Hệ thống pháp luật

Chương 4 Nghị định 83/2010/NĐ-CP về đăng ký giao dịch bảo đảm

Chương 4.

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐĂNG KÝ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM VÀ CƠ QUAN ĐĂNG KÝ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM

Điều 45. Nội dung quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm

1. Xây dựng, chỉ đạo thực hiện chiến lược, chính sách phát triển hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm trong phạm vi cả nước.

2. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm.

3. Tổ chức và quản lý hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm; xây dựng và quản lý các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm; hướng dẫn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về đăng ký giao dịch bảo đảm.

4. Xây dựng và quản lý Hệ thống dữ liệu quốc gia về giao dịch bảo đảm.

5. Thống kê đăng ký giao dịch bảo đảm, tổng hợp và báo cáo cơ quan có thẩm quyền.

6. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm.

7. Hợp tác quốc tế về đăng ký giao dịch bảo đảm.

8. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm.

Điều 46. Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm.

2. Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm;

b) Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm; tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm;

c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ có liên quan tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ tốt nghiệp cho cán bộ làm công tác đăng ký giao dịch bảo đảm;

d) Hướng dẫn, chỉ đạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn cho cán bộ làm công tác đăng ký giao dịch bảo đảm;

đ) Quản lý các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp;

e) Chủ trì, phối hợp với các Bộ có liên quan ban hành, quản lý và hướng dẫn việc sử dụng các mẫu đơn, giấy tờ, sổ đăng ký, tổ chức quản lý Hệ thống dữ liệu quốc gia về giao dịch bảo đảm;

g) Thống kê đăng ký giao dịch bảo đảm, tổng hợp và định kỳ hàng năm báo cáo Chính phủ về công tác đăng ký giao dịch bảo đảm trong phạm vi cả nước;

h) Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm và giải quyết theo thẩm quyền các khiếu nại, tố cáo trong việc thực hiện pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm;

i) Hợp tác quốc tế về đăng ký giao dịch bảo đảm theo thẩm quyền.

3. Bộ Giao thông vận tải trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

a) Ban hành liên tịch với Bộ Tư pháp các văn bản quy phạm pháp luật về đăng ký cầm cố, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển;

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, tổ chức thực hiện việc đăng ký cầm cố, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển theo quy định của pháp luật;

c) Phối hợp với Bộ Tư pháp ban hành, quản lý và hướng dẫn theo thẩm quyền việc sử dụng các mẫu đơn, giấy tờ, sổ đăng ký, tổ chức quản lý dữ liệu về cầm cố, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển;

d) Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn cho cán bộ làm công tác đăng ký cầm cố, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển và quản lý cơ quan đăng ký cầm cố, thế chấp tàu bay, cơ quan đăng ký thế chấp tàu biển;

đ) Báo cáo định kỳ sáu tháng, hàng năm cho Bộ Tư pháp về việc đăng ký cầm cố, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển;

e) Giải quyết khiếu nại, tố cáo về đăng ký cầm cố, thế chấp theo thẩm quyền.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

a) Ban hành liên tịch với Bộ Tư pháp các văn bản quy phạm pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;

b) Phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, tổ chức thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật;

c) Phối hợp với Bộ Tư pháp ban hành, quản lý và hướng dẫn theo thẩm quyền việc sử dụng các mẫu đơn, giấy tờ, sổ đăng ký, tổ chức quản lý dữ liệu giao dịch bảo đảm theo thẩm quyền đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;

d) Thực hiện quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ đối với Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất;

đ) Báo cáo định kỳ sáu tháng, hàng năm cho Bộ Tư pháp về việc đăng ký giao dịch bảo đảm đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.

5. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) thực hiện quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại địa phương có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc đăng ký và quản lý đăng ký giao dịch bảo đảm đối với quyền sử dụng đất; tài sản gắn liền với đất theo quy định của Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;

b) Xây dựng hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại địa phương;

c) Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn cho cán bộ làm công tác đăng ký giao dịch bảo đảm đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;

d) Phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện kiểm tra định kỳ các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tại địa phương;

đ) Báo cáo định kỳ sáu tháng, hàng năm cho Bộ Tư pháp về việc đăng ký giao dịch bảo đảm đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại địa phương;

e) Giải quyết khiếu nại, tố cáo về đăng ký giao dịch bảo đảm theo thẩm quyền.

Sở Tư pháp chịu trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm tại địa phương.

Điều 47. Cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm và thẩm quyền đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm

1. Cục Hàng không Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay.

2. Chi cục hàng hải hoặc Cảng vụ hàng hải thuộc Cục Hàng hải Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về thế chấp tàu biển.

3. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường và Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.

4. Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản, trừ tàu bay, tàu biển và các tài sản khác không thuộc thẩm quyền đăng ký của các cơ quan quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều này.

Điều 48. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm

1. Đăng ký giao dịch bảo đảm; đăng ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm đã đăng ký; đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm; sửa chữa sai sót về đăng ký giao dịch bảo đảm; xóa đăng ký về giao dịch bảo đảm.

2. Chứng nhận đăng ký đối với giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và tài sản khác; cấp Giấy chứng nhận đăng ký đối với giao dịch bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển và cấp bản sao các văn bản có chứng nhận của cơ quan đăng ký.

3. Cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm.

4. Từ chối đăng ký, từ chối cung cấp thông tin trong trường hợp có căn cứ quy định tại Điều 11 và Điều 43 của Nghị định này.

5. Thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí, phí theo quy định của pháp luật.

6. Quản lý thông tin đăng ký trực tuyến theo thẩm quyền.

7. Cập nhật thông tin về giao dịch bảo đảm vào Hệ thống dữ liệu quốc gia về giao dịch bảo đảm.

8. Lưu trữ hồ sơ, tài liệu đăng ký giao dịch bảo đảm.

Điều 49. Trách nhiệm của cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm

Cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật trong các trường hợp sau:

1. Đăng ký không chính xác nội dung đơn yêu cầu đăng ký;

2. Đăng ký và cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm không đúng thời hạn, trừ trường hợp bất khả kháng;

3. Cung cấp thông tin không đúng với thông tin được lưu giữ tại cơ quan đăng ký;

4. Từ chối đăng ký, từ chối cung cấp thông tin không có căn cứ quy định tại Điều 11 và Điều 43 của Nghị định này.

Điều 50. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của người thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm

Người thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm là viên chức hoặc công chức của cơ quan đăng ký quy định tại Điều 47 của Nghị định này, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký, đơn yêu cầu cung cấp thông tin hợp lệ; trình thủ trưởng cơ quan đăng ký kết quả giải quyết hồ sơ đăng ký, đơn yêu cầu cung cấp thông tin;

2. Từ chối tiếp nhận hồ sơ đăng ký, đơn yêu cầu cung cấp thông tin không hợp lệ hoặc không thuộc thẩm quyền của cơ quan đăng ký; hướng dẫn người yêu cầu đăng ký hoàn thiện hồ sơ đăng ký, đơn yêu cầu cung cấp thông tin hoặc gửi văn bản, tài liệu đó đến cơ quan có thẩm quyền;

3. Không được yêu cầu người yêu cầu đăng ký, người tìm hiểu thông tin nộp thêm bất cứ giấy tờ nào khác ngoài hồ sơ theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm;

4. Ghi thời điểm tiếp nhận hồ sơ đăng ký vào đơn yêu cầu đăng ký và Sổ tiếp nhận hồ sơ đăng ký; ghi nội dung của đơn yêu cầu đăng ký vào Sổ đăng ký giao dịch bảo đảm hoặc Cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm theo đúng thứ tự tiếp nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ;

5. Người thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm phải thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều này; nếu vi phạm mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 51. Trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin về tài sản bảo đảm giữa cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm với tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền lưu hành tài sản

1. Cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền lưu hành tài sản có trách nhiệm trao đổi, cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm.

2. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an hướng dẫn trình tự, thủ tục trao đổi, cung cấp thông tin giữa cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm với tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền lưu hành tài sản.

Nghị định 83/2010/NĐ-CP về đăng ký giao dịch bảo đảm

  • Số hiệu: 83/2010/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 23/07/2010
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 449 đến số 450
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH