Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2838-NV

Hà Nội, ngày 28 tháng 05 năm 1962

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC PHÂN CẤP QUẢN LÝ CÔNG TÁC PHỤ CẤP THƯƠNG TẬT VỀ ĐỊA PHƯƠNG.

Kính gửi: Ủy ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh và khu vực Vĩnh linh.

Để thực hiện việc phân cấp quản lý công tác thương binh, liêt sĩ, để phát huy được đầy đủ chức năng của các địa phương và giải quyết nhanh chóng quyền lợi cho anh em thương binh, Bộ chủ trương chuyển giao cho các Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh phụ trách việc xác nhận và cấp sổ phụ cấp thương tật, giấy chứng nhận cho thương binh, dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương tật.

Qua trưng cầu ý kiến của các đại biểu Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh ở hội nghị công tác thương binh liệt sĩ đầu tháng 4 vừa qua, nói chung các đại biểu đều nhất trí với chủ trương của Bộ.

Nay Bộ ra quyết định về vấn đề này và hướng dẫn thêm một số điểm như sau:

I. NỘI DUNG CÔNG TÁC PHỤ CẤP THƯƠNG TẬT CHUYỂN GIAO CHO CÁC UỶ BAN, GỒM CÓ NHỮNG VIỆC SAU ĐÂY.

1. Xác nhận thương binh, dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương trong kháng chiến còn sót lại và thương binh trong hoà bình.

2. Trực tiếp xét và cấp sổ phụ cấp thương tật, giấy chứng nhận cho thương binh, dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương tật (cấp lần đầu,cấp lại vì bị mất,bị rách hỏng hoặc đổi sổ vì hết phiếu, vì khám lại thương tật …)

3. Quyết định tước danh nghĩa, quyền lợi đối với những thương binh, dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương tật phạm sai lầm nghiêm trọng và thu hồi sổ phụ cấp thương tật, giấy chứng nhận thương binh, dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương tật đối với những trường hợp không đúng tiêu chuẩn hưởng quyền lợi thương tật.

4. Quyết định việc giới thiệu anh em đi khám lại thương tật ở Hội đồng giám định y khoa khu vực hay trung ương (các trường hợp đã nêu trong thông tư số 35/NV ngày 23-7-1960)

II. THỦ TỤC TIẾN HÀNH.

Để đảm bảo việc xác nhận được chính xác, tránh trùng cấp và sai sót trong việc vận dụng tiêu chuẩn trong thời gian đầu, Bộ tạm thời quy định thủ tục xác nhận như sau:

1. Đối với những hồ sơ mới (kể cả những trường hợp thương binh dân quân du kích, thanh niên xung phong bị thương trong kháng chiến còn sót lại và thương binh trong hòa bình)và những trường hợp khám lên hạng thương tật ( không qua Hội đồng giám định y khoa) Bộ sẽ góp ý kiến trước khi Ủy ban ra quyết định cấp sổ phụ cấp thương tật và giấy chứng nhận thương binh dân quân du kích, thanh niên xung phong bị thương tật.

2. Các trường hợp khác như: cấp lại vì bị mất, bị rách hỏng , đổi sổ vì hết phiếu hoặc khám lại thương tật vẫn giữ nguyên hạng cũ hay xuống hạng… thì Ủy ban xét quyết định và cấp ngay sổ phụ cấp thương tật, giấy chứng nhận cho anh em.

3. Tất cả hồ sơ thương tật đều gửi về Bộ để lưu trữ thống nhất, các Ủy ban nên ghi cụ thể vào sổ theo dõi của địa phương.

Sau này, việc xác nhận thương binh và cấp sổ phụ cấp thương tật đi vào nề nếp,Bộ sẽ nghiên cứu quy định lại thủ tục trên đây.

Đề nghị các Ủy ban, sau khi nhận được quyết định và công văn này tiến hành việc chuẩn bị và cử cán bộ phụ trách về Bộ từ nay đến cuối tháng 6 năm 1962 để được hướng dẫn về nghiệp vụ ( Bộ sẽ có bản hướng dẫn gửi về sau).

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG





Tô Quang Đẩu

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 2838-NV năm 1962 về phân cấp quản lý công tác phụ cấp thương tật về địa phương do Bộ Nội Vụ ban hành

  • Số hiệu: 2838-NV
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 28/05/1962
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Tô Quang Đẩu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 22
  • Ngày hiệu lực: 12/06/1962
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản