BỘ NỘI VỤ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 2857-TB | Hà Nội, ngày 12 tháng 06 năm 1961 |
VỀ VẬN DỤNG TIÊU CHUẨN THƯƠNG BINH ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN BỊ THƯƠNG TRONG HÒA BÌNH
Kính gửi: | -Ủy ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh và khu vực Vĩnh Linh |
-Các đơn vị quân đội |
Để giúp các Ủy ban hành chính, các đơn vị quân đội xét lập hồ sơ phụ cấp thương tật cho quân nhân bị thương trong hòa bình được đúng quy định trong thông tư Liên bộ Nội vụ-Quốc phòng số 27-NV ngày 5-5-1961, Bộ tôi hướng dẫn thêm:
I. VIỆC XÉT CẤP GIẤY BÁO THƯƠNG
Khi có quân nhân bị thương, các đơn vị quân đội cần theo đúng tinh thần Thông tư số 27-NV ngày 05-5-1961 của Liên bộ Nội vụ - Quốc phòng hướng dẫn việc vận dụng tiêu chuẩn thương binh đối với quân nhân bị thương trong hòa bình và chấp hành đầy đủ các nguyên tắc về việc xét cấp giấy tờ quy định trong công văn số 496-G6/CV ngày 12-9-1960 của Cục Quân lực, để xét cấp kịp thời giấy báo bị thương cho anh em, không nên để lâu mới giải quyết, vì lúc đó sẽ không đủ căn cứ chính xác.
Những quân nhân bị thương, từ sau ngày hòa bình đến nay, nếu bị thương vì chiến đấu với địch như tiễu phỉ, trừ gian, trấn áp phản cách mạng…và đã được cấp giấy báo bị thương ghi cụ thể trường hợp bị thương thì không phải thay đổi lại giấy báo bị thương; còn các trường hợp bị thương khác, như thừa hành công vụ cứu người…thuộc vào diện được xác nhận là thương binh thì phải cấp lại giấy báo bị thương khác ghi rõ trường hợp bị thương và được thủ trưởng từ cấp Trung đoàn hoặc cấp tương đương trở lên xét cấp, để phân biệt được những trường hợp bị thương được xác nhận là thương binh và những trường hợp bị thương vì làm nhiệm vụ thông thường.
Đối với những quân nhân bị thương từ sau hòa bình chưa có giấy báo bị thương, thì các đơn vị nên thẩm tra thật kỹ trước khi xét cấp.
Để bảo đảm việc xác nhận thương binh được chính xác, trong giấy báo bị thương, các đơn vị nên ghị thật cụ thể trường hợp như: chiến đấu, làm nhiệm vụ …nếu bị thương vì làm nhiệm vụ thì là nhiệm vụ gì, khó khăn nguy hiểm ra sao hay chỉ là nhiệm vụ thông thường, bị thương trong tình hình đang diễn biến thế nào, có thể hiện được tinh thần khắc phục khó khăn nguy hiểm, tinh thần dũng cảm hy sinh, có xứng đáng nêu gương cho mọi người học tập không, dư luận của xung quanh, ý kiến nhận xét và đề nghị của đơn vị đối với trường hợp này v.v…
II. VIỆC XÉT NHẬN HỒ SƠ VÀ KHÁM XẾP HẠNG THƯƠNG TẬT
1. Để giải quyết được thống nhất và chính xác, tất cả các hồ sơ phụ cấp thương tật của quân nhân bị thương trong hòa bình, dù đã phục viên, chuyển ngành hay còn tại ngũ nói chung, đều nạp ở Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh nơi anh em đang ở hay công tác. Đối với quân nhân còn tại ngũ, các đơn vị cũng sẽ tập trung hồ sơ chuyển đến Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh nơi đóng quân, mà không gửi hoặc mang thẳng về Bộ như lâu nay nữa.
Đề nghị các Ủy ban vận dụng tiêu chuẩn đã quy định, mà xét, nếu hồ sơ nào chưa hợp lệ về thể thức giấy tờ hoặc trường hợp bị thương chưa rõ ràng thì hướng dẫn anh em bổ sung thêm cho đầy đủ hoặc trực tiếp liên hệ với các đơn vị thẩm tra xác nhận lại.
Các Ủy ban chỉ giới thiệu những anh em có hồ sơ hợp lệ đủ tiêu chuẩn xác nhận là thương binh đi khám xếp hạng thương tật và chỉ tập trung những hồ sơ đó chuyển về Bộ.
Còn đối với những quân nhân bị thương trong hòa bình vì làm nhiệm vụ thông thường thì giải thích cho anh em rõ và giả lại hồ sơ để anh em giữ và dùng sau này khi có ban hành một chế độ thích hợp khác.
2. Việc xếp hạng thương tật đối với quân nhân bị thương trong hòa bình được xác nhận là thương binh vẫn áp dụng theo bản xếp hạng thương tật chung do Liên bộ Thương binh-Y tế-Quốc doanh-Tài chính ban hành bằng Nghị định số 18-NĐ ngày 17-11-1954.
Tuy nhiên, lâu nay có nhiều trường hợp xếp hạng thương tật không được chính xác, thường là xếp hạng quá cao, không vận dụng đúng tiêu chuẩn quy định; nhiều trường hợp chuyển đến Hội đồng Giám định Y khoa xét định lại, thì phần lớn đều xuống hạng.
Vì vậy, để bổ khuyết tình trạng nói trên, đề nghị các Ủy ban thường xuyên theo dõi, có sự chỉ đạo chặt chẽ đối với Hội đồng xếp hạng thương tật để đảm bảo vận dụng tiêu chuẩn thật chính xác. Những trường hợp xếp hạng còn gượng ép, Bộ sẽ chuyển đến Hội đồng Giám định Y khoa để xét định lại, và như vậy, anh em phải đi lại tốn kém, phải chờ đợi lâu và sẽ có khó khăn cho việc giải quyết tư tưởng của anh em.
Trong việc xếp hạng thương tật, cần chú ý:
- Phải khám xét thật kỹ càng. Những vết thương phức tạp phải có chuyên khoa xét nghiêm xác minh.
- Những vết thương nhẹ xét có khả năng điều trị bình phục, không có ảnh hưởng hoặc chỉ ảnh hưởng rất ít, thì cố gắng chữa lành cho anh em, cương quyết không xếp vào hạng gượng ép.
- Những vết thương không đủ tiêu chuẩn xếp vào hạng thì tuyệt đối không định tỷ lệ phần trăm (%) nữa, (vì tỷ lệ phần trăm chỉ dùng giải quyết cho những trường hợp bị thương trong kháng chiến để hưởng lương thương tật từ cuối năm 1954 trở về trước mà thôi).
Yêu cầu các Ủy ban hành chính, các đơn vị quân đội nghiên cứu làm đúng công văn này. Trong khi thực hiện có gì khó khăn trở ngại, kịp thời phản ánh về Bộ để nghiên cứu giải quyết.
TL. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ VỤ TRƯỞNG VỤ DÂN CHÍNH VÀ THƯƠNG BINH Phan Thêm |
Thông tư 2857-TB năm 1961 vận dụng tiêu chuẩn thương binh đối với quân nhân bị thương trong hòa bình do Bộ Nội vụ ban hành
- Số hiệu: 2857-TB
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 12/06/1961
- Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
- Người ký: Phan Thêm
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 31
- Ngày hiệu lực: 27/06/1961
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định