Chương 3 Nghị định 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải
QUẢN LÝ, VẬN HÀNH HỆ THỐNG THOÁT NƯỚC
Điều 17. Lựa chọn đơn vị thoát nước
1. Đối với hệ thống thoát nước đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, việc lựa chọn đơn vị thoát nước tuân thủ theo quy định pháp luật hiện hành về cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích.
2. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh, phát triển khu đô thị mới, khu công nghiệp tổ chức quản lý, vận hành hệ thống thoát nước do mình đầu tư đến khi bàn giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định.
3. Đơn vị thoát nước phải có nhân lực, trang thiết bị và phương tiện kỹ thuật cần thiết để thực hiện các yêu cầu và nhiệm vụ của công tác quản lý, vận hành hệ thống thoát nước mưa và nước thải.
4. Chủ sở hữu hệ thống thoát nước tổ chức lựa chọn đơn vị thoát nước trên địa bàn do mình quản lý.
Điều 18. Quyền và trách nhiệm của đơn vị thoát nước
1. Đơn vị thoát nước có các quyền sau đây:
a) Hoạt động kinh doanh theo các quy định, được thanh toán đúng và đủ chi phí dịch vụ thoát nước theo hợp đồng quản lý, vận hành hệ thống thoát nước đã ký kết;
b) Đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật có liên quan đến hoạt động thoát nước và xử lý nước thải;
c) Được quyền tham gia ý kiến vào việc lập quy hoạch thoát nước trên địa bàn;
d) Được bồi thường thiệt hại do các bên liên quan gây ra theo quy định của pháp luật;
đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Đơn vị thoát nước có các nghĩa vụ và trách nhiệm sau đây:
a) Quản lý tài sản được đầu tư từ nguồn vốn của chủ sở hữu công trình thoát nước và xử lý nước thải theo hợp đồng quản lý, vận hành hệ thống thoát nước đã ký kết;
b) Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện quy trình quản lý, vận hành hệ thống thoát nước;
c) Xử lý sự cố, khôi phục việc thoát nước và xử lý nước thải;
d) Thiết lập cơ sở dữ liệu, quản lý các hộ thoát nước đấu nối vào hệ thống thoát nước do mình quản lý; phối hợp với đơn vị cấp nước hoặc trực tiếp tổ chức thu tiền dịch vụ thoát nước theo quy định;
đ) Thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
e) Cung cấp thông tin thỏa thuận đấu nối cho các đối tượng có nhu cầu;
g) Bảo vệ an toàn, hiệu quả và tiết kiệm trong quản lý, vận hành hệ thống thoát nước và xử lý nước thải theo quy định;
h) Bảo đảm duy trì ổn định dịch vụ thoát nước theo quy định;
i) Báo cáo định kỳ theo quy định tới chủ sở hữu và cơ quan quản lý nhà nước về thoát nước ở địa phương và Trung ương;
k) Bồi thường khi gây thiệt hại cho bên sử dụng theo quy định pháp luật;
l) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 19. Hợp đồng quản lý, vận hành hệ thống thoát nước
1. Hợp đồng quản lý, vận hành hệ thống thoát nước là văn bản pháp lý được ký kết giữa chủ sở hữu và đơn vị được giao quản lý, vận hành hệ thống thoát nước.
2. Nội dung cơ bản của hợp đồng quản lý, vận hành hệ thống thoát nước:
a) Các chủ thể của hợp đồng;
b) Đối tượng hợp đồng;
c) Hồ sơ tài sản (danh mục tài sản, giá trị tài sản) mà chủ sở hữu bàn giao cho đơn vị quản lý, vận hành;
d) Phạm vi, nội dung công việc;
đ) Hồ sơ quản lý mạng lưới, các công trình thoát nước, quy trình quản lý, vận hành hệ thống thoát nước và các yêu cầu kỹ thuật;
e) Tiêu chuẩn dịch vụ;
g) Giá trị hợp đồng; điều chỉnh giá trị hợp đồng;
h) Nội dung thanh toán, phương thức thanh toán;
i) Nghĩa vụ, quyền hạn các bên liên quan.
3. Thời hạn hợp đồng quản lý, vận hành hệ thống thoát nước:
Hợp đồng quản lý, vận hành hệ thống thoát nước có thời hạn ngắn nhất là 05 năm và dài nhất là 10 năm. Trường hợp muốn tiếp tục kéo dài hợp đồng, trước khi kết thúc thời hạn hợp đồng ít nhất là 01 năm thì các bên tham gia hợp đồng phải tiến hành thương thảo việc kéo dài hợp đồng quản lý, vận hành và đi đến ký kết.
4. Chấm dứt hợp đồng quản lý, vận hành hệ thống thoát nước:
a) Một trong các bên vi phạm các điều khoản cam kết của hợp đồng;
b) Khi hết thời hạn hợp đồng mà một trong hai bên không muốn tiếp tục kéo dài hợp đồng;
c) Những trường hợp bất khả kháng hoặc các lý do khác được quy định trong hợp đồng;
d) Những trường hợp chấm dứt hợp đồng khác theo quy định của pháp luật hiện hành.
5. Nghiệm thu, thanh toán theo hợp đồng quản lý, vận hành hệ thống thoát nước:
a) Hợp đồng quản lý, vận hành hệ thống thoát nước được thanh toán chi phí định kỳ theo thỏa thuận;
b) Phương thức thanh toán do hai bên thỏa thuận;
c) Trong trường hợp chậm thanh toán quá 15 ngày so với thời hạn được thỏa thuận trong hợp đồng quản lý, vận hành hệ thống thoát nước thì đơn vị thoát nước được hưởng lãi suất cao nhất của ngân hàng nơi mở tài khoản giao dịch tại thời điểm thanh toán đối với so tiền chậm thanh toán;
d) Chủ sở hữu công trình thoát nước chịu trách nhiệm tổ chức giám sát, nghiệm thu và thanh toán cho đơn vị thoát nước theo hợp đồng quản lý, vận hành hệ thống thoát nước;
đ) Hợp đồng quản lý, vận hành hệ thống thoát nước được thanh toán từ nguồn thu tiền dịch vụ thoát nước, ngân sách hàng năm của chủ sở hữu công trình thoát nước và từ các nguồn khác.
6. Chuyển nhượng hợp đồng quản lý, vận hành hệ thống thoát nước:
Đơn vị thoát nước được phép chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ, quyền lợi của mình trong hợp đồng quản lý, vận hành hệ thống thoát nước cho bên thứ ba khi có sự thỏa thuận của chủ sở hữu công trình thoát nước.
7. Bộ Xây dựng ban hành mẫu hợp đồng quản lý, vận hành hệ thống thoát nước.
Điều 20. Quản lý hệ thống thoát nước mưa và tái sử dụng nước mưa
1. Quản lý hệ thống thoát nước mưa:
a) Quản lý hệ thống thoát nước mưa bao gồm quản lý các công trình từ cửa thu nước mưa, các tuyến cống dẫn nước mưa, các kênh mương thoát nước chính, hồ điều hòa và các trạm bơm chống úng ngập, cửa điều tiết, các van ngăn triều (nếu có) đến các điểm xả ra môi trường;
b) Các tuyến cống, mương, hố ga phải được nạo vét, duy tu, bảo trì định kỳ, bảo đảm dòng chảy theo thiết kế. Thường xuyên kiểm tra, bảo trì nắp hố ga, cửa thu, cửa xả nước mưa. Định kỳ kiểm tra, đánh giá chất lượng các tuyến cống, các công trình thuộc mạng lưới để đề xuất phương án thay thế, sửa chữa;
c) Thiết lập quy trình quản lý hệ thống thoát nước mưa bảo đảm yêu cầu kỹ thuật quản lý, vận hành theo quy định;
d) Đề xuất các phương án phát triển mạng lưới thoát nước theo lưu vực.
2. Quy định tái sử dụng nước mưa:
a) Khuyến khích việc tái sử dụng nước mưa phục vụ cho các nhu cầu, góp phần giảm ngập úng, tiết kiệm tài nguyên nước, giảm thiểu việc khai thác sử dụng nguồn nước ngầm và nước mặt;
b) Tổ chức, cá nhân đầu tư thiết bị, công nghệ xử lý và tái sử dụng nước mưa được hỗ trợ vay vốn ưu đãi và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật;
c) Việc tái sử dụng nước mưa cho các mục đích khác nhau phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng nước phù hợp.
Điều 21. Quản lý hệ thống hồ điều hòa
1. Quản lý hệ thống hồ điều hòa trong hệ thống thoát nước nhằm lưu trữ nước mưa, đồng thời tạo cảnh quan môi trường sinh thái kết hợp làm nơi vui chơi giải trí, nuôi trồng thủy sản, du lịch.
2. Việc sử dụng, khai thác hồ điều hòa vào mục đích vui chơi giải trí, nuôi trồng thủy sản, du lịch và dịch vụ khác phải được cấp có thẩm quyền cho phép; việc xây dựng, khai thác, sử dụng hồ điều hòa phải được kiểm tra giám sát theo các quy định của pháp luật.
3. Các hành vi xả nước thải phát sinh từ quá trình sản xuất, kinh doanh dịch vụ, sinh hoạt hoặc các hoạt động khác vào hồ điều hòa phải được kiểm soát chặt chẽ theo quy định.
4. Duy trì mực nước ổn định của hồ điều hòa, đảm bảo tốt nhiệm vụ điều hòa nước mưa.
5. Định kỳ nạo vét đáy hồ, vệ sinh lòng hồ và bờ hồ.
6. Lập quy trình quản lý và các quy định khai thác, sử dụng hồ điều hòa.
Điều 22. Quản lý, vận hành hệ thống thoát nước thải
1. Quản lý, vận hành hệ thống thoát nước thải bao gồm các nhà máy xử lý nước thải, trạm bơm, tuyến cống áp lực, công trình đầu mối, điểm đấu nối, tuyến cống thu gom, chuyển tải đến nhà máy xử lý nước thải, các điểm xả... phải tuân thủ các quy trình quản lý, vận hành đã được phê duyệt.
2. Nội dung quản lý, vận hành thoát nước thải bao gồm:
a) Định kỳ kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình đầu mối, công trình trên mạng lưới thoát nước; độ kín, lắng cặn tại các điểm đấu nối, hố ga và tuyến cống nhằm bảo đảm khả năng hoạt động liên tục của hệ thống, đề xuất các biện pháp thay thế, sửa chữa, nạo vét, bảo trì và kế hoạch phát triển hệ thống thoát nước;
b) Định kỳ thực hiện quan trắc chất lượng nước thải trong hệ thống thoát nước phù hợp với pháp luật về bảo vệ môi trường;
c) Thiết lập quy trình quản lý, vận hành hệ thống thoát nước thải bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật quản lý, vận hành theo quy định;
d) Đề xuất các phương án phát triển hệ thống thoát nước thải theo lưu vực.
3. Trong trường hợp hệ thống thoát nước là hệ thống thoát nước chung thì việc quản lý hệ thống thoát nước được thực hiện như quy định tại Điều 20 và Khoản 1 Điều này.
Điều 23. Quy định về xử lý nước thải phi tập trung
1. Giải pháp xử lý nước thải phi tập trung được áp dụng đối với các khu hoặc cụm dân cư, khu đô thị mới, hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, chợ, trường học, khu nghỉ dưỡng hoặc các khu vực bị hạn chế bởi đất đai, địa hình... không có khả năng hoặc chưa thể kết nối với hệ thống thoát nước tập trung.
2. Việc áp dụng giải pháp xử lý nước thải phi tập trung phải đạt được hiệu quả về kinh tế và bảo vệ môi trường, hạn chế được nguồn nước thải gây ô nhiễm và giảm thiểu các tác động trực tiếp của nước thải với môi trường.
3. Khi áp dụng giải pháp xử lý phi tập trung phải tính đến khả năng đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung trong tương lai và phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4. Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý xử lý nước thải phi tập trung.
Điều 24. Quản lý, sử dụng nước thải sau xử lý
1. Sử dụng nước thải sau xử lý thải phải đảm bảo yêu cầu:
a) Chất lượng nước thải sau xử lý phải tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được quy định cho việc sử dụng nước vào các mục đích khác nhau, không ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường;
b) Trường hợp sử dụng nước thải sau xử lý thì nước thải đó phải được phân phối đến điểm tiêu thụ theo hệ thống riêng biệt, đảm bảo không xâm nhập và ảnh hưởng đến hệ thống cấp nước sạch trên cùng địa bàn, khu vực.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sử dụng nước thải sau xử lý.
1. Bùn thải phải được phân loại để quản lý và lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp, góp phần giảm chi phí vận chuyển, chi phí xử lý và thuận tiện trong quản lý, vận hành bãi chôn lấp.
2. Bùn thải được phân loại như sau:
a) Theo nguồn gốc bùn thải: Bùn thải từ hệ thống thoát nước (mạng lưới thoát nước và nhà máy xử lý nước thải) và bùn thải từ bể tự hoại;
b) Theo mức độ ô nhiễm của từng loại bùn thải;
c) Theo ngưỡng nguy hại đối với bùn thải từ quá trình xử lý nước và các quy định pháp luật hiện hành có liên quan.
3. Căn cứ để lựa chọn công nghệ xử lý bùn thải:
a) Xử lý tập trung, phân tán hoặc tại chỗ;
b) Khối lượng bùn phát sinh;
c) Các đặc tính của bùn;
d) Sự ổn định của công nghệ xử lý;
đ) Các yêu cầu về bảo vệ môi trường; hiệu quả kinh tế - kỹ thuật;
e) Các yêu cầu về vận hành và bảo dưỡng;
g) Khuyến khích áp dụng công nghệ tái sử dụng bùn, thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng, thu hồi nhiệt.
4. Thu gom, vận chuyển và xử lý bùn thải hệ thống thoát nước:
a) Bùn thải được thu gom, lưu giữ và vận chuyển đến các địa điểm xử lý theo quy hoạch hoặc các địa điểm đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép để xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định; không được phép xả thải bùn thải chưa qua xử lý ra môi trường. Trong trường hợp bùn thải có các thành phần nguy hại thì phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại;
b) Việc xử lý và tái sử dụng bùn thải phải tuân thủ các quy định về quản lý và sử dụng bùn thải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và các quy định về bảo vệ môi trường;
c) Khi đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải phải có các giải pháp thu gom và xử lý bùn thải phù hợp.
5. Thông hút, vận chuyển và xử lý bùn thải bể tự hoại:
a) Bùn thải từ các hộ gia đình, các cơ quan hành chính, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải được thông hút định kỳ;
b) Việc thông hút, vận chuyển bùn thải bể tự hoại phải bằng các phương tiện, thiết bị chuyên dụng đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ môi trường;
c) Bùn thải bể tự hoại được thu gom, lưu giữ phải được vận chuyển tới các địa điểm đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép để xử lý. Nghiêm cấm xả thẳng bùn thải bể tự hoại vào hệ thống thoát nước cũng như môi trường xung quanh;
d) Việc xử lý bùn thải, tái sử dụng bùn thải bể tự hoại phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường;
đ) Chi phí thông hút, vận chuyển và xử lý bùn thải bể tự hoại do các chủ hộ gia đình, cơ quan hành chính, và cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ chi trả theo hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ.
6. Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp lập, quản lý chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý bùn thải hệ thống thoát nước và bể tự hoại.
Điều 26. Quản lý hệ thống các điểm xả ra nguồn tiếp nhận
1. Việc xả nước thải ra nguồn tiếp nhận phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi và các văn bản pháp luật có liên quan.
2. Việc thiết kế và xây dựng các điểm xả phải bảo đảm chống xâm nhập ngược từ nguồn tiếp nhận và ảnh hưởng của ngập úng đô thị.
3. Việc xả nước thải vào nguồn tiếp nhận được quản lý thống nhất theo lưu vực. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định phân cấp, quản lý thống nhất các điểm xả; giám sát chất lượng nước thải của hệ thống thoát nước và các hộ thoát nước trên địa bàn tỉnh xả thải trực tiếp vào nguồn tiếp nhận; phối hợp với các địa phương liên quan tổ chức quản lý các điểm xả, chất lượng nước thải xả vào nguồn tiếp nhận theo lưu vực theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước, bảo vệ môi trường và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Điều 27. Hợp đồng dịch vụ thoát nước
1. Hợp đồng dịch vụ thoát nước là văn bản pháp lý được ký kết giữa đơn vị thoát nước với hộ thoát nước (trừ hộ gia đình) xả nước thải vào hệ thống thoát nước.
2. Hợp đồng dịch vụ thoát nước bao gồm các nội dung chính sau đây:
a) Chủ thể hợp đồng;
b) Điểm đấu nối;
c) Khối lượng, chất lượng nước thải xả vào hệ thống;
d) Chất lượng dịch vụ;
đ) Quyền và nghĩa vụ của các bên;
e) Giá dịch vụ thoát nước, phương thức thanh toán;
g) Xử lý vi phạm hợp đồng;
h) Các nội dung khác do hai bên thỏa thuận.
3. Bộ Xây dựng ban hành mẫu hợp đồng dịch vụ thoát nước.
Điều 28. Ngừng dịch vụ thoát nước
1. Đối với hộ gia đình vi phạm các quy định quản lý về thoát nước thì bị xử lý theo quy định của pháp luật. Đơn vị thoát nước không được ngừng cung cấp dịch vụ thoát nước trong mọi trường hợp, trừ các trường hợp được quy định trong hợp đồng quản lý, vận hành.
2. Đối với các hộ thoát nước khác vi phạm các quy định về thoát nước, đơn vị thoát nước thông báo bằng văn bản về việc vi phạm và yêu cầu hộ thoát nước khắc phục. Nếu hộ thoát nước không chấp hành thì đơn vị thoát nước thực hiện việc ngừng dịch vụ thoát nước theo các điều, khoản được quy định trong Hợp đồng dịch vụ thoát nước và các quy định của pháp luật có liên quan.
3. Dịch vụ thoát nước được khôi phục sau khi hộ thoát nước đã khắc phục hoàn toàn hậu quả do các hành vi vi phạm gây ra, hoàn thành các nghĩa vụ theo quy định.
4. Trường hợp ngừng dịch vụ thoát nước để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước, đơn vị thoát nước phải có văn bản thông báo cho các hộ thoát nước có liên quan biết lý do, thời gian tạm ngừng dịch vụ thoát nước; đồng thời, đơn vị thoát nước phải có biện pháp thoát nước tạm thời để hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của các hộ thoát nước và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Điều 29. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân và hộ gia đình sử dụng dịch vụ thoát nước
1. Tổ chức, cá nhân và hộ gia đình sử dụng dịch vụ thoát nước có các quyền sau đây:
a) Được cung cấp dịch vụ thoát nước theo quy định của pháp luật;
b) Yêu cầu đơn vị thoát nước kịp thời khắc phục khi có sự cố xảy ra;
c) Được cung cấp hoặc giới thiệu thông tin về hoạt động thoát nước;
d) Được bồi thường thiệt hại do đơn vị thoát nước gây ra theo quy định của Hợp đồng dịch vụ thoát nước;
đ) Khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật về thoát nước của đơn vị thoát nước hoặc các bên có liên quan;
e) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức, cá nhân và hộ gia đình sử dụng dịch vụ thoát nước có các nghĩa vụ sau đây:
a) Thanh toán tiền dịch vụ thoát nước đầy đủ, đúng thời hạn;
b) Xả nước thải vào hệ thống thoát nước đúng quy định, quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành;
c) Thông báo kịp thời cho đơn vị thoát nước khi thấy các hiện tượng bất thường có thể gây sự cố đối với hệ thống thoát nước;
d) Đấu nối hệ thống thoát nước của công trình vào hệ thống thoát nước chung đúng các quy định của thỏa thuận đấu nối;
đ) Bồi thường khi gây thiệt hại cho các bên liên quan theo quy định của pháp luật;
e) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp Luật.
Nghị định 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
- Điều 2. Giải thích từ ngữ
- Điều 3. Nguyên tắc chung quản lý thoát nước và xử lý nước thải
- Điều 4. Quy định quy chuẩn kỹ thuật về nước thải
- Điều 5. Quy hoạch thoát nước
- Điều 6. Quản lý cao độ có liên quan đến thoát nước
- Điều 7. Quy định về quản lý hoạt động thoát nước địa phương
- Điều 8. Sự tham gia của cộng đồng
- Điều 9. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thoát nước
- Điều 10. Chủ sở hữu công trình thoát nước
- Điều 11. Chủ đầu tư công trình thoát nước
- Điều 12. Kế hoạch đầu tư phát triển thoát nước
- Điều 13. Nguồn vốn đầu tư
- Điều 14. Dự án đầu tư xây dựng công trình thoát nước
- Điều 15. Chính sách ưu đãi và hỗ trợ về đầu tư
- Điều 16. Các tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý nước thải
- Điều 17. Lựa chọn đơn vị thoát nước
- Điều 18. Quyền và trách nhiệm của đơn vị thoát nước
- Điều 19. Hợp đồng quản lý, vận hành hệ thống thoát nước
- Điều 20. Quản lý hệ thống thoát nước mưa và tái sử dụng nước mưa
- Điều 21. Quản lý hệ thống hồ điều hòa
- Điều 22. Quản lý, vận hành hệ thống thoát nước thải
- Điều 23. Quy định về xử lý nước thải phi tập trung
- Điều 24. Quản lý, sử dụng nước thải sau xử lý
- Điều 25. Quản lý bùn thải
- Điều 26. Quản lý hệ thống các điểm xả ra nguồn tiếp nhận
- Điều 27. Hợp đồng dịch vụ thoát nước
- Điều 28. Ngừng dịch vụ thoát nước
- Điều 29. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân và hộ gia đình sử dụng dịch vụ thoát nước
- Điều 30. Đấu nối hệ thống thoát nước
- Điều 31. Yêu cầu đấu nối hệ thống thoát nước
- Điều 32. Quy định về xả nước thải tại điểm đấu nối
- Điều 33. Nội dung quy định đấu nối
- Điều 34. Hỗ trợ đấu nối vào hệ thống thoát nước
- Điều 35. Thỏa thuận và miễn trừ đấu nối
- Điều 36. Chi phí dịch vụ thoát nước
- Điều 37. Nguyên tắc xác định chi phí dịch vụ thoát nước
- Điều 38. Nguyên tắc và phương pháp định giá dịch vụ thoát nước
- Điều 39. Xác định khối lượng nước thải
- Điều 40. Xác định hàm lượng chất gây ô nhiễm trong nước thải
- Điều 41. Trách nhiệm lập, thẩm quyền thẩm định và phê duyệt giá dịch vụ thoát nước
- Điều 42. Điều chỉnh giá dịch vụ thoát nước
- Điều 43. Phương thức thu, thanh toán tiền dịch vụ thoát nước
- Điều 44. Quản lý và sử dụng nguồn thu từ dịch vụ thoát nước