Hệ thống pháp luật

Chương 6 Nghị định 71/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật nhà ở

Chương 6.

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ NHÀ Ở

Điều 73. Xây dựng định hướng phát triển nhà ở quốc gia

1. Căn cứ vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước từng thời kỳ, Bộ Xây dựng có trách nhiệm xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành định hướng và chiến lược phát triển nhà ở quốc gia cho từng giai đoạn mười năm làm cơ sở cho việc nghiên cứu, hoạch định chính sách về nhà ở và làm căn cứ cho các địa phương xây dựng chương trình phát triển nhà ở của từng địa phương.

2. Định hướng, chiến lược phát triển nhà ở quốc gia bao gồm các nội dung:

a) Khái quát hiện trạng nhà ở toàn quốc;

b) Phân tích, đánh giá kết quả, tồn tại, nguyên nhân công tác phát triển, quản lý nhà ở;

c) Xác định rõ quan điểm, mục tiêu, nhu cầu phát triển nhà ở trong giai đoạn tới, trong đó xác định rõ các chương trình trọng điểm, các quan điểm, mục tiêu, yêu cầu, các chỉ tiêu cơ bản về phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội;

d) Xác định rõ các giải pháp thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu phát triển nhà ở, bao gồm các cơ chế chính sách về quy hoạch, đất đai, hạ tầng kỹ thuật, tài chính, tín dụng và biện pháp tổ chức triển khai thực hiện;

đ) Các nội dung có liên quan khác.

3. Căn cứ vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, định hướng, chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, Bộ Xây dựng nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách phát triển nhà ở trọng điểm để giải quyết nhà ở cho các đối tượng có khó khăn về nhà ở theo các vùng, miền.

4. Các chỉ tiêu cơ bản về phát triển nhà ở trong định hướng, chiến lược phát triển nhà ở quốc gia phải được đưa vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn. Trong quá trình triển khai thực hiện phải sơ kết đánh giá, rà soát, sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung kịp thời định hướng, chương trình đã đề ra cho phù hợp thực tế. Kết thúc kỳ thực hiện phải có tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện.

5. Căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và vùng kinh tế trọng điểm, Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các cơ chế đặc thù và lựa chọn chủ đầu tư có đủ năng lực tài chính và kinh nghiệm để thực hiện đầu tư xây dựng dự án phát triển nhà ở có quy mô lớn hoặc có liên quan đến nhiều địa phương, nhằm góp phần thúc đẩy các khu vực phát triển, bảo đảm an sinh xã hội. Trong trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề xuất thì phải có ý kiến của Bộ Xây dựng trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Điều 74. Xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương

1. Trên cơ sở định hướng, chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, các cơ chế, chính sách về phát triển, quản lý nhà ở hiện hành của trung ương và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cho từng giai đoạn năm năm và mười năm hoặc dài hơn trên địa bàn để trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua trước khi ban hành.

2. Chương trình, kế hoạch phá triển nhà ở của địa phương bao gồm các nội dung chính sau đây:

a) Khái quát hiện trạng nhà ở của địa phương;

b) Phân tích, đánh giá kết quả, tồn tại, nguyên nhân công tác phát triển, quản lý nhà ở của địa phương;

c) Xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, trong đó nêu rõ từng khu vực, từng loại đối tượng trên địa bàn theo quy định sau đây:

- Đối với nhà ở tại khu vực đô thị: phải nêu rõ thực trạng các loại nhà ở (các nhà chung cư xuống cấp nguy hiểm, các khu nhà ở tạm bợ, nhà ổ chuột, khu nhà ở có hạ tầng kỹ thuật không đáp ứng yêu cầu), các khó khăn vướng mắc trong việc xây dựng, cải tạo nhà ở, nhu cầu về nhà ở của từng loại đối tượng và xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở trong từng năm.

Trong chương trình phải đề xuất hướng giải quyết về quỹ đất, công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, về quy hoạch các khu dự án phát triển nhà ở, về nguồn vốn cho đầu tư phát triển nhà ở, cơ chế, chính sách về tài chính đất đai cho phát triển nhà ở, về chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người và phương án giải quyết chỗ ở cho từng loại đối tượng tại đô thị;

- Đối với nhà ở khu vực nông thôn: phải nêu rõ thực trạng về nhà ở của từng khu vực, nhà ở của đồng bào các dân tộc (nếu có), phong tục tập quán về xây dựng nhà ở của người dân, diện tích đất bình quân để xây dựng nhà ở, những khó khăn vướng mắc trong việc phát triển nhà ở, nhu cầu về nhà ở của người dân và kế hoạch phát triển nhà ở trong từng năm.

Trong chương trình phải đề xuất quỹ đất, lập quy hoạch các khu vực xây dựng nhà ở, phương án huy động các nguồn vốn tham gia xây dựng nhà ở, các hình thức hỗ trợ xây dựng nhà ở, chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người.

- Đối với nhà ở công nhân khu công nghiệp (nếu có): phải nêu rõ thực trạng và nhu cầu về nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, lập quy hoạch, tạo quỹ đất xây dựng nhà ở, kế hoạch huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà ở, kế hoạch bố trí nhà ở cho công nhân trong từng năm;

- Đối với nhà ở của các đối tượng khác trên địa bàn, bao gồm: nhà ở cho học sinh, sinh viên, nhà ở cho người nghèo tại đô thị và nông thôn, nhà cho cán bộ, công chức, nhà ở công vụ, nhà ở cho người có công với cách mạng thì phải nêu rõ thực trạng và nhu cầu về nhà ở của từng loại đối tượng, nêu rõ kế hoạch xây dựng nhà ở cho từng loại đối tượng, phương thức tạo điều kiện hỗ trợ về nhà ở (bố trí cho thuê, cho thuê mua nhà ở, hỗ trợ kinh phí, nguyên vật liệu để xây dựng nhà ở, cấp đất xây dựng nhà ở, ưu đãi về tín dụng);

d) Các nội dung có liên quan khác;

đ) Chương trình phát triển nhà ở phải xác định rõ tiến độ thực hiện; nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể của các Sở, Ban, ngành, các cấp chính quyền trong quá trình triển khai thực hiện.

3. Các chỉ tiêu cơ bản về phát triển nhà ở trong chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở phải được đưa vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong từng giai đoạn. Hàng năm phải có sơ kết, đánh giá và thực hiện sửa đổi, điều chỉnh những điểm chưa phù hợp với thực tế. Kết thúc chương trình, kế hoạch phải có tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ và gửi Bộ Xây dựng Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương để theo dõi, kiểm tra. Đối với các thành phố trực thuộc Trung ương thì sau khi Hội đồng nhân dân thành phố thông qua Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, Ủy ban nhân dân thành phố phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi triển khai thực hiện.

5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương cho việc điều tra, khảo sát, xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương mình.

Điều 75. Lập Quỹ phát triển nhà ở

1. Quỹ phát triển nhà ở của địa phương được hình thành từ các nguồn sau đây:

a) Tiền thu từ việc bán, cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn;

b) Trích tối thiểu 10% từ tiền sử dụng đất của các dự án phát triển nhà ở thương mại và các dự án khu đô thị mới trên địa bàn. Mức thu cụ thể do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định;

c) Ngân sách địa phương hỗ trợ hàng năm theo quyết định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;

d) Tiền huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật;

đ) Tiền hỗ trợ, đóng góp tự nguyện từ các tổ chức, cá nhân khác trong và ngoài nước.

2. Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định thành lập Quỹ phát triển nhà ở của địa phương trên cơ sở các nguồn vốn huy động quy định tại khoản 1 điều này và ban hành quy chế quản lý Quỹ này bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Quỹ phát triển nhà ở là tổ chức tài chính nhà nước hoạt động theo nguyên tắc bảo toàn vốn, bù đắp chi phí phát sinh trong quá trình hoạt động và không vì mục đích lợi nhuận;

b) Quỹ phát triển nhà ở được quản lý, điều hành và tổ chức hoạt động theo điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành và tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan;

c) Quỹ phát triển nhà ở được miễn, giảm các loại thuế và nộp ngân sách nhà nước theo hướng dẫn của Bộ Tài chính;

d) Quỹ phát triển nhà ở của địa phương được sử dụng để phát triển nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước trên phạm vi địa bàn.

Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng hướng dẫn việc tổ chức, hoạt động đối với Quỹ phát triển nhà ở của các địa phương.

3. Căn cứ vào điều kiện của từng địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể ủy thác cho Quỹ đầu tư phát triển của địa phương thực hiện quản lý các hoạt động của Quỹ phát triển nhà ở quy định tại khoản 2 điều này.

4. Ngoài Quỹ phát triển nhà ở quy định tại điều này, giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về việc thành lập, hoạt động, cơ chế quản lý, nguồn đóng góp, cơ chế cho vay, đối tượng cho vay của Quỹ tiết kiệm nhà ở để phục vụ cho các đối tượng gặp khó khăn về nhà ở được vay vốn mua nhà ở hoặc để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vay vốn xây dựng nhà ở xã hội.

Điều 76. Quản lý và cung cấp thông tin về nhà ở

1. Cơ quan có trách nhiệm quản lý hồ sơ về nhà ở:

a) Sở Xây dựng quản lý hồ sơ về nhà ở của tổ chức; người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở tại Việt Nam; cá nhân nước ngoài; nhà ở thuộc sở hữu chung của tổ chức và cá nhân;

b) Phòng có chức năng quản lý nhà ở cấp huyện quản lý hồ sơ về nhà ở của cá nhân (gồm cá nhân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất).

2. Hồ sơ nhà ở bao gồm các nội dung theo quy định tại khoản 3 Điều 66 của Luật Nhà ở và các giấy tờ khác liên quan đến nhà ở.

3. Cơ quan quản lý hồ sơ nhà ở có trách nhiệm cung cấp các thông tin về nhà ở cho các cơ quan quy định tại khoản 7 điều này và các tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến nhà ở đó khi họ có yêu cầu.

4. Thông tin về nhà ở là các thông tin liên quan đến hiện trạng và tình trạng pháp lý của nhà ở, đất ở có trong hồ sơ nhà ở.

5. Tổ chức, cá nhân đề nghị cung cấp thông tin về nhà ở phải có văn bản đề nghị cung cấp thông tin. Văn bản đề nghị phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người yêu cầu cung cấp thông tin, nội dung các thông tin đề nghị cung cấp và mục đích của việc đề nghị cung cấp thông tin.

6. Hình thức cung cấp thông tin có thể bằng văn bản trả lời, cung cấp thông tin qua mạng điện tử, sao chụp hoặc trích lục hồ sơ.

7. Tổ chức, cá nhân yêu cầu cung cấp thông tin về nhà ở phải trả phí cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý hồ sơ nhà ở, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề nghị cung cấp thông tin phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về nhà ở và cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân đề nghị cung cấp thông tin phục vụ cho công tác điều tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, các vụ án về nhà ở.

Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Xây dựng quy định mức thu, tỷ lệ trích nộp ngân sách và chế độ sử dụng phí cung cấp thông tin quy định tại điều này.

Điều 77. Điều tra, thống kê, xây dựng dữ liệu về nhà ở

1. Điều tra, thống kê về nhà ở được thực hiện định kỳ năm năm và mười năm một lần theo quy định sau đây:

a) Định kỳ mười năm một lần, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức điều tra, thống kê nhà ở cùng với tổng điều tra số và nhà ở trong cả nước;

b) Định kỳ năm năm một lần (tính giữa mỗi kỳ tổng điều tra dân số và nhà ở), Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức điều tra điểm, điều tra mẫu về nhà ở tại một số xã, phường, thị trấn của một số tỉnh, thành phố thuộc các vùng, miền khác nhau trong cả nước để thống kê số liệu về tình hình phát triển nhà ở phục vụ cho công tác hoạch định chính sách phát triển nhà ở trong cả nước.

Trước khi tổ chức thực hiện điều tra nhà ở quy định tại điểm này, Bộ Xây dựng có trách nhiệm lập kế hoạch điều tra và đề xuất kinh phí điều tra báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

2. Kinh phí điều tra, thống kê và xây dựng cơ sở dữ liệu về nhà ở quy định tại điều này được bố trí từ ngân sách nhà nước.

Điều 78. Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về phát triển, quản lý nhà ở và thị trường bất động sản

1. Cán bộ, công chức làm việc trong lĩnh vực quản lý, phát triển nhà ở và thị trường bất động sản của các cấp, các ngành ít nhất ba năm một lần phải tham dự lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về phát triển, quản lý nhà ở và thị trường bất động sản. Các cơ quan, đơn vị có liên quan đến lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản có trách nhiệm bố trí và tạo điều kiện để cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo quy định tại điều này.

Đối với các cá nhân, doanh nghiệp tham gia hoạt động quản lý vận hành nhà chung cư (kể cả các công trình nhà ở có mục đích sử dụng hỗn hợp) thì phải tham dự khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý vận hành nhà chung cư theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

2. Bộ Xây dựng quy định về kế hoạch, chương trình, nội dung đào tạo và phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về phát triển, quản lý nhà ở và thị trường bất động sản cho đội ngũ cán bộ, công chức làm việc trong lĩnh vực quản lý, phát triển nhà ở và các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động quản lý vận hành nhà chung cư quy định tại điều này.

3. Kinh phí đào tạo do các cơ quan, đơn vị cử học viên tham dự khóa học thanh toán cho cơ sở đào tạo.

Điều 79. Trách nhiệm của Bộ Xây dựng

1. Giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về nhà ở trên phạm vi cả nước

2. Nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành định hướng, chiến lược phát triển nhà ở quốc gia cho từng giai đoạn theo quy định của Nghị định này.

3. Nghiên cứu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung, ban hành theo thẩm quyền các văn bản liên quan đến quản lý và phát triển nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định này.

4. Trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện chiến lược, các chương trình, mục tiêu quốc gia về nhà ở do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

5. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các Bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong quá trình triển khai thực hiện Luật Nhà ở và Nghị định này; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định có liên quan đến nhà ở nhưng được giao cho các Bộ, ngành khác triển khai thực hiện.

6. Thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định của Nghị định này và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

7. Định kỳ hàng năm và theo yêu cầu đột xuất báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai Luật Nhà ở và Nghị định này trên phạm vi cả nước.

Điều 80. Trách nhiệm quản lý nhà nước về nhà ở của các Bộ, ngành liên quan

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Xây dựng thực hiện quản lý nhà nước về nhà ở.

2. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản liên quan đến quản lý, phát triển nhà ở theo chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao hoặc phối hợp với Bộ Xây dựng trong việc nghiên cứu soạn thảo chính sách, tham gia chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện và kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và phát triển nhà ở của các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 81. Trách nhiệm quản lý nhà nước về nhà ở của địa phương

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:

a) Thực hiện quản lý nhà nước về nhà ở trên địa bàn;

b) Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương, bao gồm chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở nói chung và các chương trình mục tiêu của địa phương về hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng xã hội gặp khó khăn về nhà ở;

c) Công bố công khai trên Website của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và của Sở Xây dựng quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2000 và quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, các dự án phát triển nhà ở đang được triển khai thực hiện, các trường hợp chuyển nhượng dự án, thay đổi chủ đầu tư và tiến độ thực hiện các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn;

d) Lập quy hoạch và bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công vụ theo quy định của Nghị định này;

đ) Tổ chức thực hiện quản lý quỹ nhà ở công vụ và nhà ở xã hội được xây dựng bằng vốn ngân sách của địa phương;

e) Xác định danh mục nhà biệt thự để thực hiện quản lý theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan;

g) Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện, kiểm tra, thanh tra công tác quản lý và phát triển nhà ở trên địa bàn theo chức năng nhiệm vụ được giao;

h) Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và phát triển nhà ở;

i) Xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về nhà ở;

k) Chủ trì hoặc phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định này;

l) Định kỳ hàng năm hoặc theo yêu cầu đột xuất báo cáo cấp trên về tình hình triển khai Luật Nhà ở và Nghị định này trên địa bàn.

2. Giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn là Sở Xây dựng.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm thực hiện việc quản lý nhà nước về nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu chậm trễ thực hiện hoặc không thực hiện các quy định của Luật Nhà ở và Nghị định này.

Điều 82. Ban Chỉ đạo về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản

1. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản để giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo và phối hợp giải quyết những vẫn đề quan trọng, liên ngành có liên quan đến chính sách quản lý, phát triển nhà ở và thị trường bất động sản trên phạm vi toàn quốc.

2. Ban Chỉ đạo trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản có nhiệm vụ, quyền hạn: chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các chương trình phát triển nhà ở, các chủ trương, chính sách về nhà ở và thị trường bất động sản tại các Bộ, ngành và các địa phương; tham gia góp ý các chính sách lớn, quan trọng liên quan đến nhà ở và thị trường bất động sản; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc đình chỉ việc thi hành các văn bản có liên quan đến nhà ở và thị trường bất động sản do các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành trái với quy định của pháp luật về nhà ở và thị trường bất động sản.

3. Căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản cấp tỉnh để giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách liên quan đến lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản tại địa phương.

4. Các thành viên của Ban Chỉ đạo và Tổ chuyên gia giúp việc Ban Chỉ đạo về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và được hưởng phụ cấp theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo do ngân sách nhà nước cùng cấp cấp.

5. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo và các tổ chức giúp việc Ban Chỉ đạo ở Trung ương do Thủ tướng Chính phủ quy định, ở địa phương do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

Nghị định 71/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật nhà ở

  • Số hiệu: 71/2010/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 23/06/2010
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 08/07/2010
  • Số công báo: Từ số 382 đến số 383
  • Ngày hiệu lực: 08/08/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH