Hệ thống pháp luật

Mục 3 Chương 2 Nghị định 71/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật nhà ở

MỤC 3. PHÁT TRIỂN VÀ QUẢN LÝ QUỸ NHÀ Ở CÔNG VỤ

Điều 17. Phát triển nhà ở công vụ

1. Dự án phát triển nhà ở công vụ bao gồm ba loại sau đây:

a) Dự án phát triển nhà ở công vụ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đầu tư để cho các đối tượng thuộc diện địa phương quản lý thuê;

b) Dự án phát triển nhà ở công vụ do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư để cho các đối tượng thuộc diện trung ương quản lý thuê;

c) Dự án phát triển nhà ở công vụ do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quyết định đầu tư để cho các đối tượng thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quản lý thuê sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư.

2. Lựa chọn chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở công vụ:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định lựa chọn chủ đầu tư đối với dự án phát triển nhà ở quy định tại điểm a khoản 1 điều này;

b) Thủ tướng Chính phủ quyết định lựa chọn chủ đầu tư đối với dự án phát triển nhà ở quy định tại điểm b khoản 1 điều này;

c) Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quyết định lựa chọn chủ đầu tư đối với dự án phát triển nhà ở quy định tại điểm c khoản 1 điều này.

Điều 18. Lập, thẩm định và phê duyệt dự án phát triển nhà ở công vụ

1. Nội dung dự án phát triển nhà ở công vụ được lập theo quy định tại Điều 6 của Nghị định này.

2. Đối với dự án phát triển nhà ở công vụ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đầu tư thì Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan ở địa phương thẩm định dự án trước khi trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt. Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định đầu tư (đối với dự án dưới 30 tỷ đồng) thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị định này.

3. Đối với dự án phát triển nhà ở công vụ do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư thì Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan thẩm định dự án để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

4. Đối với dự án phát triển nhà ở công vụ do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quyết định đầu tư thì Bộ Công an, Bộ Quốc phòng lấy ý kiến của Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước khi thẩm định và phê duyệt dự án.

5. Nội dung phê duyệt dự án phát triển nhà ở công vụ được thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 7 của Nghị định này.

6. Đối với các khu vực thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo thì có thể gộp chung việc đầu tư xây dựng nhà ở công vụ vào dự án đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, trường học hoặc cơ sở y tế và có thể thực hiện xây dựng trong khuôn viên của trụ sở làm việc, trường học hoặc cơ sở y tế đó, nhưng phải có hàng rào phân định ranh giới khu vực nhà ở công vụ và nơi làm việc.

Điều 19. Vốn đầu tư xây dựng nhà ở công vụ

1. Đối với nhà ở công vụ được xây dựng để bố trí cho các đối tượng thuộc diện địa phương quản lý thuê thì sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách địa phương.

Căn cứ vào nhu cầu về nhà ở công vụ của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm lập kế hoạch vốn trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định. Đối với các địa phương thuộc diện được hỗ trợ hàng năm từ ngân sách trung ương mà có khó khăn về vốn xây dựng nhà ở công vụ thì phải báo cáo Bộ Xây dựng để phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

2. Đối với nhà ở công vụ được xây dựng để bố trí cho các đối tượng thuộc diện các cơ quan trung ương quản lý thuê (bao gồm cả nhà ở của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an) thì sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách trung ương.

Cơ quan được giao xây dựng nhà ở công vụ cho các đối tượng thuộc diện cơ quan trung ương quản lý thuê có trách nhiệm gửi thông báo về nhu cầu vốn xây dựng nhà ở công vụ cho Bộ Xây dựng để chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính lập kế hoạch vốn trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

3. Vốn đầu tư xây dựng nhà ở công vụ được bố trí từ các nguồn sau đây:

a) Ngân sách trung ương theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; ngân sách địa phương theo quyết định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;

b) Trích từ tiền bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với diện tích nhà, đất được bố trí làm nhà công sở nhưng không còn nhu cầu sử dụng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 20. Quỹ đất xây dựng nhà ở công vụ

1. Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền có trách nhiệm xác định quỹ đất để xây dựng nhà ở công vụ quy định tại khoản 1 Điều 17 của Nghị định này trên địa bàn khi tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị, điểm dân cư nông thôn.

2. Cơ quan được giao xây dựng nhà ở công vụ cho các đối tượng thuộc diện cơ quan trung ương quản lý thuê có trách nhiệm thông báo nhu cầu về nhà ở công vụ cho Bộ Xây dựng để phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định quỹ đất xây dựng nhà ở công vụ và đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương.

Căn cứ vào yêu cầu của Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm lập kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất và bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở công vụ theo quy định của Nghị định này.

3. Miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất được giao để thực hiện các dự án phát triển nhà ở công vụ.

Điều 21. Loại nhà và tiêu chuẩn diện tích nhà ở công vụ

1. Nhà ở công vụ có tiêu chuẩn diện tích, chất lượng và loại nhà phù hợp với các đối tượng sử dụng, bảo đảm cho các đối tượng được thuê có điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

2. Cán bộ, công chức đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng và tương đương trở lên thuộc đối tượng được thuê nhà ở công vụ được bố trí thuê loại nhà biệt thự. Các đối tượng khác được bố trí thuê nhà chung cư hoặc nhà ở thấp tầng (nhà ở riêng lẻ, nhà một tầng nhiều gian) đối với khu vực chưa phát triển nhà chung cư.

3. Nhà ở công vụ gồm các loại: nhà biệt thự, nhà chung cư, nhà ở riêng lẻ, nhà một tầng nhiều gian. Tiêu chuẩn diện tích nhà ở công vụ do Thủ tướng Chính phủ quy định và được điều chỉnh cho phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo đề xuất của Bộ Xây dựng.

4. Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể thiết kế mẫu, thiết kế điển hình các loại nhà ở công vụ quy định tại điều này.

Điều 22. Thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở công vụ

1. Việc thiết kế, lập dự toán, lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị thi công xây dựng nhà ở công vụ phải tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật về quản lý, sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

2. Đơn vị tư vấn thiết kế nhà ở công vụ phải áp dụng các quy định về tiêu chuẩn thiết kế, các giải pháp công nghệ thi công và sử dụng vật liệu hợp lý nhằm bảo đảm mục tiêu về tiến độ, chất lượng và hạ giá thành xây dựng.

Điều 23. Đối tượng được thuê nhà ở công vụ

1. Cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước thuộc diện ở nhà công vụ trong thời gian đảm nhận chức vụ.

2. Cán bộ, công chức thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội được luân chuyển hoặc điều động có thời hạn theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền từ địa phương về trung ương, từ trung ương về địa phương hoặc từ địa phương này sang địa phương khác mà có đủ điều kiện quy định tại Điều 24 của Nghị định này thì được thuê nhà ở công vụ trong thời gian thực hiện công vụ.

3. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được điều động, phục vụ theo yêu cầu quốc phòng, an ninh.

4. Giáo viên được cử đến công tác tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo.

5. Bác sĩ, nhân viên y tế được cử đến công tác tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo hoặc được cử luân phiên có thời hạn xuống công tác tại các bệnh viện, các trung tâm y tế tuyến dưới.

Điều 24. Điều kiện được thuê nhà ở công vụ

1. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 23 của Nghị định này được bố trí nhà ở công vụ theo yêu cầu an ninh.

2. Các đối tượng thuộc diện quy định tại các khoản 2, 3, 4 và khoản 5 Điều 23 của Nghị định này được bố trí thuê nhà ở công vụ phải là người chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội tại địa phương nơi đến công tác.

Điều 25. Sắp xếp, bố trí và ký hợp đồng cho thuê nhà ở công vụ

1. Đối tượng thuộc diện quy định tại khoản 1 Điều 23 của Nghị định này được bố trí thuê nhà ở công vụ theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quyết định đối tượng được thuê nhà ở công vụ thuộc diện quản lý.

2. Các đối tượng thuộc diện được thuê nhà ở công vụ quy định tại các khoản 2, 3, 4 và khoản 5 Điều 23 của Nghị định này phải có đơn đề nghị thuê nhà ở công vụ có xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi đang công tác.

3. Cơ quan, tổ chức nơi người có nhu cầu thuê nhà ở công vụ đang công tác tập hợp đơn đề nghị thuê nhà ở công vụ của các đối tượng quy định tại khoản 2 điều này và có văn bản gửi đơn vị được giao quản lý vận hành nhà ở công vụ.

4. Căn cứ quyết định bố trí nhà ở công vụ của cấp có thẩm quyền, của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đối với trường hợp quy định tại khoản 1 điều này; đơn của người thuê nhà ở và văn bản đề nghị của cơ quan, tổ chức đang trực tiếp quản lý người thuê nhà ở đối với trường hợp quy định tại khoản 3 điều này, đơn vị được giao quản lý vận hành nhà ở công vụ thực hiện ký hợp đồng cho thuê nhà ở với người thuê hoặc ký hợp đồng với cơ quan đang trực tiếp quản lý người thuê nhà ở.

Điều 26. Giá cho thuê nhà ở công vụ

1. Giá cho thuê nhà ở công vụ được xác định theo các nguyên tắc sau đây:

a) Tính đủ các chi phí cần thiết để thực hiện quản lý, vận hành và bảo trì trong quá trình sử dụng nhà ở (không tính chi phí khấu hao vốn đầu tư xây dựng);

b) Không tính tiền sử dụng đất;

c) Giá cho thuê nhà ở công vụ được xem xét, điều chỉnh năm năm một lần.

2. Căn cứ vào các nguyên tắc quy định tại khoản 1 điều này và phương pháp xác định giá cho thuê nhà ở công vụ theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng có trách nhiệm xây dựng và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành khung giá cho thuê nhà ở công vụ để áp dụng thống nhất trên địa bàn. Trên cơ sở khung giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành, cơ quan quản lý nhà ở công vụ trình người quyết định đầu tư phê duyệt giá cho thuê nhà ở công vụ do mình quản lý.

Điều 27. Thanh toán tiền thuê nhà ở công vụ

1. Người được thuê nhà ở công vụ có trách nhiệm trả tiền thuê nhà ở theo đúng nội dung hợp đồng thuê nhà đã ký kết và phù hợp với thời điểm được Nhà nước thanh toán tiền lương theo quy định. Trường hợp người thuê không trả tiền thuê trong ba tháng liên tục thì đơn vị quản lý vận hành nhà ở công vụ có quyền yêu cầu cơ quan đang trực tiếp quản lý người thuê nhà ở công vụ khấu trừ từ tiền lương của người thuê nhà để trả tiền thuê nhà; cơ quan đang trực tiếp quản lý người thuê nhà ở có trách nhiệm khấu trừ tiền lương của người thuê nhà để trả cho đơn vị quản lý vận hành nhà ở công vụ.

2. Trường hợp đơn vị quản lý vận hành nhà ở công vụ ký hợp đồng thuê nhà với cơ quan đang trực tiếp quản lý người thuê nhà ở công vụ thì cơ quan này có trách nhiệm trích từ tiền lương của người thuê nhà ở để trả cho đơn vị quản lý vận hành nhà ở công vụ.

Điều 28. Quản lý sử dụng nhà ở công vụ

1. Nhà ở công vụ chỉ sử dụng để cho thuê. Việc quản lý, bảo trì, cải tạo nhà ở công vụ được thực hiện theo quy định về quản lý, bảo trì, cải tạo nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

2. Người quyết định đầu tư dự án phát triển nhà ở công vụ quyết định lựa chọn đơn vị quản lý vận hành nhà ở công vụ sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng.

3. Hoạt động quản lý vận hành nhà ở công vụ được hưởng các cơ chế như đối với dịch vụ công ích theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Bộ Xây dựng quy định và hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nhà ở công vụ để áp dụng thống nhất trong cả nước.

Điều 29. Quyền và nghĩa vụ của người thuê nhà ở công vụ

1. Sử dụng nhà ở đúng mục đích, có trách nhiệm giữ gìn nhà ở và các tài sản kèm theo; không được tự ý cải tạo, sửa chữa nhà ở công vụ.

2. Không được chuyển đổi hoặc cho thuê lại nhà ở dưới bất kỳ hình thức nào và phải trả lại nhà ở cho đơn vị quản lý vận hành nhà ở công vụ trong thời hạn ba tháng kể từ khi không còn thuộc đối tượng được thuê nhà ở công vụ hoặc khi không còn nhu cầu thuê nhà ở công vụ.

3. Đối tượng được bố trí thuê nhà ở công vụ phải trả tiền thuê nhà ở hàng tháng theo quy định tại Điều 27 của Nghị định này. Việc chi trả các khoản chi phí phục vụ sinh hoạt khác thực hiện theo quy định của pháp luật.

4. Được sử dụng nhà ở công vụ để ở cho bản thân và các thành viên trong gia đình.

5. Đối với trường hợp thuộc diện được thuê nhà ở công vụ nhưng chưa có nhà ở công vụ để bố trí thuê thì cơ quan, tổ chức đang trực tiếp quản lý cán bộ có trách nhiệm thuê nhà ở cho họ với tiêu chuẩn tương đương của tiêu chuẩn nhà ở công vụ mà họ được bố trí thuê và trích từ tiền lương của người thuê nhà để trả tiền thuê nhà.

Trong trường hợp tiền thuê nhà ở cao hơn giá cho thuê mà người thuê nhà phải trả thì ngân sách nhà nước chi trả phần chênh lệch đó theo nguyên tắc ngân sách trung ương chi trả cho cán bộ thuộc diện cơ quan trung ương quản lý, ngân sách địa phương chi trả cho cán bộ thuộc diện cơ quan địa phương quản lý.

6. Khi người thuê nhà phải trả lại nhà ở công vụ theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 30 của Nghị định này mà chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc chưa được mua, được thuê, thuê mua nhà ở xã hội tại nơi cư trú sau khi trả nhà ở công vụ thì cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi người đó cư trú bố trí cho họ được mua, được thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội hoặc hỗ trợ bằng hình thức khác để họ có nhà ở.

Điều 30. Trách nhiệm của đơn vị quản lý vận hành nhà ở công vụ

1. Cho thuê đúng đối tượng và điều kiện theo quy định tại Điều 23 và Điều 24 của Nghị định này.

2. Tập hợp và lưu giữ đầy đủ hồ sơ nhà ở công vụ.

3. Phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương trong việc đảm bảo an ninh, trật tự đối với nhà ở công vụ. Các cơ quan chức năng về an ninh, trật tự có trách nhiệm phối hợp theo yêu cầu của đơn vị quản lý nhà ở công vụ.

4. Thực hiện việc bảo trì, quản lý vận hành nhà ở công vụ theo quy định của Luật Nhà ở, Nghị định này và các quy định của pháp luật về xây dựng.

5. Thu tiền thuê nhà ở của người được bố trí thuê nhà ở công vụ.

6. Thu hồi nhà ở công vụ trong các trường hợp sau đây:

a) Khi người thuê nhà hết tiêu chuẩn được thuê nhà ở công vụ;

b) Khi người thuê nhà chuyển công tác đến địa phương khác.

c) Khi người thuê nhà có nhu cầu trả lại nhà ở công vụ;

d) Khi người đang thuê nhà ở công vụ bị chết;

đ) Khi người thuê nhà sử dụng nhà ở công vụ sai mục đích hoặc không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người thuê nhà ở công vụ.

Nghị định 71/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật nhà ở

  • Số hiệu: 71/2010/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 23/06/2010
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 08/07/2010
  • Số công báo: Từ số 382 đến số 383
  • Ngày hiệu lực: 08/08/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH