Hệ thống pháp luật

Chương 4 Nghị định 78/2007/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao, hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh, hợp đồng xây dựng - chuyển giao

Chương 4:

ĐÀM PHÁN, KÝ KẾT HỢP ĐỒNG DỰ ÁN

Điều 13. Lập, phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng công trình

1. Sau khi có quyết định lựa chọn Nhà đầu tư đàm phán Hợp đồng Dự án theo quy định tại Điều 10, Điều 11 hoặc Điều 12 của Nghị định này, Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chỉ đạo Nhà đầu tư lập Dự án đầu tư xây dựng công trình làm cơ sở để đàm phán.

2. Dự án đầu tư xây dựng công trình được lập, phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng. Trường hợp Dự án đàm phán thành công, chi phí lập Dự án đầu tư xây dựng công trình được hạch toán vào vốn đầu tư của Dự án.

Điều 14. Đàm phán, ký kết Hợp đồng Dự án và các Hợp đồng có liên quan

1. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chủ trì đàm phán Hợp đồng Dự án và thỏa thuận bảo lãnh Chính phủ (nếu có) với Nhà đầu tư đã được chọn. Đối với những Dự án có yêu cầu bảo lãnh của Chính phủ, Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận các yêu cầu bảo lãnh trước khi đàm phán Hợp đồng Dự án.

2. Các Hợp đồng về thuê đất, xây dựng, lắp đặt máy móc, thiết bị, dịch vụ tư vấn, giám định, mua nguyên liệu, bán sản phẩm, dịch vụ, cung cấp dịch vụ kỹ thuật, vay vốn, cầm cố, thế chấp tài sản và các Hợp đồng khác có thể đàm phán đồng thời với việc đàm phán Hợp đồng Dự án. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đôn đốc đàm phán các Hợp đồng có liên quan để đảm bảo phù hợp với Hợp đồng Dự án.

3. Hợp đồng Dự án và các Hợp đồng có liên quan được thẩm tra đồng thời với việc thẩm tra, cấp Chứng nhận đầu tư theo quy định tại Điều 17 của Nghị định này.

Điều 15. Nội dung Hợp đồng Dự án

1. Hợp đồng Dự án phải có những nội dung chủ yếu sau:

- Tên, địa chỉ, đại diện có thẩm quyền của các Bên tham gia ký kết Hợp đồng Dự án;

- Mục tiêu, phạm vi hoạt động của Dự án và Dự án khác; phương thức, tiến độ thanh toán vốn đầu tư xây dựng công trình (đối với Dự án BT);

- Nguồn vốn, khả năng tài chính, tổng vốn đầu tư, tiến độ thực hiện Dự án;

- Công suất, công nghệ và trang thiết bị, yêu cầu thiết kế và tiêu chuẩn kỹ thuật công trình; tiêu chuẩn chất lượng.

- Các quy định về giám sát, kiểm tra chất lượng công trình;

- Các quy định về bảo vệ tài nguyên, môi trường;

- Điều kiện về sử dụng đất, công trình kết cấu hạ tầng, công trình phụ trợ cần thiết cho xây dựng, vận hành;

- Tiến độ xây dựng công trình, thời hạn hoạt động của Doanh nghiệp Dự án và thời điểm chuyển giao công trình;

- Quyền, nghĩa vụ của các bên và các cam kết bảo lãnh, phân chia rủi ro giữa các Bên ký kết Hợp đồng Dự án, biện pháp xử lý rủi ro phát sinh do lỗi của một trong các bên;

- Những quy định về giá, phí và các khoản thu (bao gồm phương pháp xác định giá, phí và các khoản thu; các Điều kiện Điều chỉnh mức giá, phí và các khoản thu).

- Nghĩa vụ duy trì hoạt động bình thường của công trình;

- Các quy định về tư vấn, giám định thiết kế, thiết bị, thi công, nghiệm thu, vận hành, bảo dưỡng công trình;

- Điều kiện kỹ thuật, tình trạng hoạt động, chất lượng công trình khi chuyển giao, các nguyên tắc xác định giá trị công trình và trình tự chuyển giao công trình;

- Các Điều kiện Điều chỉnh Hợp đồng Dự án;

- Các trường hợp chấm dứt Hợp đồng Dự án trước thời hạn và Điều kiện chuyển nhượng Hợp đồng Dự án.

- Phương thức giải quyết tranh chấp giữa các bên ký kết Hợp đồng Dự án;

- Xử lý vi phạm các nghĩa vụ trong Hợp đồng Dự án;

- Các trường hợp bất khả kháng và nguyên tắc xử lý;

- Các quy định về việc hỗ trợ, cam kết của cơ quan Chính phủ.

- Trách nhiệm của Nhà đầu tư và doanh nghiệp Dự án trong việc chuyển giao công nghệ, huấn luyện kỹ năng quản lý, kỹ thuật để vận hành công trình sau khi chuyển giao.

- Hiệu lực Hợp đồng Dự án.

2. Quyền và nghĩa vụ của Doanh nghiệp Dự án, mối quan hệ giữa Doanh nghiệp Dự án và Nhà đầu tư do các bên thỏa thuận trong Hợp đồng Dự án. Để xác nhận các vấn đề này, các bên có thể thỏa thuận trong Hợp đồng Dự án việc thực hiện một trong các phương thức sau với Điều kiện tuân thủ toàn bộ các quy định của Hợp đồng Dự án.

a) Doanh nghiệp Dự án, sau khi được thành lập theo quy định tại Điều 20 Nghị định này, ký Hợp đồng Dự án để cùng với Nhà đầu tư hợp thành một bên của Hợp đồng đó;

b) Doanh nghiệp Dự án tiếp nhận các quyền và nghĩa vụ của Nhà đầu tư liên quan đến việc thực hiện Dự án. Việc tiếp nhận phải được hợp thức hóa bằng văn bản ký kết giữa các Doanh nghiệp Dự án, Nhà đầu tư và Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Văn bản này là một bộ phận không tách rời của Hợp đồng Dự án.

3. Các bên có thể thỏa thuận trong Hợp đồng Dự án những nội dung khác, bao gồm cả việc bên cho vay được quyền tiếp nhận một phần hoặc toàn bộ các quyền và nghĩa vụ của Doanh nghiệp Dự án (sau đây gọi là quyền tiếp nhận Dự án) trong trường hợp Doanh nghiệp Dự án hoặc Nhà đầu tư không thực hiện được các nghĩa vụ theo Hợp đồng Dự án hoặc Hợp đồng vay, với Điều kiện bên cho vay phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tương ứng của Doanh nghiệp Dự án hoặc Nhà đầu tư quy định tại Hợp đồng Dự án. Điều kiện, thủ tục và nội dung thực hiện quyền tiếp nhận Dự án của bên cho vay phải được quy định tại Hợp đồng vay, văn bản bảo đảm vay hoặc thỏa thuận khác ký kết giữa Doanh nghiệp Dự án hoặc Nhà đầu tư với bên cho vay và phải được Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Điều 16. Áp dụng pháp luật nước ngoài Điều chỉnh quan hệ Hợp đồng Dự án

Đối với Dự án có vốn đầu tư nước ngoài, các Bên ký kết Hợp đồng Dự án, các bên ký kết các Hợp đồng được Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bảo lãnh nghĩa vụ thực hiện Hợp đồng nêu tại Điều 38 của Nghị định này và các bên ký kết các Hợp đồng khác có liên quan đến Dự án được thỏa thuận trong Hợp đồng Dự án việc áp dụng pháp luật nước ngoài nếu thỏa thuận này không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Điều 17. Thẩm tra, cấp Chứng nhận đầu tư

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối tổ chức thẩm tra, cấp Chứng nhận đầu tư cho các Dự án.

2. Thủ tục thẩm tra, cấp Chứng nhận đầu tư được thực hiện như sau:

a) Nhà đầu tư nộp 10 bộ hồ sơ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong đó có ít nhất 01 bộ gốc, để tổ chức thẩm tra, cấp Chứng nhận đầu tư. Hồ sơ Dự án gồm:

- Hợp đồng Dự án;

- Dự án đầu tư xây dựng công trình và Dự án khác (đối với Dự án BT);

- Hợp đồng liên doanh và Điều lệ Doanh nghiệp Dự án (nếu có);

- Các Hợp đồng có liên quan đến việc thực hiện Dự án đã được ký tắt hoặc thỏa thuận sơ bộ về việc mua nguyên liệu, bán sản phẩm (nếu có).

b) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến của các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan;

c) Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, các cơ quan nêu tại điểm b, khoản 1 Điều này cho ý kiến bằng văn bản về Dự án;

d) Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của các cơ quan có liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Chứng nhận đầu tư cho Dự án.

Điều 18. Nội dung Chứng nhận đầu tư

Chứng nhận đầu tư gồm những nội dung chủ yếu sau:

- Tên, địa chỉ của Nhà đầu tư và Doanh nghiệp Dự án;

- Số, ngày cấp Chứng nhận đăng ký kinh doanh (đối với nhà đầu tư đã thành lập tổ chức kinh tế);

- Mục tiêu, địa điểm thực hiện Dự án;

- Tổng vốn đầu tư của Dự án;

- Các ưu đãi đầu tư và bảo lãnh của Chính phủ (nếu có) phù hợp với Hợp đồng Dự án.

Điều 19: Bảo đảm nghĩa vụ thực hiện Hợp đồng Dự án

1. Nhà đầu tư phải thực hiện biện pháp bảo đảm nghĩa vụ theo Hợp đồng Dự án dưới hình thức bảo lãnh của ngân hàng hoặc biện pháp bảo đảm nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật dân sự. Số tiền bảo đảm nghĩa vụ thực hiện Hợp đồng Dự án phải đạt tỷ lệ tối thiểu sau:

a. Đối với Dự án có tổng vốn đầu tư từ 1.500 tỷ đồng trở lên: Tối thiểu bằng 1% tổng vốn đầu tư của Dự án;

b. Đối với Dự án có tổng vốn đầu tư từ 75 tỷ đồng đến dưới 1.500 tỷ đồng: tối thiểu bằng 2% tổng vốn đầu tư của Dự án;

c. Đối với Dự án có tổng vốn đầu tư dưới 75 tỷ đồng: tối thiểu bằng 3% tổng vốn đầu tư của Dự án.

2. Bảo đảm nghĩa vụ thực hiện Hợp đồng Dự án có hiệu lực kể từ ngày Hợp đồng Dự án được ký chính thức đến ngày công trình xây dựng được hoàn thành.

Nghị định 78/2007/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao, hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh, hợp đồng xây dựng - chuyển giao

  • Số hiệu: 78/2007/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 11/05/2007
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 04/06/2007
  • Số công báo: Từ số 330 đến số 331
  • Ngày hiệu lực: 19/06/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH