BỘ THƯƠNG BINH | VIỆT |
Số: 59-TB-SL5 | Hà Nội, ngày 17 tháng 10 năm 1956 |
GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH ĐIỀU LỆ ƯU ĐÃI GIA ĐÌNH LIỆT SĨ
BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG BINH
Kính gửi: | - Các Ủy ban Hành chính liên khu, thành phố |
Cho tới nay, các ngành đã có số quy định cụ thể về ưu đãi gia đình liệt sĩ. Nay Thủ tướng phủ quyết định tổng hợp và bổ sung thành điều lệ ưu đãi gia đình liệt sĩ và ban hành ở nghị định số 980-TTg ngày 27-7-1956, nhằm để :
1) Đề cao và tỏ lòng ghi nhớ công ơn liệt sĩ đối với Tổ quốc, với nhân dân.
2) Thiết thực đền đáp công ơn liệt sĩ, săn sóc ưu đãi gia đình liệt sĩ về mặt vật chất và tinh thần.
3) Động viên gia đình liệt sĩ phấn khởi, khuyến khích quân nhân hăng hái phấn đấu thực hiện thống nhất đất nước nhà hòan thành sự nghiệp giải phóng dân tộc.
I. GIẢI THÍCH VỀ TIÊU CHUẨN LIỆT SĨ VÀ GIA ĐÌNH LIỆT SĨ :
A. Về liệt sĩ :
Việc xác nhận liệt sĩ phải thi hành đúng theo bản định nghĩa liệt sĩ, Thủ tướng phủ đã quy định, Bộ giải thích thêm những điểm sau đây để các Ủy ban chú ý :
1) Những người đã hy sinh vẻ vang đấu tranh chống đế quốc, chống phong kiến, tính từ năm 1952 trở về sau là liệt sĩ, kể cả các cán bộ, đảng viên Việt nam Quốc dân đảng chân chính hy sinh trong phong trào Nguyễn Thái Học và các ngoại kiều không có quốc tịch Việt nam vì phấn đấu trong hàng ngũ cách mạng Việt nam mà hy sinh. Các liệt sĩ yêu nước hy sinh trước 1925 là những tiên liệt không quy định trong bản định nghĩa liệt sĩ đã ban hành.
2) Điểm căn bản để xác nhận liệt sĩ là trường hợp hy sinh. Nếu là hy sinh vẻ vang vì đấu tranh chống đế quốc, chống phong kiến thì là liệt sĩ. Nói hy sinh vẻ vang là hy sinh một cách dũng cảm vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
3) Các trường hợp chết sau đây coi là hy sinh : chết trận, chết vì địch giết trong khi đấu tranh hay đang làm công tác cách mạng, chết vì tai nạn trong khi làm công tác cách mạng.
Các trường hợp chết trận, chết vì địch giết trong khi đấu tranh hay đang làm công tác cách mạng đều đương nhiên là liệt sĩ. Trường hợp chết vì tai nạn trong khi công tác phải là do dũng cảm vượt khó khăn nguy hiểm, kiên quyết làm nhiệm vụ, phải được nhân dân, đồng đội, đồng sự hay đồng nghiệp nhận xét là xứng đáng, Ủy ban Hành chính tỉnh hay cấp trung đòan trở lên đề nghị, mới coi là liệt sĩ.
Quân nhân, cán bộ, nhân viên bị địch giết chết (phục kích, ám sát, oanh tạcv.v…) trong khi làm công tác đều coi là liệt sĩ.
Trường hợp mất tích mất tin, nếu xác nhận là đã hy sinh ở một trong các trường hợp sau đây mới coi là liệt sĩ .
Chết bệnh thông thường không phải là hy sinh, và nói chung không coi là liệt sĩ.
4) Cán bộ, nhân viên, quân nhân cách mạng bị địch bắt tra tấn, không khai báo, không chịu khuất phục, kiên quyết đấu tranh, sau bị ốm chết phải là do bị tra tấn hay là do chế độ nhà tù hà khắc tàn bạo mà ốm chết trong nhà tù hay sau khi ra tù thì coi là liệt sĩ.
5) Cán bộ, nhân viên cách mạng nói trong bản định nghĩa liệt sĩ bao gồm cả cán bộ thôn xã và các nhân viên làm công tác bán thoát ly ở thôn xã như thông tin, giao thông, công an v.v…
6) Các công dân nói ở khoản 3 bản định nghĩa liệt sĩ gồm các đảng viên, đoàn viên, hội viên của đảng cách mạng và các đòan thể cứu quốc ở cơ sở và xã. Những người này nếu vì dũng cảm vượt khó khăn nguy hiểm, kiên quyết làm nhiệm vụ, kiên quyết đấu tranh hoặc vì cứu cán bộ, cứu tài sản quốc gia và bị địch giết thì đều là liệt sĩ. Nếu vì tai nạn mà chết, thì phải được nhân dân nhận xét là xứng đáng. Ủy ban Hành chính tỉnh trở lên đề nghị, mới được coi là liệt sĩ. Các đảng viên, đòan viên đòan thể quần chúng bị hy sinh vì tham gia đấu tranh trong phong trào Xô viết Nghệ tỉnh đều coi là liệt sĩ.
7) Thương binh, dân quân du kích, cảnh vệ, cán bộ, nhân viên thanh niên xung phong, công an vũ trang bị thương và thành thương tật phải là vì chiến đấu với địch, vì đấu tranh hay làm công tác cách mạng, sau vì vết thương tái phát mà chết, được đồng đội, đồng sự hay nhân dân nhận xét là xứng đáng, Ủy ban Hành chính tỉnh đề nghị được coi là liệt sĩ. Vẫn giữ được phẩm chất cách mạng, nghĩa là vẫn giữ được tinh thần đấu tranh và đạo đức cách mạng, không đứng về phía địch, không phạm sai lầm nghiêm trọng về sinh hoạt, tác phong nhưng không nên vì có nhưng khuyết điểm vụn vặt về sinh hoạt mà coi là không giữ được đạo đức cách mạng.
8) Nói chung, những người vì đánh địch hay đấu tranh với địch. Những quân nhân cán bộ, nhân viên cách mạng vì làm công tác cách mạng bị sát hại thì đương nhiên là liệt sĩ. Những trường hợp hy sinh khác phải là do dũng cảm vượt khó khăn nguy hiểm, kiên quyết làm nhiệm vụ được nhân dân, đồng đội hay đồng sự nhận xét là xứng đáng, Ủy ban Hành chính tỉnh hay cấp Trung đoàn đề nghị, mới được coi là liệt sĩ. Những đơn vị, cơ quan hay thôn xóm có người hy sinh trong những trường hợp khác đó, đơn vị, cơ quan hay Ủy ban Hành chính xã cần đề ra để chiến sĩ, cán bộ, nhân viên hay nhân dân ở đó nhận xét, nếu thấy là xứng đáng thì mới báo cáo Ủy ban Hành chính tỉnh hay cấp Trung đòan xét và đề nghị lên trên công nhận.
B. Về gia đình liệt sĩ :
1) Gia đình liệt sĩ gồm những thân nhân mà liệt sĩ có nhiệm vụ đền đáp công lao nuôi dưỡng hay liệt sĩ có nhiệm vụ nuôi nấng hay do liệt sĩ chết đi mà chịu thiệt thòi.
Liệt sĩ chết đi trước hết là thiệt thòi cho vợ hay chồng, con cái rồi đến cha mẹ, vì vậy, thứ tự trước sau đã quy định là xếp theo mức thiệt thòi mà những thân nhân ấy phải chịu.
2) Những người khác có liệt sĩ mất đi mà không có người trông nom nuôi nấng như : em dưới 16 tuổi (tính khi kê khai xác nhận liệt sĩ ), tức là chưa đến tuổi tự lập được, ông nội bà nội già yếu không nơi nương tựa, đều được tính là thân nhân liệt sĩ.
Việc công nhận gia đình liệt sĩ là để chăm sóc các thân nhân của các liệt sĩ do sự hy sinh của liệt sĩ mà đã ảnh hưởng đến tình cảm và đời sống nên không theo chế dộ thứ tự :
a) Vợ liệt sĩ đã tái giá không được tính là gia đình liệt sĩ. Chồng liệt sĩ đã lấy vợ khác, nếu liệt sĩ có con và chồng liệt sĩ vẫn nuôi con thì cũng được tính là gia đình liệt sĩ.
b) Con liệt sĩ mà mẹ đã lấy chồng khác bất cứ ở với ai, vẫn được coi là thân nhân chủ yếu của liệt sĩ, người nuôi con của liệt sĩ mà không đủ tiêu chuẩn gia đình liệt sĩ thì không tính là gia đình liệt sĩ.
c) Nếu vợ con liệt sĩ ở chung một hộ với cha mẹ liệt sĩ thì trong gia đình có thể thỏa thuận với nhau để cha hay mẹ đứng khai lĩnh bằng Tổ quốc ghi công, những quyền lợi ưu đãi vẫn chủ yếu là cho vợ con liệt sĩ.
d) Gia đình có nhiều liệt sĩ thì cha mẹ đứng tên chủ gia đình những liệt sĩ nào chưa có vợ con.
e) Mẹ liệt sĩ đã lấy chồng khác chỉ được tính là gia đình liệt sĩ khi nào không còn thân nhân mà liệt sĩ có nhiệm vụ nuôi nấng hay đền đáp, theo như quy định trên.
g) Ông nội, bà nội của liệt sĩ già yếu, nếu liệt sĩ không còn cha mẹ chú bác hay anh ruột để trông nom giúp đỡ thì được tính là gia đình liệt sĩ.
h) Nếu liệt sĩ không còn thân nhân nào được công nhận là gia đình liệt sĩ thì nngười nuôi liệt sĩ được tính, nhưng phải nuôi nấng liệt sĩ ít nhất được 3 năm trở lên, kể trong thời gian liệt sĩ chưa đủ 16 tuổi.
Nếu có nhiều người nuôi liệt sĩ đến 16 tuổi thì người nào có công nuôi dưỡng nhiều nhất và được 3 năm trở lên, do nhân dân xóm, phố công nhận được kể là gia đình liệt sĩ.
i) Nếu không có cha mẹ, vợ con, em dưới 16 tuổi, người có công nuôi nấng liệt sĩ hay người liệt sĩ có nhiệm vụ nuôi nấng, mà chỉ có em trên 16 tuổi hoặc anh, thì người em hay người anh đó được tính là gia đình liệt sĩ. Nếu có nhiều anh em thì người nào có quan hệ nuôi dưỡng liệt sĩ hay người nào được nhân dân xóm, phố thấy là thỏa đáng, được tính là gia đình liệt sĩ.
II. NỘI DUNG CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI :
1) Việc tặng thưởng bằng Tổ quốc ghi công và giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ thi hành theo thông tư số 47-TB-LS3 ngày 28-5-1956 của Bộ. Giấy chứngn nhận gia đình liệt sĩ do người thân nhân gần nhất của liệt sĩ đứng tên và giữ, những người thân nhân khác trong gia đình liệt sĩ có thể sử dụng được, nhưng mỗi khi sử dụng phải có giấy tờ chứng minh người đó là thân nhân của liệt sĩ. Những người họ hàng không phải là gia đình liệt sĩ đã quy định trong điều lệ và giải thích trên đây thì không được sử dụng giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ. Nếu liệt sĩ không có ai đủ tiêu chuẩn là thân nhân của liệt sĩ thì không cấp giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ.
2) Ở nông thôn, việc giúp đỡ gia đình liệt sĩ trong việc sinh sống làm ăn, chủ yếu là giúp đỡ trong việc canh tác ruộng vườn, như cày, bừa, cấy, gặt v.v..., bảo đảm cho các gia đình liệt sĩ cày cấy hết ruộng đất của mình, thu hoạch không dưới mức bình thường.
Ngoài việc giúp đỡ cày cấy ruộng vườn, cần giúp đỡ gia đình liệt sĩ trong đời sống hằng ngày, thăm hỏi khi đau ốm, an ủi trong ngày lễ, ngày giỗ liệt sĩ, giúp đỡ làm nhà cửa v.v...
Ở thành thị, chủ yếu là thu xếp công việc làm cho gia đình liệt sĩ, giúp đỡ gia đình liệt sĩ làm nghề thủ công, hướng dẫn tham gia các tập đòan sản xuất, bảo đảm cho các gia đình liệt sĩ đều có công ăn việc làm, đời sống được ổn định.
Ngoài ra, khu phố cần thăm hỏi khi đau ốm, an ủi trong ngày lễ, ngày giỗ liệt sĩ, ...cũng như ở nông thôn.
Đối với các gia đình liệt sĩ già yếu, thiếu sức lao động. Chính quyền và nhân dân cần chú trọng giúp đỡ để cho đời sống các gia đình đó được bảo đảm sinh sống.
3) Trong cải cách ruộng đất, gia đình liệt sĩ được chia ruộng phần liệt sĩ, các gia đình thiếu ruộng được chia ưu tiên, các gia đình liệt sĩ khác được chiếu cố theo luật cải cách ruộng đất hiện hành.
4) Trong thuế nông nghiệp, gia đình liệt sĩ được tính mỗi liệt sĩ là một nhân khẩu trong thuế. Nếu gia đình liệt sĩ có nhiều hộ thì hộ gần nhất của liệt sĩ được tính.
Nếu vợ của liệt sĩ đã tái giá hay chết, con liệt sĩ còn nhỏ ở với họ hàng nuôi thì người họ hàng vẫn được tính nhân khẩu của liệt sĩ trong thời gian nuôi con liệt sĩ.
5) Trong việc tuyển dụng vào cơ quan, xí nghiệp hoặc tuyển lựa học sinh vào các trường học, gia đình liệt sĩ được chiếu cố. Cũng điều kiện tuyển dụng hay tuyển lựa, gia đình liệt sĩ được ưu tiên. Trong khi xét gia đình liệt sĩ được châm chước một phần. Con em liệt sĩ nghèo được ưu tiên xét cấp học bổng.
6) Trong các ngày lễ, cuộc vui, gia đình liệt sĩ được mời ngồi chỗ tốt, theo thứ tự gia đình liệt sĩ trước gia đình quân nhân.
7) Hàng năm các cửa hàng Mậu dịch dành một số ngày bán rể cho gia đình liệt sĩ. Các ngành Mậu dịch, Ngân hàng, vận tải quốc doanh, Điện ảnh quốc doanh sẽ có những quy định khác để chiếu cố gia đình liệt sĩ.
8) Trong những dịp Chính phủ cứu tế hay cho vay thì gia đình liệt sĩ được chiếu cố, gia đình liệt sĩ nghèo túng được ưu tiên.
9) Gia đình liệt sĩ được cấp một lần một khoản tiền tuất từ 3 tháng đến 12 tháng sinh hoạt phí hay lương bổng của liệt sĩ. Việc cấp phát tiền tuất thi hành theo thông tư số 58-TB-LS4 ngày 10-10-1956 của Bộ.
III. QUY ĐỊNH VỀ MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT:
1) Trước khi ban hành điều lệ, một số gia đình đã được công nhận là gia đình liệt sĩ, nay nếu xét không đúng thì các gia đình đó không được hưởng danh nghĩa và quyền lợi gia đình liệt sĩ nữa. Đối với các gia đình đó, các quyền ưu đãi đã hưởng nói chung đều không phải thanh tóan hay điều chỉnh, kể cả ruộng đất, quả thật là tiền tuất. Bằng Tổ quốc ghi công, bằng Tổ quốc ghi ơn đã trao tặng cho các gia đình đó cũng không phải thu hồi mà để cho gia đình lưu niệm.
Các phần mộ nay xét ra không phải mộ liệt sĩ nếu đã quy tạo vào nghĩa trang liệt sĩ cũng không đặt vấn đề đem ra mà cứ để nguyên trong nghĩa trang, nhưng mộ chi không ghi là liệt sĩ mà chỉ đề họ tênvà ngày từ trần.
Nếu những gia đình trên là gia đình quân nhân tử trận, gia đình được tiếp tục hưởng danh nghĩa và quyền lợi gia đình quân nhân 2 năm nữa kể từ ngày xác nhận không phải là liệt sĩ.
Đối với những trường hợp trên đây cần giải thích an ủi làm cho gia đình vui vẻ, thông suốt.
2) Đối với những gia đình nay mới được xác nhận là gia đình liệt sĩ, mà địa phương đã qua cải cách ruộng đất rồi, tùy hòan cảnh nếu xã còn ruộng dự trữ, còn quả thực, cần trích ra để thực hiện ưu đãi, chiếu cố cho các gia đình đó. Nếu không còn thì giải thích cho gia đình vui lòng.
1) Các Ủy ban Hành chính các cấp cần nghiên cứu thấu triệt để điều lệ ưu đãi và tiêu chuẩn liệt sĩ, tổ chức phổ biến trong cán bộ thật thông suốt và có kế hoạch hướng dẫn cụ thể.
2) Ở xã, khu phố cần tổ chức học tập trong cán bộ, có liên hệ kiểm điểm và đặt kế hoạch thực hiện, sau đó tiến hành tuyên truyền phổ biến sâu rộng trong nhân dân, hướng dẫn nhân dân liên hệ kiểm điểm và bàn bạc việc chấp hành phối hợp với việc sửa các sai sót đã phạm.
Các cơ quan, đơn vị cũng cần tiến hành học tập phổ biến sâu rộng để động viên tinh thần phấn khởi và tăng thêm ý thức của cán bộ, chiến sĩ , nhân dân đối với chính sách và để thực hiện chính sách trong cơ quan đơn vị mình.
Một địa phương cần tổ chức thí điểm việc thi hành điều lệ ưu đãi phối hợp việc nhận xét cấp bằng Tổ quốc ghi công và xét cấp tiền tuất, để rút kinh nghiệm hướng dẫn các nơi khác thực hiện.
BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG BINH |
- 1Nghị định 980-TTg năm 1956 về bản điều lệ ưu đãi thương binh, dân quân du kích, thanh niên xung phong bị thương tật, bản điều lệ ưu đãi gia đình liệt sĩ và bản điều lệ ưu đãi gia đình liệt sĩ và bản điều lệ ưu đãi gia đình quân nhân do Thủ Tướng ban hành.
- 2Thông tư 53-NV/TB năm 1959 về việc vận dụng tiêu chuẩn để xác nhận liệt sĩ do Bộ Nội Vụ ban hành
- 3Thông tư 70-TT-LB năm 1957 về việc ưu đãi thương binh và gia đình liệt sĩ xem chiếu bóng, văn công và các cuộc biểu diễn nghệ thuật khác do Bộ Văn Hoá- Bộ Thương Binh ban hành.
- 4Thông tư 47-TB-LS3 năm 1956 về việc tặng thưởng bằng tổ quốc ghi công do Bộ Thương binh ban hành
- 5Thông tư 58-TB-LS4 năm 1956 về việc xét cấp tiền tuất cho gia đình liệt sĩ do Bộ Thương binh ban hành
Thông tư 59-TB-SL5 năm 1956 giải thích và hướng dẫn thi hành Điều lệ ưu đãi gia đình liệt sĩ do Bộ Thương binh ban hành
- Số hiệu: 59-TB-SL5
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 17/10/1956
- Nơi ban hành: Bộ Thương binh
- Người ký: Vũ Đình Tụng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 38
- Ngày hiệu lực: 01/11/1956
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định