Hệ thống pháp luật

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 980-TTg

Hà Nội, ngày 27 tháng 07 năm 1956

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH BẢN ĐIỀU LỆ ƯU ĐÃI THƯƠNG BINH, DÂN QUÂN DU KÍCH, THANH NIÊN XUNG PHONG BỊ THƯƠNG TẬT, BẢN ĐIỀU LỆ ƯU ĐÃI GIA ĐÌNH LIỆT SĨ VÀ BẢN ĐIỀU LỆ ƯU ĐÃI GIA ĐÌNH QUÂN NHÂN

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Thương binh,
Theo nghị quyết của Hội đồng Chính phủ

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1. – Nay ban hành:

1) Bản điều lệ ưu đãi thương binh, bệnh binh, dân quân du kích, thanh niên xung phong bị thương tật.

2) Bản điều lệ ưu đãi gia đình liệt sĩ

3) Bản điều lệ ưu đãi gia đình quân nhân

Điều 2. – Các chi tiết thi hành các điều lệ này do các Bộ Thương binh, Quốc phòng, Nội vụ và Tài chính ấn định.

Điều 3. – Các thể lệ ban hành trước đây trái với các bản điều lệ này đều bãi bỏ.

Điều 4. – Các ông Bộ trưởng Bộ Thương binh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Tổng tư lệnh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG





Phan Kế Toại

ĐIỀU LỆ

ƯU ĐÃI THƯƠNG BINH, BỆNH BINH, DÂN QUÂN, DU KÍCH, THANH NIÊN XUNG PHONG BỊ THƯƠNG TẬT

Điều 1. – Thương binh, bệnh binh, dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương tật là những người có công đối với Tổ quốc, Chính phủ và nhân dân luôn ghi nhớ công lao đó. Để đền đáp một phần nào, bản điều lệ này, ngoài việc quy định những vinh dự về tinh thần còn nhằm mục đích giúp đỡ thương binh, bệnh binh, dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương tật tổ chức đời sống và phát huy khả năng của mình.

Chương 1:

ĐỊNH NGHĨA

Điều 2. – Gọi là thương binh và được hưởng các khoản ưu đãi quy định trong bản điều lệ này những quân nhân thuộc đội quân đội nhân dân Việt nam, những chiến sĩ thuộc các đội vũ trang có trước ngày thành lập quân đội, những chiến sĩ thuộc các đơn vị cảnh vệ và những chiến sĩ thuộc các đội vũ trang có trước ngày thành lập các đơn vị cảnh vệ bị thương trong thời gian tại ngũ vì chiến đấu với địch, vì thừa hành công vụ, vì cứu người.

Điều 3. – Gọi là bệnh binh và được hưởng các khoản ưu đãi quy định trong bản điều lệ này, những quân nhân thuộc quân đội nhân dân Việt nam, những chiến sĩ thuộc các đơn vị cảnh vệ trong khi chiến đấu hay là thừa hành công vụ mắc bệnh lâu mới khỏi hay không chữa khỏi được, vì không đủ điều kiện sức khỏe ở trong quân đội cho nên được giải ngũ.

Điều 4. – Gọi là dân quân (kể cả tự vệ), du kích, thanh niên xung phong bị thương tật và được hưởng các khoản ưu đãi quy định trong bản điều lệ này.

- Những quân nhân du kích, bị thương vì tham gia chiến đấu với địch hay là vì gỡ mìn bom.

- Những thanh niên xung phong bị thương vì thừa hành công vụ trong thời kỳ kháng chiến hay là vì gỡ mìn bom sau kháng chiến.

Chương 2:

ƯU ĐÃI THƯƠNG BINH

MỤC I. - TỔ CHỨC ĐỜI SỐNG VÀ PHÁT HUY KHẢ NĂNG CỦA THƯƠNG BINH

Điều 5. – Thương binh, sau khi giải ngũ được giúp đỡ để tổ chức đời sống và phát huy khả năng của mình như sau:

1) Nếu vì thương tật nặng, không thể làm việc được nữa, và không tiện về với gia đình, sẽ được Chính phủ nuôi dưỡng và tùy hoàn cảnh, dần dần được tạo điều kiện để có thể làm việc được;

2) Nếu có hoàn cảnh về với gia đình, sẽ được giúp đỡ trở về gia đình làm ăn, và có thể tham gia công tác ở địa phương.

3) Nếu không có hoàn cảnh về với gia đình, mà có khả năng canh tác, sẽ được nhân dân đón về xã và giúp đỡ làm ăn.

4) Nếu có khả năng làm công tác hay là có nghề chuyên môn, tùy hoàn cảnh sẽ được giúp đỡ để làm công tác hay là nghề chuyên môn đó.

5) Nếu không thuộc các trường hợp kể trên, tùy hoàn cảnh sẽ được giúp đỡ học nghề thích hợp để làm ăn.

MỤC II. PHỤ CẤP THƯƠNG TẬT

Điều 6. – Thương binh tùy theo mức độ thương tật nặng hay là nhẹ, và mất sức lao động nhiều hay là ít, được xếp và một trong sáu hạng thương tật đã được quy định do nghị định Liên bộ Thương binh-Quốc phòng-Y tế-Tài chính số 18-NĐ ngày 17 tháng 11 năm 1954 để được hưởng phụ cấp thương tật.

Phụ cấp thương tật lĩnh từng quý 3 tháng, vào đầu mỗi quý.

Suất phụ cấp thương tật do nghị định Liên bộ Thương binh- Quốc phòng- Tài chính ấn định.

MỤC III. TRỢ CẤP VỀ ĐỊA PHƯƠNG SẢN XUẤT VÀ PHỤ CẤP SẢN XUẤT HAY AN DƯỠNG

Điều 7. – Thương binh về địa phương làm ăn, tùy trường hợp được trợ cấp một số tiền để thêm vào vốn sản xuất trong thời gian đầu. Trợ cấp gồm có hai loại:

- Loại trợ cấp đối với những thương binh về sống với gia đình.

- Loại trợ cấp đối với thương binh được nhân dân đón về xã.

Tiền trợ cấp do nghị định Liên bộ Thương binh-Quốc phòng-Tài chính ấn định.

Điều 8. – Thương binh về địa phương làm ăn được hưởng phụ cấp sản xuất, hay phụ cấp an dưỡng tính theo hạng thương tật.

Thương binh thuộc các hạng thương tật 2, 3, 4, 5 được hưởng phụ cấp sản xuất

Thương binh thuộc hạng đặc biệt và hạng 1 được hưởng phụ cấp an dưỡng.

Phụ cấp sản xuất hay an dưỡng lĩnh từng quý 3 tháng, vào đầu mỗi quý như phụ cấp thương tật.

Suất phụ cấp sản xuất hay an dưỡng do nghị định Liên bộ Thương binh-Quốc phòng-Tài chính ấn định.

MỤC IV. ƯU ĐÃI VỀ RUỘNG ĐẤT

Điều 9. – Thương binh thiếu ruộng cày thì được ưu đãi trong việc chia cấp ruộng như đã quy định trong Luật cải cách ruộng đất.

MỤC V. CÁC ƯU ĐÃI KHÁC

Ưu đãi về thuế nông nghiệp:

Điều 10. – Trong chính sách thuế nông nghiệp thương binh được ưu đãi như sau:

1) Tính nhân khẩu nông nghiệp: Thương binh ở trại thương binh hay là đi công tác, đi học thì đươc tính là một nhân khẩu nông nghiệp trong gia đình. Thương binh sống ở nước khác, thành lập một nông hộ riêng, thì tính nhân khẩu nông nghiệp ở nơi đó, không tính ở gia đình nữa.

2) Miễn thuế và giảm thuế: Thương binh về địa phương tham gia sản xuất nông nghiệp được miễn thuế hoặc giảm thuế trong hai năm kể từ ngày về địa phương như sau:

- Nếu thương binh sống một mình, thì ruộng đất của thương binh được miễn thuế.

- Nếu thương binh sống chung với gia đình thì gia đình thương binh được giảm thuế là 50 kilô thóc một năm; nhưng nếu thuế đóng chưa tới 50ki-lô thì được miễn thuế.

Nếu thương binh về địa phương sau một thời gian rồi mới chuyển sang sản xuất nông nghiệp thì vẫn được miễn hay giảm thuế nông nghiệp trong hai năm kể từ ngày sản xuất nông nghiệp.

Chiếu cố trong việc tuyển dụng và đi học

Điều 11. – Trong việc tuyển dụng công nhân viên vào các cơ quan và xí nghiệp, học sinh vào các trường chuyên nghiệp hay là văn hóa, thì đối với thương binh, sẽ châm chước một phần về điều kiện sức khỏe, trình độ văn hóa, năng lực chuyên môn.

Con của thương binh được chiếu cố trong việc nhận vào các trường học.

Ưu đãi khi đau ốm

Điều 12.– Thương binh về địa phương, nếu vết thương trở lại hay bị đau ốm thì được ưu tiên khám bệnh và nằm điều trị ở bệnh viện. Trong thời gian hai năm kể từ ngày về địa phương thương binh được miễn trả tiền thuốc và tiền ăn ở bệnh viện. Sau 2 năm, nếu vết thương trở lại, thương binh vẫn được miễn trả tiền thuốc và tiền ăn nhưng nếu bị đau ốm mà không phải vì vết thương trở lại, thương binh vẫn được miễn trả tiền thuốc và tiền ăn nhưng nếu bị đau ốm mà không phải vì vết thương trở lại thì thương binh sẽ trả tiền thuốc và tiền ăn, trừ trường hợp túng thiếu thì có thể được miễn hoặc giảm một phần.

Các sự chiếu cố của các ngành

Điều 13 – Các ngành như quốc doanh vận tải, điện ảnh, văn công, mậu dịch, ngân hàng…tùy theo khả năng của ngành mình sẽ ra những quy định cụ thể để chiếu cố thương binh.

Huy hiệu thương binh

Điều 14. – Thương binh được cấp huy hiệu thương binh.

Sự giúp đỡ của địa phương

Điều 15. – Thương binh về địa phương được chính quyền và các đoàn thể nhân dân giúp đỡ về vật chất và tinh thần. Trong các cuộc vui, ngày lễ, thương binh được mời ngồi chỗ tốt; tùy theo khả năng được sắp xếp tham gia công tác ở địa phương.

Chương 3:

ƯU ĐÃI BỆNH BINH

Điều 16. – Bệnh binh vì điều kiện sức khỏe mà giải ngũ thì được giúp đỡ để tổ chức đời sống như sau:

1) Nếu vì mắc bệnh nặng, không thể làm việc được nữa và không tiện về với gia đình, sẽ được Chính phủ nuôi dưỡng, và điều trị.

2) Nếu có hoàn cảnh về với gia đình ở địa phương sẽ được giúp đỡ để về địa phương làm ăn, hay an dưỡng.

Điều 17. – Bệnh binh về địa phương được hưởng những khoản trợ cấp sau đây:

1) Trợ cấp về địa phương: do nghị định Liên bộ Thương binh-Quốc phòng- Tài chính ấn định.

2) Trợ cấp bồi dưỡng: để bồi dưỡng thêm về sức khỏe do nghị định Liên bộ Thương binh-Quốc phòng-Tài chính ấn định.

Điều 18. – Bệnh binh thiếu ruộng cày thì được ưu đãi trong việc chia cấp ruộng đất như đã quy định trong Luật cải cách ruộng đất.

Điều 19. – Bệnh binh được ưu đãi về thuế nông nghiệp như sau:

1) Tính nhân khẩu nông nghiệp: Bệnh binh ở trại thương binh được tính là một nhân khẩu nông nghiệp trong gia đình. Bệnh binh sống ở nơi khác, thành lập một nông hộ riêng, thì tính nhân khẩu nông nghiệp ở nơi đó, không tính ở gia đình nữa.

2) Miễn giảm thuế: Bệnh binh có bệnh nhẹ và có điều kiện tham gia sản xuất nông nghiệp ở địa phương thì được miễn, giảm thuế như thương binh.

Điều 20. – Bệnh binh được chiếu cố trong việc khám bệnh và nằm điều trị ở bệnh viện và được miễn trả tiền thuốc và tiền ăn ở bệnh việc trong thời gian còn là bệnh binh.

Điều 21. – Bệnh binh về địa phương làm ăn hay an dưỡng được chính quyền và các đoàn thể nhân dân giúp đỡ về vật chất và tinh thần. Trong các cuộc vui, ngày lễ, được mời ngồi chỗ tốt. Sau khi bệnh đã khỏi được sắp xếp tham gia công tác ở địa phương tùy theo khả năng.

Điều 22. – Mỗi năm, bệnh binh được bệnh viện của nhà nước khám lại một lần. Nếu bệnh đã khỏi hoặc giảm đến mức không cần phải điều dưỡng nữa thì không gọi là bệnh binh nữa.

CHƯƠNG 4:

ƯU ĐÃI DÂN QUÂN, DU KÍCH, THANH NIÊN XUNG PHONG BỊ THƯƠNG TẬT

Điều 23. – Dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương tật được chính quyền và các đoàn thể nhân dân địa phương giúp đỡ trong công việc làm ăn.

Điều 24. – Dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương tật, nếu thiếu ruộng cày thì được ưu đãi trong việc chia cấp ruộng đất, như đã quy định đối với thương binh trong Luật cải cách ruộng đất.

Điều 25. – Nếu vết thương trở lại, dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương tật được chiếu cố trong việc khám bệnh và điều trị ở bệnh viện và được miễn trả tiền ăn và tiền thuốc ở bệnh viện.

Điều 26. – Dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương tật tùy theo mức độ thương tật nặng hay nhẹ và mất sức lao động nhiều hay là ít, được xếp vào một trong sáu hạng thương tật đã được quy định do nghị định Liên bộ Thương binh-Quốc phòng-Y tế-Tài chính số 18-NĐ ngày 17 tháng 11 năm 1954 để được hưởng phụ cấp thương tật và hưởng phụ cấp sản xuất hay an dưỡng nếu làm ăn ở địa phương.

Điều 27. – Dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương tật đã thoát ly sản xuất thì sẽ được giúp đỡ để tổ chức đời sống như đã quy định đối với thương binh trong điều 5 bản điều lệ này, và nếu trở về địa phương làm ăn thì sẽ được hưởng một khoản trợ cấp về địa phương sản xuất, do nghị định Liên bộ Thương binh- Quốc phòng-Tài chính ấn định.

CHƯƠNG 5:

NHIỆM VỤ CỦA THƯƠNG BINH, BỆNH BINH, DÂN QUÂN, DU KÍCH, THANH NIÊN XUNG PHONG BỊ THƯƠNG TẬT

Điều 28. – Ngoài những sự ưu đãi quy định trong bản điều lệ này, thương binh, bệnh binh, dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương tật có quyền lợi như mọi công dân khác và có nhiệm vụ chấp hành các chủ trương, chính sách của Chính phủ, tuân theo pháp luật, giữ vững và phát huy tác dụng gương mẫu của người chiến sĩ cách mạng.

ĐIỀU LỆ

VỀ ƯU ĐÃI GIA ĐÌNH LIỆT SĨ

Điều 1. – Bản điều lệ này quy định để đền đáp công ơn liệt sĩ, ưu đãi gia đình liệt sĩ (phụ lục về định nghĩa liệt sĩ kèm theo).

Bản điều lệ này áp dụng đối với các liệt sĩ mất từ 1925 trở về sau. Các liệt sĩ mất từ 1925 trở về trước là những tiên liệt, không thuộc phạm vi quy định trong bản điều lệ này.

Điều 2. – Gia đình liệt sĩ gồm những thân nhân của liệt sĩ xếp theo thứ tự trước sau như dưới đây:

- Vợ hay chồng

- Con

- Cha mẹ đẻ

- Em dưới 16 tuổi

Nếu không có những người này thì người nào đã thực sự nuôi nấng liệt sĩ từ bé đến lớn, hoặc người mà liệt sĩ có nhiệm vụ nuôi nấng, do nhân dân xã, khu phố công nhận, đuợc coi là gia đình liệt sĩ.

Nếu liệt sĩ hy sinh từ lâu, gia đình không có giấy tờ chứng nhận, nhưng được nhân dân và chính quyền xã hoặc khu phố thừa nhận thì được xét và coi là gia đình liệt sĩ.

Điều 3. – Gia đình liệt sĩ được tặng thưởng bằng “Tổ quốc ghi công” và giấy chứng nhận “Gia đình liệt sĩ”

Điều 4. – Gia đình liệt sĩ được nhân dân và chính quyền tùy hoàn cảnh chú ý giúp đỡ trong việc làm ăn.

Điều 5. – Gia đình liệt sĩ thiếu ruộng cày được ưu đãi trong việc chia cấp ruộng đất. Trong việc chia trâu bò, nông cụ, lương thực và tài sản tịch thu, trưng thu, trưng mua của địa chủ, gia đình liệt sĩ được chiếu cố.

Điều 6. – Gia đình liệt sĩ được tính mỗi liệt sĩ là một nhân khẩu trong thuế nông nghiệp.

Điều 7. – Gia đình liệt sĩ được chiếu cố trong việc tuyển dụng vào cơ quan, xí nghiệp, trường chuyên nghiệp v .v… con em liệt sĩ được chiếu cố trong việc tuyển lựa học sinh vào các trường học và được giúp đỡ trong việc học tập. Con em liệt sĩ nghèo được ưu tiên trong việc xét cấp học bổng.

Điều 8. – Trong các ngày lễ, cuộc vui, gia đình liệt sĩ được mời ngồi chỗ tốt.

Điều 9. – Các ngành như Mậu dịch, Ngân hàng, Quốc doanh vận tải, Điện ảnh sẽ ra những quy định chiếu cố các gia đình liệt sĩ theo khả năng của mình.

Điều 10. – Trong việc Chính phủ cứu tế hay cho nhân dân vay, gia đình liệt sĩ được chiếu cố.

Điều 11. – Ngoài các khoản ưu đãi nói trên, gia đình liệt sĩ được cấp một khoản tiền tuất do Thủ tướng Phủ ấn định.

Điều 12. – Ngoài các khoản ưu đãi nói trong bản điều lệ này, gia đình liệt sĩ có các quyền lợi, nghĩa vụ như mọi công dân khác.

ĐỊNH NGHĨA LIỆT SĨ

Liệt sĩ là những người không phân biệt giai cấp, tôn giáo và xu hướng chính trị, vì phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc chống đế quốc, chống phong kiến mà hy sinh một cách vẻ vang.

Liệt sĩ nói trong điều lệ này là:

1) Những cán bộ, nhân viên cách mạng vì đấu tranh chống đế quốc, chống phong kiến (kể cả các cán bộ phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất);

- Bị địch giết chết

- Bị địch bắt, tra tấn, không khai báo, không chịu khuất phục, kiên quyết đấu tranh, sau bị ốm chết.

- Bị khủng bố chết trong các cuộc đấu tranh trong các nhà lao của địch.

2) Những quân nhân cách mạng thuộc các tổ chức Quân đội nhân dân Việt nam và các tổ chức vũ trang khác như: Đội Việt nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Cứu quốc, quân (tức quân du kích hoạt động trong thời kỳ đại chiến thứ hai ở Bắc sơn, Đình cả, Tràng xã, La hiên, Đại tứ, Định hóa, Sơ dương, Ba tơ v .v… ) những cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị cảnh vệ, bảo vệ, công an vũ trang:

- Bị hy sinh trong khi chiến đấu

- Bị địch bắt, tra tấn không khai báo, không chịu khuất phục, kiên quyết đấu tranh mà bị địch giết hay ốm chết.

- Bị khủng bố chết trong các cuộc đấu tranh trong nhà lao của địch

3) Các quân nhân, chiến sĩ, cán bộ, nhân viên cách mạng kể trên và các công dân, vì dũng cảm vượt khó khăn, nguy hiểm, kiên quyết làm nhiệm vụ, hoặc vì cứu người, cứu tài sản của nhân dân, của quốc gia mà bị hy sinh, được Ủy ban Hành chính tỉnh hay cấp trung đoàn trở lên đề nghị.

4) Những tự vệ chiến đấu, những “đội danh dự” của Việt minh trước ngày Tổng khởi nghĩa, những tự vệ chiến đấu ở thành phố những dân quân du kích.

- Bị hy sinh trong khi chiến đấu

- Bị hy sinh trong khi diệt tề, trừ gian, chống phản động, trinh sát địch tình, đưa đường cho bộ đội đánh địch v .v…

- Vì dũng cảm bảo vệ phát động quần chúng bị địa chủ, phản động sát hại

- Vì dũng cảm vượt khó khăn, nguy hiểm kiên quyết làm nhiệm vụ khi phục vụ tiền tuyến: tải thương, tải đạn, bảo vệ cán bộ, bảo vệ kho tàng, bảo vệ cầu đường, chuẩn bị chiến trường, giao thông liên lạc v .v… mà bị hy sinh, được nhân dân nhận xét là xứng đáng, Ủy ban Hành chính tỉnh đề nghị.

5) Những công nhân quốc phòng vì thử, chữa hay sản xuất vũ khí, vì chiến đấu bảo vệ nhà máy trong thời gian kháng chiến mà bị hy sinh, vì dũng cảm vượt khó khăn nguy hiểm, kiên quyết làm nhiệm vụ khi phục vụ tiền tuyến, mà bị hy sinh, được đồng nghiệp trong xí nghiệp hoặc nhân dân nhận xét là xứng đáng, Ủy ban Hành chính tỉnh hay Bộ Tư lệnh Quân khu đề nghị.

6) Những thanh niên xung phong, đội viên đội chủ lực cầu đường, vì dũng cảm vượt khó khăn nguy hiểm, kiên quyết làm nhiệm vụ trong khi phục vụ tiền tuyến trong thời gian kháng chiến, những dân công luôn luôn tỏ ra dũng cảm vượt khó khăn nguy hiểm, kiên quyết làm nhiệm vụ trong khi phục vụ tiền tuyến, mà bị hy sinh, được nhân dân nhận xét là xứng đáng, Ủy ban Hành chính tỉnh đề nghị.

7) Những thương binh, dân quân du kích, cảnh vệ, cán bộ, nhân viên, thanh niên xung phong, công an vũ trang bị thương trong những trường hợp đã nói trên đây và thành thương tật, vẫn giữ được phẩm chất cách mạng, sau vì vết thương cũ tái phát mà chết, được đồng đội trong đơn vị, đồng sự trong cơ quan hay nhân dân nhận xét là xứng đáng, Ủy ban Hành chính tỉnh đề nghị.

8) Những công dân vì kiên quyết bảo vệ cán bộ hay cơ sở cách mạng, trong khi đấu tranh chống đế quốc, chống phong kiến mà bị địch sát hại, bị địch tra tấn chết mà không khai báo.

Những cốt cán trong phát động quần chúng đã kiên quyết đấu tranh với địa chủ, phản động mà bị chúng sát hại, được nhân dân nhận xét là xứng đáng, Ủy ban Hành chính tỉnh đề nghị.

Trên đây là trường hợp những người hy sinh một cách vẻ vang xứng đáng là liệt sĩ.

Đối với trường hợp những người đã mất, trọn đời phục vụ cách mạng, có công lớn thì Chính phủ còn đang nghiên cứu và sẽ quy định sau.

ĐIỀU LỆ

VỀ ƯU ĐÃI GIA ĐÌNH QUÂN NHÂN

Điều 1. – Quân nhân mà gia đình được hưởng các khoản ưu đãi của điều lệ này là các cán bộ và chiến sĩ tại ngũ thuộc các tổ chức của quân đội nhân dân Việt nam và các bộ đội cảnh vệ, bộ đội bảo vệ.

Điều 2. – Gia đình quân nhân gồm những thân nhân của quân nhân xếp thứ tự trước sau như dưới đây:

- Vợ hay chồng

- Con

- Cha mẹ đẻ

- Em dưới 16 tuổi, nếu không còn cha mẹ

Nếu không có những người này thì người nào đã thực sự nuôi nấng quân nhân từ bé đến lớn, hoặc người mà quân nhân có nhiệm vụ nuôi nấng, do nhân dân xã hoặc khu phố công nhận, được coi là gia đình quân nhân.

Điều 3. – Gia đình quân nhân từ khi thành lập quân đội tới ngày ban hành điều này, được tăng thưởng bảng “Gia đình vẻ vang” hoặc là “Bảng vàng danh dự”

Điều 4. – Gia đình quân nhân tại ngũ được nhân dân và chính quyền giúp đỡ trong việc sinh sống làm ăn, tùy theo điều kiện cho phép.

Điều 5. – Gia đình quân nhân tại ngũ thiếu ruộng cày được ưu đãi trong việc chia cấp ruộng đất, theo như Luật cải cách ruộng đất đã quy định.

Điều 6. – Gia đình quân nhân tại ngũ được tính mỗi quân nhân tại ngũ là một nhân khẩu trong thuế nông nghiệp.

Điều 7. – Gia đình quân nhân tại ngũ được chiếu cố trong việc tuyển dụng vào cơ quan, xí nghiệp, trong việc tuyển lựa học sinh vào các trường.

Điều 8. – Trong việc Chính phủ cứu tế hay cho nhân dân vay, gia đình quân nhân được chiếu cố.

Điều 9. – Gia đình quân nhân tại ngũ từ trần được cấp một lần một khoản tiền tuất do Bộ Thương binh ấn định thỏa thuận với Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 980-TTg năm 1956 về bản điều lệ ưu đãi thương binh, dân quân du kích, thanh niên xung phong bị thương tật, bản điều lệ ưu đãi gia đình liệt sĩ và bản điều lệ ưu đãi gia đình liệt sĩ và bản điều lệ ưu đãi gia đình quân nhân do Thủ Tướng ban hành.

  • Số hiệu: 980-TTg
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 27/07/1956
  • Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
  • Người ký: Phan Kế Toại
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 29
  • Ngày hiệu lực: 11/08/1956
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản