Hệ thống pháp luật

Chương 2 Nghị định 83/2010/NĐ-CP về đăng ký giao dịch bảo đảm

Chương 2.

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐĂNG KÝ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM

MỤC 1. QUY ĐỊNH CHUNG VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐĂNG KÝ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM

Điều 16. Phương thức nộp hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm

Hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm được nộp theo một trong các phương thức sau đây:

1. Nộp trực tiếp tại trụ sở của cơ quan đăng ký;

2. Gửi qua đường bưu điện;

3. Gửi qua fax hoặc gửi qua thư điện tử đối với đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản với điều kiện người yêu cầu đăng ký đã đăng ký khách hàng thường xuyên tại Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp;

4. Gửi qua hệ thống đăng ký trực tuyến.

Điều 17. Tiếp nhận hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm

1. Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ, người thực hiện đăng ký ghi thời điểm nhận hồ sơ đăng ký (giờ, phút, ngày, tháng, năm) vào Đơn yêu cầu đăng ký và Sổ tiếp nhận hồ sơ đăng ký theo đúng thứ tự tiếp nhận hồ sơ.

2. Trường hợp hồ sơ đăng ký được nộp trực tiếp thì người thực hiện đăng ký cấp cho người yêu cầu đăng ký phiếu hẹn trả kết quả đăng ký, trừ trường hợp giải quyết ngay sau khi nhận hồ sơ đăng ký.

Điều 18. Thời hạn giải quyết hồ sơ đăng ký, đăng ký thay đổi, đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm, sửa chữa sai sót về đăng ký giao dịch bảo đảm, xóa đăng ký giao dịch bảo đảm

1. Cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm có trách nhiệm giải quyết hồ sơ đăng ký, đăng ký thay đổi, đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm, sửa chữa sai sót về đăng ký giao dịch bảo đảm, xóa đăng ký giao dịch bảo đảm trong ngày nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ; nếu nhận hồ sơ sau 15 giờ, thì hoàn thành việc đăng ký ngay trong ngày làm việc tiếp theo; trong trường hợp phải kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký thì cũng không quá 03 ngày làm việc.

2. Thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này được tính từ ngày cơ quan đăng ký nhận được hồ sơ đăng ký hợp lệ.

Điều 19. Trả kết quả đăng ký giao dịch bảo đảm

Kết quả đăng ký giao dịch bảo đảm được cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm trả cho người yêu cầu đăng ký theo một trong các phương thức sau:

1. Trực tiếp tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm;

2. Gửi qua đường bưu điện;

3. Phương thức khác do cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm và người yêu cầu đăng ký thỏa thuận.

MỤC 2. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐĂNG KÝ CẦM CỐ TÀU BAY, THẾ CHẤP TÀU BAY

Điều 20. Hồ sơ, thủ tục đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay

1. Hồ sơ đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay gồm có:

a) Đơn yêu cầu đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay;

b) Hợp đồng cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay;

c) Bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người yêu cầu đăng ký; trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền thì phải có Văn bản ủy quyền.

2. Trong thời hạn giải quyết hồ sơ, nếu không có một trong các căn cứ từ chối đăng ký quy định tại Điều 11 của Nghị định này, Cục Hàng không Việt Nam ghi nội dung đăng ký vào Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam và cấp Giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu bay cho người yêu cầu đăng ký.

Điều 21. Hồ sơ, thủ tục đăng ký thay đổi nội dung cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay đã đăng ký

1. Hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay đã đăng ký gồm có:

a) Đơn yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay đã đăng ký;

b) Giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu bay đã cấp;

c) Bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người yêu cầu đăng ký; trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền thì phải có Văn bản ủy quyền;

d) Hợp đồng sửa đổi, bổ sung hợp đồng cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay hoặc văn bản chứng minh nội dung thay đổi.

2. Trong thời hạn giải quyết hồ sơ, nếu không có một trong các căn cứ từ chối quy định tại Điều 11 của Nghị định này, Cục Hàng không Việt Nam thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu bay đã cấp, ghi nội dung đăng ký thay đổi vào Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam và cấp Giấy chứng nhận đăng ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm bằng tàu bay cho người yêu cầu đăng ký.

Trong trường hợp thay thế tàu bay thì người yêu cầu đăng ký phải thực hiện xóa đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu bay và thực hiện thủ tục đăng ký lại như đăng ký lần đầu.

Điều 22. Hồ sơ, thủ tục đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay

1. Hồ sơ đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay gồm có:

a) Đơn yêu cầu đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay;

b) Văn bản thông báo về việc xử lý tài sản cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay;

c) Bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người yêu cầu đăng ký; trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền thì phải có Văn bản ủy quyền;

d) Giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu bay đã cấp.

2. Đối với cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay đã đăng ký thì chậm nhất 15 ngày trước khi tiến hành xử lý tài sản bảo đảm, bên nhận bảo đảm đề nghị xử lý tài sản phải gửi văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm đến tất cả các bên nhận bảo đảm khác hoặc phải đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm với Cục Hàng không Việt Nam.

Trong thời hạn giải quyết hồ sơ, nếu không có một trong các căn cứ từ chối quy định tại Điều 11 của Nghị định này, Cục Hàng không Việt Nam ghi nội dung thông báo đó vào Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam và cấp Giấy chứng nhận đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm bằng tàu bay cho người yêu cầu đăng ký.

Cục Hàng không Việt Nam thông báo việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm bằng tàu bay cho bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm khác theo địa chỉ ghi trong Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam.

Điều 23. Hồ sơ, thủ tục xóa đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay

1. Hồ sơ xóa đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay gồm có:

a) Đơn yêu cầu xóa đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay;

b) Giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu bay đã cấp;

c) Văn bản đồng ý xóa đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay của bên nhận cầm cố tàu bay, bên nhận thế chấp tàu bay, trong trường hợp người yêu cầu xóa đăng ký là bên cầm cố, bên thế chấp;

d) Bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người yêu cầu đăng ký; trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền thì phải có Văn bản ủy quyền.

2. Trong thời hạn giải quyết hồ sơ, nếu không có một trong các căn cứ từ chối quy định tại Điều 11 của Nghị định này, Cục Hàng không Việt Nam ghi việc xóa đăng ký vào Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam và cấp Giấy chứng nhận xóa đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu bay cho người yêu cầu xóa đăng ký.

MỤC 3. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐĂNG KÝ THẾ CHẤP TÀU BIỂN

Điều 24. Hồ sơ, thủ tục đăng ký thế chấp tàu biển

1. Hồ sơ đăng ký thế chấp tàu biển gồm có:

a) Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp tàu biển;

b) Hợp đồng thế chấp tàu biển;

c) Bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người yêu cầu đăng ký; trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền thì phải có Văn bản ủy quyền.

2. Trong thời hạn giải quyết hồ sơ, nếu không có một trong các căn cứ từ chối quy định tại Điều 11 của Nghị định này, Chi cục hàng hải hoặc Cảng vụ hàng hải thuộc Cục Hàng hải Việt Nam ghi nội dung đăng ký vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam và cấp Giấy chứng nhận đăng ký thế chấp tàu biển Việt Nam cho người yêu cầu đăng ký.

Điều 25. Hồ sơ, thủ tục đăng ký thay đổi nội dung thế chấp tàu biển đã đăng ký

1. Hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung thế chấp tàu biển đã đăng ký gồm có:

a) Đơn yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung thế chấp tàu biển đã đăng ký;

b) Hợp đồng sửa đổi, bổ sung hợp đồng thế chấp tàu biển hoặc văn bản chứng minh nội dung thay đổi;

c) Giấy chứng nhận đăng ký thế chấp tàu biển Việt Nam đã cấp;

d) Bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người yêu cầu đăng ký; trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền thì phải có Văn bản ủy quyền.

2. Trong thời hạn giải quyết hồ sơ, nếu không có một trong các căn cứ từ chối quy định tại Điều 11 của Nghị định này, Chi cục hàng hải hoặc Cảng vụ hàng hải thuộc Cục Hàng hải Việt Nam ghi nội dung đăng ký thay đổi vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam và cấp Giấy chứng nhận đăng ký thay đổi nội dung thế chấp tàu biển Việt Nam cho người yêu cầu đăng ký.

Điều 26. Hồ sơ, thủ tục đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp bằng tàu biển

1. Hồ sơ đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp bằng tàu biển gồm có:

a) Đơn yêu cầu đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp bằng tàu biển;

b) Văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp bằng tàu biển;

c) Bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người yêu cầu đăng ký; trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền thì phải có Văn bản ủy quyền;

d) Giấy chứng nhận đăng ký thế chấp tàu biển Việt Nam đã cấp.

2. Đối với giao dịch bảo đảm bằng tàu biển đã đăng ký thì chậm nhất 15 ngày trước khi tiến hành xử lý tài sản thế chấp, người nhận thế chấp đề nghị xử lý tài sản phải gửi văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp đến tất cả các bên nhận thế chấp khác hoặc phải đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp với Chi cục hàng hải hoặc Cảng vụ hàng hải, nơi đã đăng ký thế chấp tàu biển đó.

Trong thời hạn giải quyết hồ sơ, nếu không có một trong các căn cứ từ chối quy định tại Điều 11 của Nghị định này, Chi cục hàng hải hoặc Cảng vụ hàng hải thuộc Cục Hàng hải Việt Nam ghi nội dung thông báo đó vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam và cấp Giấy chứng nhận đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp bằng tàu biển cho người yêu cầu đăng ký.

Điều 27. Hồ sơ, thủ tục xóa đăng ký thế chấp tàu biển

1. Hồ sơ xóa đăng ký thế chấp tàu biển gồm có:

a) Đơn đề nghị xóa đăng ký thế chấp tàu biển;

b) Giấy chứng nhận đăng ký thế chấp tàu biển Việt Nam đã cấp;

c) Văn bản đồng ý xóa đăng ký thế chấp tàu biển của bên nhận thế chấp tàu biển, trong trường hợp người yêu cầu xóa đăng ký là bên thế chấp.

d) Bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người yêu cầu đăng ký; trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền thì phải có Văn bản ủy quyền.

2. Trong thời hạn giải quyết hồ sơ, nếu không có một trong các căn cứ từ chối quy định tại Điều 11 của Nghị định này, Chi cục hàng hải hoặc Cảng vụ hàng hải thuộc Cục Hàng hải Việt Nam ghi nội dung xóa đăng ký vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam và cấp Giấy chứng nhận xóa đăng ký thế chấp tàu biển Việt Nam cho người yêu cầu xóa đăng ký.

MỤC 4. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐĂNG KÝ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM BẰNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, TÀI SẢN GẮN LIỀN VỚI ĐẤT

Điều 28. Hồ sơ, thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất

1. Hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất gồm có:

a) Đơn yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm;

b) Hợp đồng bảo đảm hoặc hợp đồng bảo đảm có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật;

c) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc các Giấy chứng nhận đã cấp qua các thời kỳ;

d) Bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người yêu cầu đăng ký; trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền thì phải có Văn bản ủy quyền.

2. Trong thời hạn giải quyết hồ sơ, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện các việc sau:

a) Ghi nội dung đăng ký giao dịch bảo đảm vào Giấy chứng nhận quy định tại điểm c khoản 1 Điều này; vào Sổ Địa chính, Sổ theo dõi biến động đất đai theo quy định của pháp luật;

b) Chứng nhận việc đăng ký vào Đơn yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm;

c) Trả kết quả cho người yêu cầu đăng ký theo quy định tại Điều 19 của Nghị định này.

Điều 29. Hồ sơ, thủ tục đăng ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đã đăng ký

1. Hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đã đăng ký gồm có:

a) Đơn yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm đã đăng ký;

b) Hợp đồng sửa đổi, bổ sung hợp đồng bảo đảm đã ký hoặc văn bản khác chứng minh nội dung thay đổi;

c) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận đã cấp qua các thời kỳ trong trường hợp đăng ký thay đổi nội dung đã được ghi nhận trên Giấy chứng nhận đó;

d) Bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người yêu cầu đăng ký; trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền thì phải có Văn bản ủy quyền.

2. Trong thời hạn giải quyết hồ sơ, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện các công việc sau:

a) Chỉnh lý nội dung đăng ký giao dịch bảo đảm vào Giấy chứng nhận quy định tại điểm c khoản 1 Điều 28 của Nghị định này; vào Sổ Địa chính, Sổ theo dõi biến động đất đai theo quy định của pháp luật;

b) Chứng nhận nội dung đăng ký thay đổi vào Đơn yêu cầu đăng ký thay đổi;

c) Trả kết quả cho người yêu cầu đăng ký theo quy định tại Điều 19 của Nghị định này.

Điều 30. Hồ sơ, thủ tục đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất

1. Hồ sơ đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất gồm có:

a) Đơn yêu cầu đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm;

b) Văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm;

c) Bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người yêu cầu đăng ký; trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền thì phải có Văn bản ủy quyền.

2. Trong thời hạn giải quyết hồ sơ, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện các việc sau:

a) Ghi việc đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm vào Sổ địa chính và Sổ theo dõi biến động đất đai;

b) Chứng nhận vào Đơn yêu cầu đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm;

c) Thông báo bằng văn bản về việc xử lý tài sản bảo đảm cho các bên cùng nhận thế chấp đã đăng ký trong trường hợp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ;

d) Lưu giữ một (01) bản Đơn yêu cầu đăng ký và trả kết quả cho người yêu cầu đăng ký theo phương thức quy định tại Điều 19 của Nghị định này.

Điều 31. Hồ sơ, thủ tục xóa đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất

1. Hồ sơ xóa đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất gồm có:

a) Đơn đề nghị xóa đăng ký giao dịch bảo đảm;

b) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận được cấp qua các thời kỳ;

c) Văn bản đồng ý xóa đăng ký giao dịch bảo đảm của người nhận bảo đảm, trong trường hợp người yêu cầu xóa đăng ký là bên bảo đảm;

d) Bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người yêu cầu đăng ký; trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền thì phải có Văn bản ủy quyền.

2. Trong thời hạn giải quyết hồ sơ, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện các công việc sau đây:

a) Xóa đăng ký trên Giấy chứng nhận và xóa đăng ký trong Sổ Địa chính, Sổ theo dõi biến động đất đai theo quy định của pháp luật;

b) Chứng nhận việc xóa đăng ký giao dịch bảo đảm vào Đơn yêu cầu xóa đăng ký;

c) Trả kết quả cho người yêu cầu xóa đăng ký theo phương thức quy định tại Điều 19 của Nghị định này.

MỤC 5. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐĂNG KÝ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM BẰNG ĐỘNG SẢN, TRỪ TÀU BAY, TÀU BIỂN

Điều 32. Kê khai đơn yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản, trừ tàu bay, tàu biển

1. Thông tin về bên bảo đảm được kê khai như sau:

a) Họ và tên của cá nhân, tên của tổ chức; tên của tổ chức được thành lập, hoạt động theo pháp luật nước ngoài mà tên này đã được đăng ký tại cơ quan nước ngoài có thẩm quyền;

b) Số chứng minh nhân dân đối với cá nhân là công dân Việt Nam; số hộ chiếu đối với cá nhân là người nước ngoài; số thẻ thường trú đối với cá nhân là người không quốc tịch cư trú tại Việt Nam;

c) Mã số thuế đối với tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam có đăng ký kinh doanh. Nếu tổ chức không có đăng ký kinh doanh thì kê khai tên đã đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Thông tin về bên nhận bảo đảm được kê khai như sau:

a) Tên, địa chỉ của bên nhận bảo đảm;

b) Mã số khách hàng thường xuyên của bên nhận bảo đảm, nếu có.

3. Việc kê khai thông tin về tài sản bảo đảm được thực hiện theo quy định tại Điều 33 của Nghị định này.

Điều 33. Mô tả tài sản bảo đảm

1. Người yêu cầu đăng ký có thể mô tả cụ thể hoặc mô tả chung về tài sản. Việc mô tả chung về tài sản không ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của đăng ký giao dịch bảo đảm, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Trường hợp tài sản bảo đảm là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và tài sản này không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh hoặc tài sản hình thành trong tương lai thì người yêu cầu đăng ký mô tả chính xác số khung của phương tiện giao thông cơ giới đó.

Điều 34. Hồ sơ, thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản, trừ tàu bay, tàu biển

1. Hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản, trừ tàu bay, tàu biển gồm có:

a) Đơn yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm;

b) Hợp đồng bảo đảm trong trường hợp đơn yêu cầu đăng ký chỉ có chữ ký, con dấu của một trong các bên tham gia giao dịch bảo đảm;

c) Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền, trừ các trường hợp sau đây:

Pháp nhân ủy quyền cho chi nhánh, văn phòng đại diện, văn phòng điều hành của pháp nhân đó yêu cầu đăng ký;

Bên bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm bao gồm nhiều cá nhân, tổ chức ủy quyền cho một cá nhân hoặc một tổ chức trong số đó yêu cầu đăng ký;

Người yêu cầu đăng ký là khách hàng thường xuyên của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm.

2. Trong thời hạn giải quyết hồ sơ, Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản ghi thời điểm nhận đơn (giờ, phút, ngày, tháng, năm) nếu không có một trong các căn cứ từ chối quy định tại Điều 11 của Nghị định này và nhập thông tin về giao dịch bảo đảm vào Cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm.

Trong trường hợp có một trong các căn cứ từ chối thì Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản từ chối đăng ký và hướng dẫn người yêu cầu đăng ký thực hiện theo đúng quy định.

Điều 35. Hồ sơ, thủ tục đăng ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm bằng động sản, trừ tàu bay, tàu biển

1. Hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm bằng động sản, trừ tàu bay, tàu biển đã đăng ký gồm có:

a) Đơn yêu cầu đăng ký thay đổi;

b) Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký thay đổi là người được ủy quyền, trừ các trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 34 của Nghị định này.

2. Trong thời hạn giải quyết hồ sơ, Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản ghi thời điểm nhận đơn (giờ, phút, ngày, tháng, năm) nếu không có một trong các căn cứ từ chối quy định tại Điều 11 của Nghị định và nhập thông tin về việc đăng ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm đã đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm.

Trong trường hợp có một trong các căn cứ từ chối thì Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản từ chối đăng ký và hướng dẫn người yêu cầu đăng ký thực hiện theo đúng quy định.

3. Trong trường hợp tài sản bảo đảm là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, thì người yêu cầu đăng ký chỉ cần nộp hồ sơ đăng ký lần đầu và không phải đăng ký thay đổi khi thay thế tài sản bảo đảm là hàng hóa cùng loại.

Điều 36. Hồ sơ, thủ tục đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm là động sản, trừ tàu bay, tàu biển

1. Hồ sơ đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm là động sản, trừ tàu bay, tàu biển gồm có:

a) Đơn yêu cầu đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm;

b) Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký thay đổi là người được ủy quyền, trừ các trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 34 của Nghị định này.

2. Trong thời hạn giải quyết hồ sơ, Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản ghi thời điểm nhận đơn (giờ, phút, ngày, tháng, năm) nếu không có một trong các căn cứ từ chối quy định tại Điều 11 của Nghị định này và nhập thông tin về việc đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm vào Cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm; gửi cho người yêu cầu đăng ký bản sao đơn yêu cầu đăng ký có chứng nhận việc đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm; thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm của bên bảo đảm cho các bên cùng nhận bảo đảm bằng tài sản của bên bảo đảm theo địa chỉ được lưu giữ trong Hệ thống dữ liệu.

Trong trường hợp có một trong các căn cứ từ chối thì Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản từ chối đăng ký và hướng dẫn người yêu cầu đăng ký thực hiện theo đúng quy định.

Điều 37. Hồ sơ, thủ tục xóa đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản, trừ tàu bay, tàu biển

1. Hồ sơ xóa đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản, trừ tàu bay, tàu biển gồm có:

a) Đơn yêu cầu xóa đăng ký giao dịch bảo đảm;

b) Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu xóa đăng ký là người được ủy quyền, trừ các trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 34 của Nghị định này.

2. Trong thời hạn giải quyết hồ sơ, Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản ghi thời điểm nhận đơn (giờ, phút, ngày, tháng, năm) nếu không có một trong các căn cứ từ chối quy định tại Điều 11 của Nghị định này và nhập thông tin về việc xóa đăng ký giao dịch bảo đảm vào Cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm; gửi cho người yêu cầu đăng ký bản sao đơn yêu cầu xóa đăng ký có chứng nhận về việc xóa đăng ký giao dịch bảo đảm.

Trong trường hợp có một trong các căn cứ từ chối thì Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản từ chối xóa đăng ký và hướng dẫn người yêu cầu đăng ký thực hiện theo đúng quy định.

MỤC 6. QUY ĐỊNH VỀ ĐĂNG KÝ TRỰC TUYẾN GIAO DỊCH BẢO ĐẢM

Điều 38. Yêu cầu đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm

1. Cá nhân, tổ chức có quyền đăng ký giao dịch bảo đảm thông qua hệ thống đăng ký trực tuyến.

2. Đơn yêu cầu đăng ký trực tuyến là thông điệp dữ liệu điện tử và có đầy đủ các nội dung thuộc diện phải kê khai theo mẫu.

Đơn yêu cầu đăng ký trực tuyến có giá trị pháp lý như đơn giấy.

3. Việc đăng ký giao dịch bảo đảm qua hệ thống đăng ký trực tuyến không có giá trị pháp lý trong các trường hợp sau đây:

a) Đăng ký không đúng thẩm quyền của cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm quy định tại khoản 4 Điều 47 của Nghị định này;

b) Nội dung đăng ký vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội.

Điều 39. Tài khoản đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm

1. Tài khoản đăng ký trực tuyến được dùng để truy cập vào hệ thống đăng ký trực tuyến.

2. Cơ quan quản lý hệ thống đăng ký trực tuyến có trách nhiệm cấp tài khoản đăng ký trực tuyến cho cá nhân, tổ chức, nếu có yêu cầu.

3. Cá nhân, tổ chức có tài khoản đăng ký trực tuyến phải bảo vệ và chịu trách nhiệm về việc sử dụng tài khoản của mình.

Điều 40. Hoạt động của hệ thống đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm

1. Hệ thống đăng ký trực tuyến phải được vận hành liên tục, an toàn, chính xác.

2. Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm hướng dẫn trình tự, thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm qua hệ thống trực tuyến đối với tàu bay, tàu biển, quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, các tài sản khác.

Nghị định 83/2010/NĐ-CP về đăng ký giao dịch bảo đảm

  • Số hiệu: 83/2010/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 23/07/2010
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 08/08/2010
  • Số công báo: Từ số 449 đến số 450
  • Ngày hiệu lực: 09/09/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH