục mầm non theo Nghị định số 105/2020/NĐ- CP ngày 08/9/2020 của Chính phủ;

- Hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ.

2. Định mức phân bổ chi sự nghiệp đào tạo và dạy nghề.

Phân bổ theo tiêu chí dân số trên 18 tuổi như sau:

Đơn vị: đồng/người dân/năm.

Nhóm địa bàn

Định mức phân bổ

- Nhóm I

26.100

- Nhóm II

38.777

- Nhóm III

49.342

- Nhóm IV

60.637

Định mức phân bổ trên đã bao gồm kinh phí thực hiện các loại hình đào tạo, dạy nghề (chính quy, tại chức, cử tuyển, đào tạo lại, các loại hình đào tạo dạy nghề khác), các cấp đào tạo, dạy nghề, bồi dưỡng chính trị,…của địa phương.

3. Định mức phân bổ chi quản lý hành chính.

a) Khối huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là huyện):

- Định mức phân bổ theo tiêu chí dân số (không bao gồm tiền lương và các khoản có tính chất lương):

Đơn vị: đồng/người dân/năm.

Nhóm địa bàn

Định mức phân bổ

- Nhóm I

17.614

- Nhóm II

34.472

- Nhóm III

48.250

- Nhóm IV

59.800

- Chi tiền lương, phụ cấp, các khoản đóng góp theo lương: Căn cứ số biên chế được cấp có thẩm quyền giao và báo cáo của địa phương để xác định đảm bảo đủ các chế độ chính sách về tiền lương, phụ cấp, các khoản đóng góp theo lương theo quy định hiện hành.

- Trường hợp chi thường xuyên được tính theo tiêu chí dân số nhỏ hơn 25% so với tổng chi quản lý hành chính (không tính kinh phí phân bổ thêm để thực hiện các nhiệm vụ đặc thù), sẽ được bổ sung để đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 25%.

- Phân bổ thêm để thực hiện các nhiệm vụ đặc thù:

Các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện (Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM) được phân bổ thêm 45 triệu đồng/tổ chức/năm;

Phòng Tư pháp, Thanh tra, phòng Tài chính - Kế hoạch và phòng Dân tộc huyện, thị xã, thành phố được phân bổ thêm 35 triệu đồng/tổ chức/năm.

Văn phòng HĐND và UBND huyện, thị xã Buôn Hồ và Văn phòng Huyện ủy, Thị ủy Buôn Hồ được phân bổ thêm 2.500 triệu đồng/năm cho hai Văn phòng; Văn phòng HĐND và UBND thành phố Buôn Ma Thuột và Văn phòng Thành ủy Buôn Ma Thuột được phân bổ thêm 3.500 triệu đồng/năm cho hai Văn phòng.

Bổ sung kinh phí thực hiện Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 08/10/2019 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với cấp ủy viên cấp huyện và hoạt động phí của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện; kinh phí thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” theo Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐND ngày 05/7/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Hỗ trợ kinh phí phát động quần chúng tại cơ sở ở cấp huyện, số tiền 350 triệu đồng/năm; kinh phí thực hiện chế độ nhuận bút, báo cáo…theo Quyết định số 06-QĐ/TU ngày 03/01/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, số tiền 500 triệu đồng/huyện/năm; kinh phí thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước giao cho các Hội có tính chất đặc thù (theo Nghị quyết số 57/2012/NQ-HĐND ngày 06/7/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh), số tiền 70 triệu đồng/hội/năm; kinh phí thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TW ngày 30/5/2012 của Ban Chấp hành Trung ương về chế độ hoạt động công tác đảng của tổ chức cơ sở đảng, đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở, số tiền 300 triệu đồng/huyện/năm; kinh phí thực hiện Nghị quyết số 36/2017/NQ- HĐND ngày 08/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chế độ, chính sách và các điều kiện đảm bảo hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh, số tiền 200 triệu đồng/huyện/năm.

- Định mức phân bổ trên đây đã bao gồm đầy đủ kinh phí để thực hiện các chế độ, chính sách theo các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh và các Quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành đến ngày 31/12/2021.

- Định mức kinh phí thực hiện tự chủ tài chính của các huyện, thị xã, thành phố:

Trong số kinh phí chi quản lý hành chính được xác định theo tiêu chí dân số; các huyện, thị xã, thành phố thực hiện giao tự chủ tài chính chi hoạt động thường xuyên cho các phòng, ban như sau:

Đơn vị: đồng/biên chế/năm.

Nhóm địa bàn

Định mức phân bổ

- Nhóm I

31.000.000

- Nhóm II

32.000.000

- Nhóm III

33.000.000

- Nhóm IV

34.000.000

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập (không bao gồm đơn vị sự nghiệp giáo dục): định mức kinh phí chi thường xuyên cho một biên chế áp dụng bằng 85% định mức chi quản lý hành chính nêu trên.

b) Khối xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã):

- Khoán quỹ tiền lương (đã bao gồm phụ cấp và các khoản đóng góp), quỹ tiền thưởng và chi thường xuyên đối với cán bộ, công chức cấp xã bình quân là 120 triệu đồng/biên chế/năm;

- Khoán quỹ phụ cấp, bao gồm cả hỗ trợ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế để chi trả hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo quyết định phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn, như sau:

Loại 1: Khoán quỹ phụ cấp bằng 22,96 lần mức lương cơ sở;

Loại 2: Khoán quỹ phụ cấp bằng 19,68 lần mức lương cơ sở;

Loại 3: Khoán quỹ phụ cấp bằng 16,74 lần mức lương cơ sở.

- Khoán kinh phí hoạt động cho 5 tổ chức chính trị - xã hội cấp xã cụ thể như sau: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: 20 triệu đồng/năm; Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam và Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM: 17 triệu đồng/tổ chức/năm.

- Khoán quỹ phụ cấp chi trả hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, buôn, tổ dân phố, như sau:

Khoán quỹ phụ cấp bằng 3,0 lần mức lương cơ sở để chi trả hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở mỗi thôn, buôn, tổ dân phố. Riêng đối với thôn, buôn có từ 350 hộ gia đình trở lên; thôn, buôn thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự; thôn, buôn thuộc xã biên giới được khoán quỹ phụ cấp bằng 5,0 lần mức lương cơ sở.

- Hỗ trợ kinh phí chi trả người tham gia trực tiếp công việc thôn buôn, tổ dân phố như sau:

Thôn, buôn có từ 350 hộ gia đình trở lên; thôn, buôn thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự; thôn, buôn thuộc xã biên giới: 15 triệu đồng/thôn, buôn/năm;

Thôn, buôn thuộc các xã còn lại và tổ dân phố: 12 triệu đồng/thôn, buôn/năm.

- Các xã khu vực III được quy định tại Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ được bổ sung thêm 60 triệu đồng/xã/năm.

- Bổ sung kinh phí thực hiện Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 08/10/2019 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; kinh phí thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” theo Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐND ngày 05/7/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh; kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với cấp ủy viên cấp xã và hoạt động phí của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã; kinh phí thực hiện một số chế độ chính sách do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành như: Cộng tác viên bảo vệ, chăm sóc trẻ em; đội công tác xã hội tình nguyện; phụ cấp cán bộ khuyến nông; phụ cấp cán bộ thú y; trung tâm học tập cộng đồng.

- Hỗ trợ kinh phí chi hoạt động công tác đảng theo Quyết định số 99- QĐ/TW ngày 30/5/2012 của Ban Chấp hành Trung ương về chế độ hoạt động công tác đảng của tổ chức cơ sở đảng, đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở, số tiền 50 triệu đồng/xã/năm; kinh phí thực hiện Nghị quyết số 36/2017/NQ-HĐND ngày 08/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chế độ, chính sách và các điều kiện đảm bảo hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh, số tiền 30 triệu đồng/xã/năm; kinh phí phục vụ công tác phát động quần chúng tại ở cơ sở, số tiền 30 triệu đồng/xã/năm;

- Hỗ trợ thêm kinh phí cho các xã biên giới 350 triệu đồng/xã/năm.

c) Quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở mức khoán quỹ tiền lương, quỹ tiền thưởng, quỹ phụ cấp và kinh phí thường xuyên cho cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, buôn, tổ dân phố được quy định tại Nghị quyết này; các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan nhà nước theo quy định.

4. Định mức phân bổ chi sự nghiệp văn hóa - thông tin.

a) Khối huyện:

- Định mức phân bổ theo tiêu chí dân số như sau:

Đơn vị: đồng/người dân/năm

Nhóm địa bàn

Định mức phân bổ

- Nhóm I

13.764

- Nhóm II

20.875

- Nhóm III

27.518

- Nhóm IV

35.414

- Định mức phân bổ trên đã bao gồm các chính sách ưu tiên đối với vùng đồng bào dân tộc theo các chế độ, chính sách đã ban hành.

b) Khối xã: Bình quân 52,4 triệu đồng/xã/năm.

5. Định mức phân bổ chi sự nghiệp phát thanh, truyền hình.

a) Khối huyện:

- Định mức phân bổ theo tiêu chí dân số như sau:

Đơn vị: đồng/người dân/năm

Nhóm địa bàn

Định mức phân bổ

- Nhóm I

11.904

- Nhóm II

15.656

- Nhóm III

20.110

- Nhóm IV

24.682

- Định mức phân bổ trên đã bao gồm kinh phí thực hiện tăng thời lượng phát sóng phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc.

Ngoài ra các huyện có trạm phát lại phát thanh, truyền hình được phân bổ thêm 410 triệu đồng/năm.

b) Khối xã: Bình quân 52,4 triệu đồng/xã/năm.

6. Định mức phân bổ chi sự nghiệp thể dục thể thao.

a) Khối huyện:

- Định mức phân bổ theo tiêu chí dân số như sau:

Đơn vị: đồng/người dân/năm

Nhóm địa bàn

Định mức phân bổ

- Nhóm I

7.812

- Nhóm II

8.768

- Nhóm III

11.642

- Nhóm IV

15.239

- Định mức phân bổ trên đã bao gồm chế độ đối với các vận động viên, khen thưởng đối với vận động viên có thành tích cao, thực hiện nhiệm vụ phát triển phong trào thể thao quần chúng.

b) Khối xã: Bình quân 31,5 triệu đồng/xã/năm.

7. Định mức phân bổ chi đảm bảo xã hội.

a) Khối huyện:

- Định mức phân bổ theo tiêu chí dân số như sau:

Đơn vị: đồng/người dân/năm

Nhóm địa bàn

Định mức phân bổ

- Nhóm I

24.304

- Nhóm II

26.650

- Nhóm III

29.730

- Nhóm IV

32.537

- Định mức trên không bao gồm kinh phí thực hiện chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng cho các đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ, mức hỗ trợ theo chế độ quy định.

b) Khối xã: bình quân 40,3 triệu đồng/xã/năm.

- Bổ sung kinh phí chi quà tặng chúc thọ, mừng thọ theo Nghị quyết số 08/2020/NQ-HĐND ngày 08/7/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Định mức phân bổ cho ngân sách huyện và xã trên đã bao gồm kinh phí để thực hiện chế độ theo quy định tại Nghị định số 55/2016/NĐ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ về điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hàng tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian làm việc trước năm 1995; kinh phí hỗ trợ cán bộ theo dõi, quản lý đối tượng cai nghiện ma túy tại nhà theo Quyết định số 17/2019/QĐ-UBND ngày 30/7/2019 của UBND tỉnh.

8. Định mức phân bổ chi quốc phòng.

a) Khối huyện:

- Định mức phân bổ theo tiêu chí dân số như sau:

Đơn vị: đồng/người dân/năm

Nhóm địa bàn

Định mức phân bổ

- Nhóm I

15.810

- Nhóm II

18.000

- Nhóm III

23.940

- Nhóm IV

27.940

- Huyện có tiểu đội thường trực chiến đấu được phân bổ thêm 850 triệu đồng/tiểu đội/năm.

- Huyện có biên giới được phân bổ thêm 700 triệu đồng/năm.

- Bổ sung thêm cho thành phố Buôn Ma Thuột kinh phí phụ cấp trách nhiệm dân quân tự vệ giữ chức vụ chỉ huy các cơ quan, đơn vị đóng chân trên địa bàn Thành phố.

b) Khối xã: Bình quân 320 triệu đồng/xã/năm.

- Phân bổ thêm cho xã biên giới 300 triệu đồng/xã/năm;

- Bổ sung kinh phí phụ cấp hàng tháng của thôn đội trưởng theo Nghị quyết số 17/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Định mức phân bổ cho ngân sách huyện và xã trên đã đảm bảo kinh phí thực hiện nhiệm vụ quốc phòng của ngân sách địa phương theo quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn thi hành về quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng; trợ cấp ngày công lao động đối với dân quân theo Nghị quyết số 17/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh và các nhiệm vụ theo quy định của Luật Dân quân tự vệ.

9) Định mức phân bổ chi an ninh.

a) Khối huyện:

- Định mức phân bổ theo tiêu chí dân số như sau:

Đơn vị: đồng/người dân/năm

Nhóm địa bàn

Định mức phân bổ

- Nhóm I

7.378

- Nhóm II

8.775

- Nhóm III

10.773

- Nhóm IV

13.208

- Huyện có biên giới được phân bổ thêm 650 triệu đồng/năm.

b) Khối xã: Bình quân 108,5 triệu đồng/xã/năm.

- Phân bổ thêm cho xã biên giới 250 triệu đồng/xã/năm.

- Bổ sung kinh phí phụ cấp cho lực lượng bảo vệ dân phố theo nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Định mức phân bổ cho ngân sách huyện và xã trên đã đảm bảo kinh phí thực hiện nhiệm vụ an ninh của ngân sách địa phương theo quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn thi hành về quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực an ninh; kinh phí hỗ trợ cho công an xã.

10. Định mức phân bổ chi hoạt động kinh tế.

a) Khối huyện:

- Định mức phân bổ theo tiêu chí dân số như sau:

Đơn vị: đồng/người dân/năm.

Nhóm địa bàn

Định mức phân bổ

- Nhóm I

104.159

- Nhóm II

175.957

- Nhóm III

200.285

- Nhóm IV

230.017

- Đối với các đô thị được phân bổ thêm: 140.000 triệu đồng/đô thị loại I/năm; 85.000 triệu đồng/đô thị loại II/năm; 24.000 triệu đồng/đô thị loại III/năm; 17.000 triệu đồng/đô thị loại IV/năm; 8.500 triệu đồng/đô thị loại V/năm (đối với đô thị loại V được UBND tỉnh quyết định công nhận trong thời kỳ ổn định ngân sách sẽ không được bổ sung kinh phí).

- Thành phố Buôn Ma Thuột được phân bổ thêm 60% định mức theo tiêu chí dân số để thực hiện Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị.

b) Khối xã: Bình quân 400 triệu đồng/xã/năm.

Định mức trên không bao gồm: Kinh phí hỗ trợ sử dụng giá dịch vụ, sản phẩm công ích thủy lợi theo quy định tại Nghị định số 96/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ; kinh phí hỗ trợ theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2015/NĐ-CP.

11. Định mức phân bổ chi sự nghiệp bảo vệ môi trường.

a) Khối huyện:

- Định mức phân bổ theo tiêu chí dân số như sau:

Đơn vị: đồng/người dân/năm.

Nhóm địa bàn

Định mức phân bổ

- Nhóm I

30.803

- Nhóm II

35.802

- Nhóm III

40.645

- Nhóm IV

46.554

- Thành phố Buôn Ma Thuột được phân bổ thêm 60% định mức theo tiêu chí dân số để thực hiện Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị.

b) Khối xã: Bình quân 80 triệu đồng/xã/năm.

12. Định mức phân bổ chi sự nghiệp khoa học công nghệ.

Phân bổ để chi hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ:

- Thành phố Buôn Ma Thuột: 1.000 triệu đồng/năm;

- Mỗi huyện, thị xã: 500 triệu đồng/năm.

13. Định mức phân bổ chi thường xuyên khác của ngân sách.

- Phân bổ theo tỷ lệ bằng 0,5% tổng các khoản chi từ mục 1 đến mục 12.

- Huyện biên giới được phân bổ thêm 800 triệu đồng/năm để thực hiện nhiệm vụ đối ngoại với các địa phương nước bạn.

14. Dự phòng ngân sách.

Phân bổ bằng 2,5% tổng chi thường xuyên.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

Giao Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai, chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện định mức phân bổ trên làm căn cứ xây dựng và phân bổ dự toán ngân sách năm 2022 và thời kỳ ổn định ngân sách mới.

Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Điều 6. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa X, Kỳ họp thứ Ba thông qua ngày 10 tháng 12 năm 2021, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 và áp dụng từ năm ngân sách 2022 và thời kỳ ổn định ngân sách mới theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Nghị quyết của Quốc hội./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 5;
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Ban Công tác đại biểu;
- Cục Kiểm tra VBQPPL-Bộ Tư pháp;
- Các Bộ: Tài chính, Nội vụ;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Ủy ban MTTQ VN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Các Văn phòng: Tỉnh ủy, UBND, ĐĐBQH và HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh;
- TT. HĐND, UBND các huyện, TX, TP;
- Đài PTTH tỉnh; Báo Đắk Lắk,
- TT Công báo; Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, CT HĐND.

CHỦ TỊCH




Y Vinh Tơr

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 12/2021/NQ-HĐND quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022 do tỉnh Đắk Lắk ban hành

  • Số hiệu: 12/2021/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 17/12/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
  • Người ký: Y Vinh Tơr
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản