Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ - BỘ QUỐC PHÒNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 027-NV

Hà Nội, ngày 05 tháng 05 năm 1961

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

HƯỚNG DẪN VIỆC VẬN DỤNG TIÊU CHUẨN THƯƠNG BINH ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN BỊ THƯƠNG TRONG HÒA BÌNH

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ - BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG

Kính gửi:

- Ủy ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh, và khu vực Vĩnh Linh
- Các đơn vị quân đội

Trong bản điều lệ ưu đãi thương binh, bệnh binh, dân quân du kích, thanh niên xung phong bị thương tật do Thủ tướng Chính phủ ban hành bằng nghị định số 980-TTg ngày 27 tháng 7 năm 1956 có định nghĩa thương binh như sau:

“ Gọi là thương binh và được hưởng các khoản ưu đãi quy định trong bản điều lệ này, những quân nhân thuộc quân đội nhân dân Việt Nam, những chiến sĩ thuộc các đội vũ trang có trước ngày thành lập quân đội, những chiến sĩ thuộc các đội cảnh vệ và những chiến sĩ thuộc các đội vũ trang có trước ngày thành lập các đơn vị cảnh vệ, bị thương trong thời gian tại ngũ, vì chiến đấu với địch, vì thừa hành công vụ, vì cứu người”

Quy định trên đây áp dụng chung cho quân nhân bị thương trong kháng chiến và trong hòa bình nhưng đối với những trường hợp bị thương trong hòa bình thì cần có sự hướng dẫn cụ thể hơn để việc vận dụng tiêu chuẩn thương binh được đúng.

Vì vậy, Liên Bộ Nội vụ và Quốc phòng hướng dẫn việc vận dụng tiêu chuẩn thương binh đối với quân nhân bị thương trong hòa bình như sau:

1. Được coi là chiến đấu với địch, những trường hợp: tiễu phỉ trừ gian, trấn áp phản cách mạng v.v…

2. Được coi là thừa hành công vụ, những trường hợp: làm những nhiệm vụ nguy hiểm, biểu thị tinh thần anh dũng, xứng đáng được nêu gương cho đơn vị học tập.

3. Được coi là cứu người, những trường hợp: anh dũng làm những nhiệm vụ nguy hiểm để bảo vệ tính mạng của đồng đội, của nhân dân và bảo vệ tài sản của quân đội, của Nhà nước, của nhân dân.

Đối với hai trường hợp thừa hành công vụ và cứu người, phải được thủ trưởng từ cấp Trung đoàn hoặc tương đương trở lên xét cấp giấy báo bị thương.

Từ nay, các Ủy ban hành chính, các đơn vị quân đội chỉ lập hồ sơ phụ cấp thương tật cho những quân nhân bị thương trong các trường hợp đã quy định trên đây.

Còn các trường hợp bị thương khác như bị thương vì luyện tập quân sự thông thường, thể thao vì lao động sản xuất, xây dựng doanh trại hay vì tai nạn bất thường v.v… thì không coi là thương binh; Liên bộ sẽ nghiên cứu đề nghị Chính phủ ban hành một chế độ thích hợp khác, nhưng sau khi bị thương, nếu có thương tật rõ rệt, đơn vị vẫn xét cấp ngay giấy báo bị thương cho anh em, để sau này khi có quy định mới, sẽ dùng làm hồ sơ giải quyết quyền lợi, tránh tình trạng lúc đó phải cấp lại giấy tờ, không đủ căn cứ chính xác.

Riêng đối với những quân nhân bị thương trong hòa bình, trước đây đã được cấp giấy chứng nhận thương binh và sổ phụ cấp thương tật rồi, thì tạm thời vẫn tiếp tục hưởng quyền lợi, khi có chế độ mới sẽ giải quyết thống nhất sau.

Yêu cầu các Ủy ban hành chính, các đơn vị quân đội nghiên cứu thi hành đúng thông tư này, đồng thời phổ biến cho các quân nhân trong đơn vị rõ.

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG
THỨ TRƯỞNG
 
 


Song Hào

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG

 
 

Tô Quang Đẩu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ 27-NV năm 1961 hướng dẫn vận dụng tiêu chuẩn thương binh đối với quân nhân bị thương trong hòa bình do Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ ban hành.

  • Số hiệu: 027-NV
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 05/05/1961
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng
  • Người ký: Song Hào, Tô Quang Đẩu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 31
  • Ngày hiệu lực: 20/05/1961
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản